Giảng Giải Thái Thượng Cảm Ứng Thiên (T.93)

Thái Thượng Cảm Ứng Thiên Giảng Giải

Cảm Ứng Thiên Chủ giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Giảng từ ngày 11/05/1999 đến 20/04/2000
Giảng tại Singapore, Australia, Hồng Kông.
Tổng cộng 195 Tập (AMTB), Bộ dịch gộp 128 Tập 

Chuyển ngữ: Ban biên dịch Tịnh Không Pháp Ngữ
Giám định biên dịch: Vọng Tây Cư Sĩ

Các vị đồng học, xin chào mọi người! Hôm nay chúng ta vẫn tiếp tục trả lời các vấn đề của các đồng tu.

Vấn đề thứ nhất, vị này hỏi là thể nghiệm thấy việc dụng công học Phật có ma chướng, là sự việc vô hình, xin hỏi sư phụ đến lúc nào thì ma mới rời đi, không chướng ngại chúng ta nữa? Ma chướng là nhất định có, ma từ đâu mà có vậy? Bạn nói đây là việc vô hình, vô hình có hai chữ, nói cách khác, bạn không nhìn thấy, bạn cũng không nghe thấy, bạn cũng không tiếp xúc được, nhưng nó thật sự gây ra chướng ngại cho bạn. Một loại ma là từ chính mình mà ra. Trong Kinh Bát Đại Nhân Giác Thế Tôn đã nói với chúng ta, ma có bốn loại lớn. Ngũ ấm ma, phiền não ma là từ trong ý thức của bản thân chúng ta mà sản sinh ra. Đây thuộc về nghiệp chướng, chính là từ vô lượng kiếp đến nay chúng ta đã tự tạo ra rất nhiều nghiệp bất thiện nên mới có hiện tượng này. Đây là 50 loại ấm ma mà Kinh Lăng Nghiêm đã nói, 50 loại này phân phối ở trên “sắc, thọ, tưởng, hành, thức”, mỗi một cái Phật nói 10 loại, tổng cộng là 50 loại, đều là thuộc về bên trong. Loại thứ hai là oan gia trái chủ, việc này là thuộc bên ngoài, oan thân trái chủ là từ đâu mà đến? Cũng chính là chúng ta từ đời đời kiếp kiếp trước đã kết oán thù với vô vàn chúng sanh, sự việc này rất phiền phức, số lượng rất nhiều, không cùng tận. Lần trước, chính là mấy ngày trước, Pháp sư Minh Hư nói với tôi, ông nói lão Hòa Thượng trên núi của ông có định công, những thứ trong thế giới vô hình ông có thể nhìn thấy được, những gì ông nhìn thấy chính là oán thân trái chủ của mỗi một người đều xếp thành hàng rất dài, không thể nào nhìn thấy được người đứng ở cuối hàng. Những lời này tôi suy nghĩ thấy có thể tin được. Trong đời này thôi đã không biết là kết oán với bao nhiêu chúng sanh rồi, huống gì đời đời kiếp kiếp vô lượng kiếp đến nay, bạn làm sao lại không có oán thân trái chủ chứ? Khi bạn tu hành chưa có công phu thì họ không có gì để nói, những người này sẽ đợi bạn. Khi bạn đang thời vận tốt, họ không đến, nhưng khi thời vận của bạn suy rồi, họ sẽ đến gây phiền phức, sẽ đến báo thù. Do đây có thể biết, đời người tại thế gian này nhất định không nên gây thù chuốc oán với chúng sanh, được vậy thì xem như bạn rất thông minh, bạn nhất định phải có sự cảnh giác cao độ. Cho dù gặp phải một số việc không như ý thì cũng phải có công phu nhẫn nại, quyết không khởi tâm oán hận, hóa giải oán thù này, “oan gia nên giải không nên kết”, kết oán thù không có gì tốt cả, sau cùng vẫn là tự gây phiền phức cho chính mình. Cái phiền phức này đời đời kiếp kiếp không ngừng dứt, vô cùng đáng sợ. Đời người tại thế gian này rất ngắn tạm, có gì mà phải trở ngại gây khó khăn với nhau chứ? Phật ở trong kinh nói rất hay, “phàm sở hữu tướng giai thị hư vọng”, “vạn pháp giai không nhân quả bất không”. Cho nên cần phải buông xuống, không nên chấp trước, vậy thì ma chướng của bạn liền ít đi. Trước mắt khi chúng ta dụng công, gặp phải những cảnh giới này, Phật cũng dạy chúng ta làm thế nào để giải quyết những vấn đề này. Kinh Lăng Nghiêm nói rất hay, khi cảnh giới hiện tiền, không nên để ý nó, cứ công phu miên mật như vậy, không để gián đoạn thì ma sẽ rời xa thôi. Bất luận là ma dùng phương thức gì đối với bạn mà bạn có phản ứng vậy thì thế lực của ma sẽ lớn, bạn không có phản ứng thì nó liền đi mất, vì nó dùng pháp thuật này đối với bạn không có hiệu quả. Tôi năm xưa ở San Francisco, có một tỳ-kheo ni xuất gia bị một người ngoại đạo dùng pháp thuật, sau khi tiếp xúc với người này trở về thì cảm thấy trong người không được khỏe, bị đau đầu. Vào lúc này bà nhận được một cú điện thoại, người ấy nói “Bà hiện tại có phải đang đau đầu hay không?” Bà lập tức cảnh giác được người ta đang dùng pháp thuật với mình, bà liền trả lời “đâu có đâu có, tôi đang rất khỏe, rất bình thường mà”, pháp thuật của người ấy liền không linh nghiệm nữa. Cho nên, nếu bạn không tiếp nhận thì họ đành phải đi thôi, bạn mà tiếp nhận thì sẽ khởi tác dụng. Cho nên Kinh Lăng Nghiêm nói, khi cảnh giới hiện tiền, bạn mặc kệ nó là cảnh giới tốt, bạn mà quan tâm để ý nó thì thành cảnh giới ma. Cho nên đều không thể sanh ý niệm, căn bản là không để ý đến, vậy thì tốt. Không những không để ý đến cảnh giới ma mà cảnh giới Phật cũng không nên để ý. Nếu bạn thường hay ưa thích cảnh giới Phật thì ma sẽ biến cảnh giới Phật ra để dụ hoặc bạn, để lừa gạt bạn, bạn liền bị mắc lừa. Cho nên dù Phật cảnh hay ma cảnh thì hết thảy đều không để ý, nhất định y theo giáo huấn của kinh điển mà dụng công cho thật tốt.

Có một vị tiểu bằng hữu tên là Hoằng Khải, 15 tuổi, cậu bé nói suốt bốn năm cả ngày niệm Phật, lên lớp, đi học đều niệm, đi ngủ cũng niệm, thức dậy cũng niệm, ngày đêm đều như vậy. Xin thỉnh Sư phụ khai thị cho con là nên niệm Phật như thế nào? Con niệm như vậy là rất tốt, quan trọng là phải đọc kinh nhiều nữa, đọc thêm nhiều một chút, hiểu được nghĩa thú kinh điển thì công phu niệm Phật như vậy sẽ càng đắc lực, càng tốt hơn.

Còn đây là Vương cư sĩ ở Bắc Kinh, cha của ông đã niệm Phật vãng sanh ngày 13 tháng 12, hôm nay có mang đến một ít linh cốt, muốn cúng dường cho thôn Di Đà và Singapore, việc này hãy thỉnh giáo với cư sĩ Lý Mộc Nguyên của Cư Sĩ Lâm, xem có thể cúng tại niệm Phật đường lầu ba của Cư Sĩ Lâm hay không. Ở lầu ba họ đang cúng bài vị, hỏi xem là có được cúng tro cốt hay không? Bạn cứ đi hỏi ông, tôi không rõ lắm, tình hình này tôi không được rõ cho lắm, hãy đi hỏi ông ấy.

Còn vị đồng tu này hỏi là anh có một vấn đề là anh thường gặp một số người học Phật, vừa mở miệng liền nói hết thảy đều tùy duyên, lời nói thì không sai nhưng vấn đề là trong trường hợp nào thì gọi là tùy duyên? Trong tình huống như thế nào thì không thể tùy duyên? Có người tham sân si rất nặng, đây có phải là cũng có thể tùy duyên? Đại khái là hỏi như vậy, bạn nêu ra vấn đề này rất hay. Nhà Phật thường nói, “từ bi làm gốc, phương tiện làm cửa”, phương tiện chính là tùy duyên. Bồ-tát Phổ Hiền đã dạy chúng ta, “hằng thuận chúng sanh tùy hỷ công đức”, đều là tùy duyên, tùy duyên phải có trí huệ, không thể tùy theo tình cảm, tùy thuận tình cảm thì đã đi ngược lại rồi. Cho nên nhà Phật có một câu nói, “từ bi đa họa hại, phương tiện xuất hạ lưu”. Nếu như từ bi phương tiện là tùy theo phiền não tập khí của chính mình thì nhất định là đọa lạc, vậy là sai lầm rồi, nhà Phật nói từ bi tùy duyên là trí huệ. Cho nên mấy ngày trước tôi đã giảng nói với mọi người đề tài “cách niệm Phật như thế nào”, đã nói với các vị đồng học Cát Lâm. Căn bản của Phật pháp là dụng tâm, dùng cái tâm như thế nào để hành từ bi, dùng cái tâm như thế nào để tùy duyên, việc này rất quan trọng. Chư Phật Bồ-tát dùng tâm chân thành, tâm thanh tịnh, tâm bình đẳng, tâm chánh giác, tâm từ bi để tùy duyên. Phổ Hiền Bồ-tát dạy chúng ta nhất định không phải là tình cảm, không phải là phiền não, bạn có thể phân biệt rõ ràng thì bạn liền hiểu được trong trường hợp nào thì có thể tùy duyên, trong trường hợp nào thì không thể tùy duyên. Mười nguyện Phổ Hiền đã dạy chúng ta “lễ kính” là tùy duyên, “bố thí cúng dường” là tùy duyên, nhưng “tán thán” thì không phải tùy duyên. Tán thán thì phải xem đức hạnh của con người này, là thiện thì chúng ta tán thán họ, là bất thiện thì chúng ta không tán thán họ, tuy không tán thán nhưng vẫn lễ kính. Cúng dường là cúng dường những gì cần thiết cho cuộc sống, họ không có cái ăn, không có cái mặc, chúng ta cúng dường y thực, đây gọi là tùy duyên, nhất định không có phân biệt chấp trước. Nếu như cúng dường tiền tài vậy thì phải xem họ dùng vào việc gì, nếu họ làm việc tốt thì có thể cúng dường, nếu họ làm việc xấu thì không thể cúng dường. Nếu họ đem tiền để đi hưởng thụ, ăn uống thì bạn cúng dường họ là giúp họ tạo tội nghiệp. Học Phật thì phải có trí huệ, không thể làm việc bằng tình cảm, điểm này chúng ta phải đặc biệt chú ý.

Vị đồng học này hỏi, anh có bốn vấn đề, vấn đề thứ nhất là hiện tại Trung Quốc Đại Lục có rất nhiều người luyện khí công đều tự xưng là Phật gia công, thậm chí những vị đại sư khí công này tự xưng là vua của vũ trụ, là vị Phật Bồ-tát nào đó tái lai, đến độ chúng sanh khổ nạn ở thế gian này. Có rất nhiều người luyện công đều tham luyến ở trong đây, họ cũng niệm Phật, nói đây chính là Phật pháp, chúng ta làm đệ tử Phật thì phải đối diện với họ như thế nào ạ? Việc này với “đa nguyên văn hóa và hòa mục chủng tộc” mà Pháp sư nói có liên quan hay không? Không liên quan, những việc này là ma đạo, đây không phải là Phật, đây là ma, đây là yêu ma quỷ quái mà nhà Nho hay nói, lừa gạt chúng sanh, nhiễu loạn xã hội. Ngày nay xã hội có rất nhiều thiên tai nhân họa, chính là do họ dẫn dắt đến, đây là một sự việc vô cùng đáng sợ. Sự việc này nếu như cứ tùy thuận mà phát triển thì tương lai của đất nước của dân tộc sẽ rất đáng thương, rất bi thảm. Khi tai nạn đến thì những người này cũng sẽ theo đó mà tiêu tan. Tôi còn nhớ lúc trước lão cư sĩ Hoàng Niệm Tổ đã nói với tôi, lão sư của ông là Hạ Liên Cư trước khi vãng sanh đã nói, cũng chính là nói đến thời đại này của chúng ta. Ngài nói năm Thân, năm Nhâm Thân vừa rồi, đến năm thân kế tiếp, Năm Thân kế tiếp là năm 2004, Ngài nói trong 20 năm này, thế lực của ma là mạnh nhất. Ma chính là chỉ cái này, thế lực của họ mạnh nhất, nhiễu loạn xã hội. Trong khoảng thời gian này thế giới có đại tai nạn. Họ không phải đến để cứu thế gian, mà họ đến để làm khổ người thế gian, đem đến cho người thế gian không phải là phước mà là họa, là tai ương. Chúng ta nên biết, chúng ta hiểu rồi thì cứ tự lão thật niệm Phật là được, nhất định không có vị Phật hay Bồ-tát nào xuất hiện tại thế gian này. Đây là sự việc mà các vị đồng tu hãy ghi nhớ cho kỹ, vị tôn Phật kế tiếp xuất thế là Phật Di Lặc. Thích-ca Mâu-ni Phật ở trong kinh điển đã nói với chúng ta, Phật Di Lặc khi nào mới đến vậy? 5.670.000.000 năm nữa. Pháp vận Phật pháp của Thế Tôn là 12.000 năm, chánh pháp 1.000 năm, tượng pháp 1.000 năm đã qua rồi, hiện tại là mạt pháp, mạt pháp là 10.000 năm, hiện tại cũng đã trôi qua 1.000 năm luôn rồi, còn 9.000 năm nữa, đây là thời mạt pháp của Thế Tôn, nhất định sẽ không có vị Phật nào xuất thế. Nếu như nói là vị Phật Bồ-tát nào đó tái lai vậy thì đó là kẻ đại lừa gạt. Nhà Phật có một quy củ, nếu như bạn nói là Phật nào đó tái lai, Bồ-tát nào đó tái lai thì sẽ lập tức tọa hóa, liền nhập Bát Niết Bàn ngay, vậy thì đó là thật. Nếu như bạn nói rồi mà không chịu đi, vậy thì bạn là kẻ lừa gạt, nói rồi lập tức phải đi thì đây là thật. Trong lịch sử Trung Quốc chúng ta thấy có Vĩnh Minh Diên Thọ là A Di Đà Phật tái lai, lời người ta vừa nói ra thì Ngài liền ngồi xuống và diệt độ. Quốc vương đến thăm ngài, nói có A Di Đà Phật đang ở đây, muốn đến thăm Ngài thì Ngài đã đi mất. Bố Đại hòa thượng là Bồ-tát Di Lặc tái lai, Ngài tuyên bố với mọi người Ngài là hóa thân của Bồ-tát Di Lặc, nói xong liền đi ngay, đây là thật. Nếu nói xong mà không đi thì là giả, là lừa gạt. Cho nên về sau khi gặp lại, họ nói họ là Phật gì đó tái lai thì bạn hỏi vì sao họ không nhập Bát Niết Bàn? Những thí dụ của người xưa về sự ứng hóa của các vị Phật Bồ-tát đều như thế cả, vậy thì bạn khác với các Ngài rồi, bạn khác thì bạn là giả rồi, bạn không phải là thật. Cho nên việc này chúng ta phải rõ ràng, phải làm cho minh bạch. Trong nhà Phật không hề có khí công. Luyện khí công thì Phật giáo Tây Tạng có, Lạt Ma Tây Tạng có luyện khí công, nhưng trong Hiển Giáo Trung Quốc thì nhất định không có khí công, việc này bạn phải biết.

Vấn đề thứ hai, con nghe nói khi [người] vừa có thai thì thần thức đã nhập vào đầu thai rồi, vậy việc này có mâu thuẫn với việc Pháp sư nói về năm hồn ma đi đầu thai làm heo không? Không có mâu thuẫn, đầu thai có hai loại hiện tượng. Một loại là khi thụ thai thì đã nhập vào đầu thai, còn năm hồn ma kia thì không phải, năm hồn ma đó đến đầu thai làm heo gọi là đoạt thai, trong thế giới con người chúng ta cũng có, nhưng sự việc như vậy rất ít. Đoạt thai là gì vậy? Khi người mẹ bắt đầu có thai, trong thai là một thần thức khác, mang thai đều là do bốn cái duyên, báo ân, báo oán, đòi nợ, trả nợ, đại khái đều là đến để đòi nợ. Nếu đòi nợ ít thì nó khiến cho người mẹ mang thai suốt 10 tháng chịu một ít khổ nhọc, đại khái là có một chút ân oán nhỏ như vậy mà thôi. Khi vừa sinh ra thì nó liền chết, nó liền đi mất, vào lúc này có một thần thức khác đoạt lấy thân thể này của nó, thần thức của nó đã đi rồi, thần thức khác liền nhập vào, đây là đoạt thai. Thần thức đoạt thai này không trải qua cái khổ của 10 tháng trong thai, nên người này hoàn toàn nhớ rõ sự việc ngay đời trước của mình, họ có thể nhớ lại được, nên mới có người vừa sinh ra thì nhớ lại được sự việc của đời trước, đó là thuộc về đoạt thai. Sự việc như vậy có, nhưng cũng không nhiều, trong đường súc sanh cũng có sự việc như vậy, giống như 5 con heo này là bị đoạt thai, những con heo này sẽ nhớ rất rõ sự việc của nó đời trước.

Vấn đề thứ ba “thế nào là ác hữu? Thí dụ như trong số bạn hữu đồng tu, có người nói với mọi người là có một vị Thượng sư Mật tông ở nơi nào đó đến đây để quán đảnh cho mọi người, mời mọi người mau mau đến đó, hoặc ở đâu đó có một vị Pháp sư đến, vị Sư phụ đó đang hóa duyên xây đạo tràng, mời mọi người nhanh chóng đến đó để làm công đức, cách làm này có phải gọi là ác hữu hay không?”. Tiêu chuẩn của ác hữu không phải là ở chỗ này, mà có sự tổn hại đối với bạn thì mới gọi là ác hữu, đối với bạn có chỗ lợi ích thì gọi là thiện hữu, đây mới là tiêu chuẩn thiện ác. Nếu như bạn chuyên tu pháp môn Tịnh Độ mà gặp phải một đồng tham đạo hữu khuyên bạn đi học Mật tông, đây thật sự là ác hữu, vì sao vậy? Vì đã phá hoại sự chuyên tu của bạn rồi. Một nơi nào đó muốn xây đạo tràng, hóa duyên xây đạo tràng, đạo tràng đó xây dựng xong mà chân thật có đạo thì sự bố thí của bạn là có công đức thật sự. Nếu như đạo tràng này xây xong mà không có đạo vậy thì người đến khuyên bạn, người hóa duyên bạn đó là ác hữu. [Nếu đạo tràng có] người chân thật có đạo có tu, họ đến khuyên bạn thì đó là thiện hữu, cho nên phải xem kết quả, phải xem cho rõ ràng, xem cho minh bạch. Hiện tại việc xây đạo tràng vô cùng khó khăn, khó khăn ở chỗ nào? Khó ở chỗ con người, ngày trước lão cư sĩ Lý Bỉnh Nam thường hay nói với tôi, khi xây dựng đạo tràng, đạo tràng vẫn chưa xây xong, mọi người đang xây dựng thì mỗi người đều vô cùng nhiệt tình, ra tiền ra sức, ai ai cũng là Bồ-tát, nhưng sau khi đạo tràng xây xong rồi thì bắt đầu tranh quyền đoạt lợi, ai ai cũng biến thành La sát, những lời này vô cùng có đạo lý. Tôi năm xưa ở Đài Loan, Đài Loan khi đó có một Thiền Lâm Tự xây dựng rất lớn, có mời tôi đến giảng kinh. Vì thấy đó là Thiền Lâm Tự nên tôi đã giảng Thiền Lâm Bảo Huấn, giảng chưa được nửa tháng thì thường trú ở đó đánh nhau, tôi đành trở về, về đến Đài Trung báo cáo với Lý lão sư, tôi hỏi phải làm sao đây, bộ kinh đó con chưa giảng xong. Thôi được rồi, không cần giảng nữa. Đạo tràng này khi xây dựng thì mỗi một người thật sự là tận tâm tận lực, thật sự là Bồ-tát, sau khi xây xong rồi thì đều nói tôi đã bỏ ra số tiền là bao nhiêu bao nhiêu đó, cho nên phải để tôi làm chủ, còn tôi thì bỏ ra bao nhiêu tiền. Vị trí hòa thượng trụ trì thì họ không dám tranh giành, vì là sư phụ của họ, nhưng các đồ đệ bên dưới đã đi hóa duyên, xem người nào bỏ ra bao nhiêu tiền thì muốn được chức vụ gì trong đó. Ngày ngày tranh nhau, ngày ngày mắng nhau, đến ngày nào đó thì đánh nhau, cho nên nói đó là đạo tràng đấu tranh. Phật nói không sai, thời kỳ mạt pháp đấu tranh kiên cố, tôi xem thấy tình hình như vậy mà không khỏi giật mình, cả đời không còn có ý niệm muốn xây đạo tràng nữa, không có đạo tràng thì ai ai cũng là Bồ-tát, có đạo tràng thì đều trở thành La sát. Chúng tôi ngày nay tại Hồng Kông không có đạo tràng, thuê một nơi để giảng kinh, mọi người đều hòa thuận chung sống, rất tốt. Nếu như tôi ở nơi đó đi xem vài địa điểm để mua, mua để xây đạo tràng thì người ở đó liền tranh giành, chỉ cần đi xem vài căn nhà, vẫn chưa mua thì đã bắt đầu tranh rồi. Vậy tôi còn cảm động được sao, không thể cảm động được, những người tranh giành này đều là ma, là La sát, phá hoại Phật pháp. Chúng tôi tại Hồng Kông hy vọng có một đạo tràng không gì ngoài việc muốn có nơi để giảng kinh niệm Phật lâu dài, nhưng hành vi của họ đã khiến chúng tôi chùn bước, họ phá hoại đạo tràng, tội này nếu chiếu theo giới luật mà nói thì đọa A-tỳ địa ngục. Bạn đang chướng ngại Phật pháp, phá hoại Phật pháp, bạn không phải thành tựu Phật pháp. Nhưng do họ đã có ý niệm này, đã biểu hiện hành vi này rồi, nên tôi không tiếp tục làm nữa, để tội này của họ nhẹ bớt, thời gian đọa địa ngục sẽ ngắn đi một chút. Nếu như tôi thật sự ở nơi đó xây đạo tràng thì bạn sẽ đọa địa ngục vĩnh kiếp không thể ra khỏi, phải hiểu đạo lý này.

Làm sao để xin được tư liệu của đạo tràng cư sĩ Liêu ở Đài Loan? Sự việc này không khó, bạn viết thư hỏi xin ông là được rồi, ông sẽ gửi cho bạn.

Phía sau vẫn còn một câu hỏi, chúng sanh vốn dĩ là Phật, chỉ vì bị tham sân si ô nhiễm mà thành phàm phu, câu nói này có đúng hay không? Nếu câu nói này là thật vậy nếu chúng ta thành Phật rồi thì tương lai có phải bị biến thành phàm phu nữa hay không? Bạn hỏi câu này rất hay, câu hỏi này tôi không trả lời bạn, vì Thích-ca Mâu-ni Phật đã trả lời vấn đề này rồi. Trong Kinh Lăng Nghiêm quyển thứ tư, tôn giả Phú Lâu Na đã hỏi một vấn đề giống như bạn đã hỏi. Bạn hãy xem Thích-ca Mâu-ni Phật đã trả lời như thế nào, là Kinh Lăng Nghiêm quyển thứ tư.

Còn có một đồng tu hỏi một vấn đề, anh hỏi bất luận là niệm như thế nào thì vọng tưởng vẫn cứ nổi lên, cứ tiếp tục như vậy đến khi lâm chung có người trợ niệm mà có thể đề khởi được câu Phật hiệu thì có thể vãng sanh được không? Có thể vãng sanh hay không nhất định là ở lòng tin của chính mình, niệm Phật mà vẫn khởi vọng niệm như cũ, đây là hiện tượng bình thường, nếu như niệm Phật mà vọng niệm đều không có, vậy thì bạn không phải là phàm phu nữa rồi, bạn là Phật Bồ-tát tái lai, còn phàm phu thì nhất định là không làm được. Cho nên không nên lo sợ, vọng niệm cứ việc cho nó khởi, còn Phật thì cứ lão thật mà niệm, không chướng ngại sự, chỉ chăm lo câu Phật hiệu, không nên lo đến vọng niệm, vậy thì tốt. Không nên nghĩ đến vọng niệm, không nên lo vọng niệm nhiều, chỉ cần bạn không chăm chú đến nó thì vọng niệm sẽ dần dần giảm bớt đi, công phu sẽ dần dần được đắc lực. Hầu hết mọi người niệm Phật mà công phu không được đắc lực, chính là không buông bỏ vọng niệm, cứ thường nghĩ đến vọng niệm của tôi nhiều như vậy, càng nghĩ càng nhiều, càng chăm chú thì nó càng nhiều, vậy vọng niệm sao có thể đoạn dứt được? Căn bản không để ý đến, vậy thì vọng niệm đó sẽ càng ngày càng ít, công phu tự nhiên liền đắc lực, việc này rất quan trọng. Chỉ cần lão thật niệm, nhất định sẽ được oai thần bổn nguyện của A Di Đà Phật gia trì.

Vị cư sĩ này hỏi là mong Pháp sư khai thị một chút, công việc phục vụ ở phòng phát hành và niệm Phật ở niệm Phật đường thì công đức có như nhau hay không? Có thể nói là như nhau mà cũng có thể nói là không như nhau. Vấn đề ở chỗ là bạn dụng tâm như thế nào, nếu bạn làm việc ở phòng phát hành mà thật sự giống như Kinh Kim Cang nói “lìa hết thảy tướng, tu hết thảy thiện” thì công đức sẽ như nhau, không khác nhau. Nếu không tương ưng với những gì Phật đã nói vậy thì khác, việc này bản thân phải dụng công. Nếu chúng ta ở bất kỳ trường hợp nào đều vì đại chúng phục vụ, chỉ cần tâm địa thanh tịnh, nhiệt tâm giúp đỡ người khác, công đức này cùng với việc niệm Phật là như nhau.

Thưa các vị đồng học, ngày mai là ngày 29, khách quý từ các nơi đến tham dự lễ cầu chúc hòa bình thiên niên kỷ mới của chúng ta cũng dần dần bắt đầu đến nơi đây. Kể từ ngày mai chúng ta phải dùng tất cả tinh thần của mình để tiếp đón khách, đại khái có khoảng hơn 300 người. Cho nên bắt đầu từ ngày mai cho đến ngày mùng 2 tháng sau, việc giảng kinh ở nơi này của chúng ta sẽ tạm ngưng lại, tạm ngừng lại 5 ngày, đến ngày mùng 3 sẽ giảng trở lại, xin mọi người lượng thứ cho. Tôi nghĩ đồng tu Tịnh Tông Học Hội và Cư Sĩ Lâm của chúng ta trong những ngày sắp tới sẽ rất bận rộn. Cục tôn giáo Trung Quốc cũng đến đây, hiệp hội Phật giáo và các lãnh đạo địa phương cũng sẽ đến, cả một số đại đức trong Phật giáo họ cũng muốn đến tham quan chín đại tôn giáo của Singapore. Cho nên chúng tôi cũng sắp xếp thời gian đưa họ đi tham quan. Hôm qua cư sĩ Lý Mộc Nguyên đã nói với tôi hôm qua chín đại tôn giáo lại mở một ngày hội nữa vô cùng sôi động, mọi người đều rất hoan hỷ với hoạt động lần này. Những nghị quyết này sang năm vẫn tiếp tục làm, sang năm làm ước chừng có khoảng 10.000 người. Năm nay chúng ta tổ chức đã hơn 6.000 người rồi, sang năm có thể sẽ hơn 10.000 người, hoạt động này đã hình thành rồi. Nghị quyết của chín tôn giáo lớn là muốn tín đồ của tất cả tôn giáo đều có thể tham dự, kinh phí dự trù sang năm sẽ do tất cả tôn giáo cùng nhau đóng góp. Tôi nghe nói họ tổ chức một số hoạt động nhằm gây quỹ, vậy rất tốt, những hoạt động này hình thành mọi người thích thú như vậy, tôi cảm thấy rất có ý nghĩa. Hơn nữa đối với sự an định hòa bình của thế giới xác thực là có ảnh hưởng, đây là việc tốt. Chúng ta xưa nay tuân thủ theo giáo huấn của người xưa là “chỉ mở ra phong khí chứ không muốn làm thầy”. Chúng ta không làm người dẫn đầu, chúng ta khai mở phong khí, sau khi phong khí đã được khai mở rồi thì để người khác đến làm, chúng ta chỉ ở bên cạnh giúp đỡ, toàn tâm toàn ý giúp làm tốt những sự việc này.

Hôm nay một vị đồng học có sáu câu hỏi, tôi sẽ trả lời trước. Trước khi anh tĩnh tọa niệm Phật, đều đọc thầm Kinh A Di Đà một lần, đọc chú vãng sanh ba lần, tiếp đó đọc thầm thánh hiệu A Di Đà Phật, cảm thấy tương đối có sự đắc lực. Nhưng đại đa số tình huống khi niệm thầm Kinh A Di Đà một biến, kinh còn chưa tụng xong thì tự động đã đổi thành niệm sáu chữ hồng danh, rõ rõ ràng ràng, không nhanh không chậm, trầm tĩnh nhẹ nhàng, Phật hiệu lúc này là tự đề khởi, loại niệm Phật này có phải là “bất niệm tự niệm” mà trên sách đã nói hay không? Không phải vậy, không phải là “bất niệm tự niệm”, việc này không nên hiểu lầm, đây là công phu niệm Phật của bạn vừa mới được đắc lực, là một hiện tượng tốt. “Bất niệm tự niệm” công phu đó rất cao, bạn còn cách nó rất xa, rất xa. Cái “bất niệm tự niệm” này giống như chúng ta đi học vậy, giống như học lớp tiến sĩ vậy, còn chúng ta hiện nay là đang học lớp mẫu giáo, không thể đạt được cảnh giới đó đâu, chân thật đạt đến cảnh giới “bất niệm tự niệm” thì bạn sẽ không hỏi tôi câu hỏi này, tâm của bạn hoàn toàn thanh tịnh, hơn nữa đích thực là một vọng niệm cũng đều không có. Bạn hiện tại vẫn còn có vọng niệm, vẫn còn nghi hoặc, vẫn còn đến hỏi tôi, vậy thì công phu của bạn vẫn chưa đạt đến đó. Thế nhưng đó là cảnh giới tốt, loại cảnh giới này dường như người niệm Phật đều có cả, đều đã từng trải qua, đều có cảnh giới này. Hy vọng cảnh giới này có thể duy trì được thì tốt, nhưng cũng không nên chấp trước vào tướng, không nên quá áp chế, dồn hết tâm trí chấp trước tướng thì sẽ gây ra phiền phức, gọi là ma chướng hiện tiền, bạn không để ý đến nó là được. Trước khi niệm Phật mà niệm một bộ kinh, mục đích là định tâm, cho nên phải nhất tâm xưng niệm, Kinh Vô Lượng Thọ đã dạy chúng ta nhất hướng chuyên niệm, nhất tâm vào một phương hướng, như vậy mới có thể đạt được hiệu quả. Cho nên thông thường đại chúng ở cùng nhau, khi niệm Phật thường tụng một quyển kinh, niệm chú vãng sanh ba lần, là để tâm định trở lại, cái công phu này tương đối dễ đắc lực. Nếu như tâm rất thanh tịnh, không có tạp niệm, vậy thì kinh và chú đều không cần phải niệm nữa, cho nên tác dụng của nó là ở chỗ này.

Vấn đề thứ hai, khi niệm Phật được thanh tịnh, đột nhiên tự động lưu xuất ra một đoạn kinh văn của Kinh A Di Đà hoặc là kinh văn của Đại kinh, hoặc một đoạn của chú Đại Bi, lúc này nên tùy thuận theo tự nhiên là thuận theo đoạn kinh văn lưu xuất ra mà đọc theo rồi sau đó niệm Phật? Hay là khi phát hiện lúc niệm Phật mà lưu xuất ra kinh văn thì phải lập tức ngưng lại và đề khởi Phật hiệu? Tôi hiểu ý của bạn hỏi, ở trong tình huống như vậy phải nên chuyên tâm chú ý ở trên câu Phật hiệu, kinh văn cứ mon men xuất hiện thì đây là một loại tạp niệm, không để ý đến nó là được, nó khởi dậy thì cứ mặc nó, khởi lên là kinh văn cũng được, khởi lên là ý niệm khác cũng được, đều không nên quan tâm tới nó, cứ chuyên chú vào câu Phật hiệu, thời gian lâu rồi thì công phu sẽ đắc lực, loại tình hình này sẽ không còn nữa. Đây là công phu niệm Phật của bạn không chế phục được tập khí, đều là tập khí phiền não, cho nên mới có hiện tượng này.

Vấn đề thứ ba, khi tọa thiền niệm Phật cảm thấy như nhập được vào cảnh giới, lúc này trên đỉnh đầu như có ánh sáng mãnh liệt của mặt trời đang chiếu vào, trên thực tế thì ánh sáng mặt trời của ngày hôm đó cũng là như vậy, ánh sáng quá mạnh cho nên mở mắt ra thì cũng phải nhắm mắt lại liền, là một loại ánh sáng rất mạnh giống như mặt trời. Xin hỏi Sư phụ loại ánh sáng này là Phật quang hay là ma quang? Nếu bạn không để ý đến nó thì sẽ không có việc gì cả, trong kinh Phật đã nói với chúng ta, Phật quang là dịu dàng và mát mẻ, chiếu vào thân thể thì vô cùng dễ chịu, còn ánh sáng của ma thì mạnh và nóng giống như là ánh sáng mặt trời vậy, rất khó chịu, việc này phải biết. Phật quang thì mát mẻ như mặt trăng, như ánh sáng mặt trăng vậy, cũng rất mạnh nhưng rất mát mẻ, không phải là ánh sáng nóng bức, không chói mắt. Ánh sáng của ma thì chói mắt, ánh sáng của ma thì chói chang như ánh sáng mặt trời, nhưng không nên để ý đến nó. Dù là Phật quang hay là ma quang thì cũng không cần phải để ý tới nó, vậy thì sẽ không có chuyện gì, không nên bị ảnh hưởng bởi nó.

Vấn đề thứ tư là trong Phương Pháp Tự Cứu Thân Trung Ấm có viết, con người sau khi chết đến ngày thứ tư thì có A Di Đà Phật phóng hồng quang tiếp dẫn người chết. Cũng có sách lại viết là A Di Đà Phật phóng bạch quang tiếp dẫn, vậy không biết rốt cuộc thì A Di Đà Phật sẽ phóng loại quang nào để tiếp dẫn chúng ta? Đương nhiên niệm Phật công phu thuần thục, khi dứt hơi thở thì lập tức được Phật tiếp dẫn đi, không có loại ấm thân này, nhưng ngộ nhỡ công phu không đủ, con muốn làm rõ vấn đề này, xin Sư phụ khai thị. Bình thường phải dụng công, nhất định phải dụng công, công phu không đắc lực, nguyên nhân thứ nhất chính là bạn không thể buông xả, chân thật có thể buông xả vạn duyên thì sao có đạo lý không đắc lực được chứ? Cho nên đầu tiên chúng ta phải nhìn thấu thế gian này, thế gian này hết thảy là hư huyễn không thực, không có chút gì đáng để chúng ta lưu luyến. Trước tiên cần phải nhìn thấu, sau đó bạn mới có thể chân thật buông xuống thì công phu tự nhiên sẽ đắc lực. Đây là phương pháp ổn thỏa nhất, không nên đợi thân trung ấm, trung ấm không đáng tin, vô cùng không đáng tin. Mật tông tuy có cách nói này, trong Hiển giáo thì không dùng đến, cho nên chúng ta học Phật chân thật phải y theo giáo huấn của Tổ sư Đại đức. Ở thời cận đại Ấn Quang Đại sư là đại thiện tri thức số một. Trong Văn Sao Ngài thường nói, Ngài đã giải đáp cho chúng ta những vấn đề này, rất đáng để chúng ta làm tham khảo, nhất định phải chuyên tâm xưng niệm, “phát Bồ-đề tâm nhất hướng chuyên niệm” thì được.

Vấn đề thứ năm, người sơ học Phật đọc tụng Kinh Kim Cang rất thanh tịnh, trước khi đi ngủ tụng Kinh Kim Cang, sau khi tụng xong thì đi ngủ ngay. Trong giấc mơ Phật ở trong kinh đã phóng đại hào quang chiếu rọi con, lập tức liền hiểu được ý nghĩa và nội dung của ánh sáng, khiến cho con trước khi đọc Kinh Kim Cang phải niệm chân ngôn. Sau khi tỉnh dậy liền đi thỉnh giáo Sư phụ, mới biết được quả nhiên là như vậy, phải đọc “tịnh tam nghiệp chân ngôn” trước rồi mới có thể đọc tụng kinh văn, điều này chứng tỏ con có duyên với Kinh Kim Cang phải không ạ? Không sai, là có duyên phận, thế nhưng bạn không nên chấp trước tướng, Kinh Kim Cang là phá hết thảy vọng tưởng chấp trước. Từ trong sự phân biệt chấp trước của bạn thì thấy bạn không tương hợp, không tương ưng với giáo nghĩa của Kinh Kim Cang. Nếu như tương ưng với Kinh Kim Cang thì sự việc này là mộng huyễn bào ảnh, bạn hà tất viết giấy này để hỏi tôi? “Nhất thiết hữu vi pháp như mộng huyễn bào ảnh”, cho nên sự việc hiện tiền hay sự việc đã trải qua rồi đều không để lại một dấu vết nào trong tâm thì đây là giáo nghĩa của Kinh Kim Cang.

Vấn đề thứ sáu là khi con đọc tụng Đại kinh thì cứ hay có người đến thăm, có lúc một ngày có mấy lượt người đến, thậm chí có ngày đã thắp đến bốn cây trường hương mà cũng không thể đọc tụng hết một lần quyển Đại kinh. Lúc mới bắt đầu mỗi ngày tụng được bốn đến năm lần, về sau thì không còn dám tụng nữa, vừa bắt đầu tụng thì có người đến, tình trạng này đã tồn tại và kéo dài hơn sáu năm nay, tình trạng như vậy thì phải làm sao ạ? Phải nên có sự bền lòng, ở nơi này có một vị là cư sĩ Lưu Liên Tâm từ bên Houston đến, cư sĩ Lưu ở tại Houston kinh doanh một nhà hàng, bình thường công việc vô cùng bận rộn, ông tụng Kinh Vô Lượng Thọ. Ba tháng ông tụng được 500 lần, đã có thể hoàn toàn đọc thuộc được bộ kinh, không đọc sai một chữ nào. Cho nên vấn đề là ở chính mình phải có lòng tin kiên định, kinh văn mới đầu đọc thì còn lạ lẫm, hầu hết mọi người có thể phải mất hai giờ đồng hồ để đọc một lần. Sau ba tháng thì một lần đọc chỉ cần một tiếng rưỡi đồng hồ, sau nửa năm thì nhất định chỉ cần một tiếng đồng hồ là có thể đọc hết quyển kinh. Nếu như có thể đọc được rất thuộc thì đại khái chỉ cần 30 đến 40 phút, giống như họ thì hoàn toàn có thể chỉ đọc trong 30 phút, vậy thì sẽ không bị bất cứ điều gì cản trở. Bạn đọc tụng Đại kinh mà vẫn bị việc khác quấy nhiễu thì chứng minh tâm chưa thanh tịnh.

Vị đồng học này hỏi là khi đọc tụng Kinh Vô Lượng Thọ thì có cảnh giới không khởi vọng tưởng được nửa giờ đồng hồ, nhưng cảnh giới này lại không thể kéo dài được lâu, xin hỏi có cách nào để kéo dài hay không? Bình thường khoảng 45 phút, không niệm ra tiếng hoặc niệm nhỏ, trong thời gian ngắn, trong tâm được thanh tịnh từ 35 đến 40 phút, xin hỏi Sư phụ có phương pháp nào không? Việc này lúc nãy tôi đã nói qua, chính là phải thuộc, sau khi thuộc rồi thì tự nhiên sẽ có thể thực hiện được, cho nên phải biết việc đọc tụng kinh là đồng thời hoàn thành tam học Giới Định Huệ, là một phương pháp dụng công vô cùng thù thắng trong Hiển giáo. Phương pháp này là do Thích-ca Mâu-ni Phật tự mình đề xướng dạy bảo đại chúng. Đọc, xem quyển kinh thì gọi là đọc, không xem quyển kinh thì gọi là tụng, tụng nghĩa là đọc thuộc lòng. Bạn xem rất nhiều rất nhiều kinh luận, Phật đều khuyên bảo chúng ta, trong “Tịnh nghiệp tam phước” phần sau cùng có “đọc tụng Đại Thừa”. Những Tổ sư Đại đức xưa nay dạy chúng ta càng lấy phương pháp này làm chủ yếu, tu định tu huệ, đọc tụng như pháp, đây chính là trì giới. Các vị phải hiểu, tinh thần của giới luật chính là “chư ác mạc tác, chúng thiện phụng hành” (không làm các việc ác, vâng làm các việc lành). Cho nên khi chúng ta đọc kinh, không những là thân khẩu không tạo nghiệp mà ý niệm cũng không tạo nghiệp. Bạn tâm tâm niệm niệm nghĩ đến kinh văn thì “chư ác mạc tác” đương nhiên có ở trong đó rồi, đây là cảnh giới Tiểu thừa, hết thảy liền có đầy đủ rồi. Đạo lý, cảnh giới, phương pháp ở trong kinh điển, hết thảy giáo huấn đều là thiện pháp thù thắng nhất trong thế xuất thế gian. Khi chúng ta đọc tụng chính là “chúng thiện phụng hành”, cho nên các vị phải hiểu điều này. Chúng ta học giới, muốn giới luật viên mãn trong thời gian ngắn thì phương pháp tốt nhất chính là đọc kinh, đọc kinh phải nhất tâm, nhất tâm chính là chuyên tâm, chuyên tâm chính là tu định, trong tâm không xen tạp một vọng niệm nào. Cho nên trong lúc đọc kinh mà đột nhiên lại xuất ra câu Phật hiệu, đây là xen tạp vọng niệm, chứng tỏ bạn không có định công. Lúc niệm Phật mà đột nhiên lại xuất ra kinh văn vậy thì cũng không có định công, cũng chính là nói công phu của bạn chưa thể chế phục được tập khí. Cái tập khí này là tập khí tốt, nhưng tập khí tốt cũng không được, nó cũng phá hoại công phu của bạn. Nhưng chúng ta dẫu sao cũng là phàm phu, công phu không đến nơi đến chốn, Ấn Quang Đại sư ở trong Văn Sao thường hay nói, người tu hành ba năm năm năm, đó là người tu hành rất chăm chỉ và nỗ lực, trong thời gian một cây nhang, ở Trung Quốc gọi là trường hương, một cây nhang là một tiếng rưỡi đồng hồ. Hoặc là niệm Phật, hoặc là tụng kinh, nếu vẫn còn 5, 6 vọng tưởng thì công phu này cũng xem như là không tệ. Nếu trong thời gian một cây nhang mà không có một vọng tưởng nào hết, vậy thì công phu của bạn đã thành thục rồi. Cho nên vọng tưởng nổi lên thì đừng sợ, phải nên biết chúng ta là phàm phu. Tập khí từ vô thỉ kiếp đến nay, cổ Đức thường hay dạy chúng ta, “không sợ niệm khởi chỉ sợ giác chậm”, thế nào là giác? Vọng tưởng khởi lên thì không nên để ý đến nó, không quan tâm, căn bản là không đem nó làm thành một sự việc gì cả, sau đó từ từ vọng tưởng sẽ dần ít đi. Nếu như có vọng tưởng khởi lên, bạn thường hay nghĩ tôi vẫn còn vọng tưởng, lại suy nghĩ đến một số sự việc ở trong cái vọng tưởng đó, vậy thì phiền phức lớn rồi, vọng tưởng của bạn không những không doạn dứt được mà vọng tưởng còn thường tăng thêm, nó không giảm bớt đi. Cho nên căn bản là mặc kệ nó, vì vậy đọc tụng là tu định. Thiền tông khi sơ học là ngồi xếp bằng quay mặt vào vách tu định, trong Hiển giáo là dùng phương pháp đọc tụng để tu định, phương pháp này đích thực là có chỗ thù thắng của nó. Đọc kinh đồng thời cũng là tu huệ, chúng ta đem bộ kinh này từ đầu đến cuối, từ “như thị ngã văn” đến “tín thọ phụng hành”, không đọc sai một chữ nào, không đọc sót một câu nào, đây là tu huệ, liễu liễu phân minh. Cho nên đọc tụng là trong một lần hoàn thành tam học Giới Định Huệ, đương nhiên thời gian của bạn là càng dài càng tốt. Nếu như kinh đã thuộc rồi, thí dụ như có thể đọc thuộc lòng Kinh Vô Lượng Thọ rồi, họ đọc một lần có thể chỉ cần 30 phút. Nếu thời gian dài một chút thì họ có thể tu hai tiếng đồng hồ, vậy thì họ tụng được bốn lần, niệm được bốn lần, nếu thời gian dài thêm một chút nữa, họ niệm sáu lần thì hết ba giờ đồng hồ, có thời gian thì nên tu hành như vậy. Đây là trong một lần mà hoàn thành được tam học Giới Định Huệ. Có thể đọc thuộc lòng thì sẽ vô cùng thuận tiện. Bạn có thời gian, lại tìm được chỗ không có người, bạn đi kinh hành, đi tản bộ, tản bộ thì đọc tụng kinh điển, lúc này không ai làm gián đoạn, mình nhất định phải tìm cho mình hoàn cảnh để tu học, chân thật dụng công nỗ lực.

Hôm nay thời gian đã hết rồi. A Di Đà Phật!