Hạnh Phúc Nhân Sinh (Tập 29)

Đệ Tử Quy

ĐỆ TỬ QUY GIẢNG GIẢI

CON ĐƯỜNG ĐẠT ĐẾN NHÂN SINH HẠNH PHÚC

TẬP 29

Chúng tôi đã giảng đến đạo nghĩatín nghĩa giữa bạn bè với nhau, cũng nói đến giữa bạn bè nên khuyên can, quan tâm lẫn nhau, khen ngợi, tán thán lẫn nhau. Thật sự khi quý vị khen ngợi người khác thì bản thân mình cũng được thơm lây. Ngoài ra, điểm thứ tư là không nói chuyện xấu trong gia đình người.

Cuối cùng là “thông tài chi nghĩa, đạo nghĩa về việc chia sẻ tiền tài. Tài được chia làm hai loại là ngoại tài và nội tài. Nội tài là dùng sức lực, dùng kinh nghiệm, trí tuệ của mình để giúp đỡ người khác. Tục ngữ có câu: “Giúp ngặt chứ không giúp nghèo” (giúp lúc cấp thiết chứ không giúp nghèo). Quý vị bằng hữu, nghèo là gì? Không có tiền thì gọi là nghèo phải không? Họ không có tiền thì rồi sau này có thể sẽ có tiền, chỉ cần họ có chí khí, chỉ cần họ chịu học hỏi. Chỉ sợ là ngay cả chí khí, ngay cả tâm học hỏi họ cũng không có, đó mới thật sự là nghèo. Nếu đối phương có thái độ như vậy mà quý vị mang tiền đến giúp đỡ thì họ càng lúc càng ỷ lại, thậm chí cho rằng đó là lẽ đương nhiên. Có thể chúng ta vốn là muốn giúp đỡ họ nhưng rốt cuộc đã hại họ. Vì vậy, giúp người khác cũng phải dùng trí tuệ, nếu không thì sẽ trở thành dùng tâm thiện làm việc ác.

Ví dụ như đối phương không có trách nhiệm đối với gia đình, thường hay đi uống rượu rồi đến mượn tiền của quý vị thì có nên cho họ mượn tiền không? Không được cho mượn. Nhưng quý vị cũng không được đuổi họ đi, vì như vậy sẽ kết oán với nhau. Quý vị nên mời họ vào nhà ngồi, chỉ cần quý vị có nguyên tắc thì họ sẽ không thể đụng đến tiền của quý vị. Ngồi một chút thì nên nói với họ một, hai câu đạo lý làm người, thậm chí kể cho họ một số kinh nghiệm thực tế trong công việc của quý vị, hoặc là kinh nghiệm rèn luyện bản thân. Nói với họ để họ có thể tích lũy được những trí tuệ, năng lực làm việc của mình. Nhất định phải chuẩn bị một quyển “Đệ Tử Quy” để tặng cho họ.

Người lớn đều rất xem trọng sĩ diện, quý vị không nên nói: Anh cố gắng học quyển sách này đi vì quyển sách này anh chưa từng học. Không nên nói như vậy! Chúng ta cần phải khéo dùng phương tiện để nói, quý vị cũng nên lựa lời tốt đẹp mà nói: Con trai của anh vô cùng đáng yêu! Quyển sách này tặng cho con anh học, sau này nhất định con anh sẽ có tiền đồ. Nhưng các bậc Thánh Hiền thời xưa nói giáo dục là trên làm thế nào thì dưới làm theo như vậy. Chúng ta là bậc làm cha mẹ thì phải làm tấm gương tốt cho con cái noi theo”. Quý vị đừng nói họ không phải là tấm gương tốt. Khuyên họ làm như vậy, tin rằng từng chút từng chút sẽ khiến cho họ dần dần thay đổi quan niệm. Điều này cũng là do chúng ta thật sự tin tưởng rằng nhân chi sơ, tính bổn thiện”. Tâm chân thành, tâm bình đẳng như vậy thì chúng ta mới nhắc nhở họ được.

Chúng ta có “thông tài chi nghĩa” (đạo nghĩa về việc chia sẻ tiền tài), chữ tài này không chỉ là tiền bạc, mà còn chỉ những kinh nghiệm, trí tuệ của chúng ta. Đợi đến khi họ học được những kinh nghiệm, phương pháp, trí tuệ này rồi, tin rằng họ cũng có thể tổ chức tốt gia đình của họ. Vì vậy, sự giúp đỡ này của chúng ta không chỉ giúp họ nhất thời, mà còn giúp cho họ suốt cả cuộc đời. Đây là chúng ta bàn đến đạo nghĩatín nghĩa giữa bạn bè mà không cần phải dùng lời để nói.

Ngoài nghĩa vụ trong mối quan hệ ngũ luân ra, chúng ta cũng phải hồi tưởng lại, vì sao ngày nay chúng ta có được lời giáo huấn của Thánh Hiền tốt đẹp như vậy? Là do mấy ngàn năm nay, những bậc Thánh Hiền đã đổ xuống không biết bao nhiêu mồ hôi nước mắt, trải qua sự khắc cốt ghi tâm mới lưu lại được những trí tuệ tinh túy này, tuyệt đối không phải ngẫu nhiên mà có.

Mấy năm trước, tôi nghe lão ân sư Thích Tịnh Không giảng rằng: “Bốn nền văn minh cổ đại trên thế giới hiện giờ chỉ còn lại có một”. Đó là nền văn minh nào vậy? Trung Quốc. Câu trả lời chính xác! Có phải là tổ tiên của bốn nền văn minh cổ đại này đi đến trước mặt của Thần linh, sau đó Thần linh nói: Nào, hãy bốc thăm đi! Ai bốc được thăm thì không bị diệt vong” không? Có phải do tổ tiên người Trung Quốc bốc được cái thăm đó nên không bị diệt vong không? Có quả ắt phải có nhân. Vì sao các nền văn minh cổ kia bị diệt vong? Vì sao Trung Quốc không bị diệt vong? Hoàn toàn không phải ngẫu nhiên.

Vì vậy, khi Sư trưởng của chúng ta nói đến đây thì tôi hết sức chú ý, bởi vì từ trước đến nay tôi chưa từng nghĩ đến vấn đề này. Sư trưởng nói, bởi vì tổ tiên đã biết quá nhiều về cuộc đời, ví dụ câu: “Nhân sinh thất thập cổ lai hy”. Rất nhiều người sống đến bốn mươi tuổi, năm mươi tuổi đột nhiên quay đầu nhìn lại chặng đường mấy mươi năm đã đi qua, chợt họ có một cảm xúc là: Giả như cuộc đời tôi được lặp lại lần nữa, nhất định tôi sẽ không phạm nhiều sai lầm như vậy. Nếu như cuộc đời này lúc nào cũng có sự tiếc nuối như vậy thì không được viên mãn. Cho nên tổ tiên của chúng ta biết rằng, nếu như trí tuệ không được truyền thừa lại thì cuộc đời của mỗi người phải đúc kết kinh nghiệm lại từ đầu. Vì yêu thương con cháu đời sau, thậm chí yêu thương cả nhân loại nên họ mong muốn đem trí tuệ mấy ngàn năm truyền thừa lại cho đời sau, để không bị gián đoạn, nên họ đã phát minh ra một công cụ để truyền thừa trí tuệ gọi là Văn Ngôn Văn.

Một người có thể làm được việc vĩ đại phi thường như vậy nhất định bắt đầu từ tâm niệm của người đó. Có sự yêu thương như vậy thì sẽ có được phương pháp tốt đẹp. Tổ tiên chúng ta quan sát thấy được rằng, nếu như không tách riêng ngôn ngữ và văn tự (chữ viết) ra thì sẽ không truyền thừa lại được. Chúng ta hãy suy nghĩ, nước La Mã có lưu lại văn tự (chữ viết) không? Có. La Mã vẫn còn lưu lại rất nhiều tác phẩm văn chương, nhưng hiện nay có ai đọc được không? Các nhà lịch sử, các nhà khảo cổ học xem chưa chắc đã hiểu. Những vùng thuộc lưu vực Lưỡng Hà này có lưu lại văn tự (chữ viết) không? Có, nhưng hiện nay chẳng có mấy người đọc hiểu được. Ngay cả chữ viết cũng đọc không hiểu thì ý nghĩa bên trong càng không thể hiểu được.

Tôi đã từng trò chuyện với một người bạn, anh ấy đã xa quê hương hơn hai mươi năm, khi trở về nói chuyện với bạn bè người thân thì có rất nhiều từ ngữ anh ấy nghe không hiểu và nhiều từ ngữ anh ấy nói họ cũng không hiểu. Ngôn ngữ hai mươi năm đã có thay đổi chút ít, 200 năm thì sẽ thay đổi rất nhiều. Nếu như văn viết và văn nói hoàn toàn giống nhau, thì văn chương viết vào hai ngàn năm trước làm sao quý vị có thể đọc hiểu được? Nhất định quý vị xem không hiểu. Hiểu được điều này, nên tất cả văn viết đều không dùng ngôn ngữ lúc đó, mà dùng Văn Ngôn Văn. Vì vậy mấy ngàn năm nay, tất cả văn chương trí tuệ đều là dùng Văn Ngôn Văn để viết. Khi hiểu được Văn Ngôn Văn thì chúng ta có thể trực tiếp làm đệ tử của Khổng Lão Phu Tử của hơn hai ngàn năm trước, cũng có thể làm đệ tử của Mạnh Phu Tử. Vì vậy, Văn Ngôn Văn có thể vượt ra khỏi thời gian và không gian để giúp chúng ta học tập trí tuệ của Thánh Hiền. Văn Ngôn Văn là ân đức lớn nhất mà Tổ tiên của chúng ta dành cho con cháu đời sau.

Khi tôi nghe đến đây, trong lòng cảm thấy hổ thẹn, bởi vì môn Ngữ Văn của tôi luôn không tốt. Khi tôi học trung học phổ thông, vào giờ Văn Ngôn Văn tôi thường ngủ gục. Sau khi nghe những lời này, tôi cảm thấy tổ tiên đã dùng sinh mạng của mình để thành tựu cho chúng ta, vậy mà chúng ta lại vứt bỏ vào thùng rác, vì vậy tôi đã rơi nước mắt. Đây là những giọi nước mắt xấu hổ.

Bình thường bạn bè bưng ly trà giúp chúng ta, chúng ta liền cảm ơn rối rít, nhưng tổ tiên đã mấy ngàn năm dùng sinh mạng để thành tựu cho con cháu đời sau thì chúng ta lại không nhìn thấy. Vì vậy, lúc đó tôi khởi lên một ý niệm là nhất định phải cố gắng học Văn Ngôn Văn, cố gắng học tập Kinh điển của Thánh Hiền. Sau đó tôi mở quyển “Đệ Tử Quy”, “Luận Ngữ” ra, đột nhiên tôi cảm nhận được hình như không khó như trước đây. Dường như giữa tôi và Kinh điển Thánh Hiền gần nhau hơn, đọc câu nào thích câu đó. Vì sao trước đây tôi lại không thể học được vậy? Vì sao trước đây tôi cảm thấy rất khó? Vì sao sau khi rơi nước mắt rồi mới thấy không khó? Từ sự việc này chúng ta cũng thể hội được câu giáo huấn: “Tất cả pháp từ tâm tưởng sinh”.

Quý vị bằng hữu, chướng ngại từ đâu vậy? Chướng ngại nằm ở trong tâm. Bản thân mình cảm thấy rất khó thì nó sẽ rất khó. Khi quý vị buông bỏ những chướng ngại này thì nó sẽ không khó. Vì vậy, khi chúng ta thật sự có tâm niệm sám hối, thì tâm niệm sám hối đó sẽ khiến chúng ta gánh vác được sứ mạng, sẽ làm tương ưng với Kinh điển.

Quý vị bằng hữu, tôi có thể học tốt “Văn Ngôn Văn thì nhất định quý vị sẽ học tốt hơn tôi. Phương pháp học Văn Ngôn Văn cũng rất đơn giản. Thầy Lý Bỉnh Nam đã từng nói: Chỉ cần học thuộc năm mươi bài cổ văn thì có thể đọc được Văn Ngôn Văn. Nếu thuộc một trăm bài cổ văn thì có thể viết được Văn Ngôn Văn. Năm mươi bài cổ văn có khó hay không? Không khó! “Đệ Tử Quy” chúng tôi tính là sáu bài: Nhập Tắc Hiếu, Xuất Tắc Đễ, Cẩn, Tín, Phiếm Ái Chúng, Thân Nhân và Dư Lực Học Văn là sáu bài (vì Thân Nhân tương đối ngắn nên Thân Nhân và Dư Lực Học Văn chỉ được tính là một bài). Quý vị đọc “Hiếu Kinh” có mười tám chương. Thật sự đọc năm mươi bài cổ văn không khó, đọc một trăm bài cũng không khó, điều quan trọng nhất là phải bền lòng. “Thời gian ít, cần chăm chỉ. Công phu đủ, đọc liền thông”. Một tuần chúng ta có thể học thuộc ba trăm chữ là được. Ba trăm chữ không nhiều. “Đệ Tử Quy” có 1.080 chữ. Mỗi tuần chúng ta học thuộc 300 chữ, thì một năm chúng ta học thuộc hơn mười ngàn chữ, như vậy thì thực lực của chúng ta vô cùng hùng hậu rồi. Vì vậy, thành tựu thật sự nằm ở chỗ kiên trì. Chỉ cần kiên trì một, hai tháng thì đảm bảo quý vị càng học càng thích, bởi vì nghĩa lý của Văn Ngôn Văn vô cùng sâu rộng, mỗi lần đọc nhất định sẽ có chỗ ngộ khác nhau. Tùy theo sự thực tiễn của chúng ta, tùy theo sự khai mở trí huệ của chúng ta mà có thể càng lúc sự lãnh thọ càng sâu rộng.

Chúng ta là con cháu của Viêm Hoàng, chúng ta có tín nghĩa, có đạo nghĩa thì nên truyền thừa trí tuệ này lại. Muốn truyền lại trước tiên phải thừa, gọi là tiếp nhận của người trước, truyền thừa cho người sau”. Không có thừa thì không có cách nào truyền được, không có thừa thì sẽ truyền sai. Vì vậy, chúng ta đã có sứ mệnh này thì bản thân mình phải cố gắng làm.

Có một số bằng hữu nói với tôi: Thầy Thái à! Phải giống như thầy mới có thể làm được. Thật sự đây là do họ có phân biệt.

Trong “Đại Học” có lời giáo huấn là: Người xưa muốn làm sáng cái đức của mình trong thiên hạ thì trước hết phải trị được nước mình. Muốn trị được nước thì trước hết phải chỉnh đốn được nhà mình. Muốn chỉnh đốn được nhà mình thì trước tiên phải sửa thân mình. Muốn sửa thân mình thì trước hết phải làm cho tâm mình được ngay chính. Muốn làm cho tâm mình được ngay chính thì trước hết phải giữ cho ý niệm được chân thành. Muốn giữ cho ý niệm được chân thành thì trước hết phải có sự hiểu biết đến cùng cực. Muốn có sự hiểu biết đến cùng cực thì cốt là ở chỗ trừ bỏ sự che lấp của vật dục”. Tổ tiên đã chỉ ra toàn bộ phương pháp tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ. Tổ tiên có quy định ngành nghề nào mới có thể làm được không? Không có. Mọi ngành nghề, mọi lứa tuổi đều có thể làm được. Vì vậy, trước tiên phải làm được “cách vật trí tri” (xa lìa sự che lấp của vật dục thì mới có được sự hiểu biết thấu suốt).

Cách vật là xa lìa vật dục, trừ bỏ những thói quen xấu, có thể làm được ngay lúc đó [lúc thói xấu nổi lên hay sự dụ hoặc xuất hiện]. Khi dục vọng của chúng ta nhạt dần thì tâm trí sẽ sáng suốt, tự nhiên sẽ thành ý chính tâm (thành ý chánh tâm), và bắt đầu sửa đổi lời nói, hành vi của chính mình. Khi chúng ta sửa đổi thì gia đình cũng sẽ thay đổi, nơi làm việc cũng sẽ thay đổi. Như vậy thì quý vị mới là học trò tốt của Khổng Lão Phu Tử, là hình mẫu tốt của nền giáo dục Thánh Hiền. Vì vậy, mỗi người ở trong thời đại này đều có thể làm tròn trách nhiệm con cháu của Viêm Hoàng.

Từ trong quan hệ ngũ luân chúng ta đã tìm được vai trò của đời người, vị trí của đời người. Khi đôi chân chúng ta đứng vững thì có thể bước đi vững vàng, từng bước từng bước vững chắc, thật sự bước một cách có giá trị.

*****************************

CHƯƠNG THỨ TƯ

TÍN

4.1          Kinh văn:

“Phàm xuất ngôn, tín vi tiên. Trá dữ vọng, hề khả yên. Thoại thuyết đa, bất như thiểu. Duy kỳ thị, vật nịch xảo. Gian xảo ngữ, uế ô từ. Thị tỉnh khí, thiết giới chi”.

“Phàm nói ra, tín trước tiênLời dối trá, sao nói đượcNói nhiều lời, không bằng ítPhải nói thật, chớ xảo nịnhLời gian xảo, từ bẩn thỉu, thói tầm thường, phải trừ bỏ”.

4.1.1 “Phàm nói ra, tín trước tiên”

Chúng ta nói thì phải giữ lời. Đối với lời của mình đã nói ra tuyệt đối phải nhớ ở trong lòng, phải thực hành, phải thực hiện.

Vào thời Xuân Thu có một người tên là Quý Trát người nước Ngô. Có một lần, nhà vua sai ông đi sứ sang nước Lỗ. Trên đường đi, Quý Trát phải đi qua nước Từ. Vào thời Xuân Thu có rất nhiều quốc gia, gọi là “tám trăm chư hầu. Vì vậy, ông cũng phải đi qua một số nước thì mới đến được nước Từ. Vua của nước Từ mời Quý Trát dùng cơm, mở tiệc chiêu đãi ông. Khi ông ngồi xuống dùng cơm, vua nước Từ không nhìn mặt Quý Trát mà luôn nhìn chằm chằm vào thanh bảo kiếm ông mang trên người. Bởi vì thanh bảo kiếm đó rất đẹp, nên vua nước Từ không giấu được sự yêu thích thanh bảo kiếm đó. Trong lòng Quý Trát liền nghĩ: Nhà vua rất thích thanh bảo kiếm này của mình”. Nhưng ngày xưa thanh bảo kiếm tượng trưng cho thân phận, vì vậy mang thanh kiếm này đi sứ sang nước khác là lễ nghi bắt buộc, nên lúc đó ông không thể tặng cho nhà vua, mà phải đợi đến khi hoàn thành xong nhiệm vụ mới có thể tặng cho vua được. Trong lòng Quý Trát khởi lên ý nghĩ như vậy. Sau khi đi sứ sang nước Lỗ suôn sẻ trở về đi ngang qua nước Từ, ông liền đi bái phỏng vua nước Từ, định đem tặng thanh bảo kiếm cho vua. Thật không may, vua nước Từ đã băng hà. Quý Trát biết được liền đến trước ngôi mộ của vua cúng tế. Cúng tế xong, ông treo thanh bảo kiếm lên cây cạnh bên ngôi mộ rồi ra về. Đoàn tùy tùng liền hỏi ông: Thưa đại nhân! Ngài làm vậy có quá không, bởi vì Ngài chưa từng hứa tặng thanh kiếm này cho vua của nước Từ? Hơn nữa, dù cho Ngài có hứa tặng cho vua nhưng vua cũng đã chết rồi. Quý Trát liền nói với thuộc hạ của mình: Trong lòng ta đã hứa tặng cho vua từ lâu rồi, sao có thể vì ông ấy chết mà ta làm trái với lòng ta?”. Ông nói một câu rất cảm động: “Thỉ ngô tâm dĩ hứa chi, khi dĩ tử bồi ngô tâm tai? (sao có thể lấy lý do chết để làm trái với lòng của ta, làm trái với lời hứa của ta?).

Vì vậy, chữ tín của người xưa không chỉ ở trong ngôn ngữ, mà ngay cả trong ý nghĩ trước đây của mình, họ cũng không muốn làm trái; họ không muốn phản bội người khác, cũng không muốn làm trái với lương tâm mình. Nhìn thấy người xưa như vậy, chúng ta cần phải cố gắng học tập theo họ.

Cách đây hai năm, tôi có ở nhà cô Dương Thục Phương nửa năm. Có một buổi sáng cô nói với tôi: Hôm qua cô nằm mộng thấy cô đi đến một cái hầm rất sâu. Trong hầm là một mảng tối đen. Khi đi vào thì thấy có rất nhiều tủ sách. Mở tủ sách ra, trên mỗi quyển sách là một lớp bụi khá dày. Phủi lớp bụi đó thì thấy đó là Tứ Thư, Ngũ Kinh. Cô Dương nằm mơ như vậy. Cô liền khởi lên ý nghĩ: Cuộc đời này nhất định phải hết mình hoằng dương văn hóa. Bởi vì có ý nghĩ như vậy, nên cô không muốn làm trái với tâm niệm này. Sau đó có cơ hội đến Hải Khẩu để phát triển, cô dẫn tôi đi cùng. Đi đến thành phố Khúc Phụ, tỉnh Sơn Đông, cô càng nhận thức được văn hóa đã bị sa sút quá trầm trọng. Vì vậy ở Bắc Kinh, cô lập trang web “Đại Phương Quảng Văn Hóa Công Ích”. Chữ tín mà cô giữ không phải là giấy trắng mực đen, cũng không phải là lời hứa với bất cứ người nào, mà là lời hứa với lòng mình, lời hứa với chính mình.

Những quyển sách bám đầy bụi này phải nhờ vào con cháu của chúng ta dùng sự chân thành lau chùi cho sạch sẽ. Không những lau cho sạch mà còn cần phải mở ra chăm chỉ đọc, rồi cố gắng thực hành. Không chỉ có đọc mà cần phải thực hành.

Chúng ta hồi tưởng lại một chút, trước đây văn ngôn văn bị bỏ đi, nguyên nhân là do không có ai đọc văn ngôn văn phải không? Không đúng. Trái lại, những người đọc nhiều “văn ngôn văn đã khởi xướng việc loại bỏ văn ngôn văn. Vì vậy, đọc sách nhiều chưa chắc có được lợi ích. “Đệ Tử Quy” nói: “Không gắng làm, chỉ học văn, chỉ bề ngoài, thành người nào”. Những thạc sĩ Trung văn, tiến sĩ Trung văn chỉ dùng văn ngôn văn để tăng trưởng sự phù phiếm nhằm đem lại tiếng tăm, lợi dưỡng cho họ. Khi họ không nỗ lực thực hiện thì họ cảm thấy những đạo lý đó là hư không, là trống rỗng. Lâu dần thì lời nói và hành động của họ càng ngày càng khác xa nhau. Khi họ đi dạy văn hóa truyền thống thì trong tâm người được dạy sẽ sự cảm nhận họ nói một đng, làm một nẻo. Đó không phải là hoằng dương văn hóa, mà là hủy báng văn hóa. Cho nên thật sự văn ngôn văn đã gặp phải kiếp nạn như vậy, vấn đề không phải ở những người phế bỏ văn ngôn văn. Những người phế bỏ đó chỉ là cái mồi dẫn lửa. Nguyên nhân chính là ở đâu? Chúng ta phải tìm ra nguyên nhân chính, không nên đùn đẩy trách nhiệm cho người khác. Nguyên nhân chính ở chỗ người đọc sách không thực hiện việc “lời nói đi đôi với việc làm”.

Nếu như những người đọc sách có thể thực hiện được “Đệ Tử Quy”, thực hiện được “Đại Học” và “Trung Dung” thì tất cả những người tiếp xúc với họ sẽ không hủy bỏ văn hóa mà thậm chí còn noi gương theo họ. Chúng ta hãy xem, mấy ngàn năm nay, những người thực hiện lời giáo huấn của Thánh Hiền đều được mọi người ủng hộ.

Như ở Hải Khẩu, vào thời nhà Minh có một vị quan nổi tiếng là Hải Thụy. Chúng ta đều đã nghe qua câu chuyện “Hải Thụy từ quan”. Tôi đi đến một nơi nào thì luôn có thói quen đi thăm viếng những danh nhân, những người được lưu danh trong sử xanh ở nơi đó, bởi vì họ đều dùng tâm của mình viết nên lịch sử, đều dùng tâm của mình cống hiến cho quốc gia, cho xã hội. Chúng ta đều có thể “thấy người tốt, nên sửa mình”, đồng thời hiểu được rằng những người này đã tạo nên sự ảnh hưởng âm thầm đến cả nơi đây. Khi tôi đi đến mộ của Hải Thụy, nhìn thấy hai hàng chữ mà Hải Thụy đã nói liền bị chấn động: “Thân nát xương tan cũng chẳng màng, chỉ cần thanh bạch tại nhân gian”. Từ hai câu nói này của ông có thể cảm nhận được ông là có người đức hạnh vô cùng thanh liêm.

Khi tôi thấy được khí tiết của Hải Thụy như vậy và xem lời giới thiệu về cuộc đời của ông thì rất cảm động. Bởi vì chỉ cần Hải Thụy được bổ nhiệm đến một nơi nào đó làm quan, dù ông chưa đến thì tất cả những quan lại tham ô và bọn cường hào ác bá đều nhanh chóng bỏ chạy hết, bởi vì họ biết Hải Thụy là người ngay thẳng, chính trực. Vì vậy, chỉ cần ông đến nơi nào thì nhân dân nơi đó hết sức vui mừng. Như vậy, một người thật sự thực hiện được lời giáo huấn của Thánh Hiền thì họ có bị phản đối không? Không thể.

Hải Thụy nhận chức ở Nam Kinh và qua đời tại đây. Sau khi ông qua đời, người xưa vô cùng xem trọng việc lá rụng về cội, nên đã đưa Hải Thụy từ Nam Kinh về Hải Nam. Khi linh cữu di chuyển từ Nam Kinh thì tất cả dân chúng đều mặc đồ tang như là để tang cha mẹ, đau buồn giống như cha mẹ của họ qua đời vậy. Từ đó chúng ta thấy được, người chính nghĩa thì được ủng hộ, những người thật sự nỗ lực thực hiện chính đạo chắc chắn sẽ thu phục được lòng dân.

Vì sao văn hóa “văn ngôn văn” của chúng ta bị phế bỏ? Không nên trách người khác, mà nên trách tất cả những người đọc sách Thánh Hiền chúng ta không chịu nỗ lực thực hiện. Hiện giờ chúng ta chỉ cần học câu nào thực hiện câu đó, tin rằng nhất định có thể xoay chuyển được sự ngộ nhận về văn hóa của người đời. Tiến thêm bước nữa là thực hiện, học tập và noi theo.

Khi trong tâm chúng ta khởi lên ý nghĩ phải giúp gia đình, giúp xã hội, vì tổ tiên mà cống hiến, thì chúng ta phải luôn tuân thủ lời hứa của mình.

Giữ chữ tín thì không thể chọn lựa đối tượng [già hay trẻ], [người] giữ chữ tín thì nhất định phải không lừa già, dối trẻ. Không chỉ làm nghề buôn bán mới giữ chữ tín, mà đối với tất cả mọi người, chỉ cần nói được thì phải thực hiện được. Cho nên trước tiên quý vị hãy suy nghĩ thật kỹ rồi mới nhận lời, gọi là: “Việc không tốt, chớ dễ nhận. Nếu dễ nhận, tiến lui sai”. Chỉ cần suy nghĩ kỹ rồi mới nhận lời thì sau này chúng ta sẽ không hối hận.

Thời nhà Hán có một vị Thái Thú tên là Quách Cấp. Có một lần, ông đi ngang qua khu vực do ông quản lý thì có rất nhiều trẻ em vây quanh ông chào hỏi. Các em nhỏ hồn nhiên hỏi: Thưa quan Thái Thú! Lần sau khi nào Ngài mới đến đây?. Quách Cấp cũng rất tôn trọng các em nhỏ đó, những lời chúng nói ông không thờ ơ. Ông bắt đầu tính có thể một ngày nào đó trong vài tháng sau ông sẽ đi tuần tra ở đây, cho nên ông nói với các em nhỏ là sẽ đến vào ngày tháng đó. Bọn trẻ tiễn ông xong thì giải tán.

Sau đó ông đến tuần tra ở địa phương đó sớm hơn một ngày. Đoàn tùy tùng của ông đi vào nơi đó rất tự nhiên, ông liền nói: Không được! Ta đã hẹn với bọn trẻ rồi. Hôm nay chúng ta nghỉ một đêm trong ngôi miếu hoang ở ngoại ô. Đợi đến đúng hẹn với bọn trẻ thì Quách Cấp mới đi vào. Đúng như dự đoán, các em nhỏ đang ở đó đợi ông. Cho nên Hán Quang Vũ Đế rất kính trọng Quách Cấp, còn khen ông là “Hiền lương Thái Thú tín chi chí”. Chữ tín của ông đã đạt đến cực đỉnh, không còn chỗ khiếm khuyết. Quách Cấp sống đến tám mươi sáu tuổi, không bệnh mà qua đời. Vì vậy đối với chữ tín, chúng ta không nên phân biệt tuổi tác, thậm chí cũng không phân biệt già trẻ, giàu nghèo. Đối với bất cứ ngành nghề nào chúng ta cũng không nên ngạo mạn, mà hật đâynhiệm ày nên bỏ “với bạn học và bạn bè”, vì để như vậy thì không bao hàm hết nghĩa của đoạn nàyđều phải giữ lời hứa của mình.

4.1.2 “Lời dối trá, sao nói được”

“Trá dữ vọng, hề khả yên” (lời dối trá, sao nói được). Nếu như chúng ta không giữ chữ tín, còn viện cớ; “trá là lừa dối, vọng là dùng lời ngon tiếng ngọt để che giấu sự thất tín của mình, như vậy có thể tạo thành “nếu che giấu, lỗi chồng thêm”. Đến cuối cùng mọi người biết được quý vị không thừa nhận sự thất tín của mình thì tiếng tăm của quý vị ngày càng xấu đi. Đương nhiên chuyện trời mưa gió không dễ đoán, đời người may rủi có ai hay. Cũng có thể quý vị thật sự rất muốn giữ chữ tín, nhưng trong cuộc đời xuất hiện một số tình huống khiến cho quý vị không cách nào giữ chữ tín được, lúc đó chúng ta phải làm sao? Việc thế gian có một chữ có thể giải quyết được, đó là chữ “thành”. Chúng ta thành thật công khai nhận lỗi. Khi người khác thật sự hiểu được tình huống của chúng ta, lại hiểu được thành ý của chúng ta, thì họ cũng sẽ nhượng bộ, bởi vì có ép chúng ta thế nào đi nữa thì cũng không có lợi ích gì. Nhưng nếu như chúng ta tiếp tục che giấu thì họ sẽ càng phẫn nộ, càng lúc càng không vui, đến lúc đó chúng ta rất khó giải quyết. Vì vậy, đã hứa với người khác thì tuyệt đối không nên trì hoãn, càng trì hoãn thì càng khó giải quyết.

Tôi có một người bạn, người thân của anh ấy mắc nợ rất nhiều. Anh ấy cũng có trách nhiệm đi trả, nhưng anh rất lo sợ đối phương có thái độ không tốt. Bạn của anh ấy khuyên anh ấy rằng: “Anh nên thành khẩn nói với họ là tôi chỉ có vậy, hiện giờ quý vị có làm gì đi nữa, có báo thù thì quý vị cũng không được lợi ích gì, tôi cũng không có lợi ích gì. Bây giờ tôi thành khẩn đến trả tiền, mỗi tháng tôi sẽ trả cho anh khoảng bao nhiêu đó”. Anh thành khẩn nói với họ như vậy, kết quả sau đó cũng rất thuận lợi. Vì vậy, cách xử sự làm người ở thế gian chúng ta không nên cho là quá phức tạp, nên dùng “thành tín để đối xử.

4.1.3 “Nói nhiều lời, không bằng ít. Phải nói thật, chớ xảo nịnh”

Nói nhiều thì sai nhiều. Không nên nói thao thao bất tuyệt, bởi vì khi thao thao bất tuyệt thì sẽ có rất nhiều lời chưa được suy nghĩ kỹ đã nói ra. Khi đã nói ra rồi thì không thể thu lại được. Vì vậy, Khổng Lão Phu Tử có nói: “Trước khi làm hãy nghĩ ba lần, trước khi nói hãy nghĩ ba lần”. Cho nên, lời nói cũng phải cẩn thận.

Trong “Kinh Dịch” có nói: “Người may mắn thì ít lời, người nóng nảy thì nhiều lời”. Người hay gặp điều tốt lành là người ít nói, người nóng nảy thì nói rất nhiều. Khi quý vị nhìn thấy một người thao thao bất tuyệt thì trong tâm của họ không an, rất hấp tấp, không có cảm giác an toàn. Khi một người trong lòng như vậy thì rất dễ nói sai, rất dễ mắc lỗi với người khác. Tâm của họ đã bị loạn. Tục ngữ có nói: Tai họa không đến có một lần (họa vô đơn chí). Đó là do không làm chủ được tâm nên mới phạm lỗi hết lần này đến lần khác. Vì vậy, phải tĩnh tâm lại. Khi nói ít thì tâm tương đối ôn hòa. Khi tâm đã ôn hòa thì đối với hoàn cảnh sống, với những chuyện xảy ra đều có thể quan sát, quán chiếu một cách rõ ràng minh bạch nên không dễ bị phạm sai lầm.

Quý vị bằng hữu không nên nghe xong đoạn này thì về nhà không nói chuyện nữa. Khi cần nói thì chúng ta vẫn phải nói. Lúc nhỏ tôi rất nhiệt tình, phía sau còn có thêm một chữ “quá mức nữa. Vì vậy, khi thấy người khác không siêng năng học tập, tôi liền nói bên tai họ. Họ nghe tôi nói mà đầu họ như sắp nổ tung, còn tôi thì không cảm nhận được cần phải dừng lại. Khi học trung học phổ thông, rất nhiều bạn học đều có bạn gái, tôi thì không có bạn gái. Tại vì sao vậy? Bởi vì các bạn nam đó đều rất ít nói, gương mặt của họ xem ra rất lạnh lùng. Rất lạnh lùng hình như rất dễ làm quen với bạn gái. Vì vậy tôi bắt đầu trở nên lạnh lùng và không nói chuyện, cả ngày không nói lời nào. Tôi muốn kiên trì một thời gian, nhưng sau khi kiên trì được một ngày thì tôi nghĩ: Thôi được rồi! Hãy là chính mình thì tốt hơn. Khi người khác thật sự cần chúng ta thì chúng ta nhất định phải hết lòng hướng dẫn họ, khuyên bảo họ, nhưng khi thời cơ chưa chín muồi thì không nên nói quá nhiều vì có thể làm cho người khác bị phiền não. Vì vậy, giữa sự tiến và thoái này, nhân duyên chín muồi hay không cũng không thể dùng lời nói để xác định rõ được, mà bản thân quý vị cần phải tự tích lũy kinh nghiệm. Có thể dùng một phương pháp của Mạnh Phu Tử, đó là “nhìn vào mắt của đối phương”.

Ví dụ quý vị nói với họ rằng “Đệ Tử Quy” rất quan trọng, ví dụ như câu nón quần áo, để cố định”vì điều này có liên quan trực tiếp đến khả năng làm việc của con cái. Khi quý vị nói như vậy thì mắt của họ sẽ sáng lên. Đến đây thì quý vị có nên nói: Tốt rồi! Hôm nay nói năm phút là được rồi, tôi phải đi về” không? Như vậy là không tùy duyên. Khi nhân duyên đã chín muồi, thì chúng ta nên thuận theo tình thế mà làm. Quý vị nói chuyện với một người được năm phút đã thấy ánh mắt của họ lơ đãng thì quý vị có cần phải nói hai tiếng đồng hồ không? Nói như vậy là quá phan duyên. Vì vậy, phải luôn quan sát trạng thái của nhân duyên. Nhân duyên là trạng thái động chứ không phải trạng thái tĩnh. Ví dụ, chúng ta học Kinh văn thành trạng thái tĩnh thì đã học một cách cứng nhắc rồi.

“Nói nhiều lời, không bằng ít”. Nói nhiều không bằng nói ít, nhưng khi nói thì nhất định phải là lời nói hay, nói điều có thể lợi ích cho người khác, gọi là nói lời có ích, nói lời êm dịu, khiến cho người nghe dễ chịu. Nên nói lời thành thật, nên nói lời trí tuệ để thành tựu người khác.

Có một lần tôi tiếp điện thoại của một cô bạn. Lúc nghe điện thoại tôi nghe cô ấy khóc thút thít kể về chồng của cô ấy có rất nhiều lỗi lầm. Từng tội từng tội của chồng, cô đều liệt kê ra hết. Đợi cô ấy nói xong, tâm tư tương đối lắng dịu lại, tôi liền nói với cô ấy: Cô đã có con rồi thì nên cố gắng chăm sóc gia đình cho tốt. Trong cuộc sống gia đình, cô cần phải giữ một thái độ là tất cả mọi người có làm như thế nào đó là chuyện của họ. Trước hết cô nên nhìn lại mình. Họ đúng hay không đúng là chuyện của họ, mình đúng hay không mới là điều quan trọng nhất. Vì vậy, trước tiên không nên nhìn lỗi lầm của chồng, mà phải nên nhìn lại bản thân mình xem mình làm vợ có tốt chưa, mình làm mẹ có tốt chưa, mình làm dâu đã tròn bổn phận chưa? Giả như chúng ta chưa làm tốt mà đi nói người khác thì mình cũng giống như những người khác, vậy chúng ta đâu có tư cách gì mà tức giậnla mắng họ? Không phải là quý vị cũng giống như họ sao? Chửi mắng họ chính là chửi mắng chính mình, có đúng không? Cô la mắng họ là bởi vì họ không tròn trách nhiệm, nhưng mà bản thân chúng ta cũng không tròn trách nhiệm mà?”.

Vì vậy, khi một người có thể quay lại kiểm điểm mình trước thì tâm của người đó sẽ được lắng lại rất nhiều. Do tâm được lắng lại, do có trách nhiệm, dần dần sẽ khiến cho người chồng cảm thấy hổ thẹn. Vì vậy, con người hiện nay có rất nhiều tình huống trong gia đình càng ngày càng phức tạp, càng ngày càng nghiêm trọng, thường hay xử lý tình huống theo cảm tính. Họ làm như vậy thì tôi cũng làm như vậy, đều là dùng sự báo thù như vậy. Cuối cùng là gia đình tan nát, con cái cũng chịu tai ương. Vì vậy, chúng ta nên dùng lý trí để xử sự.

Khi tôi nói xong, cô bạn đó liền nói: Thầy Thái! Trước khi gọi điện cho thầy tôi đã gọi điện cho mấy người bạn, cho những đồng nghiệp của tôi, nhưng đáp án của họ khác với thầy. Họ đều nói thời kỳ bất bình thường thì phải dùng thủ đoạn bất bình thường”. Họ cũng không hiểu người xưa nói: “Thà đập bỏ mười cây cầu, không nên phá vỡ một cuộc hôn nhân”. Cầu bị gãy rồi vẫn có thể xây lại, còn hôn nhân nếu như tan vỡ rồi thì rất khó tái hợp lại, gương đã vỡ thì những mãnh vỡ đó rất khó hợp lại được. Vì vậy, lời nói phải cẩn thận.

Nếu lúc này quý vị kiến nghị với họ: Người đàn ông như vậy thì nên ly hôn đi và cô ấy hành động theo cảm tính, liền ly hôn. Sau đó cô ấy hối hận, năm lần bảy lượt gọi điện nói do quý vị đã hại cô ấy. Quý vị nghe điều này sẽ cảm thấy rất khó chịu. Con cái của cô ấy cũng nói đều là do quý vị đã hại họ, vậy mỗi ngày quý vị có thể ngủ yên hay không?

Do đó, khi chúng ta nói chuyện với mọi người, nhất định phải nắm vững một nguyên tắc. Quý vị nắm vững nguyên tắc này thì chắc chắn bạn bè sẽ xem quý vị như là tri kỷ. Là nguyên tắc gì vậy? Khi trò chuyện với bạn bè, khi nói đến chuyện trong gia đình họ, nhất định phải để cho họ tự phản tỉnh. Khi quý vị hướng dẫn họ tự tìm vấn đề nơi bản thân họ, thì mới thật sự hóa giải được vấn đề. Thường khi họ phản tỉnh thì tâm họ sẽ lắng lại. Vì vậy, cho dù họ có làm theo lời của quý vị hay không, giả như họ không làm theo lời của quý vị thì một thời gian sau họ sẽ nói: Anh nói rất đúng!”, giả như họ thật sự làm theo lời của quý vị thì họ sẽ đến cảm ơn quý vị đã khuyên họ không hành động theo cảm tính. Thậm chí có thể là vợ/chồng của họ cũng đến cảm ơn quý vị.

Chúng ta phải nắm giữ nguyên tắc này, bởi vì khi nói chuyện với nhau thường rất dễ bị ảnh hưởng bởi cảm xúc. Nhưng phải nhớ kỹ một điều: Không nên nghe một chiều, không nên nghe lời một bên. Quý vị có tin là khi vợ chồng cãi nhau thường thì ai cũng nói mình đúng không? Vậy thì ai đúng? Nhất định có một chân tướng sự thật. Con người thường hay đứng trên góc độ của mình mà nhìn sự việc. Vì vậy không nên nghe người chồng nói thế này, bị ảnh hưởng bởi lời nói của người chồng, rồi đối với vợ của anh ta có cách nhìn sai khác vì bị chi phối bởi cái điều lọt vào tai đầu tiên. Như vậy là đã mất đi sự khách quan. Vì vậy, khi quý vị nghe thì cũng cần phải phân biệt lời nào là đúng, lời nào là sai. Sau đó, trong quá trình nói chuyện thì quý vị nói với họ: Vợ của anh như vậy là kết quả, vậy nguyên nhân là do đâu?. Câu này có lợi ích không? Anh ấy sẽ lắng lòng lại. Hôm nay vợ anh ấy nổi nóng có thể chỉ là một sự bùng nổ, oán khí đó đã được tích lũy bao lâu rồi mà anh ấy không biết. Anh ấy chỉ biết ở đó tức giận cả buổi: Tại vì sao cô ta mắng mình?. Anh ấy không biết đằng sau cái khẩu khí đó là sự dồn nén năng lượng biết bao lâu rồi. Vì vậy, quý vị phải hướng dẫn để anh ấy hiểu nguyên nhân do đâu thì anh ấy mới biết đặt mình vào hoàn cảnh của người khác mà nghĩ cho đối phương. Bởi vậy, nên dĩ hòa vi quý, nói chuyện với người khác tuyệt đối không gây ra sự tranh chấp, sự bất hòa.

“Nói nhiều lời, không bằng ít. Phải nói thật, chớ xảo nịnh”.

Sự thật như vậy thì chúng ta nên trực tiếp nói ra, tuyệt đối không nên viện cớ, tuyệt đối không nên che giấu lỗi. Ví dụ chúng ta đã hứa với cha, hứa với mẹ sẽ mua món đồ gì đó, kết quả vừa bước vào nhà, mẹ hỏi: Nước tương đâu?, chúng ta phải lập tức như thế nào? Xin lỗi mẹ! Con sai rồi!”. Câu: “Con sai rồi! có dễ nói không? Dễ nói à? Quý vị đã lâu không nói thì rất khó nói. Vì vậy chỉ cần chúng ta có lỗi, không giữ lời hứa thì nhất định phải xin lỗi ngay, đối phương sẽ thấy có thể chấp nhận được. Giả như lúc đó quý vị nói: Gần đây con bận quá, bận chuyện này, bận chuyện nọ, giải thích thật nhiều, càng giải thích thì trong tâm của người nghe càng khó chịu. Cho nên “phải nói thật, chớ xảo nịnh”.

****************

Đệ Tử Quy giảng giải– Con Đường Đạt Đến Nhân Sinh Hạnh Phúc (tập 29)

Người giảng: Thầy Thái Lễ Húc

Giám định: Lão Hòa thượng Tịnh Không

Giảng ngày: 15/02/2005

Cẩn dịch: Ban phiên dịch Tịnh Không Pháp Ngữ

Giám định phiên dịch: Vọng Tây Cư Sĩ

Biên tập: Ban biên tập Tịnh Không Pháp Ngữ