Thi Ân Không Cầu Báo Thì Cơ Hội Vãng Sanh Mở Rộng

BÁO CÁO TU HỌC TỪ LỚP HỌC ONLINE.

Hanh Trinh Thay Doi Ban Than

Thi Ân Không Cầu Báo Thì Cơ Hội Vãng Sanh Mở Rộng: Nếu mình học pháp mình hiểu được mà mình buông xuống chữ “ái” của mình và mỗi ngày mình đi phục vụ người nhà của mình với cái tâm bình đẳng, hoan hỳ, không mong, không cầu như hôm nay Sư Phụ dạy là “thi ân không cầu báo” là nói rõ mình phục vụ người nhà của mình mà mình không ghi nhớ đến chuyện mình phục vụ.

 

Vì trên thực tế là mình hay nhớ rồi nói: Sáng nào mẹ cũng lo bữa ăn sáng cho hai ba con tụi bay! Chê tới chê lui gì nữa! Có nghĩa là sáng nào mình cũng lo bữa ăn sáng là mình nhớ, nên câu nói của mình nói ra là mình ghi ra cả một thành tích là: “Sáng nào”. 

Còn nếu mình không nhớ đến chuyện thi ân này, mình lo buổi ăn sáng cho mọi người thì hôm nay mọi người ăn sáng mà cảm thấy không được vừa miệng thì mình sẽ giống như người trong nhà hàng: Dạ! Anh chị không vừa miệng ạ? Dạ, để em rút kinh nghiệm. Đúng không? Mình đi tới nhà hàng người ta phục vụ mình thì người ta sẽ hỏi, chăm sóc mình vì mình là khách của người ta.

Tuy nhiên, trong mối quan hệ với người thân của mình thì nó nhùng nhằng ở chỗ tình ái này. Cho nên, đây không phải là khách mà là cha tôi, là mẹ tôi, là con tôi, là chồng tôi, là anh chị em của tôi. Cho nên cái ái này khiến cho mình phải lập công, lập đức đối với những người này thì mình phải nhớ:

Ngày nào cũng lau nhà mà mỗi lần đi về không để ý cứ dẫm lên chỗ này, dơ hết rồi, sao không biết để ý đến công sức của người ta bước qua một bên, chỗ bên khô không đi mà cứ nhằm chỗ bên ướt mà dẫm lên. Anh có mắt không vậy? Anh có để ý không vậy? Mà em nhắc lần này không phải là lần thứ nhất đâu nhé! Nghĩa là mình nhớ không phải là lần thứ nhất mà là lần thứ năm, thứ bảy, thứ n.

Đó là chỗ mình rất thường bị dính mắc trong đời sống thực tế, khi mình thi ân cho những người thân ở trong gia đình mình, mình lúc nào cũng cầu báo đáp mặc dù không nói nhưng mình mong muốn mọi người phải biết ghi nhận sự hy sinh của mình, ghi nhận việc mình làm.

Nếu mình không học Phật, mà mình không có nhìn ra, thì trong quá trình nói chuyện với mọi người lúc nào mình cũng ngầm muốn mọi người phải ghi nhận cái sự nỗ lực của mình, cái công việc mình làm, mình hy sinh cho gia đình. 

Cho đến lúc mọi người không nói gì nhưng chỉ cần bày đồ ăn ra xong rồi: Ăn có ngon không? Mọi người nói: Ồ! Hôm nay mẹ nấu ngon lắm! Mẹ là số 1. Nghe thấy vậy thì mình vui lắm, có thể vui đến mức không cần ăn luôn, mặc dù mình nấu mình mệt mình cũng cần ăn, nhưng vì mình nghe khen vui thì mình đâu có lo như Đệ Tử Quy dạy mình là: “Nghe khen sợ, chê lại mừng” đâu. Chồng mình khen mình, con mình khen mình, bữa ăn này mình làm ngon nên mình vui thì mình làm sao niệm Phật được, lời khen làm cho mình no luôn: Thôi! Mọi người cứ ăn đi, có gì lát nữa mẹ ăn sau. Hay! Giống y như Bồ Tát! 

Cho nên cái cơ hội phục vụ người khác trong gia đình của phái nữ hơn người nam rất nhiều. Mấy ông nam đa số làm biếng, mấy chị nữ thì siêng năng, cần cù, chịu khó nhưng cái siêng năng, cần cù chịu khó này nếu thực sự buông xả ý niệm: “Thi ân cầu báo” thì vãng sanh trước phái nam là điều chắc chắn. Đó là vì có cơ hội thi ân, nghĩa là tu phước rất nhiều đối với bạn nữ mà bây giờ chỉ cần buông bỏ việc chấp công: Tôi là người làm, tôi là người có công lao với gia đình này.

Mình nhẫn nại mà làm, vui vẻ mà làm, khiêm tốn mà làm, không thấy mình có công lao rồi niệm Phật cầu sanh Cực Lạc thì chắc chắn được vãng sanh, chứ không phải nói chạy Đông, chạy Tây mà ở nhà các bạn nữ là đầy đủ hết rồi, đầy đủ bố thí Ba la mật luôn rồi. Hôm nay Ngài nói bố thí Ba la mật mình phải làm được. Đó chính là ngay trong cái chuyện nấu cơm, giặt áo, giặt quần, đủ thứ các công việc không tên mà các bạn không có dính mắc là các bạn đang bố thí Ba la mật.

Nói không dính mắc thì quá khó tại vì Ngài nói Bồ Tát mới làm được. Bây giờ phàm phu bắt buộc phải có dính mắc. Vậy phải làm sao? Mình vừa làm vừa niệm Phật, vừa nấu ăn vừa niệm Phật, vừa quét nhà vừa niệm Phật, vừa lau bàn, lau ghế vừa niệm Phật, mang cơm ăn uống ra phục vụ cho mọi người trong tâm mình niệm Phật, vừa giặt đồ vừa niệm Phật, không rời câu Phật hiệu, không cần hỏi mọi người có thích không, có thấy ngon không, mà mình chỉ hỏi mọi người ăn có vừa miệng không, để mình xem coi nếu họ ăn không có vừa miệng thì mình sẽ có thể mang thêm chén nước tương, mang thêm cái này, cái kia để cho họ ăn vừa miệng giống y như trong nhà hàng mình là người phục vụ.

Mình không có đòi hỏi người khác phải khen mình, chỉ mong họ không có chê trách thôi, giống như câu mà chúng mình hay cùng nhau báo cáo là: “Chỉ cầu không có lỗi chứ không cầu có công lao”. Đây chính là thi ân không cầu báo, áp dụng cho tất cả mọi việc, chỉ cầu không có lỗi không cầu có công từ việc lớn đến việc nhỏ. Đây chính là: “Thi ân không cầu báo”. Mình còn phải cảm ơn hoàn cảnh đó, người đó đã tạo cho mình cơ hội được làm chuyện tốt, tích được một chút phước, chỉ cầu không có lỗi thôi.

Muốn biết không có lỗi thì mình xem phản hồi của họ là công việc của mình có tốt không, họ có góp ý gì cho mình không, nấu ăn vậy có được không, nhà cửa dọn dẹp như vậy mẹ thấy sạch chưa, phòng mẹ có cần con làm gì thêm không, lúc nào cũng ở trong tâm thái là người phục vụ thì người này là phước lớn.

Vì phải có nhiều phước, phước đức phải sâu dày mới vãng sanh được. Việc này nằm ở chỗ “thi ân không cầu báo” thì mới ra được cái chỗ phước đức lớn này. Do đó những người phụ nữ ở trong gia đình tích cực làm việc không dính tướng, giữ được câu Phật hiệu liên tục thì người nữ sẽ vãng sanh nhiều hơn mấy ông nam vì mấy ông nam thích ngồi không, sáng cũng được vợ pha cho ly cà phê, làm cho đồ ăn sáng, quần áo cũng giặt cho, đồ cũng ủi cho, chăm sóc từng chút một. Mấy ông chồng sướng rồi nên mấy ông sẽ vãng sanh sau. Mấy bà vãng sanh rồi thì mấy ông mới tự đi làm để tích phước, mới có đủ phước để vãng sanh. 

Cho nên trong quá trình mình làm mình cũng phải để ý chia sẻ công việc mình làm cho những người xung quanh để cho họ có được cơ hội thực hành cái chỗ “thi ân không cầu báo”, đặc biệt các bạn nhỏ trong nhà mình. Đối với bạn lớn như em mình thì mình phải khéo léo gợi ý những công việc mà em mình cảm thấy thích, tự nguyện vui vẻ làm. Bạn lớn, bạn nhỏ cũng vậy thôi, làm sao để các bạn ấy tự nguyện, vui vẻ làm, nhìn ra được lợi ích công việc, kết quả công việc là mình làm cái này mình sẽ đóng góp được cái gì để cho các bạn ấy có động lực. Như vậy là mình giúp cho người ta thi ân, rồi sau đó mình giúp cho người ta hiểu được tốt nhất là không nên cầu báo, chỉ mong không có lỗi, chứ không có công lao gì. 

Đã là phàm phu thì mình làm chuyện gì tốt, lớn hay nhỏ mình cũng đều cầu phước báo. Trên thực tế, có lúc mình cũng không cầu phước báo tại vì cái này nhỏ quá nên mình không để ý tới. Tuy nhiên, khi cái nào lớn thì mình sẽ để ý. Mình bây giờ phải để ý làm sao biến cái lớn thành cái nhỏ thì mình sẽ không để ý. Ví dụ các bạn lượm rác và bỏ vô thùng rác thì các bạn sẽ không nhớ đến chuyện đó nhiều lắm. Hay các bạn có nhường đường cho người khác đi trước thì các bạn cũng không có để ý, không có cầu báo đáp gì.

Tuy nhiên, hôm nay cúng dường ấn tống Kinh sách 2 triệu là mình để ý. Hay hôm nay lên chùa tu Phật thất bảy ngày, niệm Phật để hồi hướng cho chúng sanh là mình để ý, thậm chí chuẩn bị sẵn tâm thái là mình sẽ hồi hướng cho ai, cho ai. Mình thấy chuyện này có giá trị nên mình để ý, còn những chuyện nhỏ nhỏ thì thôi, mình làm không có để tâm lắm nhưng cũng sẽ có một số niềm vui lóe lên trong tâm thức mình khi mình làm những chuyện tốt. Đó cũng là chỗ dính mắc nhưng mình cứ suy nghĩ cho đơn giản, cảm xúc tích cực, tốt sẽ thúc đẩy tâm thiện của mình, miễn là mình nhanh nhanh quay về câu Phật hiệu.

 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *