Niệm Phật Và Đời Sống Của Mình Là Một Thể Không Tách Rời

BÁO CÁO TU HỌC TỪ LỚP HỌC ONLINE.

Hanh Trinh Thay Doi Ban Than

Niệm Phật Và Đời Sống Của Mình Là Một Thể Không Tách Rời: Niệm Phật có muôn màu sắc. Quy y Phật là Giác mà không mê. Cho nên niệm Phật là niệm Giác. Giác là trong chính cái hoàn cảnh đó, mình biết rõ Cái nhân, cái duyên, cái nghiệp, cái quả. Rồi mình biết rõ luôn cái vai trò bổn phận của mình trong hoàn cảnh đó mình sẽ làm gì.

Ví dụ: Sinh nhật của đứa cháu, mình đã chuẩn bị một món quà dễ thương rồi. Trời ui! Con tưởng Dì suốt ngày chỉ biết niệm Phật không chứ. Hôm nay còn nhớ đến sinh nhật của con, còn có quà cho con nữa kìa. Nó chọc mình hoài. Dì xin lỗi con mấy lần trước Dì thiếu sự quan tâm không để ý. Năm nay thì Dì nhớ Dì có cái quà nhỏ này cho con nè. Con nhớ cảm ơn Mẹ nhân ngày sinh nhật nha. Vì Mẹ sinh con ra trong ngày này. Dễ thương không?

Thay vì mình nói mình tặng câu Phật hiệu bất chấp như trước đây. Nó không có tiếp nhận nhưng tặng nó món quà rồi khuyên nó cảm ơn Mẹ đi. Đức Phật Ngài có thị hiện trong hoàn cảnh đó Ngài cũng sẽ làm như vậy. Ngài không có niệm A Mi Đà Phật mà Ngài niệm lợi ích của chúng sanh, mà niệm lợi ích của chúng sanh cũng chính là niệm Phật.

Cho nên đôi lúc nếu mà mình không hiểu đúng cái pháp môn cho sâu sắc thì mình vẫn đang thực hành cái chuyện ích kỷ của mình. Con nói nó hơi khó nghe một chút. Niệm Phật mà tăng thêm sự ích kỷ có nghĩa là không quan tâm đến những người xung quanh. Cho dù mình đang sống với người xung quanh mình nhưng không quan tâm. Chỉ chăm bẵm vô cái chuyện là mình niệm Phật thôi.

Cho nên về bổn phận của mình. Mình nghĩ xong rồi nhưng mà thật chất ra bổn phận của mình nó xong hay không là do cái sự quan sát của mình. Hôm qua thì xong rồi đó nhưng hôm nay là một ngày mới. Con cũng như các Cô Bác Huynh Đệ đều có cái bổn phận mới. Cái vai trò của mình ở độ tuổi này trong gia đình của mình. Trong hoàn cảnh này mình phải làm cái gì? Thì đây là thuộc về bổn phận mỗi ngày.

Mình còn một ngày ở thế gian này là mình phải có bổn phận. Vậy thì ngoài cái chuyện niệm Phật của mình thì cái bổn phận của mình là gì? Mình có nắm được chắc không? Đã làm được tốt chưa? Cho nên cương lĩnh tu học của người niệm Phật Đại Sư Ấn Quang đã đặt hết vô trong cái bài khai thị của Đại Sư rồi. Thứ nhất: Trên kính dưới hòa. Thứ hai: Nhẫn những điều mà người khác khó nhẫn. Thứ ba: Làm những điều mà người khác khó làm được. Thay người làm những việc cực nhọc. Thành toàn cho người là việc tốt đẹp. Đây là cái phần đầu tiên thì trong đời sống mình phải làm được cái chuyện này trước.

Sau đó mới nói đến cái chuyện là lúc tĩnh tọa thường nghĩ đến điều lỗi của mình. Lúc nhàn đàm đừng bàn đến điều sai trái của người. Lúc đi đứng nằm ngồi ăn mặc từ sáng đến tối, từ tối đến sáng chỉ niệm Phật hiệu không để gián đoạn. Có nghĩa là chia thành 2 phần rõ ràng nhưng mà mình thì lúc nào cũng muốn niệm Phật không gián đoạn này nó nhảy lên trước luôn. Có nghĩa là tiếp xúc với người và vật lúc nào cũng muốn niệm Phật. Mà không nghĩ đến cái bổn phận của mình là làm cái gì lợi ích cho người đó.

Hôm nay nhà mình có chuyện gì sắp xảy ra, đang xảy ra. Con mình nó cần mình cái gì? Chồng mình cần mình cái gì? Cha Mẹ mình cần mình cái gì? Hàng xóm láng giềng cần mình cái gì? Mình có để ý không? Hay mình chỉ lo cái ông A Mi Đà Phật của mình thôi. Thì đó là cái chỗ con thấy nhiều lúc bản thân mình cũng vậy. Con cũng vậy, mình lệch qua một bên là mình chỉ muốn niệm Phật thôi chứ mình không để ý gì đến những chuyện xung quanh thì mình phải đọc lại lời khai thị của Ấn Tổ.

Ngày nào cũng phải đọc. Sáng đọc một lần, nhắc nhở mình hôm nay phải làm đúng theo lời dạy của Ấn Tổ. Tối đọc một lần để kiểm điểm lại hôm nay mình đã làm được chỗ nào. Chỗ nào chưa làm được. Đây là cái chỗ quan trọng của người tu Tịnh độ. Mình có Tổ đàng hoàng. Tổ đã để lại một cái bài khai thị rất là trọng yếu rồi. Thậm chí cũng thuộc rồi nhưng không có để tâm để mà thực hành. Vì nếu thật sự để tâm thực hành thì sáng sẽ đọc một lần, tối sẽ đọc một lần để kiểm điểm.

Chứ còn không đọc thì Tổ để lại lời đó không có tác dụng đối với đời sống của mình. Cho nên học Pháp, niệm Pháp rất quan trọng bên cạnh việc niệm Phật.

Vì nếu mình chỉ chăm chăm vào niệm Phật mà mình không có pháp soi đường thì tâm mình rất dễ bị lầm lạc. Vì cái ý niệm muốn điều khiển mọi thứ theo ý của mình rất là mạnh. Con nói rất là mạnh thì cái chỗ này mình phải nghe pháp cho nhiều để thông. Cho nên đối với Sư Huynh thì Sư Huynh cân bằng lại cái thời gian niệm Phật của Sư Huynh với đời sống thực tế trong gia đình của Sư Huynh.

Làm sao để mà tu được lục hòa ở trong gia đình của mình. Áp dụng được lục hòa kính. Không có những tư tưởng bất đồng với những người thân trong gia đình nữa. Ý niệm bất đồng trong tâm cũng không có luôn. Nó phóng ra là biết liền. Liền bỏ! Không có nhíu mày cau có nữa. Không có làm mặt ngầu nữa mà mỉm cười.

Rồi từ trong cái lục hòa này mình mới bắt đầu ghi ra là cái thời gian nào mình làm cái gì. Sáng nay dậy sớm là mình ngồi mình có một thời công phu rồi. Thì trong cái thời công phu đó mình cũng phải quán chiếu luôn là các việc sáng nay mình sẽ làm cho gia đình này là gì? Từ mấy giờ đến mấy giờ ăn sáng với mọi người. Chuẩn bị bữa sáng cho mọi người như thế nào?

Con nói giống như con, các Chú, các Huynh ở đây nè có bao giờ chuẩn bị bữa sáng cho cả nhà không? Hiếm ha! Vợ làm hết rồi. Không thì nhờ con mới làm. Còn ở chung với Mẹ được Mẹ cưng Mẹ làm cho. Còn không thôi có tiền thì đi ra ngoài tiệm ăn. Ăn đồ ở ngoài có bao giờ biết nghĩ tới mọi người trong nhà mua đồ ăn sáng về cho cả nhà ăn không? Rất hiếm có!

Hôm nay con mà đi làm chuyện đó chắc trời mưa lớn. Làm các bà Mẹ, các bà Dì, các bà Cô là vui lắm mà mình hổng làm. Mình quen cái vị trí của mình là mình được ngồi đó và có cái món đồ ăn sáng mỗi buổi sáng rồi. Ly cà phê đã được bà xã pha sẵn rồi. Pha mà không ngon là bắt đầu nhíu mày. Sao hôm nay kỳ vậy? Cà phê kỳ vậy? Nguội ngắt à! Là có chuyện với ổng đó. Sao cà phê pha hôm nay ngọt quá vậy?

Anh đâu phải con nít cho anh uống ngọt. Này là ăn chè chứ đâu phải cà phê. Đổ đi pha cái khác. Ghê không? Pha kiểu này chán quá! Ra tiệm uống. Biết bao nhiêu cái mình đòi hỏi mọi người xung quanh là thường phải theo ý mình ngay từ trong những thói quen hành vi nhỏ như vậy. Thì con nói niệm Phật sao vãng sanh? Vãng sanh lên trên kia bắt A Mi Đà Phật pha cà phê cho mình à? Hay là sao? Ai pha cà phê cho? Sao được? Bỏ đi!

Ngồi tư duy quán chiếu lại tất cả những chuyện như vậy, những lần mà mình được mọi người phục vụ, cơm bưng nước rót. Giờ mình thay đổi đi! Đừng đóng vai người trung tâm được phục vụ nữa. Mà mình phải đi phục vụ mọi người thử xem. Sáng nay tích cực lên! Đi ra ngoài mua 5 ổ bánh mì chay về cho cả nhà ăn. Ai ăn được thì ăn, hổng ăn còn dư thì để trưa mình ăn, chiều mình ăn. Vậy thôi! Nhưng mà cái hành động đó tạo ra được một cái không khí rất là tích cực trong gia đình.

Trời ui! Hôm nay cái ông chồng này. Ổng bị ai nhập vậy ta? Đi mua bánh mì chay cho cả nhà. Sao Ba hôm nay khác vậy Ba? Vì ngày nào mình cũng ăn trên ngồi trước không à. Đàn ông tụi con ăn hiếp mấy bà quá. Con nói vậy thấy mấy chị gật đầu liền. Con không biết có ông xã mấy chị có ở đây không? 

Ổng mà ngồi bên này chiếu qua một cái thì thôi đâu có dám gật đâu. Mấy ông đàn ông tụi con ăn hiếp mấy bà quá. Được mấy bà thương rồi bắt đầu ăn hiếp. Được chăm sóc mười mấy hai chục năm quen rồi,  quen thói được chăm rồi. Cho nên mấy cô, mấy bà sẽ vãng sanh trước vì biết hy sinh phục vụ cho người khác. Tu Bồ Tát đạo trong gia đình tốt hơn mấy ông.

Chỗ này Ân Sư nói rất rõ ràng: Người niệm Phật đời này thành tựu nữ tại gia số một. Mình hiểu rồi lý do rồi nha! Nữ tại gia là số một nha. Xin đạo tràng cho một tràng pháo tay. Nữ tại gia vãng sanh là đông nhất sau đó mới đến mấy ông nam tại gia. Tại mấy ông thường ăn trên ngồi trước được phục vụ, phước kém. Phải đầy đủ thiện căn phước đức nhân duyên mới được sanh về cõi kia mà bây giờ ngồi trên ngồi trước không. Được phục vụ lấy đâu ra phước.

Trong khi các Cô, các bà ngày nào cũng đi phục vụ chồng con từ sáng đến tối mệt gần chết. Một lời khuyến khích động viên của các ông cũng hiếm thấy. Hiếm khen lắm! Đấm bóp, đấm vai để cho đỡ mỏi cái lưng cho vợ lại càng hiếm nữa. Vậy sao bằng mấy cô, mấy bà được? Cho nên rõ ràng niệm Phật phải đi vào đời sống. Là chính mình phải thực hành cái việc phục vụ mọi người.

Muốn thành Phật phải đi phục vụ mọi người. Phải tập dần từ ở trong thế giới Ta Bà này. Rồi lên trên kia mới đi phục vụ chúng sanh mười phương được. Thì mình phải có một cái sự chuẩn bị. Cho nên con nói đàn ông tụi con tính tình ngang ngạnh lắm! Tự cao các kiểu rồi lười biếng, ít khi mà lăn xả vô trong bếp mà làm cái này, làm cái kia. Nhờ làm cái gì thì năm lần bảy lượt mới chịu đi làm.

Thì cái đó mình phải xem lại. Cho nên trong lúc làm như vậy cũng có thể niệm Phật được thì rất tốt luôn rồi. Vì vậy mình cần cân đối lại cái thời gian niệm Phật của mình, lúc nào mình ngồi im được mình niệm được thì niệm. Còn sáng mình phải làm cái gì? Trưa mình làm gì? Chiều mình làm gì? Tối mình làm gì để mang lại lợi ích cho mọi người thì mình làm. Phải luôn nắm bắt cơ hội để mà phục vụ mọi người, phục vụ mọi người không chướng ngại niệm Phật, niệm Phật cũng không chướng ngại phục vụ mọi người.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *