BÁO CÁO TU HỌC TỪ LỚP HỌC ONLINE.
Mình có thật lòng cầu Giải Thoát hay không? Dạ câu hỏi của con là: Cư Sĩ Diệu Âm nói thời mạt pháp này đồng tu của chúng ta tu kiểu gì nhưng không có mấy người thật lòng cầu giải thoát. Dạ con xin hỏi Sư Huynh nguyên nhân gì mà tu hành kiểu gì mà hiếm khi có người có tâm mà mong cầu được giải thoát. Lý do như thế nào?
A Mi Đà Phật. Dạ! Con xin chân thành cảm ơn Sư Huynh đã đặt câu hỏi. Phật pháp là nội học. Nội học có nghĩa là hướng về bên trong của bản thân mình thì đây gọi là Phật pháp chứ không hướng ra bên ngoài. Phật pháp có một cái giá trị đặc biệt là như vậy. Qua câu hỏi này nếu mà mình biết để tâm thì mình liền có sự liên hệ trực tiếp đối với cái bản thân của mình. Người khác tu như thế nào mình có biết đâu. Mà bây giờ mình tu như thế nào mình có thật sự biết không?
Cho nên cái câu hỏi của Sư Huynh nên chuyển thành cái tự vấn lương tâm mình. Rốt cuộc bản thân mình có thật sự muốn cầu giải thoát hay không? Có đang cầu giải thoát hay không? Niệm Phật cầu sanh Cực Lạc là cầu giải thoát. Giải thoát cho mình khỏi cái sanh tử luân hồi này. Giải thoát khỏi cái sự dính mắc của mình từ trong cái tư tưởng. Con nói mình tu mình niệm Phật, mình bị kẹt ở trong cái tư tưởng này rất là sâu.
Mình nhìn thấy những người thị hiện cho mình. Người ta tu giải thoát, người ta tu như thế nào? Thì mình nên học tập theo. Giống như là Cư Sĩ Hoàng Trung Xương là một vị Cư Sĩ gần đây cũng đã được Ân Sư Tịnh Không tán thán. Ngài là một người cũng trung niên thôi. Nhưng mà phát tâm thật sự là tu học cầu giải thoát. Chưa đến 3 năm thì tự tại vãng sanh. Một ngày của Ngài niệm Phật là khoảng 10, 11 tiếng. Thời gian còn lại là nghe pháp 5, 6 tiếng gì đó. Thì khoảng gần 3 năm thì Ngài đã biết trước ngày giờ ra đi.
Trong quá trình của Ngài tu học. Ngài phát tâm tịnh khẩu, không có nói chuyện với người nhà mà hơn 1 năm Ngài vẫn thấy tâm mình chưa có được nhiếp tâm vào câu Phật hiệu. Thì mình đủ thấy là cái chuyện mà tu học cầu giải của mình so sánh với Ngài, mình còn khoảng cách rất là xa. Ở đây con cũng chưa nghĩ các Cô Bác Huynh Đệ cũng như con có thể đạt đến cái trình độ công phu là 1 ngày niệm Phật được 10 tiếng đồng hồ cho đến 11 giờ đồng hồ. Còn lại là nghe pháp, đọc Kinh.
Thì mình thấy rõ ràng cái tâm của Ngài muốn thật sự cầu giải thoát thì nó thúc đẩy Ngài ra được cái chương trình tu học như vậy. Còn cái tâm của mình bây giờ mình cũng muốn cầu giải thoát nhưng mà mình bận quá. Bây giờ mình giảm bớt cái bận của mình xuống có được không? Thì các Cô Bác Huynh Đệ Tỷ Muội ở đây mình phải tự suy nghĩ. Mình dành thời gian kiếm cơm, kiếm tiền cho gia đình, cho con, cho cháu. Mình hay nói giờ mình còn sức thôi mình gắng mình làm. Nhưng mà cái vô thường này nó đến bất chợt lắm. Nó không đợi mình đạt đến cái nguyện vọng của mình đâu.
Mà con hỏi thiệt giả sử bây giờ các Cô Bác Huynh Đệ Tỷ Muội đang gánh trên vai cái trọng trách này nè. Mình ra đi thì con cái mình nó sống tiếp được không? Vẫn được phải không. Có sao đâu! Tại mình tự dựng chuyện lên thôi. Mình tự thấy mình quan trọng trong biết bao nhiêu năm nay. Từ lúc mình nuôi nó còn đỏ hỏn nhỏ xíu như vậy nè. Bây giờ nó lớn 20 mấy tuổi, 30 mươi mấy tuổi thậm chí nó có gia đình rồi.
Nó có con nữa rồi kìa mà mình vẫn còn lo cho nó! Mình thấy mình tức cười không? Đứa cháu này mình kêu nó: Ừ! Tội nghiệp nó. Bây giờ mình chết đi hổng ai lo cho nó, mà Ba Mẹ nó còn sờ sờ ở đó mà bây giờ mình kêu là mình chết đi hổng ai lo cho nó. Ba Mẹ nó lo! Rồi mình nhìn vô mấy cái đứa trẻ mồ côi đi. Thậm chí mới đẻ ra bị Ba Mẹ bỏ thì cũng có đứa có người nhận nuôi đúng không?
Vậy là rốt cuộc là cái số mạng của một người đã được định sẵn. Có hay không có mặt của mình thì con người đó vẫn tiếp tục sống theo số mạng của họ. Bây giờ mình vướng víu nhiều quá vào trong những cái thứ mà mình cứ nói là thuộc về cái bổn phận của mình mà mình phải làm. Mình hổng làm thì hổng ai làm.
Nhưng các Cô Bác Huynh Đệ mình nghĩ kỹ lại đi. Mình không làm mọi người vẫn ổn. Thậm chí mình chết đi mọi người cũng vẫn ổn. Người ta khóc cho mình một chút thôi. Tới 49 ngày thắp cây nhang rồi làm cái này làm cái kia hồi hướng các kiểu. Nhờ Huynh Tịnh Hùng tới đi cầu siêu rồi bắt đầu phóng sanh. Rồi năm sau giỗ đầu cũng tới thắp cây nhang. Rồi 3 năm sau cũng qua cũng thắp cho mình cây nhang.
Nhìn hình mình mủi lòng ứa nước mắt chút xíu vậy thôi. Niệm Phật mấy câu. Hổng biết có không? Chưa biết! Nhưng mà nhậu là chắc có rồi đó. Đúng không ạ? Tới giỗ mình là có nhậu! Rồi mua gà mua vịt về bắt đầu làm này làm kia. Mấy đứa cháu, đứa con nó ngồi nó bày ra nó ăn. Nó cụng này cụng kia. Rồi tới 5 năm, 10 năm sau nhiều khi nó quên cái giỗ mình luôn hổng chừng. Rồi 20 năm thì thôi. Là dĩ vãng! Không nhớ tới nữa.
Tới lúc mà nó lâm chung. Nó cũng đi đường của nó. Con mình nó đi đường của nó. Chồng mình đi đường của chồng mình. Còn mình thì cũng đã đi rồi. Vậy thì mình lo được cho ai?
Lo cho cái mộng huyễn bào ảnh của mình. Đây là cảnh mộng. Mình cứ tập trung lo trong cái chuyện cảnh mộng này thì kết quả nó cũng là mộng mị mà thôi. Kiếm cho một đống tiền rồi tắt hơi đi, thì tiền đó thuộc về ai? Cũng đâu phải của mình? Mà cũng chưa chắc cũng là của con mình. Tụi nó chia 5 xẻ 7 ra. Đứa này giành một cục, đứa kia giành một cục. Không chịu thì đưa nhau ra tòa. Rồi lúc đó Cha Mẹ trên bàn thờ thì sao? Tức quá đúng không? Sao con cái không nghe lời? Sao không biết yêu thương nhau?
Thằng anh sao không biết nhường cho thằng em. Thằng em nó khổ hơn mày. Mày kiếm được nhiều tiền hơn, giờ mày giành với nó. Mày đòi bằng phần với nó. Bây giờ nó không chịu thì đưa nhau ra tòa cãi. Mình thấy cảnh này cũng nhiều, vậy thì giờ mình nhìn lại coi cái tâm cầu giải thoát của mình với lại cái tâm tham sống ở đây cái nào mạnh hơn? Rõ ràng là mình vẫn tham ở đây mạnh hơn. Tham luyến người và sự vật ở đây. Yêu thích người và sự vật ở đây.
Còn niệm Phật thật chất ra chẳng qua là việc phụ thôi. Cư Sĩ Hoàng Trung Xương, Ngài niệm Phật một ngày 11 tiếng đồng hồ thì đây đối với Ngài là việc chính. Còn mình một ngày mình niệm Phật 2 tiếng đồng hồ thì đây là việc phụ. Mình phải thẳng thắn mình nhìn nhận cái sự thật là như vậy. Thì mình đừng có nói gì đến chuyện cầu giải thoát ở đây. 2 tiếng đồng hồ niệm Phật làm sao mà chống lại được với nghiệp lực? Trong khi là một ngày có 24 giờ đồng hồ, chỉ được 2 tiếng đồng hồ niệm Phật trong tạp loạn. Chưa chắc được chí thành chí thiết nữa. Thì lấy gì mà chống lại được với nghiệp lực lúc lâm chung?
Và Ngài thị hiện rất hay. Tịnh khẩu không nói chuyện. Người nhà tới nói chuyện với Ngài. Ngài xua tay, đừng có nói chuyện với tôi để cho tôi niệm Phật. Người nhà cũng hoan hỷ vì biết Ngài lập chí như vậy mọi người ủng hộ. Đây là cái phước duyên lớn của Ngài. Mình chưa được cái phước duyên như Ngài. Thì mình phải tu tập làm sao từ từ mình đẩy cái công phu niệm Phật của mình lên. Cái tâm cầu giải thoát của mình nó phải thể hiện ở trong cái hành động.
Chứ không có thể nào nguyện xuông được. Nguyện xuông thì con thấy mình nguyện hoài. Đứng trước Phật chắp tay nguyện hoài, hồi hướng hoài, phát nguyện vãng sanh hoài. Nhưng mà thật sự đâu có muốn chết sớm đâu?
Ở đây trong chúng ta có ai muốn chết sớm một ngày không? Chắc khó! Cái này chuyện này từ từ đi, khi nào chết tự nhiên nó đến, chứ ai muốn chết sớm một ngày? Nhưng mà người cầu giải thoát họ muốn chết sớm một ngày. Họ không có còn cái gì mà thiết tha với cái đời sống này ở đây hết. Tất cả chẳng qua là bổn phận của họ thôi. Họ không muốn sống ở đây nữa đâu. Còn mình thì mình muốn sống ở đây. Cho nên mình chưa có tha thiết cầu sanh Cực Lạc.
Mình làm cái gì để thành tựu cái chuyện niệm Phật cầu sanh Cực Lạc của mình trong ngày hôm nay? Thời gian rảnh mình đang đầu tư vô đâu? Nếu mình là người chịu trách nhiệm chính kiếm cơm cho gia đình, không có mình thì không được, vậy thì con hổng nói. Mình ngưng làm một cái là nhà mình thiếu cơm ăn, thì con hổng nói nha.
Nhưng mà con nhìn chung con thấy khuôn mặt của Cô Bác Huynh Đệ Tỷ Muội ở đây ai cũng có phước hết. Không có ai đến nổi là phải xấc bấc xang bang vì cái chuyện cơm áo gạo tiền lắm. Tại vì nếu mà quá bận vì cơm áo gạo tiền thì hôm nay mình không có ngồi ở đây. Mà bây giờ phải đi lo kiếm cơm chứ đâu có ngồi trên chùa Pháp Tam được? Đúng không ạ?
Nhưng mà Cô Bác Huynh Đệ ngồi ở đây có nghĩa là nhà mình vẫn có cơm ăn. Vậy thì mình phải xem lại từ lúc mình mở mắt ra cho đến lúc mình đi ngủ trong ngày hôm nay, mình có xem cái chuyện niệm Phật là chính không?
Nếu nói niệm Phật là việc chính thì phải biết làm cho nhiều. It nói chuyện lại, niệm Phật cho nhiều. 4 tiếng, 5 tiếng, 6 tiếng, 8 tiếng, rồi cứ vậy mà nâng lên chứ không cho phép giảm xuống, vì đây là chuyện chính giống như là ăn cơm. Ăn cơm ngày 3 bữa thì niệm Phật ngày cũng 3 thời. Mỗi thời 2 tiếng là mình được 6 tiếng niệm Phật rồi. Đó là có sự nỗ lực của mình thật sự trong vấn đề cầu giải thoát.
Còn trên thực tế 1 tiếng, 2 tiếng niệm Phật nghe Pháp hổng ăn thua. Không thể chống lại nghiệp lực. Sân là vẫn sân, si là vẫn si, mê muội là vẫn mê muội. Mà thật ra cái tín nguyện cầu sanh Cực Lạc của mình nó rất là yếu, không muốn chết sớm. Rất ngại nghĩ đến cái chuyện đó. Còn nếu các Cô Bác Huynh Đệ ở đây thật sự là không có cái suy nghĩ đó nữa rất muốn ra đi. Thì tự cái muốn đó nó sẽ thúc đẩy mình niệm Phật. Cho nên người niệm Phật tích cực không thấy chán đời.
Chán đời người ta hổng muốn làm gì hết. Người ta thậm chí muốn tự tử thôi. Cái chết của người ta sẽ gây rất nhiều đau khổ cho rất nhiều người trong gia đình. Nhưng mà người niệm Phật, người ta cũng không thiết tha gì trên cái cõi đời này nữa. Làm đủ bổn phận công chuyện xong là nhảy vô câu Phật hiệu niệm liền. Họ cũng muốn chết nhưng mà họ muốn chết để họ về với Cực Lạc Thế giới để mà họ thành Phật. Để họ giúp đỡ rất nhiều chúng sanh. Gia đình của họ sẽ hạnh phúc. Cửu huyền thất Tổ của họ sẽ sanh Thiên hổng giống như cái người đi tự tử.
Cho nên 2 người đều muốn chết hết nhưng mà cái tâm khác nhau. Vấn đề là bây giờ mình chưa có thật muốn ra đi. Sáng dậy mở mắt ra là vẫn muốn chụp cái điện thoại. Rồi bắt đầu những suy nghĩ kiểu như sáng nay cà phê ở đâu? Sáng nay mình làm cái gì? Mình đi đâu làm này làm nọ. Thậm chí con nói thật sáng nay đang tính ngồi nhà niệm Phật nè. Mà tự nhiên cái điện thoại tin tin tin…Bạn bè nhắn tin hay ai đó nhắn mình sáng nay đi này đi kia không? Thì mình dẹp chuyện niệm Phật qua một bên đi liền đó. Đúng không ạ? Đi luôn! Hổng cần phải suy nghĩ, hổng cần phải đắn đo.
Thôi kệ! Chiều niệm cũng được. Phải vậy không? Rồi mình ra bắt đầu mình tám chuyện, rồi mình làm cái này cái kia, mình nghĩ mình có phước. Có phước bằng mình ngồi ở nhà niệm Phật không?
Không bằng ở nhà niệm Phật đúng không ạ? Đi ra ngoài rồi còn thị phi nữa. Hai chị em ngồi lại nói chuyện. Trong khi nói chuyện người này người kia, nói xấu nói tốt các kiểu. Còn ngồi ở nhà niệm Phật là im re. Nhưng mà mình thích vui. Cho nên cái thích vui này mà được ai gợi ý một cái là mình chạy theo liền. Cho nên cái thế giới này nó còn vui với mình thì mình không thể vãng sanh. Không có cái giải thoát gì được ở đây hết. Tại vì mình vẫn thấy ở đây vui, vẫn thích ở đây.
Giờ làm sao chuyển cái tâm mình lại. Đã quyết định ngồi nhà niệm Phật 3 giờ đồng hồ. Có ai đến rủ đi chùa cũng không đi. Không! Con bận rồi! Thôi để lúc khác đi. Tại vì mình biết mình đi ra ngoài kia là cái tâm mình nó sẽ phóng dật. Mình sẽ không niệm Phật được. Không bằng ở nhà ngồi nhiếp tâm niệm Phật. Đây là cái chỗ mình có tiến bộ. Không ra quán cà phê. Không nói chuyện linh tinh.
Bắt đầu mình thu nhiếp cái thời gian của mình lại từ 2 tiếng niệm Phật, mình đẩy lên là 4 tiếng niệm Phật. Giữ được liên tục như vậy trong 2 tháng, 3 tháng rồi đẩy lên tiếp 5 tiếng, đẩy lên 6 tiếng. Cứ vậy mà đẩy lên thì đây là người có cái tâm cầu giải thoát thật sự đấy. Tu hành nghiêm túc đấy. Từ chối hết thảy tất cả những chuyện khác. Bây giờ mình không đi với Tỷ đó thì Tỷ đó cũng tự làm được. Trên chùa không có con, chùa vẫn yên ổn. Đạo tràng không có con, đạo tràng vẫn yên ổn.
Thậm chí có con thì còn rối hơn, thị phi hơn, nhiều chuyện hơn. Tại con gặp người này người kia, con sẽ nói chuyện này chuyện nọ chứ con không để yên cho họ niệm Phật. Vậy có phải là con đi con làm rối cái tâm của người ta không? Vậy thì thôi con hổng đi. Cho nên Phật, Bồ Tát không tạo phiền não cho chúng sanh là chỗ này. Các Ngài luôn biết nghĩ đi đến đâu là mang lại lợi lạc cho chúng sanh chỗ đó. Cái gì là lợi lạc? Giúp cho chúng sanh giác ngộ, giúp cho chúng sanh phá mê khai ngộ. Đây là lợi lạc. Giúp cho bản thân chúng sanh hiểu được đâu là ác, đâu là thiện thì đây là lợi lạc. Còn không thì các Ngài ở nhà niệm Phật.
Cho nên Niệm Phật là mang lại lợi lạc lớn nhất cho chính mình và cho tất cả chúng sanh. Không có cái việc thiện nào bằng. Vì vậy khi mà các Cô Bác Huynh Đệ cũng như con ở đây, mình có sự chọn lựa về mặt thời gian là bây giờ từ mấy giờ đến mấy giờ mình rảnh thì mình nên chọn cái chuyện niệm Phật hơn là bất kỳ chuyện gì khác. Không có chuyện nào thiện bằng chuyện này. Những chuyện khác là chuyện vụn vặt, chuyện nhỏ. Chỉ riêng câu Phật hiệu mới giúp cho mình ra khỏi sanh tử thì mình phải lấy thời gian rảnh đó để mà niệm câu Phật này. Thì đây là người có tâm cầu giải thoát.
Còn mình theo cái kiểu lúc nắng lúc mưa thích thì niệm không thích thì thôi. Rồi người này người kia rủ đi đây đi kia cũng đi thì cái này hổng bằng. Cái này còn rất là xa so với cái chuyện vãng sanh. Cho dù mình có niệm Phật tới thời điểm này là 50 năm đi chăng nữa mà mình vẫn còn cái tập khí này thì hổng được. Cho nên 2 tuần 1 lần chúng con mới có dịp cùng với các Cô Bác Huynh Đệ chia sẽ mấy điểm này. Chứ còn mỗi ngày tự mỗi người làm vị Thầy cho chính mình. Tự nghiêm khắc với chính mình không cho phép mình nhiều chuyện nữa. Không cho phép mình thích chạy Đông, chạy Tây nữa. Buộc chặt cái chân mình lại. Trói mình vào trong câu Phật hiệu không để hở thời gian rảnh mà suy nghĩ lung tung. Đây là cái người có tâm cầu giải thoát.
Vì cái định lực của mình nó yếu nên những cái cảnh duyên bên ngoài cộng với cái tư tưởng của mình nó luôn luôn phóng dật. Nó muốn cái này, nó thích cái kia. Nó hợp lại với nhau một cái là mình tiêu liền. Cho nên chỉ còn có một con đường duy nhất là mình tự cứu mình thôi. Đẩy câu Phật hiệu lên mỗi ngày thêm mấy tiếng đồng hồ. Bớt cái chuyện cơm áo gạo tiền lại. Dạ thì mình tu hành như vậy mình mới có thể có một tương lai tốt đẹp, sẽ tương ưng với đại nguyện của Đức Phật A Mi Đà. Nhất định Ngài sẽ đến tiếp dẫn. Dạ! A Mi Đà Phật.