Hạnh Phúc Nhân Sinh (Tập 12)

Đệ Tử Quy

ĐỆ TỬ QUY GIẢNG GIẢI

CON ĐƯỜNG ĐẠT ĐẾN NHÂN SINH HẠNH PHÚC

TẬP 12

Vừa rồi chúng tôi nói đến Thái Thuận đi hái quả dâu tằm. Bởi vì biết mẹ mình thích ăn ngọt, nên ông dùng một cái giỏ chuyên đựng trái chín ngọt, bản thân ông thì ăn trái chua. Tâm hiếu như vậy đã cảm động bọn cướp, chúng liền thả ông về. Không chỉ thả ông về, chúng còn lấy thức ăn trong sơn trại tặng cho ông.

Thưa quý vị bằng hữu, giả như quý vị là Thái Thuận thì quý vị có lấy không? Không à? Người ta thành tâm thành ý thì phải làm sao? Họ nói: Xin ông nhận về biếu cho mẹ của ông thì có nên nhận không? Nên nhận. Tốt, Thái Thuận nghe ý kiến của quý vị nhận quà tặng mang về nhà, vừa ngồi xuống đột nhiên người của quan phủ đến hỏi: “Gạo của Trương Tam sao ở trong nhà của ông? Rau của nhà Lý Tứ sao ở trong nhà ông? Hãy bắt ông ta lại”, vậy thì phải làm sao? Lúc này quý vị có một trăm cái miệng cũng không giải thích được. Vì vậy, Khổng Tử nói: “Quân tử có chín điều cần suy nghĩ”. Chín điều cần suy nghĩ chính là các vị gặp phải rất nhiều tình huống thì phải phản tỉnh như thế nào, quán chiếu như thế nào? Trong đó có một điều cần suy nghĩ là: “Kiến đắc tư nghĩa” (phàm những thứ đạt được phải xét xem có hợp đạo nghĩa hay không). Khi các vị muốn nhận vật gì của ai, trước hết phải nghĩ nguồn gốc từ đâu có, có trong sạch bình thường không? Những thứ trong sơn trại này từ đâu có? Do trộm cướp có, cho nên tuyệt đối không nhận.

Nghe câu chuyện của Thái Thuận, quý vị có ấn tượng sâu sắc không? Vì vậy, trong khi kể chuyện, điều quan trọng là phải đem đạo lý trong đó nói cho con trẻ nghe, như vậy mới có thể phối hợp lý sự viên dung. Nếu như chỉ kể nội dung câu chuyện, con của các vị sẽ nói: “Con nghe chuyện này rồi”. Giả như không kể câu chuyện mà chỉ dạy đạo lý cho chúng, chúng nghe chưa được năm phút liền nói: “Mẹ ơi, con buồn ngủ quá. Vì vậy, phải phối hợp tốt giữa lý và sự thì người nghe mới cảm thấy thật sự hấp dẫn. Cho dù các vị là giáo viên hay là phụ huynh, đều có thể thông qua kể chuyện mà dạy đạo lý, nhắc nhở và gợi ý việc đối nhân xử thế trong đời sống.

Chúng tôi kể cho các em nghe những câu chuyện này và nói: “Các em xem, người con ngày xưa hiếu thảo, ý nghĩ đầu tiên đều là nghĩ đến cha mẹ. Các em có biết mẹ mình thích ăn gì không?. Có nhiều em suy nghĩ hết nửa ngày mà chưa có kết quả, có vài em có sự quan tâm đến cha mẹ, nghĩ ra ngay, nhưng đa số đều nghĩ không ra. Tôi thấy tình hình khó xử của chúng liền hỏi: Vậy mẹ có biết các em thích ăn gì không?. Các em liền cười rạng rỡ: “Đương nhiên là biết chứ”, sau đó kể ra rất nhiều món. Tôi tiếp tục nói với chúng: Các em xem, mẹ thì biết các em thích ăn gì, các em thì lại không biết mẹ thích ăn gì, như vậy có công bằng hay không? Các em xem, mẹ yêu thương các em như vậy, các em lại có thể không yêu thương mẹ sao? Vì vậy, hôm nay về nhà sẽ làm bài tập “phải biết rõ mẹ thích ăn gì, như vậy các em mới có thể làm được “cha mẹ thích, dốc lòng làm. Sau này, đi mua đồ không phải mua món mình thích ăn trước, mà phải làm theo bậc Thánh Hiền. “Chớ tự chê, đừng tự bỏ, Thánh và Hiền, dần làm được”. Chúng ta lấy đó làm gương, trước tiên là mua những món mà cha mẹ thích ăn. Thật sự cha mẹ luôn quan tâm đến tình hình sức khỏe của chúng ta. Một người muốn khỏe mạnh thì thân tâm nhất định phải điều hòa. Người xưa nói: “Họa từ miệng ra, bệnh từ miệng vào”, vì vậy ăn thức ăn phải hết sức chú ý, nếu không thì xuất hiện một số bệnh hiện đại như hiện nay.

Quý vị bằng hữu có chắc là mình không mắc bệnh phổ biến hiện nay không? Sao không có ai giơ tay lên vậy? Tri thức chính là sức mạnh. Tri thức đúng đắn mới có thể cho chúng ta niềm tin. Các vị không cần phải lo lắng làm sao để bản thân ăn uống có sức khỏe, kiến thức này đã được rất nhiều người dành ra mười mấy năm cuộc đời họ nghiên cứu rồi. Các vị có cần học từ đầu không? Không cần. Vì vậy tôi thường nói: Đứng trên đôi vai của người khổng lồ có thể nhìn được rất xa. Các vị bằng hữu, ai là người khổng lồ? Chúng ta muốn dạy trí tuệ cho con cái, thì Khổng Lão Phu Tử, Mạnh Phu Tử chính là người khổng lồ. Chúng ta có thể trực tiếp học trí huệ, kinh nghiệm của các Ngài.

Về phương diện sức khỏe, ai là người khổng lồ? Các vị có thể đến nhà sách xem những sách nào nói đến sức khỏe bán chạy nhất, các vị có thể học hỏi họ. Nhiều năm trước đây, tôi được đọc quyển “Thân Tâm khỏe mạnh của tiến sĩ Lôi Cửu Nam, trong đó có đề cập đến việc ăn ít thịt, ăn nhiều rau thì mới khỏe mạnh. Vì sao phải ăn ít thịt? Chúng ta nên biết, người thời nay thân thể không được khỏe mạnh là do dinh dưỡng không tốt hay là do dinh dưỡng quá dư thừa? Do quá dư thừa. Các vị xem, rõ ràng là dinh dưỡng quá dư thừa nhưng con người đang nghĩ gì? Có ai phát hiện con người dường như chậm đi nửa nhịp không? Vẫn là sợ cái này không đủ, sợ cái kia không đủ. Các vị xem, điều chúng ta sợ rất ít khi xảy ra.

Hiện nay muốn tìm đứa trẻ suy dinh dưỡng cũng không dễ, các vị phải bay đến Châu Phi mới tìm được, ở Đài Loan thật sự tìm không ra. Nếu có thì đều là ở lớp giảm béo trong kỳ nghỉ hè, nghỉ đông, có đúng không? Chúng ở đó tập nhảy đến nửa ngày, trong tâm thì suy nghĩ: Chỉ cần ta chịu đựng qua ngày hôm nay, ngày mai có thể đi ăn ở McDonald’s. Giảm béo như vậy có lợi ích hay không? Không bắt đầu từ cái gốc, dù có nhảy đến chảy mồ hôi cũng chỉ làm cho bụng của chúng càng đói hơn. Vì vậy, vấn đề hiện nay không phải ở việc dinh dưỡng không tốt, mà là dinh dưỡng quá dư thừa.

Thật sự nhu cầu chất đạm của con người không nhiều. Thông thường người ta cho rằng thịt có nhiều chất đạm. Ăn quá nhiều chất đạm sẽ gây tổn hại gan, tổn hại thận. Nhu cầu chất đạm một ngày của mỗi người là từ 40g đến 60g là đủ. Thật ra, chất đạm trong thực vật không ít hơn động vật. Trong đậu phộng, củ mài, rong biển đều chứa chất đạm rất tốt. Khi chất đạm của chúng ta quá dư thừa, cơ thể của chúng ta có tính axit. Có câu: “Thể chất của chất axit là nguồn gốc, là môi trường thích hợp của các bệnh mãn tính”. Vì sao vậy? Chúng ta hãy suy nghĩ, giả như cơ thể của chúng ta có tính axit cao, tất cả nội tạng của chúng ta đều ngâm trong đó, nửa đêm các vị có nghe gan của các vị nói: Tôi sắp tắt thở rồi, hoặc là dạ dày thì nói: Tôi sắp chịu không nổi rồi” không? Không nghe à? Các vị là chủ sao mà không có trách nhiệm như vậy? Những nội tạng này ngâm trong môi trường axit lâu thì chức năng của chúng rất dễ suy thoái, vì vậy mới có nhiều bệnh mãn tính càng lúc càng xuất hiện sớm. Tôi đã từng nghe một em mười tám tuổi bị đột quỵ chết, không biết còn ai bị sớm hơn nữa không? Nhiều năm trước tôi đã nghe điều này. Các bệnh mãn tính đều liên tục xuất hiện sớm, bởi vì con người ăn uống sai lầm.

Không chỉ nội tạng dễ dàng bị suy kiệt, mà hiện nay còn có một loại bệnh cũng rất nguy hiểm, gọi là “bệnh loãng xương”. Loại bệnh này là một trong mười nguyên nhân lớn gây chết người. Vì sao vậy? Khi các vị bị loãng xương rất nghiêm trọng, có thể các vị hắt hơi thì liền bị gãy xương. Các vị không nên nghĩ tôi hù dọa, mà điều này là báo chí nói. Chúng ta thường nói, người già sợ nhất điều gì? Sợ bị ngã, bởi vì bị ngã là có thể bị gãy xương, không đứng lên được. Ngày nay không chỉ người già ngã bị gãy xương, mà rất nhiều người trẻ khi đi xét nghiệm đều có kết quả không được như mong muốn. Ví dụ như khi tôi đi xét nghiệm, người xét nghiệm với nét mặt không vui nói với tôi: Anh chỉ tạm đạt tiêu chuẩn. Chúng ta không nên để ba – bốn mươi tuổi đi xét nghiệm mà kết quả là xương cốt của người tám mươi tuổi. Như vậy thì phiền phức rồi.

Vì sao cơ thể có tính axit lại gây loãng xương? Bởi vì thân thể tựa như một nhà máy hóa chất lớn, nó phải duy trì sự cân bằng giữa chất axit và kiềm. Nếu trong cơ thể của chúng ta toàn là chất axit thì cơ thể chịu không nổi, cho nên nó phải lấy chất kiềm ra để trung hòa, mà trong cơ thể con người chất kiềm lớn nhất là canxi. Kho chứa chất canxi ở chỗ nào vậy? Là xương của chúng ta. Mỗi ngày lấy canxi từ xương ra từng chút một thì lâu ngày sẽ bị loãng xương. Vì vậy, thức ăn phải cân bằng, các loại thịt có chứa lượng đạm cao không nên ăn quá nhiều.

Hơn nữa, trong thịt không chỉ có lượng đạm cao, mà trong thức ăn còn có độc tố hữu hình và độc tố vô hình. Độc tố hữu hình là gì? Chúng ta xem, hiện nay gà được nuôi trong bao lâu? Khoảng năm – sáu tuần lễ. Trước đây phải nuôi trong nửa năm. Thật sự khoa học kỹ thuật phát triển, nhưng làm sao có thể nuôi nhanh như vậy? Chúng ta hay nói là phải tuân theo “đạo pháp tự nhiên”(phương pháp tự nhiên), nhưng cách nuôi này không theo tự nhiên, họ tiêm chích một lượng lớn thuốc tăng trưởng, thuốc kháng sinh. Những thứ thuốc này cuối cùng vào bụng của ai? Của chúng ta. Tôi nhớ khi tôi chưa ăn chay, tôi ăn thịt gà, vừa gắp miếng thịt lên thì nhìn thấy một cục mỡ. Đó là gì? Là chất kích thích. Vì thế hiện nay các bé gái có kinh nguyệt sớm, có bé chưa được mười tuổi đã có kinh nguyệt. Kinh nguyệt có càng sớm thì tuổi thọ của các cháu càng ngắn. Những loại thức ăn này đang tàn hại thế hệ sau của chúng ta. Chúng ta làm cha mẹ không thể không cẩn thận, sau này chúng ta phải nên cẩn thận bảo vệ cơ thể của mình.

Ngoài độc tố hữu hình ra, còn có độc tố vô hình.

Chúng ta hãy suy nghĩ, khi con vật bị làm thịt, tâm trạng của nó chắc chắn vô cùng hoảng sợ, vô cùng phẫn nộ. Chúng ta có thể xét lại bản thân mình, mỗi lần chúng ta tức giận thì phải mất bao nhiêu ngày mới có thể bình lặng lại? Ba ngày. Vì sao vậy? Các vị có thấy ai sau khi tức giận mà tinh thần dễ chịu chưa? Không có. Bởi vì khi đã tức giận, trong tuyến thượng thận tiết ra lượng lớn độc tố, toàn thân của chúng ta sẽ mệt mỏi. Khi con vật bị giết, toàn thân nó phẫn nộ, liền tiết ra rất nhiều độc tố. Vì vậy, chúng ta ăn thịt trong đó chứa rất nhiều thứ không tốt, nên người thời nay có một số “bệnh thời đại”.

 Không chỉ ăn thịt đối với cơ thể có nguy hại, mà việc chăn nuôi động vật cho nhân loại ăn thịt cũng gây nguy hại rất lớn đối với cả trái đất của chúng ta. Nguy hại điều gì? Rất nhiều người nói: Sao thầy giảng phức tạp vậy, sao tôi chưa từng nghĩ đến điều này. Thật sự, trái đất là một thể thống nhất, một cơ thể chung, nhổ một sợi tóc động cả toàn thân. Các vị không nên xem thường những gì mình ăn hằng ngày, nó đang ảnh hưởng đến sự sống còn của trái đất. Bởi vì nhân loại ăn thịt quá nhiều, nên phải chặt đi rất nhiều rừng nguyên sinh để trồng những loại lúa mạch, ngũ cốc. Rừng nguyên sinh bị chặt hết thì sẽ gây ra những ảnh hưởng gì? Đất đá sạt lở, rất nhiều thổ nhưỡng đều bị trôi đi. Hơn nữa, rừng nguyên sinh là lá phổi của trái đất, giống như lá phổi của con người, đang giúp chúng ta lọc đi rất nhiều không khí bẩn. Khi rừng nguyên sinh càng ngày càng ít, thì chất lượng không khí của toàn bộ trái đất càng lúc càng kém, vì vậy thời tiết của chúng ta hiện nay không được ổn định. Ngay cả Mexico là vùng nhiệt đới cũng có tuyết rơi, nhiệt độ vô cùng khác thường. Danh từ hiện nay gọi là “hiệu ứng nhà kính”. Trước đây chúng ta đều thuộc lòng hiệu ứng nhà kính. Vì sao tạo nên hiệu ứng nhà kính vậy? Là do nhân loại thải ra rất nhiều khí thải, còn có việc lá phổi của trái đất bị cắt ra từng chút từng chút. Thật sự, số lượng ngũ cốc đang dùng cho súc vật ăn, nếu dành cho con người ăn chắc chắn thế giới sẽ không có nhiều người bị chết đói như hiện nay.

Ngoài việc ô nhiễm không khí, đất đai, thì nguồn nước cũng bị ảnh hưởng trực tiếp. Bởi vì nuôi nhiều động vật như vậy chúng sẽ thải ra lượng lớn phân và nước tiểu. Những thứ này làm ô nhiễm đất đai, ô nhiễm nguồn nước. Thật ra nhân loại có thể sống tương đối nhẹ nhàng, tương đối sạch sẽ, chỉ cần chúng ta biết cách lựa chọn thói quen ăn uống có lợi cho bản thân, có lợi cho môi trường. Chúng ta bảo vệ môi trường là hằng ngày đang thực hiện “tự lợi lại có thể lợi tha, sao không vui vẻ mà làm? Vì vậy, khi các vị ăn cơm cũng có sứ mệnh, đó là vì sự khỏe mạnh của trái đất. Khi chúng ta có kiến thức chuẩn xác mới có thể nuôi dưỡng thân thể tốt thật sự, mới có thể làm được “cha mẹ thích, dốc lòng làm”.

5.2          “Cha mẹ ghét, cẩn thận bỏ           

Cha mẹ không muốn chúng ta có thói quen xấu, chúng ta phải nhanh chóng bỏ nó đi. Nếu chúng ta kết bạn với một số người làm cho cha mẹ mỗi ngày đều lo lắng thì chúng ta nên có sự chọn lựa, bởi vì ảnh hưởng của bạn bè đối với chúng ta vô cùng lớn. Các vị bằng hữu có lo lắng sau này con cái sẽ kết giao với bạn bè không tốt không? Lo lắng có lợi ích hay không? Vậy phải làm sao? Phải nâng cao khả năng phán đoán của con trẻ, chúng mới biết gần gũi với người lương thiện, chúng mới biết tránh xa bạn xấu, gọi là kính nhi viễn chi” (kính trọng nhưng không nên gần gũi). Hơn nữa, khi chúng kính nhi viễn chi” (kính trọng nhưng không gần gũi), chúng cũng biết được ta cố gắng phát huy tốt bản thân thì sẽ cảm động những người bạn này.

Làm sao để con trẻ biết cách chọn lựa bạn bè? Thật sự chúng ta đã và đang học, phải xem từ đâu để biết một người có đức hạnh hay không? Xem từ hiếu đạo. Để biết một người có đáng để giao tiếp hay không, chỉ cần các vị nhận xét họ thực hành “Đệ Tử Quy” được bao nhiêu? Vì vậy, tôi nói với bạn bè rằng “Đệ Tử Quy” là kính chiếu yêu. Các vị muốn chọn bạn bè hay chọn người bạn đời, dùng “Đệ Tử Quy” chiếu một chút thì lập tức biết được. “Đệ Tử Quy” là kính chiếu yêu, “Đệ Tử Quy” cũng là kính hiển Thánh. Các vị thấy được người bạn này làm được rất nhiều điều trong “Đệ Tử Quy”, thì nên kết giao bạn bè suốt đời.

“Cha mẹ ghét” là chúng ta nhìn từ thói quen mà nói.

Người Do Thái có một câu chuyện. Có ba phạm nhân cùng bị giam trong một nhà tù. Giám ngục rất nhân từ, thấy họ đã phạm sai lầm cũng dùng Tứ Nhiếp Pháp đối xử với họ, nhiều lần mời họ dùng cơm, tặng quà cho họ. Ông nói với họ: “Ba người các anh vào đây phải bị giam ba năm, các anh có nguyện vọng gì không? Nếu tôi làm được thì tôi sẽ giúp các anh”. Người thứ nhất là người Mỹ, anh ta không cần suy nghĩ mà nói: Cho tôi bao thuốc lá. Giám ngục nói: Được, không thành vấn đề, đưa bao thuốc cho anh rồi đóng cửa ngục lại. Người thứ hai là người Ý. Các vị bằng hữu có ấn tượng thế nào về người Ý? Các vị không ai quen biết người Ý sao? Họ rất lãng mạn, rất nghệ thuật có đúng không? Nghe hay như vậy nhưng nói thật ra là háo sắc. Anh ta suy nghĩ rồi nói: “Tôi cần một cô gái”. Giám ngục nói: “Được, tôi giúp được”, rồi nhốt anh ta lại. Người thứ ba là người Do Thái. Người Do Thái rất giỏi việc buôn bán. Anh ta nói: Cuộc đời của tôi đã sai lầm rồi, nên phải cố gắng ghi nhớ lời dạy bảo, ông có thể cho tôi một chiếc điện thoại để liên lạc với bên ngoài hay không?. Giám ngục nói: “Được, không thành vấn đề”, liền tặng cho anh ta chiếc điện thoại.

Ba năm sau, cửa ngục của ba phạm nhân này mở ra. Cửa ngục vừa mở thì người Mỹ xông ra: “Quẹt diêm đâu? Quẹt diêm đâu? Quẹt diêm của tôi đâu?”. Trong ba năm đó anh ta nghĩ điều gì? Mỗi ngày ngồi đó run rẩy, sao mà quên xin quẹt diêm vậy! Thời gian ba năm của anh ta tiêu hao vào đâu? Tiêu hao ở thói quen xấu này. Giả như một người hình thành thói quen xấu, thì cả cuộc đời này họ không thể làm chủ được, họ đều bị thói quen xấu lôi kéo. Người như vậy có nhiều không? Nhiều.

Làm sao để cho cuộc đời của một người không bị những thói quen xấu này lôi kéo? Phải dạy tốt từ lúc nhỏ. Từ nhỏ phải có chí hướng, không nên chơi bời lêu lổng. Người Mỹ này có thói quen xấu hút thuốc, nếu không hút thuốc thì rất khó chịu. Chúng ta không nên cười người Mỹ, thật sự chúng ta cũng đang có một số thói quen xấu, nếu mỗi ngày không làm thì rất đau khổ. Là những việc gì vậy? Thí dụ như việc xem phim dài tập. Mỗi lần xem xong thì nói: Diễn sao mà tẻ nhạt như vậy, thật sự là loạn hết rồi, nhưng hôm sau thì vẫn ngoan ngoãn ngồi đó xem tiếp. Xem phim đều là xem cuộc đời của người khác, mỗi ngày hao tốn thời gian nhiều như vậy nhưng có giúp đỡ được gì cho cuộc đời của mình hay không? Không có. Mỗi một ngày trôi qua, việc cần làm thì không làm, khi muốn làm thì không còn cơ hội nữa. Lúc sinh thời, Khổng Lão Phu Tử từng có lần đứng bên bờ sông nói một câu: “Chảy đi hoài như thế kia, ngày đêm không ngừng”. Các vị xem, Khổng Lão Phu Tử nhìn nước chảy lập tức nghĩ đến thời gian giống như nước chảy, một đi không trở lại. Vì vậy, chúng ta không nên để cho tính mạng của chúng ta hao tốn vô ích vào những việc không có lợi ích cho bản thân.

Thói quen của người thứ hai là háo sắc. Tôi từng nói với học sinh trung học: Háo sắc là thói quen không tốt, các em có thể nhận thức được không?. Các em trả lời: Có thể, bởi vì trên đầu của chữ sắc là một con dao. Người xưa tạo chữ rất lợi hại phải không? Rất lợi hại. Trên đầu chữ sắc là một con dao. Con dao này sẽ như thế nào? Sẽ phá hủy cuộc đời của chúng ta, sẽ phá hủy hạnh phúc gia đình của chúng ta, cũng có thể phá hủy sự hưng thịnh của một quốc gia. Có đúng không?

Các vị xem thời nhà Đường. Đường Huyền Tông khi chưa gặp Dương Quý Phi, ông là “Khai Nguyên Chi Trị”, rất tận tâm tận lực trị vì quốc gia. Sau khi gặp Dương Quý Phi thì như thế nào? “An Sử Chi Loạn”. Các vị bằng hữu! Sự suy bại của triều nhà Đường, ai là người phải chịu trách nhiệm lớn nhất? Nam giới đều nói là Dương Quý Phi, phụ nữ lại nói là Đường Huyền Tông, nhưng chân lý thì chỉ có một, đó là sắc không mê hoặc người, mà do người tự mê. Vì vậy, căn bản vẫn là do Đường Huyền Tông đúng không? Giả như Đường Thái Tông vẫn còn thì Dương Quý Phi có đến cũng chẳng có tác dụng gì, bởi vì ông luôn luôn xem trọng giang sơn xã tắc. Vì vậy, đời người gặp phải rất nhiều vấn đề không nên đẩy trách nhiệm, mà phải tự mình phản tỉnh, như vậy mới tìm ra nguyên nhân thật sự.

Người Ý này rất háo sắc, cánh cửa mở, ông vẫn chưa bước ra ngoài thì đã nghe được âm thanh gì? Là tiếng của trẻ con. Rất nhiều học sinh trung học nghe xong đều cười ha ha…. Tôi liền hỏi các em: Người Ý thê thảm hơn hay là người Mỹ thê thảm hơn?. Cả hai đều thê thảm! Một em nữ sinh trả lời: Người Ý thê thảm hơn. Em nói: Bởi vì khi anh ta ra tù, không chỉ phải lo cho cuộc sống của bản thân mình mà còn phải lo cho mấy đứa con nữa. Xin hỏi anh ta có thể lo nổi không? Tôi tin các em đoán chắc được câu trả lời. Bởi vì anh ta sống buông thả, không gánh nổi trách nhiệm của mình.

Thông qua câu chuyện này, tôi nói với học trò: Khi tìm đối tượng thì phải tìm đối tượng như thế nào?. Tìm người có trách nhiệm. Tôi đi đến chỗ một em học sinh hàng ngày không siêng năng quét dọn, không làm bài tập, tôi bảo em: Em hãy đứng lên. Em không nên kết hôn. Em đó giật mình không biết tôi đang nói cái gì. Tôi nói: Ngay cả bản thân em cũng không tự chăm sóc tốt, cũng không có trách nhiệm với bản thân mình, em không đủ tư cách để kết hôn. Kết hôn sẽ hại thế hệ sau. Không thể chăm sóc được bản thân mình thì không nên kết hôn. Em này sẽ nhớ trong bao lâu? Tuy tôi đang trách móc em học sinh này, nhưng thật sự là nói cho ai nghe? Cho cả lớp nghe. Các em nữ sẽ lưu lại những ấn tượng gì? Khi tìm đối tượng phải tìm người có trách nhiệm mới có thể nương tựa được. Những bạn nam khác cũng sẽ phản tỉnh: Mình có ý thức trách nhiệm chưa?. Vì vậy, rất nhiều vắc xin phòng ngừa phải được tiêm từ rất sớm, không nên đợi đến lúc thói hư tật xấu đã ngấm sâu vào các em rồi thì mới chích, lúc đó thì không còn kịp nữa. Đây là thói quen xấu của người thứ hai, chúng ta phải trị tận gốc.

Người thứ ba là người Do Thái. Khi ông bước ra thì cung kính đến trước mặt của giám ngục cúi đầu thật sâu, nói: Cảm ơn ông đã cho tôi chiếc điện thoại này. Ba năm nay, thông qua chiếc điện thoại, tôi có được rất nhiều thông tin và đầu tư thêm ở bên ngoài, cho nên hiện giờ tôi đã có một khối tài sản, cuộc đời sau này tôi sẽ sống tốt.

Ba người lựa chọn ba điều không giống nhau, nên tạo ra vận mệnh khác nhau. Chúng ta tuyệt đối không mong muốn con cái vì những thói quen xấu mà làm cho cuộc đời của chúng bị đọa lạc, vì vậy từ nhỏ chúng ta nên trị tận gốc những thói quen xấu của chúng.

Còn có một thói quen cũng sẽ hại bản thân chúng, sẽ gây ra tan nhà nát cửa, đó là cờ bạc. Giả như một nam sinh thích cờ bạc, thì tuyệt đối không kết giao với nam sinh này vì rất nguy hiểm. Bởi vì em đó không cách nào kìm chế được, thậm chí đem tài sản của tổ tiên tiêu hao vào cờ bạc.

Bốn thói quen cần đối trị

Bậc Thánh Hiền đã tổng kết con người có bốn thói quen cần phải đối trị là kiêu, sa, dâm, dật”: Kiêu ngạo, xa xỉ, dâm, dật.

  • Thứ nhất, “Kiêu

Chúng ta đối chiếu, điều thứ nhất bản thân mình có hay không? Tu thân mới có thể tề gia. Giả như bản thân mình có thì phải nhanh chóng sửa đổi. Kiểm tra xem hiện nay con cái có thói quen này không? Nếu có thì nên nhanh chóng dạy bảo chúng. Phía trước chúng tôi có nói “ngoài việc trưởng dưỡng điều thiện ra còn cần phải sửa lỗi”.

“Kiêu” là kiêu ngạo. Không nên tăng trưởng việc kiêu ngạo, vì kiêu ngạo không chỉ không nâng cao được học vấn của bản thân, mà vô hình trung cũng đoạn mất đi nhân duyên gặp được quý nhân của mình. Một người có đạo đức, có học vấn thì thích giao tiếp với những người khiêm tốn. Chỉ cần các vị kiêu ngạo, thì những người này sẽ bỏ đi.

Tôi rất may mắn. Lúc tôi đang học trung học cơ sở, một hôm thầy giáo môn lý – hóa của tôi viết một dòng chữ: “Con người không nên kiêu ngạo, nhưng không thể không có khí phách”. Bắt đầu từ hôm đó tôi không dám quên. Khi thầy viết ra câu này, dường như có một tia sáng rực rỡ soi vào trong suy nghĩ của tôi, bởi vì dưới chủ nghĩa học vị thật sự tôi rất ít nghe được lời dạy bảo cách làm người. Điều này đã cho tôi ấn tượng sâu sắc. Chúng tôi cũng kỳ vọng bản thân mình không nên ngạo mạn.

Khi tôi còn học ở Úc, gặp được rất nhiều trưởng bối. Khi học đến: “Việc chú bác, như việc cha; việc anh họ, như anh ruột”, đột nhiên tôi cảm thấy học xong thì phải thực hiện ngay, hơn nữa tôi cũng cảm nhận sâu sắc làm cha mẹ thật sự không phải dễ. Người làm cha mẹ không chỉ dành thời gian cho con cái, mà mỗi ngày họ cũng cống hiến cho xã hội. Vì vậy khi tôi trở về phòng liền đi làm quen với các vị trưởng bối. Tôi hỏi: Xin hỏi ông sinh vào năm nào ?. Ông nói số tuổi. Tôi thấy ông lớn tuổi hơn ba của tôi, tôi nói: Con chào bác Đàm!”. Các vị bằng hữu! Việc cúi người xuống này đã xảy ra biến đổi hóa học gì? Khi tôi cúi người xuống rồi ngẩng lên, vị trưởng bối này cười không ngớt. Ông nói: Bay mấy nghìn kilômét mới nhận được đứa cháu trai. Ông rất là vui. Tôi tiếp tục hỏi vị khác. Khi hỏi đến Trần tiên sinh, tôi nói: Con chào chú Trần, bởi vì ông nhỏ tuổi hơn ba tôi. Đột nhiên có một vị trưởng bối đi đến nói: “Còn tôi nữa!. Đó là chú Lư, người ảnh hưởng sâu sắc đến cuộc đời của tôi sau này.

Sau sự việc này, tôi nghĩ vị trưởng bối này thật sự vô cùng yêu thương thế hệ sau này chúng tôi, ông sợ chúng tôi không gọi ông là chú, nên tự mình đi đến nói “còn tôi nữa” để tạo cơ hội cho thế hệ sau này chúng tôi. Tôi cũng lễ độ cung kính cúi đầu: Con chào chú Lư!”. Sau cái cúi đầu này, cuộc đời của tôi liền xuất hiện sự thay đổi hoàn toàn. Các vị bằng hữu! Lễ phép có cần phải dạy không? Cần.

Chiều ngày hôm sau, chú Lư gọi tôi đến ngồi ở phòng khách. Chú nói với tôi, lúc chú hai mươi chín tuổi đã làm Tổng giám đốc rồi. Tổng giám đốc này không phải tự mình phong. Nghe nói lúc bấy giờ có một bài báo chỉ trích rất nhiều Tổng giám đốc, chú Lư không phải loại Tổng giám đốc như vậy. Những cổ đông của công ty ngồi hai hàng ghế, mỗi người đều chất vấn chú là nếu công ty xảy ra vấn đề gì, khi nhân sự xuất hiện tình huống gì thì nên giải quyết như thế nào? Có trí tuệ và kinh nghiệm thật sự nên chú đối đáp trôi chảy. Năm hai mươi chín tuổi chú đã làm Tổng giám đốc chuyên nghiệp, chuyên môn giúp mọi người giải quyết nguy cơ của công ty. Người có năng lực như vậy chúng ta rất khó gặp được. Rốt cuộc một người lễ phép như chúng tôi rất may mắn, bởi vì bậc trưởng bối này cảm thấy rất an vui: “Ngày nay mà còn có thanh niên lễ phép như vậy!”. Vì thế, chú vừa ngồi xuống liền đem kinh nghiệm và trí tuệ mấy mươi năm cuộc đời của chú kể cho tôi nghe.

Tôi càng nghe thì vừa mừng vừa lo. Tôi lo điều gì? Lo nhãn quan của mình quá kém, không nhận ra núi Lô Sơn trước mặt (chú Lư có tên giống với ngọn núi Lư/Lô Sơn), bởi vì chú Lư ngồi ở bên cạnh mà tôi cũng không nhìn ra. Nhưng cũng từ đó tôi nhận thức được một đạo lý, người chân thật càng có năng lực thì càng khiêm nhường. Chú Lư giống như người chú rất thân thiết ở bên cạnh nhà vậy, tuyệt đối không phải khoe khoang điều này điều nọ. Hơn hai tiếng đồng hồ nói chuyện với chú, trong lòng tôi rất xúc động, tôi chỉ muốn lập tức làm một động tác. Động tác gì? Lúc đó tôi thật sự nhận thức sâu sắc vì sao người xưa xem trọng sư đạo như vậy? Bởi vì một người thầy nhất định không tư lợi, chỉ muốn dùng trí huệ của mình để thành tựu cho cuộc đời của học trò, hoàn toàn không cầu sự báo đáp. Lúc đó tôi nhận thức rất sâu sắc, lập tức quỳ xuống. Lúc trẻ chú Lư học nhu đạo nên động tác đặc biệt nhanh, chú lập tức kéo tôi đứng dậy và nói: Không được!”. Vậy là tôi quỳ không thành công.

Kể từ ngày hôm đó, mỗi lần chúng tôi học xong, chú Lư nói: Đến đây, chúng ta cùng đi tản bộ. Vừa đi chú vừa hỏi tôi: Hôm nay con nghe “Đệ Tử Quy” cảm thấy như thế nào? Nghe câu chuyện “Đức Dục” cảm thấy như thế nào? Tôi kể cho chú về tâm đắc của tôi. Chú liền nói: Con nhìn chưa đủ sâu, con nhìn chưa đủ rộng. Chú liền phân tích từng điều từng điều cho tôi nghe. Tuy chỉ sống bên cạnh chú hơn hai tháng, nhưng những lời dạy bảo của chú không chỉ giúp ích cho cuộc đời của tôi trong hai tháng mà là trợ lực suốt cả cuộc đời tôi. Ngoài hai tháng này ra, sau khi rời nước Úc, chỉ cần có cơ hội tôi đều chủ động gọi điện thoại cho chú Lư. Chú cũng rất vô tư cho tôi nhiều sáng kiến, nhiều lời dạy rất hay.

Thưa các vị phụ huynh, kiêu ngạo không nên tăng trưởng, gọi là “tự mãn chuốc tổn hại, khiêm nhường được lợi ích”, nhất định phải nuôi dưỡng thái độ khiêm nhường cho con cái.

  • Thứ hai, “Xa”

Điều thứ hai là “xa”, xa xỉ. Giả như một đứa trẻ sống xa xỉ thì rất khó chuyển đổi, bởi vì từ “xa xỉ” trở lại “tiết kiệm” rất khó. Có một thầy giáo dạy thư pháp, một hôm phụ huynh học sinh gọi điện thoại cho thầy nói hôm nay ông ấy đến đón con muộn, nhờ thầy giáo dùng cơm tối với con của ông ấy, sau đó ông ấy mới đến đón con. Thầy giáo đồng ý, cùng với đứa bé đi vào quán ăn. Vừa bước vào, đứa bé cầm thực đơn lên rồi nói : Đến đây!”. Nhân viên phục vụ đến, đứa bé nói: Cho tôi hai lon coca. Nhân viên phục vụ đi lấy coca, đứa bé liền nghênh ngang bắt đầu chọn món ăn. Sau đó coca được mang đến, em chỉ “món này, món này, món này”, đều do em tự chọn món. Thầy giáo mở to mắt nhìn. Đợi em chọn xong, thầy lấy thực đơn lại xem thì thấy những món được chọn đều rất đắt tiền. Các vị bằng hữu! Đứa bé này học theo ai? Cha của cháu là cán bộ lãnh đạo trong cơ quan nhà nước, hành vi xa hoa của người cha đã trực tiếp truyền lại cho đứa con này. Vì vậy, quý vị phụ huynh không nên thường xuyên dẫn con cái vào chốn ăn uống xa hoa. Chúng quen ăn uống xa hoa như vậy, đương nhiên không quen ăn những món thanh đạm. Hơn nữa, đi đến những quán ăn lớn sẽ nhìn thấy nhiều người lớn có những hành vi không được tốt. Những nơi con cái không được đến, những nơi không cần thiết đến thì không nên dẫn trẻ con theo. Vì vậy phải cẩn thận, không nên tăng trưởng tác phong xa hoa cho con cái.

Mẹ tôi ít khi trang điểm, khi đi đến những nơi trang trọng mới trang điểm nhẹ. Hai người chị của tôi cũng không trang điểm nhiều, nhưng ngược lại da rất đẹp. Vì vậy, trên làm dưới noi theo.

Trong “Chu Tử Trị Gia Cách Ngôn” có đề cập: “Tôi tớ không nên chọn người xinh đẹp, thê thiếp tối kỵ người trang điểm quá diễm lệ. Vì vậy, người làm vợ hàng ngày không nên trang điểm lộng lẫy, vì ra ngoài sẽ có rất nhiều người theo đuổi. Vừa quấy nhiễu mình, vừa quấy nhiễu người khác, điều này không tốt.

Có một cháu bé đi ra ngoài với cha mẹ. Mẹ của cháu trang điểm rất đẹp. Cháu nói với người mẹ: “Thê thiếp tối kỵ người trang điểm quá diễm lệ, bởi vì cháu vừa học thuộc “Chu Tử Trị Gia Cách Ngôn”. Hai vợ chồng nhìn nhau mà cười. Người mẹ cảm thấy đứa con hiểu được đạo lý, nên tự làm cho son phấn nhạt đi. Vì vậy, không nên tăng trưởng tác phong phù phiếm.

  • Thứ ba, “Dâm”

Quan điểm của một số người thế gian thì “dâm” chính là nữ sắc. Thật sự không chỉ là nữ sắc mới dâm, chữ “dâm” này là nói con người chìm đắm vào một số dục vọng nào đó mà không thể tự chủ. Thí dụ trẻ em hiện nay khi chơi điện tử, vào mạng internet là mất mấy tiếng đồng hồ. Chơi nhiều thì mất đi ý chí, vì vậy những thứ vui chơi cũng nên hạn chế chúng. Thật ra, khi một người thật sự cảm nhận được niềm vui của việc cầu học vấn, khi chúng cảm nhận được sứ mệnh trên thân của chúng, thì chúng sẽ không mất nhiều thời gian tiêu hao vào những sự việc không liên quan với cuộc đời của mình. Chúng ta ở đó liên tục bảo chúng không nên làm cái này, không nên làm cái kia, không bằng mở rộng tâm lượng của chúng, để chúng có chí hướng cho cuộc đời của mình. Sau đó quý vị dẫn dắt chúng cùng nhau học tập, nuôi lớn thái độ hiếu học của chúng. Việc này rất quan trọng.

  • Thứ tư, “Dật”

Cuối cùng là chữ “dật”, phóng dật, chơi bời lêu lổng. Chúng ta thấy rất nhiều giáo huấn trong gia đình đều vô cùng chú trọng việc nuôi dưỡng thái độ cần cù cho con cái. Trong “Chu Tử Trị Gia Cách Ngôn”, câu đầu tiên đề cập: “Sáng dậy ngay, vẩy nước quét sân, để trong ngoài gọn sạch. Đêm đến đi ngủ, đóng rào khóa cửa, tất phải tự kiểm tra”. Việc này trước đây trong gia đình là con cái làm. Chúng lao động mới không ăn không ngồi rồi. Khi con cái biết gánh vác việc nhà, chúng mới nhận thức được sự gian lao của người làm việc. Vì vậy chúng tôi có đề cập đến có vất vả mới biết cảm ơn. Quý vị có phát hiện lòng cảm ơn của con cái hiện nay rất khó có hay không? Nguyên nhân ở đâu vậy? Bởi vì chúng là trà đến mới đưa tay bưng, cơm đến mới há miệng. Có một bạn nhỏ sau khi nghe xong liền nói với chúng tôi: Thưa thầy, nếu trà đến không đưa tay bưng, cơm đến không há miệng thì làm sao mà ăn?. Thật sự không biết sự vất vả trong dân gian.

Có thầy giáo dùng “Đệ Tử Quy” để dạy học trò. Thầy nói với các học trò là: Sinh nhật là ngày chịu nạn của người mẹ. Trước đây đến ngày sinh nhật đều nghĩ đến bánh sinh nhật, hiện nay thì đã khác, thầy đã hướng dẫn các em vào ngày sinh nhật nên dốc hết tâm lực để cho cha mẹ không phải vất vả như vậy.

Có một bé gái học lớp bốn, sau khi nghe xong về nhà nói với mẹ: Con muốn xào thức ăn cho mẹ. Bởi vì không đủ chiều cao, cháu kê một cái ghế rồi đứng lên, đổ dầu vào chảo. Dầu bắn lên, cháu liền đi tìm cái găng tay lớn, sợ tay bị dầu bắn trúng nên đeo găng tay vào. Tiếp theo là đổ dưa chuột vào, dầu bắn lên càng cao hơn. Trong tình thế cấp bách liền chạy đi lấy cái mũ bảo hiểm của ba cháu đội lên, đầy đủ vũ trang. Cuối cùng, mồ hôi nhễ nhại mới xào xong đĩa thức ăn. Cháu bưng đĩa thức ăn đó ra, tin là trong lòng cháu đã trưởng thành, đã cảm nhận được sự vất vả của việc nấu ăn. Sau này ăn thức ăn do mẹ nấu, cháu có còn chê này chê nọ hay không? Chắc chắn là không. Có làm cháu mới biết mẹ mình vừa đi làm vừa nấu nhiều thức ăn như vậy thật không phải dễ. Vì vậy, có vất vả mới biết cảm ơn.

Các vị xem, chúng ta làm xong công việc của tháng đầu tiên, lương chỉ có chút ít, bỗng nhiên cảm thấy tiền rất khó kiếm, cảm nhận được trước đây mình tiêu tiền quá nhiều, thật có lỗi với cha mẹ. Con người không phải là Thánh Hiền, ai mà không có lỗi, vì vậy bây giờ phải tiết kiệm.

Điều thứ hai, ngoài việc có vất vả mới biết cảm ơn, những đứa trẻ thường lao động thì rất cần cù. Cần cù rất có lợi cho thân thể. Trong quá trình làm việc, đầu óc của chúng cũng theo đó vận động. Vì vậy, những học trò thường làm việc nhà thì đầu óc đặc biệt linh hoạt. Có một số em có thành tích rất tốt, nhưng ở nhà chẳng làm việc gì. Quý vị sắp đặt công việc cho chúng làm, có khi cũng bị chúng làm cho bực mình, bởi vì chúng không có kinh nghiệm.

Tôi đã gặp một em học sinh, chỉ cần gặp bất cứ việc gì thì nhất định em đó bảo mẹ gọi điện nói với tôi. Tôi liền nói với em đó: Em trực tiếp nói với thầy được rồi, làm gì phải phiền đến mẹ em như vậy?. Đầu em đó cúi cúi như thế này, lần sau vẫn bảo mẹ gọi điện thoại cho tôi. Bởi vì con cái ít khi gánh vác công việc, nên khi đối mặt với công việc thì sợ sệt. Thật sự như vậy là chúng ta đã hại con cái rồi.

Thứ ba, lao động sẽ tăng thêm ý chí của con người. Chú Lư đã từng nói, khi chú còn nhỏ, lu chứa nước nhà bên cạnh đã hết, mẹ của chú nói: Lại đây, hãy đi gánh nước đổ đầy lu (vại)”. Lu nước của nhà ai vậy? Lu nước của nhà hàng xóm. Lúc đó đã hơn bốn giờ rồi. Gánh nước thì phải đi đến con suối nhỏ, và không phải gánh một lần là có thể đầy, mà phải gánh hai lần. Gánh xong hai lần này cũng có thể đã chín giờ. Chú có đi gánh nước không? Thời đó con cái rất tôn kính cha mẹ, “cha mẹ bảo, chớ làm biếng”, cho nên phải đi gánh nước. Về đến nhà đã chín giờ, cơm canh đã nguội lạnh. Quý vị có cam lòng không? Nếu quý vị không cam lòng thì sẽ không nuôi dưỡng thành nhân tài giống như chú Lư được. Mẹ của chú biết giúp đỡ người khác, tiện thể rèn luyện ý chí của chú. Mỗi khi đối mặt với áp lực lớn, áp lực của công việc, trong đầu của chú đều hiện lên hình ảnh của chú lúc đi gánh nước. Chú nghĩ: “Tôi sắp không thể chịu đựng được nữa rồi. Giả như không chịu đựng được thì ở lại chỗ này cũng vô dụng, nên phải kiên trì mà đi từng bước từng bước”. Khi đối diện với sự thách thức thì ý nghĩ đầu tiên của chú là gì? Phải vượt qua. Vì vậy, lao động sẽ làm cho ý chí của một người không ngừng nâng cao.

Quý vị bằng hữu! Các bạn trẻ ngày nay có phải là thiếu những điều này hay không? Đúng vậy! Vì vậy phải nhanh chóng dạy cho con cái làm việc nhà, đóng góp công sức, mới có thể tăng trưởng những đức hạnh tốt, thái độ tốt.

****************

Đệ Tử Quy giảng giải– Con Đường Đạt Đến Nhân Sinh Hạnh Phúc (tập 12)

Người giảng: Thầy Thái Lễ Húc

Giám định: Lão Hòa thượng Tịnh Không

Giảng ngày: 15/02/2005

Cẩn dịch: Ban phiên dịch Tịnh Không Pháp Ngữ

Giám định phiên dịch: Vọng Tây Cư Sĩ

Biên tập: Ban biên tập Tịnh Không Pháp Ngữ