BÁO CÁO TU HỌC TỪ LỚP HỌC ONLINE.
Hiểu Rõ Hơn Về Tùy Hỷ Công Đức: Khi nói đến “công đức” là giúp siêu việt ra khỏi sanh tử luân hồi. Các bạn chú ý chỗ đó. Chứ còn cái định ở trong ” Tứ thiền bát định ” của thế gian không phải công đức. Cho nên Sơ Thiền, Nhị Thiền, Tam Thiền, Tứ Thiền chưa phải công đức. Đạt tới mức Cửu Định của A La Hán thì mới gọi là có công đức.
Cho nên Công Đức là vô hình vô ảnh, không có hình tướng. Ngày xưa Ngài Đạt Ma được vua Lương Võ Đế hỏi: Trẫm phụng sự cúng dường Tam Bảo, xây dựng Chùa rồi độ cho Chư Tăng rất nhiều. Mấy trăm Tự Viện, mấy ngàn Chư Tăng thì công đức của trẫm bao lớn? Tổ Đạt Ma trả lời: Không có công đức gì cả.
Có nghĩa là hễ mà dính tướng thì không thể gọi là Công Đức được. Cho nên trong Thiền Định mà dính tướng thì không thể gọi là Công Đức. Còn có ngã chấp thì cũng chưa thể nào có được Công Đức. Cho nên trong cách nói Tùy Hỷ Công Đức này, mặc dù nói ra từng chữ là có 4 chữ rõ ràng “Tùy Hỷ Công Đức”. Nhưng mình cần nhìn rõ: Tùy hỷ là cái mình có thể cảm nhận được. Nhưng mà còn Công Đức là phần chìm, không có hình, không có tướng, cho nên không thể tùy tiện nói Công Đức ngoài miệng được.
À! Chỗ này mình chú ý nha. Tại vì mình hay quen nói: Tùy Hỷ Công Đức. Tùy hỷ công đức phóng sanh của bạn nhé. Không phải! Phóng sanh để ra được Công Đức thì phải phá được 4 tướng. Mà bây giờ mình phóng sanh phá được 4 tướng không? Chưa phá nổi, có ý phá 4 tướng cũng chẳng thể được. Mình phóng sanh mà nội lên kế hoạch thôi là đã dính tướng rồi.
Tướng nhân, tướng ngã, tướng chúng sanh, tướng thọ giả trước khi phóng sanh, trong lúc phóng sanh và sau khi phóng sanh đều đầy đủ. Vậy thì làm gì có Công Đức mà tùy hỷ? Cho nên mình phải hiểu cho sâu ý nghĩa của Công Đức. Công Đức là mỗi người tự mình tu tập ra được cái Công Đức đó. Không có chia sẻ cho ai được hết. Phật cũng không chia sẻ công đức của Phật cho mình. Phước thì có thể chia nhưng mà Công Đức thì không. Ai tu nấy chứng à.
Bây giờ một vị tu chứng tới thánh quả A La Hán thì có đưa cái công đức A La Hán đó đưa qua cho mình thì mình có xài được không? Không! Mình vẫn là phàm phu thôi. Giờ đưa cái bằng chứng nhận A La Hán cho mình, gắn lên người mình thì mình vẫn là phàm phu. Cho nên Công Đức là mình phải tự tu. Tu chứng ra được cái tâm thanh tịnh, thì mình có Công Đức, như chỗ Lục Tổ tự Ngài tu rồi đạt đến chỗ thực chứng, nên Ngài báo cáo chỗ giác ngộ của mình: “Nào ngờ tự tánh vốn dĩ thanh tịnh”.
Trên bước đường tu tập, ít nhất phải đạt đến quả vị là Tu Đà Hoàn, là mình đã sanh ra một phần công đức rồi. Cho nên cái công đức về cá nhân mình đó chính là sự thành tựu của bản thân mình, giúp mình siêu thoát được luân hồi. Còn nói về Công Đức cho chúng sanh, đó là phải mang lại lợi ích lâu dài giúp cho chúng sanh trồng được cái nhân giải thoát.
Giống như trong phẩm thứ 3 Đại Giáo Duyên Khởi trong Kinh Vô Lượng Thọ. Khi Ngài A Nan quan sát thấy Đức Phật oai quang rạng rỡ như ánh vàng ròng, hiện đại quang minh trăm ngàn sắc tướng vô cùng là hy hữu. Trước giờ chưa bao giờ thấy Đức Thế Tôn như vậy. Sau đó Ngài A Nan mới tán thán và cuối cùng là hỏi Đức Thế Tôn:
Thế Tôn vì nhớ Chư Phật quá khứ, Chư Phật vị lai hay nhớ Chư Phật hiện tại phương khác mà có oai thần hiển diệu thù đặc đến vậy. Xin Đức Thế Tôn từ bi chỉ dạy. Đây là câu hỏi của Ngài A Nan. Nhờ câu hỏi này chúng ta có Kinh Vô Lượng Thọ. Đây là công đức chân thật. Rồi chúng sanh đời sau nhờ đọc tụng thọ trì Kinh Vô Lượng Thọ được giải thoát không? Được! Đây là công đức chân thật. Cho nên câu hỏi của Ngài A Nan tạo ra công đức chân thật. Nên là Đức Thế Tôn mới tán thán Ngài A Nan:
Lành thay, Lành thay! Ông vì thương xót lợi lạc chúng sanh mới hỏi nghĩa lý vi diệu như vậy. Nay vì ông hỏi công đức thù thắng hơn việc cúng dường chư vị La Hán cùng Bích Chi Phật trong một thiên hạ. Trên cả vạn lần bố thí nhiều kiếp chư Thiên nhân loại cho đến các loài bò bay máy cựa. Tại vì sao vậy? Vì trong tương lai chư Thiên nhân loại, tất cả hàm linh đều nhân lời hỏi của ông mà được độ thoát.
Đó là công đức. Hỏi có một câu thôi mà ra cái công đức lớn lao như vậy. Vì nhờ đó mà Chánh pháp Như Lai được hoằng truyền đến thời điểm ngày nay. Chúng ta có được Bộ Kinh Vô Lượng Thọ để thọ trì, đọc tụng, vì người diễn nói.
Rồi lại tiếp tục sau này, tất cả các Kinh diệt hết chỉ còn bộ Kinh này được lưu truyền thêm 100 năm. Thì có phải là công đức lớn lao không? Đó! Cho nên là công đức phải đạt đến chỗ sâu xa như vậy, rộng lớn như vậy. Thì mới gọi là có công đức. Mà thậm chí là công đức này Ngài A Nan cũng không thể nghĩ mà tưởng tượng hình dung ra được. Đức Phật Ngài nhìn thấu được. Chứ lúc đặt câu hỏi Ngài A Nan đứng ở vị trí của Ngài, đóng cái vai diễn là một người học trò thì hỏi, nhưng không nghĩ ra là được cái công đức lớn như vậy.
Còn có suy nghĩ thì không có công đức, vì suy nghĩ thuộc về ý thức. Ý thức là luân hồi, mà công đức thì không có dính dáng gì đến luân hồi. Công đức là phải siêu việt luân hồi. Mà đã kẹt trong suy nghĩ rồi thì cái đó không phải là công đức. Cho nên là Tổ Đạt Ma mới nói: Không! Bệ hạ không có công đức gì cả. Vua Lương Võ Đế nghe vậy chịu hổng nổi. Trước giờ nghe lời khen quen rồi, bây giờ gặp Tổ. Tổ phán cho một câu như tạt gáo nước lạnh vô mặt. Cho nên lạnh nhạt không tiếp nữa. Tổ phải ra đi. Không có người hộ pháp. Lên núi Thiếu Lâm quay mặt vào vách 9 năm để đợi thời điểm chín muồi. Chờ Ngài Huệ Khả xuất hiện.
Cho nên Công Đức không phải là cái chỗ mình nói trên miệng được. Từ rày về sau các bạn trên lớp mình khi nói tùy hỷ thì ngưng được rồi. Ví dụ: “Con tùy hỷ với việc phóng sanh của Sư Muội”. Con tùy hỷ với việc này việc kia, của người này người nọ. Tới Tùy Hỷ thôi. Còn Công Đức thì để cho tự nhiên. Công đức tự sanh ra, chứ không phải từ cái miệng của phàm phu mình mà sanh ra được. Khi nào cái miệng của mình là miệng của Phật thì được. Phật nói lời nào là ra công đức lớn, vì lời Phật nói là Kinh. Mà Kinh thì giúp cho chúng sanh giác ngộ, giúp cho chúng sanh giải thoát.
Cho nên khi nào mình làm Phật hoặc là chí ít mình cũng phải ra khỏi luân hồi hoặc chứng thánh quả thì mới gọi là có Công Đức. Cho nên để đạt đến Công Đức khó lắm! Nhưng riêng pháp môn Tịnh Độ này thì Đức Phật dạy mình chỉ tập trung vào Tín Nguyện Hạnh thôi.
Mặc dù Ân Sư giảng nói là mình cần phải buông bỏ rất nhiều sự dính mắc để ra được tâm thanh tịnh. Rồi nhấn mạnh là “Tâm Tịnh thì cõi nước Tịnh”. Nhưng mà chân thật là pháp môn này nếu vẫn còn chấp trước, chỉ có chấp trước vào trong danh hiệu của Đức Phật A Mi Đà thì cũng được giải thoát rồi. Còn mấy cái thứ ở trên thế gian đừng có chấp trước. Đừng có phân biệt, mình gọi là Sao Cũng Được đó.
Mà chỉ cần Tín Nguyện Chấp Trì Danh Hiệu A Mi Đà Phật cầu sanh Cực Lạc, đến khi mình đầy đủ thiện căn, phước đức, nhân duyên thì mình được sanh về cõi kia. Cho nên cái này phàm phu mình làm được. Chứ bây giờ mà Đức Phật nói: Bây giờ chẳng thể dùng chút ít công đức mà được sanh về cõi đó thì quá khó rồi. Là pháp môn này rất khó đây. Nhưng mà quả thật đại nguyện của Đức Phật A Mi Đà thì không thể nghĩ bàn.
Đối với phàm phu niệm Phật, Ngài vẫn tiếp dẫn. Cho nên quan trọng là ở chỗ là: Nhiều thiện căn, phước đức, nhân duyên là được rồi. Cho nên trên Cực Lạc có cõi Phàm Thánh đồng cư. Là chỗ cho những người phàm ở mười phương Thế giới vãng sanh về. Ở đó cũng có các bậc Thanh Văn, Bồ Tát nên gọi là Phàm Thánh đồng cư, cùng học ở đó.
Dạ! Cho nên hôm nay con muốn làm rõ với các bạn cái chỗ Công Đức này.
Đối với cái tâm đố kỵ của mình, để mà diệt trừ tâm đố kỵ thì mình nên tùy hỷ. Tùy hỷ với đức hạnh của người khác, với cái tâm thiện lành của người ta, với việc thiện của người ta. Chứ tuyệt đối không phải tùy hỷ với cái nhan sắc bề ngoài: Con bé đó xinh quá! Con nhà ai mà khéo đẻ. Nó xinh thế không biết. Thì không được! Cái đó là mình không nên tùy hỷ, không nên khen. Tùy hỷ phải đi vào trong đúng cái tâm thiện của họ. Giúp cho họ phát huy cái tâm thiện họ thêm nữa.
Ồ! Hôm nay con biết nấu cơm cho Mẹ nữa à. Con giỏi quá! Biết phụ Mẹ như vậy được rất tốt. Con tiếp tục phát huy nha. Thì trong lời khen của mình nó có cái sự động viên, khích lệ mà đứa bé nó hiểu. Chứ còn nhiều lúc con nói mình học Phật pháp rồi nhiều khi mình cứ máy móc.
Cứ nói tùy hỷ, người ta nghe người ta hổng hiểu. Ủa! Tùy hỷ là cái gì? Rồi thêm chữ Công Đức vô sau lại càng rối nữa. Cũng không biết cái gì là Công Đức hoặc bắt đầu người này người kia tự hiểu công đức theo ý của mình rồi bắt đầu mới nói cho người này người kia nghe, khiến nhiều người hiểu sai hết à. Cứ tưởng “Tùy Hỷ Công Đức” dễ ẹc à. Có gì đâu! Miễn mình cứ nói tùy hỷ công đức là được Công Đức chứ gì. Người ta có được một phần công đức. Mình cũng có được một phần công đức.
Cho nên mình lanh chanh bộp chộp, mình thấy ai đó làm được chuyện tốt thì mình nói kiểu: Cho Muội tùy hỷ công đức của Tỷ nha. Vậy có phải là mình tham không? Canh canh coi ai làm gì tốt cái mình lanh mồm lẹ miệng tùy hỷ công đức liền. Để cho mình khỏi thiếu phần công đức, chứ đâu xuất phát từ tâm chân thành đâu?
Cho nên trong cách nói của mình, không chỉ là mình hiểu rất là cạn, mà nó có lẫn khuất cái sự tham lam của mình trong đó. Nói rõ là mình chưa có sự học tập đủ độ sâu, để mình hiểu đúng cái từ mình nói. Vì vậy các bạn phải cẩn thận với những cái danh từ Phật học mà các bạn được tiếp nhận từ trong bài giảng của Ân Sư cũng như là của Thầy Thái. Như Là Xưng tán Như Lai.
Đấy! Nghe là đậm mùi Phật giáo hỉ? Nhưng không có phổ biến với cuộc sống hiện đại ngày nay, thì mình nên đổi cách nói khác để mọi người dễ dàng hiểu được chính xác hơn. “Xưng tán” là khen ngợi. Khen ngợi thì dễ hiểu hơn. Thầy Thái đã dạy rất kỹ cái chỗ đó trong Đệ Tử Quy rồi, con không có nhắc lại nữa. Mình cần khen cho đúng lúc, đúng việc, làm sao để cho người ta không có khởi cái tâm ngạo mạn lên. Vậy thì mình nên khen, còn không thì thôi.
Thấy người này được khen nhiều quá rồi, mình không cần thiết phải khen. Cho nên trên lớp học của mình là mình sẽ không có chú trọng đến chuyện khen nhau. Lặp đi lặp lại với các bạn là vậy. Các bạn đừng có mong đợi là con sẽ khen các bạn nhiều hoặc là các bạn khác khen mình.
Cho nên con hy vọng là khi con nói là: Mời một bạn nào đó góp ý cho bài báo cáo của bạn A, bạn B thì mình tập trung mình góp ý mang tính chất xây dựng. Phê bình cũng được, chứ không có khen. Không cần phải khen trước, rồi mới phê bình sau. Không! Cứ phê bình thẳng cho con, khỏi mất thời gian. Khen làm cái gì. Lớp này là không cần khen. Lớp này chỉ cần sửa thôi chứ không cần khen.
Có một người khen mà mình tin cậy nhất. Mình có thể hoàn toàn tin tưởng, đó chính là Đức Phật A Mi Đà. Niệm Phật làm sao để cho Đức Phật thọ ký bạn, khen ngợi bạn, báo bạn biết trước thời gian vãng sanh. Bây giờ bạn chọn đi. Muốn vãng sanh lúc nào? Đấy! Người tu Tịnh Độ chỉ cần 1 lời khen đó thôi.