BÁO CÁO TU HỌC TỪ LỚP HỌC ONLINE.
Việc Tu Hành Niệm Phật Càng Đơn Thuần Càng Dễ Thành Tựu: mình phải nhìn cho ra những sự mâu thuẫn này, rồi mình chặt đi để mình làm cho cái chuyện niệm Phật cầu sanh Cực Lạc của mình nó được thuần. Nó cần được đơn thuần. Chỉ có một cái tâm đó thôi. Cái chuyện tu hành của mình càng đơn thuần, càng chuyên nhất thì càng dễ thành tựu.
Qua cái bài của Liên Hạnh thì con thấy phản tỉnh được rõ ràng: “…Không có con đường thành công nào dành cho những kẻ lười biếng”. Nếu mình hiểu và làm tốt chỗ này thì cũng nên cảnh giác cái cảm xúc là mình rất ghét mấy cái đứa nào mà nó lười biếng. Tại vì mình siêng năng rồi thì mình sẽ không thích mấy cái bạn nào mà lười biếng.
Giống như một người mà ngăn nắp thì không thích những người xung quanh mà lôi thôi. Một người mà sạch sẽ lại không ưa những người xung quanh dơ bẩn. Các mẹ ở đây có lúc cũng cảm thấy khó chịu với sự lôi thôi, dơ bẩn hoặc là lười biếng của ông chồng mình đúng không? Nhưng nếu mình vượt qua được là mình thành công…
Cho nên trong mấy bài giảng của Ân Sư. Ngài có nói rõ là người nữ tại gia đời nay được vãng sanh số lượng đông nhất. Các bạn nữ trên lớp mình là chiếm đa số. Thì các bạn cũng nên lấy đó làm động lực. Nếu trong hoàn cảnh của các bạn là một người phụ nữ trong gia đình. Phải lo gánh vác nhiều thứ mà các bạn có thể đảm nhận được. Các bạn có thể bao dung được. Các bạn có thể cởi mở được.
Các bạn có thể làm được tất cả các việc mà người khác không chịu làm mà trong lòng không có mong cầu gọi là “Thi ân không cầu báo, cho người chớ hối tiếc”. Chứ không phải như kiểu con cũng hết lòng vì gia đình, hết lòng vì chồng con 10 năm nay. Thậm chí là 20 năm nay. Bây giờ thì lại ra như thế này, chồng con hay mọi người trong gia đình không có trân trọng những gì mà con làm trong suốt thời gian qua. Mẹ chồng cũng vậy, gia đình chồng cũng thế, trong khi con làm biết bao nhiêu chuyện. Con nhẫn biết bao nhiêu việc.
Cái đó mình gọi là “Thi ân có cầu báo, cho người có hối tiếc”. Cho nên tương lai bạn sẽ còn khổ dài dài. Lúc đó niệm Phật thì chỉ có than khổ thôi. Nên cái mặt niệm Phật buồn thiu à. Không có vui! Hổng bằng một người bình thường. Vì vậy các bạn nữ thích soi gương thì cũng nên tận dụng cái thời gian soi gương đó. Mình chiếu vô cái mặt của mình xem coi có nét vui tự nhiên không?
Nếu mà mình thấy cái mặt mình thường vui vẻ. Thì con cũng không cần biết các bạn tu như thế nào? Thời khóa ra làm sao? Nhưng cái mặt của các bạn tươi vui thì chứng tỏ là trong cái đời sống của mình. Mình buông xả những cái chấp trước, phân biệt của mình khá rõ ràng nên khuôn mặt cũng nhẹ nhàng, thư thái. Còn mặt mà buồn thì mình biết cũng buồn nhiều. Vì vậy các bạn nên tích cực mỉm cười. Cho dù hôm nay nghiệp nó có quật các bạn như thế nào, các bạn cũng cố gắng mỉm cười.
Tiếp theo đến phần báo cáo số 3 của bạn cũng cho mình một sự phản tỉnh là mình cần phải cảnh giác đối với các mối quan hệ của mình. Nếu mà mình có quan hệ rộng quá thì để ý cái chỗ đó. Vì với phàm phu sơ học như mình mà đi ra ngoài nhiều quá thì các bạn sẽ dính mắc đủ thứ, phiền não đủ thứ. Ngay cả cái chuyện mà các bạn muốn tịnh tu một ngày cũng không yên được. Đủ thứ chuyện nó sẽ tự nhiên nó đến.
