Hạnh Phúc Nhân Sinh (Tập 33)

Đệ Tử Quy

ĐỆ TỬ QUY GIẢNG GIẢI

CON ĐƯỜNG ĐẠT ĐẾN NHÂN SINH HẠNH PHÚC

TẬP 33

Khóa học trong mấy ngày này của chúng ta đều nói đến việc thận trọng trong lời ăn tiếng nói. Chúng ta cũng phải đặc biệt cẩn thận đến rất nhiều chi tiết nhỏ khi chung sống với người khác, chúng ta phải hết sức cung kính. Cho nên ông bà chúng ta có một câu châm ngôn nói rằng: “Thanh thiên bạch nhật đích khí tiết, tự án thất ốc lậu trung bồi lai; hoàn càn chuyển khôn đích kinh luận, tự lâm thâm lý bạc xứ đắc lực”. Ý câu này nói với chúng ta rằng, khí tiết hết sức trong sạch của một người được bắt đầu bồi dưỡng từ việc khi họ ở một mình, khi họ ở những nơi mà người khác không nhìn thấy, nhưng lời nói và việc làm của họ đều như nhau, từ đó mới có thể bồi dưỡng ra khí tiết như vậy. Vì vậy, những điều nhỏ nhặt trong cuộc sống cũng là đại học vấn.  

“Hoàn càn chuyển khôn” nghĩa là năng lực có thể xoay chuyển càn khôn, từ đâu bắt đầu cắm rễ? Từ “lâm thâm lý bạc”, từ việc họ đối diện với mỗi một người, mỗi một sự vật đều có thể cung kính, đều có thể cẩn thận đối đãi, thì họ mới có thể làm được việc đại sự về sau. Bởi vì những thái độ cẩn thận này của họ đã được tích lũy lại từng chút, từng chút một.

“Chu Tử Trị Gia Cách Ngôn” có câu: “Khuất chí lão thành, cấp tắc khả tương y” (cung kính quy phục bậc lão thành thì lúc nguy cấp có thể nương tựa). Cho nên, đối với những việc nhỏ, họ lúc nào cũng hết sức cẩn thận thì mới có thể thật sự làm tốt những việc lớn quan trọng. Nếu như ngay cả những việc nhỏ này mà họ cũng không dụng tâm, rất có thể khi thật sự tiếp nhận một việc trọng đại nào đó thì rất nhiều vấn đề sẽ phát sinh, thậm chí mọi việc có thể sẽ loạn cả lên. Vì vậy, chúng ta là người làm cha mẹ, đối với những chi tiết nhỏ cũng phải thường xuyên nhắc nhở con cái từ khi chúng còn nhỏ. Bản thân chúng ta cũng phải thường xuyên quán chiếu chính mình từ khởi tâm động niệm đối với từng việc nhỏ, tiến thêm bước nữa là thay đổi, sửa chữa ngay lúc đó.

Ngày hôm qua chúng ta đã nói đến “chỉ đức học, chỉ tài nghệ, không bằng người, phải tự gắng. Nếu quần áo, hoặc ăn uống, không bằng người, không nên buồn”. Nếp sống xã hội hiện tại tương đối phù phiếm, con người tương đối tôn sùng hưởng thụ vật chất. Rất nhiều người mặc dù rất nghèo, có khi còn không có cơm để ăn, có thể vợ con ở nhà đều đang đói, nhưng quần áo thì phải mua sắm thật đẹp, bởi vì họ phải mặc cho người khác xem. Đó gọi là “tát cho sưng má để giả làm béo”. Kỳ thực thái độ nhân sinh như vậy là quá hư ngụy, quá giả tạo.

Người mà họ thật sự tôn trọng bạn từ tận đáy lòng thì tuyệt đối không phải bởi vì trong túi bạn có rất nhiều tiền. Có phải như vậy không? Tuyệt đối không phải vậy. Khi trong túi của bạn có rất nhiều tiền mà họ đối với bạn rất lễ phép, đó là lễ phép đối với ai? Họ lễ phép đối với tiền của bạn. Đợi đến khi tiền của bạn đưa hết cho họ rồi thì lúc đó thái độ của họ đối với bạn có thể lập tức thay đổi. Cho nên mới nói: Kết giao của quân tử nhạt như nước, kết giao của tiểu nhân ngọt như mật”. Vì sao mà giao tình của tiểu nhân lại ngọt như mật? Bởi vì họ có mục đích, cho nên họ dồn hết khả năng để nịnh hót, bợ đỡ bạn. Rất nhiều người ở trong tình cảnh này còn tưởng rằng những người ấy xem trọng họ, tôn trọng họ, cuối cùng có thể họ sẽ trúng phải quỷ kế của kẻ tiểu nhân. Vậy vì sao mà giao tình của quân tử lại nhạt như nước? Bởi vì bậc quân tử lấy đức hạnh để kết giao với bằng hữu, cho nên trong quá trình qua lại dù nhạt nhưng có mùi vị chân thật, chứ tuyệt đối không phải là việc ngày ngày cứ theo bên bạn. Bởi vì đôi bên đều biết rất rõ là chúng ta đều có trách nhiệm của người làm con, có trách nhiệm của bề tôi, có chức trách của một người chồng, người vợ. Mỗi một người đều có rất nhiều bổn phận phải tận tâm tận lực đi làm, thì làm sao có thể cả ngày cứ theo bên cạnh bạn được. Họ nhất định sẽ nói: Đã hơn tám giờ rồi, không phải anh còn phải về kể chuyện đạo đức cho con anh nghe sao? Nhanh về nhà đi!”. Cho nên nói: “Trong vị nhạt lại có mùi vị chân thật”. Trong sự nhạt ấy có sự quan tâm lẫn nhau, thông cảm lẫn nhau.

Thật sự là dù vật chất dồi dào nhưng điều đó cũng không thể khiến bạn được người khác tôn trọng. Thậm chí là vì để theo đuổi vật chất mà có khi lại khiến cho chính mình rơi vào hố sâu không đáy. Cho nên có câu: Dục vọng là vực thẳm.

Phần trước chúng ta cũng đã nói đến việc tiêu tốn một món tiền lớn để mua một bộ đồ thời thượng, niềm vui đó được bao lâu? Được ba ngày. Nhưng khổ trong bao lâu? Có thể cả tháng ấy phải ăn mì gói, tổn hại đến sức khỏe. Nếu như nhìn thấy một chiếc xe sang đời mới, họ liền động tâm, đi mua chiếc xe ấy về thì vui được bao lâu? Vui được một tháng, được hai tháng. Hơn nữa, trong thời gian vui với chiếc xe đó có thể vợ của họ đã bị họ đưa vào “lãnh cung”. Chiếc xe đó trở thành cái gì? Trở thành bà vợ cả, vì bạn cứ ngày ngày ở đó lau lau chùi chùi, đối với vợ thì giống như không nhìn thấy nữa. Vui được một – hai tháng, nhưng khoản tiền vay mua xe đó phải trả trong bao lâu? Có thể là hai năm, ba năm. Cho nên, khoảng thời gian đó bạn có thể phải làm lụng khổ sở để trả cho hết khoản nợ đó.

Hơn nữa, thành thật mà nói, làm một con người thích mong cầu những thứ đắt đỏ thời thượng như vậy, ví dụ như nói họ sử dụng xe được nửa năm hoặc một năm, đột nhiên lại nhìn thấy có xe đời mới xuất hiện, nhìn thấy người khác lái xe đời mới hơn họ, thì trong lòng họ sẽ có chút khó chịu, lại bị kích động muốn mua chiếc xe mới hơn. Thế là họ mãi mãi cũng không thể trả hết các khoản vay, vì luôn có những khoản chi mới, cứ muốn mua loại đời mới nhất. Có thể cả đời họ sẽ trở thành nô lệ của vật chất. Không chỉ tự biến mình thành nô lệ của vật chất, mà có thể ngay cả người trong nhà của họ cũng bị liên lụy.

Rất nhiều người cảm thấy phải mua một ngôi biệt thự lộng lẫy thì họ mới có thân phận. Có loại người như vậy không? Có! Ông bà ta có câu: “Dẫu tiền muôn bạc vạn thì một ngày cũng chỉ ăn ba bữa, bạn việc gì phải cực khổ đi truy cầu những thứ phù phiếm như vậy. “Tiền muôn bạc vạn” cũng ngày ăn ba bữa“Nhà rộng trăm gian”, cho dù rộng đến cả nghìn gian thì buổi tối đi ngủ bạn cần bao nhiêu diện tích? “Đêm nằm sáu tấc”. Cho nên nhu cầu của con người về phương diện vật chất kỳ thực vô cùng ít. Có câu: “Biết đủ thường vui”. Bạn biết đủ thì cuộc sống sẽ vô cùng nhẹ nhõm, vô cùng đơn giản. Đây là một phương pháp rất tốt đối với thân tâm của quý vị.

Chúng ta cũng phải từ trong đó thể hội được, ví dụ nói quý vị thường rất chú trọng việc ăn uống, muốn ăn uống cho thật ngon. Chúng ta suy nghĩ một chút. Ví dụ như vào khoảng thời gian trước tết, chúng ta thường nhận được rất nhiều thiệp mời đám cưới. Có câu: “Có tiền hay không tiền, lấy vợ ăn tết mới vui. Kết quả là chúng ta nhận được nhiều thiệp mời như vậy. Lúc trước đây tôi đã từng trong một tuần lễ đi ăn ba đám cưới. Ăn đến ngày thứ ba thì cảm thấy ăn không nổi nữa. Những đĩa thức ăn đầy ắp thịt cá, nhiều dầu mỡ như vậy không thể nào bì được với rau xanh và đậu phụ (đậu hũ) đạm bạc, ăn vào sẽ cảm thấy nhẹ nhàng thoải mái.

Rất nhiều người mong cầu nhà cao cửa rộng, vì rất có thể họ sợ rằng một ngày nào đó trong lúc nói chuyện với người khác, người ta nói rằng: “Tôi ở nơi nào đó có một căn biệt thự sang trọng”. Khi họ nghe thấy người khác có mà họ không có, trong lòng họ sẽ rất khó chịu. Cho nên họ tự mình rất nỗ lực kiếm tiền, làm ngày làm đêm, rốt cuộc cũng mua được một căn biệt thự. Tuy nhiên, một năm họ đi đến đó ở được bao lâu? Một năm có thể họ chỉ đi đến đó ba đến năm lần, mỗi lần ở lại khoảng hai đến ba ngày thì về. Nhưng họ phải thuê một – hai người để trông giữ biệt thự. Những người được thuê này một năm ở biệt thự đó bao lâu? Mỗi ngày họ đều ở đó. Cho nên người giữ biệt thự mới là người hưởng thụ được ngôi biệt thự này. Quý vị bằng hữu, rốt cuộc thì ai mới là người chân thật có phước báo? Những người được thuê này mới là người có phước báo, người chủ biệt thự thì phải vất vả cực khổ kiếm tiền để trả các khoản nợ mua ngôi biệt thự. Cho nên thực sự chúng ta cần phải suy nghĩ cho kỹ, rốt cuộc thì cuộc sống như thế nào mới chân thật có được sự phát triển tốt và sự điều tiết tốt đối với thân tâm của chúng ta? Đó là không nên theo đuổi sự hưởng thụ vật chất giả tạm.

4.8          Kinh văn:

“Văn quá nộ, văn dự lạc; tổn hữu lai, ích hữu khước. Văn dự khủng, văn quá hân; trực lượng sĩ, tiệm tương cận”.

“Nghe lỗi giận, nghe khen vui; bạn xấu đến, bạn hiền đi. Nghe khen sợ, nghe lỗi vui; người hiền lương, dần gần gũi”.

Khi chúng ta giảng về nội dung của phần “tín” này, chúng ta có thể hồi tưởng một chút. Vừa mở đầu là: “Phàm nói ra, tín trước tiên”, đại biểu chữ “tín” trong ngôn ngữ. “Lời gian xảo, từ bẩn thỉu”, những giáo huấn này đều nói đến thái độ nói chuyện của chúng ta. Khi thái độ nói chuyện của chúng ta rất thô lỗ thì sẽ không có cách nào có được sự tín nhiệm của người khác. Vì vậy, bạn làm được nội dung của phần chữ “tín” này thì bạn sẽ khiến cho người khác tin tưởng và tín nhiệm bạn rất cao. Ví dụ như nói: “Thấy chưa thật, chớ nói bừa. Biết chưa đúng, chớ tuyên truyền”, cho nên nếu bạn đều có thể làm được thì bạn bè của bạn nhất định sẽ cảm thấy bạn rất có tu dưỡng, rất có chừng mực, lòng tin của xã hội đối với bạn về lâu dài sẽ không ngừng nâng lên cao.

4.8.1 “Nghe lỗi giận, nghe khen vui; bạn xấu đến, bạn hiền đi”

“Nghe lỗi giận, nghe khen vui” nghĩa là chúng ta nghe người khác nói lỗi của mình mà nổi giận, người khác khen ngợi mình thì mình dương dương tự đắc. Nếu như chúng ta có thái độ như vậy thì có thể có được sự tín nhiệm của bạn bè không? Sẽ rất khó khăn để có được sự tín nhiệm từ bạn bè. Kết quả sẽ tạo thành: “Bạn xấu đến, bạn hiền đi”. Vì sao bạn xấu lại đến? Bởi vì họ biết rõ chỉ cần nói vài câu ngọt ngào cho bạn nghe thì bạn đã thần hồn điên đảo. Đến lúc đó thì họ sẽ có cơ hội để lợi dụng. Vì thế bạn xấu liền đến, bạn tốt sẽ rời xa.

Vì sao bạn tốt lại rời xa chúng ta? Bởi vì những người có đức hạnh biết rất rõ bổn phận làm bạn là nhất định phải “ăn ngay nói thẳng”. Bạn có khuyết điểm thì họ nhất định sẽ chính trực nói ra. Khi bạn không thể tiếp nhận được thì họ đành phải tránh né, rời xa bạn. Bởi vì nếu như họ không tránh đi, bạn thường nhìn thấy họ thì sẽ khiến bạn sinh phiền não. Vì vậy, để bạn không phải sinh phiền não thì họ đành phải tránh đi một thời gian. Đợi đến khi bạn thật sự có thể tiếp nhận được, chịu tiếp nhận những lời khuyên chính đáng, những lời khuyên bảo của họ, thì họ mới trở lại bên cạnh bạn.

Con người thích nghe những lời dễ nghe hay thích nghe những lời chính trực? Thích nghe lời khen. Thói quen này đã bắt đầu từ lúc nào vậy? Từ lúc nhỏ. Cho nên loại thái độ “nghe khen sợ, nghe lỗi vui” này chúng ta cần phải xây dựng từ lúc còn nhỏ.

Thầy cô ở trung tâm chúng tôi khi dạy câu này đều nhắc nhở các em nhỏ: Hôm nay người khác đem khuyến điểm của các em nói ra, cũng giống như là trên gương mặt của các em đang bị dính một vết bẩn, người khác nói để các em biết mà lau đi vết bẩn đó thì các em có nên cảm ơn người ta không? Đương nhiên là nên. Vậy khi người khác chỉ ra khuyết điểm của các em thì cũng giống như giúp các em lau đi vết bẩn dính trên mặt của mình, vì thế các em nên nói lời cảm ơn họ. Cho nên giữa các bạn học nhỏ này với nhau, chỉ cần các bạn học giúp chúng chỉ ra khuyết điểm của chúng thì tiếp theo chúng tôi thường nghe thấy một câu nói rất tốt đẹp. Chúng sẽ cúi người mà nói với bạn của mình: “Cảm ơn bạn đã chỉ ra khuyết điểm cho mình”. Khi đứa trẻ này có sự sửa đổi đối với khuyết điểm của mình thì thầy cô chúng ta cũng nên có lời động viên thích hợp là: “Biết sửa lỗi, không còn lỗi, thì chúng sẽ càng thích thú hơn, sẽ tự mình sửa đổi lại những khuyết điểm đó. Vì vậy nếu từ nhỏ đã xây dựng tốt cho trẻ nền móng này thì cuộc đời của chúng sẽ có rất nhiều lợi ích.

Câu “nghe lỗi giận, nghe khen vui” khiến chúng ta nhớ đến câu chuyện vào thời nhà Tống. Thời nhà Tống có một đại văn hào tên là Tô Đông Pha. Ông là bạn thâm giao của Thiền sư Phật Ấn. Hai người thường xuyên trao đổi học vấn với nhau. Một hôm, Tô Đông Pha cảm thấy cảnh giới của mình rất tốt, liền viết một bài thơ là:

“Khể thủ Thiên Ngoại Thiên

Hào quang chiếu đại thiên

Bát phong xuy bất động

Đoan tọa tử kim liên”.

“Đảnh lễ Bậc Giác ngộ

Hào quang chiếu đại thiên

Tám gió thổi chẳng động

Ngồi vững tòa sen vàng”.

Ông cảm thấy cảnh giới của mình hiện tại rất cao, ngay cả tám gió cũng không thể ảnh hưởng đến tâm thanh tịnh của ông.

Quý vị bằng hữu, “tám gió” là gì? Đó là: Lợi, suy, khổ, lạc, xưng, cơ, hủy, dự.

“Lợi” chính là lúc bạn rất thuận lợi, lúc rất thông thuận (mọi việc đều hanh thông).

“Suy” là lúc suy bại.

“Khổ” là lúc chịu khổ.

“Lạc” là lúc rất hoan hỷ, lúc rất vui vẻ. Thông thường, khi con người khổ thì than oán khắp nơi, con người vui thì có thể vui quá hóa buồn. Cho nên những cảnh giới này đều là đang khảo nghiệm sự tu dưỡng của một người.

“Xưng” là xưng tán, khi được xưng tán thì dương dương tự đắc.

“Cơ” là người khác công kích chúng ta thì chúng ta sẽ rất giận dữ, rất khó chịu.

“Hủy” là bôi nhọ, hủy báng chúng ta.

“Dự” là khi chúng ta có danh dự rất tốt, có thể sẽ dẫn đến sự cống cao ngã mạn.

Tô Đông Pha cảm thấy tám loại gió này đều không thể ảnh hưởng đến tâm cảnh của mình, trước tám loại gió này ông đều có thể giữ được sự thanh tịnh, thế là viết ra bài thơ này và gửi đến cho Thiền sư Phật Ấn xem.

Kết quả, khi Thiền sư Phật Ấn vừa xem xong liền viết lên bài thơ ấy một chữ “thí” (rắm), rồi bảo người mang về. Tô Đông Pha vốn dĩ đang chờ đợi Thiền sư Phật Ấn trả lời ông, có thể là muốn thiền sư khen ông. Kỳ thực tám gió đã động chưa? Đã động, vì muốn được người khác khen ngợi, muốn được nghe lời hay tiếng tốt. Kết quả, xem câu trả lời của thiền sư thì ông rất tức giận, lập tức chạy đến chỗ của Thiền sư Phật Ấn. Khi đến thì cửa đã đóng, nhưng có viết hai dòng chữ: “Bảo tám gió thổi không động, một cái rắm đã thổi qua sông rồi. Tô Đông Pha nhìn thấy rất xấu hổ, liền quay trở về. Cho nên chúng ta phải luôn luôn quán chiếu chính mình có phải là cũng tám gió thổi không động hay không? Luôn luôn từ trong việc khởi tâm động niệm mà loại bỏ đi những thói quen không tốt của chúng ta, thì mới không phạm phải sai lầm là “nghe lỗi giận, nghe khen vui” này nữa.

4.8.2 “Nghe khen sợ, nghe lỗi vui, người hiền lương, dần gần gũi”

Chúng ta cũng thấy rằng, nếu một người làm vua vô cùng khoan hồng độ lượng, có thể tiếp nhận lời can gián của quần thần, thì tất nhiên có thể khiến cho những trung thần, những hiền thần này đều dụng tâm chỉ ra khuyết điểm của họ, khiến cho chính sách của họ có thể đem lại lợi ích chân thật cho nhân dân. Cũng như vậy, chúng ta là người làm thầy cô, người làm cha mẹ, khi học trò hay con cái chỉ ra khuyết điểm của chúng ta thì chúng ta cũng phải khiêm tốn mà tiếp nhận. Khi thừa nhận lỗi lầm với con trẻ, trong tâm của rất nhiều người lớn liền nghĩ: “Như vậy thì hình như tôi đã thấp đi một bậc rồi thì phải?”. Thật ra thì hoàn toàn ngược lại. Khi chúng ta làm thầy mà có sai lầm, ví dụ như phạm phải một câu nào trong “Đệ Tử Quy” thì chúng ta lập tức nói với học trò: “Thầy đã sai ở chỗ này rồi, thầy phải sửa chữa lại, thầy sẽ cũng học tập với các em”. Khi một người thầy chịu nhận sai thì có thể nhìn thấy được sự tôn trọng của học trò đối với thầy.

Khi một người biết nhận sai thì đó là đức hạnh. “Con người không phải là Thánh Hiền, có ai mà không có lỗi. Có lỗi mà biết sửa thì thiện nào bằng”. Cho nên, người lớn mà chủ động sửa sai, chủ động sửa đổi lỗi lầm thì cũng sẽ dẫn dắt được nếp sống của cả đoàn thể có dũng khí nhận sai.

Khi bên cạnh chúng ta có rất nhiều bạn bè có thể chủ động cho chúng ta lời khuyên bảo, thì cuộc đời của chúng ta giống như đã có thêm rất nhiều đôi mắt sáng suốt giúp chúng ta nhìn đường rồi. Bởi vì mỗi người chỉ có hai con mắt, có lúc nhìn phía trước nhưng không nhìn thấy bên cạnh, cũng không nhìn thấy sau lưng. Khi bạn có tâm khiêm tốn tiếp nhận lời khuyên ngăn của người khác thì tự nhiên sẽ có rất nhiều người giúp đỡ bạn. Bởi vậy chúng ta nói, mai, lan, trúc, cúc là bốn quân tử, là đại biểu cho đức hạnh của người quân tử.

Cây trúc vì sao lại đại biểu cho đức hạnh của người quân tử? Bởi vì ruột của cây tre cây trúc trống rỗng, thường khiêm tốn tiếp nhận lời khuyên chính đáng. Chúng ta “thấy người tốt, nên sửa mình”, vậy thấy vật tốt thì sao? Nên sửa mình. Vì vậy, người xưa không chỉ học tập người khác mà còn học tập vạn vật. Khi nhìn thấy cái đức của vạn vật thì cũng hồi quang phản chiếu tu sửa chính mình.

Tôi đã từng hỏi các học trò của mình: “Cây trúc có đức hạnh gì? Các em có thể học tập ở cây trúc những gì?”. Tôi để cho chúng tự mình có thể quan sát. Quý vị bằng hữu có thể học tập được những gì từ cây trúc? Việc học tập này phải biết khéo học. Hơn nữa, trong lúc học tập có một mấu chốt rất quan trọng là con người phải có ngộ tính. Có ngộ tính thì mới có thể học một biết mười, có thể mỗi khi tiếp xúc với tất cả người, sự và vật đều là đang tu dưỡng chính mình, đang nâng cao chính mình.

Ngoài việc có tâm khiêm tốn ra, còn điều gì nữa? Chúng ta nhìn thấy hình dáng bên ngoài của cây trúc, có khi nào chúng ta nhìn thấy chỉ có một cây trúc hay không? Không, đều thấy một bụi trúc. Bởi vì cả một bụi, nên mỗi một cây trúc đều mọc rất thẳng. Giống như bên cạnh bạn đều là người chính trực, thì tin chắc rằng bạn có muốn nghiêng cũng nghiêng không được. Đây cũng là tầm quan trọng của hoàn cảnh. Cho nên mẹ của Mạnh Tử mới phải chuyển nhà ba lần. Dù Mạnh Tử có căn cơ tốt như vậy, có tố chất tốt như vậy, nhưng cũng cần phải có một hoàn cảnh tốt đẹp để bồi dưỡng. Bởi vậy, người làm cha mẹ chúng ta cũng phải cung cấp cho con cái một hoàn cảnh học tập thật sự tốt.

Chúng ta tiến thêm một bước nữa để xem cây trúc này. Nó mọc lên từng đốt, từng đốt một. Đây là đại biểu cho cuộc đời con người không thể nào luôn thuận buồm xuôi gió, mà tất nhiên sẽ gặp phải một số thử thách. Khi đối mặt với những thử thách này thì nhất định phải dũng mãnh đột phá tiến về phía trước. Cây trúc cũng đột phá qua cửa ải của từng đốt, từng đốt một, cũng là phải có thái độ kiên nhẫn để đối diện với cuộc đời.

Rất nhiều em học trò nêu ra đáp án cũng khiến cho chúng ta phải kinh ngạc. Có một em học trò nói thế này: “Thưa thầy! Cây trúc có tinh thần vì người khác phục vụ”. Tôi hỏi: “Vì sao em lại nói như vậy?”. Em đó nói: “Bởi vì măng của nó có thể ăn, thân của nó có thể làm nhà, lá của nó có thể dùng để gói bánh. Vì vậy, tất cả bộ phận của nó đều có thể cống hiến”. Chúng ta nghe đến chỗ này cũng cảm thấy hổ thẹn. Chúng ta có được cái tinh thần hy sinh phụng hiến giống như cây trúc không?

Chúng ta phải có thái độ khiêm cung đối với tất cả người, sự và vật, có thể tiếp nhận những lời khuyên ngăn, có thể học tập, thì cuộc đời chúng ta sẽ có thể tăng thêm rất nhiều trợ lực. Cho nên phải “nghe khen sợ, nghe lỗi vui, người hiền lương, dần gần gũi”. Khi chúng ta có thái độ như vậy thì dường như cỏ cây cũng có tình, cũng mỉm cười với chúng ta.

“Nghe khen sợ”, vì sao nghe lời khen tặng của người khác thì chúng ta phải có thái độ đề phòng lo sợ vậy? Bởi vì tài năng và thành tựu của chúng ta tuyệt đối không phải là năng lực của một người mà có thể đạt được. Ví dụ như toàn bộ quá trình trưởng thành của chúng ta đều do cha mẹ nuôi dưỡng, giáo dục và rất nhiều người khác đã quan tâm chỉ dạy chúng ta, chúng ta mới có thể hình thành nên được năng lực như vậy. Cho nên, khi chúng ta có được thành tựu gì thì đầu tiên nhất định phải nghĩ đến những công lao này đều thuộc về họ. Như vậy thì chúng ta mới không tự đánh giá mình quá cao.

Hơn nữa, ví dụ như nói thành tích trong khóa học của chúng ta đều là sự hiệp trợ giúp đỡ của nhiều người. Khóa học trong mấy ngày này của chúng ta có rất nhiều người đến rất khuya mới ngủ, sáng hôm sau lại phải thức dậy rất sớm để chuẩn bị mọi việc, lại phải thức dậy nấu cơm cho chúng ta ăn. Thành tựu của một việc đều do rất nhiều người bỏ công, bỏ sức mới có thể đạt được, vì vậy chúng ta cũng phải luôn cảm ân những người đã bỏ tâm sức này. Khi chúng ta có được cái tâm như vậy thì sẽ không vì nghe lời khen mà vui, ngược lại sẽ cảm thấy nơm nớp lo sợ, phải nhanh chóng tận tâm tận lực làm cho tốt vai trò của mình để hồi đáp lại sự cố gắng của rất nhiều người.

4.9          Kinh văn:

“Vô tâm phi, danh vi thác. Hữu tâm phi, danh vi ác. Quá năng cải, quy ư vô. Thảng yểm sức, tăng nhất cô”.

 “Lỗi vô ý, gọi là sai. Lỗi cố ý, gọi là tội. Biết sửa lỗi, không còn lỗi. Nếu che giấu, lỗi chồng thêm”.

4.9.1       “Lỗi vô ý, gọi là sai”

Có câu: “Người không biết thì không có tội”. Cho nên khi người khác phạm sai lầm do vô ý, chúng ta nhất định phải bao dung, khoan thứ, nếu không thì họ cũng sẽ rất buồn lòng. Đối với chúng ta mà nói, chúng ta cũng phải luôn luôn quán chiếu chính mình xem ngôn ngữ, hành vi của chúng ta có chỗ nào không thỏa đáng hay không? Ví dụ khi đi đường, hai – ba người cùng đi hàng ngang khiến cho những người đi phía sau rất khó vượt lên trước. Bởi vì con người thường khi gặp được người bạn lâu năm thì nói chuyện đến nỗi quên cả thế giới bên ngoài. Đây gọi là “lỗi vô ý”.

Có khi chúng ta gọi điện thoại cho bạn bè đúng lúc họ phải đi công việc, nhưng chúng ta vừa gọi tới thì đã thao thao bất tuyệt không ngừng nghỉ. Họ lại không biết phải ngắt lời chúng ta như thế nào để từ chối hoặc nói cho chúng ta biết họ đang chuẩn bị đi ra ngoài, thế là họ cứ phải đứng ở đó. Lúc đó tim của họ sẽ như thế nào? Sẽ đập rất nhanh. Đây cũng là “lỗi vô ý”. Cho nên khi chúng ta gọi điện thoại cho ai, nhất định phải hỏi trước: “Xin hỏi bây giờ anh nói chuyện có tiện không?”. Chúng ta phải luôn suy nghĩ cho người khác.

Khổng Phu Tử đi đến Thái Miếu cũng là “nhập thái miếu, mỗi sự vấn” (vào Thái miếu mỗi việc đều hỏi). Gặp phải rất nhiều sự việc Phu Tử đều đi hỏi những người phụ trách trong miếu. Những người khác đều cảm thấy bối rối khó hiểu liền đến hỏi Ngài: “Phu Tử học vấn cao như vậy nhưng sao đi đến Thái miếu cái gì cũng phải hỏi?”. Phu Tử trả lời: “Mỗi một việc đều hỏi là tôn trọng đối với những sự việc đó. Hơn nữa, chúng ta đi đến một hoàn cảnh mới, có thể nơi này có quy củ riêng, chúng ta không thể thuận theo ý riêng của mình mà làm, bằng không thì có thể sẽ có chỗ thất lễ”. Cho nên chúng ta đến một môi trường hoàn cảnh mới thì chúng ta phải nên tìm hiểu rất nhiều quy củ, cách sống ở nơi đó, thậm chí là cách bày biện đồ vật, chúng ta cũng không thể tự ý dịch chuyển hay thay đổi. Có thể chúng ta có lòng tốt, nhưng một động tác như vậy có thể sẽ gây nên sự phiền phức nào đó cho những người làm việc tại đó. Việc này có thể sẽ phạm vào “lỗi vô ý gọi là sai”.

4.9.2  “Lỗi cố ý, gọi là tội”

Ý nói là rõ ràng biết đó là sai nhưng mà vẫn cứ làm, gọi là “biết sai vẫn làm”. Đây gọi là ác, là tội, không thể chấp nhận được. Hiện tượng như vậy hiện nay có nhiều không? Nhiều. Vì sao vậy? Ví dụ như rõ ràng người ta viết “cấm hút thuốc”, nhưng họ vẫn cứ hút thuốc ở nơi đó. Nguyên nhân là gì? “Không có học Đệ Tử Quy”. Đáp án chính xác! Đã thiếu đi giáo dục về đạo lý làm người làm việc, không học tập tốt đạo lý làm người, không có thầy dạy, cũng không được cha mẹ nhắc nhở. Cho nên nói: “Tiên nhân bất thiện, bất thức đạo đức”.

****************

Đệ Tử Quy giảng giải– Con Đường Đạt Đến Nhân Sinh Hạnh Phúc (tập 33)

Người giảng: Thầy Thái Lễ Húc

Giám định: Lão Hòa thượng Tịnh Không

Giảng ngày: 15/02/2005

Cẩn dịch: Ban phiên dịch Tịnh Không Pháp Ngữ

Giám định phiên dịch: Vọng Tây Cư Sĩ

Biên tập: Ban biên tập Tịnh Không Pháp Ngữ