BÁO CÁO TU HỌC TỪ LỚP HỌC ONLINE.
Hiểu Rõ Hơn Về Y Pháp Bất Y Nhân: Bây giờ mình được nghe Sư Phụ giảng “Tứ y pháp”, cái đầu tiên là y pháp bất y nhân. Mình tu học theo pháp môn Tịnh độ có 3 bộ Kinh chính là Kinh A Mi Đà, Kinh Vô Lượng Thọ và Kinh Quán Vô Lượng Thọ. Trong 03 bộ Kinh đó, Đức Phật có dạy pháp tu nào gọi là “pháp tu hộ niệm” không?
Thế mà bây giờ mình cứ truyền nhau “Hộ Niệm Là Một Pháp Tu”. Khi đã gọi là pháp tu thì nó giống như một sự ngầm khẳng định đây là chuyện chính yếu. Nhưng mà thực chất cái từ đúng đắn phải gọi là “Trợ niệm lúc lâm chung”. Trợ giúp cho người lúc lâm chung giữ được chánh niệm, phát khởi niềm tin đối với câu Phật hiệu. Niệm được danh hiệu A Mi Đà Phật, nguyện sanh Cực Lạc thì được Phật đến tiếp dẫn, đó chính là trợ niệm.
Nhưng không hiểu sao qua Việt Nam biến thành là “Hộ niệm”, chứ không dùng đúng từ “Trợ niệm”. Vì nghe “Trợ niệm” hổng có oai, nó hổng có nhiệm màu, nó không có vi diệu? Ấn Tổ cũng dùng “Trợ niệm” chứ không dùng “Hộ Niệm”, có nói rõ tầm quan trọng của trợ niệm, nhưng không bao giờ khẳng định Trợ Niệm là một Pháp tu.
Pháp tu của người tu Tịnh độ là phải dựa vào nền tảng của Tịnh Độ Tam Kinh. Kinh Quán Vô Lượng Thọ Phật dạy 16 phép quán. Trong đó không có cái pháp gọi là “Hộ niệm”, chỉ có chấp trì danh hiệu thôi. Là pháp trì danh.
Mình tìm hiểu 1 chút về từ Hộ Niệm! Chính Đức Phật dùng ở trong Kinh A Mi Đà “Chư Phật sở hộ niệm Kinh”. Đúng không nè? Đọc Kinh có nhớ chỗ đó đúng không? Rồi mười phương Chư Phật hộ niệm cho những thiện nam tử, thiện nữ nhơn nào thọ trì đọc tụng Kinh này. Đúng không? Từ “Hộ Niệm” được chính Đức Phật lặp đi lặp lại không dưới 7 lần, trong 1 bộ Kinh A Mi Đà ngắn gọn như vậy, đủ thấy tính trọng yếu của từ Hộ Niệm.
Mình nghe được chư Phật hộ niệm cho mình là mình có niềm tin mạnh vô pháp môn Tịnh Độ liền, vì đây là pháp môn được 10 phương chư Phật hộ niệm. Là được mười phương Chư Phật hộ niệm. Cái Kinh này là “Chư Phật sở hộ niệm Kinh “. Vậy thì trước cái chữ “Hộ niệm” là gì? Có phải là Chư Phật đứng trước không? Chư Phật hộ niệm.
Vậy thì bây giờ mình lập ra ban Hộ niệm thì cái ban này toàn là Chư Phật không. Phải không? Hôm nay tui hộ niệm ca này. Hôm nay tui hộ niệm ca kia. Vậy mình vô tình không hiểu, không có nhận thức rõ ràng rồi mình đặt mình vào vị trí ngang với “Chư Phật”, tui hộ niệm. Thì các bạn thấy từ trong cái nhận thức và tư tưởng đó đã lệch hoàn toàn rồi.
Cho nên mới chạy đi lòng vòng xem cái chuyện này nó rất là quan trọng, rất là vĩ đại và mình cũng rất quan trọng, cũng rất là vĩ đại. Mình làm cái chuyện là giống như “Chư Phật”. Rồi ban này có thể tỷ lệ hộ niệm rất là cao 90%, khoảng nhiêu đó. Cái ban hộ niệm của mình đi hộ niệm thì tỉ lệ hộ niệm vãng sanh là rất cao. Sư huynh, sư tỉ này mà khai thị là bảo đảm ngon lành.
Cho nên các bạn nhìn rõ là mình không có đi theo bài bản. Nên biến cái phụ thành cái chính. Rồi mê trong đó, đắm chìm trong đó. Rồi tạo nghiệp luôn trong đó. Bây giờ mình đến nhà người ta mình trợ niệm cho người ta. Mình với gia đình người ta không quen không biết, đúng không? Mình nói cái này đi cho thực tế. Gia đình con không quen không biết với nhóm trợ niệm của Thiện Thịnh. Bây giờ mới gặp lần đầu tới nói chuyện. Nhưng mà tới lúc mà cái ban trợ niệm này rời đi. Con mất thiện cảm.
Chỉ cần một thành viên ở trong ban trợ niệm này làm cái chuyện gì đó không đúng như pháp thì mất thiện cảm. Thậm chí là còn áp đặt người nhà họ phải thế này, phải thế kia, phải thế nọ…cứng ngắc vô cùng. Thậm chí có trường hợp còn cãi lộn với nhà người ta nữa chứ! Giận dỗi các kiểu, bỏ về đùng đùng các kiểu. Thế thì người ta còn có ấn tượng gì về người niệm Phật và cái ban hộ niệm này?
Cho nên mình phải nhìn lại cho đúng cái Chánh Pháp mà người tu Tịnh độ cần phải nắm giữ, đó chính là gì? Trong Kinh Vô Lượng Thọ nói rõ: Tông chỉ tu hành của người tu Tịnh độ. Các bạn đều biết rồi “Phát Bồ Đề Tâm, nhất hướng chuyên niệm A MI ĐÀ PHẬT thánh hiệu nguyện sanh Cực Lạc”. Đúng không? Đây chính là pháp tu chính yếu của người tu Tịnh Độ.
Chứ đừng nên nâng cấp những thứ phụ cành lá lên, rồi nói đó là pháp tu làm cho những người ít học, người ta chưa có đủ độ sâu thâm nhập vào Kinh giáo. Người ta nghe người ta tin theo, người ta làm theo, người ta đánh mất đi cái pháp tu chính của họ, tội nghiệp cho họ. Mà người ta chạy theo cái gọi là Hộ Niệm một thời gian rồi người ta tự cho mình là chuyên gia đi Hộ Niệm.
Chúng ta từ trước đến giờ, các bạn nhìn vào thực tế. Có một tấm gương nào tự tại vãng sanh từ trong một Ban Hộ Niệm nào chưa? Hay chỉ là từ các cụ lão thật, ở nhà ôm chắc 1 câu Phật hiệu niệm đến cùng?Thì con nói ra đây để cho mình nhìn vấn đề này dưới một góc độ khác. Chứ con cũng không có phải là chê cái chuyện đi trợ niệm. Tổ không dám chê lấy chi con chê. Thực tế con thấy trợ niệm rất quan trọng, con cũng từng tham gia trợ niệm với bên nhóm của Thầy Hùng một thời gian, nhưng mình phải biết đó là phụ. Đã gọi là “trợ niệm” thì là phụ.
Ai tham gia được thì tham gia, không tham gia được thì cũng không sao. Đây gọi là trợ thôi. Mà thật ra đúng là nên như vậy. Cái chuyện trợ niệm nó rất là tùy duyên. Cho nên cái sự việc này, con nói thiệt đó! Càng về sau, có thể có nhiều cái mới lạ ở trong cái pháp mà mình đang tu đấy. Bây giờ mình nhìn lại xuyên suốt 13 đời vị Tổ Tịnh Độ Tông cho đến Tổ Ấn Quang cho đến Ân Sư. Nếu mà nói “trợ niệm là một Pháp tu ” thì không đợi đến mình đâu. Mà các Ngài đã hoằng dương rồi đúng không? Nhưng mà các Ngài không có làm chuyện đó. Các Ngài có khích lệ, có nói rõ tầm quan trọng của việc trợ niệm. Có!
Nhưng các Ngài không bao giờ nói đó là một Pháp tu. Từ Tổ thứ nhất Huệ Viễn cho đến Ấn Quang Đại Sư. Cho nên khi các bạn đối diện với những cái mới nghe, mới thấy ở trong cái đời sống tu tập của mình. Các bạn phải có sự cảnh giác cao độ. Đối chiếu cái mới đó với lại Kinh Điển mà mình đang được tu học xem coi có phù hợp hay không? Y PHÁP BẤT Y NHÂN, Y NGHĨA BẤT Y NGỮ. Chứ không có chạy theo phong trào, không có chạy theo số đông, vì số đông không phải lúc nào cũng đúng đâu.
Qua cái đợt Covid này mới thấy là cái chuyện trợ niệm không phát huy ra được. Đúng không? Đóng cổng rồi! Ai ở nhà đó. Bị covid một cái là đưa lên khu tập trung. Dính bệnh một cái mà tắt hơi là cuốn vô trong bịch nilon đi hỏa thiêu liền. Ai cho đi trợ niệm mà đi. Đã gọi là pháp tu của Như Lai truyền thừa thì phải là viên mãn. Chí cực viên mãn, không hề bị ảnh hưởng bởi thời gian và không gian. Mình nói nôm na là pháp môn Tịnh Độ là ở đâu niệm Phật cũng được. Đây là pháp tu.
Khi trong tâm bạn có câu Phật hiệu. Bạn gìn giữ được miên mật không gián đoạn, không hoài nghi, không xen tạp thì đây là pháp tu của bạn. Bạn mang câu Phật hiệu đó, bạn ở nhà niệm cũng được, bạn ra chợ niệm cũng được, bạn lên chùa niệm cũng được, bạn đến chỗ đông người niệm cũng được, bạn đến chỗ vắng người niệm Phật cũng được. Câu Phật hiệu không bị ảnh hưởng. Đây là pháp tu của mình đó.
Làm sao mình luyện ra cái chỗ đó đi. Thời gian không còn nhiều, luyện ra được cái chỗ đó. Thì con mới đăng cái bài mà Sư Ông Thích Trí Tịnh biết trước cái thời điểm vãng sanh. Các bạn nên đọc để biết cái công phu tu hành của một người chân tu Tịnh Độ để mình học theo. Ngài có thể nói là Tổ Sư cận đại của Tịnh độ Tông Việt Nam. Mình lên mình học Ngài đi, học những người đã thành tựu, chứ mình đừng có nghe lời người khác, người khác chưa thành tựu, mình học theo mình đi về đâu?
Thậm chí bây giờ các bạn đang tin con. Các bạn nghe con nói thì con có thể nói lúc này như thế này nhưng lúc khác con mà nói khác. Các bạn phải có tâm cảnh giác liền. Tại sao lúc trước Huynh nói như vậy bây giờ Huynh lại đi nói khác là thế nào? Ý Huynh muốn sao? Ý Huynh muốn gì? Nói đi, ý Huynh muốn gì? Ma đưa lối quỷ đưa đường hả? Muốn sao?
Đó! Mình phải có sự cảnh giác tới lúc đó. Chứ không phải cái chuyện là: Ừ! Mình mang ơn đức của Sư Huynh lớn quá. Con đã được thế này thế kia. Bây giờ Sư Huynh nói kiểu gì con cũng nghe hết. Kêu con làm gì con cũng làm. Không! Đừng có đi theo cái cách đó. Ổng đẩy mình vô địa ngục mình cũng đi hả? Đâu có tào lao vậy được. Ổng đi vô địa ngục là chuyện của ổng. Ổng kéo mình đi làm chi!
Hồi xưa ổng muốn đẩy mình lên Cực Lạc thì mình nghe nhận. Còn bây giờ ổng đẩy mình vô tam ác đạo. Thôi! Bái bai. Con sẽ độ Sư Huynh sau. Sau này con về Cực Lạc. Con nhất định con quay lại báo ơn Sư Huynh. Nhưng con không có đi theo cái con đường của Sư Huynh được. Đó! Đó là vẫn kính trọng nhưng mà tránh xa, viễn ly, tạm biệt, bái bai. Không buồn, không oán, không giận, không trách. Đúng!
Lại càng tin vào pháp môn này hơn. A! Trên lớp bắt đầu rơi rụng rồi. Cái ông sư huynh, ổng bỏ niệm Phật rồi. Cô Tịnh Duyên cũng bỏ niệm Phật, bỏ ăn chay. Cái bà Chúc Anh cũng bỏ. Thậm chí mà bây giờ Tỷ Diệu Thịnh mà còn bỏ nữa. Rồi thôi! Bây giờ các bạn lung lay hết luôn đúng không? Các bạn phải càng tin vô pháp môn này. Phật dạy quá chính xác Phật ơi!
Chính xác chỗ nào? Trong Kinh Đức Phật dạy là: “Nan tín chi pháp”. Pháp môn này là pháp môn khó tin. Làm thế nào biết được? Thời gian thử thách chính người tu Tịnh độ xem coi có giữ được câu Phật hiệu đến trọn đời hay không? À cái ông sư huynh này lúc năm còn bốn mươi mấy tuổi thì ổng tin dữ lắm, nhưng qua năm 60 thì ổng hết tin rồi. Phật nói quá đúng! “Nan tín chi pháp”. Đúng không? Nan tín chi pháp.
Cho nên cả thế giới này quay lưng với Tịnh độ chỉ còn có một cái người là phàm phu tục tử như con đây. Con vẫn hành trì theo. Tại vì Đức Phật nói quá đúng “Nan tín chi pháp”. Không có cái gì khó hơn cái chuyện là tin tưởng thọ trì pháp môn này. Vì đây là việc khó nhất trong những việc khó! Trong Kinh Vô Lượng Thọ, Đức Phật dạy mình chỗ đó. Nghe thấy là chấn động đó!
Bởi vậy mình thấy mình tin nó có vẻ dễ dễ hén. Nhưng mà hãy đợi đi! 30 chưa phải là Tết nghen! 30 chưa phải là Tết đâu. Bây giờ các bạn ngồi đây, các bạn còn ngoan ngoãn, các bạn còn niệm Phật các kiểu. Con nói sao các bạn cũng nghe, thúc đẩy các bạn niệm Phật kiểu gì các bạn cũng hoan hỷ hết. Nhưng mà chưa đâu, chưa ăn thua gì. Đợi tới phút 89 đi xem coi các bạn có quay đầu hay không nghen? Có quay đầu hay không?
Hay là lúc đó vẫn giữ được câu Phật hiệu. Tắt hơi rồi vẫn còn câu Phật hiệu trên miệng. Tay vẫn chấp trước ngực cung kính, miệng vẫn là chấp trì danh hiệu cho dù lúc đó thở không ra hơi. Nhưng mà mình nhìn vô mình biết người này đang niệm Phật. Đó là mình nói công phu người đó chưa đạt đến chỗ tự tại vãng sanh. Nhưng mà cái tín nguyện đã đầy đủ rồi. Nên là có chịu một chút xíu bệnh khổ ở lúc giai đoạn cuối phút 89 này. Nhưng mà cái kiên định là vẫn được cho nên vẫn được vãng sanh.
Tín nguyện lúc đó là đã vững vàng rồi. Nên các bạn phải cẩn thận với niềm tin của mình. Đừng có chủ quan nha! Không được chủ quan. Cũng không được khoe: Con tin Phật quá! Con niệm Phật cho nên bây giờ Phật gia trì cho con. Cho con thấy cái này, thấy cái kia, thấy cái nọ…Thấy được Ao Sen Thất Bảo. Khoe ra! Con niệm Phật mà sao con thấy quá chừng cái điều vi diệu. Coi chừng chết! Lạc vô “ngũ ấm ma”.
Cho nên trong quá trình tu học rất cần những thiện tri thức bên cạnh, khi mình chưa có đủ cứng cáp. Thì mình rất cần học hỏi từ các bậc thiện tri thức. Mình chia sẻ ra cái trải nghiệm của mình. Giống như con báo cáo hồi nãy đó! Như bạn Tịnh Duyên cũng như rất nhiều các bạn nữ trong đây là các bạn sống với ký ức của các bạn, nó còn đầy lắm. Mà nó không ngừng nó được đẩy vô rất nhiều những cái câu chuyện mới.
Có nhiều chuyện các bạn cũng không tiện kể lên trên lớp cũng không muốn làm phiền mọi người. Nhưng mà nó nặng, nặng ở trong tim của các bạn, ở trong đầu của các bạn. Các bạn chưa dứt ra được. Cho nên các bạn niệm Phật chưa đạt đến chỗ nhiếp tâm, tâm chưa chuyên nhất vào câu Phật hiệu, vì vẫn còn cái uẩn khúc ở trong đó. Những cái tư tưởng mà mình tích góp, mình chưa có chịu buông ra. Chắc đợi hốt hụi thêm mấy kỳ nữa hả?
Chờ hốt hụi chót, gom ra tính sổ luôn một lần cho nó gọn. Ở đây có ai chơi hụi chắc biết. Giờ cứ đóng hụi chết thôi! Ngày nào cũng đóng hụi. Đóng vô đóng vô! Chuyện nào cũng nhớ, nhớ chẳng khác gì đóng hụi chết vậy đó. Đóng vô đi, rồi đến cuối kỳ rồi hốt luôn. Lúc đó làm sao mà thấy Phật được.