Nghiệp Lực Của Mình Quá Đáng Sợ

BÁO CÁO TU HỌC TỪ LỚP HỌC ONLINE.

Hanh Trinh Thay Doi Ban Than

Nghiệp Lực Của Mình Quá Đáng Sợ: Mình nhéo thử mình cái coi mình có thấy đau không? Thì cái đau này là thật hay là giả? Nếu mà là giả thì mình đâu có thấy đau. Mà tại sao mình có cái cảm nhận đau này? Tại vì đây chính là cái nhân quả của mình, cái đau này thật ra cũng có bắt đầu và cũng có kết thúc.

Nhéo xong 1 cái thì đau, đau xong thì hết, để lại vết bầm. Cho nên nói cái đau này không thật cũng đúng, mà thật cũng đúng. Thật là lúc mà mình đang đau, tại vì mình dính mình với cái thân này. Còn không thật thì bây giờ cũng hết đau rồi, xong rồi. Cũng không thể nào đau mãi được. Nếu mà kêu cái đau này là thật thì phải đau hoài. Cho nên trong cái giả này có cái thật đó chính là nhân quả của mình là thật.

Những cái hình tướng mà mình thấy, mình sống trong cái thế giới này, ngay cả cái thân này của mình, là do chính cái nhân quả mình đã tạo trong đời quá khứ, chiêu cảm kết thành cái số mạng này. Cái số mạng này không có giả được. Cho nên là nam là nữ là biết rõ. Rồi tại sao mình sanh vô trong gia đình này, bây giờ mình nhìn lại mình cũng thấy rõ. Rồi trong quá trình mình từ nhỏ tới lớn, biết bao nhiêu chuyện xảy ra.

Lúc gặp nạn lớn mình cũng không thể nào mình thay đổi được, lúc gặp chuyện vui lớn cũng không thể nào thay đổi được. Giống như trúng số chẳng hạn. Hoặc là đứng trước những cơn bệnh lớn. Mình cũng không tránh né được. Và đến khi mình lớn lên mình học trường nào, ra trường, đi làm, thu nhập như thế nào, nghề nghiệp ra làm sao đều nằm trong số mạng của mình hết. Nhân gian gọi là Số Mạng, nhà Phật gọi là Nghiệp Lực.

Thì như vậy mọi thứ đều chuyển biến theo Nghiệp Lực. Nếu như mình nỗ lực tu thiện, thật sự là nỗ lực rất là lớn, để mà tu thiện, để mà đoạn ác, thì như vậy mình chuyển được, giảm đi những cái tai nạn, những cái bất như ý ở trong cuộc đời của mình. Bao gồm cả những việc giống như là: Gia Đình, Con cái, Tuổi thọ, Sức khỏe, Trí tuệ, Tài sản, … đều có thể thay đổi được theo chiều hướng tốt.

Nhưng mà đến cuối cùng rồi khi tắt hơi thì thôi, bỏ lại hết, chỉ mang theo nghiệp tạo tác mà thôi, bao gồm thiện nghiệp và ác nghiệp. Và khi mình đi đầu thai theo nghiệp lực của mình, vào trong 1 hoàn cảnh mới. Lại tiếp tục, cặm cụi tạo nghiệp tiếp. Dạ cho nên những cái giả này mình không được phép xem thường, vì cái khổ ở trong đây mình đang chịu thì mình cảm nhận được.

Và khi mình buông xuống, thì mình rất dễ buông những cái gì mà không thuộc về mình. Mình buông cái ở bên ngoài dễ lắm, buông chồng, buông con, buông vợ, buông công việc, buông nhà cửa, buông bổn phận. Để mà mình bắt đầu mình say mê trong vấn đề học Phật. Đi tu chỗ này, đi tu chỗ kia, đi đạo tràng nọ, huynh đệ tỷ muội bắt đầu nhiều hơn, đủ thứ sự kiện, đi đây đi kia. Và mình cảm thấy rất vui đối với sự thay đổi này. Và chúng ta trải nghiệm cái sự thay đổi này 1 thời gian thì chúng ta thấy rõ, vẫn không thoát khỏi Nghiệp Lực. Vẫn có phiền não.

