BÁO CÁO TU HỌC TỪ LỚP HỌC ONLINE.
Hỏi Đáp Về Niệm Phật: Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật. Nam Mô A Di Đà Phật. Kính thưa Sư Huynh cùng các liên hữu đồng tu. Trong cái cuộc sống cập rập hết sức là hối hả hiện nay thì chúng ta thấy rằng đa phần trong sinh hoạt hằng ngày đặc biệt thì quý vị thấy là trong cái thời này Tịnh độ là pháp môn mà cứu cánh, pháp môn mà thuận tiện nhất cho cái người Phật tử niệm Phật phát nguyện vãng sanh...
Thì trước khi niệm Phật chúng con cũng đã phát tín nguyện hạnh cầu vãng sanh Cực Lạc, cũng có sám hối, cũng đã làm mọi nghi thức phóng sanh, ấn tống Kinh hay các việc để mà có công đức hồi hướng cho khắp pháp giới chúng sanh nhưng mà nghĩ đi nghĩ lại cho cái bản thân:
Trong tâm bản thân cá nhân của Phật tử Thường Nguyên thì thấy rằng nếu có bữa nào cái tâm nó tịnh thì niệm nó không có vọng tưởng, không có chấp trước. Tâm niệm Phật rất là tốt.
Xin hỏi Sư Huynh làm cách nào để mà dứt trừ cái tâm vọng tưởng, tâm chấp trước, tâm chấp ngã. Cái phương pháp niệm làm sao?
Theo tôi nghĩ là niệm Phật thì phải nhớ Phật. Làm cách nào để mà nhớ Phật biết là cái tâm nó nhớ Phật nhưng mà cái tâm thì nó phóng như ngựa vậy. Cho nên có lúc trong sinh hoạt hằng ngày thì không làm gì cả thì niệm Phật nhưng mà nó cứ vọng tưởng cứ chấp trước. Tâm không định thì làm cách nào để niệm Phật cho nó có hiệu quả hơn. Xin Sư Huynh và liên hữu đồng tu chia sẻ. Nam Mô A Di Đà Phật.
Phần Trả Lời & Chia sẻ:
Việc tu tập của mình ở trong đời sống thực tế không phải ngày nào cũng được như ý. Người và sự việc cứ tác động đến cái tâm của mình liên tục. Chưa kể bên trong nội tâm của mình vốn dĩ có rất nhiều vọng tưởng, rất nhiều phân biệt chấp trước rồi. Nhưng giống như Sư Huynh nói là may là Đức Phật dạy cho mình cái phương pháp này: Niệm Phật cầu sanh Cực Lạc. Thì trên thực tế, không cần đoạn vọng tưởng cũng được vãng sanh.
Cho nên điểm đầu tiên mà con nghĩ Sư Huynh cũng như các Cô Bác Huynh Đệ mình cần nhận ra được cái tư tưởng của mình đó, cái suy nghĩ của mình đó. Mình tách nó ra, nó không phải là mình. Đây là cái chỗ mà mình nhận thức được trên bước đường tu.
Ví dụ như: Nếu có sự việc mà nó không như ý mình. Có ngày mình tu được tốt. Có cái ngày mình tu được rất ít, niệm Phật cũng không được hiệu quả như mình mong đợi. Thì mình bắt đầu mình sẽ có cái sự bất như ý ở trong nội tâm. Làm thế nào để mình hàng phục vọng tưởng? Làm thế nào để mình đối trị lại với những cái tư tưởng này nó cứ phóng trong tâm mình liên tục.
Do bản thân mình lâu ngày đã đồng hóa cái tư tưởng này là chính mình rồi. Là tôi nghĩ nên tôi tồn tại. Mà cái suy nghĩ này nó cứ chạy theo mình suốt thôi. Lúc nào cũng phải suy nghĩ. Tính đi niệm Phật rồi cũng vẫn phải suy nghĩ, vẫn phải có tâm mong cầu. Thì đây là cái chướng ngại ẩn ở phía dưới mà Sư Huynh để ý là mình cần phải bỏ.
Niệm Phật là xả sạch không nghĩ gì hết. Niệm Phật có cần nguyện sanh về Cực Lạc Thế Giới không? Không nguyện thì sao mà niệm? Phải không ạ? Mình niệm Phật là mình đã có cái nguyện trong đó rồi. Không cần thiết Nam Mô A Di Đà Phật con nguyện sanh về Cực Lạc Thế giới. Nam Mô A Di Đà Phật. Nam Mô A Di Đà Phật con nguyện cầu sanh về Cực Lạc Thế giới. Xin Phật đến tiếp dẫn con.
Không nên vậy. Tại vì cái động lực thúc đẩy mình niệm Phật chính là cái nguyện cầu sanh Cực Lạc. Thì cái chí nguyện này nó thúc đẩy mình niệm Phật. Cho nên trong câu Phật hiệu đã đầy đủ tín nguyện.
Mình chỉ cần chấp trì danh hiệu. Không cần cầu phải là được cái này, được cái kia. Hay hôm nay mình niệm Phật tốt thì ngày mai mình phải niệm tốt hơn. Con nói hãy xem cái chuyện tu tập của mình giống như thời tiết. Nếu mà Sư Huynh để ý thì hôm nay trời không có nắng. Ngày mai trời ổng lại nắng đẹp. Đúng không? Thì dù nắng đẹp hay là không có nắng hay trời lại sắp mưa thì con cũng như Sư Huynh cùng tất cả các Cô Bác Huynh Đệ ở đây mình vẫn đi về Cực Lạc Thế giới.
Là mình có mục tiêu rõ ràng. Trời nắng hay mưa thì mình cũng đi về Cực Lạc Thế giới. Mình đi bằng cái gì? Đi bằng câu Phật hiệu. Câu Phật hiệu giống như là từng bước chân giúp mình đi về Cực Lạc Thế giới. Mình đi bằng chính đôi chân của mình. Không có lên xe của ai hết nha. Không có quá giang, ngắm cảnh gì hết mà chính mình niệm Phật một bước thì mình bước một bước. Câu Phật hiệu sẽ dẫn mình về Cực Lạc Thế giới.
Cho nên trời nắng, trời mưa xung quanh cảnh vật ra sao đừng để tâm. Mình chỉ để tâm vô cái chuyện mình bước đi về Cực Lạc Thế giới bằng chính câu Phật hiệu nối tiếp nhau, nối tiếp nhau. Miệng niệm tai nghe rõ ràng. Khi mà Sư Huynh nghe không rõ ràng thì Sư Huynh sẽ đổi lại cái cách niệm. Làm sao để mà tai nghe được rõ ràng. Mà cái âm lượng giọng nói của Sư Huynh rất là lớn. Sư Huynh niệm Phật như vậy sẽ rất là lớn. Chắc chắn cái chuyện nghe rõ ràng không có khó đối với Sư Huynh.
Nhưng mà trong đời sống của Sư Huynh có thể là có một số trường hợp Sư Huynh muốn niệm Phật nhưng mà hoàn cảnh xung quanh nó không thuận lợi lắm. Nhưng mà mình rất muốn, thì cái muốn này là cái chướng ngại. Tại vì Ân Sư dạy rồi phải biết tùy duyên niệm Phật. Nhìn thấu, buông bỏ, tự tại, tùy duyên, niệm Phật. Mà nhiều lúc mình không có biết tùy duyên niệm Phật, mà mình phan duyên niệm Phật, là mình có phiền não. Giờ Sư Huynh cần để ý xem: Có phải là Sư Huynh cứ hay ép Sư Huynh phải niệm Phật trong những tình huống mà Sư Huynh không nên niệm Phật hay không?
Thay vào đó mình sẽ niệm Pháp hoặc niệm Tăng. Ở trong Kinh A Di Đà, Đức Phật dạy mình 3 phương pháp: Niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng. Đúng không ạ? Rõ ràng. Tất cả đều tùy duyên. Duyên nào thì niệm Phật? Duyên nào thì niệm Pháp? Duyên nào thì niệm Tăng? Pháp vốn như vậy thì mình nên thuận theo cái pháp là như vậy. Giống như trời nắng nóng vậy có ai mà mặc 3 cái áo không? Không, Nóng lắm! Mặc cái áo mỏng thôi. Rồi trời mưa thì phải mặc áo mưa, phải đội dù đi. Thì đó là cái chuyện mình tùy theo cái duyên.
Cái duyên ngay lúc này mình cùng với người nhà của mình đang làm một cái chuyện gì đó. Sum họp gia đình vui vẻ người ta cần cái sự hiện diện của mình. Thí dụ sinh nhật của con mình đi. Mà tự nhiên Tỷ Diệu Đức nói: “Không! Ai làm gì làm, tôi niệm Phật”. Cả nhà đang vui vẻ này nọ tự nhiên mình hổng giống ai hết thì hổng được. Như vậy là Tỷ đang phan duyên niệm Phật.
Trong khi người nhà của Tỷ đang muốn sự có mặt của Tỷ tham dự buổi sinh nhật đó cùng với con cháu cắt bánh kem. Rồi hát một bài thí dụ vậy. Happy birthday gì đó. Hoặc thậm chí cháu mình hỏi: Dì có quà mừng cho con không? Cái giờ mình nói sao: Giờ Dì hổng có quà gì hết. Bây giờ Dì tặng cho con câu A Di Đà Phật được không? Câu A Di Đà Phật là số một đó con! Nó nghe nó hiểu không? Nó tiếp nhận không? Không! Sinh nhật của con phải có quà, giờ Dì A Di Đà Phật là sao? Có nghĩa là mình rất là phan duyên.
Mình cứ ép cái câu A Di Đà Phật này vô mọi người xung quanh, bắt mọi người phải tiếp nhận. Nắm được câu A Di Đà Phật này rồi thì hăm hăm hở hở là gì? Muốn người nhà mình phải biết câu A Di Đà Phật này. Nghe cái pháp gì hay là mình muốn áp dụng lên người nhà liền. Muốn người nhà mình phải thế này thế kia. Muốn ông chồng phải theo phương pháp A B C. Muốn con mình phải thay đổi cái này. Muốn Cha Mẹ mình phải niệm Phật thế kia…
Hơn nữa, mình lại muốn trong tất cả hoàn cảnh mình phải niệm Phật cho được như ý của mình. Thì cái này mình gọi là phan duyên, phan duyên thì chắc chắn sẽ có phiền não, công phu niệm Phật liền bị giới hạn, rất khó mà tiến bộ, mà lại âm thầm tạo ra chướng ngại cho việc cầu vãng sanh của mình. Chỗ này mình cần suy gẫm thật kỹ…