Chủ giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Giảng từ ngày 11/05/1999 đến 20/04/2000
Giảng tại Singapore, Australia, Hồng Kông.
Tổng cộng 195 Tập (AMTB), Bộ dịch gộp 128 Tập
Chuyển ngữ: Ban biên dịch Tịnh Không Pháp Ngữ
Giám định biên dịch: Vọng Tây Cư Sĩ
Các vị đồng tu, xin chào mọi người!
Hôm nay tại đây có các đồng tu đến từ tỉnh Hắc Long Giang- Trung Quốc, cũng có các đồng tu đến từ Đài Loan. Lần tụ hội này thật là hiếm có. Lần này hội trưởng Lý vừa trở về từ Trung Quốc, hiện nay mọi người đều ý thức được sứ mạng hoằng pháp lợi sanh mà người xuất gia đảm nhận, vì vậy việc tu dưỡng đức hạnh vô cùng quan trọng. Vậy thì công việc này nên bắt đầu thực hiện từ đâu? Ngày xưa khi chúng tôi còn đi học ở trường, có thời khoá gọi là giáo dục tinh thần. Buổi sáng hằng ngày làm lễ chào cờ, nghe lời dặn dò của thầy hiệu trưởng và các thầy cô, nội dung là dạy bảo chúng tôi cách làm người. Chúng tôi nhờ những lời giáo huấn hằng ngày của thầy cô nên lãnh hội được ít nhiều đạo lý làm người, đạo lý xử thế.
Ngày nay tứ chúng đồng tu chúng ta tụ hội tại nơi đây, sáng sớm mỗi ngày họp mặt nửa tiếng, mục đích cũng là như trên, nửa giờ đồng hồ này vô cùng quan trọng. Yêu cầu của các đồng tu là muốn tôi lợi dụng thời gian của buổi sáng sớm này để giảng lại một lần nữa Thái Thượng Cảm Ứng Thiên. Nội dung của Thái Thượng Cảm Ứng Thiên chính là giúp chúng ta thành tựu việc giáo dục đức hạnh của chính mình. Hiện tại vấn đề này quả thực vô cùng bức thiết. Ấn Quang Đại sư đã nhìn ra vấn đề này rất rõ ràng, rất minh bạch. Cho nên cả cuộc đời Ngài cực lực đề xướng giáo dục nhân quả.
Thực chất của giáo dục nhân quả chính là giáo dục đức hạnh. Điều này chúng tôi trong khi giảng kinh cũng đã nhiều lần báo cáo với các bạn rồi. Phật trong Kinh luận thường nói: “Muốn biết nhân đời trước, xem quả báo đời này. Muốn biết quả tương lai, xét nhân gieo hiện tại.” Đây là đại đạo lý của nhân quả. Chúng ta muốn biết tiền đồ của mình là tươi sáng hay là đen tối thì ngay trong khởi tâm động niệm, cử chỉ hành vi của mình đại khái sẽ biết được. Chúng ta muốn biết thế gian này là loạn thế hay là an ổn thì chúng ta chỉ cần xem người trong xã hội này nghĩ những điều gì, nói những điều gì, làm những điều gì. Xã hội hiện nay là như thế nào, xã hội trong tương lai sẽ diễn biến ra sao, chúng ta sẽ biết rất rõ ràng, rất tường tận. Thế nhưng nếu chúng ta tự mình phản tỉnh, cẩn thận quan sát xã hội này thì tiền đồ quả thật khiến chúng ta lo lắng. Đó chính là hiện tượng phổ biến của việc tự tư tự lợi. Tất cả cử chỉ hành vi đa phần đều là tổn người lợi mình.
Xã hội ngày nay chúng ta thường nghe đến hai chữ “cạnh tranh”, cạnh tranh chính là không nhường nhịn lẫn nhau, như vậy thì xã hội làm sao không loạn được, làm sao có thể an định, làm sao có thể hoà bình được? Ngày nay hoà bình trở thành một khẩu hiệu, hoà bình biến thành một cái danh nghĩa rồi. Rất nhiều người đều đang kêu gọi hoà bình, hô hào hoà bình, thế nhưng hai chữ “hoà bình” diễn nói thế nào họ cũng không biết. Trong Ấn Độ giáo có nghi thức cầu nguyện hoà bình với ba mức độ ý nghĩa khác nhau. Tôi đã từng giải thích sơ lược qua với các bạn rồi. Chữ “hoà” chính là mọi người chung sống hoà mục, chữ “bình” là đôi bên bình đẳng đối đãi lẫn nhau.
