Nhìn Ra Cái Tâm Sợ Được Sợ Mất, Vướng Bận Của Mình

BÁO CÁO TÂM ĐẮC TU HỌC TỪ LỚP HỌC ONLINE.

Hanh Trinh Thay Doi Ban Than

Nhìn Ra Cái Tâm Sợ Được Sợ Mất, Vướng Bận Của Mình: Cái gì mà cầu kỳ thì mình phải bận tâm, nên tốt nhất bỏ bớt, không vướng bận. Đây là điều quan trọng, trong tâm không vướng bận, dứt bỏ sự yêu thích, thường thiểu dục tri túc và đầy đủ nhẫn nhục. Đây là căn bản mà mình cần hướng đến.

Khi gặp được việc không như ý thì phải an nhẫn tiếp nhận nhân quả, phát huy ra được chỗ nhẫn này để tâm mình không có sân si, không có khó chịu, cũng không nhớ đến thiệt thòi của mình. Ví dụ ngày hôm qua tôi phải chịu đựng anh như vậy, như vậy. Chồng nói lần này là lần thứ 10 rồi đấy nhé, hoặc ai đó làm điều gì với mình mà không được như ý mình, mà mình đã bỏ qua lần này là lần thứ ba, thứ tư rồi. Đây là ở trong tâm mình vẫn còn những dấu vết, vẫn còn tâm bực bội nên mình mới nhớ đến lần này là lần thứ mấy rồi.

Hoặc nói: Ủa! Sao hôm qua nói xin lỗi rồi mà hôm nay vẫn còn tái phạm. Rõ ràng là mình vẫn còn nhớ tới cái lỗi của người ta ngày hôm qua. Qua hôm nay mình thấy mình gom lại thành hai cái lỗi, và tự trong tâm mình nhân đôi phiền não lên. Còn nếu đây là lần thứ mười thì nhân mười lên. Nhẫn theo cái kiểu này thì càng nhẫn thì càng phiền phức. Nhẫn mà tâm lại đang vướng bận thì không được rồi.

Trong ăn uống mình thấy mình cũng đơn giản, tiết kiệm mà tâm vẫn có cái sự yêu thích về loại này, loại kia, thực phẩm này là sạch, thực phẩm kia là hữu cơ, cái này là chưa được, cái kia là tốt nhất. Đây cũng chính là nói lên sự yêu thích, phân biệt, chấp trước của mình. Có gạo ăn là được rồi. Biết bao nhiêu người không có cơm mà ăn, giờ mình ăn được cái gạo này là mình có phước quá rồi, thực ra là mình đang tiêu phước. Mình ăn gạo càng mắc thì có phải là mình càng tốn nhiều tiền không? 

Một số người ăn uống có vẻ thanh đạm, giản dị, ăn gạo lứt này nọ nhưng thực ra là ăn rất cầu kỳ. Tâm so đo, sợ được sợ mất trên cái thân này rất mạnh, sợ bệnh, sợ khổ, sợ người khác bán gạo cho mình có tẩm thuốc, thế này, thế kia, lo tới, lo lui. Vậy mình ăn bánh mì cho khỏe! Vì ăn bánh mì khỏi suy nghĩ nhiều. Có ai cầm bánh mì rồi kêu là mẩu bánh mì này có bị phun thuốc không? Sao lại mua gạo thì nghĩ tới, còn ăn ổ bánh mì thì không nghĩ đâu, thì thôi ăn ổ bánh mì đi thì mình khỏi phải suy nghĩ, vì ăn gạo suy nghĩ nhiều quá.

Làm sao để cho tâm mình đừng có vướng bận. Đây là cái điểm mình phải phản tỉnh thường xuyên. Việc xấu lại càng không vướng bận. Việc tốt cũng là không vướng bận. Người xấu, người tốt không vướng bận. Việc tốt cũng là không vướng bận, không vướng bận vào những thứ mà mình đang làm tốt đẹp này. Tại vì mình mà vướng bận vào, thì những thứ tốt đẹp trở thành sở thích của mình luôn, thành cái đam mê của mình. Trong khi Phật dạy mình phải buông bỏ sự đam mê này, buông bỏ sở thích này. Là phải buông bỏ sự đam mê, yêu thích.

Mình thường tự hỏi là đối với người và sự vật trong thế gian này xem mình có dính mắc ai không? Có tư tâm với ai không? Có yêu thích một ai không? Có đam mê cái gì không? Nhiều lắm đó, không phải một hai thứ đâu! Nội cái áo màu tím thích hơn cái áo màu trắng. Tự nhiên nó vậy: Ừ, cái áo này đẹp này. Cũng cái kiểu áo đó, mà mình chuyển sang màu khác như màu vàng là mình không ưa rồi: Tiếc quá! Cái áo này đẹp mà sao cái màu này kỳ vậy ta! Thôi, không mặc nữa!

Cho nên từ trong khởi tâm động niệm của mình, mình phải nhìn cho rõ ràng là mình đang vướng bận cái chỗ nào, có những đam mê, yêu thích, sở thích nào mà mình chưa dứt bỏ được? Trong vấn đề sử dụng vật thực, đời sống vật chất của mình, có chỗ nào mình có thể tiết kiệm được hơn nữa không? Đối với lỗi lầm của người khác, với những sự việc không như ý với bản thân mình, mình khó chịu, thì mình có nhận ra không? Đây là căn bản pháp hành ở trong đời sống mà mình cần nỗ lực thực hành, nhìn thấu để mà buông bỏ cái tâm sợ được sợ mất, vướng bận của mình thì đời sống của mình mới được thêm chút phần tự tại, bình an chân thật.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *