Khẩu Nghiệp Là Ngã Rẽ, Niệm Phật Là Con Đường Giải Thoát Sinh Tử

BÁO CÁO TU HỌC TỪ LỚP HỌC ONLINE.

Hanh Trinh Thay Doi Ban Than

Khẩu Nghiệp Là Ngã Rẽ, Niệm Phật Là Con Đường Giải Thoát Sinh Tử: Học Phật là học để tự cải thiện, không phải để dạy người khác. Thành công trong tu học không có con đường tắt, cần buông xả vạn duyên, niệm Phật với tâm chân thành để giải thoát khỏi sinh tử.

Khiêu khích, thị phi, đặt điều sinh sự. Hiện nay, việc này rất phổ biến và còn được sự trợ giúp rất lớn từ mạng xã hội: Facebook, TikTok rồi YouTube. Đặc biệt là thời gian gần đây, chuyện thị phi trong nhà Phật lại quá nhiều! Cho nên, điều tốt nhất là tránh xa các mạng xã hội, tránh xa internet để bảo tồn tâm trí, bớt phiền não, bớt hóng hớt chuyện thiên hạ. Kiểu gì mình vào xem thì cũng bị dính mắc: Thầy này như thế này, Thầy kia như thế kia, rồi tự nhiên mang những thông tin đó bỏ vào tâm, và vô tình có thể tạo khẩu nghiệp. Vậy thì, việc tạo khẩu nghiệp nói xấu người này, người nọ trong cửa Phật, về Thầy này, Thầy kia sẽ dẫn mình vào địa ngục A Tỳ. Giống như hôm nay Ngài giảng mà có nhiều người không nhận ra. Con nghĩ hôm nay đoạn Ngài giảng giải liên quan đến chỗ “lưỡng thiệt.” Ngài giảng rất kỹ.

Đầu tiên, Ngài nói rõ: “Thế gian tất cả các pháp không có thiện ác, không có đúng sai, không có tà chánh, không có chân vọng, cũng không có lợi hại. Nếu bạn vào cảnh giới này, chúc mừng bạn! Bạn đã thành Phật rồi! Đã vào pháp môn không hai rồi.” Tại sao Phật nói như vậy? Phật nói cho chúng ta về chân tướng sự thật, là cảnh giới thực chứng của chư Phật Như Lai. Đó là “pháp nhĩ như thị.” Người bình thường gọi là “tự nhiên như vậy,” vốn dĩ là như vậy. Rồi tất cả những khái niệm tà chánh, thị phi, chân vọng, lợi hại này đều do tâm người sinh ra, từ vọng tưởng, phân biệt, chấp trước mà sinh ra. Khi lìa khỏi vọng tưởng, phân biệt, chấp trước, chúng ta mới thấy rõ chân tướng của vũ trụ nhân sinh. Hay nói cách khác, phàm phu chúng ta đeo cặp kính màu khi nhìn cảnh bên ngoài, làm cho nó biến chất, biến hình. Lìa khỏi vọng tưởng, phân biệt, chấp trước mới thấy được chân tướng. Không lìa vọng tưởng, phân biệt, chấp trước là tạo nghiệp rồi.

Ngài giảng rất rõ. Tuy nhiên, để khế nhập vào cảnh giới này thì mình chưa khế nhập được vì mình chưa thành Phật. Vậy, đứng ở vị trí phàm phu, mình phải cảnh giác, giữ gìn cái miệng của mình, quản lý cho tốt. Ít nhất, mình phải làm được điều này. Thiện ác cũng phải thấy rõ ràng. Không phải nói là không có thiện, không có ác. Cảnh giới hiện nay của mình là phàm phu, nên phải phân biệt thiện, ác rõ ràng. Nếu lạc vào ác pháp, chắc chắn mình tạo ác nghiệp và chắc chắn sẽ đọa vào tam ác đạo. Chỉ khi nào vãng sanh về Cực Lạc Thế giới rồi, quay lại đây độ chúng sanh thì muốn diễn vai nào cũng được: vai thiện hay vai ác. Như đoạn dưới: “Thiện tài đồng tử khi tham học các Ngài Pháp thân Đại Sĩ thì các Ngài có thể diễn tham sân si, sát đạo dâm vọng, có thể diễn hết.” Nhưng phàm phu hiện nay không có năng lực này vì còn cái ngã, còn tham sân si, còn tự tư tự lợi, và chưa chứng Thánh quả. Phải chứng Thánh quả mới dứt ra khỏi nghiệp luân hồi. Dứt ra được rồi, các vị chứng Thánh quả A La Hán nhìn vào luân hồi còn sợ. Các vị đó khi nhìn thấy tiền kiếp của mình từng đọa địa ngục, thân các Ngài xuất mồ hôi máu. Sợ đến mức đó! Cho nên, với các nghiệp ác trong luân hồi, các vị chứng Thánh quả từ Tu Đà Hoàn đến A La Hán nhìn thấy đều sợ. Còn mình thì mê nên không thấy sợ. Mỗi ngày vẫn tạo nghiệp, cái miệng này vẫn nói lời thị phi: “Ờ! Thầy này thế này… Thầy kia thế kia… Sư Cô thế nọ…”

Khi tiếp xúc với Quý Thầy, Quý Sư Cô, tâm thái mình rất không tốt. Nếu bạn có tâm thái này thì phải bỏ. Đó là gì? Hay soi xét hành vi, lời nói của Quý Thầy, Quý Sư Cô xem họ thế nào. Rồi khi tiếp xúc, nhận ra điều chưa tốt của họ, mình cảm thấy bất bình, thất vọng, rồi có cái nhìn, cách nghĩ sai lệch. Hay nói cách khác, bắt đầu có thành kiến với những người xuất gia. Nhưng phải hiểu rằng “xuất gia cũng là những người đang tu học thôi.” Cho nên, Thầy Minh Tuệ làm ra một tấm gương để nhắc nhở. Không phải Thầy nói cho bản thân Thầy, mà để mình học tập. Học tập đức khiêm tốn của Thầy: “con cũng chỉ là một người đang học tập.” Mặc dù mang hình tướng xuất gia nhưng Thầy rất khiêm tốn. Khiêm tốn này rất tự nhiên, không phải kiểu khách khí hay khách sáo. Thầy dạy bài học rằng dù tu học thế nào, cũng nên xem mình là người học trò. Vì nếu không khéo, học một thời gian, cảm thấy chuyên tâm, có chút tiến bộ trong việc học tập, niệm Phật, nghe pháp, thực hành thì lại thích giảng dạy, thích dạy người khác. Khi người khác hỏi tới, lại nói nhiều: “Bạn phải tu như thế này, bạn phải tu như thế kia…” Dù có xưng “con” nhưng tâm muốn dạy bảo người khác, chưa chắc đã tốt.

Nên lâu lâu phải nghe Ân Sư giảng: “Nhìn thấu là trí huệ chân thật.” Học Phật là học cho mình, không phải học để dạy người khác. Nếu người ta có nhu cầu, mình phải xem kỹ: Đời sống họ ra sao? Tâm thái tu học của họ thế nào? Nhân duyên của mình với người này tới đâu? Mức độ ảnh hưởng của mình với họ thế nào? Khi thấy đủ duyên, mình phải tìm hiểu xem nên dùng phương pháp gì để giúp đỡ người đó. Muốn như vậy nhất định phải có trí tuệ, ít nhất là một chút. Căn bản là phải thực hiện Thập Thiện Nghiệp Đạo.

Cho nên, khi mình còn nói lời khẩu nghiệp, còn tạo ác nghiệp qua miệng mà nói người ta “giữ gìn khẩu nghiệp, không nói lỗi người,” trong khi mình vẫn đi nói lỗi người thì mình có thấy xấu hổ không? Nếu người nào còn xấu hổ thì có cơ hội để quay đầu. Khi nói ra mà chưa làm được, mình thấy xấu hổ thì không có tâm tự đắc. Đây là nhắc nhở bản thân phải khắc phục điểm yếu, cũng không ngại nói rõ: Con cũng còn tật đó. Con chưa dứt được tật khẩu nghiệp nên đây là lời nhắc cho chính con, chứ không phải nói để cô chú, anh chị, Sư Huynh, Sư Đệ, con cháu trong nhà phải bỏ khi mình chưa bỏ được, rồi cứ tự đắc nói người ta sai hay tạo khẩu nghiệp thế này thế nọ… Đây như Ân Sư nói: Nói một đằng, làm một nẻo thì không phải là người học Phật. Ngài dùng từ hơi khó nghe, gọi là “Tiểu nhân.” “Tiểu nhân” là nói một đằng, làm một nẻo, cho nên họa sẽ tránh không kịp chứ không mong cầu phước đức, vãng sanh Cực Lạc được. Cho nên, họa là từ cái miệng này mà ra. Hôm nay Ngài nói về khẩu nghiệp. Khi ngồi yên, dùng miệng niệm Phật, mình không tạo nghiệp qua miệng nữa vì miệng đang bận niệm Phật. Đây là điều căn bản nhất để thấy lợi ích của việc niệm Phật. Nhờ niệm Phật mà không có thời gian nói chuyện khác.

Gặp ai, nói gì xong công việc rồi quay lại câu Phật hiệu. Nhờ vào câu Phật hiệu thường niệm trên miệng với tâm chân thành thì tự nhiên cũng tiêu trừ nghiệp chướng mà trước giờ mình thường mắc phải, đó là tạo khẩu nghiệp. Các bạn thử nghĩ xem: Không niệm Phật, miệng mình im lặng được bao nhiêu phút mà không nói. Rồi tịnh khẩu được vậy, còn tâm mình có tịnh không? Nó có bớt lăng xăng không? Hay vẫn còn đầy ngôn từ trong đó? Cho nên, tịnh khẩu mà không tịnh tâm thì cũng vứt đi. Phản tỉnh rất rõ ràng khi đời sống mình tiếp xúc với mọi người: Tâm mình dấy lên những câu nói gì? Ý! Ông Thầy này kỳ quá! Ổng làm Thầy mà sao ổng kỳ vậy ta? Trong tâm mình nói vậy. Dù miệng không nói, miệng vẫn “Dạ, con chào Thầy! A DI ĐÀ PHẬT,” rất dễ thương. Nhưng tâm thì không kính trọng người Thầy này, với những lời lẽ khác vì thấy hành vi của người Thầy này không tốt, hoặc so sánh người Thầy này không bằng Thầy kia. So sánh là rất thường xảy ra. Gặp Quý Thầy, Quý Sư Cô, cứ hay so sánh. Ngưỡng mộ ai, tôn sùng vị đó lên đệ nhất. Gặp các vị khác lại thấy không bằng Thầy mình tôn sùng. Từ phân biệt này, mình sanh tâm không cung kính. Cung kính của mình không bình đẳng, mà từ “cung kính không bình đẳng” sẽ dễ sanh ra niệm bất kính. Tôi không nể ông thì trước sau gì bạn cũng nói lời bất kính vì tư tưởng bạn đã không tốt rồi.

Đối với người lớn là vậy: Nói chuyện là phải nể. Trong thế giới quan luôn có chỗ đó. Nể thì mới nghe lời. Không phục thì nói qua nói lại cũng có thái độ bất kính. Cho nên, muốn độ người lớn rất khó vì phải làm họ nể phục. Còn con nít thì dễ thương hơn. Chơi với con nít thì vui hơn. Còn chơi với người lớn thì “nhìn mặt bắt hình dong.” Nhìn mặt vui vẻ chứ trong bụng thì khác, đâu có biết, tới lúc trở mặt thì thôi. Thế giới người lớn rất phức tạp. Đó không phải là nói người khác mà nói với nội tâm của mình. Mình cũng như vậy. Vì vậy, nếu không có luyện câu Phật hiệu, luyện trên kinh giáo để phát huy công đức chân thật, đó chính là “Tâm bình đẳng,” thì khi tiếp xúc với mọi người, sự vật xung quanh, mình chắc chắn tạo nghiệp. Tạo nghiệp từ tâm phân biệt, chấp trước của mình. Tạo nghiệp từ chính vọng tưởng, suy diễn của mình. Dùng những thứ này để đánh giá sự vật, đánh giá người. Đây là điều mình làm mỗi ngày.

Cho nên, dù tu học bao lâu, thì bây giờ hỏi lại: Một ngày niệm Phật được bao nhiêu tiếng? Nghe pháp được bao nhiêu tiếng? Thâm nhập pháp, tự hành Đệ Tử Quy được thế nào với gia đình? Lấy đây làm chỗ căn bản để phản tỉnh. Không có thời gian tu học trên 12 giờ, ít nhất là 8 giờ, không thực hành Đệ Tử Quy thì ngày nào nghiệp tạo cũng rất nhiều. Cho nên, những ai bận rộn thì phải tranh thủ thời gian quay về niệm Phật. Ai rảnh rỗi thì tranh thủ thời gian tăng cường công phu niệm Phật, nghe pháp. Người thế gian muốn thành tựu nghề của mình, niềm đam mê nghề nghiệp có thể khiến họ bỏ hết công sức, thời gian. Một ngày người ta học, thực hành nghề từ 8 đến 10 giờ, thậm chí thức đêm, thức hôm để học mới giỏi được, đạt tới mức giỏi, xuất sắc, phải trải qua hàng ngàn giờ luyện tập. Đó là nghề ở thế gian thôi.

Còn đây, mình đang làm một cuộc chuyển đổi rất lớn, đó là bứt phá khỏi dòng sanh tử. Bài thi của nghề ở thế gian, bất cứ ngành nào, so với bài thi sanh tử này chỉ là hạt cát trên sa mạc. Nói về độ khó, sa mạc quá rộng lớn chứa không biết bao nhiêu hạt cát. Đột phá sanh tử so với nghề của thế gian không biết phải cố gắng bao nhiêu lần. Chứ tu chơi chơi: Rảnh thì niệm Phật, không rảnh thì thôi, Phật không thể tiếp dẫn mình vì nghiệp lực quá mạnh. Mình không xoay chuyển được nghiệp lực của mình. Nhưng chủng tử tu học đời này vẫn còn. Tuy không thành tựu nhưng vẫn có, đến một đời tương lai xa xôi, mấy trăm, mấy ngàn kiếp sau gặp lại cơ duyên hy hữu thì chủng tử này phát lại. Khi đó, nếu nghiêm túc tu học, đủ duyên sẽ được cứu. Tự mình nỗ lực thành tựu.

Cho nên, chuyện học Phật, niệm Phật mà thành công không có đường tắt. Không có kiểu khôn lỏi mà thành tựu được. Không có copy bài mà thi đậu được. Chỉ có một cách: Buông xả vạn duyên, nhất tâm niệm Phật cầu sanh Cực Lạc. Vạn duyên đây là 24 giờ. Làm được thì thành tựu, không làm được thì rớt. Hết!

NAM MÔ A MI ĐÀ PHẬT


Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *