ĐỆ TỬ QUY GIẢNG GIẢI
CON ĐƯỜNG ĐẠT ĐẾN NHÂN SINH HẠNH PHÚC
TẬP 4
Chúng ta đang nói đến thái độ học tập lúc mới bắt đầu rất là quan trọng, đã nói đến “học quí lập chí”. Trước tiên phải hoạch định chí hướng thì sẽ có động lực mạnh mẽ thúc đẩy, khiến cho chúng ta không ngừng tiến bộ, trưởng thành. Việc thứ hai là “học quí thực hành”. Cho nên, hiện tại chúng ta muốn học văn hóa truyền thống, học tập học vấn của Thánh Hiền, chúng ta cũng không cần phải lo lắng là ta bây giờ mới bắt đầu học có còn kịp hay không. Thật ra, quan trọng nhất là học một câu chúng ta liền làm một câu. Có rất nhiều người nói: “Đợi tôi học tốt rồi sẽ dạy cho con cái. Đợi tôi học tốt rồi sẽ giúp người”. Đợi chúng ta học tốt rồi thì có còn kịp hay không? Không kịp. Hiện tại học một điều làm một điều, chỉ có tinh thần như vậy mới cảm động con cái và học trò của chúng ta.
Có rất nhiều thầy cô giáo của chúng ta trước đây huân tập văn hóa Thánh Hiền tương đối ít. Họ cũng giữ lấy thái độ cùng nhau học tập với học trò của mình, luôn luôn có thái độ như vậy. Trẻ nhỏ xem thấy cũng rất vui vẻ, bởi vì chúng ta đem thái độ hiếu học diễn ra cho trẻ nhỏ xem, cho học trò xem.
Có một trường mầm non dạy bảo trẻ nhỏ rằng sau khi ăn no rồi phải có lễ phép, khi đứng dậy phải nói với thầy cô giáo, bạn học cùng ngồi chung bàn là: “Xin mọi người từ từ dùng!”, sau đó mang bát đũa của mình đến nhà bếp tự tay rửa. Tất cả trẻ nhỏ đã tập thành thói quen. Thầy cô của chúng cũng làm như vậy. Mỗi một thầy cô giáo ăn xong rồi cũng cúi người nói với chúng là: “Xin mọi người từ từ dùng!”, cho nên tất cả các đứa trẻ đều mỉm cười trong lòng. Vì sao vậy? Trong lòng những đứa trẻ này liền sẽ nghĩ là: “Thầy cô giáo cũng làm giống như chúng ta nên chúng ta phải có lễ phép, phải tuân thủ những quy định này”. Khi chúng ta cùng làm với trẻ nhỏ thì sẽ có hiệu quả rất tốt.
Có một đứa bé, trong một lần ăn cơm, toàn bộ thầy cô giáo và các bạn học đều đã ăn cơm xong, chỉ còn lại một mình em. Đứa bé này sau khi ăn xong đứng dậy, cúi đầu một cách kính cẩn với cái ghế rồi nói: “Xin mọi người từ từ dùng!”. Tất cả thầy cô giáo xem thấy đều mỉm cười. Thế nhưng chúng tôi cảm thấy đứa bé này rất thành thật, nói một điều, học một điều thì làm một điều. Làm người trước tiên phải học thành thật, tiếp theo mới học linh hoạt, như vậy học vấn mới có thành tựu. Nếu như vừa bắt đầu chúng ta đã học linh hoạt, giáo huấn của thầy nói ra năm điều thì chọn ra ba điều để làm. Tốt! Đầu óc cũng rất linh hoạt, thế nhưng rất có thể học vấn sẽ không có nền tảng, đến lúc đó sẽ bị chính sự thông minh nhỏ của mình hại mình.
Ngoài việc thực hành, tiếp theo chúng ta còn phải hiểu rõ rằng học tập cũng cần phải xem trọng thứ tự, trình tự. Trên “Tam Tự Kinh” có một câu: “Vi học giả, tất hữu sơ”, học tập phải có trước sau. “Tiểu học chung, chí Tứ Thư”, chính là phải học cho tốt sách “Tiểu Học”, tiếp theo đó mới học “Tứ Thư”, “Ngũ Kinh”. “Tiểu Học” là quyển sách do Chu Hy – Chu Phu Tử biên soạn để “dưỡng chính/chánh” cho trẻ nhỏ. Quyển sách này dạy trẻ nhỏ làm thế nào hiếu dưỡng cha mẹ, tôn trọng trưởng bối và lễ phép trong cách ứng xử với người trong cuộc sống thường ngày. Quyển sách này ai đã xem qua xin đưa tay lên. Ồ! Thật không ít.
Quyển sách này cách hiện tại đã gần một ngàn năm, lịch sử tương đối khá lâu, rất nhiều tình huống đời sống vào thời đó so với hiện nay đã có sự khác biệt. Vì sao cuốn “Tiểu Học” quan trọng đến như vậy? Bởi vì một đứa trẻ từ nhỏ trước tiên phải cắm vững cái gốc về cách làm người, làm việc. Nếu nền tảng này đã xây dựng tốt thì chúng đọc các Kinh sách khác, chúng sẽ không chỉ có đọc mà thôi, chúng sẽ hiểu được làm thế nào áp dụng vào việc đối nhân, xử thế trong cuộc sống. Chúng hiểu được phải áp dụng ngay vào trong cuộc sống. Vì thế, nền tảng này nhất định phải được xây dựng.
Bởi vì quyển “Tiểu Học” cách chúng ta tương đối xa, tôi đã từng xem qua, chỉ có thể xem hiểu được 60% đến 70%, có rất nhiều thuật ngữ xem không hiểu. Sau khi xem quyển “Tiểu Học”, tôi lại xem đến quyển “Đệ Tử Quy”. Đối với quyển “Đệ Tử Quy” này tôi rất là cảm động, cũng rất là tán thán. Bởi vì “Đệ Tử Quy” là sách viết ra từ thời nhà Thanh, cách chúng ta mới mấy trăm năm, rất gần. Hơn nữa, Lý Dục Tú Phu Tử của triều nhà Thanh căn cứ vào quyển “Tiểu Học” lấy ra phần cương lĩnh (nội dung quan trọng nhất), biên soạn thành một quyển “Đệ Tử Quy”. Quyển “Đệ Tử Quy” hoàn toàn tương ưng với đời sống của chúng ta, không có câu nào là không làm được, hơn nữa, còn bao hàm những trọng điểm của quyển “Tiểu Học”.
Lý Dục Tú Phu Tử biên soạn quyển sách này vẫn là y theo một câu giáo huấn rất quan trọng trong “Luận Ngữ” của Khổng Lão Phu Tử. Câu giáo huấn này được nhắc đến trong “Đệ Tử Quy: “Phép người con, Thánh nhân dạy, hiếu đễ trước, kế cẩn tín, yêu bình đẳng, gần người nhân, có dư sức thì học văn”. Lý Dục Tú Phu Tử chính là căn cứ vào câu nói này của Khổng Lão Phu Tử phân thành bảy cương mục, biên soạn thành quyển “Đệ Tử Quy” này. Cho nên chúng ta học tốt được “Đệ Tử Quy” chính là xây dựng tốt nền tảng của “Tiểu Học”. Nếu như nền tảng của “Tiểu Học” không được xây dựng tốt mà trực tiếp đọc qua “Tứ Thư”, “Ngũ Kinh” thì trẻ nhỏ đọc càng nhiều sẽ càng tách rời đời sống.
Có một vài trẻ nhỏ đọc rất nhiều Kinh thư, thế nhưng chúng sẽ lấy những câu Kinh văn trong “Luận Ngữ” để biện luận cùng với cha mẹ. Có một đứa trẻ khoảng sáu tuổi, trong một lần mẹ em đang phê bình em, em liền nói với mẹ là: “Mẹ ơi! Mẹ có ôn, lương, cung, khiêm, nhượng của Khổng Lão Phu Tử không? Nếu như mẹ làm không được thì mẹ cũng không có tư cách nói con”. Mẹ em liền bị chấn động: “Bây giờ chúng đã dùng đến ngôn ngữ của Kinh điển để phản bác lại mình. Nếu chúng tiếp tục mà học nữa thì sẽ như thế nào?”.
Có một trưởng bối dẫn theo cháu gái của bà (cháu gái gọi tôi bằng cậu) đến nhà chúng tôi. Cha mẹ tôi đều có ở nhà. Bà vừa ngồi xuống thì liền nói với cháu gái của bà là: “Nào! Chúng ta cùng đọc Anh văn để những trưởng bối này nghe nào!”. Đứa cháu gái nhỏ này cũng rất là thuần thục. Tôi tin rằng bé gái này không chỉ có biểu diễn cho chúng tôi xem mà nhất định là đã biểu diễn không ít lần trước đó rồi, cho nên bé ấy cũng rất tự nhiên. Sau đó bà của bé liền bắt đầu hỏi: “Trái táo nói thế nào?”. Bé đó liền nói: “Apple”. “Cái ô nói thế nào?”. Bé đó liền nói: “Umbrella”. Hỏi rất nhiều câu, bé điều trả lời lưu loát. Đột nhiên, bé gái này hỏi ngược lại bà của mình một câu: “Bà ơi! Quyển sách nói thế nào?”. Bà của em liền nói: “Bà làm sao mà biết được!”. Bé gái này nói: “Bà ơi! Vì sao mà bà ngốc đến như vậy?”.
Nếu như trẻ nhỏ không học cách làm người, làm việc thì tri thức học được càng nhiều, sách xem được càng nhiều thì sẽ càng ngạo mạn. Đem ngạo mạn mà cầu học vấn là một sai lầm to lớn. Chỉ cần có tâm ngạo mạn thì rất khó mà thành tựu được học vấn. Cho nên “Khúc Lễ” trong sách “Lễ Ký” có nói đến: “Ngạo bất khả trưởng” (không thể nuôi lớn tâm ngạo mạn). Đây đều là những lời nhắc nhở rất quan trọng của Thánh Hiền nhân về trước dành cho chúng ta.
Khi Tiên sinh Lâm Tắc Từ hiểu được lẽ nhân sinh, ông đã quy nạp thành mười sự việc. Mười việc này chính là: Nếu như người phạm phải mười điều sai lầm này thì đời sống không có ích lợi gì, ông gọi là: “Mười điều vô ích”:
Thứ nhất: “Bất hiếu cha mẹ, thờ thần vô ích”. Không có hiếu thuận đối với cha mẹ, mỗi ngày lạy thần, cầu thần bảo hộ thì có ích gì không? Không có ích gì.
Thứ hai: “Anh em chẳng hòa, bạn bè vô ích”. Cùng chung sống với anh em trong nhà nhưng không biết bao dung, thường hay có xung đột, con người này ra ngoài kết giao bạn bè có thể kết giao được bạn tri âm hay không? Không thể nào.
Trong mười điều vô ích này, có hai điểm chú trọng về việc cầu học vấn. Đây là một sự nhắc nhở rất quan trọng. Hai điểm đó là: “Kiêu căng ngạo mạn, học rộng vô ích” và “Hành nghi không ngay, đọc sách vô ích”. Chỉ cần chúng có tâm ngạo mạn, thì học lực càng cao sẽ càng xem thường người, càng dễ dàng tổn hại người khác. “Hành nghi không ngay”, nếu như lời nói, hành vi của chúng ta hoàn toàn trái ngược với giáo huấn của Thánh Hiền, thì không tương ưng với những sách đọc được, sẽ không được lợi ích.
Thánh triết nhân mấy ngàn năm đã lưu lại lời dạy, chúng ta phải rất trân trọng, phải cố gắng xem đây là sự nhắc nhở chính mình không thể phạm. Đương nhiên trẻ nhỏ cũng phải cố gắng không được phạm những lỗi lầm này.
Trên đây là thứ tự của việc học tập.
- Phương pháp học tập: “Nhất môn thâm nhập, trường thời huân tu”.
Phương pháp học tập phải nắm lấy tám chữ: “Nhất môn thâm nhập, trường thời huân tu” (Thâm nhập một môn, huân tu lâu dài). Một môn là một môn nào? Các vị Thánh triết giáo huấn chúng ta, nếu như dùng hai chữ để nói thì chính là “đạo đức”. Hai chữ “đạo đức” đã nắm lấy toàn thể cương lĩnh giáo huấn của Thánh Hiền trong mấy ngàn năm. Nắm lấy cái giềng lưới thì mắt lưới sẽ mở thôi (nắm lấy cương lĩnh thì sẽ nắm bắt được tất cả).
Thưa quý vị, thế nào gọi là “đạo”? Thế nào gọi là “đức”? Chúng ta lật sang trang thứ hai của quyển sổ tay, phía dưới trang thứ hai có một hàng chữ. Chúng ta cùng nhau đọc qua một lần:
“Nhận thức siêu việt thời không đích đại tự nhiên vận hành pháp tắc, thử chi vị đạo” (nhận thức siêu vượt thời gian, không gian về phép tắc vận hành của đại tự nhiên được gọi là đạo vậy).
“Giáo đạo nhân loại như hà thuận tùng đại tự nhiên đích pháp tắc, bất vi việt địa tố nhân, thử chi vị đức” (có thể dạy cho nhân loại làm thế nào tuân theo phép tắc của đại tự nhiên, không làm trái tự nhiên thì gọi là đức vậy).
Cho nên “đạo” là phép tắc về quy luật vận hành của đại tự nhiên siêu vượt thời gian, không gian, tục ngữ gọi là “luân thường đại đạo”. Mối quan hệ ngũ luân chính là “đạo”. Thiên địa, vạn vật đều có quỹ đạo vận hành của nó thì mới không xảy ra xung đột. Không chỉ con người mới có đường lối chuẩn xác, mà sự chuyển động giữa hành tinh với hành tinh cũng có quỹ đạo chuyển động chuẩn xác. Nếu như hôm nay các hành tinh trong vũ trụ chuyển động như thế này, ngày mai thì chúng chuyển động ngược lại thì có được không? Không được. Nếu như chín hành tinh lớn, sao Diêm Vương nói hôm nay tôi không vận hành như vậy, ngày mai tôi phải đổi lại, khi nó vừa đổi quỹ đạo thì có thể sẽ va chạm, xung đột, ma sát với các hành tinh khác. Vạn vật như vậy và con người cũng như vậy. Do đó, nếu như có thể tuân thủ năm mối quan hệ này, thì chúng ta có thể sống chung với nhau rất hòa hợp.
Nếu chúng ta không bằng lòng tuân thủ năm mối quan hệ này, thì liền sẽ xảy ra mâu thuẫn, xảy ra xung đột. Quý vị thân mến! Hiện tại năm mối quan hệ này có xung đột hay không? Có rất nhiều xung đột. Mở báo chí ra xem thì liền biết.
Chúng ta cùng nhau xem thử, năm mối quan hệ này làm thế nào để dung hòa, làm thế nào dụng tâm để đối đãi. Trong năm loại quan hệ này, quý vị cảm thấy loại nào là quan trọng nhất? Tất cả đều rất quan trọng.
Trong sách “Trung Dung” có nói đến: “Quân tử chi đạo, tạo đoan hồ phu phụ” (đạo người quân tử bắt nguồn từ đạo vợ chồng), cho nên ảnh hưởng của quan hệ vợ chồng rất sâu xa. Vì sao quan hệ vợ chồng là quan trọng nhất? Bởi vì vợ chồng cùng ở chung một nhà, ở chung một gian phòng, nếu như vợ chồng hòa thuận, chung sống tốt đẹp, thì trẻ nhỏ lớn lên trong hoàn cảnh gia đình như vậy tự nhiên sẽ có mối quan hệ cha con rất là thân thiết. Xử lý tốt quan hệ vợ chồng thì anh em cũng sẽ hòa thuận. Vợ chồng hòa thuận đích thực là đã cho trẻ nhỏ sự ảnh hưởng thầm lặng. Vì vậy, vợ chồng chung sống phải đạo, thì cha con sẽ thân thiết, anh em, chị em cũng sẽ hòa thuận.
Khi cha con có sự thân thiết thì con cái sẽ biết cảm ân công lao khó nhọc của cha mẹ, tấm lòng cảm ân của chúng đối với mọi người sẽ tự nhiên phát khởi. Do đó, khi chúng bước ra xã hội, gặp được cấp trên rất quan tâm giúp đỡ, dẫn dắt chúng, trong vô hình trung chúng sẽ sanh khởi tâm “quân thần hữu nghĩa” (vua tôi có nghĩa), sẽ trung thành với lãnh đạo, tự nhiên chúng sẽ hình thành thái độ này. Cho nên thời xưa có một câu danh ngôn: “Trung thần xuất ư hiếu tử chi môn” (Trung thần xuất thân từ người con hiếu hạnh). Câu nói này tương đối có đạo lý. Hiện tại tình trạng “nhảy việc” rất nhiều. Khi “nhảy việc”, họ chỉ nghĩ đến tiền tài của chính mình mà không nghĩ đến sự bồi dưỡng dài lâu của cấp trên dành cho họ. Có khi thậm chí họ trực tiếp làm việc cho đối thủ của công ty mình, rồi cạnh tranh với công ty trước đây của mình.
Anh em, chị em có thể hòa thuận với nhau, họ ở trong nhà sẽ biết quan tâm, giúp đỡ lẫn nhau. Vì vậy, khi ở chung với bạn học, ở chung với đồng nghiệp, thái độ đó của họ sẽ biểu hiện ra một cách tự nhiên, nên sẽ kết giao được bạn bè rất tốt.
Như vậy, quan hệ vợ chồng tốt thì ngũ luân liền tốt. Cho nên dạy bảo làm thế nào giữ được quan hệ vợ chồng tốt đẹp là một học vấn tương đối quan trọng.
Thưa quý vị, quý vị đã từng học qua đạo làm chồng vợ chưa? Trong sách giáo khoa có dạy hay không? Không! Một việc quan trọng như vậy vì sao không dạy? Quý vị xem, những đề mục mà ngày trước chúng ta đi thi đối với cuộc sống hiện nay không có ảnh hưởng gì lớn thì chúng ta lại học rất lâu, nhưng những đạo lý rất quan trọng ảnh hưởng đến cuộc đời thì trái lại chúng ta lại không được học.
Trong quan hệ chồng vợ phải nhớ lấy: “Thận ư thủy” (cẩn thận ngay từ lúc bắt đầu). Lúc ban đầu, khi chưa kết hôn, quý vị phải mở to đôi mắt, phải chọn đối tượng tốt. Đương nhiên quý vị muốn chọn người khác, người khác cũng phải chọn quý vị. Cho nên muốn tìm được đối tượng tốt, không phải trực tiếp chạy đến đó thân cận hẹn hò. Phương pháp này sẽ rất mệt. Phương pháp tốt nhất gọi là: “Chúng tinh cộng nguyệt” (các ngôi sao vây quanh mặt trăng), chỉ cần quý vị có thể tỏa hào quang thì sẽ có rất nhiều ngôi sao đến bên cạnh mình, đến lúc đó tùy quý vị chọn lựa. Đây là phương pháp tìm đối tượng cao minh nhất. Vì vậy phải cẩn thận từ lúc bắt đầu, phải hiểu rõ đây có phải là người có thể cùng ta chung sống cả đời được không? Đây không phải là việc có thể qua loa.
Hiện tại có rất nhiều nam nữ trẻ tuổi học đạo vợ chồng, học cách nam nữ đối xử với nhau từ đâu? Đều học ở trong tình ca. Trong tình ca nói rằng tình hình nam nữ yêu nhau đều là yêu rất đau khổ, yêu đến chết đi sống lại, có phải vậy không? Dường như tuổi trẻ không đau khổ thì không gọi là người trẻ tuổi, “người mà không ngông cuồng thì phí mất tuổi xuân”. Như vậy mà gọi là yêu sao?
Khi tôi phát hiện ra điểm này thì lúc dạy học trò lớp 5, lớp 6, tôi liền rất cẩn trọng, vội vàng chích vài mũi thuốc tiêm phòng cho chúng, để chúng có thái độ chuẩn xác đối với quan hệ nam nữ, không nên bị những tình ca này dẫn dắt sai. Vì vậy, tôi liền nói với chúng rằng: Người với người cùng ở với nhau đều sẽ trải qua một số quá trình. Đầu tiên nhất định phải từ “tương thân”, quen biết nhau. Tiếp theo là “tương tri”, tìm hiểu lẫn nhau. Tiếp theo là “tương tích”, đôi bên trân trọng nhân duyên của nhau. Tiếp theo là “tương ái” và sau cùng là “kết hôn”. Kết hôn có phải là kết thúc hay không? Có rất nhiều người nói: “Kết hôn là nấm mồ của ái tình”. Đây đều là dạy sai. Nếu như vợ chồng chung sống tốt đẹp thì rượu để càng lâu sẽ càng nồng. Cho nên việc này cần phải biết cách làm.
Thế nào là chân tình, là tình yêu thật sự? Tôi thường nêu ra một thí dụ: Chân tình, tình yêu thật sự sẽ giống như một ông lão hơn 70 tuổi dắt tay vợ ông cũng hơn 70 tuổi đi tản bộ ở công viên. Sau đó bà cụ nói với chồng của bà rằng: “Ông ơi! Ngày mai là 15 rồi, ngày mai mình nên ăn chay”. Quý vị xem, vợ chồng già như vậy mới thấy ra được mùi vị của sự yêu thương trân quý lẫn nhau. Tuyệt đối không phải là loại tình cảm rất mãnh liệt. Loại tình cảm đó thì rất dễ dàng thay đổi.
Chúng ta nói với trẻ nhỏ rằng đây là cách nam nữ chung sống với nhau, là quá trình chung sống giữa người và người với nhau. Nếu như hôm nay, người nam này mới làm quen mà đã lập tức nói với cô gái là: “Anh rất yêu em!”, như vậy anh ấy nhất định là gạt cô. Điều này không phù hợp với tự nhiên, đó là sai lầm. Sau đó quý vị lại gặp một người nói với quý vị: “Cả đời anh không phải em thì không cưới, không phải em thì không lấy”, quý vị cũng phải mau mà tỉnh ngộ ra. Anh ấy là gì vậy? Anh ấy không biết quý vị là người như thế nào, có phải vậy không? Anh ấy cũng không biết thái độ của quý vị đối với người, đối với việc mà đã nói yêu quý vị, vậy thì gọi là gì? Gọi là “hoa ngôn xảo ngữ” (nói lời đường mật, lời ngon tiếng ngọt ).
Từ quen biết đến tìm hiểu nhau, quá trình này phải rất bình lặng. Thí dụ nói quý vị cảm thấy người con trai này không tệ, thì quý vị cần phải tỉ mỉ mà quan sát xem anh ấy đối với đồng nghiệp của anh ấy thế nào, anh ấy đối với bạn bè của anh ấy như thế nào. Quý vị phải quan sát rất khách quan như vậy thì mới có thể chân thật hiểu rõ thái độ làm người, làm việc của anh ấy. Nếu như anh ấy đối với bạn bè, bạn học của anh ấy đều rất có tâm yêu thương, rất quan tâm người khác, nếu như anh ấy chân thật muốn cùng quý vị thương yêu, thì anh ấy nhất định sẽ có sự cống hiến cho quý vị rất nhiều. Cho nên quá trình tìm hiểu cũng phải khách quan, phải lý trí, không thể khi vừa mở đầu thì hai người đến với nhau, như vậy rất nguy hiểm.
Thanh niên hiện nay đều không biết được điểm này, vì vậy đều sẽ rơi vào hoàn cảnh rất nguy hiểm. Do đó có câu nói là: “Bởi vì ngộ nhận mà kết hợp, vì hiểu rõ mà chia tay”. Đúng vậy, bởi vì quý vị chỉ hiểu anh ấy ở biểu hiện bên ngoài, không phải là chân thật hiểu rõ một cách khách quan. Cho nên, “việc tìm hiểu nhau” rất quan trọng. Đôi bên phải quan sát nhiều, phải bình lặng, đồng thời phải trân trọng nhân duyên lẫn nhau, có cơ hội được gặp gỡ nhau, tiếp theo là thương yêu, rồi mới đi trên thảm đỏ.
Trong quá trình tìm hiểu có một điểm rất quan trọng, đó là vợ chồng phải có cùng quan điểm, sau đó mới đi đến hôn nhân. Rất nhiều vị có chí khí rất mãnh liệt, cô ấy nói: “Quan niệm của anh ấy không đúng không hề gì, tôi sẽ thay đổi anh ấy”. Có chí khí mãnh liệt hay không? Những người như thế này không ít. Tôi sẽ nói với cô ấy là có một câu nói rằng: “Túy ngọa sa trường quân mạc tiếu, cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi” (Say khướt sa trường anh chớ mỉa, xưa nay chinh chiến mấy ai về). Nếu như quý vị giữ lấy thái độ như vậy mà đi đánh trận, thì sẽ không có bao nhiêu người sống sót trở về. Bởi vì đến 20 – 30 tuổi thì rất nhiều thói quen, rất nhiều tính cách đã tương đối cố chấp, trừ khi họ chính mình bằng lòng thay đổi, nếu không thì người khác sẽ rất khó xoay chuyển họ. Vì vậy chúng ta vẫn phải tùy duyên, không nên cưỡng cầu. Quý vị phải tìm được người chí đồng đạo hợp, thì hôn nhân mới không đến nỗi khổ đau.
Làm thế nào để yêu người khác? Làm thế nào để phân biệt được người với người cùng chung sống có chân thật yêu nhau hay không? Quý vị xem, hiện tại có rất nhiều người đem chữ “yêu” này để uy hiếp người khác. Có hay không? Tôi rất yêu em, vì vậy em phải vì tôi mà như thế này, như thế kia. Khi không hiểu rõ tình yêu, rất có thể sẽ dùng chữ “yêu” này đi khắp nơi để khống chế người khác, đi khắp nơi làm cho người đau khổ và buồn phiền. Chúng ta xem thấy chữ “ái” này là chữ hội ý, ở giữa là chữ “tâm”, bên ngoài là chữ “thọ”.
Yêu là dùng tâm để cảm nhận sự ấm áp
Yêu là dùng tâm mà cảm nhận. Cảm nhận cái gì? Cảm nhận yêu cầu của người khác ở chỗ nào. Khi đối phương lúc nào cũng cảm nhận được nhu cầu của quý vị, biết quan tâm quý vị thì nội tâm của quý vị sẽ cảm thấy rất ấm áp, tuyệt đối không đau khổ giống như tình ca đã viết. Cảm giác của tình yêu là ấm áp. Cho nên hiện tại chúng ta phải biết phân biệt xem đó có phải là tình yêu chân thật hay không. Nếu như không phải thì phải mau mau chọn lựa lại, không nên cố chấp không chịu tỉnh ngộ.
Ngôn ngữ của tình yêu là lời chính trực
Ngôn ngữ của tình yêu là lời chân thật, ngôn ngữ của tình yêu sẽ không phải là một loạt những lời đường mật. Hôm nay họ nói lời đường mật với quý vị, ngày khác họ cũng sẽ nói những lời đường mật như vậy đối với người khác. Trái lại, những người nam không biết nói những lời đường mật thì có thể đáng tin, bởi vì tinh thần và dụng tâm của họ đều không để trên những lời đường mật đó, cho nên họ mới không biết nói chuyện như vậy. Vậy những người nói những lời đường mật đã đem tinh thần để vào chỗ nào? Đều là để trên những lời nói dụ dỗ đó.
Có một người phụ nữ nói, lần đầu tiên cô gặp mặt chồng của cô, chồng cô không nói một lời nào. Câu thứ nhất chồng cô nói với cô là: “Răng của em không tốt”. Tiếp theo lại nói: “Cho nên đường ruột của em cũng không tốt, bởi vì răng không được tốt thì khi nhai thức ăn, tiêu hóa sẽ không tốt, cho nên áp lực lên đường ruột cũng sẽ lớn”. Cô ấy liền nghĩ : “Con người này quá thật thà, không nói một lời đường mật nào, lần đầu tiên gặp mặt đã nói ra khuyết điểm của mình”. Cô cảm thấy rất đáng tin, nên sau đó kết hôn với anh ấy. Việc này nghĩ lại, cô ấy thật có trí tuệ, cô biết được người nói lời chính trực mới đáng tin. Như vậy, ngôn ngữ của tình yêu phải là lời chính trực.
Tâm địa của tình yêu là vô tư
Tiếp theo, tâm địa của tình yêu là vô tư. Một người biết quan tâm, thương yêu người khác, thì họ đối với cha mẹ, đối với vợ con, đối với bạn bè, thậm chí đối với người xa lạ sẽ có cùng một thái độ như nhau. Hiện tại, có rất nhiều nam nữ qua lại với nhau, khi đối phương không bằng lòng tiếp tục kết giao, họ thẹn quá hóa giận, thậm chí có thể tổn hại đối phương. Đó không phải là tâm vô tư, mà là sự khống chế, dục vọng chiếm hữu, họ chỉ khoác chiếc áo tình yêu bên ngoài để gạt người. Cho nên quý vị phải phân biệt rõ, đó gọi là dục vọng, khống chế và chiếm hữu, tuyệt đối không phải là tình yêu, họ đã làm ô nhiễm chữ “yêu” này rồi.
Hành vi của tình yêu là thành toàn cho đối phương.
Có một cô giáo, chồng của cô có một em gái sinh sống và đi học ở Hawai. Khi em gái có vấn đề về tài chính, chồng của cô liền nói với cô: “Hai – ba năm qua chúng ta đã tiết kiệm được một ít tiền. Hiện tại em gái gặp khó khăn, anh muốn rút số tiền đã tiết kiệm được hai – ba năm qua chuyển qua cho em gái mượn”. Nếu như đó là chồng của quý vị thì quý vị sẽ nói như thế nào? Vì sao không thể nói ra được vậy? Cô giáo này lập tức nói với chồng của cô là: “Anh làm như vậy thật làm cho em rất cảm động! Anh chăm sóc em gái vô tư như vậy, em tin rằng cha mẹ của anh cũng sẽ rất hài lòng. Cho nên em đồng ý cách làm của anh, ngày mai em sẽ đi chuyển tiền giúp anh”.
Quý vị xem, người vợ này còn đích thân đi làm việc này giúp cho chồng. Tâm địa của tình yêu là thành toàn, hành vi của tình yêu là thành toàn việc tốt đẹp của đối phương, thành toàn hành động đúng đắn của đối phương. Vì vậy, ngày hôm sau cô giáo này đi chuyển tiền. Vừa lúc đó, có một người bạn nghe được việc này thì rất cảm động. Anh ấy nói: “Bạn không cần phải đi chuyển tiền, tôi sẽ giúp bạn chuyển tiền”. Anh ấy rất thân với ngân hàng. Sau khi chuyển tiền xong thì nói với cô giáo này: “Lúc nào bạn gửi lại cho tôi cũng không hề gì, tôi đã giúp bạn chuyển tiền rồi”. Cho nên, một người có hành vi tốt đẹp sẽ cảm động những người xung quanh.
Vì vậy, từ bốn góc độ này chúng ta có thể phán đoán là họ có phải chân thật biết được yêu người hay không. Có một người bạn nói là: “Thầy Thái ơi! Ngoài bốn điều này ra cần phải thêm một điều nữa, đó là ưa thích đọc sách Thánh Hiền”. Tôi nói : “Câu nói này rất có đạo lý”. Bởi vì những thái độ làm người từ chỗ nào mà học được vậy? Không phải đột nhiên mà có được, mà đều là học từ giáo huấn của Thánh Hiền mới có thể hình thành những thái độ chuẩn xác này. Khi chúng ta đã chọn đúng đối tượng rồi, tiếp theo đó là phải hoạch định, phải đạt được sự thống nhất quan điểm.
Việc lớn thứ nhất trong gia đình là phải dạy tốt con cái, nên có câu: “Chí yếu mạc như giáo tử” (không có việc gì quan trọng hơn việc dạy con). Chúng ta cùng nhau suy xét: Nếu như vợ chồng đều có địa vị xã hội rất tốt, cũng rất có tiền của, thế nhưng con cái mỗi ngày ở bên ngoài chơi bời lêu lổng thì nửa đời sau của họ có tốt hay không? Không thể nào. Không chỉ là gia đình phải dạy tốt con cái, mà đế vương của mấy ngàn năm trước cũng nhận thức được rằng việc dạy dỗ tốt đời sau là rất quan trọng. Do đó, khi họ đăng cơ thì việc quan trọng nhất là lập Thái Tử. Họ cũng hi vọng triều đại của họ có thể thịnh trị dài lâu. Mà Thái Tử chính/chánh thì thiên hạ mới có thể chính/chánh. Cho nên họ đều tìm vị thầy tốt nhất trong nước để dạy bảo con cái của họ.
Khi vợ chồng có được nhận thức giống nhau như vậy thì sẽ phối hợp rất tốt. Vì vậy, trong quan hệ ngũ luân, quan hệ vợ chồng gọi là: “Phu phụ hữu biệt” (sự khác biệt về trách nhiệm của vợ chồng). “Phu phụ” là đạo, “hữu biệt” là đức. Khác biệt ở chỗ nào? Khác biệt ở trách nhiệm. Vào thời xưa, nam quản việc bên ngoài, nữ quản việc trong nhà. Bởi vì gia đình có hai việc quan trọng: Việc thứ nhất là đời sống vật chất, việc thứ hai là đời sống tinh thần. Cho nên nam ở bên ngoài giải quyết các vấn đề đời sống, vấn đề kinh tế; nữ thì ở trong nhà lo đời sống tinh thần, giáo dục tốt con cái.
Hiện tại rất nhiều vợ chồng đều cùng nhau ra ngoài đi làm. Giáo dục con cái để cho bảo mẫu, thầy cô giáo, người giúp việc. Rất nhiều trường hợp như vậy. Do vậy, hiện tại có một danh từ mới gọi là “đại diện cha mẹ”. Như vừa rồi mới nói, rất nhiều người sau khi hết giờ đều đưa con đến gửi ở nhà giữ trẻ hoặc mời đại diện cha mẹ gì đó, hiện tượng nhờ ông bà trông cháu cũng rất nhiều. Còn có một đại diện cha mẹ được rất nhiều phụ huynh mời đến đó là truyền hình, hiện tại còn có cả vi tính.
Thưa quý vị, khi chúng ta kiếm được rất nhiều tiền, số tiền này có phải chúng ta luôn có thể giữ được bên mình hay không? Chúng ta cần hiểu rõ, có năm nhà muốn lấy tiền tài của chúng ta. Đó là thủy tai muốn tiền của chúng ta, hỏa tai muốn tiền của chúng ta, tham quan ô lại muốn tiền của chúng ta, ăn trộm, ăn cướp muốn tiền của chúng ta. Bốn loại này vẫn không đủ sức mạnh, cái sau cùng là lợi hại nhất, gọi là con cháu chẳng ra gì. Mình kiếm được tiền rất khổ cực, con cháu tiêu xài rất thoải mái. Nếu như quý vị ở bên này kiếm tiền, ở bên kia thì tiền rò rỉ đi ra, vậy thì không thể giữ được. Vì vậy, khi chúng ta dùng “đại diện cha mẹ” dạy trẻ nhỏ, đến sau cùng con cái không hiểu chuyện, quý vị có thể cả đời đều phải lo lắng, có thể sẽ bị chứng trầm cảm. Việc này sẽ rất nguy hiểm.
Hậu quả của lớp bồi dưỡng học thêm
Chúng ta hãy xem một số lớp giữ trẻ. Tôi đã từng đi sâu suy nghĩ một vấn đề, cũng đã quan sát. Trong mười em học trò đứng đầu của lớp, khoảng một nửa có đi học thêm, một nửa thì không đi học thêm. Một nửa em có đi học thêm đó, tôi quan sát thấy chúng tương đối không chuyên tâm học tập. Bởi vì nếu như hôm nay lên lớp mà chúng đã được học qua bài ở lớp học thêm rồi, thì chúng sẽ vỗ vai bạn học bên cạnh và nói: “Bài này mình đã học qua rồi, bài kia mình cũng đã học qua rồi”. Do đó, khi học trên lớp chính thức chúng không có chuyên tâm. Thật đáng lo!
Cầu học vấn quan trọng nhất chính là phải chuyên tâm chú ý. Khi chúng vừa bắt đầu có thái độ khinh mạn đối với việc cầu học thì tướng thất bại đã lộ ra rồi. Bài học đã học trước rồi thì chúng sẽ không còn chuyên tâm nữa. Nếu hôm nào lên lớp dạy bài mà chúng chưa học, chúng sẽ nghĩ thầy giáo lớp học thêm sẽ dạy cho. Tôi còn phát hiện ra rằng đêm trước khi đi thi, chúng đều sẽ ôm lấy mấy tờ giấy ra sức mà học, đó là những tờ giấy do thầy giáo lớp học thêm giúp chúng tổng kết những bài quan trọng. Chúng đi học thì ai giúp chúng học? Đều là những thầy giáo này. Tôi thấy chúng rất nỗ lực học thuộc. Sau khi thi xong rồi thì chúng lập tức nói: “Ồ! Giải thoát rồi!”. Tôi liền nghĩ chỉ cần hai – ba ngày là chúng sẽ quên hết sạch những tri thức này, không còn nhớ gì cả.
Còn những học trò khác trong số mười em đứng đầu không đi học thêm, không có phần đề cương này, thì cùng bắt cặp với nhau: “Nào! Ta cùng nhau chỉnh lý một số trọng điểm. Tôi hỏi bạn, bạn cũng hỏi tôi, xem tôi có biết hay không?”. Những học trò này đều cố gắng tự mình đánh dấu trọng điểm. Ngay trong quá trình chúng đánh dấu phần trọng điểm, chúng đã đang từng li, từng tí tích lũy năng lực học tập của chúng rồi. Có rất nhiều người suy nghĩ sai lầm, cho rằng chỉ cần tốn tiền thì sẽ có hiệu quả. Đã tốn tiền rồi nhưng cũng không cẩn trọng kiểm tra xem là trẻ nhỏ có thật sự học được hay không. Như vậy, việc thứ nhất là hiệu quả của lớp bồi dưỡng học thêm, chúng ta cần phải suy nghĩ.
Tác hại khi có người giúp việc
Việc thứ hai là người giúp việc trong gia đình. Phần nhiều người giúp việc ngay đến tiếng phổ thông cũng nói không được rõ ràng, cho nên năng lực ngữ văn và ngôn ngữ của thế hệ sau càng ngày càng thấp. Năng lực của môn ngữ văn là nền tảng của tất cả các môn học khác. Không học tốt được ngữ văn thì học các môn học khác đều sẽ rất khó khăn. Không chỉ có vấn đề về mặt ngữ văn, mà khi người giúp việc chăm sóc trẻ nhỏ, họ thường dùng thái độ như thế nào? Có phải là thái độ của cha mẹ không? Không phải. Họ xem trẻ nhỏ như là ông chủ, là hoàng đế để mà hầu hạ. Có rất nhiều người giúp việc đưa trẻ nhỏ đi ra ngoài, khi ra đến cửa thì trẻ nhỏ ngồi xuống một cái ghế nhỏ, hai chân duỗi ra, người làm giúp chúng mang vớ, mang giày. Vì vậy, năng lực đời sống của trẻ rất thấp.
Con cái như vậy, nếu như việc kinh doanh của quý vị bị thất bại thì chúng có thể sẽ chết đói. Giàu sang không thể giữ được dài lâu. Quý vị phải suy nghĩ đến việc khi trong nhà không có tiền của nhiều thì trẻ nhỏ có năng lực sinh sống độc lập hay không. Chúng ta phải có kế hoạch lâu dài. Cũng có báo cáo nói về những trẻ em ở trong những gia đình có người hầu hạ, khi đi đến trường học, thầy giáo sắp xếp chúng công tác quét dọn, chúng đàm phán với thầy giáo: “Thầy ơi! Em trả thầy tiền, thầy làm giúp em”. Trong giá trị quan của chúng, tiền có thể giúp làm tất cả mọi việc. Như vậy, người giúp việc không cách gì dùng thái độ của cha mẹ để dạy dỗ con cái của quý vị.
Hậu quả khi ông bà trông giữ cháu
Có rất nhiều trưởng bối khi làm cha mẹ thì rất có lý trí, nhưng khi làm ông nội, bà nội rồi thì: “Đứa cháu nội này vì sao mà đáng yêu đến như vậy!”, yêu chiều cháu hết mực. Như mẹ của tôi, khi bà dạy chúng tôi thì rất có nguyên tắc, rất có khuôn phép. Tôi còn nhớ được có một lần, tôi có một yêu cầu không hợp lý đối với mẹ. Mẹ tôi lấy một quyển sách ra đọc và không để ý đến tôi. Tôi liền nằm trên đất bắt đầu lăn lộn, nhất định muốn bà phải đáp ứng yêu cầu của tôi. Kết quả là mẹ tôi không hề để ý đến tôi, tiếp tục xem sách của bà. Sau đó tôi cảm thấy lăn lộn trên đất rất mệt, cũng biết được dùng tình cảm không thể đạt được mục đích, mẹ tôi không dễ dàng bị uy hiếp, tôi chính mình liền ngoan ngoãn bò dậy đi. Quý vị xem, ký ức của tôi rất sâu sắc. Cho nên giáo dục trẻ nhỏ nhất định phải có nguyên tắc rất chuẩn xác, không thể để cho trẻ nhỏ muốn gì được nấy. Yêu chúng quá làm cho chúng hư.
Quý vị xem, mẹ tôi dạy tôi tốt đến như vậy, nhưng khi có cháu ngoại thì bà lại nuông chiều, thường hay nói với tôi là: “Con không nên nghiêm khắc đối với cháu như vậy!”. Tôi cũng không nói gì. Sau đó khoảng nửa năm, bà liền nói với tôi: “Con nghiêm khắc là đúng!”, bởi vì đứa cháu ngoại này đã trèo cả lên trên đầu của bà. Bởi vậy, để ông bà trông cháu thì hiệu quả đều không tốt, ông bà sẽ nuông chiều cháu. Con cái vẫn là chính mình dạy bảo thì tương đối bảo đảm.
Tác hại của truyền hình và vi tính
Truyền hình và vi tính càng không cần phải nói, cái học được đều là tham – sân – si – mạn. Chúng ta xem thấy được rất nhiều trẻ nhỏ có lời nói đều là ngạo mạn vô lối, rất thô tục. Việc này có khi không phải học được từ cha mẹ mà đều là học từ truyền hình và vi tính. Truyền hình và vi tính là một loại thôi miên hiệu quả. Quý vị có phát hiện thấy người xem truyền hình dường như hoàn toàn cách biệt với thế gian hay không? Người bên cạnh có gọi thế nào cũng không ích gì. Vì sao vậy? Bởi vì sóng từ và sóng bức xạ của truyền hình sẽ làm cho não của quý vị giống như đang ở trong một căn phòng hoàn toàn cách ly với thế giới bên ngoài trong suốt 96 giờ đồng hồ vậy. Do đó, xem truyền hình càng nhiều thì sẽ càng không biết suy nghĩ. Quý vị xem, tại vì sao rất nhiều sản phẩm đắt tiền đều muốn quảng cáo trên truyền hình, đều tốn một khoản tiền rất lớn để quảng cáo? Bởi vì người xem truyền hình thì không có lý trí, xem thấy kem SK-II khi thoa lên lập tức sẽ bóng đẹp, nhìn vào sẽ mê người, liền lập tức đi mua. Truyền hình đối với não của trẻ nhỏ có ảnh hưởng sâu xa. Việc này đều đã có chứng minh của khoa học.
Trên trang mạng (website) “Đại Phương Quảng” chúng ta có một bài báo gọi là: “Những đứa trẻ do truyền hình nuôi lớn”, mọi người có thể xem thử. Khoa học đã nghiên cứu ra, truyền hình có sức ảnh hưởng rất không tốt đối với trẻ nhỏ.
Vì thế, chúng ta hiểu rõ được rằng giáo dục con cái vẫn phải dựa vào chính mình mới có thể chắc chắn được, bởi vì sự trưởng thành của trẻ nhỏ không thể nào lặp lại được lần thứ hai. Bây giờ có người bảo là quý vị phải tự mình dạy bảo con cái, quý vị có làm được hay không? Quý vị nói: “Thầy Thái ơi! Nhân tại giang hồ, thân bất do kỷ” (sống trong thế gian, có những việc không thể thuận theo ý của mình được). Quý vị nói ra tôi đều thừa nhận.
Chúng ta hãy suy nghĩ vấn đề thứ nhất, chính là vấn đề kinh tế. Người thông thường đều sẽ cảm thấy, hai người nếu không cùng nhau kiếm tiền thì sẽ đói chết. Quý vị thấy chúng ta đều có rất nhiều lập trường giả thuyết. Ở vào thời đại của ông tôi, chỉ có chồng ra ngoài kiếm tiền, hơn nữa còn sinh ra bảy, tám người con. Họ có chết đói không? Không có. Hiện tại chúng ta mới nuôi có một đứa mà phải hai người kiếm tiền, lại sợ chết đói. Vấn đề ở chỗ nào? Vấn đề ở chỗ không nắm được thái độ trị gia rất then chốt là “cần kiệm”. “Kiệm vi trị gia căn” (kiệm là gốc trị gia), chỉ cần “cần kiệm”, không tiêu xài hoang phí, thì một người kiếm tiền đã đủ cho người trong nhà dùng rồi. Hơn nữa, một người kiếm tiền, người trong nhà dùng sẽ rất cần kiệm, từ nhỏ đã cho trẻ nhỏ thái độ rất cần kiệm. Quý vị giúp cho trẻ nhỏ có thái độ vững vàng, thì chúng sẽ không trở thành nô lệ của vật chất.
****************
Đệ Tử Quy giảng giải– Con Đường Đạt Đến Nhân Sinh Hạnh Phúc (tập 4)
Người giảng: Thầy Thái Lễ Húc
Giám định: Lão Hòa thượng Tịnh Không
Giảng ngày: 15/02/2005
Cẩn dịch: Ban phiên dịch Tịnh Không Pháp Ngữ
Giám định phiên dịch: Vọng Tây Cư Sĩ
Biên tập: Ban biên tập Tịnh Không Pháp Ngữ