Tại vì mình chỉ chú trọng cái chuyện buông ở ngoài, thay đổi cái bên ngoài mà không có nỗ lực buông bỏ những cái ở nội tâm. GIống như sư muội báo cáo đây là Tham Sân Si, buông xuống cái Tôi của mình. Thì khi mình quay về cái bên trong này mới là cái sự quay về đúng đắn. Còn cái duyên bên ngoài thì sao cũng được, vì đã gọi là Duyên bên ngoài thì bình đẳng.

Cái tâm lượng bên trong của mình vốn dĩ là rất hiền từ, rất là từ bi, rất là hoan hỷ, nhưng mà do mình chứa đựng những cái chủng tử Tham Sân Si, Tự Cao Tự Đại, tự cho mình đúng, nhiều cái tập khí xấu. Cho nên ngay cả khi mình muốn làm 1 người tốt, mình đi ra bên ngoài mình muốn giúp đỡ người này, muốn giúp đỡ người kia, nhưng các chủng tử hạt giống xấu này ở trong tâm mình chưa chuyển hóa được, thì vô tình mình lại mang những cái hạt giống này mình lại đẩy ra bên ngoài trong quá trình mình giúp đỡ người khác.

Mình lại tiếp tục muốn điều khiển người và sự vật theo ý của mình. Khi thấy người khác trái ý mình mình lại sân si. Cho đến mình được như ý thì mình lại thấy là cái này của mình. Cho nên cái tấm lòng của mình thực chất vốn dĩ là thanh tịnh, vốn dĩ là đầy lòng yêu thương, bao dung không bờ mé. Nhưng mà do cái sự ô nhiễm. Cái lớn nhất đó là cái tâm si mê và tà kiến của mình, giống như Ân Sư dạy cho chúng ta trong thập thiện. Mình không loại trừ ra những cái độc tố này thì khi mình đối diện với người và sự vật, thì cách nghĩ của mình đều có chướng ngại, đều có phân biệt, có chấp trước, là không chính xác.

Câu chuyện của Sư Muội kể liên quan đến cái bác tài xế, có xăm trổ rồi có đeo khoen, cộng với lại kết hợp những câu chuyện mình nghe trên mạng là bán người qua biên giới, bán qua Trung Quốc lấy nội tạng hay là sao đó… Nói chung là bán qua Trung Quốc, mình thấy vậy mình sợ. Qua đó mình mới thấy là gì? Mình tiếp nhận trong đầu óc mình quá nhiều thứ thông tin tiêu cực. Đâm ra là những thông tin tiêu cực đó, mặc dù mình không muốn nhưng mà nó cứ ở trong đầu mình. Do mình tiếp nhận vô. Thì khi mà mình tiếp xúc với người khác thì những thông tin đó nó làm cái nền tảng để cho mình phán xét người khác.

À mình nghĩ là móc khoen vô tai là người giang hồ, xăm trổ là người giang hồ. Mà nhiều khi là người ta thích làm, đơn giản là người ta thích vậy thôi. Đó giống như là 1 sở thích, chứ họ rất là hiền. Mà mình bị chính cái suy nghĩ, thành kiến của mình nó lừa miết như vậy, thì ngộ nhỡ mình gặp một bác tài xế quần áo chỉnh chu, mặt mũi không xăm trổ, trông rất là tốt, nhưng mà lên xe 1 chút là cho mình thuốc mê rồi chở mình thẳng qua bên Trung Quốc thì mình nghĩ sao? Chả phải là tại mình quá tin vào cái thấy của mình phải không? Hay tại cái số mình nó như vậy?

Giống như trong hàng chục, hàng trăm cái xe taxi ở sân bay làm sao mình không chọn xe khác mà mình lại chọn xe này. Tại sao người ta đến người ta kéo mình lên xe được? Là do mình chọn, chọn lựa đó cũng không nằm ngoài nghiệp lực của chính mình. Nghiệp lực của mình thật sự là đáng sợ, nghĩ trước nghĩ sau đều là do nghiệp lực làm chủ mà bản thân mình không hay không biết, vẫn cứ nghĩ mình đang làm chủ đời mình…Tất cả quyết định của mình đều đẩy mình tiếp tục luân hồi, đây là chỗ đáng sợ của nghiệp lực.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *