BÁO CÁO TU HỌC TỪ LỚP HỌC ONLINE.
Làm Thế Nào Đem Phật Vào Tâm: Sư Huynh chỉ dẫn làm cách nào đem Phật vào trong tâm. Ngày xưa có vị nghe Phật thuyết pháp một câu là giác ngộ. Còn Muội niệm Phật có vài câu thì lại niệm đủ thứ. Sư Huynh cho hỏi đường đời và đạo Phật là gì? Bổn phận và chân lý là sao để tỉnh thức.
Con thì vô minh không có trí tuệ hỏi những câu hỏi hay để làm lợi lạc cho cả nhà để được giác ngộ và tỉnh thức. Xin Thầy chia sẻ. Con xin tri ân Thầy và khắp pháp giới.
A Mi Đà Phật. Dạ! Con cảm ơn Sư Tỷ. Sư Tỷ đặt câu hỏi là tốt rồi. Chịu đặt câu hỏi đưa ra những cái gút mắc của mình, suy nghĩ của mình. Làm sao đem Phật vô trong tâm? Tâm mình nó giống như cái nhà kho. Con nói vậy cho dễ hình dung. Hay là giống như cái ly nước đi. Cái ly nó phải trống, nhà kho nó phải rỗng thì mới bỏ đồ mới vô được phải không?
Hiện nay cái nhà kho này của mình nó lung tung lắm. Nó hổng có được sắp xếp gọn gàng như cái đạo tràng này đâu. Ghế chỗ này, bồ đoàn chỗ kia gọn gàng ngăn nắp nhìn rất đẹp mắt. Nhưng cái tâm thức của mình nếu mà mình không có biết huân tập câu Phật hiệu này liên tục đó thì nó giống như cái thùng rác vậy. Nó để đủ thứ đồ ở trong đó, thì bây giờ mình để vô câu Phật hiệu kiểu gì, trong khi cái nhà kho của mình nó đủ thứ hỗn tạp trong đó?
Bây giờ cho dù có để được câu Phật hiệu. Hằng ngày cũng có niệm Phật cũng gắng nhét vô, nhét vô tới lúc lâm chung cần câu Phật hiệu lấy ra lấy không được. Tại sao lấy không được ạ? Tìm hổng thấy! Giống như là cái đồ của mình để trong cái nhà kho. Cất kỹ cái này, đồ quý nè. Câu Phật hiệu quý lắm! Nhét tuốt vô trong đây, rồi bắt đầu mỗi ngày nhét thêm đồ này đồ kia vô.
Tới lúc lâm chung mình chỉ cần cái đó thôi. Đúng không ạ? Cần câu Phật hiệu thôi mà mò không ra. Đụng đầu này đụng đầu kia toàn là đồ vớ va vớ vẩn không. Nghiệp lực biến hiện, oan gia trái chủ hiện ra không. Không thấy câu Phật hiệu ở đâu. Nắm không được câu Phật hiệu. Không biết để ở đâu.
Cho nên cái câu hỏi này nghe tưởng chừng ngô nghê nhưng mà rất quan trọng. Mỗi ngày mình để Phật hiệu vô tâm kiểu gì? Như con nói hồi nãy ngày có 2 tiếng đồng hồ niệm Phật mà niệm nhiều khi còn xen tạp đủ thứ. Lâu lâu liếc cái điện thoại coi có ai nhắn không? Ngó Đông ngó Tây các kiểu. Còn lại 22 giờ đồng hồ mình để những thứ khác vô. Thì mình cứ hình dung từng giây từng phút là cái tâm thức của mình nó tiếp nhận đủ thứ bên ngoài vô từ mắt thấy tai nghe. Rồi tạo nghiệp ở thân, rồi thì trong ý nó lộn xộn như vậy. Ghét và thích, ưa và hổng ưa, phân biệt chấp trước để đủ thứ ở trỏng hết.
Rồi câu Phật hiệu của mình cũng nháo nhào ở trong đó. Cho nên Tỷ mới nói là bây giờ niệm Phật có một chút thì niệm đủ thứ khác. Đúng luôn! Vậy thì điều đầu tiên là phải dọn dẹp cái nhà kho. Mắt thấy tai nghe trước giờ của mình thường là đủ thứ linh tinh. Bất thiện pháp thì rất nhiều mà thiện pháp thì rất ít. Vậy thì bây giờ mình phải lọc nó lại. Hạn chế tiếp xúc với bất thiện pháp.
Chỉ tiếp xúc với thiện pháp đúng như trên tinh thần của Kinh Thập Thiện Nghiệp đạo. Ngày đêm thường niệm thiện pháp, tư duy thiện pháp, quán sát thiện pháp. Không để một chút bất thiện xen tạp. Đây là đang làm cái nhà kho tâm mình sạch sẽ. Mà cái bất thiện pháp xen tạp nhiều nhất nó nằm ở trong cái truyền hình. Nó nằm ở trong cái âm thanh mình được nghe. Nghe nhạc rồi nghe các chương trình các kiểu nằm trong cái điện thoại di động. Đây là bất thiện pháp.
Và cái bất thiện pháp nó đến từ cái khẩu nghiệp của mình nữa. Cho nên người nói nhiều không có tu hành gì cả. Khẳng định một câu. Nói nhiều là bất thiện pháp. Cho dù nói đúng đi chăng nữa vẫn là bất thiện pháp. Tại vì phạm cái tội nói nhiều. Cho nên mình để ý mình nói nhiều nhưng mà người khác không có nghe. Con mình không nghe, chồng mình không nghe, thậm chí con chó nó cũng hổng thèm nghe nữa. Sao hổng ai thèm nghe lời của mình.
Mình giận vì mình thấy mình nói đúng mà người khác không nghe, vì mình đang nói ra chính là bất thiện pháp. Còn Đức Phật một ngày Ngài giảng Kinh 8 giờ đồng hồ, nói suốt 49 năm không có ai nói Ngài là nói nhiều cả. Mà người nào nghe Ngài nói đều được giác ngộ. Còn mình, mình nói chút xíu thôi. Ông xã mình nói: Nói nhiều quá đi, bớt nói lại. Ủa! Mình đâu có nói gì nhiều đâu. Mới nói chút xíu à mà bị chửi rồi. Vô duyên hông? Thằng cha già này. Giống như là oan gia hay sao đó. Mới nói có chút xíu à. Mới nói ổng bớt bớt cái gì đó đi vô đây ăn cơm đi. Mới nói có chút xíu à. Ổng chửi mình nói nhiều. Tức không?
Cái mình tức chứ! Mới nói có chút xíu mà kêu là nói nhiều rồi. Đó! Thì cho nên là mình thấy rõ. Cái lời nói khẩu nghiệp của mình tạo ra. Nó tạo phản ứng như vậy thì thôi không bao giờ mình nói nữa. Thì bây giờ cái tâm thức của mình. Mình chỉ còn có một cách mình đẩy vô liên tục câu Phật hiệu thật nhiều thì mới đẩy ra hết các chủng tử thiện ác khác, đẩy ra ngoài.
Cái tâm thức này nó bình đẳng. Mình nghe thấy cái gì là nó tự nó vô. Cho dù các Cô Bác Huynh Đệ ở đây không muốn nhưng mà nó vẫn vô. Giống như là các Cô Bác Huynh Đệ nhìn các Cô Bác Huynh Đệ khác, nhìn vậy thôi không có ý gì hết nhưng mà vẫn nhớ. À! Cái người này trên chùa Pháp Tam. Sau này đi đường gặp nhớ, nhớ cái mặt. À! Sư Huynh này gặp trên chùa Pháp Tam rồi nè. Tự nhớ mà không biết tên tuổi gì luôn. Nhưng mà nhớ cái mặt này gặp trên chùa Pháp Tam hay gặp ở đâu đó rồi. Nó tự nó nhớ.
Thì bây giờ mình làm sao mình chuyển cái tâm thức của mình thông qua mắt thấy tai nghe mình cứ tập trung nhìn Đức Phật A Mi Đà. Rảnh thời gian là nhìn Đức Phật A Mi Đà rồi niệm danh hiệu của Ngài. Ai mà thường giữ được như vậy tâm ý liền trong sạch. Thì cái tâm của mình khi đó mình mới gọi là giống như Sư Tỷ muốn là “Làm sao để thỉnh Phật vô tâm”. Thì đó là từ cái chỗ muốn của mình.
Đường đời và đạo Phật là gì? Đường đời là đường khổ. Đạo Phật là đạo giải thoát khỏi cái khổ đó. Người tu hành chân thật họ có được niềm vui trên đường đời, trên cái đường tu của họ. Thì mình phải học tập họ làm sao để mà cái đường đời của mình nó có niềm vui chân thật từ trong cái việc thực hành đạo Phật. Những gì mình được học mình thực hành. Cho nên đường đời nó có gắn với cái bổn phận. Bổn phận của một phàm phu. Trước giờ mình làm là mình có sự dính mắc. Làm một người Cha, làm một người Mẹ, người Bà là mình dính mắc toàn tập.
Đức Phật nói trong Kinh là gì: “Thế gian này là mộng huyễn bào ảnh”. Mỗi một người đều có vai diễn không giống nhau. Nhưng mà con cũng như các Cô Bác Huynh Đệ ở đây, mình bị chết chìm trong cái vai diễn đó, cái bổn phận đó. Giống Sư Huynh Tịnh Hùng hay giống như Tỷ Diệu Đức có cháu có con. Mình đóng vai người Mẹ, người Ông. Mình đóng vai rất tốt là một người Ông rất mẫu mực rất thương cháu, người Mẹ rất thương con. Nhưng mà mình diễn quá tốt đi, nên mình xem cái vai đó là cuộc đời của mình luôn. Đúng không? Mình dứt ra hổng được cái vai đó.
Cho nên muốn cầu giải thoát mà vẫn còn muốn dính vào con vào cháu, thương nó. Bây giờ mà nó có chuyện gì ở nhà là con bảo đảm là mình chạy về liền. Mình còn ngồi đây không? Mình niệm Phật tâm mình có an nữa không? Khi cái người thương của mình đang có vấn đề ở nhà nhắn tin cho mình biết. Thì đó là mình đang đắm chìm trong cái vai diễn của mình quá sâu. Hổng dứt ra được. Tình cảm quá hà!
Mà trong khi đó không phải thật. Đời đời kiếp kiếp đều có vai diễn, không có vai nào là vai thật cả. Cho nên đừng nghĩ là thật nhưng mình lại xem là thật. Mình không chịu xả vai. Đang bực bội với cái vai này thì mình qua cái vai khác mình vẫn giữ cái bực bội đó. Mình qua mình xử cái ông chồng mình liền. Đang bực chuyện khác, bực chuyện đồng tu, bực chuyện bên ngoài về nhà thấy ổng vẫn còn nằm dài ở trên salon không chịu lau nhà, không làm gì hết.
Xả ổng liền, giận cá chém thớt. Đang bực mà! Cho nên không có xả vai. Mình bị cái vai diễn nó mê hoặc mình. Hơn nữa mình làm quá tốt nên những người xung quanh ai nấy cũng đều tán thán mình là Sư Huynh Tịnh Hùng là một người Cha mẫu mực, là một người chồng chung thủy, là một người con hiếu thảo, là một Phật tử thuần thành. Sướng không? Cái gì làm cũng tốt hết. Thì dính hết! Dính vô mấy cái vai này hết, mà cái vai này có thật đâu.
Chỉ có câu Phật hiệu mới là thật. Mình nghe cũng nhiều rồi. Chỉ có câu Phật hiệu mới là thật còn lại là giả hết mà mình làm có được đâu. Mình chết chìm trong cái vai diễn mà mình yêu thích. Cái vai nào tôi yêu thích là tôi diễn cho tốt. Còn người khác kêu tôi làm cái vai tôi không thích là tôi không có diễn đâu. Chở đứa cháu mà tôi yêu thích đi chơi tôi thấy thú vị.
Nhưng mà chở một đứa cháu mà tôi không ưa mà đi đây đi kia thậm chí chở nó đi mua thuốc thôi là cũng cằn nhằn. Chơi bời cho dữ vô bây giờ bệnh, giờ bắt tao phải lo. Phải không? Bực nó! Tao chở mày đi tao mất cái thời công phu của tao. Còn đứa con mà mình thương yêu. Con gắng nha, con để Mẹ chở con đi mua thuốc.
Ở trong cuộc sống hổng ai nói mình sai cái chỗ này hết. Nhưng mà tự mình phải biết là mình đang sai thì mình mới tháo ra khỏi cái vai diễn của mình được. Còn bây giờ mình cứ đắm chìm vô vai diễn của mình từ sáng đến tối cho nên mình không muốn diễn cái vai mình nghĩ là nó tuyệt vời nhất, đó chính là niệm Phật. Chỉ có cái vai diễn này mới giúp cho mình ra khỏi sanh tử luân hồi. Ra khỏi cái vở kịch sanh tử này thôi.
Không chịu diễn vai này thích diễn vai khác. Thì Phật cũng thua, Phật không đón mình được tại vì mình bận rộn với những vai diễn kia. Cho nên mình đừng có quan trọng hóa cái đời sống mình quá. Đừng quan trọng hóa bản thân mình quá. Mình không là gì cả. Thì chỉ khi nào mình không là gì cả thì mình mới chịu niệm Phật đúng không? Còn nếu bản thân con, con thấy con là một cái gì đó quan trọng đối với người này người kia, quan trọng đối với bản thân con.
Con sẽ không niệm Phật mà con đi niệm cái quan trọng đó. Con sống với cái vai diễn đó cho nó hết mình, cho nó trọn tình trọn nghĩa vậy thì con luân hồi tiếp. Cho nên trọn tình trọn nghĩa rốt cuộc là đúng hay sai? Đi luân hồi tiếp. Không có ý muốn giải thoát, đối với họ chuyện này là đúng. Đời sau họ cũng được hưởng phước nhân thiên. Họ là người tốt mà, họ đóng vai này tốt, sống cũng là một người tốt thì họ đi theo cái tốt đó.
Nhưng mà đối với một người niệm Phật cầu sanh Cực Lạc thì cái này hổng tốt. Tại người cầu sanh Cực Lạc đâu muốn kẹt vô trong luân hồi. Cho nên người khác người ta diễn cái vai của họ tốt như thế nào mình tán thán. Nhưng cái con đường đời mà mình đi, cái Phật đạo mà mình nắm bắt đó là mình phải rõ ràng. Để mình buông tất cả những vai diễn khác, diễn như không diễn, không diễn mà diễn. Trong tâm câu Phật hiệu chưa từng gián đoạn, ý nguyện cầu sanh Cực Lạc mỗi ngày một thiết tha.
Cho dù bạn diễn bất kỳ vai nào thì cứ phải diễn là phải diễn thôi. Nhưng mà đừng xem vai diễn đó là cuộc đời của mình. Đó là cái nhận thức quan trọng lắm. Xả ly tất cả những cái mê mờ, vọng tưởng dính mắc vào trong những cái vai diễn này. Vai diễn tốt cũng vậy, vai diễn xấu cũng thế, giống nhau. Đều là mộng huyễn bào ảnh. Thì mình thường mình nhắc nhau như vậy.
Thì trong đời sống mình phải sanh khởi cái tâm bình lặng, bình đẳng để mà mình diễn cái vai diễn của mình cho nó tròn vai. Vậy thôi! Rồi sau đó con cũng như các Cô Bác Huynh Đệ mình phải quay về với câu Phật hiệu. Cho nên “bổn phận” như con báo cáo hồi nãy đó là vai diễn. Còn chân lý đó chính là nhận thức rõ cái vai diễn. Cần diễn như thế nào mình diễn như thế đó. Và chân lý đó chính là phải niệm Phật.
Cái bước khó cuối cùng của mình trên bước đường mình thực hành những điều này đó chính là mình phải buông bỏ cái sự thông minh của mình xuống. Con biết ai trong các Cô Bác Huynh Đệ Tỷ Muội ở đây cũng như con cũng vậy thôi.
Mình có cái tự hào về cái trí tuệ của mình, về cái kinh nghiệm của mình. Đời sống của mình trải qua đủ thứ chuyện nên có cái kinh nghiệm. Kinh nghiệm sống. Học pháp, nghe pháp mình có cái sự hiểu biết. Quá trình thực hành mình có cái trải nghiệm và cũng có một chút thông minh. Nhưng chính cái sự thông minh này nó giết chết cái tâm chân thành của mình. Tại vì sao? Thông minh rồi thì rất tin vào cái suy nghĩ của mình. Khi đó mọi thứ mình quyết định trong đời sống từ sáng đến tối đều tuân thủ theo cái suy nghĩ này. Mà mình ít khi nào mình đối chiếu lại cái suy nghĩ này là nó thật sự có giống như lời Phật dạy hay không.
Như con báo cáo hồi nãy có 2 tiếng đồng hồ rảnh. Một người suy nghĩ thông minh họ sẽ làm theo cái họ thích. Họ biết họ đang thích cái gì lắm, biết rõ ràng luôn. Nhưng mà một người thật sự có trí tuệ, họ dùng 2 tiếng đó để họ làm cái họ cần chứ không phải làm cái họ thích. Vậy cái mình cần là gì? Niệm Phật đúng không ạ? Nhưng mà mình không có làm cái cần đó. Mình chỉ làm cái mình thích thôi. Đó là cái chết của mình. Cho nên mình tu hành mình thông minh là mình chết. Chết bởi cái thông minh này.
Cho nên làm sao mình nhìn ra cái tai hại của thông minh này mình buông xuống cách nghĩ của mình. Và mình học tập nghiêm túc theo lời dạy Thánh Hiền thì mới thành tựu được. Còn không là thông minh sẽ bị thông minh hại. Và nguy hiểm nữa là cái thông minh này đi ra ngoài cộng với phước báo của mình sẽ được nhiều người ca tụng, khen ngợi, đề cao, tôn trọng, cung kính mình hổng chừng lại càng chết. Cho nên từ đó mình đánh mất đi hoàn toàn cái tâm khiêm tốn.
Đây là bất hạnh, bất hạnh của một người tu cầu giải thoát là đánh mất lòng khiêm tốn. Thì đó là cái chỗ con nghĩ mình phải thường tự xét mỗi giờ mỗi phút chứ không nên quyết định nhanh nữa. Không nên chạy Đông, chạy Tây một cách tùy ý theo ý thích của mình. Cho nên cái ý thích này nguy hiểm lắm.