Ý nghĩa đầu tiên của hai chữ “hoà bình” chính là chúng ta cầu nguyện người và người có thể chung sống hoà mục với nhau, không phân biệt chủng tộc, không phân biệt quốc gia dân tộc, không phân biệt tín ngưỡng tôn giáo. Hết thảy mọi người đều có thể chung sống hoà mục, tôn trọng lẫn nhau, kính yêu lẫn nhau, cùng nhau giúp đỡ, hợp tác và đối đãi bình đẳng. Đây chính là ý nghĩa đầu tiên của “hoà bình”.
Ý nghĩa thứ hai của “hoà bình” là mong cầu nhân loại chúng ta chung sống hoà mục với hoàn cảnh tự nhiên. Trong môi trường sống của chúng ta có động vật, có thực vật, có khoáng vật, chúng ta cần yêu thương chúng và cũng cần chung sống bình đẳng với chúng. Ý nghĩa thứ ba của “hoà bình” là chúng ta mong cầu chung sống hoà mục với chư thần trong trời đất, giữa thần với thần, giữa người với thần cũng đều đối đãi bình đẳng. Chúng ta kính trọng thần thánh, trong mỗi một tôn giáo đều đặc biệt nhấn mạnh việc kính yêu thần thánh. Chúng ta cần đem tâm hạnh tôn kính thần, kính yêu thần áp dụng vào trong cuộc sống hằng ngày như đối với tất cả người, đối với tất cả việc và đối với tất cả vật. Điều này mới là thật sự tôn kính đối với chư thần.
Ba ý nghĩa của “hoà bình” rất sâu sắc. Chúng ta hiểu rõ, chúng ta có thể làm được và áp dụng vào trong cuộc sống hằng ngày, như vậy xã hội mới có sự an định, thế giới mới có hoà bình, chúng sanh mới được hạnh phúc. Những điều này cần phải được xây dựng trên sự tu dưỡng đức hạnh của chúng ta. Trong bốn khoa mục giáo học của nhà Nho, điều đầu tiên là đức hạnh, điều thứ hai là ngôn ngữ, tiếp theo mới là chánh sự và văn học. Sự giáo dục này có thứ tự, có trước sau. Chúng ta lại tỉ mỉ quan sát giáo dục của mỗi tôn giáo cũng đều đem giáo dục đức hạnh xếp ở vị trí thứ nhất. Do vậy chúng ta không thể không xem trọng, không thể không chăm chỉ học tập.
Phải làm thế nào mới có thể khiến cho chính mình chân thật quay đầu, chịu hạ công phu vào việc tu dưỡng đức hạnh? Năm xưa có lần tôi ở Houston nước Mỹ trò chuyện cùng với con trai của Niệm công, anh ấy là giáo sư đại học, là con của lão cư sĩ Thái Niệm Sinh. Khi chúng tôi cùng nhau ăn cơm có nói đến vấn đề này. Anh ấy nói với tôi một câu: hiện nay nguyên nhân con người không thể phấn đấu tiến bộ đi lên là do “không biết nhục”. Tôi nghe rồi rất có cảm xúc. Thánh nhân dạy chúng ta: “Tri sỉ cận hồ dũng” (biết hổ thẹn là gần với đức dũng). Chữ “dũng” ở đây chính là dũng mãnh tinh tấn mà nhà Nho nói đến, chúng ta đã lơ là bỏ qua rồi.
Như thế nào là sỉ nhục? Không bằng người khác là nhục. Và người như thế nào là tiêu chuẩn? Chư Phật Như Lai chính là tiêu chuẩn. Chúng ta so với chư Phật Như Lai thì không bằng các Ngài. Phật đã nói cho chúng ta rất rõ ràng, rất minh bạch: “Hết thảy chúng sanh đều có đức tướng trí huệ Như Lai, nhưng do vọng tưởng, phân biệt, chấp chước nên không thể chứng đắc.”. Hay nói cách khác, nếu chúng ta không buông xuống vọng tưởng, phân biệt, chấp chước thì chính là không biết nhục. Tất cả chúng sanh vốn thành Phật vậy tại sao mình lại rơi vào bước đường này chứ? Cư sĩ Thái nói rất hay, lúc đó ông nói với tôi, ông muốn phát động một chương trình gọi là “hoạt động biết nhục”. Tôi nói: Suy nghĩ này rất tốt, nên tập hợp những đạo hữu có cùng chí nguyện tổ chức thành một “Tri sỉ học xã”, chúng ta thúc đẩy “hoạt động biết nhục”.
