Điều Gì Giết Chết Tâm Tu Hành Của Mình?

BÁO CÁO TÂM ĐẮC TU HỌC TỪ LỚP HỌC ONLINE.

Hanh Trinh Thay Doi Ban Than

Điều Gì Giết Chết Tâm Tu Hành Của Mình? Nhiều lúc mình đã nghĩ mình phát Bồ Đề tâm rồi, nhưng mà không đâu. Bắt đầu hưởng thụ một chút, thay vì nước lọc giờ uống nước ngọt, nước này nước kia. Bồ Đề tâm mất tiêu, mất nhanh lắm! Chứ không phải vừa uống nước ngọt, vừa niệm Phật là còn Bồ Đề tâm đâu, làm gì có chuyện đó.

Mình nói mình hỗ trợ hộ pháp quý Thầy quý Sư Cô điều gì? Chính là phải hỗ trợ quý Thầy , quý Sư Cô thành tựu việc giảng Kinh thuyết Pháp. Bây giờ giảng Kinh gì? Thập Thiện Nghiệp Đạo. Con kính ngưỡng cầu mong Thầy giảng cho chúng con nghe bộ Kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo, vì con thấy đây là nền tảng cho tụi con, những người Phật tử tại gia muốn tu tập thì cần phải đặt nền tảng từ trong Thập Thiện Nghiệp Đạo.

Vì không có Thập Thiện Nghiệp Đạo thì không có Phật Pháp. Nhưng trước giờ chưa giảng nên không biết bắt đầu từ đâu? Dạ , Thầy cứ lên bục giảng, tụi con ngồi dưới nghe, Tam Bảo sẽ gia trì, rồi nếu được, quý Thầy nên nghe Ân Sư Tịnh Không giảng 80 tập Thập Thiện Nghiệp Đạo, rồi mình trích từ trong đó ra, mình giảng lại những lời dạy của Ân Sư Tịnh Không. Nhưng mà bây giờ người ta đến chùa có mấy ai nghe đâu con? Tụi con nghe ạ! 4-5 người tụi con nghe, 2-3 người tụi con nghe. Ngày xưa, Thích Ca Mâu Ni Phât, buổi pháp thoại đầu tiên của Ngài chỉ có 5 người, 5 anh em Kiều Trần Như, nghe xong đều chứng Thánh quả hết. Đâu cần có nhiều người. Chỉ có 5 người thôi ạ!

Vậy giờ con rủ thêm mấy người bạn của con nữa lên nghe là đủ 5 người. Rồi Thầy lên đây giảng, quý Thầy khác cũng ngồi nghe, vậy chắc chắn trên 5 người, như vậy là đủ rồi ạ, bắt đầu như vậy là đủ rồi. Mình có phòng rồi, bây giờ thiếu bàn, thiếu ghế, con đi mua cho đủ bàn đủ ghế, thầy cần thêm cái gì nữa, thầy nói con để con để con đi hỗ trợ, thêm máy lạnh con gắn máy lạnh, tiền điện tụi con lo, chứ giờ vô nghe pháp mà nóng nực như vậy thì ai ngồi lâu mà chịu nổi, phải mát mẻ.

Cho nên gắn máy lạnh lúc đó là nghĩ cho người, không phải nghĩ cho mình. Còn mình gắn máy lạnh ở nhà mình là mình nghĩ cho mình, không phải cho người. Là tiêu phước. Tăng tiền điện lên là tiêu phước, tháng xài máy lạnh hết triệu mấy 2 triệu. Giờ nhà mình không xài máy lạnh, là tháng tiết kiệm được triệu mấy 2 triệu rồi, lấy tiền đó đi phóng sanh, lấy tiền đó đi in Kinh, đúng không? Đó là tăng phước. Xài máy lạnh là tiêu phước. Nóng mà chịu được là tăng phước, nóng mà không chịu được là tiêu phước.

Cho nên việc dùng tất cả các trang thiết bị hiện đại phục vụ cho bản thân mình là tiêu phước, tốn tiền, tốn điện, tốn nước…Vì vậy, dù mình là người tại gia thì mình cũng phải để ý, càng ngày càng giảm xuống, giảm tiền điện nước, giảm tiền xăng, giảm chi phí liên quan đến hưởng thụ cá nhân,… giảm xuống, giảm xuông, giảm xuống… tăng cường việc bố thí, ấn tống Kinh sách. Thì chỉ có chịu khổ thì mới tạo ra được cái mảnh đất để cho hạt giống Bồ Đề của mình tăng trưởng thôi. Chứ còn tu sướng thì đừng hòng nói gì  đến chuyện phát Bồ Đề tâm, không thể nào.

Tu sướng là giết mất Bồ Đề tâm, cho nên nhiều lúc mình đã nghĩ mình phát Bồ Đề tâm rồi, nhưng mà không đâu. Bắt đầu hưởng thụ một chút, thay vì nước lọc giờ uống nước ngọt, nước này nước kia. Bồ Đề tâm mất tiêu, mất nhanh lắm! Chứ không phải vừa uống nước ngọt, vừa niệm Phật là còn Bồ Đề tâm đâu, làm gì có chuyện đó. Vừa ngồi máy lạnh phà phà , ngồi quạt phà phà mà ra Bồ Đề tâm ư? Máy lạnh, quạt thổi bay Bồ Đề tâm mất tiêu rồi. Tắm nước nóng là bay Bồ Đề tâm rồi. Quen tắm nước nóng giờ tắm nước lạnh không được.

Rất nhiều cái thói quen hưởng thụ của mình nó phá hết cái tâm tu hành của mình. Cho nên dù mình ra bên ngoài làm đủ thứ chuyện tốt, bề ngoài có vẻ làm được nhiều thứ, nhưng thật ra không giữ được gì, vì mình còn ham thích hưởng thụ, vẫn còn tự lợi.

Bài báo cáo của bạn Trung Phước bạn đúc kết ra được: Thứ nhất, thường nghe pháp, niệm Phật để thay thế cho cái tham sân si, cái việc thiện nhất thế gian là niệm Phật, việc giúp cho mình nhìn thấu, buông xuống cũng chính là niệm Phật, nghe pháp mà thôi. Đó là cái chỗ giác ngộ của mình. Đừng phát khởi cái niệm muốn lập công với đời, lập công với đạo làm chi, cho rắc rối thêm.

Khi tâm mình chưa đạt tới chỗ thuần tịnh, ra làm chuyện này chuyện kia thì chỉ có nước gánh thêm tội, xen tạp đủ hết. Tăng trưởng ngạo mạn, thấy mình hơn người, hay nhìn lỗi người, thị phi các kiểu, nhiều lắm! Nên thôi, ở nhà niệm Phật cho xã hội bình yên. Xã hội bình yên là do mình ở nhà niệm Phật, làng nước bình yên là do mình ở nhà niệm Phật, đạo tràng bình yên là không có mình, không có mình thì đạo tràng sẽ bình yên. Bây giờ mình đi vô đạo tràng, mình đi thế nào cũng có người này người kia vì mình mà phiền não. Vậy mình đi làm gì? Mình có chắc là mình đi tới đạo tràng là người ta không phiền não không? Nếu mà chưa thực hành được tốt Đệ Tử Quy thì chắc chắn là sẽ có phiền não khi người ta tiếp xúc với mình. Vậy thôi mình đừng đi, ở nhà mình niệm Phật ai cũng hoan hỉ hết , không ai là không hoan hỉ.

Ở nhà mình niệm Phật, Diêm Vương ở dưới kia cũng đỡ. Các bạn biết là mình không niệm Phật thì mình sẽ khởi ý niệm thiện và ác đúng không? Thì mấy Ngài ở dưới đó phải ghi báo cáo, giống như truyện của Ngài Vệ Trọng Đạt, chưa đến 40 tuổi , mang cái sổ thiện ác ra , việc ác thì chất đầy một phòng, làm gì nhiều dữ vậy? Chưa đến 40 tuổi mà? Việc ác khởi niệm là đã ghi sổ rồi. Còn việc thiện thì có mỗi một cái báo cáo nho nhỏ. Vậy mới thấy ghê, mình không niệm Phật thì ở dưới đó phải ghi, ghi liên tục, ghi hết, từ sáng đến tối, từng phút từng giây, không niệm Phật là ghi hết.

Nó thiện như thế nào, nó ác ra làm sao, ghi hết, chất đầy như núi. Nhưng mà mình niệm Phật thì các Ngài không có ghi, bởi vì mình niệm Phật là tương ứng với bổn nguyện của Đức Phật A Mi Đà, với tín nguyện của mình đầy đủ, là lúc đó sẽ đi thẳng lên trên Cực Lạc thế giới vô trong búp sen, cái đó gọi là Tịnh Nghiệp. Diêm Vương chỉ ghi ác nghiệp, ghi thiện nghiệp, không ghi Tịnh Nghiệp. Tịnh nghiệp là ra khỏi luân hồi các Ngài ghi làm gì? Các Ngài cũng không hứng thú với việc ghi Tịnh Nghiệp của các bạn.

Chẳng nhẽ ghi mỗi câu “A Mi Đà Phật, A Mi Đà Phật,…” ghi hoài? Tại vì nó là đang niệm Phật mà. Không ghi, không ghi thì khỏe mà đúng không? Để rảnh tay rảnh chân mà còn lo việc khác! Cho nên khi mình Niệm Phật , Chư Thiên Chư Thần , Diêm Vương âm tào Địa Phủ hoan hỉ vô cùng…Khỏe! Không phải xét xử người này. Tương lai người này thành Phật độ vô số chúng sanh, lại càng mừng, lại càng vui. Cả thế giới này đều hoan hỉ khi thấy mình niệm Phật, tam thiên, đại thiên thế giới đều hoan hỉ khi mình niệm Phật, mười phương Chư Phật hoan hỉ.

Mình không niệm Phật, đi niệm thứ khác, rảnh không? Rảnh đi niệm thứ khác, đó là mình thấy rõ mình si mê, cái ngã si của mình nó phát ra, cho nên mình mới không chịu niệm Phật. Không chịu niệm Phật là si. Cho nên niệm Phật, nghe Pháp rất tốt, tốt hơn tất cả các thiện nghiệp khác. Đấy là đối với mình, còn với người khác thì mình đừng nên ý kiến, ý cò, mình đừng có nhanh nhảu cái miệng Niệm Phật tốt nhất, là thiện Pháp tốt nhất, rồi thế này thế kia. Người ta đang tu Thiền, tự nhiên nhoi nhoi rồi vô kêu Niệm Phật tốt nhất là sao? Người ta đang tu Tứ Niệm Xứ, Tứ Diệu Đế, người ta đang tu theo Mật Tông,người ta đang tu theo Phật Pháp của thầy người ta dạy, rồi mình nhảy vô mình kêu niệm Phật tốt lắm, là mình phan duyên, lại tạo khẩu nghiệp.

Cho nên mình chỉ nói mình thôi. Một ngày có 24 giờ đồng hồ, mình thử ngồi nghĩ coi Diêm Vương vì mình mà phải bao nhiêu lần phiền não, phải ghi cái này phải ghi cái kia, chắc phải hai chục tiếng mất. Cho nên mình tăng cái thời gian niệm Phật của mình lên, tăng thời gian nghe Pháp của mình lên là mình đã rất từ bi rồi, từ bi với hết thảy chúng sanh, hết thảy mọi người, không ai vì mình mà phiền não, ai cũng hoan hỉ. Còn mình đi đây đi đó là có phiền não, có phiền, có khổ, có nhìn lỗi người,…. Chẳng đặng đừng được thì mới phải đi, mà đi thì phải mang lại lợi ích cho chúng sanh.

Chứ không phải giống như câu chuyện bạn Trung Phước đi chợ mua trái na mất 45 ngàn, mua về cho mình ăn. Là tự lợi. Cho nên Phật Bồ Tát mới thị hiện ra cái người bán đó, thử lòng mình. Thèm ăn cái gì? À, thèm ăn trái na. Rồi bốn mươi lăm ngàn, chưa bao giờ con thấy trái na nào giá mắc như vậy. Nhưng Phật Bồ Tát chỉ thị, bán cho cô đó trái na bốn mươi lăm ngàn đi, để cho cô đó giật mình, coi ăn có vui không? Ngon một chút qua miệng rồi thôi, mình nghĩ lại thì mình sẽ thấy tiếc tiền, thấy mình hoang phí.

Đó là những cái trải nghiệm của mình, từ từ mình mới có thể rút ra được những bài học, để làm sao khi mình bước ra khỏi câu Phật hiệu mà chánh Niệm của mình nó vẫn còn. Đi ra chợ thấy cái này cái kia, thích cái này thích cái kia nhưng không mua là không mua, không thèm là không thèm. Biết mình là phàm phu thì vẫn còn thèm .Nhưng mình cũng cần phải có những cái phương pháp để khắc chế cái thèm. Mang theo máy niệm Phật, mỗi lần thèm bấm “A Mi Đà Phật” hoặc mang theo chai nước lọc để uống, có đói có thèm thì uống nước lọc rồi niệm Phật.

Cho nên mình phải học, học những người đi trước, họ rất bận, họ không có thời gian để ra chợ mua cái này cái kia như mình đâu. Họ có một cái lí tưởng, mỗi ngày họ phải phục vụ cho chúng sanh theo cái lí tưởng đó. Còn mình, lí tưởng là gì? Nếu mình không có xác lập ra cái lí tưởng làm việc làm mà có ý nghĩa với xã hội, với mọi người, chứ không phải là cho gia đình mình, chỉ nghĩ đến gia đình mình thì đó không phải là lí tưởng, cái suy nghĩ đó quá nhỏ hẹp. Lí tưởng phải rộng, tâm phải lớn chứ không phải chỉ biết chăm bẵm cho gia đình mình. Nó không phải là lí tưởng, đó vẫn thuộc tự lợi.

Nếu mình chưa có lí tưởng thì hãy nghĩ thông suốt chỗ đó đi, ai cũng có thể phát ra được cái lí tưởng này: Bình đẳng, nam nữ, già trẻ, lớn bé cũng vậy, thời gian sống còn lại của mình phải sống sao cho có ý nghĩa,…. 

Không chỉ gói gọn ở cơm áo gạo tiền, mặc dù niệm Phật, cầu sanh Cực Lạc là lí tưởng lớn nhất, nhưng thân mình còn ở còn thế gian này thì mình làm gì để giúp đỡ cho chúng sanh, giúp đỡ cho mọi người? Quý thầy, quý sư cô xuất gia là đi theo con đường đó. Mình biết con đường đó cũng rất là nguy hiểm, nếu không cẩn thận là mình tiêu. Chỉ có hai hướng thôi, một là lên thiên đàng, hai là xuống địa ngục. Đệ Tử Quy mình làm chưa được, Cảm Ứng Thiên mình làm chưa được, Thập Thiện Nghiệp Đạo mình làm chưa được, thì tuyệt đối mình đừng đi xuất gia, Xuất gia lúc đó là mình sẽ tạo nghiệp. Cũng tạo nghiệp nghiêm trọng giống như Pháp Sư Oánh Kha chứ không ít hơn, mà không biết mình có Niệm Phật được như Ngài không? Sám hối được như Ngài không?

Cho nên con đường xuất gia của một phàm phu không có Tịnh Nghiệp Tam Phước thì chắc chắn sẽ tạo nghiệp, tạo nghiệp rất sâu, rất là khổ. Cho nên thôi, cái đó khoan, mình ở tại gia, mình học tập các tấm gương của người đi trước, người ta phát tâm làm sao ở tại gia, người ta tu dưỡng như thế nào và công việc thiện hạnh, công sức của họ đối với cuộc đời này như thế nào, thì mình cũng ráng sức mình làm một chút. Thì mình nghĩ đi, mình nên làm gì?

Cho nên quay về việc niệm Phật, nghe pháp của mình làm trọng yếu trước, cho mình cái thời hạn từ 3 đến 5 năm cắm cái gốc ở Tịnh Nghiệp Tam Phước, tự tu dưỡng bản thân, đẩy câu Phật hiệu lên, đẩy thời gian nghe pháp lên trong khoảng thời gian này, thành tựu chuyện này. Một ngày niệm Phật, nghe pháp chưa được 16 giờ cũng phải được 10 giờ, được 12 giờ. Giảm ngủ, nghỉ, giảm ăn, giảm mặc, giảm hưởng thụ, cắt giảm hết. Đó là tu dưỡng bản thân trong 3 đến 5 năm, làm được việc này trước, sau đó tính sau. Mấy cái này còn chưa làm được tính chi đến những chuyện khác.

Từ trong cái ăn , cái uống, ngày ăn 3-4 bữa thì mình đi ra ngoài mình phải xấu hổ chứ. Mang tiếng Phật tử học Phật, ăn chay Niệm Phật 5 năm , 10 năm mà vẫn bị những cái ăn cái mặc, cái nóng cái lạnh nó quay như chong chóng, vẫn bị lệ thuộc vào cái ăn, cái mặc, cái nóng cái lạnh này,mỗi lần nằm xuống ngủ là phải đợi người ta đánh thức dậy, còn mặt mũi gì nữa , làm việc chút xíu thì mệt, thì than. Cho nên không được. Mình báo cáo ra mấy điểm đó để cho thấy mình không là gì hết, công phu tu hành của mình rất tệ. Hi vọng trong thời gian tới ai cũng có tiến bộ chứ còn lình sình kiểu này thì nguy to. Ân Sư và Ngài Lý Bỉnh Nam có nói: Đáng sinh tử như thế nào thì vẫn sinh tử như thế đó thôi . Mấy ngàn câu Phật hiệu ăn thua gì, chẳng thể nào chống lại được nghiệp lực, chống lại được tình ái, tham sân si các kiểu . Vậy là thua rồi!

 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *