BÁO CÁO TU HỌC TỪ LỚP HỌC ONLINE.
Trong Bất Kỳ Hoàn Cảnh Nào Cũng Phải Nhớ A Mi Đà Phật: Nên các huynh đệ tỷ muội chúng ta trong mơ cũng như lúc thức, lúc này lúc kia phải nhớ kỹ chỗ đó, không được phép quên A MI ĐÀ PHẬT. Không ai bắt mình không niệm Phật được, ngay cả Diêm Vương cũng không bắt được, chỉ có chính mình không chịu Niệm Phật thôi.
Dạ , đúng là sau khi mình học Phật, học pháp từ Ân Sư mình sẽ phát huy được cái năng lực quan sát của mình ngày càng tốt hơn. Cái năng lực quan sát này xuất phát từ cái tâm đi đâu cũng muốn học hỏi, quan sát để học hỏi, quan sát để giúp đỡ người khác. Chứ không phải để thể hiện mình.
Cho nên từ trong chuyện quan sát sẽ suy ra được nhiều chỗ thiếu sót của mình. Quan trọng là chỗ dụng tâm của mình. Mình quan sát vì mục đích gì? Cho nên Ngài Tế Công, ngài là một vị Thiền Sư, Ngài tu hành đắc đạo thì Ngài quan sát thế gian này thấy người ta tu hành theo hình thức là nhiều, trong tâm thì không chịu buông bỏ, cho nên Ngài mới làm ngược lại, Ngài đi ngược lại với những gì người thông thường thấy, Ngài uống rượu, Ngài ăn thịt, Ngài điên điên, khùng khùng, không có đi theo bài bản.
Có lần Ngài gặp người dân ăn ốc, họ chỉ ăn phần đuôi không ăn phần đầu, Ngài bảo để Ngài ăn, sau đó Ngài bỏ miệng ăn hết mấy cái đầu đó, rồi Ngài thả xuống sông ốc sống lại thiếu mất phần đuôi. Cho nên người ta nhìn trên cái hành vi của Ngài thì người ta thấy Ngài điên điên khùng khùng, dân gian gọi Ngài là Tế Điên Hòa Thượng, nhưng mà Ngài đi giúp moị người rất là nhiều, rất tự nhiên.
Con nhớ con có vô tình coi trong phim có tập Ngài bị bắt xuống dưới Diêm Vương, tay Ngài cầm cái quạt phe phẩy, Diêm Vương bắt xuống hỏi tội Ngài. Ngài tỉnh queo. Nói qua nói lại một hồi Ngài lại A Mi Đà Phật , cứ mỗi lần Ngài niệm A Mi Đà Phật là cái điện Diêm Vương lại chấn động, làm cho Diêm Vương rất sợ hãi. Diêm Vương liền thỉnh Ngài: Thôi Ngài mau rời đi! Xin Ngài đừng có Niệm Phật nữa, thế là lại thả Ngài lên dương thế. Ngài cũng bảo ừ, thế thì tôi đi. Con cũng không hiểu sao con lại được xem đúng đoạn đó.
Ngài là một Thiền Sư nhưng người ta dựng bộ phim tới cái đoạn đó thì Ngài lại niệm A MI ĐÀ PHẬT, làm con liên tưởng đến lời dạy của Ân Sư là: TRONG BẤT KỂ HOÀN CẢNH NÀO, BẠN CŨNG KHÔNG ĐƯỢC PHÉP QUÊN CÂU A MI ĐÀ PHẬT!
Nên các huynh đệ tỷ muội chúng ta trong mơ cũng như lúc thức, lúc này lúc kia phải nhớ kỹ chỗ đó, không được phép quên A MI ĐÀ PHẬT. Không ai bắt mình không niệm Phật được, ngay cả Diêm Vương cũng không bắt được, chỉ có chính mình không chịu Niệm Phật thôi. Vì lí do nào đó, vì nghiệp lực của mình, mình suy nghĩ về chuyện gì đó nó đang mạnh quá khiến mình không Niệm Phật được, mình không muốn Niệm chứ không ai có thể ép mình không niệm được hết. Nếu mình dùng hết lòng chí thành để mình niệm thì nhất định mình sẽ niệm được.
Rồi khi mà đến một chỗ nào đó, mình phải có sự tìm hiểu trước là cái chỗ đó là họ tu như thế nào? theo pháp môn gì? Vị thầy mà họ học tập là ai để mình đến mình thuận theo cái duyên tu học của người ta mà mình học tập theo họ. Còn mình đi gặp các huynh đệ tỷ muội cùng với pháp môn tu của mình là Niệm Phật cầu sanh Cực Lạc thì mình đến mình phải học tập theo, quan sát các huynh đệ tỷ muội tu học như thế nào? Lấy những ưu điểm, loại bỏ những khuyết điểm.
Đối với những khuyết điểm mình thấy Ân Sư nhìn ra được ở đây, các huynh đệ tỷ muội chúng ta sẽ thấy Ân Sư giảng rất hay. Ngài nói đợt thăm Viện dưỡng lão ở Đạo Thiên Chúa, viện trưởng họ khiêm tốn hỏi Ngài. Ngài nói với vị đó là đời sống vật chất chăm sóc rất tốt nhưng đời sống tinh thần còn thiếu sót. Chúng ta thấy Ân Sư quan sát ra được cái chuyện đó, không có ai báo cáo đâu. Nhưng mà Ngài không có nói, giống như là Ngài biết rồi.
Quan sát, quan sát từ khi Ngài đặt chân đến. Quan sát từ trạng thái tinh thần của những người già thì Ngài liền biết tinh thần của những người già ở đây có no đủ hay không? Có vui vẻ hay không? Có hoan hỷ hay không? Ngài biết liền. Cho nên đời sống vật chất tốt nhưng cái mặt buồn so là mình biết.
Ví dụ bây giờ con gặp các huynh đệ tỷ muội mặt con buồn so là các huynh đệ biết cái ông này tu kiểu gì mà cái mặt ông buồn vậy? Chắc là ổng có chuyện, phải không ạ? Còn nếu con gặp các huynh đệ tỷ muội ở đây mà mặt lúc nào cũng cười ,cũng tươi , cũng vui vẻ, cũng hoan hỷ mà tự nhiên cơ chứ không phải biểu diễn, không phải cố tỏ vui vẻ, hoan hỷ, phải gồng lên mà hoan hỷ thì cái đó chỉ tự mình làm khổ mình chứ không được cái gì đâu!
Cho nên tu là phải thật. Tu không thật thì không ai giúp mình được hết. Tu mình có phiền não, mình chấp nhận đi. Mình thừa nhận thì mới có người giúp mình được. Còn bây giờ mình tu mình kiểu giả bộ cố gắng thể hiện trước mặt mọi người tôi không có phiền não, hỏi đến thì không có gì, không có gì, không sao. Nhưng mà thực sự một đống thứ, đủ thứ trong tâm mình nó dày vò mình thế mà bảo không sao!
Bây giờ người ta đến gợi ý như vậy rồi mà không chịu nói thật, mà cứ không sao, kệ tôi, tôi tự xử được. Thì làm sao đây? Thì bạn đã tự xử mấy năm, mấy tháng, mấy ngày rồi mà có xử được đâu, thì bây giờ bạn muốn tự xử tiếp à? Thì thôi! Các Ngài lại để cho mình tự xử tiếp.
Cho nên chúng ta thấy Ân Sư không nói, chỉ khi nào vị đó mở lời. Tại sao mở lời? Vì vị đó thực sự có tâm cầu học. KHIÊM TỐN! Ân Sư nhấn mạnh chỗ đó. Cái vị này KHIÊM TỐN hỏi Ngài thì khi đó Ngài mới nói.
Giống như mình gặp Ân Sư mình nói: Con nhờ Ân Sư chỉ giáo cho con, xem coi đạo tràng của con tu học như vậy Ngài thấy có chỗ nào để giúp cho đạo tràng của con có thêm lợi ích, hay có gì còn thiếu sót Ân Sư chỉ dạy cho chúng con để chúng con thay đổi tốt hơn. Đó là người có tâm Khiêm Tốn cầu học.
Còn bây giờ mình tu học đạo tràng của mình, cái tâm của mình đi đâu cũng thích khoe, đạo tràng của tôi tốt lắm. Thế này, thế kia! Mọi người qua đó tu đi. Nhưng mà những anh em trong đạo tràng thiếu thời gian ngồi xuống phản tỉnh, mình đã tu tập sinh hoạt như vậy thì một tuần cũng phải có vài lần nhìn lại cái Đạo tràng của mình có điều gì chưa được? Cái cách tu của mình có gì phải cải thiện, không thôi cứ lầm lầm, lì lì tự tu rồi tự cho Đạo tràng của mình là tốt rồi đến lúc không thèm lắng nghe ý kiến của ai nữa.
Bản thân mình cũng vậy, tu một thời gian rồi thì đâu có chịu nghe ý kiến của ai. Rồi mình nói: Tôi chỉ nghe Ân Sư giảng thôi, mà nghe có ra đâu. Cho nên chỗ này mình cần phải để ý học tập theo Ân Sư. Thấy rõ khuyết điểm đừng có vội nói, nói ra nhiều khi người ta không có thích đâu. Tui đang tu đúng mà nói gì? Tại vì người ta chưa chịu nghe thì mình nói cũng vô ích thôi. Giống như có một vị thầy, giảng Kinh xong xuống dưới đài cũng hỏi Ân Sư là nhờ Thầy đóng góp ý kiến cho cái phần giảng trên giảng đài, góp ý giúp.
Thì Ân Sư nói: Vậy hả? Ngài muốn nghe thật ư? Thì lúc đó vị Pháp sư mặt cũng có biến sắc rồi. Ân Sư quan sát thấy vậy thì Ngài bảo: Tôi thấy Ngài giảng rất tốt! Không nói nữa. Vì thấy vẻ mặt biến đổi rồi. Cho nên con thấy các huynh đệ tỷ muội tắt Camera cũng làm giảm bớt đi cái sự áp lực cho con. Chứ mọi người hay bảo là con hay mắng, mà con mắng con nhìn cái Camera con thấy mặt ai cũng căng thẳng. Nếu căng thẳng quá thì con đâu có dám nói. Thì con nói mọi người đọc xong rồi hôm nay chúng ta hồi hướng. Mọi người đều đã thông suốt, tốt, không sao.
Còn tắt Camera thì con đâu có biết cho nên con cứ nói thoải mái. Nhưng mà hôm qua huynh đệ tỷ muội mình đã học rồi và hôm nay Ân sư nhấn mạnh nữa: Tuyệt đối không nói lời thừa, tùy theo đối tượng mình nói. Với người lớn tuổi chỉ có 5-10 phút thôi. Đó là cái chỗ Ân Sư Ngài khế cơ. Và Ngài quan sát đối tượng này là nên nói lúc nào là phù hợp. Vậy bây giờ mình tự hỏi, ở độ tuổi của mình, mình có thể ngồi nghe trong bao nhiêu phút, chắc cũng được 30 phút chứ không thôi mình cũng thua mấy bác lớn tuổi đó.
Các bác lớn tuổi cũng chịu nghe 5-10 phút . Rồi có một điểm nữa mình cần phải cảnh tỉnh MÌNH KHÔNG TU BÂY GIỜ ĐẾN LÚC GIÀ MÌNH TU KHÔNG VÔ ĐÂU. Chúng ta thấy lúc già tu, đa số ngồi nghe khoảng 5-10 phút xong là chịu không nổi, cái thân thể mình lúc đó nó suy kiệt rồi, nó nhức mỏi đủ thứ, rồi đầu óc suy nghĩ lung tung đủ chuyện, mệt mỏi… Niệm Phật, lạy Phật, Kinh hành, nghe Pháp đều rất là khó khăn, đây là chỗ mình phải giác ngộ, phải tranh thủ ngay lúc còn trẻ, mạnh khỏe mà tinh tấn tu hành, chứ không thì sau này sẽ hối tiếc vô cùng…
Dạ con tâm đắc và ghi nhớ những điều sau ạ:
1. “Phải biết nắm bắt để mà đưa ra những cái quyết định có lợi cho người. Cái lợi này là cái lợi thật sự, cần thiết, chứ không phải là cái lợi vui, qua loa. Chứ không phải là mình thấy người ta thích cái này thích cái kia thì mình cứ cho họ coi, nhưng mà thực sự nó vô bổ, nó không có hữu ích với cái đoạn đường còn lại của họ.”
Nên làm điều gì thật sự tốt cho người ta, chứ không phải cứ chiều theo sở thích vô bổ của mọi người.
Dạ con thấy điều này con chưa làm được ạ. Đợt vừa rồi con có tiếp đón chị dâu và cháu gái con, thì con có tâm thái là cứ lo cho mọi người ăn uống no đủ, chăm sóc cái thân, rồi chăm sóc cái tâm, nghĩ làm gì đi đâu cho mọi người vui thôi, chiều theo sở thích của mọi người, chứ con cảm thấy con chưa đủ năng lực để làm được những việc thật sự có lợi ích cho mọi người như lời sư huynh nhắc nhở. Mọi người thích ăn vặt thì con làm nhiều đồ ăn vặt cho mọi người ăn, mọi người thích ngủ nướng thì con để mọi người ngủ nướng, mọi người thích đi chơi đâu thì con tìm chỗ như vậy. Và khi nói chuyện thì con cũng chỉ nói những câu chuyện rất đời thường vui vẻ với mọi người thôi ạ, vì chị con cũng chưa có niềm tin vào Phật Pháp ạ. Con cảm thấy thời gian đó gia đình con rất vui vẻ thoải mái với nhau, con không có suy nghĩ là phải thay đổi mọi người và con tôn trọng cách nghĩ và cách sống của mọi người nó đang là như vậy. Dạ vậy con cư xử như vậy là có đúng không ạ, có phải là hời hợt vô bổ không ạ và nếu không đúng thì lần sau con nên làm như thế nào mới đúng ạ?
2. “Nói ít thôi, nhưng mà không có sự dư thừa trong câu nói, không có sự dư thừa trong câu chữ, để không bị nhàm chán. Tuyệt đối là làm sao mà không có nói lời thừa, tùy theo đối tượng. Mà Ân Sư nói người lớn tuổi á, chỉ có 5 10 phút thôi.
Chia sẻ ngắn gọn súc tích, đừng nói lan man dài dòng quá người ta nghe nhàm chán. Đối với người lớn tuổi chỉ chia sẻ trong 5 – 10 phút thôi.
3. “Suy nghĩ của mình về một cái chuyện nào đó đó, nó đang mạnh quá, mình không có niệm Phật được, mình không muốn niệm. Chứ còn không ai có thể nào ép mình không niệm Phật được hết. Nếu mình dùng hết cái lòng chí thành để mình niệm thì nhất định mình sẽ niệm được.”
Dạ con có thắc mắc là: con rất là ham vui ham chơi, đối với việc niệm Phật, nghe Pháp trong con hiện nay là ít vui hơn những chuyện khác, nên còn thường không muốn làm, có cuộc vui nào tới là con bỏ niệm Phật ngay. Dạ vậy con phải làm thế nào để cho ra được cái lòng chí thành niệm Phật ạ?
4. “Cho nên tu là phải thật. Tu không thật không ai giúp mình được hết, mình tu mình có phiền não mình chấp nhận đi. Mình thừa nhận thì mới có người giúp mình được.”
Dạ con có thắc mắc, vướng mắc gì thì con phải thật thà hỏi chứ không nên ngại ạ. Dạ con tâm đắc chỗ nào thì con thật thà ghi chỗ đó ạ, chỗ nào con thấy qua qua chưa vào đầu thì con không nên cố gắng ghi vào 1 cách máy móc ạ.
5. “Cho nên chúng ta thấy Ân Sư không nói, chỉ khi nào cái người đó mở lời. Cái vị này khiêm tốn hỏi Ngài, thì khi đó Ngài mới nói. Sau đó Ngài không nói nữa, vì mặt người kia biến đổi rồi.”
Dạ con học tập Ngài chỉ chia sẻ khi được hỏi, và khi nói cũng phải luôn quan sát nét mặt, phản ứng của đối phương để điều chỉnh lời nói của mình cho phù hợp.
6. “Mình không tu bây giờ tới lúc già là mình tu không vô đâu.”
Thân thể không theo ý mình, con năm nay 30 tuổi rồi, tóc đã bạc nhiều, mắt cũng đã xuất hiện 1 con muỗi nhỏ, con cảm nhận thân thể con đã bắt đầu lão hóa từ đây, mặc dù con thấy tâm hồn con vẫn trẻ con như ngày nào nhưng thân thể của con nó cứ theo quy luật tự nhiên như vậy, trí óc cũng vậy. Phải nhân lúc nó còn khỏe mạnh thì cố gắng tu học, sau này lớn tuổi rồi là đã ổn rồi, chứ không càng lớn rồi học càng khó.
Dạ trên đây là 1 số ý con ghi nhớ và thắc mắc ạ. Con xin cảm ơn 2 Sư Huynh đã chia sẻ cho con nghe và học tập ạ.
Dạ Nam Mô A Mi Đà Phật.