Bố Thí Điều Gì Quan Trọng Nhất?

BÁO CÁO TU HỌC TỪ LỚP HỌC ONLINE.

Hanh Trinh Thay Doi Ban Than

Bố Thí Điều Gì Quan Trọng Nhất? Duyên đến cục đá giữa đường , lượm vô chứ không thôi người ta đi xe nhanh người ta vấp người ta té. Bỏ vô bên đường . Đây là không tính trước . Bây giờ làm sao mà mình bố thí mình không dùng cái tâm tính toán của mình giống như vậy để bố thí, thì phước báu của mình mới không thể nghĩ bàn được .

Còn bây giờ tính 2, 4, 6 làm gì, 3, 5, 7 làm gì, chủ nhật làm gì? Thì phước báu nhỏ. Như Ân Sư Người cũng dạy, thôi kệ làm vẫn tốt hơn là không làm. Nhưng mà mình phải biết đó là nhỏ, để từ cái chỗ mình biết đang nhỏ ấy mình mới mở rộng tâm lượng ra cho lớn, mà mình biết mình đang phan duyên vậy thì từ từ mình mới bớt phan duyên lại để mình tùy duyên. Chứ đâu ai nhào vô làm giống được như Chư Phật, Bồ Tát đâu? Trừ Phật Bồ Tát tái lai.

Còn mình thì bố thí chắc chắn phải có phan duyên ở giai đoạn đầu rồi. Cho nên khi mong cầu cuối đời có phước báu để mà ra đi được nhẹ nhàng, đánh sâu trong cái TÍN – NGUYỆN – HẠNH CỦA MÌNH THÌ ĐÂY LÀ MÌNH CHƯA TIN PHẬT. TOÀN BỘ CÁC BẠN TRÊN LỚP CHƯA AI TIN PHẬT HẾT, vẫn là muốn lâm chung mình sẽ được như vậy. KHÔNG CÓ TIN ĐỨC PHẬT A MI ĐÀ GIA TRÌ CHO BẠN. Các bạn vẫn muốn sắp xếp chuyện đó theo ý muốn của các bạn. Các bạn vẫn mong cầu là các bạn sẽ né được chuyện này, né được chuyện kia để các bạn có thể bình ổn để niệm Phật ra đi.

Các bạn thực sự là không có tín nguyện một cách chân thành. Ai cũng mong lúc lâm chung được yên ổn hết. Đây là chưa tin Phật. Thực sự là chưa tin, tin thật rồi thì thôi không nghĩ nữa. Niệm Phật là chuyện của mình, rước mình là chuyện của Phật. Hơi đâu mà nghĩ, có nghĩ là chưa tin, có nghĩ là xen tạp, có nghĩ là dính mắc, là lo lắng, là mong cầu.

Cho nên bố thí thế nào gọi là tốt nhất? Tách ra khỏi cái tư tưởng, không có tư tưởng bố thí. Cái này khó đó. Vì con người mình đã dính chặt với tư tưởng lâu lắm rồi. Đi đường lượm cục đá lên thì đó là không có sự chuẩn bị, mọi thứ đều rất tự nhiên, thấy rác xả, lượm lên bỏ thùng rác. Thì cái ý này là vì lợi ích của người khác mà đến rất tự nhiên, làm sao trong cuộc sống mình thực hành được cái sự tự nhiên này càng nhiều càng tốt. Vì trên thực tế mình phan duyên rất nhiều.

Phan duyên là gì? Phan duyên là có tư tưởng. Có tính toán là phan duyên , mắt thấy sắc, tai nghe tiếng là bắt đầu tính , bắt đầu nghĩ. Cho nên câu niệm Phật liền bị gián đoạn, liền bị xen tạp nên niệm mãi vẫn không thành khối được. Cho nên điều bố thí quan trọng nhất đó là bố thí thời gian của mình để niệm Phật, đừng đi bố thí thứ khác. PHAN DUYÊN NIỆM PHẬT ĐI! NGHĨ VỀ CÂU PHẬT HIỆU ĐI! NẮM CHẶT CÂU PHẬT HIỆU MÀ NIỆM!

Đây là bố thí thực sự quan trọng nhất đối với bản thân mình lúc này. Niệm Phật xong mới chuyển qua nghe pháp, để mình hiểu rõ được chân tướng của đời sống của mình, tư tưởng của mình. Hiểu rõ chính mình là nhờ việc nghe pháp. Cho nên mình cứ nghe pháp thì mình lại bảo chỗ này Ân Sư giảng đúng như cái tập khí của mình. Ngài mắng mình hay quá! Đây là đang hiểu rõ chính mình một cách tường tận hơn là nhờ nghe pháp.

Nhưng mà nghe Pháp rồi lại dính vô pháp! Cho nên mới mong cầu. Tại vì nghe Pháp rồi, thì nghe Ân Sư nói phước báu lớn nhất của đời người là để hưởng lúc tuổi già. Người biết hưởng phước là người biết hưởng lúc lâm chung, thì mình dính vô ngay cái pháp đó, rồi cái tâm mình lúc nào cũng sợ được sợ mất vào thời điểm lúc lâm chung. Nó không thúc đấy cái tín nguyện hạnh của mình tăng lên, mà nó thúc đẩy cái tâm sợ được sợ mất nó im ỉm, im ỉm ở bên trong tâm mình nó tăng lên.

Sợ mình không đủ phước báu, sợ lúc lâm chung bị người này người kia làm phiền, sợ oan gia trái chủ của mình đến, sợ thân thể không được khỏe mạnh, sợ lúc già yếu không đủ sức để niệm Phật…Cho nên bây giờ ráng, ráng tích phước, đâm ra mình đánh mất đi cái tín nguyện một cách chân thành, hồn nhiên vào câu Phật hiệu. Trong câu Phật hiệu có đủ hết rồi! Các bạn đi đâu, làm gì mà phải suy nghĩ phức tạp?

Bởi vì cái bản ngã của mình nó thúc đẩy mình phải suy nghĩ, nó thúc đẩy mình phải lo sợ, tính toán trên cái được mất của bản thân mình. Lo sợ về tương lai già cả, ốm yếu, bệnh tật không có ai chăm sóc, rồi thế này thế kia, đủ hết. Cho nên trong quá trình mình hành thiện, bố thí là mình luôn luôn có cầu báo. Người tu hành có cầu không? Có! Và người nào biết cầu thì sẽ có quả báo đặc biệt thù thắng. Cầu báo gì?

CON CẦU THÀNH PHẬT! Đúng như Lục Tổ. Ngài không cầu gì khác, Ngài không cầu lúc tuổi già con sẽ được tự tại, con sẽ được thế này thế kia giống mình, Ngài cầu thành Phật! Còn mình cầu thành Phật , mình thấy cái cầu này nó mơ hồ lắm. Con cầu Vãng Sanh về thế giới Cực Lạc, con cầu cầu vậy thôi chứ thấy thế giới Cực Lạc nó vẫn còn xa xăm lắm. Nên là những cái gì trước mắt mình nó đang hiện hữu, nó tác động rất mạnh mẽ đến đời sống của mình, cái này mình mới phải để ý chứ!

Cho nên một mặt nguyện sanh Cực Lạc thế giới, một mặt thì mong cầu những thứ trong đời sống của mình cũng phải ổn ổn. Nói thẳng, ngày nay mình tu đều mong như vậy? Có phải vậy không? Thôi mình cứ thú thật với nhau đi, để còn biết đường tính tiếp, chứ tu mà cứ che dấu các kiểu, thì càng tu càng tệ. Giờ mình tu mà thích an toàn, tu mà thích bình an, tu mà thích được sung sướng, tu mà thích được thảnh thơi, không có vất vả, không có khổ cực…

Thì rõ ràng đó là suy nghĩ rất thông thường của bản thân mình. Con người thật của mình nó đang là như vậy. Chưa từng rời xa những việc lợi ích của bản thân. Mình bị tư tưởng khống chế rất là nhiều, từ sáng đến tối, rồi lên lớp học pháp cũng bị tư tưởng khống chế, bắn ra đủ thứ suy nghĩ, từ trong quá trình đọc bài đến nghe người khác đọc bài. Phóng ra mạnh lắm! Cho nên mình thấy cái tư tưởng của mình nó phóng ra mạnh như vậy thì mình rất khó Vãng Sanh.

Làm sao để cho cái tư tưởng của mình nó ngày càng yếu dần, lực nó phóng ra cũng không mạnh nữa? Thì phải dùng câu Phật hiệu để phóng ra liên tục, chỉ có câu Phật hiệu mới giải quyết được tư tưởng này của mình, chỉ có Pháp Bảo của Như Lai kết hợp với câu Phật hiệu mới giải quyết được những tư tưởng này của mình. Thì đây là bố thí chân thật cho mình.

Cho nên những chuyện bên ngoài các bạn có làm được việc gì thì các ban hãy để cho người khác chủ động, mình không cần chủ động, cái mình cần chủ động là niệm Phật. Còn tất cả những việc khác để cho người ta chủ động, thì cái này bạn sẽ được tự tại. Mình thử nghiệm đi rồi mình biết. Rồi khi người ta chủ động, người ta muốn làm chuyện tốt cho người này người kia, mình thấy đủ điều kiện, phải làm thì mình làm, làm xong rồi thôi!

Giống như sư huynh Cương chia sẻ. Niệm Phật! Thì bạn chính là phước huệ song tu một cách tự nhiên. Nói tự nhiên là cũng miễn cưỡng, vì khi nào mình phá được bốn tướng thì mới được gọi là tự nhiên. Phá 4 tướng là mình chứng thánh quả Tu Đà Hoàn rồi. Mình chưa được như thế thì mình ráng tiệm cận với cái tự nhiên này. Cho nên các bạn nếu có được sự chọn lựa thời gian của mình, thì mình hãy chủ động dùng thời gian đó để niệm Phật, Niệm pháp.

Đọc những tấm gương thành tựu đã Vãng Sanh như thế nào? Những tấm gương thành tựu của các Tổ mà con đưa lên, mình cứ từ mình đọc. Để mình tăng thêm cái tín của mình vào pháp môn mình tu. Chứ cái tín mình còn yếu lắm, ăn ngon cái là quên câu Phật hiệu liền là thấy yếu rồi, cứ mỗi lần quên câu Phật hiệu là thấy xong! Là tín nguyện bay theo mây khói. Lúc đó lại nghĩ lung tung.

Lại nghĩ xem mình còn cần phải làm cái gì đó có lợi ích cho chúng sanh hay không? Được vậy thì mình mới cảm thấy cuộc sống của mình có ý nghĩa. Phải không? Chứ bây giờ mình ngồi niệm Phật nghe pháp thấy giống như tự kỉ quá, thấy không có ra được kết cục gì cho mình thấy rõ mình vui hết trơn á!

Giống như bạn Trung Phước nói mình giúp được người này người kia mình vui, còn ngồi niệm Phật thì cũng có lúc vui, mà cũng có lúc chẳng thấy vui gì hết trơn. Thấy mệt không à? Thấy nóng , mỏi, đau họng, nhức đầu , niệm không nổi, mỏi chỗ này đau chỗ kia đủ hết. Còn đi giúp người có phước thấy rõ ràng, thấy người ta vui cũng rõ ràng. Cho nên cái việc đi ra ngoài giúp người khác, tương tác với mọi người thì mình thấy thú vị hơn rất nhiều so với việc mình ngồi mình niệm Phật. Vậy thì mình còn xa lắm với cái đạo giải thoát của Như Lai!

Pháp môn nào cũng vậy, phải ngay từ trong chỗ tĩnh lặng mà thành tựu. Mình mà còn loi nhoi ồn ào ngoài kia, thì lấy chi mà thành tựu? Pháp môn Tịnh Độ cũng vậy thôi. Bạn đâu phải Pháp Thân Đại Sĩ mà bạn ở trong chốn thương trường, trong chốn náo nhiệt mà bạn có thể thành tựu được câu Phật hiệu?

Còn bảo ngồi im niệm Phật thì lại chán, được mấy tiếng thôi, qua tiếng thứ 5 thứ 6 là bắt đầu thử thách rồi, là muốn ngủ rồi. Đặt lưng xuống là bắn 3 tiếng đồng hồ ngon ơ. Dậy là lừ đừ lừ đừ không muốn niệm Phật nữa, muốn đi làm chuyện khác. Rồi lại hối tiếc tại sao mình ngủ nhiều quá! Cứ lặp lại như vậy nó tạo thành cái vòng luẩn quẩn. Thì sao đây?

Thì chuyện tu hành của mình nó chỉ đổi lấy phước báu của trời người thôi, nên chỗ này mình suy nghĩ nhiều nhiều một chút. Mà mình phải đi cái con đường mà Chư Phật, Bồ Tát đi thì mình mới thành Phật, Bồ Tát được. Chứ còn đi lem nhem kiểu mình bước hai hàng thì không được đâu, không thành Phật, Bồ Tát được. Cho nên ít nhất cũng phải có 8 giờ để nhập vô cảnh giới của Phật Bồ Tát. Cảnh giới gì không biết nhưng nó có tên, đó là niệm Phật.

Các Ngài niệm Phật liên tục, Bồ Tát Thập Địa không rời câu Phật hiệu, đó là mình nói đến chỗ các Ngài là Pháp Thân Đại Sĩ, các Ngài thấy rõ được lợi ích của câu Phật hiệu nên các Ngài niệm hoài. Càng niệm càng vui, thì bây giờ mình chưa vui thì cũng ép cái tâm mình nó niệm, niệm có lúc vui thì cũng lấy nó làm động lực, mà đừng có dính mắc, vui hay không vui gì thì vẫn cứ niệm, miễn sao ngày đủ 8 giờ. Chưa đủ 8 giờ thì nghĩ sao để làm cho nó đủ 8 giờ. Còn lại thời gian đọc Kinh, nghe pháp, rồi tùy duyên tùy phận giúp đỡ mọi người.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *