ĐỆ TỬ QUY GIẢNG GIẢI
CON ĐƯỜNG ĐẠT ĐẾN NHÂN SINH HẠNH PHÚC
TẬP 39
Chúng ta tiếp tục xem chương “Gần người hiền”, thân cận người nhân đức. Bài trước chúng ta có nói đến chữ “nhân” là chữ hội ý, gồm hai chữ người. Vậy đó là hai người nào? Có thể nghĩ đến mình và cũng có thể nghĩ đến người khác, đây chính là thái độ: “Điều mình không muốn thì đừng làm cho người khác” và “kỷ dục lập nhi lập nhân, kỷ dục đạt nhi đạt nhân” (mình muốn có thành tích thì cũng mong người khác có thành tích, mình muốn làm điều hay thì cũng mong người khác làm điều hay). Nói rõ hơn một chút là mình luôn luôn biết nghĩ cho người khác.
Muốn biết một người có nhân đức hay không, chúng ta từ một số góc độ có thể thấy được. Thứ nhất là phải có tâm nhân hậu, thứ hai là luôn luôn khiêm tốn, thứ ba là có thể lấy mình làm gương.
Thứ nhất, phải có tâm nhân hậu. Khi chúng tôi tổ chức diễn giảng ở Bắc Kinh, lúc đó cô giáo Dương phải đến Sơn Đông giải quyết một số việc nên phải ngồi xe thâu đêm mấy tiếng đồng hồ, đến khoảng tám, chín giờ thì cô về tới Bắc Kinh. Khi đó chúng tôi đang tổ chức lớp bồi dưỡng năm ngày, cô giáo Dương cũng không nghỉ ngơi liền đến khách sạn nơi chúng tôi tổ chức để gặp mọi người. Lúc đó có gặp một số học viên, cô liền nói với họ rằng: “Nếu như chúng tôi giảng bài không được tốt thì quý vị nhất định phải chỉ ra khuyết điểm giúp chúng tôi”. Điều thứ hai là cô hỏi những học viên này rằng: “Nếu quý vị ăn không được ngon, ngủ không được tốt thì nhất định phải phản ánh với chúng tôi, nhất định phải nói cho chúng tôi biết. Nếu không, chúng tôi tiếp đãi sẽ không được chu đáo”. Điều thứ ba cô nói với các học viên rằng: “Đi học thế này rất vất vả, cho nên mọi người phải nghỉ ngơi nhiều một chút”. Đi học có vất vả hay không? Vất vả! Cho nên hôm nay quý vị cũng phải nghỉ ngơi nhiều một chút. Cô giáo Dương quả thật là luôn luôn nghĩ cho người khác!
Có một lần cô giáo Dương đến Hải Khẩu. Tôi đi bộ cùng cô trên đường thì nhìn thấy một bà cụ đẩy xe hoa quả đi bán. Cô liền dẫn tôi đến mua chuối của bà cụ. Cô chọn những quả đã bị dập, sắp hỏng để mua. Khi “tâm có nghi” thì phải hỏi, cho nên tôi đã hỏi cô rằng: “Cô giáo à! Sao cô lại mua những quả không còn ngon này vậy?”. Cô liền nói: “Những quả này không còn ngon nữa, nếu như không có người mua thì sẽ hỏng hết. Bởi vì chúng ta mua về ăn liền nên hãy mau mua chúng”. Thực ra cô không muốn mua trái cây, nhưng khi nhìn thấy bà lão già cả như vậy thì cô đã đến mua giúp bà. Hơn nữa, cô cũng vì quý tiếc những thực phẩm này, không muốn chúng bị lãng phí. Qua đây chúng ta có thể quan sát được tấm lòng nhân hậu của cô.
Thứ hai là tâm khiêm tốn. Chúng ta thấy cây lúa nào càng cho nhiều hạt thì nó càng cúi xuống thấp. Trăm sông đều đổ ra biển, nhưng vị trí của biển lại thấp hơn so với trăm sông. Khổng Phu Tử cả đời giáo hóa nhiều học trò như vậy, nhưng Ngài lại nói rằng cả đời Ngài chỉ “thuật nhi bất tác” (thuật lại học thuyết của người xưa chứ không sáng tác). Điều này thể hiện rằng Khổng Phu Tử rất khiêm tốn. Ngài thường nói: “Những đạo lý mà ta giảng giải đều là do cổ Thánh tiên Vương ngày xưa, đều là do Nghiêu Thuấn, Vũ Thang, Văn Võ Chu Công truyền lại”. Ngài vô cùng khiêm tốn! Duy chỉ có khiêm tốn mới có thể tương ưng với đạo đức. Cho nên chúng ta có thể lấy điều thứ hai là khiêm tốn để xem xét một người nhân đức.
Về điểm này, khi tôi ở Úc cũng có học được, bởi vì chú Lư ngồi bên cạnh tôi khoảng một – hai tuần nhưng lúc đó tôi vẫn chưa biết rõ chân tướng, chưa hiểu rõ về chú. Sau này, may mà tôi đã học được câu “việc chú bác, như việc cha” nên tôi mới biết chủ động cúi chào chú: “Con chào chú Lư ạ!”. Nếu không thì tôi đã bỏ lỡ cơ hội trước mặt rồi, có thể tôi bây giờ sẽ kém cỏi hơn rất nhiều. Cũng từ việc này chúng ta mới hiểu được rằng, người chân thật có đức hạnh là người giản dị, dễ gần và vô cùng khiêm tốn. Cho nên sau này nếu như tôi có gia nhập vào tập thể mới thì tôi tuyệt đối cũng không dễ bị người khác đánh lừa. Đại đa số những người trẻ tuổi nghe một số người nói ba hoa rằng họ quen thân với vị quan chức nào đó, nhà của họ có bao nhiêu tài sản, sự nghiệp to lớn như thế nào v.v…. thì sẽ nghĩ: “Ồ, sao mà giỏi thế!”. Rất có thể họ sẽ bị dẫn dắt vào con đường sai lầm. Như vậy, một người có nhân đức là phải khiêm nhường.
Thứ ba, chính mình phải làm gương. Đó là nói được thì phải làm được, thậm chí làm xong rồi mới nói ra. Làm xong mới nói thì là “Thánh nhân”, nói xong rồi làm được thì gọi là “Hiền nhân”, nói xong lại không làm thì gọi là “kẻ lừa dối”. Chúng ta phải nên làm “Thánh nhân” hoặc “Hiền nhân”, chứ không nên là “kẻ lừa dối”.
“Chớ tự chê, đừng tự bỏ. Thánh và Hiền, dần làm được”. Tất nhiên chúng ta phải luôn luôn nhắc nhở chính mình, lấy mình làm gương, đầu tiên phải bắt đầu từ tu thân. Tôi đã từng đến nhà tưởng niệm của thầy Lý Bỉnh Nam, tôi có được cảm nhận rất sâu sắc rằng Ngài chân thật luôn luôn lấy mình làm gương. Quần áo Ngài mặc mấy chục năm cũng không thay đổi. Khi chúng tôi xem quần áo thì thấy thật sự rất sạch sẽ, giản dị. Thái độ yêu quý đối với đồ vật đã biểu hiện ra bên ngoài. Nhưng áo lót và tất (vớ) của Ngài thì có rất nhiều chỗ vá chồng chất lên nhau. Phần bên ngoài để mọi người nhìn thấy thì rất là chỉnh tề, thể hiện sự tôn trọng đối với người khác, nhưng phần bên trong không ai nhìn thấy thì Ngài đều tận tâm, tận lực khâu vá lại, thể hiện thái độ “quý trọng đồ vật”. Học trò của thầy Lý Bỉnh Nam có nhiều hay không? Rất nhiều. Họ biếu tặng quần áo cho Thầy nhiều hay không? Cũng nhiều. Nhưng Thầy đem những thứ được biếu này tặng cho người khác, Thầy luôn luôn thấy được nhu cầu của người khác. Thầy Lý Bỉnh Nam sống đến chín mươi bảy tuổi mới vãng sinh. Chín mươi bảy tuổi Ngài vẫn còn giảng bài. Học trò của Thầy nói với Thầy rằng: “Thưa Thầy! Thầy có rất nhiều học trò như vậy, để chúng con giúp Thầy giảng là được rồi. Thầy không cần phải vất vả như vậy nữa!”. Kết quả Ngài đã nói rằng: “Đại chúng cần tôi giảng một ngày thì chỉ cần tôi còn sống một ngày cũng phải tận hết sức để giảng một ngày”. Thái độ như vậy là chân thật lấy thân để làm gương. Thầy Lý có làm một bài thơ viết rằng:
“Vị cải tâm trường nhiệt
Toàn lân ám lộ nhân
Đãn năng quang chiếu viễn
Bất tích tự phần thân”.
Mọi lúc mọi nơi Thầy đều không quên tấm lòng giúp đỡ chúng sinh. “Toàn lân ám lộ nhân”, thầy thương xót những người còn trong con đường tối tăm, những người tìm không ra lối thoát của cuộc đời, những người không có cách nào mở mang trí tuệ. Thầy đều có một tấm lòng thương xót như vậy. “Đãn năng quang chiếu viễn”, chỉ cần có thể giúp cho mắt họ thấy được ánh sáng trước mắt, “bất tích tự phần thân”, thì Thầy không tiếc đốt cháy chính mình để soi sáng người khác. Ngài đã thể hiện ra tinh thần hy sinh phụng hiến.
Học trò của Ngài là Hòa thượng Tịnh Không cũng là “sư chí như kỷ chí” (chí thầy như chí ta), hoàn toàn đem chí hướng của thầy làm chí hướng của chính mình. Vì vậy, thầy của tôi cũng đã hơn tám mươi tuổi nhưng Ngài vẫn vì sự hòa hợp của các tôn giáo, hòa bình của thế giới mà không ngừng bôn ba khắp các nơi trên thế giới. Có một lần, trong lúc Ngài giảng pháp có nói rằng: “Các vị là những người trẻ tuổi thì nên phát tâm lợi ích cho đại chúng. Tôi tuổi đã cao rồi mà vẫn phải bôn ba khắp thế giới. Nếu có vị trẻ tuổi nào phát nguyện đi làm những việc này, có thể vì xã hội, vì quốc gia, vì thế giới này mà làm việc, thì một người lớn tuổi như tôi cũng bằng lòng khấu đầu cúi lạy các vị”. Khi tôi nghe Thầy nói như vậy xong, chúng tôi làm học trò thật sự cảm thấy vô cùng hổ thẹn. Có thể gặp được người thầy tốt như vậy dạy dỗ thì chúng ta phải biết quý trọng.
“Sư chí”, phải đem chí hướng của thầy làm chí hướng của mình. Tuy là năng lực của mình không được tốt, nhưng vẫn phải cố gắng tận lực y giáo phụng hành, phải khởi niệm “nhất định mình phải giúp Thầy làm nhiều việc hơn một chút”. Kết quả sau đó không bao lâu thì Thẩm Quyến có mời tôi đến diễn giảng. Cho nên cảnh giới của một người chân thật đều hoàn toàn do tâm của người đó chiêu cảm: “Năng cảm là chân tâm, sở cảm là cảnh giới”. Từ tháng ba đó trở về sau, tôi bay đi bay lại khắp nơi. Thật sự là xã hội hiện tại, thế giới hiện tại này có rất nhiều việc quan trọng cần đến sự cống hiến chân thành của chúng ta. Trong gia đình, trong rất nhiều đoàn thể, ở rất nhiều quốc gia đều có những việc cần làm ngay không thể trì hoãn được nữa.
Tuy nhiên, muốn làm những công việc này được viên mãn thì chúng ta nhất định phải phát nguyện mới được. Chúng ta tin rằng “nhân hữu thiện nguyện, thiên tất tùng chi” (người có chí nguyện thiện lành thì ông Trời cũng chiều theo vậy). Do đó, có được nhiều vị trưởng bối tốt như vậy cho tôi học tập, trong lòng tôi rất là vui sướng nhưng cũng nơm nớp lo sợ rằng mình làm không tốt sẽ phụ tấm lòng dạy dỗ của rất nhiều thầy cô và các vị trưởng bối.
Hai năm trước, tôi ở Đài Trung nửa năm. Lúc đó cô giáo Dương có dẫn tôi đi bái kiến thầy Từ Tỉnh Dân. Thầy Từ khi ấy cũng tám mươi tuổi rồi. Hôm đó đúng vào ngày ba mươi Tết cho nên đường phố rất đông người, nhất là khi đi qua những khu chợ. Vì vậy chúng tôi đã đến chậm hai mươi phút đồng hồ. Khi chúng tôi lái xe đến đầu ngõ, còn chưa đến nhà thầy thì đã thấy thầy đứng ở đầu ngõ đợi chúng tôi từ lâu, bởi vì thầy sợ chúng tôi tìm không thấy nhà. Nhìn thấy thầy cung cung kính kính đứng đợi ở đó, tôi có ấn tượng rất sâu sắc rằng học vấn tuyệt đối không phải chỉ có nói trên miệng, mà học vấn cần phải chân thật làm ra mới được! Vì vậy, chúng ta cần phải lấy mình làm gương. Rất nhiều lần cô giáo Dương phải bôn ba khắp nơi ở Đại Lục để giải quyết rất nhiều việc. Có một lần, cô xuống máy bay thì đã hơn mười giờ, về đến Đại Phương Quảng vẫn còn rất nhiều việc phải làm nên cô cũng không nghỉ ngơi mà lập tức làm việc, thông thường cô phải làm đến tận hai, ba giờ sáng. Có một lần do bị cảm, cơ thể cô có một chút khó chịu, nhưng lượng công việc quá nhiều nên cô cũng không nghỉ ngơi. Kết quả là cô thức thâu đêm đến hơn bốn giờ sáng thì tự nhiên hết cảm. Điều gì đã chữa khỏi cảm cho cô vậy? Là do hạo nhiên chính khí (nguồn năng lượng tốt lành trong trời đất) đã giải độc cho cô. Bởi vậy, ở Bắc Kinh chúng tôi lưu hành một câu nói là: “Thức đêm sẽ trị được bệnh cảm”. Nhưng điều này còn tùy theo từng người, nhất định phải là vì Thánh Hiền, vì đại chúng thì mới có hiệu quả, nếu không sẽ không có hiệu quả. Đây là tấm gương mà trưởng bối cho chúng ta thấy, chúng ta phải luôn luôn ghi nhớ trong lòng.
Tôi rất quý trọng những cơ hội có thể thân cận với người nhân đức, nhưng trong thời gian này, số lần tôi gặp chú Lư chân thật là chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay. Nhưng chỉ cần trở về Đài Loan là tôi liền nắm lấy cơ hội để được thân cận với chú. Thời gian chú nói chuyện chia sẻ với mọi người trong một ngày tuyệt đối cũng không ít hơn tôi. Có lúc tôi theo chú đến tối, thấy giọng chú nói chuyện với một số người trẻ tuổi có chút khàn đi, nhưng chú vẫn không mệt không chán. Người nhân đức thật sự đều có thể lấy mình làm gương. Khi chúng ta dựa vào điều này để phán đoán thì chúng ta có thể xác định được người như vậy sẽ là tấm gương tốt cho chúng ta học tập, cũng sẽ là người bạn đạo tốt của chúng ta.
6.1 Kinh văn:
“Đồng thị nhân, loại bất tề, lưu tục chúng, nhân giả hi. Quả nhân giả, nhân đa úy. ngôn bất húy, sắc bất mị”.
6.1.1 “Cùng là người, khác tộc loại, thô tục nhiều, nhân từ ít”
Quý vị thân mến! Câu nói này bây giờ quý vị có thể cảm nhận được chưa? Thực sự là được! Nhưng “thô tục nhiều, nhân từ ít” là kết quả, chúng ta có oán trách kết quả cũng vô dụng thôi, phải tìm ra nguyên nhân mới được. Tại sao bây giờ lại là “thô tục nhiều, nhân từ ít”? Bởi vì con người không được dạy bảo, không có Thánh Hiền chỉ dạy, không phân biệt được đúng sai, thiện ác. Do đó, cho dù thời nay là người “thô tục nhiều” nhưng thực ra họ cũng là người bị hại. Bởi vậy mới nói: “Tiên nhân bất thiện, bất thức đạo đức, vô hữu ngữ giả, thù vô quái dã” (người xưa bất thiện, không biết đạo đức là do không có người dạy, xin đừng trách họ). Vậy thì bây giờ phải trách ai? Nếu chúng ta trách người sống trước chúng ta một đời thì người đời trước nữa sẽ nói: “Ta cũng không được học”. Chúng ta lại tìm đến đời trước nữa phải không? Có nên tìm nữa không? Không cần phải tìm nữa.
Vậy phải bắt đầu từ đâu? Bắt đầu từ đời của chúng ta! Chúng ta không thể để cho giáo huấn của Thánh Hiền bị mai một, mà phải để giáo huấn của Thánh Hiền phát triển và có thể chiếu sáng thế gian này. Bởi vì không được giáo dục, thêm vào đó, mức độ ô nhiễm ở bên ngoài càng ngày càng nặng, cho nên mới nói là bên trong không có nền tảng, lực lượng bên ngoài lại rất mạnh, bên trong đánh ra bên ngoài đánh vào thì tất nhiên binh sĩ sẽ thua không còn một manh giáp. Vì vậy, bây giờ mọi người cũng không nên xem ai là “thô tục nhiều”. Đầu tiên chúng ta phải để cho hai chân của chính mình đứng cho thật vững, đầu tiên phải bảo đảm chính mình không bị sóng cuốn đi. Đợi cho hai chân của chúng ta đứng vững rồi thì hai tay mới có thể kéo được người khác, có thể nâng đỡ người khác. Sau khi năng lực của mình dần dần lớn mạnh thì chúng ta có thể đem sức ảnh hưởng từ sự tu thân để tề gia, trị quốc, bình thiên hạ phát triển ra. Chúng ta phải có niềm tin! Người mà chân thật có nền tảng vững chắc đối với học vấn của Thánh Hiền thì tuyệt đối sẽ không bị cuốn theo sóng dữ. Một mình họ tuyệt đối có thể xoay chuyển được cả gia đình, đoàn thể và thậm chí cả xã hội. Chúng ta cũng cần phải có niềm tin như vậy.
Khi chúng tôi dạy tới câu “thô tục nhiều, nhân từ ít”, chúng tôi nói với bọn trẻ rằng: “Trong xã hội hiện nay, các em không vứt rác bừa bãi nhưng có thể người khác sẽ vứt rác bừa bãi”. Chúng ta phải hướng dẫn cho các em từ nhỏ đã có được thái độ “học vi nhân sư, hành vi thế phạm”. Hơn nữa, chúng ta phải nói với các em rằng, năm cộng với hai tuyệt đối không thể bằng không. Tại sao gọi là: “Năm cộng với hai bằng không” (5+2=0)? Đây là một bài toán rất phổ biến. Các vị có làm đúng không? Năm cộng với hai bằng không, đôi khi còn nhỏ hơn không. Đó là khi chúng đi học năm ngày ở trường, thứ Bảy và Chủ nhật về nhà xem ti vi đến nửa đêm, ngày hôm sau ngủ đến giữa trưa. Hai ngày đó trôi qua, chúng có chút tiến bộ nào không? Có thể không bị thụt lùi là đã có chút an ủi rồi. Đại đa số thì bị thụt lùi, còn nhỏ hơn cả con số không nữa. Chúng tôi đã nói với các em như vậy. Bọn trẻ nghe xong đều cười ha ha. Đợi chúng cười xong, tôi liền nói với chúng rằng: “Các em tuyệt đối không được giống như vậy nữa! Chúng ta sau khi về nhà phải làm gương cho các bạn nhỏ khác, hơn nữa còn phải làm gương cho cha mẹ”. Cho nên những đứa trẻ này cũng rất hăng hái không chịu thua kém, khi về nhà, như thường lệ sáu giờ rưỡi sáng thức dậy, bảy giờ bắt đầu đọc “Đệ Tử Quy”. Có một lần, người mẹ sợ con ngủ không đủ giấc nên không gọi con dậy. Khi em đi ra khỏi phòng, nhìn thấy đồng hồ ở phòng khách đã quá bảy giờ thì em chợt khóc òa lên. Thái độ này của con trẻ chính là thói quen đã trở thành tự nhiên. Hơn nữa, đứa bé đó khóc không chỉ vì không được đọc “Đệ Tử Quy”, mà còn có một nguyên nhân quan trọng hơn nữa, đó là bé đã không nghe lời thầy giáo, bởi vì bé vô cùng kính trọng thầy giáo. Cho nên “thô tục nhiều, nhân từ ít”, chúng ta hiểu được tình huống thực tế này thì cũng nên thường xuyên khích lệ bản thân, nâng cao bản thân.
6.1.2 “Đúng người nhân, người kính sợ. Nói thẳng lời, không dẻ nịnh”
Quả đúng là người nhân nghĩa thì những người bình thường thấy họ đều có lòng kính sợ. Cho nên trong “Luận Ngữ”, học sinh hình dung Khổng Phu Tử là: “Vọng chi nghiễm nhiên”, ở đằng xa nhìn thấy Ngài rất có uy nghi, làm cho người khác nhìn thấy mà sinh lòng kính trọng; “tức chi dã ôn”, đến khi thực sự thân cận Ngài, cùng Ngài thảo luận nghiên cứu học vấn thì cảm thấy Ngài thật là thân thiết. Bởi vì Khổng Phu Tử là người nhân đức, luôn nghĩ cho người khác, những lời Ngài nói ra luôn luôn là muốn khai trí tuệ cho mọi người, nên đương nhiên chúng ta có cảm giác sâu sắc rằng Ngài biết nghĩ cho học trò, vì vậy “khi thân cận cảm thấy ấm áp”. Cho nên, “đúng người nhân, người kính sợ, nói thẳng lời, không dẻ nịnh”. Lời nói của họ tuyệt đối sẽ không húy kỵ điều gì, họ đều chính trực mà nói thẳng ra, bởi vì “không có tư dục nên mới có thể cương trực”. Chúng ta có câu châm ngôn rằng: “Bích lập thiên nhẫn, vô dục tắc cương” (vách núi sừng sững nghìn trượng, vì không mang dục vọng mới có thể giữ mình cương trực). Bởi vì người nhân đức sẽ tuyệt đối không đi cầu “danh”, cầu “lợi”, cho nên lời nói của họ đều là những lời nói thẳng thắn không húy kỵ để chỉ bảo chúng ta, giúp đỡ chúng ta.
Thế nào là “không dẻ nịnh”? Từ “dẻ nịnh” này là chỉ nịnh hót, a dua. Bởi vì họ “không có tư dục nên mới có thể cương trực”, không cầu cạnh người khác, vì vậy cũng sẽ không có thái độ lấy lòng người khác.
“Năng thân nhân, vô hạn hảo, đức nhật tiến, quá nhật thiểu. Bất thân nhân, vô hạn hại, tiểu nhân tiến, bá sự hoại”.
“Gần người hiền, tốt vô hạn. Đức tiến dần, lỗi ngày giảm. Không gần hiền, hại vô cùng, tiểu nhân đến, trăm việc hư”.
6.2.1 “Gần người hiền, tốt vô hạn, đức tiến dần, lỗi ngày giảm”
Chữ “gần người hiền” này có phải chúng ta nên hiểu rằng một – hai tháng mới thân cận một lần hay không? Mà phải thân cận trong bao lâu? “Từng giờ từng phút”. Xin vỗ tay tán thưởng cho đáp án tiêu chuẩn! Vậy tôi xin hỏi một chút: Như thế nào là từng giờ từng phút? Các vị không thể đang đi trên đường mà vẫn cầm lấy quyển Kinh đọc: “Phép người con, Thánh nhân dạy”. Vậy như thế nào thì mới gọi là từng giờ từng phút? Phải y giáo phụng hành, sau đó để ở trong lòng. Sau khi học thuộc lòng hết Kinh văn thì có thể ghi nhớ vào lòng.
Có một tâm pháp có thể cô đọng văn hóa ngàn năm của Tổ Tiên, đó là ba chữ chúng ta có thể luôn luôn nhắc nhở mình, kiểm điểm lại bản thân xem có phải là mình đang ở trong Thánh giáo hay không. Tâm pháp của văn hóa ngàn năm của Tổ Tiên là ba chữ “Quân, Thân, Sư”. Sự tôn quý nhất trong trời đất là Thiên, Địa, Quân, Thân, Sư. Hiện nay Từ đường ở nhiều tỉnh vẫn còn có bài vị thờ Thiên, Địa, Quân, Thân, Sư. Thật ra, điều quan trọng nhất của “Quân – Thân – Sư” là phải đem cái đức của trời đất thực hiện vào việc tu thân, thực hiện vào việc tề gia, thực hiện vào việc cống hiến cho xã hội. Cho nên dân tộc chúng ta đối với “Quân, Thân, Sư” đặc biệt kính trọng. Ba chữ “Quân, Thân, Sư” này ngoài việc chỉ thân phận ra thì còn có ý nghĩa nội tại của nó. Chúng ta phải thời thời khắc khắc nhắc nhở mình xem có “tác chi quân, tác chi thân, tác chi sư” hay không? Như vậy chúng ta mới có thể luôn luôn ở trong Thánh đạo.
Có rất nhiều người nói rằng: “Tôi không phải là ông chủ của một công ty thì làm sao có thể làm được tác chi quân?”. Chữ “Quân” ở đây ý nói là lấy mình làm gương, là lãnh đạo phải lấy mình làm gương cho người khác. Đó là lấy thân mình để giáo dục người khác (thân giáo).
Tiếp đến “tác chi thân”. Chữ “thân” ở đây là chỉ sự quan tâm, thương yêu, xem mọi người như người trong một nhà, nên gọi là “tác chi thân”.
Kế tới “tác chi sư”, là đại biểu cho sự giáo dục, đại biểu cho việc dạy học theo năng khiếu, trình độ. Đây là dạy học bằng lời nói (ngôn giáo), nghĩa là nắm lấy nhiều cơ hội để giáo dục.
Cho nên “Quân, Thân, Sư” nhất định có thể giải quyết được tất cả mọi vấn đề giữa người với người. Khi vấn đề giữa người với người có thể giải quyết, thì vấn đề giữa người với xã hội có thể giải quyết được không? Cả xã hội cũng chỉ là con số đông người gộp lại mà thành. Chỉ cần các vị nắm vững được thái độ đối xử với mọi người thì vấn đề giữa người với xã hội liền được giải quyết. Như vậy thì người và tự nhiên nhất định sẽ có thể chung sống hòa thuận với nhau. Bởi vì Mạnh Phu Tử có nói với chúng ta rằng: “Thân thân nhi nhân dân”, đó là có thể thương yêu nhân dân, thương yêu mọi người; “Nhân dân nhi ái vật”, có thể phát triển tâm nhân từ này thành sự quan tâm, tôn trọng vạn vật. Cho nên chỉ cần giải quyết tốt mối quan hệ giữa người với người thì thiên hạ sẽ thái bình. Giữa người với người, chúng ta phải luôn luôn nhắc nhở mình đã làm được “Quân, Thân, Sư” hay chưa? Có thái độ như vậy thì đạo nghiệp sẽ phát triển rất nhanh.
Thời nay chúng ta thường nghe thấy phụ huynh nói rằng con cái khó quản lý, thầy cô giáo nói học sinh khó dạy, chủ doanh nghiệp nói công nhân khó bảo. Đây là kết quả, nguyên nhân là ở đâu? Nhà Nho có một câu tâm pháp gọi là: “Hành hữu bất đắc, phản cầu chư kỷ” (làm mà không thành thì nên xét lại bản thân). Câu này rất có ý nghĩa, điển tích của nó là lấy từ sách “Trung Dung”. Trong “Trung Dung”, Khổng Phu Tử nói đến: “Xạ hữu tự hồ quân tử”, bắn tên giống như đạo của người quân tử. Chúng ta hãy xem, khi bắn tên, người bắn phải kéo căng dây cung để chuẩn bị bắn. “Xạ hữu tự hồ quân tử”. Mũi tên được bắn đi nhưng không bắn trúng đích, đó được gọi là “thất chư chính cốc”. Ý nghĩa của “chính cốc” là chỉ mục tiêu. Bắn mũi tên ra mà không trúng mục tiêu thì trách ai? “Phản cầu chư kỳ thân”, trách kỹ thuật của mình không tốt. Nhưng người thời nay khi bắn tên ra không trúng đích thì liền nói ngay rằng: “Cái mũi tên đó là do công ty nào sản xuất vậy? Sao lại làm kém thế! Cái cung này do công ty nào sản xuất vậy? Sao có thể tệ như vậy được chứ!”. Người ta đều không tìm thấy mấu chốt của vấn đề, cho nên bọn trẻ mới khó dạy, công nhân mới khó bảo, đều là do không “xét lại bản thân”.
Chúng ta hãy thử suy nghĩ xem tại sao thời nay phụ huynh cảm thấy con cái khó dạy? Đó là bởi vì họ chưa thực sự thực hiện “Quân, Thân, Sư”. Chúng ta hãy xem phụ huynh thời nay đã lấy mình làm gương hay chưa? Có thể là chúng ta đều dạy bảo con cái phải làm theo “Đệ Tử Quy”, phải hiếu thuận với cha mẹ, nhưng thái độ nói chuyện của bản thân đối với cha mẹ thì lại không được tốt. Như vậy bọn trẻ cũng sẽ “trên làm dưới noi theo”.
Tôi còn nhớ có một câu chuyện có thật. Ở một nơi nọ có một phong tục không tốt. Đó là khi cha mẹ già đến một độ tuổi nào đó thì con cái sẽ cõng cha mẹ lên núi rồi bỏ mặc họ ở đó, còn mình thì đi về nhà. Đứa con trai của đôi vợ chồng đó nhìn thấy vậy thì không nhẫn tâm cho nên em cứ khuyên họ mãi rằng: “Cha mẹ đừng mang ông nội bỏ lên núi!”. Nhưng người cha của đứa bé không nghe theo. Sau đó, đứa bé đi theo người cha cõng ông nội lên núi, bỏ ông ở đó rồi chuẩn bị đi về. Kết quả là đứa bé đã chủ động lấy cái sọt đem về. Cha đứa bé liền hỏi: “Cái sọt để ở đó là được rồi, sao con còn lấy đem về làm gì?”. Đứa bé liền nói với cha rằng: “Con mang về để sau này có thể cõng cha lên núi”. Đứa bé này có trí tuệ không? Rất có trí tuệ. Đứa bé dùng phương tiện thiện xảo này để thức tỉnh tấm lòng hiếu thảo của người cha. Người cha liền nghĩ rằng: “Nếu như mình không hiếu thảo thì con trai mình cũng sẽ học theo”. Vì vậy, nếu như phụ huynh không làm gương tốt thì “kèo sà trên không thẳng, kèo sà dưới ắt sẽ cong”. Bởi vậy, càng tiếp xúc với nhiều người thì chúng ta càng thấu hiểu rằng: “Gia giáo chân thực không hư dối”. Do đó, chúng ta là phụ huynh thì nhất định phải suy nghĩ xem mình đã thực hiện được ba chữ “Quân, Thân, Sư” hay chưa?
Có một số phụ huynh nói là: “Tôi đã làm được thân rồi. Thân là yêu thương bảo hộ. Mỗi ngày đều tận tâm, tận lực đi kiếm tiền để cho con cái tiêu sài”. Đó có phải là yêu thương con không? Nếu như sự thương yêu này không có trí tuệ thì quá thương yêu sẽ thành ra hại con, cưng chiều quá làm hư hỏng chúng. Như vậy làm sao được!
Cho nên tiếng Phúc Kiến có câu: “Sủng trư cử táo, sủng tử bất hiếu, sủng mỗ sao náo, sủng phu bán dạ bà khởi lai khốc, sủng tra mỗ tử, nan nhập nhân gia đích gia giáo”. Chúng ta xem, lời nói địa phương quê mùa nhưng đã bao hàm trí tuệ nhân sinh rất sâu sắc. Bởi vì những điều này cũng là do Tổ tiên truyền lại, đều là tinh hoa được chắt lọc ra, nếu bỏ đi phần thô thì mỗi một câu nói đều là sự nhắc nhở rất quan trọng.
Chúng ta hãy xem câu: “Sủng trư cử táo”, cưng chiều lợn đến nỗi để nó chạy vào trong bếp, làm cho bếp rối tung cả lên. Các vị thấy câu nói này có lý không? Người thời nay nuôi chó cũng không dạy bảo chúng cẩn thận, chúng nhảy lên giường rồi vẫy đuôi. Người chủ nói: “Đi xuống!”, nhưng nó cũng chẳng thèm để ý, bởi nó quá thấu hiểu lòng dạ của chủ nhân rồi. Chó còn biết được lòng dạ của chúng ta, vậy thì người liệu có thấu hiểu được chúng ta không? Cho nên giáo dục con cái, các vị nhất định phải rất có nguyên tắc. Nếu không nhất định sẽ bị con cái nhìn thấy hết lòng dạ của các vị. Lợn còn không được cưng chiều thì đối với người, chúng ta lại càng không được cưng chiều.
“Chiều con cái thì chúng bất hiếu”. Tôi từng nghe một người bạn kể rằng, có một cặp vợ chồng có sáu người con trai. Có vui hay không? Sáu người đều là con trai! Họ nuôi dưỡng sáu người con trai và mua cho chúng sáu căn nhà, cưới cho chúng mỗi người một người vợ, họ đều sắp xếp ổn thỏa cho chúng. Cha mẹ như vậy có vĩ đại hay không? Nhưng kết quả lại có kết cục như thế nào? Cha mẹ không có nơi để ở. Như vậy có phải là thương yêu con cái không? Là hại chúng! Từ nhỏ tới lớn, cái gì cha mẹ cũng giúp chúng làm hết thì chúng sẽ sinh ra thái độ là: “Những gì cha mẹ làm giúp đều là đáng phải như vậy”. Bởi vậy đến cuối cùng, người con cả còn có chút lương tâm đi xây một căn nhà gỗ bên cạnh chuồng lợn cho cha mẹ ở. Những người hàng xóm xung quanh cảm thấy tức giận thay cho họ và nói với họ rằng: “Hãy đi kiện sáu người con của các vị đi”. Có nên kiện không? “Cư gia giới tranh tụng, tụng tắc chung hung” (trong nhà chớ nên tranh kiện, tranh kiện tất kết cục chẳng lành). Dù kiện có thắng đi nữa, sáu người con sẽ chia nhau ra mỗi người nuôi cha mẹ hai tháng. Nuôi như vậy thì sẽ dẫn tới kết cục gì? Có khi con dâu mang cơm ra vứt đó rồi nói: “Ăn nhanh lên!”. Đáng lẽ sau khi nghỉ hưu xong, cha mẹ có thể sống được mười năm, hai mươi năm, nhưng khi được sáu người con nuôi dưỡng như vậy thì họ chỉ có thể sống được ba năm, sau đó lại bị bệnh ung thư vì hàng ngày đều tức giận. Sớm biết có ngày hôm nay thì lúc đầu họ đã không làm như vậy rồi. Cho nên giáo dục con cái thì phải lấy đức làm căn bản. Như vậy mới thật sự là thương yêu chúng.
Tiếp theo chúng ta hãy xem đến: “Sủng tử bất hiếu, sủng mỗ sao náo”. Ngay cả vợ, chúng ta cũng không được cưng chiều. Bởi vì sau khi cưng chiều vợ thì vợ sẽ một là khóc, hai là gây náo loạn, ba là treo cổ. Một hôm các vị đi làm được nửa chừng đột nhiên có chuông điện thoại reo vang, các vị sẽ lo sợ: “Không biết có việc gì nữa đây?”. Đến cuối cùng thì sự nghiệp, gia đình đều trở nên rối tung cả lên. Cho nên lấy vợ thì phải lấy người thế nào? Lấy vợ hiền! Nhưng đàn ông thời nay có biết vậy không? Không biết. Không thể trách họ được, vì họ chưa được học “Quan Thư”, chưa được học “Kinh Thi”.
Thiên thứ nhất trong “Kinh Thi” có nói: “Quan quan thư cưu, tại hà chi châu, yểu điệu thục nữ, quân tử hảo cầu”. “Quan Thư” là thiên thứ nhất của “Kinh Thi”, tại sao lại nói đến chim chóc, lại nói đến yểu điệu thục nữ? “Kinh Thi” là một quyển Kinh điển tương đối quan trọng của dân tộc chúng ta. Tại sao thiên thứ nhất lại nói đến “Quan Thư”? Bởi vì đây là học vấn to lớn, đứng đầu trong ngũ luân. Trong ngũ luân thì mối quan hệ giữa vợ chồng là quan trọng nhất, cho nên thiên thứ nhất nói đến đạo vợ chồng. Tại vì sao lại dùng chim chóc để nói về con người? Đều là học vấn cả!
Tôi từng hỏi học sinh cấp hai rằng: “Yểu điệu có ý nghĩa gì?”. Có một nữ sinh lớp tám trả lời rằng: “Là người nữ có dáng vẻ đẹp”. Tôi nói: “Ý của Thánh nhân hoàn toàn đã bị hiểu sai”. Chúng ta không thể trách em học sinh này, bởi vì có rất nhiều quảng cáo về giảm béo đều nói đến từ yểu điệu, tưởng như đúng mà lại sai, nên chúng ta cũng không thể trách họ được. “Yểu điệu” là chỉ người con gái vô cùng hiền đức.
Tại sao “Quan Thư” lại được sắp xếp ở thiên thứ nhất? Bởi vì con chim “Quan Thư” này một khi đã chọn bạn đời rồi thì cả đời sẽ không thay đổi. Con người hay thích thể diện. Nếu như các vị trực tiếp nói với họ rằng: “Sao các vị lại lạnh nhạt với vợ của mình vậy?”, thì họ sẽ hỏi lại các vị rằng: “Sao anh lại quan tâm đến tôi nhiều như vậy?”. Có phải vậy không? Nhưng các vị dùng câu thơ này mà nói với họ rằng: “Các vị xem, chim còn không muốn phản bội người bạn đời của nó. Chúng ta là người thì sao có thể không bằng chim được?”. Dùng phương pháp như vậy, nếu như họ có tâm hổ thẹn thì lập tức sẽ bớt phóng túng. Nếu như họ không có tâm hổ thẹn thì các vị cũng không gây thù, kết oán với họ. Cho nên trong “Kinh Thi” có nhiều loại tên của côn trùng, chim muông đến vậy đều là dùng để ví dụ, dùng để đánh thức tính đức, đánh thức lương tri của con người. Như vậy, tìm người bạn đời phải tìm người hiền đức.
Trong “Quan Thư” cũng nói đến: “Sâm si hạnh thái, tả hữu thái chi” (rau hạnh mọc so le um tùm, cả bờ trái qua tới bờ phải theo dòng nước chảy). “Rau hạnh” này sẽ được đặt trước mặt Tổ tiên khi làm lễ cúng tế. Vậy thì ai là người đi hái “rau hạnh”? Là nàng dâu đi hái. Điều này rất có ý nghĩa. Thể hiện rằng nàng dâu tốt đi hái rau hạnh này về cúng tế Tổ tiên, thì Tổ tiên ở trên trời có linh thiêng cũng cảm thấy được an ủi, bởi “lấy được một nàng dâu tốt thì có thể hưng vượng ba đời”. Nhưng lấy phải nàng dâu không tốt thì Tổ tiên phải rơi lệ ba đời. Cho nên, lấy vợ, gả chồng rất quan trọng. Bởi vậy, trong lễ nghi của dân tộc chúng ta, hôn lễ phải thận trọng nhất. Nguyên nhân là như vậy. Do đó, chồng không được cưng chiều vợ.
Vợ cũng không được cưng chiều chồng: “Sủng phu bán dạ bà khởi lai khốc”, đó là phụ nữ cưng chiều làm hư chồng. Họ ở bên ngoài vui chơi quên đường về, còn các bà, các cô ở nhà phải chăn đơn gối chiếc, một mình mà khóc thầm. Như vậy rất là không tốt.
Cuối cùng, chúng ta cũng không được cưng chiều con gái, bởi vì cưng chiều làm hư con gái của mình thì khi gả về nhà người ta, con gái mình có thể làm cho gia đình người ta “gà chó cũng không được yên”, rối loạn, kinh hoàng (gà bay chó nhảy). Cho nên dạy con gái là một chuyện lớn. Thời nay nhiều người trẻ tuổi đi lấy chồng mang theo tính khí cáu kỉnh, cứ hai – ba ngày tức giận lên thì liền nói: “Tôi về nhà mẹ đẻ tôi đây”. Kết quả khi quay về nhà mẹ đẻ, cha mẹ cô gái lại nói với cô ấy rằng: “Không sao! Con cứ về đây, đã có cha mẹ lo”. Có tình trạng này không? Làm như vậy có phải là thương yêu con cái không? Không phải! Cuộc đời này của con gái đã là vợ của người ta, là mẹ của người ta thì nhất định phải học được cách nhẫn nhịn, học được cách vượt qua thử thách khi đối diện với hoàn cảnh. Nếu như mới gặp thử thách đã lập tức lùi bước, thì những học vấn cần học trong cuộc đời, cô ấy sẽ không học được. Cho nên mới nói, cha mẹ không được cưng chiều con gái.
Tôi còn nhớ hồi còn nhỏ, ông bà ngoại từng đến nhà của chúng tôi. Số lần ông bà đến nhà chúng tôi cũng rất ít, hầu như chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay. Mỗi lần bà ngoại đi vào trong nhà tôi, tôi đều nhìn thấy bà ngoại nắm lấy tay bà nội, vừa đi vừa nói: “Đứa con gái này của tôi ăn nói không được nhẹ nhàng, khi làm việc lại không được nhanh nhẹn cho lắm. Đứa con gái này của tôi có rất nhiều khuyết điểm”. Và cứ thế bà ngoại nói từng khuyết điểm của mẹ tôi ra. Kết quả, khi hai bà đều ngồi xuống ghế thì bà nội của tôi liền nói: “Người con dâu này rất tốt!”, rồi bà nội kể tốt như thế nào. Tôi ngồi bên cạnh nghe mà cảm thấy rất kỳ lạ, chẳng hiểu ra làm sao cả. Bây giờ thì tôi đã hiểu rồi. Người nhà mình có gì không tốt thì mình phải nói trước, còn những điều tốt của con gái mình thì nhường cho mẹ chồng nói. Cho nên “thông đạt nhân tình thì sẽ có những câu chuyện hay để kể”. Mà những điều từng trải về tình người này, chúng ta luôn luôn học được từ những vị trưởng bối có nhiều năm kinh nghiệm từng trải trong cuộc sống. Do đó, chúng ta là những người trẻ tuổi thì phải nên chú trọng đến luân lý, nhất định phải kính trọng người lớn tuổi, quý trọng người hiền tài. Nếu không thì trong cuộc đời, chúng ta sẽ phải chịu thiệt thòi lớn.
Phương pháp thương yêu con cái của cha mẹ cũng phải đúng cách. Như vậy người làm cha mẹ mới chân thật làm được chữ “Thân”.
Tiếp theo cần làm được chữ “Sư”. Khi cần giáo dục thì nhất định phải quý trọng cơ hội này. Có một số cha mẹ có độ nhạy cảm trong giáo dục rất thấp. Khi cần phải giáo dục lại không giáo dục, dần dần để trẻ nhỏ tập thành thói quen xấu, đến khi muốn giáo dục thì đã muộn rồi. Cho nên, tại vì sao cha mẹ không dạy được con cái? Bởi vì họ đã không thường xuyên lấy “Quân, Thân, Sư” ra để quán chiếu.
Cũng như vậy, tại vì sao cấp trên không thể lãnh đạo được nhân viên? Có thể chúng ta chỉ có cái danh là Giám đốc, là Tổng Giám đốc, nhưng không lấy mình làm gương. Như vậy cấp dưới có phục hay không? Rất khó mà phục được! Tiếp nữa, ngoài làm Giám đốc ra họ có coi nhân viên là người thân của mình không? Nếu như không coi nhân viên là người thân thì bầu không khí làm việc có tốt không? Không tốt. Hàng ngày nhân viên làm việc giống như một cỗ máy vậy. Bởi vậy, chúng ta là cấp trên, ví dụ đi đâu đó chơi một chuyến thì cũng nên mua đặc sản ở nơi đó về làm quà cho nhân viên cùng thưởng thức, nhân viên sẽ cảm thấy lãnh đạo luôn luôn nghĩ đến họ, không khí của công ty sẽ giống như một gia đình. Như vậy lãnh đạo đã làm được chữ “Thân”. Tiếp đến là làm được chữ “Sư”. Nhân viên mới vào làm có rất nhiều việc không biết. Chúng ta là lãnh đạo cũng phải thường xuyên dẫn dắt, hướng dẫn họ. Khi lãnh đạo đã thực sự có thể làm được “Quân, Thân, Sư” thì tin rằng nhân viên sẽ vô cùng tín phục, vô cùng tôn trọng.
Thầy cô giáo muốn dạy tốt học sinh thì cũng phải lấy mình làm gương, phải làm được chữ “Quân”. Thầy cô giáo cũng phải đối xử với học sinh như con cái của mình, đó là làm được chữ “Thân”. Cuối cùng, khi cần phải dạy bảo, hướng dẫn học sinh thì tận tâm, tận lực chỉ bảo, hướng dẫn, đó là đã làm được chữ “Sư”. Tôi tin rằng, khi đã làm được “Quân, Thân, Sư” thì chúng ta nhất định sẽ giáo dục tốt học sinh, dạy bảo tốt nhân viên, dạy bảo tốt con cái của mình. Do vậy, chúng ta chỉ cần thường xuyên đem “Quân, Thân, Sư” ra quán chiếu bản thân thì tôi tin rằng học vấn, đạo đức của chúng ta sẽ càng ngày càng tăng thêm.
****************
Đệ Tử Quy giảng giải– Con Đường Đạt Đến Nhân Sinh Hạnh Phúc (tập 39)
Người giảng: Thầy Thái Lễ Húc
Giám định: Lão Hòa thượng Tịnh Không
Giảng ngày: 15/02/2005
Cẩn dịch: Ban phiên dịch Tịnh Không Pháp Ngữ
Giám định phiên dịch: Vọng Tây Cư Sĩ
Biên tập: Ban biên tập Tịnh Không Pháp Ngữ