BÁO CÁO TÂM ĐẮC TU HỌC TỪ LỚP HỌC ONLINE.
Trong Tâm Mình Ai Là Người Quan Trọng Nhất? Không phải là chính bản thân mình thì cũng là những người mà mình yêu thích, là những thứ mà mình yêu thích. Đây là chỗ Mê muội rất sâu của mình…
Mình không cần lo về phía A Mi Đà Phật khi nào Ngài đến rước? Sao Ngài chưa đến? Sao con niệm hoài mà con chưa thấy gì hết? Sao Ngài không dạy bảo con như Ngài dạy bảo các bạn khác. Các bạn ấy còn mơ thấy được Ngài, thế này thế kia,con chả mơ thấy gì… Đó đều thuộc về những suy nghĩ phức tạp, vọng tưởng của mình. Quả báo tốt, thông thường sẽ đến vào những lúc mình không mong đợi nhất. Còn mình mong đợi là mình khổ đó, thế gian cũng nói hi vọng càng nhiều, thất vọng càng nhiều. Và cái tâm mình suốt ngày chộn rộn, mong với cầu, thì tâm đó sẽ không có định được.
Giống như mình gieo một cái hạt mầm xuống dưới đất, và mình chắc chắn hạt mầm này sẽ nở, nó sẽ lên cây. Nhiệm vụ của mình chỉ là tưới nước thôi, hạt cũng đã gieo rồi, bón phân này nọ thì cũng có rồi, thì thế nào cũng lên cây thôi. Cho nên mình cứ trồng nhân tốt và không cần thiết phải mong cầu quả báo tốt, vì điều đó chắc chắn sẽ đến.
Còn khi mình mong cầu quả báo tốt, thì mình cũng phải suy nghĩ: Phật đón con sớm sớm, để con thoát khỏi cảnh khổ ở đây, thoát khỏi ông chồng khó ưa, thoát khỏi mấy đứa con ngỗ nghịch. Giống như trốn nợ vậy đó, thoát khỏi cái thế gian ngột ngạt này, có quá nhiều điều khiến cho con đau buồn ở thế gian này. Rất nhiều người làm tổn thương con, con không muốn sống ở đây nữa, con chán ghét tất cả mọi người, con chỉ muốn về với Phật thôi.
Những suy nghĩ tiêu cực như vậy thực sự nó làm cho tâm mình khó niệm Phật được chân thành. Vì chỉ khi mình thật sự buông bỏ tất cả ý niệm dính mắc với người và sự vật ở thế gian này, thì mình mới may ra có phần được về với Đức Phật A Mi Đà. Còn mình dùng câu A Mi Đà Phật, để mà đối trị, giống như là mình thấy thế gian này nó ghê gớm, nó tệ hại, thì cái tâm tiêu cực đó, Ân Sư khuyên mình phải buông bỏ nó đi, hay là bán cái khổ đó cho A Mi Đà Phật, chân thật là không nghĩ đến. Mà muốn không nghĩ đến thì phải biết tiếp nhận, chấp nhận sự thật, đây là nhân quả của mình. Chính mình đã trồng cái nhân gì nên giờ mình mới gặt cái quả báo này, chắc chắn là cái nhân không tốt rồi.
Mình tu thập thiện không được tốt, cho nên trên bước đường tu tập của mình gặp rất nhiều chướng ngại, chỉ khi nào mình thực sự hành thập thiện được tốt đẹp, thì mình mới được thuận buồm xuôi gió, giống như lần trước Ân Sư dạy cho mình, cho nên mình phải luôn luôn nhớ lời dạy đó của Ân Sư.
Ngài dạy cho chúng ta phải để ý cái tâm của mình, tuyệt đối không có oán trời trách người, tuyệt đối không được thấy là mình không có gì sai, người khác đều là sai, cái quan niệm, tư tưởng này là sai hoàn toàn, mình phải nhìn cho ra và buông bỏ.
Ngài dạy cho chúng ta lìa ỷ ngữ, hành bố thí thì có được quả báo thù thắng. Nói ỷ ngữ là nói lời ngon ngọt, mau mồm mau miệng, rất biết nói chuyện nhưng ý đồ thì không tốt, dẫn dắt người khác đi theo hướng bất thiện. Nói mình lừa gạt người khác thì mình không nghĩ mình lừa gạt người khác, mình cũng không đến nổi như vậy. Nhưng mà lời nói của mình dù vô tình hoặc cố ý dẫn người khác đi theo hướng bất thiện. Cái này thì con nghĩ ai trong chúng ta cũng đã từng làm. Thế nào là dẫn người khác đi theo hướng bất thiện, có nghĩa là lời nói của mình thúc đẩy người khác tăng trưởng tham, sân, si, mạn nghi tà kiền. Đó chính là hướng người theo hướng bất thiện.
Cho nên mình thấy rõ có lúc mình khen người khác cũng chưa hẳn là tốt. Quan trọng mình coi cái lời khen đó dẫn người khác theo hướng nào? Tích cực hay tiêu cực? Bất thiện hay thiện? Còn khi mình chê người khác cũng chưa hẳn là xấu, chưa hẳn là nhìn lỗi người, nếu lời chê đó hướng người ta tới sự giác ngộ, người ta thấy rõ cái lỗi lầm. Hôm nay lại có người mắng vào mặt mình, góp ý thẳng thắng khiến cho mình nhận ra được cái lỗi của mình, thì như vậy là mình đang giúp người ta hướng thiện, thấy lỗi thì sửa.
Hoặc là mình chê trách người ta, không có sốt sắng trong việc cái việc làm này, mình phê bình như vậy, nói rõ như vậy làm họ giựt mình, làm họ sốt sắng hơn trong cái việc làm thiện. Đó là mình thúc đẩy người ta hướng thiện, thấy việc thiện phải làm.
Chỗ này mình mới thấy là cái ý đồ mới là quan trọng, cái tâm của mình dẫn đầu vạn Pháp. Khi mà cái tâm mình, trong vô tình hoặc là cố ý mình đặt để cái tự lợi của mình. Mình xem mình là trung tâm, mình không biết đặt vào vị trí của người khác, thì đa phần mình nói lời dẫn dắt người khác theo hướng bất thiện.
Cho nên chỗ này phải tập, phải tập nói năng cẩn thận, phải niệm Phật nhiều, nghe Pháp nhiều, thì khi mình nói chuyện ra với ai đó, mình phải có sự nhận thức là cái lời nói này của mình. Mình đang nói vậy là vì mục đích gì, và mình nên nói như thế nào. Cho nên không phải số đông lúc nào cũng là tốt, mọi người gật thì mình gật, hay mọi người nói phải thì mình cũng nói phải.
Cho nên cái chuyện cả nể là chuyện dễ thấy nhất, khi xung quanh mình có một số người đưa ra một ý kiến hay một cái xu hướng là như vậy, thì mình cũng nể nang mình cũng không muốn người khác mất mặt. Cho nên mình cũng hùa theo, vì mình không muốn làm một cái người đặc biệt. Mà nếu mình không muốn làm người đặc biệt, mình không muốn chơi trội, thì thôi mình cứ yên lặng niệm A Mi Đà Phật, hoặc mình xin phép mình đi ra chỗ khác.
Chỗ này Ngài dạy chúng ta phải để ý lời nói, ỷ ngữ có hữu ý vô ý, quan trọng là cái tội lỗi gây ra xem mức độ ảnh hưởng như thế nào, thời gian ảnh hưởng ra làm sao. Cho nên những người công chúng, giới văn nghệ sỹ cũng như là chính khách, cũng như là những người nổi tiếng, có mức độ ảnh hưởng nhất định đến công chúng, thì những gì họ nói họ làm ở trên các phương tiện truyền thông, cho đến ở ngoài cuộc đời, cũng phải hết sức cẩn thận.
Và mình cũng không ngoại lệ, mỗi ngày mình cũng đang làm tấm gương, cho những người xung quanh mình để họ nhìn vào, vì mình lỡ mang cái mác là người học Phật rồi, thì mình phải cẩn thận. Bạn Giác Thanh có hỏi: nếu xem mình là trung tâm thì mình có dính mắc trong lời ỷ ngữ không sư huynh? Và mình phải làm sao?
Dạ, khi mình xem mình là trung tâm thì mình sẽ thích được khen, người khác nói lời ỷ ngữ thì mình sướng. Ví dụ: À! Giác Thanh dạo này tu tập xong thì thấy sáng sủa trẻ hẳn ra mấy tuổi. Giác Thanh nghe thì thích liền. Cho nên ngày ngày được khen thì tới một lúc nào đó mà không được khen nữa thì cảm thấy thiếu thốn. Dạ, vậy phải làm sao ạ? Vậy thì mình đừng xem mình là trung tâm nữa, mình nên xem A Mi Đà Phật là trung tâm, chứ mình cũng không nhất thiết xem người khác làm trung tâm.
Vì khi mình xem người khác là trung tâm, nếu mình đang còn là phàm phu thì cũng có nhiều thứ mình phải cảnh giác, tâm bình đẳng của mình sẽ không còn. Mình xem con mình làm trung tâm thì trong mắt mình con mình là tất cả, là cục vàng là cục ngọc. Còn xem cha mẹ mình là trung tâm thì cha mẹ mình là tất cả, phụng dưỡng tốt lắm thì cũng chỉ là quả báo ở nhơn thiên thôi. Mà trong đó có một tác dụng phụ, đó là tăng trưởng ái căn.
Tại sao mình xem người này là trung tâm? Mình thường nghĩ về người này nhiều, mình thường muốn quan tâm chăm sóc cho con mình, chồng mình, vợ mình, cha mẹ mình đặt biệt. Còn những người khác thì mình không có được sự quan tâm như vậy? Đó là chữ ái. Nếu họ không phải là cha mẹ thân bằng quyến thuộc của mình, họ không có thương yêu mình thì mình đâu có thương yêu họ.
Có nghĩa là mình yêu họ là có điều kiện, họ phải yêu mình, họ phải có ân với mình thì mình mới thương. Còn những người khác thì thương ít hơn một chút, cho đến những người nào khó chịu thì thôi không cần thương. Và chuyện này cũng bình thường thôi.
Cho nên trong Phật Pháp mình thấy rõ, mình nói cái miệng thì thấy dễ lắm, con có thể mở rộng tâm lượng tới tận hư không khắp Pháp giới, đối với hết thảy chúng sanh, ngày nào con cũng hồi hướng, lòng từ bi con mở rộng đối hết thảy mọi người. Nhưng riêng một người sát bên con con chưa thể mở rộng được, mình chưa bao dung được. Cho nên nói yêu người, yêu chúng sanh, yêu nhân gian, yêu vạn vật… thì dễ ẹt à. Nhưng mà toàn tâm toàn ý để mà trọn vẹn, có thể thương yêu chân thật, chân thành với người ở bên cạnh mình, với đối tượng ở bên cạnh mình, thì nhiều khi nổ lực cả đời mới có thể hiểu được thế nào là chân thật yêu thương.
Con nói người bên cạnh mình không nhất định là những người mình thương ở trong lòng, tại khi mà mình thương ai ở trong lòng là mình đã định nghĩa trước rồi, mình đã có ái trong đó rồi, không phải vậy. Những người ở bên cạnh mình là những người và sự vật mình tiếp xúc ngay bây giờ, ngay lúc này, ngay trong cái không gian này. Nó không chỉ có thể là chồng mình, vợ mình, con mình mà bất kì người nào mình gặp vào cái thời điểm này.
Ví dụ mình đang gặp các huynh đệ tỷ muội trên lớp học online, đây là những người mình đang tương tác trực tiếp ngay lúc này, mình có thương bình đẳng đâu, đó là mình nói rõ, mười mấy người học chung thế nào cũng có người thương ít thương nhiều, có người mình thích gần gũi, có người mình không thích. Nhưng mà tại học chung nên phải chịu thôi, và mình chấp nhận như vậy, chứ nói thương là mình không có thương họ.
Rồi cái ghế mình ngồi, cái bàn mình đang đặt quyển tập, quyển sách, cái điện thoại của mình cầm, mình quan tâm tới người và sự vật của mình ngay lúc này, đó là những người sát bên, những sự vật sát bên với mình, mình có để tâm đến không? Hay đầu óc mình vẫn đang suy nghĩ phóng về quá khứ, hay suy nghĩ lung tung lang mang gì đó, đến nổi là mình không có sự chuẩn bị tâm thái học tập, bàn thì dơ hầy, xếp đồ lộn xộn đủ thứ bày ra trước mặt , không có gọn gàng ngăn nắp, chưa kể quần áo thì sộc sệt, ghế ngồi thì thế này thế kia, dáng ngồi cũng không biết thương nó, ko biết thương cái cột sống của mình, ngồi vặn vẹo, gục lên gục xuống.
Đó, từ bi là từ bi ngay trong giây phút hiện tại, ngay trong những gì gần gũi với mình nhất, chứ mình không nên tưởng tượng rải từ bi tâm tới tận hư không pháp giới, chuyện đó xa vời, không có thực tế với 1 phàm phu như mình.