Nói thật ra suy nghĩ này là từ cách nói căn bản, từ cách làm căn bản. Khổng lão phu tử thường nói: “Hành kỉ hữu sỉ” chính là biết nhục. Người không biết nhục thì vĩnh viễn không bao giờ có thể phấn đấu tiến lên được mà nhất định cam chịu đọa lạc. Người biết nhục nhất định sẽ không làm điều ác, đoạn ác tu thiện, họ sẽ vui vẻ tiếp nhận, vui vẻ phụng hành.
Thế gian hiện nay tai nạn rất nhiều, vậy tai nạn từ đâu mà ra? Trong kinh luận Phật thường nói: “Nhất thiết pháp từ tâm tưởng sanh”. Thế giới Tây Phương Cực Lạc từ tâm tưởng sanh, tịnh độ của chư Phật cũng là từ tâm tưởng sanh, tâm thanh tịnh thì sanh tịnh độ. Phật trong kinh có nói: thế gian này của chúng ta, tâm của chúng sanh không thanh tịnh. Do vậy nhãn quang của Phật Bồ-tát nhìn thế giới chúng ta là “Ngũ trược ác thế”. Chữ “trược” chính là không thanh tịnh, là hỗn trược, chữ “ác” chính là chúng sanh tạo thập ác nghiệp, không tạo thập thiện nghiệp mà tạo thập ác nghiệp. Thân thì tạo nghiệp sát đạo dâm. Khẩu thì tạo nghiệp vọng ngữ, lưỡng thiệt, ỷ ngữ, ác khẩu. Ý niệm thì tạo nghiệp tham sân si mạn. Do đó hoàn cảnh sinh sống của chúng ta chẳng qua đều là do nghiệp cảm biến hiện ra mà thôi. Nghiệp của chúng ta ngày nay bất thiện, nếu mong muốn hoàn cảnh sống tốt thì không thể nào có được. Trong kinh thường nói “không có việc như thế”.
Chúng ta quan sát thì sẽ thấy thập ác nghiệp đang tăng trưởng, tăng trưởng với cấp số nhân. Chúng tôi đi qua nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ thì thấy tình trạng này đang phổ biến tăng trưởng. Chúng ta làm sao có thể không lo lắng được chứ? Quả báo này chính là đại kiếp nạn của thế giới. Tai nạn là do nghiệp lực của chúng ta chiêu cảm. Vì vậy rất nhiều đồng tu hỏi: dùng phương pháp gì để tiêu trừ tai nạn? Phương pháp tiêu trừ thì có, nhưng làm không được. Chúng ta hiểu rõ đạo lý này rồi thì chỉ cần hồi tâm chuyển ý, đoạn ác tu thiện, không tạo thập ác nghiệp nữa mà quay lại tu thập thiện nghiệp. Ý niệm của chúng ta, hành vi của chúng ta thật sự chuyển lại được thì tai nạn của thế gian này liền được tiêu trừ. Hiện tại chúng ta không cần hỏi người khác mà hãy hỏi chính mình. Chính mình có chịu chuyển đổi hay không?
Vậy phải bắt đầu chuyển đổi từ đâu? Từ buông bỏ suy nghĩ tự tư tự lợi của chính mình, bắt đầu chuyển đổi từ đây. Bắt đầu từ hôm nay sẽ không suy nghĩ đến tự tư tự lợi nữa mà khởi tâm động niệm là nghĩ đến lợi ích xã hội đại chúng, nghĩ đến lợi ích của hết thảy chúng sanh. Đây chính là đem suy nghĩ chuyển đổi trở lại từ căn gốc, sau đó đoạn thập ác nghiệp, tu thập thiện nghiệp thì sẽ không khó nữa.
Chúng ta ngày nay vì sao đoạn ác tu thiện lại khó khăn đến như vậy? Đó chính là do cái gốc suy nghĩ tự tư tự lợi. Cái gốc này chưa được nhổ bỏ. Nếu như niệm niệm không thể buông xuống lợi ích của chính mình thì bạn làm sao có thể làm lợi ích cho người khác được, làm sao có thể đoạn dứt tâm hạnh tổn người lợi mình được chứ? Chúng ta nên suy nghĩ nhiều về điều này. Làm thế nào có thể cứu chính mình? Phật ở trong kinh Đại thừa nói rằng: chúng ta cùng với hết thảy chúng sanh có cộng nghiệp và cũng có biệt nghiệp. Trong biệt nghiệp có cộng nghiệp, trong cộng nghiệp cũng có biệt nghiệp. Chúng ta biết được chân tướng sự thật này, chúng ta không giúp đỡ được người khác thì tối thiểu cũng phải nên tự độ chính mình, giúp đỡ bản thân. Hay nói cách khác là ít nhất cũng có thể tự cứu chính mình, tự độ chính mình. Nếu thật sự có thể giúp đỡ chính mình thì đồng thời cũng là giúp đỡ người khác rồi. Xã hội này sẽ có thêm một người tốt, có thêm một tấm gương tốt, có thêm một ảnh hưởng tốt. Người tốt dần dần nhiều lên thì tai nạn này sẽ được giảm nhẹ. Vì vậy cần thật sự quay đầu, thời thời khắc khắc phản tỉnh, kiểm điểm, sửa đổi lỗi lầm. Đây mới chân thật là người tu hành, trong kinh điển thường nói: “Là đệ tử đệ nhất của Như Lai”.
Chúng ta cần phải phát tâm này. Tâm này vừa phát ra chính là tâm Bồ-đề mà trong kinh đã nói. Bồ-đề là giác ngộ, chúng ta thật sự giác ngộ rồi thì sau khi giác ngộ lập tức quay đầu, quay đầu là bờ, quay đầu thì được cứu rồi. Phật Bồ-tát, thậm chí những đại Thánh đại Hiền của thế gian khởi tâm động niệm, lời nói việc làm đều là làm một tấm gương tốt cho người thế gian. Tấm gương tốt chính là ngày ngày phản tỉnh, ngày ngày kiểm điểm, ngày ngày sửa đổi lỗi lầm. Người thế gian lơ là quên hết việc này rồi. Chúng ta cần nhắc nhở họ.
Sự tu dưỡng đức hạnh không chỉ là việc của Pháp sư xuất gia hoằng pháp mà tứ chúng đệ tử chúng ta đều cần phải xem trọng, đều cần phải chăm chỉ nỗ lực học tập. Cảm Ứng Thiên là sách giáo khoa dạy học rất tốt, cung cấp các điều mục cho chúng ta phản tỉnh. Chúng ta cẩn thận xem từng điều từng điều một, những thiện tâm, thiện hạnh mà trong kinh nói đến chúng ta có đủ hay không? Những ác tâm ác hạnh mà trong kinh nói đến chúng ta có mắc phải hay không? Chúng ta căn cứ những điều mục này để tu tâm, tu hành, như vậy mới tốt.
**********
Các vị đồng tu, xin mời mọi người xem Cảm Ứng Thiên đoạn thứ 71:
“Cẩu phú nhi kiêu. Cẩu miễn vô sỉ” (Mới giàu có chút đỉnh đã kiêu căng, tuỳ tiện trốn thoát không biết thổ thẹn”
Và hai câu tiếp theo: “Nhận ân suy quá. Giá họa mại ác” (Mạo nhận ân huệ, chối bay tội lỗi).
Những ví dụ trong Thái Thượng Cảm Ứng Thiên nói đến đều là điều mà hết thảy chúng sanh trong cuộc sống hằng ngày vô tri vô giác thường mắc phải. Ý nghĩa của “cẩu phú” là hơi giàu có một chút chứ không phải là đại phú, mới hơi giàu có một chút đã tỏ ra kiêu ngạo rồi. “Miễn” là may mắn được thoát tội. Phu tử nói “Hành kỉ hữu sỉ” (mọi hành vi đều biết hổ thẹn), lần trước cũng đã nói đến với các vị rồi: làm người không thể không biết nhục. Người mà không biết nhục thì vĩnh viễn không thể tiến bộ được.
Trong sách Lễ Ký nói: “Lâm tài vô cẩu đắc, lâm nạn vô cẩu miễn” (Tiền tài tới chớ có tưởng bâng quơ mà có được, tai họa đến chớ có tưởng qua loa mà tránh được). Điều này là biểu hiện cụ thể của câu “Hành kỉ hữu sỉ”. Gặp phải không chỉ là tài phú mà bao gồm cả công danh lợi dưỡng, nếu có cơ hội đạt được thì hãy nghĩ xem mình có nên nhận lấy hay không? Điều này chính là “hữu sỉ”. Nếu không đáng có mà lại có, thậm chí không từ thủ đoạn để tranh đoạt lấy thì đó là vô sỉ đến cực điểm. Cho nên, hiền nhân quân tử trước đây nhận sự giáo dục tốt đẹp của Thánh Hiền nên cho dù họ có cơ duyên được đại phú đại quý, thì cả đời họ vẫn có thể sống an bần lạc đạo và đem sự phú quý của họ chia sẻ cho hết thảy đại chúng trong xã hội cùng hưởng.
Trong lịch sử Trung Quốc, Ấn Quang Đại sư khâm phục nhất là ông Phạm Trọng Yêm. Ông có được đại phú đại quý, ông đem tài sản phú quý của ông bố thí cho họ hàng, cho hàng xóm láng giềng và cho hết thảy người dân trong xã hội. Cho nên Ấn Tổ vô cùng tán thán, chúng ta thường thấy Ngài nhắc đến Phạm Trọng Yêm trong Văn Sao. Gia đạo của Phạm Trọng Yêm tám trăm năm không suy. Ông là người của tám trăm năm trước mà gia đình con cháu của ông cho đến nay đều hưng vượng. Con cháu ông vẫn có thể giữ vững phép tắc của tổ tông mình. Đây là minh chứng của câu: “Lâm tài vô cẩu đắc, lâm nạn vô cẩu miễn”, sự giáo dục gia đình của ông quá tốt. Cho nên người xưa nói: “Đối người, đối việc, đối vật cần phải cung kính, tiết kiệm. Đây chính là căn gốc của phước báo. Kiêu mạn, bủn xỉn, ngạo mạn là cội nguồn của tai hoạ.”
Trong cuộc sống chúng ta đã vô tri vô giác tạo ra nguồn gốc của những tai hoạ này, đến khi quả báo hiện tiền thì không biết hung tai từ đâu mà ra, rồi lại oán trời trách người, đã có tội lại càng thêm tội, thế thì rất nguy. Vì vậy gặp lúc khó khăn, chúng ta nên cùng chung hoạn nạn với đại chúng xã hội, quyết không cầu may mắn thoát nạn, nhất định phải giúp đỡ xã hội, giúp đỡ chúng sanh khổ nạn thoát khỏi tai nạn này. Chúng ta hãy xem chư Phật Bồ-tát chân thật là đại từ đại bi, niệm niệm đều suy nghĩ cho chúng sanh, suy nghĩ cho sự an toàn của xã hội, suy nghĩ cho lợi ích của chúng sanh mà không bao giờ suy tính cho bản thân mình. Nếu trong xã hội có thêm một người như vậy thì sự an toàn của xã hội này sẽ thêm một phần bảo đảm.
Chúng ta đều hy vọng giàu có, vì giàu có sẽ có năng lực bố thí, có năng lực giúp đỡ người khác, nhưng chính mình phải tiết kiệm. Nếu mình có thể tiết kiệm một phần thì sẽ giúp xã hội được thêm một phần, nếu chúng ta tiết kiệm hai phần thì sẽ giúp xã hội được thêm hai phần. Chúng ta thường giữ tâm thái này thì sẽ được vô lượng công đức. Nếu chúng ta lãng phí một phần thì phước của chúng sanh sẽ bị giảm một phần. Chúng ta đã lãng phí mất rồi, vô tri vô giác tạo ra tội nghiệp. Cho dù chúng ta có quyền được hưởng thụ nhưng cũng không nên hưởng thụ. Chúng ta hãy xem những vị đại Thánh đại Hiền thế xuất thế gian, các bạn đều biết Đức Phật là “Phước huệ lưỡng túc tôn ”, phước đức, trí huệ viên mãn. Tuy có phước đức viên mãn nhưng Ngài lại vì chúng ta mà thị hiện tiếc phước, tiết kiệm. Chúng ta chưa từng thấy một vị Phật Bồ-tát nào lãng phí.
Trong chú giải trích dẫn quy phạm mà người xưa xử sự đối người tiếp vật. Chúng ta cần đọc nhiều, cần chăm chỉ học tập. Những nội dung nói đến đều là nhân duyên quả báo, giữ tâm nhân hậu, đãi người hậu đạo, đều được phước. Chỉ cần hơi kiêu mạn một chút, xem thường người khác thì sẽ trồng ngay cái gốc của tai họa. Khi bạn đang đắc thế thì không ai dám làm gì bạn, nhưng khi bạn thất thế thì những người báo thù bạn sẽ đến. Đối với người còn như vậy, đắc tội với quỷ thần cũng đều như vậy.
Người học Phật chúng ta đều biết chính mình từ vô lượng kiếp đến nay oan gia trái chủ rất nhiều. Điều này là một áp lực vô hình xung quanh chúng ta. Khi đang gặp thời vận may, khí vượng thì họ không dám làm gì bạn, họ mai phục ở đó mà không biến mất. Họ chờ cho đến khi khí vận của chúng ta suy rồi thì họ đến quấy nhiễu, đặc biệt là khi bị bệnh nặng hay lúc hấp hối. Trong Kinh Địa Tạng chúng ta thấy vào lúc này oan gia trái chủ đều hiện tiền. Nghiệp lực của thiện và ác tất cả đều hiện tiền vào lúc này. Cho nên phàm phu đều theo nghiệp mà lưu chuyển. Trôi lăn theo nghiệp thì thật vô cùng đáng sợ.
Hai câu tiếp theo: “Mạo nhận ân huệ, chối bay tội lỗi”, điều này thông thường hay nói là “mạo nhận công lao”. Việc tốt không phải do chính mình làm mà mạo nhận là chính mình làm. Việc tốt người khác làm thì chiếm lấy làm của mình, ngược lại mình có lỗi lầm thì lại đẩy cho người khác, đem tai hoạ giáng cho người khác. Những việc như vậy chúng ta vẫn thường gặp. Cho nên sự tu dưỡng đức hạnh nhất định phải bắt đầu từ tuổi nhỏ, để trẻ thơ hình thành được thói quen, có thể phân biệt được tà chánh thị phi. Giáo dục ngày xưa của chúng ta đều bắt đầu từ tuổi nhỏ, cho nên xã hội này mới có thể ổn định dài lâu, dân tộc này mới có thể kéo dài mấy ngàn năm mà không bị diệt vong, không bị đào thải, nguyên nhân chính là điểm này.
Nhưng ngày nay dân tộc chúng ta đứng trước nguy cơ trước đây chưa từng có, nguy cơ này không phải là do cường quốc khác bắt nạt chúng ta, việc này không đáng bận tâm, mà nguy cơ chính là chúng ta đã lơ là bỏ qua giáo huấn của tổ tông để lại, đã vứt bỏ rồi. Đây mới chính là nguy cơ chân thật. Nguy cơ này sẽ dẫn đến mất nước diệt chủng. Mất nước không sợ, vẫn có thể phục hưng trở lại, diệt chủng mới là đáng sợ. Cho nên điều đầu tiên Phu tử dạy học là đức hạnh, rất có đạo lý.
Chúng ta lại xem trong và ngoài nước từ xưa đến nay, sự giáo dục của tất cả các tôn giáo đều lấy giáo dục đức hạnh làm đầu. Sự giáo dục của nhà Nho và nhà Phật vô cùng viên mãn, chúng ta không thể không biết. Trên thế gian này, sự giáo dục của cổ Thánh tiên Hiền trong và ngoài nước, chúng ta cũng cần quan sát kỹ lưỡng, cũng cần tìm hiểu lẫn nhau, cần chân thật làm được biết mình biết người thì đối với văn hoá của nước mình sẽ chân thật sinh ra tín tâm và yêu quý, sẽ vui vẻ y giáo phụng hành, vui vẻ đem đi truyền bá lợi ích tất cả chúng sanh.
Nhà Phật thường nói: “Chúng sanh vô biên thệ nguyện độ”. Chúng ta xem nhẹ vấn đề này nguyên nhân là do tìm hiểu còn quá ít. Điều này cũng không đáng trách vì bạn không được học, bạn không có người dạy, không có ai nói cho bạn biết, cho nên ý niệm tự tư tự lợi vĩnh viễn không thể buông xuống được. Cũng không ai dạy bạn tu học thế nào để thành tựu được đức hạnh và học vấn của chính mình. Ngày nay nếu muốn tìm một vị thiện tri thức dạy bảo bạn thì hầu như là không thể. Lý lão sư trước đây dạy chúng tôi đã nói một cách rất thẳng thắn rằng: Độ tuổi thật sự có thể học tập là trước hai mươi tuổi. Vậy hiện tại tôi hỏi các bạn: Các thanh thiếu niên hai mươi tuổi hiện nay, có ai chịu nghe thiện tri thức dạy bảo không? Ở độ tuổi này đang là khí huyết sung mãn, rất khó tiếp nhận sự dạy bảo của thiện tri thức. Khi con người đến độ tuổi bốn mươi thì tật xấu đã trở thành thói quen rồi, rất khó có thể thay đổi trở lại. Cho dù có gặp được thiện tri thức thì chúng ta biết xưa nay bản thân các vị thiện tri thức trong và ngoài nước đều vô cùng khiêm tốn.
Trong Kinh Hoa Nghiêm có năm mươi ba tham, bạn xem mỗi một vị thiện tri thức đều rất khiêm tốn và tôn trọng người khác. Các Ngài có trí huệ, có đức hạnh, có tu dưỡng, có kiến thức. Họ thấy bạn là người có thể dạy bảo được thì sẽ giúp bạn, nếu không thể dạy được thì giống như Lục Tổ Huệ Năng từng nói: “Chắp tay mà hoan hỷ”. Mỗi người tạo nghiệp nhân của mỗi người, mỗi người chịu quả báo của mỗi người. Chư Phật Bồ-tát rất nhẫn nại, các Ngài chờ cho đến khi bạn thọ hết nghiệp báo, bạn quay đầu trở lại, Phật Bồ-tát sẽ đến dạy bạn. Cho nên, thời kỳ thọ nghiệp báo này thường phải trải qua rất nhiều đại kiếp mới hết. Trong đời này, Phật Bồ-tát đã gieo cho bạn một nhân thiện, đã gieo cho bạn một chủng tử vào A-lại-da thức rồi. Như vậy Phật Bồ-tát đã không phụ lòng chúng sanh. Chúng ta trong đời này gặp được hình tượng của A Di Đà Phật, nghe được danh hiệu của A Di Đà Phật, các vị Đại đức xưa nói với chúng ta: Đó là thiện trung chi thiện, không có điều nào thiện hơn điều này. Trong đời này dù cho bạn không thể đắc độ thì nhiều kiếp về sau nhất định chủng tử này sẽ khởi hiện hành, có thể thành tựu đạo nghiệp của chính mình. Thế nhưng phải đợi bao lâu thì thật là khó nói.
Nếu bạn muốn ngay trong đời này được độ thì “Tín Nguyện Hạnh” bắt buộc phải có đầy đủ. Thế nhưng chúng ta hãy quan sát thật tỉ mỉ, phản tỉnh, kiểm điểm chính mình: ba yếu tố “Tín Nguyện Hạnh” có đầy đủ không? Chúng ta trong cuộc sống hằng ngày, khởi tâm động niệm, lời nói, việc làm có tương ưng với giáo huấn của Phật hay không? Niệm niệm tương ưng, hành hành tương ưng thì đời này nhất định đắc độ, còn như thỉnh thoảng mới tương ưng thì cuộc đời này rất khó đắc độ, nhưng khẳng định là được phúc báo nhân thiên. Thật sự y giáo tu hành, Kinh Vô Lượng Thọ nói rất hay: “Phát Bồ-đề tâm, nhất hướng chuyên niệm”, bạn vẫn chưa phát tâm Bồ-đề, nhưng nhất hướng chuyên niệm bạn làm được rồi, bạn được trời người cung kính, được phúc báo trời người nhưng không thể vãng sanh. Các bạn phải nhớ kỹ: vãng sanh nhất định phải phát tâm Bồ-đề, tâm Bồ-đề chân thật là giác ngộ, triệt để giác ngộ. Tâm Bồ-đề vừa phát thì sẽ không phạm những lỗi lầm mà trong Thái Thượng Cảm Ứng Thiên đã nói đến.
Vì vậy quyển sách nhỏ này đối với chúng ta vô cùng có tác dụng, chúng ta thường xuyên đọc tụng, thường xuyên kiểm điểm, nếu vẫn còn phạm những lỗi mà trong kinh nhắc đến thì chính mình phải lập tức cảnh giác là chúng ta vẫn chưa phát Bồ-đề tâm. Chúng ta tu Tịnh độ nếu không có tâm Bồ-đề, bạn xem lịch đại Tổ sư Đại đức đã nói với chúng ta, không cần nói đến Tổ sư Đại đức nữa mà trong “Bốn mươi tám nguyện” đã nói rất rõ ràng: Bạn được trời người cung kính nhưng bạn không thể vãng sanh. Hay nói cách khác bạn được phúc báo nhân thiên nhưng bạn không thể thoát khỏi lục đạo luân hồi, thập pháp giới.
Chúng ta có thật sự phát tâm Bồ-đề hay không thì có thể nhìn từ trong phần thiện và ác của Cảm Ứng Thiên, nếu có thể hành thiện và sửa đổi lỗi lầm, người như vậy niệm Phật cầu vãng sanh thế giới Tây Phương Cực Lạc thì Phàm Thánh Đồng Cư độ nhất định có phần. Nếu đoạn ác tu thiện còn có thể lìa hết thảy các tướng, niệm niệm không xa rời tâm thanh tịnh, người như vậy vãng sanh thế giới Tây Phương Cực Lạc nhất định là ở Thật Báo Trang Nghiêm độ. Cho nên trong kinh thường nói: tu một ngày đêm ở thế giới Ta- bà thì bằng tu hành một trăm năm ở thế giới Tây Phương Cực Lạc. Các bạn nghĩ xem câu nói này có ý nghĩa gì? Nghĩ kỹ lại xem, tu hành ở thế giới Ta-bà này còn thù thắng hơn so với ở thế giới Cực Lạc, vấn đề là bạn có biết tu hay không? Nếu bạn biết thì so với thế giới Cực Lạc thù thắng, nếu bạn không biết thì còn xa mới bằng thế giới Tây Phương Cực Lạc. Tu hành ở thế giới Cực Lạc là chỉ có tiến bộ không có thối chuyển, nhưng tiến bộ rất chậm. Tu hành ở thế giới Ta-Bà là đại tiến đại thoái. Người biết tu hành thì tiến bộ rất nhanh chóng, người không biết tu hành thì thối chuyển cũng rất nhanh. Điều này gọi là đại tiến đại thoái. Ở thế giới Tây Phương Cực Lạc thì chỉ có tiến chứ không có thoái chuyển, nhưng tiến rất chậm. Chúng ta hiểu rõ đạo lý này, biết được chân tướng sự thật thì cần phải biết tu, lợi dụng cơ duyên ngắn ngủi này mà phải tinh tấn tiến bộ thật lớn.
Được rồi, hôm nay thời gian đã hết. Chúng ta tạm dừng tại đây.
Có một bạn đồng tu hỏi: Anh ấy rất may mắn gặp được pháp môn Tịnh độ, ngày ngày nghe kinh, ngày ngày niệm Phật. Anh ấy nói vì muốn nắm lấy cơ hội sớm được vãng sanh thế giới Tây Phương Cực Lạc phổ độ chúng sanh khổ nạn nên đã buông bỏ công việc và muốn trường kỳ ở trong môi trường này huân tập Phật pháp. Anh nói anh không phải lo lắng về chi phí cuộc sống sinh hoạt hằng ngày, hơn nữa khi tu học ở nơi đây duyên đời đã giảm bớt đi rất nhiều, anh hỏi làm như vậy có đúng như pháp không?
Trả lời: Như pháp. Nếu bạn có được hoàn cảnh như vậy, gia đình quyến thuộc của bạn không chướng ngại gì thì sẽ rất như pháp.
Anh hỏi tiếp: Nếu như có người huỷ báng thì làm thế nào?
Trả lời: Huỷ báng thì mặc kệ họ, bạn không cần nghe, không cần hỏi. Nghe thấy có người hủy báng bạn liền niệm A Di Đà Phật, không cần để ý đến họ, như vậy mới tốt, bạn mới có thể thành tựu. Nếu người khác hủy báng mà bạn lại để ý, để vào trong tâm thì sẽ tự huỷ hoại toàn bộ đạo tâm của bạn. Như vậy rất là đáng tiếc.
A Di Đà Phật!