Thậm chí cả bản thân mình. Mình tịnh tu nhưng mà mình có cái thói quen là gì? Là để cái điện thoại ở bên cạnh. Niệm Phật vậy chứ lâu lâu mà cái điện thoại nó tin tin tin…báo cái người này người kia nhắn ở trên zalo hay là ở đâu đó là bắt đầu mình liếc vô, thấy đúng chiến hữu là bắt đầu bật lên xem. Người ngoài thì không xem đâu mà chiến hữu, huynh đệ thì vô xem, xem coi coi bạn ý nói cái gì? Bạn ý hỏi mình cái gì đây?
Cho nên là các bạn cũng nên để ý đến sự dính mắc vào trong cái tư tưởng “các Huynh Đệ cùng chí hướng” nghen! Bạn Liên Hạnh dùng cái từ “Huynh Đệ cùng chí hướng”. Con xin đưa ra ví dụ:
Thí dụ như cô Tịnh Duyên, cổ có nhiều bạn chí cốt lắm. Trên bước đường tu ai cũng có vài người, trong cuộc sống cũng có vài bạn thân chí cốt. Nên mình để ý đến cái luyến ái của mình đối với cái đối tượng đó.
Nhiều khi mình gặp các bạn chí cốt thân tình đó mình nói nhiều. Tại vì mình hợp với người đó, nên mình nói chuyện tía lia à. Thì thật ra là mình cùng người đó đi vào trong luân hồi, nói nhiều là luân hồi. Nói nhiều chứng tỏ là không có tu gì cả. Người nói nhiều là không có tu hành. Người tu hành là không có nói nhiều. Cho nên nói nhiều thật ra là tà pháp chứ không phải chánh pháp. Nói nhiều là thị phi.
Nhưng mà nhiều khi các bạn nói kiểu: Bây giờ con chỉ có mấy người bạn thôi, là đã giảm bớt rất nhiều rồi. Mấy người này là bạn đạo chí cốt của con. Cho nên hễ gặp mấy bạn đạo cùng chung chí hướng này ráp vô là nói nhiều. Là nói những chuyện trên trời dưới biển. Trong đạo cũng nói rồi ngoài đạo cũng nói, rồi chuyện ngoài chợ cũng nói. Chuyện gì cũng biết rồi cái gì cũng nói hết. Làm cho mình đánh mất CHÁNH NIỆM ở trong việc chấp trì câu Phật hiệu.
Cho nên chỗ này các bạn tuyệt đối phải cảnh giác chứ không có xem thường được đâu. Huynh Đệ Tỷ Muội muốn thành tựu cho nhau. Muốn đẩy nhau về Tây Phương Cực Lạc thì luôn luôn tự mình nhắc nhở, khi mình tiếp xúc với nhau tuyệt đối giữ gìn cho nhau cái thời gian để cho họ niệm Phật, để cho họ nghe pháp. Chứ đừng có tăng trưởng thêm những thứ linh tinh khác. Cái gì cần làm là làm, cần nói là nói, xong rồi đi về.
Bởi vậy Thầy Thái mới dạy chúng ta là gì? QUÂN TỬ ĐỐI VỚI NHAU NHẠT NHƯ NƯỚC. Đúng không ạ? TIỂU NHÂN ĐỐI VỚI NHAU NGỌT NHƯ ĐƯỜNG. Nhiều khi mình làm tiểu nhân mà mình không biết chứ! Mình cứ ngọt ngào đối với nhau nên gọi là Cư sĩ sợ cư sĩ. Vì chỉ có cư sĩ hại cư sĩ thôi, chỉ có Huynh Đệ Tỷ Muội hại nhau thôi. Mấy người cùng chung chí hướng này hại nhau nè. Làm cản trở cái chuyện tu hành của nhau. Nhiếp tâm niệm Phật là bắt đầu ra cái hình bóng của Huynh Đệ Tỷ Muội này không!
Bây giờ cái ái con dẹp bỏ. Giờ chồng con con cũng không xem trọng gì hết trơn đó. Nhưng mà Huynh Đệ Tỷ Muội chí cốt với con thì con nhất định phải có. Thầy ơi! Bây giờ là con tu thì phải có Thầy, phải có bạn hiền này nọ. Con phải có phe nhóm của con chứ, để khích lệ tinh thần tu tập của con lên. Nhưng mà các bạn xem lại đi. Các bạn khích lệ kiểu gì? Gặp nhau nói chuyện gì? Rồi các bạn có bao giờ khích lệ nhau: Ủa! Tới giờ niệm Phật rồi đó. Niệm Phật đi! Hôm nay Muội niệm được mấy ngàn rồi? Sáng giờ cam kết là một ngày niệm bao nhiêu tiếng? Giờ niệm được bao nhiêu rồi? Thôi về nha!
Hổng nói nữa. Lạnh lùng liền. Thôi về! Nói chuyện vậy là quá nhiều rồi. Thôi nghỉ!
Rồi làm sao đến cái chỗ gặp nhau chỉ nói chuyện đạo, không nói chuyện đời. À! Hôm nay làm báo cáo có cái chỗ này gút mắc hỏi Sư Tỷ chút. Sư Tỷ cho em ý kiến là cái chỗ này nên hiểu như thế nào? Đó! Đó là nói chuyện đạo. Chứ còn cái chuyện đời thì thôi. Chuyện trên trời dưới biển nó làm cho mình luân hồi không biết là bao nhiêu kiếp rồi. Cái duyên của mình nó phải như vậy thì nhiều khi mình cũng phải như vậy. Nhưng mà mình phải biết cái ngưỡng tới đó là ngừng không thể nào kéo dài hơn được.
Giống như Tổ Huệ Viễn ngày xưa cũng gặp những bạn cùng chung chí hướng, lâu ngày không gặp. Mời lên núi, gặp nhau nói chuyện đạo rất tâm đắc, đi tới cái cầu đó. Cái cầu mà Ngài đã nguyện không bao giờ bước qua cái cầu đó. Thì đó! Thì các bạn cũng đã xem rồi đó. Nói chuyện rôm rôm rả rả mà nói chuyện đạo đó nha. Tâm đắc về đạo đó mà mê trong cái vụ đó. Bước tới giữa cầu mới giật mình. Ánh nắng buổi chiều chiếu xuống mới giật mình là mình đã bước lên giữa cái cầu đó rồi, thì cả 2 bên đều cười rồi sau đó chào tạm biệt nhau.
Tổ mà còn như vậy, còn mình bây giờ cách xa Tổ. Cái điện thoại sát bên cạnh sườn. Internet sẵn đó, zalo sẵn đó. Bụp một cái bây giờ là kết nối chiến hữu liền. Nhanh lắm! Cần gì phải lên núi, cần gì phải qua cầu. Qua zalo đủ rồi! Là phá hết công phu niệm Phật của các bạn. Con nói thiệt luôn! Cho nên các bạn để ý đi! Cái miệng của mình là cái miệng để niệm Phật. Chứ không phải cái miệng của mình là cái miệng để đi Ta Bà nữa. Đi Ta Bà riết nó vui cái miệng quen rồi. Bây giờ bớt cái vui đó lại thì thấy khổ thiệt đó.
Nhưng mà đó là chuyện nên làm. Bây giờ phải bớt đi. Bớt cái miệng, bớt cái mắt xem cái này xem cái kia. Nói cái này nói cái nọ. Nghe cái này nghe cái kia. Những cái mình mắt thấy tai nghe miệng nói đều là tạo nghiệp luân hồi hết. Cái mình nghe chưa phải là Giác. Cái mình thấy cũng không phải là Giác mà là mê. Rồi cái mình nói ra cũng là Mê. Tại vì tâm mình chưa đạt đến chỗ thanh tịnh. Cho nên mình phóng tâm ra bên ngoài nhiều lắm. Bây giờ giai đoạn này là mình cần ưu tiên thu nhiếp các căn thức của mình lại.
Tai nè, mắt nè, mũi miệng nè…Nói chung đại khái thân khẩu ý nhiếp vô câu Phật hiệu. Bây giờ có thương nhau có mến nhau thì làm gì? ĐỂ YÊN CHO NHAU TU HÀNH. Đây mới là thương nhau thật sự. Đây mới là bạn cùng chí hướng nè! Chứ qua rủ đi ăn, là không cùng chí hướng. Qua rủ đi chùa này chùa kia thậm chí cũng không phải cùng chí hướng luôn. Vì đi là bắt đầu nói chuyện tào lao, nói đủ thứ chuyện! Vậy đi chùa để làm cái gì? Cầu cái gì trên đó?
Làm sao bằng cái chuyện mà các bạn ngồi ở nhà các bạn niệm Phật. Vì ra ngoài là tâm loạn liền. Đó là điều chắc chắn! Có niệm Phật nhưng mà lực niệm Phật rất yếu. Chẳng qua là chống chế thôi. Niệm cho có để đỡ phải bức rức. À! Thì con đi ra ngoài con cũng có bấm máy niệm Phật. Con cũng có ấn ấn rồi con cũng có niệm. Nhưng mà có nhiếp tâm đâu. Quan trọng cái chuyện niệm Phật là cần nhiếp tâm. Một ngày thời gian của mình phải có cái khung thời gian để mình nhiếp tâm vào câu Phật hiệu. Nhiếp tâm vào cái chuyện nghe pháp. Các bạn đọc bài 10 lần chẳng qua cũng chỉ để nhiếp tâm. Rồi tập trung làm báo cáo cũng chẳng qua là để nhiếp tâm. Tập cái chuyện nhiếp tâm. Đó là sự tập trung.
Còn bây giờ mình đi ra ngoài mình không có tập trung. Mình ôm cái điện thoại là mình không có tập trung. Hay nói cách khác, mình tập trung tạo nghiệp luân hồi. Cho nên đến một thời điểm nào đó mà mình muốn niệm Phật đạt đến chỗ thành tựu. Các bạn sẽ không dám đụng tới cái điện thoại. Vì các biết đụng vô cái điện thoại là các bạn sẽ đánh mất công phu niệm Phật. Và các bạn cảm thấy là cái chuyện này không thể đánh đổi. Nhưng bây giờ là mình vẫn đánh đổi vì rất nhiều lý do A B C. Trong đó có những lý do mình nghĩ là chánh đáng.
Nhưng con nói một điều thôi: CÁC BẠN LÀM TẤT CẢ CÁC VIỆC TRÊN THẾ GIAN NÀY MÀ CÁC BẠN ĐỀU THẤY ĐÚNG. VÀ MỌI NGƯỜI ĐỀU CÔNG NHẬN LÀ ĐÚNG. CẢ THẾ GIỚI NÀY CÔNG NHẬN BẠN LÀ ĐÚNG. CÔNG NHẬN THÀNH TỰU CỦA BẠN NHƯNG BẠN KHÔNG VÃNG SANH THÌ BẠN SAI RỒI. Các bạn nghĩ kỹ chỗ đó nha!
Các bạn làm chuyện đúng đắn hết cả cuộc đời của các bạn. Không chỉ mọi người công nhận, cả thế giới công nhận. Thậm chí lịch sử công nhận nhưng các bạn không vãng sanh là các bạn sai rồi. Nếu mình thừa nhận cái chuyện đó. Thì mình có thiện căn, còn có thể cứu được. Cho nên đúng kiểu gì mà không vãng sanh thì là sai, là sai lầm nghiêm trọng. Biết bao nhiêu kiếp mới có cơ hội này chứ. Đâu phải qua một kiếp là có, qua một kiếp là gặp Ân Sư đâu. Qua một kiếp là gặp Tịnh Độ đâu. Qua một kiếp là có thân người đâu?
Các bạn thấy đó! Tu hành có những vị thị hiện cho mình “xuất gia” rồi. Mà chỉ vì không hài lòng cái việc người ta cúng dường cho mình thức ăn thôi. Là một vị Pháp Sư giảng Kinh, phước đức lớn. Bố thí cúng dường, đi giảng Kinh thuyết Pháp rồi đi khất thực. Ngài thấy cơm ăn không được vừa ý thì sanh khởi cái tâm không vui, bực bội, không hài lòng. Thì Ngài An Thế Cao, Ngài nhìn cái vị Sư Đệ này. Ngài biết rồi mà khuyên mấy lần không được. Mà Ngài An Thế Cao là Ngài đã tu tới chỗ đắc đạo, cho nên trước khi mà Ngài tạm biệt thì Ngài nói với cái vị Sư Đệ của mình: Thôi. Gắng thay đổi cái đó! Mà ông không thay đổi được rồi. Thôi đợi sau này tương lai có gì tui thành tựu rồi tui độ ông chứ bây giờ hết cách.
Mà người ta chỉ có một cái niệm là không hài lòng vậy thôi đó. Mình bây giờ mình có biết bao nhiêu ý niệm không hài lòng đối với đời, đối với đạo, đối với người này, đối với người kia, đối với chồng, đối với con, đối với Cha Mẹ? Biết bao nhiêu thứ mình không hài lòng. Biết bao nhiêu thứ bằng mặt mà không bằng lòng. Nó hiện lên hết ở trên cái khuôn mặt của mình. Nó hiện lên hết ở trong cái ánh mắt của mình.
Rồi cái phước đức của mình nó có bằng vị xuất gia kia không? Đâu có bằng một góc của Ngài. Ngài tu hành, Ngài giữ giới rất tốt. Chỉ có thiếu sót cái chỗ đó thôi là đời sau Ngài đọa vào làm thân một con rắn lớn ở Động Đình Hồ. Còn tu hành kiểu như mình bây giờ thì kiếp sau mình đọa xuống làm con gì? Nếu mình không vãng sanh? Có được con rắn lớn không? Hay là con tôm, con tép? Hay là ngạ quỷ? Hay xuống địa ngục?
Cho nên các bạn cứ nghĩ mình đúng đi rồi đánh mất phần vãng sanh là vô cùng sai lầm. Phải chiêm nghiệm lại cái chỗ đó để đừng có dễ dãi với cái chuyện đúng của mình nữa. Thấy đúng rồi bắt đầu chân bước ra khỏi nhà. Thấy đúng là bắt đầu miệng nói. Thấy đúng là bắt đầu là làm cái này, làm cái kia mà không chịu niệm Phật. Đó là CÁI CHẾT của mình. Cái chết được báo trước. Vì vậy, Thầy Lý Bỉnh Nam nhắc nhở cảnh tỉnh rất nhiều lần: Mười ngàn người niệm Phật chỉ vài ba người vãng sanh thôi.
Vài ba người vãng sanh này, họ không còn tin vào cái thấy biết của mình mà họ tin vào Đức Phật A Mi Đà. Họ tin vào câu Phật hiệu. Còn mình bây giờ mình vẫn còn là gì? Tin vào cái thấy, cái nghe, cái suy nghĩ của mình là đúng. Cái lời nói của mình là đúng, cái hành động của mình là đúng. Cũng tin Đức Phật A Mi Đà, cũng tin đó chứ! Nhưng mà cái tin đó so với cái tin vào thấy biết của mình nó còn kém lắm. Không bằng!
Cho nên nghiệp mà nó tới thì mình phải bị khuất phục thôi. Bạn tới rủ đi là đi thôi. Đơn hàng tới là phải giao thôi không còn cách chi khác. Không giao thì đánh mất tín nghĩa. Hôm nay được học tín nghĩa rồi. Quan trọng lắm! Cho nên đánh mất tín nghĩa thì còn mặt mũi nào sống trên đời với các Huynh Đệ Tỷ Muội. Mọi người xung quanh sẽ nói mình sao. Sĩ diện lắm! Tín nghĩa cũng chẳng qua là sĩ diện thôi.
Bây giờ bỏ cái sĩ diện đi thì cái tín nghĩa đó mình sẽ cân nhắc, giữa cái tín nhỏ với lại cái tín lớn. Thì mình sẽ buông cái tín nhỏ và mình nắm cái tín lớn. Phải không? Từ chối những cái chuyện với các bạn cùng chung chí hướng, chí cốt gì đi. Thí dụ Tết này đi đâu? Đi 10 cảnh chùa, đi thăm Thầy này, đi thăm Thầy kia, đi thăm Thầy nọ…Đi một vòng vậy đó! Bây giờ làm sao các bạn nói: Không đi! Đừng có ai gọi cho con. Con từ chối đầu năm đừng nói sao xui. Con không đi! Con báo trước. 3 mùng Tết là con dành cho bên nội bên ngoại. Xong hết rồi là con vô con tịnh tu. Đừng có ai liên lạc gì với con. Từ mùng 4 tới mùng 10, bảy ngày này con tịnh tu và học lớp online thôi.
Không có đi đâu hết! Không ra khỏi nhà. Đừng có ai rủ rê. Một chùa cũng không đi, chứ đừng có nói tới 10 chùa. Chùa của con ở đâu? Chùa của con ở Tây Phương Cực Lạc đó. Con muốn lên chùa đó lắm đó. Mà con đường về Tây Phương Cực Lạc chỉ có chấp trì danh hiệu A Mi Đà Phật thôi. Bây giờ mình đi ra ngoài là mình mất đi cái chuyện chấp trì danh hiệu rồi. Không có đủ độ chuyên tâm rồi. Mà chỗ này là nói cho mình thôi nhen, còn người ta đi Chùa thì là chuyện của họ, mình tùy hỷ.
Cho nên có lúc mình cũng phải làm cho người khác thất vọng. Thì cái người nào hiểu mình thật sự đó. Tôn trọng mình để cho mình niệm Phật, đó mới thật sự là người chung chí hướng. Chứ còn cái người mà thích tám chuyện với mình thì đó là người gì? Nếu nói lời khó nghe thì là ác tri thức. Ác tri thức ẩn dưới cái bộ mặt Thiện tri thức. Ẩn dưới cái bộ mặt là đồng đạo chí cốt, tình nghĩa các kiểu, toàn là luân hồi thôi. Các bạn vứt qua một bên đi. Vứt cái tâm đó đi chứ đừng có vứt người đó. Người ta là Phật đó.
Không được phép xem thường họ, nhưng mà mình cần nói rõ cái quan điểm. Bây giờ tới cái giai đoạn này rồi. Tỷ hay Muội nên thay đổi đi. Mình cũng khuyên nhủ vậy. Nếu được thì thay đổi như vậy đi. Chị em mình hạn chế nói chuyện, hạn chế gặp nhau, hạn chế Ta Bà. Có gặp khuyến tấn nhau trên zalo chỉ khuyến tấn là: Thôi! Chị gắng niệm Phật đi. Hôm nay chị niệm bao nhiêu rồi? Hôm nay chị nghe pháp nào? Chị thấy có ý nghĩa hay chị có câu hỏi gì không? Thí dụ vậy! Gặp nhau chỉ có luận Chánh pháp.
Còn mấy cái chuyện ở đời thì: Thôi! Nói nhiều rồi. Cũng nên chán đi là vừa. Các bạn không chán thì các bạn sẽ nói tiếp. Không chán Ta Bà thì lấy cái chi mà nói đến chuyện cầu sanh Cực Lạc? Vẫn còn thích Ta Bà. Ta Bà không phải nằm ở ngoài. Nằm ở cái miệng của mình. Cho nên cái miệng này không nói Ta Bà nữa, mà cái miệng này chỉ để niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng chí tâm.
Thí dụ bạn Tịnh Khiết qua đặt hàng bạn Tịnh Duyên, đặt 10 triệu tiền hàng. Đặt qua lấy hàng xong rồi về chứ hổng có nói năng gì. Về chỉ dặn có một câu: Thôi! Tỷ Tịnh Duyên gắng niệm Phật nghen! Nghe lời Thầy Tổ gắng niệm Phật đi. Vĩnh biệt! Ý lộn tạm biệt.
Cho nên làm thế nào để biết một người cùng chung chí hướng với mình. Thật sự ra bản thân mình phải có cái chí hướng rõ ràng. Khi mình còn quá sức là Ta Bà Ha mà mình nói mình nguyện sanh Cực Lạc. Mình nói mình muốn vãng sanh thì thật ra cái chí hướng đó không phải. Mình chưa có xác lập được đâu. Mình vẫn còn đứng 2 hàng, 2 chân 2 xuồng. Một chân thì nguyện sanh Cực Lạc, một chân thì đứng trên cái xuồng đủ thứ hoạt động náo nhiệt ở đây. 2 xuồng nó đi 2 chiều khác nhau nha!
Bạn đứng trên đó mà bạn không rớt xuống sông thì con cũng khen bạn siêu à. Có nghĩa là mỗi ngày mình đang làm xiếc. Có một số thứ mình vẫn yêu thích ở đây, yêu thích người và sự vật. Còn mặt khác thì mình cũng chịu niệm Phật này nọ, nghe pháp các kiểu. Nhưng mà 2 cái này thật ra nó đang mâu thuẫn nhau đó. Nên mình phải nhìn cho ra những sự mâu thuẫn này, rồi mình chặt đi để mình làm cho cái chuyện niệm Phật cầu sanh Cực Lạc của mình nó được thuần. Nó cần được đơn thuần. Chỉ có một cái tâm đó thôi. Cái chuyện tu hành của mình càng đơn thuần, càng chuyên nhất thì càng dễ thành tựu.