Nghiêm khắc với chính mình thì tương lai tươi sáng

BÁO CÁO TU HỌC TỪ LỚP HỌC ONLINE.

Hanh Trinh Thay Doi Ban Than

Nghiêm khắc với chính mình thì tương lai tươi sáng: Cái sân si của mình nó chưa đến lúc nó hiện ra thôi, chứ nó vẫn còn nguyên vẹn ở trong đó, trong cái Tâm của mình. Chỉ khi nào mà đủ duyên thì nó sẽ hiện ra. Nên ngay cả cái chuyện học Pháp tốt đẹp như vậy, mà cũng có thể làm cho mình phiền não

Các bạn cũng nhớ lại xem, cũng có những thời điểm có những cái đoạn mà mình học cả tuần. Khi mà con báo cáo chia sẻ thôi ngày mai mình sẽ không học đoạn này nữa mình qua đoạn mới. Thì tâm thái của mình lúc đó mình cảm thấy rất là thoải mái. Thở phào, ồ thoát rồi, mai được học cái mới! Đọc cái này riết nó mệt quá, ngày nào lên cũng đọc cái này.

Thậm chí ngay cái chuyện niệm Phật cũng vậy.  Ngồi đó niệm chỉ nửa tiếng, 45 phút đầu là hoan hỷ. Nhưng nếu mà mình bị ép ngồi đó niệm liên tục 90 phút. Tại mình tu lâu rồi mà. Chứ người mới thì tất nhiên không ai ép như vậy.

Muốn nâng cao cái công phu niệm Phật của mình thì mình phải vượt qua cái ngưỡng thông thường. Cái ngưỡng thông thường của mình nó làm cho mình thoải mái. Là mình đạt tới mức đó cái mình ngừng. Nên nó làm cho cái Tâm mình nó ì xuống và nó giải đãi lúc nào không hay, có nghĩa là chỉ đạt được tới mức đó thôi.

Ví dụ chỉ có thể ngồi niệm Phật liên tục 1 tiếng đồng hồ là hết mức, ngồi thêm nữa thì chịu không nổi. Mà nếu bị bắt ngồi thêm nữa là sẽ sanh phiền não. Khi đó không có thích Phật A Mi Đà chút nào đâu. Vì bị ép, giống như bị ép niệm vậy đó. Cả tiếng rồi sao vẫn cứ phải niệm? Sao chưa được ăn? Sao chưa được nghỉ ngơi?

Cho nên mình khoan nói đến cái chuyện là để cho người khác nhục mạ, huỷ báng mình không khởi tâm sân hận, rồi cảm ơn đáy lòng, rồi bao dung các kiểu. Mà ngay trong cái chuyện mà mình thấy là mình đang cần phải làm, đó là niệm Phật, nghe Pháp, học Pháp, mà nó vượt cái ngưỡng mà mình nghĩ là nó chỉ nên tới đó thôi thì mình đã có phiền não rồi.

Chứ đừng nói chi là mình bị mắng chửi hay là bị xỉa xói vô mặt mình thì sao mình chịu nổi. Nếu có chịu nổi thì chẳng qua là chịu đựng ở ngoài thôi nhưng mà bên trong thì không có chút xíu nào hoan hỷ. Vẫn là thống khổ, vẫn là phiền não, vẫn là sân si.

Ngày xưa trong thiền đường của Tổ Sư là có 1 vị cầm cái cây đi kiểm tra, vị nào ngồi mà không thẳng lưng là đánh. Hay ngủ gục là đánh, bốp 1 cái, cho tỉnh lại. Cho nên tu học cầu giải thoát không có cái tình cảm ở đây. Không có thuận theo cảm xúc, tình cảm của bạn. Bạn có cảm xúc tình cảm, bạn ra ngoài thế gian bạn tu. Bạn làm theo ý của bạn, bạn tu theo ý của bạn. Còn bạn được giải thoát không thì đó cũng là việc của bạn. Không có liên quan đến Phật Bồ Tát, không có liên quan đến mọi người xung quanh.

Cho nên cái tâm thái tu học của mình mà nếu nó hoàn toàn giống như là trong cuộc sống đời thường, nó cứ ỡm ỡm ờ ờ, lúc vui thì tu, lúc buồn lúc chán thì mệt, lúc nghỉ thì thôi, nó cứ như vậy.

Nó tùy theo tâm trạng cảm xúc mà cái chuyện tu hành của mình nó có thể tiến hoặc có thể lùi. Thì cái này không có dùng được trong lúc lâm chung. Công phu này không được. Công phu này chỉ có đi vào luân hồi thôi.

Chưa đủ để mà bứt phá ra được khỏi cái luân hồi này. Cho dù bạn tu bất kỳ pháp môn nào, ngay cả Pháp môn niệm Phật. Gọi là đem cái tâm luân hồi mà niệm Phật thì vẫn luân hồi. Coi trọng cảm xúc của mình quá, coi trọng bản thân của mình quá. Không có thật sự nghe lời.

Cho nên chúng ta lâu lâu vẫn phải nhắc tấm gương của Ngài Lục Tổ. Ngài nghe lời tuyệt đối. không có lý do. Không hỏi tại sao sư phụ lại đối xử với con như vậy. Nói xuống nhà bếp là xuống nhà bếp. Không nói nhiều. Không hỏi. Ở đó 8 tháng, 1 ngày thắc mắc cũng không thắc mắc. Cứ làm, sư phụ nói xuống đó làm thì xuống đó làm.

Thì mình bây giờ cũng vậy. Mình lên lớp cũng vậy. Kêu đọc 20 lần là đọc 20 lần, không suy nghĩ. Có suy nghĩ là bạn có tạp niệm. Suy nghĩ là vọng tưởng, là luân hồi.

Suy nghĩ của mình từ đâu mà ra? Từ trong Bản Ngã mà ra, cho nên bạn suy nghĩ có đúng thì đó cũng là cái đúng tôn vinh cái bản ngã của bạn. Nó không giúp cho bạn được giải thoát. Nó không tạo ra được vô lượng phước báo, còn công đức thì thôi khỏi nói. Không có.

Cho nên cái thái độ mà mình tu học mỗi ngày, nó phải thể hiện rất là rõ ràng, mình phải nhìn rất là rõ ràng. Mình dở chỗ nào? Mình chưa đủ nhẫn nại chỗ nào? Mình còn nôn nóng chỗ nào? Mình còn sân si chỗ nào? Tham lam chỗ nào? Phải biết rõ ràng. Thì đây là 1 người biết tu. Mới được 50% thôi. Biết rõ ràng mới chỉ được 50% thôi. Còn 50% còn lại là ở chỗ thay đổi. Biết rồi, thay đổi. Còn biết mà chưa thay đổi là cũng chưa rõ ràng, vẫn chỉ mới được một nửa.

Cho nên đời sống của mình mà mình không rõ ràng cái chuyện này thì lúc lâm chung của mình không thể rõ ràng, không thể tỉnh táo được. Con niệm Phật tưởng thấy rõ, mà chỉ niệm trên miệng thôi, rồi sau đó suy nghĩ những thứ linh tinh khác, nó lại chạy đến, mình lại chạy theo suy nghĩ đó.

Đó là mình nói những suy nghĩ nó nhẹ, nó không có mạnh. Chứ còn đụng chuyện, nó dâng trào cảm xúc lên nữa thì thôi rồi, câu Phật hiệu không niệm được. Giống như là bạn Tiêu Sở Mai báo cáo, không dùng được. Là chạy theo cảm xúc luôn. Hận người này, tức người kia, giận người nọ.

Thì đối với những cái tập khí như vậy, mình cần phải suy nghĩ nghiêm túc để tìm cách đối trị. Còn không thì rất dễ vào địa nguc, vì tâm Sân Hận là gốc đọa xuống địa ngục. Còn nếu đi vào đường Súc sanh thì cũng đọa vào loài ác thú, chứ không được thú hiền. Dữ như Bò cạp, rắn, rết. Cho nên cái tâm Sân Hận nó nguy hiểm lắm.

Thì mình phải tìm cách mình đối trị. Bằng cách cố gắng đi vào công tác PHỤC VỤ MỌI NGƯỜI và LÀM NHỮNG ĐIỀU MÀ MÌNH KHÔNG THÍCH. Không thích mà có lợi cho người ấy. Làm những việc mà mình thấy mình không thích, mình chê là dơ là bẩn, là thấp kém. Có dịp là phải làm. Là bị sai bị bảo, bị mắng bị chửi, ngay trong cái đó mình mới tôi luyện được.

Khi mình đi đạo tràng mình đi vô nhà bếp, mình phải mở cái tâm mình ra để mình học tại vì trong nhà bếp sẽ dạy cho mình những điều đó, đó là tu nhẫn nại. Cho nên Tâm mà không nhẫn được, không có chịu được những cái này, thì tu hành sao thành tựu? Mà muốn thành tựu thì phải đi vào bếp thôi.

Nên giờ mình nhìn lại cả 1 cuộc đời của mình, nếu mình chưa từng chịu khổ như vậy, chưa từng lăn lê bò lết thậm chí phải đi bán vé số hay là thậm chí phải đi làm những chuyện như vậy, chưa có chân lấm tay bùn, nói niệm Phật có công phu thì sao thuyết phục? Chỉ muốn ngồi mát ăn bát vàng. Không dám chịu cực, không dám chịu khổ.

Mấy cái này mình phải trải nghiệm thôi, nếu mình muốn vãng sanh thì mình phải thực hành. Kết quả càng ngày càng tiến bộ, càng ngày càng hoan hỷ mới được. Chứ không cứ ngồi mát ăn bát vàng, ngồi đạo tràng, rồi ngồi nhà mình, mát mẻ, mọi thứ đều ngon lành. Niệm Phật, thích thì nghỉ, không thích thì thôi không niệm.

Cho nên phải làm sao kích phát cái tâm của mình nó vượt lên trên chính những cái tầm thường thì mình mới nắm bắt được phần vãng sanh. Những cái thông thường mà mỗi ngày mình đang có nó đều tầm thường hết. Vì nó không có mang tính thử thách.

Cho nên giống như mình niệm Phật 1 ngày mình niệm 10.000 câu rồi mình cứ an phận với 10.000 câu thôi, chứ mình không muốn đẩy lên 15.000. Mình được 20.000 mình chỉ an phận với 20.000 thôi không muốn đẩy lên 30.000. Rồi được 30.000 rồi, thấy được được rồi thôi cứ để đó hoài. Cũng không muốn đẩy lên 40, 60, 100.000. Không bao giờ tự hỏi tại sao người xưa niệm được 100.000 câu Phật Hiệu mà luôn luôn tự hài lòng với chuyện 30.000 của mình. Thì làm sao vãng sanh với cái tâm đó? Cái tâm đó nó sẽ kéo mình đi lùi.

Cho nên đạo tràng tiếp dẫn người sơ học là luôn khiến cho những người đến hoan hỷ, đúng. Đó là tiếp dẫn Sơ học. Phải làm cho mọi người sanh tâm hoan hỷ, để mọi người thoải mái phát khởi cái tâm niệm Phật. Không có gì chướng ngại họ. Đúng luôn. Ăn uống phải có đầy đủ, ngủ nghỉ phải có đầy đủ, chu đáo. Đều đúng hết. Nhưng muốn lên lớp mà tự hài lòng với cái việc tu sướng thì không được. Là ở lại lớp.

Muốn lên lớp là phải chọn 1 môi trường khắc nghiệt hơn. Nên mới gọi là “Nghiêm sư xuất cao đồ”. Phải chọn 1 người thầy nghiêm khắc hơn, để khắc chế cái tập khí của mình. Đến cái đạo tràng nào mà thậm chí mình phải quỳ để xin vô đạo tràng tu học, thì đạo tràng đó tốt.

Phải thành tâm năn nỉ xin vô người ta mới cho vô. Rồi phải làm theo đầy đủ những nguyên tắc của người ta, không có ý kiến riêng. Không có thân phận, không có tên tuổi. Sai là bị trừng phạt. Nghiêm khắc tới mức đó, ngủ nghỉ cũng ít, ăn uống cũng ít.Thì cái đạo tràng đó mới tôi luyện cho mình được.

Nên mình phải nhìn cho rõ cái giai đoạn tu tập, để mình sanh tâm hoan hỷ với những chỗ mà tiếp dẫn người sơ học. Nhưng mà bạn muốn lên lớp, bạn cần 1 môi trường nghiêm khắc hơn. Nếu không có đạo tràng nghiêm khắc như vậy, bạn phải tự nghiêm khắc với chính mình, còn không thì vô cùng khó để thành tựu.

Một vạn người niệm Phật chỉ vài người vãng sanh. Tại vì sao ạ? Tại vì những người này nghiêm khắc với chính mình cao độ. Họ làm được những chuyện mà những người khác không làm được. Đúng như là những gì tổ Ấn Quang Đại Sư dạy: Thay người làm những việc cực nhọc. Làm những việc mà người khác không làm được.

Đó đều là những gợi ý để chia sẻ với các huynh đệ tỷ muội trên lớp và bản thân mình nhắc nhở, phản tỉnh: đừng bao giờ hài lòng với cái chuyện mình đang tu được thế này, được thế kia.

Mỗi ngày được lên lớp học Online buổi sáng, được gặp các huynh đệ chia sẻ vậy mình vui mình mừng rồi. Con nói chưa đủ đâu, này chỉ là ngoài da thôi, chưa ăn thua. Cái chất tu nó phải ở trong cuộc sống kìa. Nó phải ra chất. Phải tôi luyện. Chứ không có ởm ờ được.

Mình thường hay đóng vai nghiêm trang nghiêm túc trước mặt mọi người, áo tràng khăn đống các kiểu. Rồi khuyên người này người kia các kiểu. Nó sẽ chả có ý nghĩa gì, nếu như mình không thực sự nỗ lực thay đổi. Cho nên mình nghiêm khắc với người khác để làm gì trong khi mình không nghiêm khắc được với mình?

Thì đó chính là mấy cái chỗ trọng yếu đối với con đường tu tập của mình thì mình nên để ý, chứ còn lý thuyết thì mình đã học được nhiều rồi. Dạ con xin phép được dừng buổi học ở đây, con xin phép được mời 1 bạn đọc bài khai thị của Ấn Quang Đại Sư.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *