BÁO CÁO TU HỌC TỪ LỚP HỌC ONLINE.
Niệm Phật như thế nào để được nhiếp tâm? Dạ Tổ cũng có dạy mình. Đó là lời dạy của Đại Sư Ấn Quang: Lúc đi đứng nằm ngồi ăn mặc từ sáng đến tối, từ tối đến sáng chỉ niệm Phật hiệu không để gián đoạn hoặc niệm nho nhỏ hoặc niệm thầm. Ngoài việc niệm Phật đừng dấy khởi một niệm nào khác nếu mà có vọng niệm thì phải tức thời bỏ ngay.
Thì đây là nhiếp tâm. Dạ có dễ không ạ? Dạ khó! Dạ tại sao khó? Tại tâm mình còn nhiếp chuyện khác. Mình chưa có thật sự là niệm Phật để mà giải quyết được cái chuyện sanh tử luân hồi của mình. Vì mình chưa có cái động lực mạnh cho nên mình vẫn còn bị lo ra. Không thể chuyên tâm trên câu Phật hiệu.
Cho nên niệm Phật cần có niềm tin là cái thứ nhất. Sau đó mới đến chỗ bền lâu. Bền lâu không khó, nhiếp tâm mới khó. Có người cầm chuỗi, bấm số, miệng niệm vậy chứ Tâm không có nhiếp. Tâm có thể lúc đó còn nghĩ chuyện khác nữa kìa. Tay lần lần vậy, miệng mấp máy niệm Phật vậy chứ Tâm nghĩ đến chuyện chút nữa mình phải đi đây đi kia, làm này làm nọ. Rồi ngó người này ngó người kia.
A MI ĐÀ PHẬT…con làm cái đó xong chưa? Rồi nhìn lại cũng thấy mình có niệm cũng được mấy chuỗi, cũng được mấy ngàn câu, thì đó chưa phải gọi là nhiếp tâm. Niệm Phật như vậy cũng tốt, là mình đã tạo thành thói quen. Tay lúc nào cũng lần lần vậy nè, miệng lúc nào cũng mấp máy mấp máy nhưng mà cái tâm của mình vẫn chộn rộn. Nó không có nhiếp thật sự vô câu Phật hiệu. Thế nào gọi là nhiếp thật sự vô câu Phật hiệu?
Miệng niệm tai nghe rõ từng chữ. Không có một cái gì xen tạp. Cũng không có một cái gì làm gián đoạn, nên gọi là đạt đến chỗ là không xen tạp, không gián đoạn, cũng không hoài nghi. Niệm nãy giờ…Niệm mấy năm, niệm mấy chục năm sao Phật chưa rước? Đây là hoài nghi. Mà sao con niệm hoài mà chưa được nhất tâm? Thì đây cũng là hoài nghi. Hoài nghi thì nó sẽ tạo cho mình những cái câu hỏi ở trong quá trình mà mình niệm Phật. Thì cũng là việc tốt ạ!
Dạ Có câu hỏi rồi mình mới đặt lên. Rồi nhờ một vị thiện tri thức nào đó giúp cho mình hóa giải cái nghi ngờ đó. Phải gặp đúng thiện tri thức để hỏi, chứ không thể tùy tiện hỏi nhiều người, vì càng hỏi nhiều người, có nhiều đáp án khác nhau thì mình càng hoang mang…Nếu bạn theo pháp môn Niệm Phật thì bạn nên gặp người chuyên tu niệm Phật mà hỏi thắc mắc của mình, để mình nhìn ra được cái khiếm khuyết của mình tại sao mình niệm Phật mà chưa thành tựu. Niệm Phật bị xen tạp rất nhiều.
Nên Tổ nói là niệm Phật bị xen tạp thì trong muôn người niệm Phật hiếm có một người nào mà thành tựu lắm. Con nói như vậy có thể có một số Cô Bác Huynh Đệ Tỷ Muội cũng không thấy được hài lòng lắm. Đó là nếu mình niệm danh hiệu của Đức Phật A Mi Đà nhưng mà vẫn xen tạp danh hiệu của Quán Thế Âm Bồ Tát. Vẫn cầu Ngài theo cái ý riêng của mình phải không? Cho nên mình sợ niệm câu A Mi Đà Phật là không đủ. Cho nên phải niệm thêm Quán Thế Âm Bồ Tát, phải niệm thêm vị Phật này vị Bồ Tát kia nữa cho đầy đủ, thậm chí niệm càng nhiều danh hiệu càng tốt mà.
Mỗi một vị Phật Bồ Tát có một cái nguyện, rồi mình cũng mong vị đó hỗ trợ cho mình, rồi cũng giúp đỡ cho mình, gia hộ cho mình thành tựu được cái ý nguyện của mình. Thì tất cả những cái ý nguyện của mình nó đã xen tạp vào trong cái chí nguyện vãng sanh. Cho nên mình cứ thẳng thắn nhìn vào trong thực tế. Mình gặp hình tượng Quán Thế Âm Bồ Tát, gặp hình tượng của Tam Bảo. Mình cầu cái gì? Tính đến giai đoạn này mình còn cầu cái gì? Mình bái bái lạy lạy để mình nguyện cái gì?
Nguyện cho thế giới hòa bình, nguyện cho chúng sanh bớt khổ trong khi mình còn khổ? Mình không lo giải quyết cái khổ của mình. Mình muốn làm Bồ Tát hoặc giả mình đẩy cái tâm tư đó qua Quán Thế Âm Bồ Tát để cho Ngài lo. Cho nên Ngài gắng giúp chúng sanh, chúng sanh khổ lắm, nhiều bệnh tật nhiều tai nạn lắm. Phật Bồ Tát có cần mình nói vậy không? Các Ngài biết hết mà. Con cầu cho đất nước con được bình an thế này thế kia…
Các Ngài biết hết! Có cái gì mà các Ngài không biết chứ. Bây giờ phải đợi mình cầu xin, thưa bẩm thì các Ngài mới giúp á. Thì các Ngài chẳng khác gì phàm phu rồi! Cho nên Phật Bồ Tát tự nhiên biết khi nào làm chuyện gì, không cần chúng sanh phải thúc đẩy…Ngài cứu con của con đi Ngài, nó khổ lắm Ngài, Ngài tới tiếp dẫn nó đi. Ủa! Ta là Phật A Mi Đà, Ta sẽ biết lúc nào Ta nên tiếp dẫn người nào. Khỏi cầu. Nếu người đó không đủ thiện căn phước đức nhân duyên thì Ta không thể tiếp dẫn.
Cho nên chỉ khi nào mình đầy đủ thiện căn phước đức nhân duyên thì mới được sanh về cõi đó. Chính nằm ở chỗ là gì? NHIẾP TÂM NIỆM PHẬT CẦU SANH CỰC LẠC. Không có nhiếp tâm niệm Phật thì tâm mình trụ ở Ta Bà. Tâm mình liền bị dính mắc bởi trong cái thấy và cái nghe của mình, trong cái tư tưởng của mình. Mà mấy thứ này đều là giả tạm, đều là sai lầm, đều là lừa mình. Cho nên cái mình nghe, cái mình thấy đều là từ trong phân biệt chấp trước mà ra. Không phải là cái thấy nghe từ trong tự tánh.
Rồi mình thuận theo cái thấy nghe rồi với cái phân biệt chấp trước này, cộng với lại cái tư tưởng của một phàm phu thì mình liền tạo nghiệp. Mình liền khởi ý là thích và không thích, muốn và không muốn. Dạ cho nên là cái chuyện niệm Phật nhiếp tâm rất khó, khó hơn cả bền lâu. Nhưng mà có nhiều Cô Bác Huynh Đệ lại cứ nghĩ bền lâu là tự hào, nhưng thật sự ra đụng chuyện là thì không niệm ra được câu Phật hiệu, dù đã niệm Phật được 10 năm, 20 năm cũng gọi là bền lâu. Nhưng đụng chuyện sân thì vẫn sân, mê thì vẫn mê vì chưa đẩy cái công phu niệm Phật lên cái chỗ là nhiếp tâm.
Từ nhiếp tâm này rồi thì mới dần dần đi vô cái chỗ nhất tâm. Đã gọi đến chỗ nhất tâm thì “ngoài không dính tướng, trong không động tâm” thì gọi là nhất tâm. Không còn chạy theo cảm xúc, không còn chạy theo tư tưởng, theo cái thấy biết của một phàm phu nữa. Chỉ có câu Phật hiệu liên tục liên tục từ sáng đến tối 24 giờ không gián đoạn. Ngay cả chuyện ngủ cũng không ảnh hưởng. Trong lúc ngủ cũng niệm Phật.
Đại Lão Hòa Thượng Thích Trí Tịnh lúc mà Ngài chưa vãng sanh, Ngài đạt đến chỗ này. Đó là nhiều lúc Ngài niệm Phật liên tục mấy tháng cũng không ngủ. Niệm miết vậy đó! Mình báo cáo như vậy để Cô Bác Huynh Đệ mình đối chiếu lại cái công phu niệm Phật của mình để mình nỗ lực hơn. Chứ không thì không kịp.