BÁO CÁO TU HỌC TỪ LỚP HỌC ONLINE.
Niệm Phật Cầu Sanh Cực Lạc Thành Bại Nhìn Từ Đâu: Thật ra mình có đủ thời gian để chuẩn bị hành trang đầy đủ để về Thế giới Cực Lạc trong suốt một đời người. Nhưng do mình chủ quan, chủ quan vào đại nguyện của Đức Phật A Mi Đà. Nên thôi mình cứ từ từ mình niệm rồi Ngài cũng rước.
Bây giờ mình đang bận thì thôi, mình lo cái này cái kia xong rồi niệm thì Ngài cũng rước mình chứ lo cái gì. Hôm nay không niệm được thì mai mình niệm.
Thôi hôm nay niệm vậy đủ rồi. Giờ xem cái này xem cái kia một chút. Đi chỗ này đi chỗ kia một chút. Nói chuyện này nói chuyện kia một chút. Nếu mà mình bỏ hết tất cả những cái đó, gom lại một ngày chắc chắn mình phải niệm được trên 30000 câu Phật hiệu. Không thể dưới hơn 30000 câu Phật hiệu. Đó là nói rõ mình tận dụng thời gian mình tu mót thôi, bấm số. Rảnh là bắt đầu bấm niệm Phật thì từ sáng lúc mới mở mắt dậy cho đến lúc tối mình đi ngủ mình xem lại bảo đảm là trên 30000 câu.
Dạ con nói con số này con thấy nhiều khi các Cô, các Bác Huynh Đệ Tỷ Muội thấy nhiều chứ thật ra đâu có nhiều. Hòa Thượng Thích Thiền Tâm lúc Ngài chưa vãng sanh. Một ngày Ngài niệm trên 100000 câu Phật hiệu mà Ngài vẫn còn thời gian để mà dịch Kinh, đọc Kinh, và làm những chuyện khác nữa. Mình niệm có 5000 câu là mình thấy oải rồi. Mình đánh thẳng vô trong cái thực tế là như vậy để mình thấy rõ công phu niệm Phật của mình 24 giờ đồng hồ phải được hiện thực như thế nào? Thì mình mới bảo đảm cái chuyện mình có thể vãng sanh.
Còn dưới 30000 câu Tổ Sư Đại Đức nói hổng chắc. Hổng chắc mình được vãng sanh. Không phải Đức Phật A Mi Đà, Ngài không có từ bi. Ngài luôn muốn đón chúng ta, luôn đứng sẵn đó giống như không khí đang có sẵn ở đây vậy. Các Huynh Đệ Tỷ Muội chúng ta chỉ cần hít vô là có oxy. Oxy cứ đầy ra không khí. Mình thấy đâu có thiếu. Bây giờ Đức Phật A Mi Đà Ngài cũng đứng sẵn vậy luôn đó. Mắt thường mình không thấy thôi mà Ngài đứng sẵn, dang tay sẵn. Mình chỉ cần là đủ cái thiện căn phước đức nhân duyên, công phu niệm Phật đủ. Tắt hơi là Ngài tiếp dẫn đi liền y như là oxy ở đây vậy. Hít vô là có.
Vậy mà sao mình hổng thấy được. Cái vấn đề này là thuộc về mình chứ không phải thuộc về Đức Phật A Mi Đà. Làm sao Đức Phật A Mi Đà tiếp dẫn mình? Từ trong Kinh điển chúng ta thấy được trong ao sen Thất Bảo. Mỗi một đồng tu niệm Phật ở đây niệm với đầy đủ tín nguyện hạnh sẽ nở ra một cái búp sen có khắc cái tên mình trên đó. Mình khởi ý niệm niệm Phật lên là có cái búp sen ở trên đó. Cái này không phải là A Mi Đà Phật Ngài sắp xếp được mà phải do mình niệm Phật thì ra cái búp sen trên kia. Mình không niệm Phật, búp sen héo liền.
Chúng ta nhớ kỹ nha: Mình không niệm Phật búp sen bắt đầu héo. Mình niệm Phật thì có búp sen. Cho nên Phật A Mi Đà muốn tiếp dẫn mình, dù Ngài rất từ bi, muốn tiếp dẫn chúng ta nhưng mà không có búp sen thì tiếp dẫn mình kiểu gì? Chúng ta thấy hình tượng Đức Phật A Mi Đà tay cầm cái búp sen xuống tiếp dẫn mình thoát ra khỏi cái thân phàm này, mình nhập vô trong búp sen đó, Ngài đưa về Cực Lạc Thế giới.
Bây giờ không có búp sen thì không thể tiếp dẫn rồi. Ngài biến ở đâu ra cái búp sen cho mình? Không có biến được, không có một ai trên thế gian này trong mười phương Thế giới, mười phương Chư Phật có thể giúp cho mình tạo búp sen trên Thế giới Cực Lạc ngoài chính mình. Chỉ bằng chính công phu niệm Phật của mình thì mới ra được cái búp sen. Bằng chính các việc thiện lành hồi hướng công đức về Cực Lạc Thế giới mới ra được búp sen. Bằng chính công phu đoạn ác tu thiện mới ra được búp sen. Hổng có thì hổng ra được búp sen.
Mà ai là người đoạn ác tu thiện? Dạ con. Ai là người tích lũy công đức? Dạ con. Ai là người niệm Phật trì danh? Dạ con. Và ai là người phá hủy hết những thứ đó? Cũng là con. Cho nên niệm trước là niệm Phật. Niệm sau là niệm ma là phá hủy hết. Một ngày của mình 24 giờ đồng hồ 30000 câu Phật hiệu không có nhiều. Chỉ tầm khoảng tương đương 8 đến 10 tiếng. Tùy vào cái chuyện niệm Phật nhanh hay chậm.
Nhưng mà mình muốn vãng sanh về Cực Lạc Thế giới mà một ngày thời gian của mình không dành đủ 1 phần 3 thời gian của mình cho cái chuyện niệm Phật thì xem chừng mình không có xem cái chuyện niệm Phật vãng sanh này quan trọng. Chưa đủ quan trọng đối với mình. Tại vì con người của mình thấy cái chuyện gì quan trọng là đầu tư thời gian vô dữ lắm để mà làm. Phải không ạ? Thì một ngày mình tập trung mình làm cái chuyện gì? Dành nhiều dành thời gian nhiều cho chuyện đó thì chuyện đó là quan trọng.
Cho nên một ngày mình phải phản tỉnh lại là mình có 24 giờ đồng hồ. Mình ngủ hết 8 tiếng thì 8 tiếng ngủ của mình cũng rất quan trọng tại vì nó chiếm 1 phần 3 thời gian. Đối với mình cái chuyện ngủ nó quan trọng thì mình mới dành cho nó 8 tiếng. Còn nếu một người thấy rõ ngủ không quan trọng lắm, thôi giảm xuống 5 tiếng thôi hoặc các Cô Bác lớn tuổi ở đây lớn tuổi rồi đâu có cần ngủ nhiều. Mà muốn ngủ nhiều cũng không được, ngủ chừng đến 3, 4 giờ sáng là bắt đầu tỉnh rồi.
Thì mình có cái lợi thế đó, là mình giảm được từ 8 tiếng xuống 3, 4 tiếng. Nhưng mà tâm lý của mình nhiều lúc thật khó hiểu: Mình muốn có thêm thời gian niệm Phật mà mình ngủ ít vậy bắt đầu mình sợ. Ủa sao con ngủ ít quá Thầy ơi! Thầy có thuốc gì cho con ngủ được thêm không Thầy? Con khó ngủ quá. Ủa thì thức vậy niệm Phật đi. Dạ không nhưng mà con thấy thiếu ngủ quá cho con thuốc gì con ngủ đi.
Vậy chứng tỏ cái ngủ nó quan trọng. Rồi tiếp đến cái thời gian mình làm việc nhà. Mình xem tivi, mình làm chuyện này làm chuyện kia. Những cái chuyện gì nó thuộc bổn phận của mình thì mình phải làm, phải đi làm nuôi gia đình, đâu đó mất thêm khoảng 8 tiếng đồng hồ. 8 tiếng để ngủ rồi 8 tiếng làm bổn phận của một con người cho tốt đối với gia đình, đối với xã hội.
Vậy là 16 tiếng cho đến 18 tiếng là mình làm những chuyện thuộc về thế gian, ăn uống ngủ nghỉ, làm tròn bổn phận của một con người, trong đó chắc chắn có tạo nghiệp. 16, 18 tiếng chắc chắn có tạo nghiệp, có tham sân si không?
Có! Có mê hoặc không? Có! Đầy đủ hết. Vậy giờ mình còn lại chỉ còn có 6 tiếng à. 6 đến 8 tiếng rảnh. Cái thời gian này mình làm cái gì nó sẽ quyết định con đường mình đi tiếp trong tương lai. 6 đến 8 tiếng này mình đẩy hết vô công phu niệm Phật. Trên kia có búp sen. Không chịu niệm Phật hoặc là niệm lai rai, niệm từ từ không đủ cái lực để mà tạo búp sen. Tại vì niệm trước niệm Phật, niệm sau là tham sân si thì cái niệm tham sân si nó phá đi cái búp sen rồi.
Niệm tự tư tự lợi luôn nghĩ lợi ích cho bản thân, lấy mình làm trung tâm, thích hơn người khác, thích tỏ vẻ là thế này thế kia. Người khác góp ý thì bực bội khó chịu, những cái ý niệm đó mình không có để ý, không có cảnh giác. Nó cứ xuất hiện hoài mà nó xuất hiện là nó phá cái công phu niệm Phật của mình. Cho nên Tổ Sư mới dạy là: Không sao! Không sợ nó khởi niệm chỉ sợ giác chậm. Giác ở đây là mình thấy mình nghĩ sai rồi. Con không có nghĩ theo cách đó nữa. Con không có làm như vậy nữa. Con quay về với lại câu A Mi Đà Phật. Đây chính là Giác.
Cho nên mỗi người trong mỗi cái duyên sẽ giác nhanh hay giác chậm. Tùy vào cái công phu niệm Phật nghe pháp của mình. Có những lúc có những cái cảm xúc mà mình đang mang trong lòng hết ngày này qua ngày khác nên mình giác chậm. Hễ ngồi yên chút là bắt đầu nó trở về. Nó ùa về trong tâm trí mình. Thở ngắn thở dài. Buồn! Có đứa con mà nó hổng có hiểu mình. Buồn! Dồn hết tuổi thanh xuân tuổi trẻ cống hiến hết tất cả cho cái gia đình này cho con cho cái cho chồng mà đến giờ mọi người đối xử với mình tệ quá. Buồn! Chạnh lòng. Tệ quá! Mình thật là vô phước. Mình thật là…không biết nói làm sao.
Sao mà người ta tu người ta chuyển được gia đình, chuyển được cái này chuyển được cái kia hay quá. Mà sao tới mình, mình không thấy chuyển được gì hết. Buồn. Đó! Đó là những cảm xúc tiêu cực nó cứ đeo mang vô trong tâm thức của mình từ ngày này sang ngày nọ. Nó gặm nhấm gặm nhấm rồi nó bào mòn đi cái sự tinh tấn niệm Phật của mình. Nó phá đi cái nguyện cầu sanh Cực Lạc của mình. Cho dù cái miệng mình vẫn niệm nha. “Nguyện sanh Tây Phương Tịnh độ trung”.
Ồ! Nó hổng còn giống như ngày xưa nữa! Huynh Đệ mình để ý coi. Ngày xưa “Nguyện sanh Tây Phương Tịnh độ trung ” cái lòng mình nó phơi phới à. Con nguyện hồi hướng hết thảy công đức này đến cho…
Nói chung cái bài này mình đọc mình hồi hướng mình cảm nhận rõ lòng chân thành của mình. Bây giờ mình cũng gõ mõ mình đọc mà sao cái tâm nó cứ bay bay ở đâu đó. Đó! Đó là tất cả những cái dấu hiệu mình phải nhìn lại là mình đang bị thoái tâm. Cho dù miệng mình vẫn niệm Phật, tay mình vẫn lần chuỗi, ngày vẫn 2 thời, vẫn ăn chay mà thoái tâm hết rồi. Chỉ giữ trên hình thức thôi. Phải giữ chứ không thôi gia đình nói. Huynh Đệ Tỷ Muội gặp lại cũng hỏi dạo này còn ăn chay niệm Phật không? Còn. Còn nghe pháp không? Còn.
Cái gì cũng còn hết mà ở trong thì sao? Rỗng ruột. Có rỗng hay không mình phải biết chứ. Cái tâm của mình mà. Bây giờ cái tâm của mình mình còn không biết thì ai biết. Nếu mình không biết hay mình cố tình lờ đi có nghĩa là mình đang tự lừa mình. Mình lừa mình thì mình khổ rồi. Không có cái khổ nào bằng cái khổ là mình tự lừa mình. Người khác lừa mình mình còn chấp nhận vì đây là nhân quả của mình. Nhưng mà mình đi lừa mình. Không có niệm Phật mà nghĩ là có niệm Phật. Không có phát nguyện mà nghĩ là có phát nguyện. Không có búp sen trên kia mà nghĩ là có búp sen.
Đây là tự lừa mình. Rõ ràng là đâu có búp sen. Làm sao biết có hay không có. Niệm Phật đầy đủ tín nguyện thì mới có. Ngày niệm được chút xíu, rồi nghĩ tưởng lung tung, vậy lấy đâu ra búp sen! Cho nên mình sẽ có rất nhiều lý do để mình bảo vệ cho quan điểm của mình là một ngày con bận lắm Phật ơi! Con bận lắm Thầy ơi! Con phải làm chuyện A, chuyện B, chuyện C, chuyện nọ chuyện kia. Nhưng chốt lại rốt cuộc đối với mình cái gì là quan trọng nhất?
Bây giờ tính tới năm nay mình nhiêu đó tuổi rốt cuộc đối với mình chuyện gì là quan trọng nhất? Thì mình phải ngay trong cái định nghĩa đó, xác định cái gì là quan trọng nhất? Khi mình mở mắt dậy cho đến tối mình đi ngủ mình phải làm cái chuyện đó nhiều nhất. Phải đầu tư thời gian vô cái chuyện đó là nhiều nhất thì mình mới chứng minh được là mình đang nói đúng với cái tâm của mình là con nguyện sanh Tây Phương Tịnh độ. Đời này nhất định là con phải được sanh Tây Phương Tịnh độ thì mình phải làm.
Làm cho ra được cái nguyện đó bằng cách phải niệm Phật, làm lành lánh dữ. Chứ nguyện trên miệng thì vô lượng kiếp về đời trước mình đã nguyện rồi. Do mình chỉ nguyện trên miệng nên không có búp sen, đời này mình mới rớt ở đây. Nếu mà cái nguyện trên miệng nó đi đúng với cái tâm của mình. Tâm miệng tương ưng, hành tương ưng. Bảo đảm giờ này mình đâu có ngồi đây. Pháp môn này là chân thật, mười người niệm Phật chân thật, mười người vãng sanh chân thật. Đây là Đức Phật bảo chứng và rất nhiều tấm gương niệm Phật cho đến tự tại vãng sanh đã chứng minh. Họ đều làm thật hết.
Chỉ có mình mình chưa làm thật, chưa hết sức, chưa cố gắng. Cho nên mình phải nhất định là cố gắng mà làm, phải sốc cái tâm mình lại, vực cái tâm Bồ Đề của mình lên để mà mình niệm Phật kiên định với mục tiêu một ngày phải là 30000 câu vì thời gian của mình không còn nhiều nữa. Nếu mà mình không nhanh chóng tích cực nỗ lực niệm Phật thì tới lúc vô thường đến trở tay không kịp. Lúc đó nghiệp nó cuốn mình đi. Giống như trong đại dịch chúng ta thấy. Mình cứ tưởng tượng ra mình mà bị nhiễm covid một cái người ta đẩy mình vô trong khu tập trung. Làm sao mình niệm?
Chưa kể chụp cái gì trên mặt, phải bắt thở này, phải bắt uống thuốc kia. Rồi ăn uống phải theo bác sĩ không được ăn chay nữa. Rồi tới lúc đó nếu mà cái mạng mình hết rồi thì ngay lập tức đâu có trợ niệm gì được. Buột mình vô trong cái bao, quấn quấn quấn, đưa vô bên trong mau chóng đem đi hỏa thiêu. Chết chắc không? Lúc đó làm sao gọi cho Sư Huynh Tịnh Hùng trợ niệm đây. Hết rồi! Hết cách! Không có cách chi trợ niệm. Bạn bị nhiễm covid rồi khỏi trợ niệm. Vậy ai cứu lấy mình được ngoài chính mình?
Cho nên Covid đại dịch là một người Thầy lớn nhắc nhở cho chúng ta phải tự mình cứu lấy chính mình. Búp sen trên kia phải tự mình trồng. Không có Phật nào trồng dùm. Năn nỉ Phật A Mi Đà cho con cái búp sen hổng được luôn. Ngài nói không được! Ta có thể xây dựng Thế giới Cực Lạc trang nghiêm như vậy, đẹp đẽ như vậy nhưng mà riêng cái búp sen Ta không làm được. Đó là không nằm trong năng lực của Đức Phật A Mi Đà. Chúng ta phải hiểu. Mà búp sen đó phải tự mình trồng.
Ở đây niệm Phật trên kia có búp sen. Chúng ta luôn phải nhớ kỹ chuyện đó. Luôn phải tự hỏi mình có niệm Phật hay không? Có A Mi Đà Phật trong tâm hay không thì ngay lúc đó trên kia có búp sen. Cũng không phải nhất thiết cái miệng này cần phải A Mi Đà Phật..A Mi Đà Phật..A Mi Đà Phật..Mình dùng cái tâm chân thành từ bi không nghĩ cho lợi ích của bản thân, phục vụ cho mọi người đó cũng là đang niệm Phật. Đang hành Bồ Tát đạo thì búp sen trên kia cũng có. Nhưng mà công đức viên mãn nhất cũng nằm ở chỗ chánh niệm.
Lý do: vì làm tất cả những việc thiện khác, phàm phu mình có phân biệt chấp trước thì cái việc thiện đó đa phần nó cũng chuyển thành phước đức hết vì còn dính tướng. Thí dụ hôm nay được phục vụ đại chúng. Thì con có cái ý nghĩ đó con đã bị dính tướng rồi. Vì con có cái tướng ” Ta”, con bị dính vô “cái thân này” là con nè. Con có tướng “đại chúng” con đi phục vụ. Con có “cái chuyện” con đi phục vụ. Con có ký ức, cảm xúc của con trong quá trình con phục vụ. Rồi sau khi con phục vụ xong con còn nhớ. Dính tướng từ đầu đến cuối. Cho nên đây gọi là phước đức chứ không có công đức. Công đức là phải phá tướng. Công đức không dễ có đâu.
Cho nên khi mình nói mình tùy hỷ công đức của một ai đó. Khó lắm! Không dễ không dễ để mà tùy hỷ công đức đâu. Công đức là tâm thanh tịnh. Là không có phân biệt không có chấp trước thì cái này là công đức. Phải ngay trong cái công phu buông bỏ nhìn thấu phá tướng hết đi sau đó mới sanh ra công đức. Cho nên làm thiện chỉ là tích lũy phước đức từng bước từng bước làm cái nền tảng để mà mình nâng cao lên công đức sau này. Cho nên tốt nhất vẫn là chấp trì danh hiệu vì trong chấp trì danh hiệu có công đức. Chân thật là có công đức. Công đức đó là gì? Búp sen của mình trên Cực Lạc thế giới nở ra. Công đức đó giúp cho mình ra khỏi sanh tử luân hồi.