BÁO CÁO TU HỌC TỪ LỚP HỌC ONLINE.
Người Chí Cực Thành Thật Thì Ẩn Dấu Đức Mình: Không bao giờ mình đạt được sự tiến bộ nếu như mình không buông xả những cái ý niệm tham chấp này. Đoạn nhỏ cuối, ông nói rõ “một người có lòng chí cực thành thật là tương hợp với lòng trời nên chỉ cần quan sát xem họ làm những điều thiện hay bất thiện thì đủ biết trước được là họ sẽ gặp phúc hay họa”
Đây là nói về cái tấm lòng của một người có lòng chí cực thành thật.
Trước đó Viên Liễu Phàm đã diễn cho mình thấy rồi, Huynh Đệ phải đọc lại từ cái đoạn gặp Vân Cốc Thiền Sư cho đến đoạn..Ngài hỏi han rồi Ngài tiếp nhận rồi Ngài phát lồ sám hối và những năm tháng sau đó Ngài cải đổi vận mệnh mình ra sao, rất là thành thật, là làm thật chứ không phải là làm để mưu cầu một cái gì đó ngắn tạm, hay để được mọi người khen tặng lại càng không. Cho nên mình học Phật, công phu tụng Kinh, niệm Phật, ăn chay, phóng sanh, làm lành, là những chuyện khi mình tu hành đầy đủ nhân duyên là phải làm không nên có cái tâm là làm để thành tựu cái gì đó, để được cái gì đó.
Cái này nói thì thấy có vẻ không ổn về mặt nhân quả, vì ai làm việc tốt mà chả mong cầu cái chuyện phải có quả báo tốt chứ? Làm sao mà mau chóng đạt được tới cảnh giới mà làm như không làm được? Nhưng mà thú thật khi mình làm việc tốt, hay công phu dụng công tu hành của mình ra sao thì mình nên “ẩn giấu” đi,
“Ẩn giấu” đi đừng để cho ngay cả các Huynh Đệ của mình khen tặng hay là biết đến, không cần thiết cũng không cần chia sẻ, phải “ẩn giấu đức mình” thì đường tu mới được an ổn. Các Huynh Đệ mình cố gắng học theo các vị Pháp Thân Đại Sĩ trong Kinh Vô Lượng Thọ, các Ngài phải ẩn giấu đức mình chứ không có lồ lộ ra. Còn mình không lộ hình như không được! Dường như là cảm thấy bức rứt, chuyện tốt làm được phải để cho mọi người biết đến, phải tự hào, phải hoan hỷ, phải like mạnh, phải này phải kia, phải họp mặt, đủ hết!
Nhưng một người thật sự có lòng “chí cực thành thật”, họ chẳng cần những thứ đó, thấy việc nên làm thì họ làm nhưng chẳng bao giờ kể, chẳng bao giờ nghĩ đến, cũng chẳng bao giờ khoe ai, xong rồi thôi, ai khen họ, họ nói đại khái ý là: Không! Tôi ngu lắm tôi dở lắm, tu cũng chẳng tới đâu, phiền não tập khí nhiều lắm, chưa thấy được cái gì cả, phải cố gắng nhiều lắm”.
Những người đó mình nên gần gũi học tập, còn chúng ta khi tu hành được một thời gian, năm năm mười năm rồi, khi ai đó có những lời tán thán thì bề ngoài mình cũng khiêm tốn xá xá nhưng trong tâm thì vui, cái vui đó chính là tự mãn. Cho nên cái đoạn thứ tư trong cuốn ” Liễu Phàm Tứ Huấn ” là dạy cho mình phải chú tâm đến việc bồi dưỡng cái đức tánh là “khiêm hư”, từ giờ cho đến quả vị Như Lai nhất định là phải khiêm hư.
Có đôi lúc các Ngài Pháp Thân Đại Sĩ thị hiện tướng ngạo mạn, nhưng các Ngài có lý do và các Ngài đã sanh tử tự tại thì các Ngài có thể tùy ý muốn diễn sao thì diễn đúng không ạ…đã ra khỏi sanh tử luân hồi muốn diễn sao thì diễn, còn mình là phàm phu mà mình muốn diễn vai ác đó là mình đi vô tam ác đạo.
Chỗ này mình chú ý nha! Mình tự mãn, tự kiêu, ngạo mạn thì mình không khéo đi vô 3 đường ác. Còn các Ngài là khác rồi cho nên không thể lấy cái việc làm, cái hạnh nguyện của Chư đại Bồ Tát lại đem làm cái hạnh nguyện của chính mình! Bản thân thì quên đi cái mục tiêu chính trong đời này là phải “cầu sanh Cực Lạc”!
Những chuyện khác, những thành tựu khác, hay dù bạn có niệm Phật đạt đến lý nhất tâm bất loạn, việc đó xem chừng ra vẫn là phụ, vì khi bạn đạt đến cảnh giới đó nhất định bạn vẫn phải tiếp tục “nguyện sanh Cực Lạc”, bạn không tin thì đọc trong Hoa Nghiêm sẽ tự rõ, Pháp Thân Đại Sĩ đều ngay trong 10 nguyện Phổ Hiền cầu sanh Cực Lạc, đó mới chân thật là có trí huệ, huống hồ chi chúng ta mới niệm Phật gần đây, cho dù công phu thành khối tầng một, tầng hai, tầng ba hay tầng mười gì đó thì chuyện này cũng chẳng đáng để chúng ta bàn luận, báo cáo chi cả, hết thảy đều buông xuống, lẳng lặng âm thầm thật thà mà niệm Phật, cầu sanh Cực Lạc.