Hạnh Phúc Nhân Sinh (Tập 23)

Đệ Tử Quy

ĐỆ TỬ QUY GIẢNG GIẢI

CON ĐƯỜNG ĐẠT ĐẾN NHÂN SINH HẠNH PHÚC

TẬP 23

Chúng ta ôn tập lại phần “Đứng ngay thẳng”. Với phái nữ, lúc đứng có thể đứng như thế này, khép hai chân lại sát nhau.

Sau đó tay phải đặt lên tay trái.

Giả như quý vị mặc váy thì có thể đặt tay thấp xuống một chút,  còn mặc quần dài thì có thể để tay cao một chút.

Đây là nói về phái nữ. Có thể trực tiếp đứng thẳng như thế này, hai tay có thể buông xuống một cách tự nhiên. Chỉ cần động tác của chúng ta tao nhã, thì đứng như vầy cũng được.

Nam giới thì phải có khí khái đại trượng phu, hai chân rộng bằng vai, mắt nhìn thẳng về phía trước. Đây là tư thế đứng.

Phái nữ ngồi thì hai chân phải khép lại, tay phải đặt trên tay trái, sau đó đặt hai tay lên chân trái. Đây là cách ngồi của phái nữ.

Phần trước chúng tôi đã làm mẫu cách ngồi, cũng nhắc đến việc tổ tiên đã dạy cho chúng ta “đứng như tùng, nằm như cung, đi như gió, ngồi như chuông”.

Bây giờ chúng tôi làm mẫu cách ngồi của phái nam. Cách ngồi của phái nam là hai chân có thể dang rộng một chút, hai tay để tự nhiên ở trên đùi.

Quý vị bằng hữu, tư thế này quý vị có thấy quen thuộc không? Ba mươi năm trước, khi chụp ảnh tập thể trong gia đình, ai đã ngồi tư thế như vậy? Người cha ngồi tư thế như vậy. Thời đó ngồi như vậy rất có oai nghi.

Lúc tôi còn giảng dạy ở Sơn Đầu, tôi cũng ngồi theo kiểu này, người thợ chụp ảnh luôn kêu tôi: “Khép chân lại! Khép chân lại!”. Tôi không biết phải làm thế nào mới đúng, tôi từ từ khép lại một chút, nhưng không thể khép chân nhiều hơn. Quý vị bằng hữu, giả như nam giới ngồi như thế này (ngồi khép chân lại) thì cảm thấy như thế nào? Tính tình có vẻ hẹp hòi. Đây là tư thế ngồi. Trong tư thế ngồi chúng ta cũng nên chú ý một số chi tiết.

3.8.2 “Chào cúi sâu, lạy cung kính”

Khi cúi chào, chúng ta nên cúi thấp người xuống, gọi là cúi chào chín mươi độ (900). Có một người bạn, ngày đầu tiên đến đây học, nhìn thấy mọi người chào hỏi lẫn nhau, anh cũng gật đầu chào mọi người. Khi tan học vào ngày thứ năm, anh ấy đến trước chúng tôi nói là trước đây sự cúi đầu của anh đều không tính, bởi vì sự cung kính đó không xuất phát từ nội tâm, nên bây giờ phải chính thức cúi đầu hành lễ ba lạy trước thầy cô giáo. Động tác cúi đầu này của chúng ta có phải là xuất phát từ nội tâm hay không thì bản thân mình biết, người khác cũng cảm nhận được. Sự lễ phép thật sự không phải là sự thể hiện bên ngoài, mà phải là “thành ý ở bên trong, thể hiện ra bên ngoài”. Đây là nói đến các phần oai nghi của chúng ta.

3.8.3 “Chớ đạp thềm, không đứng nghiêng. Chớ ngồi dang, không rung đùi”

 “Chớ đạp thềm” còn có nghĩa là khi đứng hoặc ngồi thì không nên giẫm đạp lên đồ vật. Ví dụ ngày xưa có thềm cửa, quý vị đạp lên đó thì rất khó coi, cũng khiến người khác cho rằng quý vị rất ngạo mạn, rất tùy tiện. Mà đồ vật bị giẫm đạp lâu ngày thì sẽ rất dễ bị hỏng. Đây cũng là thái độ biết thương tiếc đồ vật.

Ngày nay rất nhiều trẻ em ngồi trên ghế, có thể chân của chúng đạp lên song ghế (thanh ngang dưới chân ghế), hoặc là đạp lên chân bàn. Việc làm này phải nên kịp thời sửa đổi. Giống như trong lớp học Kinh văn của chúng tôi, xem ra có vẻ mọi người ngồi rất tốt, nhưng khi nhìn xuống phía dưới bàn thì xuất hiện nhiều điều kỳ lạ. Có người trong lúc đọc “đạo làm con, Thánh nhân dạy” mà ngồi lắc đùi, còn có người dưới chân thì đạp lên song ghế và song bàn. Có tình huống đang học giữa chừng thì đột nhiên ghế của các em bị lật ngã, vì sao vậy? Song ghế bị đạp gãy nên bị ngã xuống. Vì vậy, rất nhiều động tác của các em chúng ta cần phải chỉnh sửa kịp thời thì mới trở thành thói quen tự nhiên. Cho nên nói “chớ đạp thềm”. Nếu các em đã tập thành thói quen xấu rồi thì các vị cũng nên kiên nhẫn mà nhắc nhở chúng.

“Không đứng nghiêng” nghĩa là lúc đứng thì không nghiêng sang một bên hoặc là dựa vào vật khác, vì như vậy thì không tốt. Ngay cả lúc các em đứng đều tùy ý, tùy tiện như vậy, thì quý vị có dám giao việc quan trọng cho chúng làm không? Tin rằng việc nhỏ mà lơ là như vậy, thì khi có việc lớn cũng không thể đột nhiên trở nên cẩn thận được. Vì vậy, “đừng thấy việc thiện nhỏ mà không làm, đừng thấy việc ác nhỏ mà làm”. Một người có năng lực lớn cũng là bắt đầu đặt nền móng từ những việc nhỏ. Một người có hành vi không tốt là do không chú ý đến những chi tiết nhỏ trong cuộc sống.

3.9    Kinh văn:

“Hoãn yết liêm, vật hữu thanh. Khoan chuyển loan, vật xúc lăng. Chấp hư khí, như chấp doanh. Nhập hư thất, như hữu nhân”.

Vén rèm cửa, chớ ra tiếng. Rẽ quẹo rộng, chớ đụng góc. Cầm vật rỗng, như vật đầy. Vào phòng trống, như có người”.

Đoạn Kinh văn này về nguyên tắc là giúp cho chúng ta hình thành thái độ mạnh mẽ nhưng thận trọng. Chúng ta thường nói nên mạnh mẽ nhưng phải thận trọng, vì vậy rất nhiều động tác chúng ta làm vô cùng nhẹ nhàng, cung kính, nhưng khi đối mặt với những thách thức thì không nên sợ khó khăn, cho nên “không sợ khó”. Bởi vì kỹ lưỡng thì sẽ làm việc rất cẩn thận, tự nhiên sẽ không xảy ra sự cố. Bởi vậy, thái độ mạnh mẽ nhưng thận trọng đều được bồi dưỡng từ những chi tiết nhỏ trong cuộc sống.

3.9.1 “Vén vèm cửa, chớ ra tiếng”

Khi chúng ta kéo rèm cửa thì phải kéo nhẹ nhàng, không nên để phát ra âm thanh quá lớn. Bởi vì mọi người đều sống tập thể, cùng làm việc với nhau, cùng sống với nhau. Vì vậy, mọi cử chỉ động tác của chúng ta có gây khó chịu, phiền toái cho người khác hay không, việc này chúng ta phải có sự nhạy cảm để quán chiếu. Nếu như người bên cạnh đang ngủ mà quý vị kéo rèm cửa tạo thành tiếng lớn. Không chừng hai – ba ngày nay họ không ngủ được, hôm nay rất khó mới ngủ được. Động tác này của quý vị có thể làm cho họ thức giấc và không ngủ được nữa. Hoặc lúc chúng ta ở trong thư viện, quý vị muốn đi vén rèm cửa. Thư viện là nơi để xem sách, mọi người rất yên lặng, giả như quý vị kéo rèm quá mạnh có thể sẽ có người bị quý vị làm cho giật mình. Vì vậy, “vén rèm cửa, chớ ra tiếng”.

Tuy chỉ là một động tác vén rèm cửa nhưng cũng nói với chúng ta: Mỗi hành động, lời nói của chúng ta ở mọi nơi có làm cho người khác cảm thấy bất an không? Âm thanh đó có quá lớn hay không? Khi chúng ta luôn nghĩ đến người khác thì tâm càng ngày càng nhu nhuyến, quý vị thật sự đang thực hiện tâm nhân từ trong cuộc sống.

Ngoài những hành vi trên, còn có những lúc nào mà âm thanh chúng ta quá lớn gây phiền phức cho người khác nữa? Ví dụ mấy hôm nay chúng ta cùng chung sống với nhau, nếu buổi tối bước chân đi lại lớn tiếng thì sẽ làm phiền người khác. Hơn nữa, nếu buổi tối đi vệ sinh mà mở cửa quá mạnh thì nhiều người có thể sẽ thức giấc.

Tôi nhớ lúc tôi học ở Úc, chú Lư có nói với tôi buổi tối thức dậy đi vệ sinh cần phải nhẹ nhàng. Khi xả nước bồn cầu nhất định phải đóng nắp bồn cầu lại, nếu không thì âm thanh xả nước bồn cầu quá lớn sẽ ảnh hưởng đến sự an giấc của rất nhiều người.

Một người có học vấn hay không thì nhìn từ chỗ nào? Chúng tôi nói: “Nghĩ đến người khác là học vấn bậc nhất”. Nghĩ đến người khác không phải là nói bằng miệng mà phải thực hiện từng chút một.

Ngoài tiếng bước chân, tiếng đóng cửa không nên quá lớn, thì khi ăn cơm cùng mọi người cũng không nên gây tiếng động lớn. Giả như quý vị ăn cơm âm thanh quá lớn, tất cả mọi người đang ăn sẽ cảm thấy khó chịu. Tại vì sao khi ăn cơm lại phát ra âm thanh quá lớn vậy? Vì không khép miệng lại. Do đó, tôi cũng nhắc rất nhiều bạn khi ăn cơm phải khép miệng lại. Bởi vì chúng ta không chỉ đại diện cho bản thân mình mà chúng ta còn đại diện cho công ty, cho đoàn thể. Thậm chí quý vị đi du lịch ở nước ngoài thì quý vị đại diện cho ai? Cho đất nước. Vì vậy quý vị phải thường xuyên nhắc nhở chính mình.

Lần trước, chúng tôi cũng có nói đến Nhà thờ Đức Bà ở Paris có viết một hàng chữ bằng tiếng Trung Quốc là “Xin đừng nói chuyện lớn tiếng!”. Viết cho ai xem vậy? Người ta thì tiếng lành đồn xa, còn chúng ta sao lại có hậu quả như vậy? Ngày nay người Trung Quốc đến nơi công cộng nói chuyện lớn tiếng đã thể hiện ở trong gia đình họ cũng như vậy. Vì vậy, sự tu dưỡng của một người hoàn toàn được bồi dưỡng từ trong gia đình, hoàn toàn ở chỗ không ai nhìn thấy mà vẫn thực hiện. Cho nên người xưa đặc biệt nhấn mạnh công phu của việc “thận độc”. Nghĩa là khi chúng ta ở một mình, lời nói và hành động của chúng ta vẫn phải nhẹ nhàng, từ tốn. Thói quen đó đã thành tự nhiên thì ở nơi công cộng tự nhiên quý vị có thể thể hiện ra hành vi, động tác tao nhã như vậy.

Khi chúng ta ở sân bay nhìn thấy trẻ em hò hét, chạy tới chạy lui, chúng ta cũng nên kịp thời ngăn cản hành vi của những đứa bé này. Quý vị đem câu chuyện ở Nhà thờ Đức Bà, Paris kể cho chúng nghe và nói với chúng rằng chúng ta không nên để mất mặt với cả thế giới. Các con thấy ở sân bay có nhiều người nước ngoài, họ thấy các con như vậy sẽ nói: Trẻ con Đài Loan sao lại được giáo dục như thế này? Người Trung Quốc sao lại được giáo dục như thế này?. Như vậy thì không tốt!

Khi chúng ta có sự nhạy cảm như vậy, thì từng li từng tí trong cuộc sống chúng ta sẽ bắt đầu có sự nhận thức sâu hơn đối với câu Kinh văn này. Ví dụ nửa đêm về nhà, quý vị nên mở cửa một cách nhẹ nhàng. Khi lái xe về nhà lúc nửa đêm, quý vị cũng nên nhanh chóng tắt máy xe. Sự nhạy cảm đối với âm thanh của quý vị ngày càng cao thì khả năng quán chiếu của quý vị đã hình thành.

“Vén rèm cửa”, ngoài việc không để âm thanh làm ảnh hưởng đến người khác ra thì đây cũng là cách yêu quý đồ vật. Bởi vì quý vị sử dụng đồ vật một cách nhẹ nhàng thì chúng khó bị hư hỏng. Giả như bình thường chúng ta sử dụng đồ vật rất thô bạo, rất mạnh tay, thì vật dụng này vốn là có thể dùng được năm năm, mười năm, nhưng dùng chưa đến một năm thì bị hỏng rồi. Từ quan niệm yêu quý đồ vật, chúng ta cũng nên luôn luôn nhắc nhở chính mình không nên quá thô bạo.

Ví dụ như mặc quần áo, nếu quý vị quá thô lỗ thì quần áo rất dễ bị rách. Việc này cũng nên nhắc nhở con cái yêu quý đồ vật. Khi động tác của quý vị đều nhẹ nhàng, thì trong cuộc sống sẽ không xảy ra việc làm rách đồ đạc, làm rơi hỏng đồ đạc hoặc là va chạm đồ đạc, những tình huống như vậy đều đã xảy ra.

Khi còn nhỏ, tôi cũng hay bị thương, nếu không bị trầy xước (rách da) ở chỗ này một đường thì cũng bị ngã gãy răng, nên luôn có đầy vết sẹo. Tôi vẫn nhớ có một lần chạy vào nhà bếp bị trượt ngã, gãy hết mấy cái răng. Mãi đến khi tôi học đại học thì bắt đầu cố gắng học tập, sau đó đọc được một số Kinh điển thì những sự việc như vậy dần dần giảm đi. Bây giờ rất hiếm khi bên này bị rách một lỗ, bên kia bị cắt một đường. Thật sự con người vì sao bị thương nhiều như vậy? Nguyên nhân chủ yếu là do tâm, do tùy tiện, cẩu thả mới thể hiện ra những hành vi hấp tấp thô bạo. Vì vậy, một người muốn tu sửa bản thân mình phải bắt đầu từ căn bản, nghĩa là phải bắt đầu điều phục tâm. Mà điều phục tâm thì phải dụng tâm từ những chi tiết nhỏ trong cuộc sống mà cố gắng học tập. Cho nên “vén rèm cửa, chớ ra tiếng. Rẽ quẹo rộng, chớ đụng góc”.

 3.9.2 “Rẽ quẹo rộng, chớ đụng góc”

Trong trường học của chúng tôi, các em hay mắc phải lỗi này, thường không cẩn thận, mắt không biết nhìn chỗ nào, liền bị va vào góc bàn. Va vào góc bàn thì chắc chắn sẽ rất đau, bị bầm tím, bị thương. Vì vậy, từ câu Kinh văn này chúng ta cũng có thể mở rộng ra nói với học sinh: Bản thân mình nên chú ý sự an toàn mọi lúc mọi nơi. Tại sao trẻ con hiện nay tỉ lệ tử vong ngoài ý muốn ngày càng cao? Bởi vì chúng không có sự nhạy cảm. Vì vậy, người lớn, giáo viên, phụ huynh đều phải luôn luôn nhắc nhở chúng. Nếu không, đến khi gặp bất trắc thì đã quá muộn rồi.

Hiện nay nhiều em rất thích đua xe. Việc này đối với sự an toàn của bản thân đều không có sự nhạy cảm. Chúng ta suy xét xem vì sao con cái thích đua xe? Thật sự chúng ta không nên dừng ở kết quả này mà hãy tìm ra nguyên nhân thì mới có thể cải thiện những tình huống này. Đây là do nội tâm trống rỗng. Khi chúng không biết mục tiêu của cuộc đời ở chỗ nào, bổn phận của cuộc đời ra làm sao, thì có thể chúng sẽ chơi bời lêu lổng, cuối cùng sẽ bị lầm lạc. Tại sao chúng cảm thấy trống rỗng? Bởi vì chúng cảm thấy mình không có giá trị. Chúng ta tiến thêm bước nữa để hiểu về gia đình của những đứa trẻ này thì biết được phần nhiều là do thiếu sự quan tâm, yêu thương của cha mẹ. Từ đó, giáo viên chúng tôi có một nhận thức sâu sắc, quý vị càng quan tâm đến những đứa trẻ này thì các em sẽ càng tiến bộ nhiều.

Tôi nhớ hai năm trước tôi có dạy một lớp ồn ào khó quản lý nhất trường. Thầy của chúng đã dạy học bốn mươi năm vẫn cảm thấy lớp này thật sự rất khó dạy. Học kỳ hai của lớp sáu thì thầy không dạy nữa, vì xong học kỳ một thì thầy về hưu rồi, nên học kỳ hai cần có giáo viên dạy thay. Đúng lúc tôi vừa từ Úc trở về, một bạn học ở trường đại học sư phạm Nam Kinh gọi điện thoại cho tôi. Anh ấy nói: “Trường chúng tôi có một lớp rất khó dạy, anh có muốn đến dạy không?”. Nếu anh ấy không nói là lớp khó dạy nhất thì chưa chắc tôi đã đi dạy. Anh ấy nói là lớp khó dạy nhất, nên tôi lập tức trả lời: “Được!”. Tục ngữ nói: “Không vào hang cọp làm sao bắt được cọp”. “Đệ Tử Quy” cũng nói: “Không sợ khó”. Bởi vì chúng tôi làm giáo viên nên mong muốn năng lực của mình có thể nhanh chóng phát triển, sau này học sinh của mình mới có thể có nhiều lợi ích. Nếu như lần đầu tiên có thể dạy một lớp khó như vậy, thì nhất định tôi sẽ tiến bộ không ít. Vì vậy, thông qua cơ hội này tôi liền đến dạy lớp học này.

Thầy của chúng bắt đầu giới thiệu với tôi từ em đầu tiên đến em cuối cùng. Em thứ nhất thì như thế nào, em thứ hai ở với bà nội, khó quản lý, em thứ ba thì ba mẹ ly hôn. Cứ như thế mà giới thiệu từng em với tôi.

Chúng tôi cũng cảm nhận được, hiện nay vấn đề gia đình rất lớn, có thể một phần tư gia đình chỉ có cha hoặc mẹ. Có một số em không phải là gia đình đơn thân nhưng cũng chưa chắc nhận được sự quan tâm chăm sóc của cha mẹ. Tôi đã từng gọi điện cho một vị phụ huynh, ông nói: “Thưa thầy! Mỗi ngày tôi bận kiếm tiền. Buổi sáng tôi ra khỏi nhà sớm hơn con của tôi, buổi tối tôi về nhà muộn hơn con tôi, tôi cũng không biết chúng đang làm gì”. Bởi vì con ông lên mạng đã học được nhiều thứ rất ô nhiễm mà cha mẹ hoàn toàn không hay biết. Rốt cuộc cha mẹ nỗ lực kiếm tiền như vậy là vì cái gì? Không phải là vì một gia đình tốt hơn, thế hệ sau càng tốt hơn sao? Quý vị xem, chỉ lo kiếm tiền đến cuối cùng thì đã quên đi mục đích chính của việc kiếm tiền. Vì vậy, chúng tôi nghe được cũng cảm thấy xót xa.

Khi thầy giáo giới thiệu mười chín em học sinh này xong, thầy liền nói: “Mười chín em này là nam sinh, mười bảy em kia là nữ sinh, nam sinh chỉ có bốn hoặc năm em ngoan ngoãn một chút, các em còn lại đều khó dạy bảo”. Quý vị bằng hữu, giả như quý vị nghe đến đây thì sẽ như thế nào? Có cảm thấy căng thẳng không? Thời gian chỉ còn lại hơn bốn tháng mà phải dạy lớp này. Ngay lúc đó tôi liền khởi lên một ý niệm: Các em phạm sai lầm chính là thời cơ tốt để dạy dỗ các em. Quý vị nên nắm lấy, tuyệt đối không nên giận dữ ngay lúc đó. Khi chúng ta có thái độ như vậy thì tự nhiên sẽ hoan hỷ tiếp nhận nhân duyên này. Giả như giáo viên hiện nay không có trạng thái tâm lý như vậy, thì khi các em phạm sai lầm, cơn giận của quý vị sẽ nổi lên: “Vì sao lại như vậy, đã nói với các em bao nhiêu lần rồi!”. Khi quý vị dùng thái độ như thế thì trong lòng học sinh sẽ nghĩ như thế nào? Các em sẽ nghĩ thầy giáo rất ác, các em sẽ nghĩ: “Thầy giáo đã mắng tôi coi như xong rồi. Lần sau khi phạm sai lầm không để thầy nhìn thấy là được”. Chúng sẽ không từ trong sai lầm này mà hối lỗi, mà sửa đổi. Do đó, chúng ta là giáo viên phải nắm bắt thật tốt nhiều cơ hội giáo dục.

Thái độ này của tôi học được là do đâu? Rất may là trong mấy năm tôi đã gặp được nhiều vị trưởng bối tốt, giáo viên tốt. Vì sao tôi gặp được nhiều vị trưởng bối và giáo viên tốt như vậy? Gặp được là kết quả, nguyên nhân là do đâu? Nguyên nhân có phải là do bái lạy nhiều không? Nguyên nhân là do có thái độ cung kính, nguyên nhân là do chúng tôi có tâm hy vọng có thể thông qua lĩnh vực giáo dục này làm lợi ích cho học sinh, cho xã hội. Tục ngữ có câu: “Người có nguyện lành thì ông trời sẽ giúp cho”. Khi chúng ta có tấm lòng lương thiện thì chắc chắn sẽ được ông trời quý mến, sẽ có rất nhiều trưởng bối có đạo đức đến giúp đỡ chúng ta.

Trong thời gian tôi đang học lớp bồi dưỡng, chưa phải là giáo viên chính thức, thì có một người bạn dạy tiểu học đến tìm tôi. Anh ấy nói đã quen với một người bạn gái. Người bạn này rất thật thà, hơn hai mươi mấy tuổi mới có bạn gái, đây là bạn gái đầu tiên. Vì tôi với anh ấy quen biết nhau đã gần hai mươi năm, anh nói muốn dẫn bạn gái đến nhà của chúng tôi. Tôi trả lời: “Được! Được! Đến để làm quen với nhau”. Trong lúc anh ấy trò chuyện với bạn gái, cô bạn gái đó hễ mở miệng ra là nói: “Thầy giáo của em nói, thầy giáo em nói…”. Nếu như cô ấy là học sinh tiểu học hay mẫu giáo thì tôi không bất ngờ.

Chúng ta hãy xem, đứa trẻ ba – bốn tuổi thường hay nói: “Cha con nói, mẹ con nói”. Vì vậy, trước khi học mẫu giáo thì người mà các em tôn kính nhất là cha mẹ. Vì vậy, lúc đó quý vị hãy đem thái độ làm người, làm việc thật quan trọng dạy cho các con, các con sẽ được lợi ích cả cuộc đời. Khi học tiểu học, lời của các em là “thầy cô giáo của chúng em nói”. Khi học trung học cơ sở, trung học phổ thông thì là “các bạn học nói”. Sự ảnh hưởng lớn nhất trong cuộc đời của các em sẽ tùy theo tuổi tác mà có sự thay đổi khác nhau. Sau này ra ngoài xã hội thì không nên nói “ca sĩ gì đó đã nói”, mà là các bậc trưởng bối nói như thế. Hoặc nếu chúng ta hiểu được thì nhanh chóng thâm nhập Kinh điển của Thánh Hiền, có thể là: “Mạnh Tử nói”“Khổng Tử nói”. Như vậy thông qua sự nhắc nhở của bậc Thánh triết thì chúng ta không ngừng trưởng thành.

Bởi vì bạn gái của anh ấy đã hai mươi mấy tuổi rồi mà luôn luôn nhắc đến thầy giáo khiến cho tôi ngạc nhiên. Hình như vai trò của vị thầy đó giống như cha mẹ của cô vậy. Càng nghe tôi càng cảm động nên đưa ra yêu cầu: “Tôi có thể làm quen với thầy của cô được không?”. Vị này là thầy giáo tiểu học của cô ấy. Cô cũng rất hoan hỷ trả lời: “Dạ được! Em sẽ thưa lại với thầy của em”. Tối hôm đó tôi cảm thấy bản thân mình quá hấp tấp, không biết vị thầy đó có thời gian hay không mà tôi đã đưa ra yêu cầu quá đường đột như vậy. Vì vậy tôi liền gọi điện thoại nói với cô ấy: “Hay là thôi đi, hôm nào có thời gian thì hãy nói chuyện nhé!”. Bạn gái của anh ấy nói: “Em đã thưa với thầy giáo của em rồi. Thầy của em nói muốn gặp thầy. Thầy em nói người như thầy phải nhanh chóng mời vào phục vụ trong ngành giáo dục”. Thầy giáo của cô ấy đã dạy học hơn ba mươi năm. Từ lời nói của vị thầy đó tôi có thể thấu hiểu được, thầy không chỉ tự bồi dưỡng nhân tài mà luôn hy vọng càng có nhiều nhân tài tham gia vào ngành giáo dục, thầy rất sẵn lòng cất nhắc hàng hậu bối.

Trong tuần lễ đó, người bạn học và cô bạn gái lái xe đến đón tôi, sau đó đến đón vị thầy giáo tiểu học của cô ấy. Thầy giáo dạy tiểu học của cô ở cách nhà tôi chỉ có 500 mét. Nhân duyên của đời người rất khó nói, nhân duyên của đời người hoàn toàn không phải ở khoảng cách xa hay gần, mà ở tấm lòng tương thông với nhau. Khi mục tiêu của đời người giống nhau, cho dù ở xa vạn dặm cũng sẽ gặp nhau, gọi là hữu duyên thiên lý năng tương ngộ. Vì vậy khoảng cách giữa người với người không phải ở bên ngoài mà ở bên trong. Tại sao tôi nói như vậy? Bởi vì tôi muốn hoằng dương văn hóa truyền thống nên mới đến Úc. Ở Úc lại gặp được cô giáo Dương Thục Phương. Quý vị xem, phải đi hơn vạn dặm mới gặp được. Nguyên nhân chủ yếu vẫn là ở tấm lòng. Vì vậy, khi tôi có tấm lòng là cần phải cố gắng học tập như thế nào để dạy bảo các em thì mới có thể gặp được một giáo viên tốt như vậy chỉ bảo. Tuy là nhà ở gần như vậy mà chúng tôi vẫn không gặp được nhau, không dễ gì mà gặp được. Tôi cũng rất trân quý cơ hội học tập với vị thầy này. Khi thầy Trần lên xe, thầy ngồi phía trước, tôi ngồi phía sau. Thầy Trần quay lại nói với tôi câu đầu tiên đã cho tôi ấn tượng rất sâu sắc: “Cuộc đời mấy mươi năm dạy học của tôi, học trò đã dạy cho tôi rất nhiều điều”. Kinh nghiệm hơn ba mươi năm dạy học đã rút ra được một chân lý là thầy trò dạy và học lẫn nhau.

Phần “Học Ký” của “Lễ Ký” có nói: “Học rồi sau đó mới biết không đủ, dạy rồi sau đó mới biết là khó khăn. Biết không đủ nên sau đó mới tự kiểm điểm lại mình, biết khó khăn nên sau đó mới tự phấn đấu thêm”. Ví dụ trong lúc chúng ta đang giảng một số đạo lý, học sinh ở dưới mắt cứ đờ đẫn có vẻ sắp ngủ gật, chứng tỏ chúng ta nói như vậy các em không thể hiểu. Lúc này chúng ta cần phải dựa vào sức mình, nghiên cứu thêm nên hướng dẫn như thế nào, nêu lên một số ví dụ nào mới có thể làm cho các em nhận thức được. Hoặc là học sinh có rất nhiều nghi vấn đến hỏi chúng ta nhưng chúng ta lại không biết. Điều này sẽ khích lệ chúng ta cố gắng tra cứu tài liệu, cố gắng học hỏi thêm với bậc trưởng bối, những bậc trí thức, nhờ đó mà chúng ta không ngừng được nâng cao. Vì vậy có rất nhiều bạn cũng rất có tâm nói rằng: “Thưa thầy Thái! Tôi cũng muốn hoằng dương văn hóa truyền thống nhưng tôi sợ không đủ năng lực”. Quý vị bằng hữu đừng sợ không có đủ năng lực. Đợi chúng ta có năng lực rồi mới làm thì sẽ không kịp, gia đình, xã hội đều loạn hết rồi, đến lúc đó quý vị muốn làm cũng không có cơ hội. Vì vậy chúng ta cần phải duy trì làm trong khi học, học trong khi làm”. Bởi vì thế hệ của chúng ta không được dạy bảo, không nên để thế hệ sau có điều đáng tiếc như chúng ta vậy.

Khi phụ huynh, bạn bè đến hỏi chúng ta một số vấn đề, chúng ta cũng không nên căng thẳng. Giả như biết thì chúng ta cứ chân thành trả lời, giả như không biết giống như tôi, thì tôi sẽ nói: “Để tôi đi hỏi cô giáo Dương”. Giả như cô giáo Dương không biết thì cô sẽ nói như thế nào? “Để tôi đi hỏi sư trưởng của tôi là giáo  Thích Tịnh Không”. Quý vị còn sợ điều gì nữa? Khi quý vị không biết cách giải quyết đối với vấn đề của người khác, nhưng quý vị chủ động giúp họ tìm đáp án thì họ có xem thường quý vị không? Không, họ càng tôn trọng quý vị hơn, họ cũng cám ơn bởi vì quý vị luôn giúp đỡ họ. Vì vậy, chúng ta không nên lo lắng về mặt tâm lý, thật sự việc dạy và học cùng đi đôi với nhau.

Câu nói đầu tiên của vị thầy đó khiến cho tôi sửng sốt. Thầy lại nói tiếp: “Khi các em phạm sai lầm là lúc để chúng ta dạy chúng, không nên xử sự theo cảm tính, không nên nổi giận”. Bởi vì tôi chưa đi dạy mà thầy đã nói với tôi thái độ chuẩn xác này, nên sau này khi tôi dạy học sinh, tôi chưa bao giờ nổi giận, không bao giờ nói do học sinh sai lầm. Tôi chưa từng nói là do học sinh sai lầm đã làm tôi bực quá nên nổi giận, trước đến giờ chưa từng có. Thật sự đây là một phương pháp rất quan trọng, gọi là “nghiêm cấm từ lúc chưa xảy ra”, được gọi là phương pháp dự phòng. Khi các em chưa phạm sai lầm, quý vị nên dùng quan niệm đúng đắn dạy bảo chúng.

Khi chúng tôi chưa dạy học thì đã có những quan niệm đúng đắn. Đây cũng là cẩn thận từ lúc mới bắt đầu, thái độ ngăn ngừa khi sự việc chưa phát sinh, là thái độ dự phòng. Cho nên, khi thầy giáo giới thiệu các học sinh xong, trong lòng tôi liền xuất hiện câu nói này: “Phải dùng tâm hoan hỷ để đối mặt với học sinh lớp này”. Học sinh lớp này có Tứ Đại Thiên Vương, không phải Lưu Đức Hoa, cũng không phải là Trương Học Hữu, bốn học sinh này thường xuyên phải lên văn phòng để được dạy bảo, khuyên răn. Thật sự sau khi chúng tôi tiếp xúc thì thấy đại đa số những đứa trẻ có hành vi sai lầm cũng rất lương thiện, chỉ là vì chúng không được quan tâm, dạy dỗ mà thôi.

Khi quý vị đối với các em rất tốt, có tình nghĩa, thì nhất định các em cũng có tình nghĩa với quý vị. Trong đó có một em gương mặt biểu hiện rất hung dữ, không có nụ cười. Tôi liền mời em đến. Cần phải tìm hiểu nhiều, tiếp xúc nhiều với học sinh thì mới thân thiết được. Tôi gọi em đến và nói: “Gương mặt của em dữ như vậy, có phải là thầy cô đã làm việc gì có lỗi với em không?”. Em trả lời: “Không ạ!”. Tôi tiếp tục hỏi: “Khi nào thì em bắt đầu thể hiện như vậy?”. Em trả lời: “Từ học kỳ một của lớp năm”. Quý vị xem, gương mặt của em trở thành khó coi từ lúc nào bản thân em đều biết rõ. Vì vậy bậc làm cha mẹ, làm thầy cô giáo cần phải thường xuyên cảm nhận được trạng thái nội tâm của các em, nếu không thì quý vị không thể khuyên dạy các em kịp thời. Sau đó tôi nói với em: “Gương mặt em biểu hiện sự hung dữ như vậy người ta rất dễ hiểu lầm em, còn cho là em khó chịu với họ, vì vậy em nên thể hiện sự thư thái trên gương mặt”. Em nghe xong thì trả lời: “Dạ được!”. Nhưng gương mặt có thay đổi hay không? Vì vậy dạy bảo một đứa trẻ cần phải có sự kiên trì. Quý vị không nên nói: “Thầy đã nói với em rồi, tại sao em vẫn chưa thay đổi vậy?”. Nói như vậy lập tức khiến chúng hoàn toàn có thể thay đổi không? Không thể, cho nên sau đó tôi đã tạo ra một vài cơ hội để cho em luyện tập. Ví dụ như trong trường cần một vài người để lập đội giữ gìn trật tự đứng dọc hành lang, đứng ở khuôn viên trường. Ví dụ các bạn học lớp dưới chạy nhảy dọc hành lang, bậc đàn anh liền đi đến nói: “Không được đùa giỡn, rất nguy hiểm, sẽ đụng vào người khác nữa. Em học lớp mấy vậy? Lần sau không được tái phạm nhé!”. Một người cảnh sát đối với hành vi của mình họ vô cùng cẩn thận. Một người là thầy giáo thì hành vi của họ tương đối cẩn thận. Vì vậy tôi cử em làm cảnh sát thì hành vi của em tự nhiên bắt đầu chuyển hóa trở lại, bởi vì em rất sợ bản thân mình gây nên những hành vi không tốt sẽ bị đàn em lớp một nói: “Thưa anh! Tại sao bản thân anh cũng vi phạm vậy?”. Như vậy thì quá mất mặt.

Đúng lúc tan học, tôi cũng nghe được các bạn học nhắc đến em học sinh này đã từng vào chợ giúp mẹ bán quần áo. Quý vị bằng hữu, sau khi nghe xong tin tức này quý vị sẽ nghĩ như thế nào? Một học sinh nam lớp sáu mà chịu giúp mẹ bán quần áo thật là hiếm có. Một đứa trẻ chỉ cần có tâm hiếu thì chắc chắn sẽ rất dễ quản lý, dạy bảo. Vì vậy, tôi càng quan tâm em nhiều hơn. Giống như khi tôi lên lớp, các em học giỏi môn toán thì lập tức tôi sẽ khẳng định: “Các em xem, sự phán đoán của em này rất nhạy bén, bạn ấy có thể suy xét khía cạnh này”. Thưa quý thầy cô, quý vị bằng hữu, chúng ta không nên xem thường sự khen ngợi chân thành của mình, nó sẽ lưu lại trong tâm của các em. Kết quả lần kiểm tra thứ hai trong tháng em này đứng thứ năm trong lớp, từ Tứ Đại Thiên Vương bỗng chốc đứng thứ năm trong lớp.

Trong quá trình này tôi đã để em làm lớp trưởng. Tôi nghĩ có thể em chưa bao giờ làm lớp trưởng, vì vậy khi tôi nói em đến, em hoảng hốt, không đồng ý. Sau đó thì tôi thương lượng với em: “Em làm một tuần cũng được, chỉ một tuần thôi!”. Việc tôi để em học sinh này làm lớp trưởng là học được từ giáo viên tiểu học của tôi. Bởi vì lớp trưởng thì phải học tập giỏi và đạo đức tốt, vì vậy phương pháp hay cần phải được truyền lại. Em liền miễn cưỡng nhận lời. Rốt cuộc sau một tuần lễ đó em đã làm lớp trưởng luôn đến cuối học kỳ. Vì vậy, tiềm lực của một người thông qua việc rèn luyện sẽ biểu hiện ra.

Ở Hải Khẩu, tôi cùng với rất nhiều giáo viên nghiên cứu học tập văn hóa truyền thống. Trải qua một, hai tháng tôi nói với các thầy cô giáo: “Lần sau học, quý thầy cô có thể lên giảng mười hoặc mười lăm phút được không?”. Các thầy cô giáo đó như thế nào? “Không đâu, không dám đâu”, đều từ chối. Tôi nói: “Làm ơn đi mà, chỉ có mười phút thôi!”. Các thầy cô liền miễn cưỡng nói: “Được rồi!”. Rốt cuộc vừa lên giảng thì nói liên tục không dừng, tôi phải ở phía sau canh thời gian cho các thầy cô: “Đã hết giờ rồi, xin mời xuống ạ!”. Vì sao vậy? Khi một người gánh vác trách nhiệm thì họ sẽ tiến bộ rất nhanh. Hơn nữa, do chú tâm học tập, chú tâm dạy học sinh, tình cảm chân thành chính là một bài văn hay, vì vậy khi lên giảng thì không làm chủ được chính mình, nói ra hết những cảm nhận, cảm động của mình.

Em học sinh đó sau khi làm lớp trưởng đã bộc lộ ra ý thức trách nhiệm, năng lực làm việc của em. Khi em thi được đứng thứ năm. Chúng tôi lấy điều này để khuyến khích, cho nên cần phải mời nhiều khách, phải tặng nhiều quà. Tôi liền mời một số bạn học ở các lớp có cống hiến cho lớp, cho trường, trong đó có em đó cùng đi ăn cơm. Mẹ em chạy xe máy chở em đến. Lúc đó chúng tôi đang đứng ở cổng trường, mẹ của em nói với tôi: “Thưa thầy! Con tôi đã đi học năm năm rưỡi rồi, trước đến giờ không có thầy cô nào quan tâm đến cháu”. Tôi nghe phụ huynh nói như vậy trong lòng rất khó chịu, bởi vì mỗi một đứa trẻ đều là cốt nhục của cha mẹ. Trong năm năm rưỡi này chắc chắn cha mẹ của em bị dằn vặt vì con cái không thể không dạy bảo. Vì vậy, khi mẹ của em nói mấy câu xúc động, tôi lập tức chuyển câu chuyện của bà. Tôi nói với bà: “Cô Ngô à! Đứa trẻ này rất thông minh, tình hình học tập của cháu rất tốt, tài quản lý lớp của em cũng tuyệt vời, làm việc rất có trách nhiệm. Lần trước tôi giao việc cho em, em cũng làm rất cẩn thận”. Tôi liền nêu ra một số chuyện xảy ra gần đây cho mẹ của em nghe. Chúng ta khen ngợi người khác cũng phải cụ thể. Quý vị nói cụ thể thì người được khen sẽ cảm thấy thật sự có chuyện này. Giả như quý vị chỉ nói là rất giỏi, rất tốt thì có thể mẹ của em sẽ ngờ vực. Vì vậy tôi khen ngợi rất nhiều ưu điểm của em học sinh này và đứng nói với mẹ của em mấy phút. Tuy là nói cho người mẹ nghe nhưng thật sự là tôi đang nói cho em học sinh đó nghe. Sự khen ngợi chân thành của thầy cô giáo chúng ta sẽ lưu lại trong tâm của em suốt cả đời.

Sau khi kết thúc học kỳ, chúng tôi có một quy định phải tiễn học sinh cả lớp ra khỏi trường, tận tay tiễn các em đi và còn phát rất nhiều phần thưởng. Sau khi phát thưởng xong thì còn thừa lại một phần. Phải làm sao? Phần quà này cũng không thể chỉ phát quà, mà phải là một cơ hội để giáo dục. Tôi liền nói: “Phần quà cuối cùng này chúng ta sẽ thưởng cho học sinh tiến bộ nhiều nhất về học tập và đức hạnh trong học kỳ này. Các em hãy bình chọn đi nào!”. Kết quả như thế nào? Bạn lớp trưởng này được chọn. Phần quà này thưởng cho em. Em học sinh đó nhận phần quà và trở về chỗ ngồi thì liền bắt đầu khóc. Chúng ta làm giáo viên đứng trên bục giảng thì bất cứ hành động nào bên dưới của học sinh chúng ta đều nhìn thấy được. Sau khi tôi làm giáo viên mới biết được trước đây khi còn là học sinh, mình ở bên dưới làm gì đều cho là thầy cô không nhìn thấy, đây thật sự là tự lừa dối mình. 

****************

Đệ Tử Quy giảng giải– Con Đường Đạt Đến Nhân Sinh Hạnh Phúc (tập 23)

Người giảng: Thầy Thái Lễ Húc

Giám định: Lão Hòa thượng Tịnh Không

Giảng ngày: 15/02/2005

Cẩn dịch: Ban phiên dịch Tịnh Không Pháp Ngữ

Giám định phiên dịch: Vọng Tây Cư Sĩ

Biên tập: Ban biên tập Tịnh Không Pháp Ngữ