Đệ Tử Quy và Tu Học Phật pháp (Tập 01)

De tu quy va tu hoc phat phap

Giám định Lão Pháp Sư Tịnh Không

Chủ giảng thầy Thái Lễ Húc

Giảng từ ngày 6/3/2005 đến ngày 13/03/2005 tại Tịnh Tông Học Hội Australia

TẬP 1

Kính thưa Sư phụ, Chư vị pháp sư, Chư vị đồng tu! Xin chào tất cả mọi người! Cảm ơn Sư phụ, chư vị pháp sư, các vị đồng tu hộ pháp của Tịnh Tông Học Hội, cùng sự tham gia của chư vị đồng tu đến từ khắp nơi trên thế giới mới có thể thành tựu nhân duyên thù thắng này. Nếu mạt học giảng có chỗ nào không tốt, mong chư vị pháp sư, các vị đồng tu góp ý sửa lại cho đúng.

Đức Phật trong “Hoa Nghiêm Kinh” có dạy bảo khuyên nhủ chúng ta “Hết thảy chúng sanh đều có đức tướng trí huệ của Như Lai”, nhưng vì vọng tưởng chấp trước mà không thể chứng đắc. Cho nên chúng ta tu học Phật Pháp, tu học pháp môn Tịnh Độ. Điều quan trọng trước nhất là phải có niềm tin với bản thân. Ngẫu Ích đại sư trong “Di Đà Kinh yếu giải” cũng từng nhắc đến lục tín. Đầu tiên là phải tin vào bản thân, tin bản thân có đức tướng trí huệ của Như Lai. Cho nên “Niềm tin là nguồn đạo, mẹ của tất cả công đức”. Chúng ta phải có niềm tin vững chắc vào lời dạy của Phật Đà, hôm nay cái chúng ta cần phải học đó là “Đệ Tử Quy”. Tầm quan trọng của Đệ Tử Quy, Đệ Tử Quy đối với thế giới, đối với Phật Pháp, còn có đối với sự an định của xã hội, đối với sự hài hòa trong gia đình là một pháp bảo vô cùng tốt. Chúng ta cũng phải xây dựng niềm tin này trước, bởi vì học tập quý ở chỗ lập chí hướng. Khi chúng ta hiểu được tầm quan trọng của Đệ Tử Quy, chúng ta mới có thể lập chí, thông qua sự tu học Đệ Tử Quy, sự thực hành Đệ Tử Quy mới có thể khiến cho cả xã hội này giảm được xung đột, tai nạn, khiến toàn thế giới được an định, hòa bình.

Chúng ta hãy nhìn quốc gia xã hội hiện nay đích thực là động loạn không yên. Chúng ta cần phải suy nghĩ, bởi vì Phật Pháp cũng dạy bảo và khuyên nhủ chúng ta “Bồ Tát sợ nhân, chúng sanh sợ quả”. Người giác ngộ nhất định phải tìm ra được nguyên nhân thì mới có thể trị bệnh đúng thuốcBởi vì sự động loạn của xã hội là do lòng người mà ra. Phật Pháp dạy rằng “Y báo tùy theo Chánh báo chuyển”. Các vị đồng tu, lòng người hiện nay đều đang nghĩ đến điều gì? Lòng người đều lấy cái gì làm điểm xuất phát? Chúng ta bắt đầu từ lòng người, từ căn bản mới có thể giải quyết vấn đề. Mấy trăm năm nay phương Tây tiến dần về phương Đông. Tư duy của phương Tây cũng không ngừng ảnh hưởng đến tư duy của phương Đông, ảnh hưởng đến tư tưởng của người Trung Quốc. Cho nên hiện nay chủ nghĩa tư bản, chủ nghĩa công danh lợi lộc đứng đầu. Tôi thường hỏi nhiều người bạn, tôi hỏi họ “Bạn là con cháu Viêm Hoàng đúng không?”. Các vị đồng tu, các bạn là con cháu Viêm Hoàng đúng không? “Niềm tin là nguồn đạo, mẹ của tất cả công đức”. Phải có niềm tin, bạn là con cháu Viêm Hoàng đúng không? Phải (trả lời). Phật Pháp coi trọng thực chất chứ không coi trọng hình thức, vì vậy có lớn tiếng cũng không có tác dụng gì. Chúng ta phải xem xét lại, xem xem khởi tâm động niệm của bản thân có đang thực sự tùy thuận theo sự dạy bảo của tổ tiên hay là đã bị ô nhiễm bởi tư tưởng của toàn thế giới này.

Tôi đã từng hỏi mọi người trong một buổi giảng, tôi hỏi khi bạn có được một món ăn ngon nhất, suy nghĩ đầu tiên của bạn là gì? Một thanh niên khoảng 30 tuổi ngồi hàng đầu bên dưới không cần nghĩ ngợi gì đã nói ngay: “Thì ăn thôi”. Phía sau có một cô trung niên, cô nói cho con trai ăn, cho con cái ăn, ở phía sau cùng có một cụ khoảng 70 tuổi, cụ nói rằng để cha mẹ ăn. Các vị đồng tu, vị nào mới đích thực là con cháu Viêm Hoàng? Nhưng người nào có học vị cao nhất, người tự mình ăn là người có học vị cao nhất. Bởi vậy đọc sách chí tại thánh hiền, đây là lời dạy bảo khuyên nhủ của tổ tiên dành cho chúng ta. Trong giáo dục điều quan trọng nhất là dạy chúng ta thực sự trở thành người tốt, thực sự làm một người thiện. Mà người tốt người thiện thì điều quan trọng nhất chính là suy nghĩ ở trong tâmCho nên sự dạy bảo của tổ tiên lấy nhân từ làm căn bản. Vì thế chúng ta thấy toàn bộ lời dạy trong sách Luận ngữ chính là có một tấm lòng nhân ái.

Nhưng bởi vì phương Tây tiến dần về phương Đông. Thế nên con người hiện nay xem trọng chủ nghĩa công danh lợi lộc. Cho nên suy nghĩ đầu tiên là gì? Lấy tự ngã làm trung tâm, thời đại này của chúng ta đọc rất nhiều sách được dịch ra. Ví dụ nói lấy tự ngã làm trung tâm, khi nói thì có cảm giác giống như là danh từ được dịch từ phương Tây. Còn cảm thấy tôi đọc được một ít sách, kỳ thực lấy tự ngã làm trung tâm nói thẳng ra là gì? Chính là ích kỷ. Khi mỗi một người mà suy nghĩ đầu tiên của anh ta là ích kỷ. Ích kỷ nâng cao lên một bậc là gì? Biến thành cạnh tranh, chỉ nghĩ đến bản thân không nghĩ đến người khác. Cạnh tranh nâng cao lên tiếp là gì? Biến thành đấu tranh, đấu tranh nâng cao lên nữa biến thành chiến tranh. Chiến tranh nâng cao lên nữa biến thành tận thế. Thường thường đi trên đường nhìn thấy trên cột điện viết bốn chữ lớn gọi là “Tận thế đến rồi”. Chư vị đồng tu tận thế đã đến chưa? Chưa (trả lời- cười). Cái gì gọi là tận thế? “Sống không bằng chết gọi là tận thế”. Người chết rồi, chúng ta đều hiểu [chết] là thay một bộ y phục, mười tám năm sau lại làm một trang hảo hán. Nhưng sống không bằng chết mới thật sự là tận thế.

Ở đại lục chúng tôi từng nghe một thông tin, có một đứa trẻ mười ba tuổi nấu cơm cho cha ăn, người cha ăn xong thì chết bất đắc kỳ tử. Bởi vì gia đình rất nghèo nên không có tiền khám nghiệm tử thi, chỉ làm qua loa rồi chôn cất. Sau đó đứa bé đó lại nấu cơm cho mẹ ăn, sau khi ăn xong thì người mẹ đó cũng qua đời, cũng làm qua loa rồi đem đi mai táng. Đúng vào lúc cúng bái cha mẹ, đứa trẻ đó không đủ kiên nhẫn ngay lập tức đổ hết cơm canh cúng xuống cống. Người thím của đứa trẻ này cảm thấy kinh ngạc, sao đứa trẻ này tại sao lại không có chút tâm cung kính nào với cha mẹ. Sau đó đứa trẻ đi tới bên người thím hỏi cha mẹ con có phải là có mua bảo hiểm. Người thím nghe xong bỗng nổi da gà, cảm thấy có gì đó không ổn ngay lập tức đi báo cảnh sát. Kết quả điều tra cha mẹ đều do chính tay đứa trẻ đó đầu độc chết. Hỏi đứa trẻ đó vì sao đầu độc chết cha mẹ? Đứa trẻ đó nói là vì muốn lấy tiền bảo hiểm, tiền bảo hiểm chỉ có 10.000 nhân dân tệ mà giết chết 2 mạng người. Tại sao muốn lấy tiền bảo hiểm, bởi vì đứa trẻ đó muốn mua điện thoại. Khi chúng ta nghe được câu chuyện này, chúng ta cần phải suy nghĩ sâu xa hơn. Tại sao một đứa trẻ 13 tuổi không nghĩ đến cha, không nghĩ đến mẹ, trong lòng chỉ có gì? Chỉ có dục vọng, chỉ có lợi ích cá nhân. Cho nên Tổ tiên đã nói với chúng ta “Dục vọng khiến tâm trí bị mê mờ, lợi ích khiến tâm trí bị hồ đồ”. Dục vọng là vực sâu thăm thẳm. Một khi đã bước xuống thì không nhìn thấy đáy, toàn bộ tự tánh sẽ dần dần bị mất phương hướng. Cho nên chúng tôi nghe được chuyện này, khi tất cả trẻ em không có tâm hiếu kính đối với cha mẹ. Vậy thì cha mẹ sẽ trải qua những ngày tháng vô cùng đau khổ.

Tại Sán Đầu có một số thầy cô đã tập hợp trẻ em lại dạy Đệ Tử Quy. Vừa học được hơn 1 tháng, các giáo viên cảm thấy nên để cho những đứa trẻ này được rèn luyện một chút. Có thể lên bục giảng chia sẻ thu hoạch của chúng, sự trưởng thành của chúng trong thời gian vừa qua. Một đứa trẻ 7 tuổi đứng lên, lời đầu tiên mà em nói là: “Con học Đệ Tử Quy xong thì mới biết làm người hóa ra phải hiếu thuận”. Các vị đồng tu, câu nói này rất có ý nghĩa, “làm người “hóa ra” phải hiếu thuận”. Vì vậy người không học thì không biết đạo đức, không học thì không biết lễ nghĩa. Mà lời dạy của các vị Thánh Hiền đã bị gián đoạn mất hai ba đời rồi, nên đa số người hiện nay đã không còn biết căn bản của làm người, nghĩa vụ của việc làm người là gì? Vì vậy mà trong Kinh Vô Lượng Thọ có nói “Người đời trước bất thiện, không biết đạo đức, không có người dạy, không nên trách họ”. Các vị đồng tu, bây giờ phải trách ai, cứ trách những người đi trước, đều là người bị hại. Bởi vì [họ] đều không có cơ hội nghe được lời dạy của Thánh Hiền.

Ví dụ chúng ta vào 200 năm trước vừa lúc bạn đi ngang qua con đường nhỏ trên bờ ruộng. Nhìn thấy một nông phu đang canh tác, bạn thỉnh giáo với người nông dân đó, xin hỏi bổn phận của việc làm người là gì? Mặc dù ông ấy 1 chữ cũng ko biết nhưng có thể nói với bạn trong 30 phút mà không cần phải soạn bài trước, nhất định đoạn mở đầu sẽ nói rằng: “Làm người nhất định phải hiếu thuận cha mẹ, yêu thương anh chị em. Làm người nhất định nói là phải làm, phải thành thật đối đãi với mọi người”. Mặc dù ông ấy không biết chữ nhưng mà giáo dục xã hội, giáo dục gia đình của thời đó đều cho ông một sự dẫn dắt chính xác.

Ví dụ hiện nay nhân dịp mùa tốt nghiệp. Bạn đến trước cổng một trường đại học danh tiếng. Vừa đúng ngày hôm đó có những sinh viên vừa tốt nghiệp đi ra. Bạn tiến về phía trước hỏi họ: “Xin hỏi bổn phận của việc làm người là gì?”. Những sinh viên này sẽ trả lời như thế nào, họ sẽ nói sao bạn lại rảnh rỗi như vậy? Tại sao bạn không hỏi tôi: “10 bài hát đứng đầu top hiện nay là gì?”, “10 ca sỹ hàng đầu hiện nay là ai?”. Bởi vậy nên khác biệt rất lớn. Chúng ta thường nói là thế giới đang ngày một tiến bộ, thực ra câu nói này chúng ta phải lắng lòng mà suy nghĩ. Rốt cuộc là tiến bộ hay thụt lùi? Cái gọi là “Biết hổ thẹn chính là gần với sự dũng cảm”. Cần phải hiểu rõ là chúng ta thực sự đang thụt lùi mới có thể tích cực hướng thượng để trưởng thành hơn, để thay đổi.

Có một người bạn nói với tôi rằng: “Thầy Thái à, văn minh tinh thần đích thực là thụt lùi rồi, nhưng mà văn minh vật chất thì sao? Tiến bộ rồi”. Tôi mới thỉnh giáo người bạn này, tôi nói, vật chất quan trọng nhất trên toàn thế giới này là gì? Vật chất quan trọng nhất là gì? Không khí, ánh sáng mặt trời, nước. Những thứ này đều làm sao? Đều hỏng rồi. Tôi nói tiếp với anh ta, vật chất quan trọng nhất là địa cầu. Khi vật chất này hỏng rồi, tất cả vạn vật đều ra sao? Đều không thể sinh tồn. Một quả địa cầu muốn hình thành cần phải trải qua mấy tỷ năm, mấy ngàn năm nay từ khi có lịch sử loài người thì địa cầu cũng không xảy ra chuyện gì? Nhưng trong hơn 200 năm trở lại đây, một địa cầu hình thành trong mấy tỷ năm đã bị làm cho trở thành như thế nào? Trở thành đến mức mà các nhà khoa học đều phải đưa ra lời cảnh báo. Nếu còn làm ô nhiễm, phá hủy địa cầu như vậy, có thể qua mấy chục năm hay trăm năm nữa địa cầu sẽ trở nên như thế nào? Sẽ không thể tiếp tục sống được nữa. Văn hóa chúng ta kéo dài mấy nghìn năm, tổ tiên luôn luôn nghĩ làm sao để lại trí tuệ tốt đẹp, để lại hoàn cảnh sống tốt cho con cháu đời sau. Đây là suy nghĩ của tổ tiên chúng ta, nhưng [chúng ta] hiện nay thì sao? Giả dụ chúng ta đều lấy tư duy của người phương tây để ứng đối với sự việc, chỉ nghĩ đến bản thân chứ không hề nghĩ đến con cháu đời sau, nên hiện nay mới phá hủy toàn bộ môi trường đến mức như vậy. Từ khi có con người xuất hiện đến nay, thế hệ nào có khả năng bị con cháu đời sau mắng thảm hại nhất vậy? Có lẽ chính là thế hệ chúng ta. Cho nên nhất định phải dạy dỗ thì chúng mới hiểu làm sao chung sống với người khác, làm sao để chung sống hài hòa với tự nhiên.

Đứa trẻ 7 tuổi này có nhắc đến làm người hóa ra phải hiếu thuận. Sau khi nói xong em còn nói trước đây khi em chưa được học Đệ Tử Quy mỗi ngày đều nghĩ làm sao mưu hại cha mẹ. Khi em vừa nói xong câu này thì mẹ em ngồi ở dưới ngạc nhiên không biết nói gì. Mẹ của em nhất định là không tin nổi câu nói đó lại được nói ra từ miệng của con cô. Tại sao đứa bé đó lại nghĩ đến việc mưu hại cha mẹ, nó mới 7 tuổi mà. Luân thứ nhất trong Ngũ luân đại đạo của chúng ta có nói “Phụ tử hữu thân”, Phụ tử vô thân mới muốn làm hại cha mẹ. Sự không thân thiết này do đâu mà ra? Chúng ta phải tìm ra nguyên nhân.

Hiện nay rất nhiều bậc cha mẹ bận rộn công việc, giao con cái cho người giúp việc, giao cho lớp học thêm, giao cho ti vi, máy vi tính. Trong ti vi và máy vi tính đều dạy những gì? Sát, đạo, dâm, vọng. Đều dạy những thứ này, cho nên tư tưởng của trẻ em dần dần bị sai lệch đi. Hơn nữa rất nhiều bậc phụ huynh vì thể diện của bản thân, bắt con cái đi học một đống thứ, một tuần của trẻ được sắp xếp như thế nào? Đều kín hết lịch. Nội tâm của chúng kêu khổ thấu trời, bởi vì cha mẹ không chăm sóc chúng nên không có sự thân thiết. Sau đó lại khiến chúng mệt mỏi như vậy, những oán khí này từ từ sẽ thế nào? Đang dần tích lũy từng chút một. Nhưng phụ huynh có thể lại cảm thấy rằng, khi ra ngoài nói chuyện với bạn bè đều nói: “Anh xem con tôi đại diện trường đi tham gia thi đấu giành được bao nhiêu giải. Con của tôi vừa biết đàn piano vừa biết khiêu vũ.” Những gì con trẻ học lại được cha mẹ đem ra làm gì? Đem ra khoe khoang, đem ra khiến họ nâng cao thể diện. Họ luôn cảm thấy rất tự hào về con cái nhưng lại không hề biết con cái rốt cuộc đang nghĩ gì? Rốt cuộc con cái đang làm gì? Bởi vì bận rộn công việc nên không có chú ý tới.

Cho nên tư tưởng quan niệm của trẻ em biến hóa theo chiều hướng nào kỳ thực những bậc cha mẹ hiện nay trong lòng có biết đến hay không? Không biết đến. Khi trẻ từ nhỏ đã không thân thiết với cha mẹ thì chúng không cách nào hình thành tấm lòng nhân ái. Chúng sẽ phát triển thành những người chỉ biết có lợi ích bản thân, từ từ nâng cao lên sẽ biến thành cạnh tranh biến thành đấu tranh, biến thành chiến tranh. Cho nên các vị đồng tu, chúng ta hãy xem xem hiện nay mỗi ngày bạn mở tờ báo ra, trong xã hội, trên thế giới, tiết mục biểu diễn có phải chính là cạnh tranh, đấu tranh, chiến tranh. Nguồn gốc của hậu quả này là từ đâu? Từ một niệm ích kỷ. Chúng ta chỉ cần chuyển một niệm này trở thành đúng đắn thì quả ác của toàn bộ xã hội này sẽ có thể từ từ cải thiện được và chuyển thành tư tưởng đúng đắn, nhất định phải bắt đầu từ nhân ái.

Cho nên những năm 70 tiến sỹ Toynbee của Anh đã từng nhắc tới giải quyết vấn đề xã hội của thế kỷ 21 chỉ có hai loại học thuyết mới có thể làm được. Các vị đồng tu, hai loại nào vậy? Học thuyết Khổng Mạnh và Phật Pháp Đại thừa. Chúng ta vừa nhắc tới trọng tâm của học thuyết Khổng Mạnh là gì? Nhân ái. Trọng tâm của Phật Pháp Đại thừa là gì? Từ bi. Vị thánh nhân thị hiện ở phương Tây, đức Chúa Jesu của đạo Cơ Đốc. Ngài cũng dạy bảo chúng ta phải từ bi bác ái, yêu thương tất cả mọi người. Vì vậy tất cả những lời dạy bảo của các vị Thánh nhân và nhà triết học đều không gì ngoài nhân từ, bác ái. Khi mà trong lòng tất cả mọi người đều là nhân từ bác ái, tiến thêm một bước nữa thì con người sẽ giúp đỡ lẫn nhau, yêu thương lẫn nhau. Vậy thì có thể thực hiện được thế giới Đại đồng mà nhà Nho chúng ta luôn tìm cầu, thế giới Hoa Tạng, thế giới Cực lạc mà Phật giáo chúng ta luôn tìm cầu chỉ ở trong một niệm mà thôi.

Chúng ta hồi tưởng một chút, khoảng 30 đến 50 năm trước. Khi một gia đình thu hoạch thóc, hàng xóm ở xung quanh sẽ như thế nào? Đều đến giúp đỡ. Tình cảm của con người vô cùng nồng hậu, có khi trong nhà làm đám cưới tất cả hàng xóm và bạn bè thân thiết đều đến giúp đỡ. Đây chính là một xã hội giúp đỡ lẫn nhau, yêu thương lẫn nhau. Hiện tại thì sao? Có thể hàng xóm ở phía đối diện mang họ gì cũng không hề biết. Sau đó hành lang chung giữa hai nhà chúng ta còn muốn chia đôi. Một nửa bên này tôi quét, một nửa bên kia thì sao? Thì để nhà họ tự quét. Đều tính toán đến mức độ như vậy. Chúng ta nhìn thấy hiện tượng như vậy nhất định phải bắt đầu từ bản thân mình để thay đổi nếp sống xã hội trong giai đoạn hiện nay. Chỉ cần chúng ta thành tâm học hỏi để trở thành tấm gương cho người khác, hành vi làm chuẩn tắc cho người khác. Tin rằng nhất định có thể dựa vào đó để tề gia, bắt đầu thay đổi từ gia đình, từ trị quốc. Bắt đầu thay đổi từ công ty đoàn thể mà bạn đang làm việc. Bởi vì nhân chi sơ tánh bổn thiện, chỉ cần chúng ta có thể thật tâm thể hiện ra thì nhất định có thể làm thức tỉnh sự thành tâm, sự chân thành của người khác. Về điểm này chúng ta cũng cần phải có lòng tin.

Chúng ta nhìn thấy Vua Thuấn thời cổ đại, Đại Thuấn. Ngài chân thành đối đãi với cha mẹ, tâm hiếu chí thành. Ngài tu thân được rồi thì tiến thêm một bước nữa toàn bộ hàng xóm láng giềng đều bị cảm hóa. Sức mạnh cảm hóa hàng xóm láng giềng tiếp tục mở rộng ra bên ngoài. Người ở gần thì tâm phục khẩu phục, người ở xa thì càng thêm hoài niệm. Những người ở xa cũng rất tôn trọng ngài, cũng hi vọng có thể học theo Ngài, quy phục dưới sự lãnh đạo của Ngài. Sau đó đến Nghiêu đế cũng bị cảm động đem thiên hạ truyền lại cho Đại Thuấn. Cho nên nếp sống xã hội đều phụ thuộc vào việc chúng ta học tập theo lời dạy của Thánh Hiền, của Phật và Bồ Tát. Các bạn đồng tu hãy cùng thể hiện thật tốt cho mọi người xem.

Chúng ta xem, toàn bộ thế giới này [nếu] muốn hòa bình an định thì điểm quan trọng là ở trong một niệm, đó là làm sao để con người thật sự dùng tâm nhân ái để đối xử với tất cả mọi người, mọi vật, mọi việc. Phải bắt đầu từ đâu mới có thể thực sự đạt được hiệu quả này? Điều này đáng để chúng ta phải suy nghĩ. Trong Trung Dung có nhắc đến “Dùng chánh đạo để tu thân”, một người muốn tu dưỡng thân tâm, nâng cao học vấn đạo đức, nhất định phải tuân theo chánh đạo. Còn “tu đạo thì dựa vào đức nhân”, nguồn gốc tu dưỡng chánh đạo là ở tâm nhân từ, mà căn bản của tâm nhân từ ở đâu? Trong Luận ngữ cũng có dạy rằng “Có hiếu với cha mẹ, yêu thương anh chị em chính là căn bản của Nhân”. Chúng ta tìm ra được căn bản của căn bản, “người quân tử chăm lo cái gốc, làm tốt căn bản rồi thì đạo đức tự nhiên sanh”, nhân đạo, chánh đạo của chúng ta có thể thành tựu rồi. Cho nên hiếu đễ là căn bản của Nhân, muốn làm được hiếu đễ, giáo trình tốt nhất là gì, Đệ Tử Quy, nhập tắc hiếu, xuất tắc đễ. Các vị đồng tu, chúng ta phải có lòng tin, Đệ Tử Quy có thể giải quyết vấn đề của thế giới.

Đệ Tử Quy có thể giúp Phật Pháp phục hưng không? Sư phụ ngài cũng vừa mới nhắc tới “Vạn pháp do duyên sanh”. Chúng ta suy nghĩ một chút, Phật Pháp là truyền từ Ấn Độ vào Trung Quốc, Ấn Độ cách Trung Quốc bao xa? Một khoảng cách rất xa, mà những vị Đại đức cao tăng trong quá trình truyền bá Phật Pháp đại thừa vào Trung Quốc có đi qua các quốc gia khác hay không? có hay không? Có, vậy tại sao lại không giới thiệu đại thừa Phật Pháp cho họ, các vị cao tăng đại đức chỉ cần chúng sanh có được lợi ích từ Phật Pháp thì dù cho các ngài phải xả bỏ thân mạng cũng không hế luyền tiếc, chúng ta biết cao tăng Bát Đạt Mật Đế vì để cho người Trung Quốc biết đến kinh Lăng Nghiêm, đã giấu kinh Lăng Nghiêm trong cánh tay của mình. Thà là cắt da thịt của mình cũng phải thành tựu cơ duyên cho người Trung Quốc biết đến kinh Lăng Nghiêm. bởi vậy chỉ cần chúng sanh có thể kế thừa đại thừa Phật Pháp, các vị cao tăng đại đức nhất định sẽ truyền bá pháp ra ngoài.

Kết quả là những quốc gia gần đó đều không đón nhận đại thừa Phật Pháp. Chúng ta cũng thấy được, rất nhiều quốc gia Đông Nam Á chỉ có thể lãnh hội được Phật Pháp tiểu thừa. Tại sao ở vùng đất Trung Quốc này lại có thể kế thừa đại thừa Phật Pháp? Đây cũng là một điểm quan trọng mà chúng ta cần phải suy nghĩ, trong kinh điển Phật có nhắc tới, “không học tiểu thừa mà học đại thừa thì không phải đệ tử Phật”, cho nên học đại thừa nhất định phải đặt nền móng trên căn bản là tiểu thừa. Các vị đồng tu, Trung Quốc có Phật Pháp tiểu thừa không? Tiểu thừa đã suy tàn rồi, vậy tiểu thừa ở đâu? Người Trung Quốc chúng ta tại sao lại trực tiếp học đại thừa, đúng rồi, nếu bạn không học tiểu thừa thì bạn là đệ tử ma, không phải đệ tử Phật. Bởi vì Trung Quốc có học thuyết Nho Gia đã tạo nền tảng tiểu thừa, nhân thiên thừa cho chúng ta, mà rất nhiều lời dạy của Nho Gia, tâm lượng đó thậm chí còn vượt qua cả tiểu thừa.

Tôi thường nói với bạn bè, tấm lòng của chúng ta là gì? Trong “Lễ ký – chương lễ vận đại đồng” có nhắc tới, “khi thực hành đại đạo thì thiên hạ là của mọi người”. Con người không chỉ yêu thương cha mẹ của mình, không chỉ yêu thương con cái của chính mình, mà nên để cho người già an được hưởng tuổi già, người trẻ tuổi có thể phát huy được tài năng của mình, trẻ em có điều kiện được trưởng thành, người góa vợ, góa chồng, mồ côi, cô độc, bệnh tật đều được chăm sóc. Tâm hiếu thuận, tâm cung kính đó, tâm yêu thương đó đã truyền đến tất cả mọi người, cũng giống như trong Đệ Tử Quy có nói “phàm là người, đều yêu thương”, cho nên lời dạy của Nho Gia tâm lượng còn vượt qua tiểu thừa. Bởi vì người Trung Quốc có căn bản như vậy nên mới có thể kế thừa Phật Pháp đại thừa, khai hoa kết trái ở đây khoảng hơn 2000 năm. Có rất nhiều người thành tựu nhưng vì hơn 100 năm trong thời kỳ cận đại, lời dạy của Thánh Hiền ở Trung Quốc bị suy tàn nên rất nhiều người học đại thừa Phật Pháp nhưng không có thành tựu. Khi tôi đi giảng ở bắc kinh, có một vị đồng tu hơn 60 tuổi dẫn theo con trai của mình cùng đến nghe giảng. Ngày đầu tiên khi nghe giảng xong ông ấy rất xúc động, bèn đi tới bên cạnh thầy giáo của chúng tôi, cứ ở đó cảm ơn mãi không thôi. Ông ấy nói nguyên nhân tôi tu học mấy chục năm không được lợi ích, cuối cùng tôi cũng tìm ra được rồi, bởi vì tôi vẫn chưa làm tốt hiếu đạo. Mà hiếu đạo là căn bản lớn của đức hạnh nên Khổng lão phu tử có nhắc đến trong “hiếu kinh”, “hiếu là căn bản của đạo đức, giáo hóa cai trị cũng từ hiếu mà ra”. Người Trung Quốc đã tìm ra được cái gốc của đức hạnh, chính là hiếu đạo. Giáo dục, tu thân nhất định phải bắt đầu từ chữ hiếu, cho nên chúng ta cũng hiểu được tại sao có nhiều người tu trì, nhưng số lượng đạt thành tựu thì thua xa người xưa. Nguyên nhân chính là không có căn cơ, mà Đệ Tử Quy là quyển kinh căn bản nhất, nền tảng nhất của học thuyết Nho Gia. Khi chúng ta có thể học tốt Đệ Tử Quy, tiến thêm nữa có thể truyền bá rộng rãi, đây cũng là góp thêm phần công sức vào việc kế thừa và truyền bá Phật Pháp đại thừa.

Học tốt Đệ Tử Quy, có thể cứu giúp thế giới, có thể cứu Phật Pháp, có thể cứu gia đình. Các vị đồng tu, tình hình các gia đình hiện nay như thế nào? Tục ngữ có câu “mỗi nhà đều có một cuốn kinh khó đọc”, kỳ thực trong các tình huống phức tạp, bạn chỉ cần gỡ rối từng vấn đề một, tìm ra cương lĩnh, thì không có vấn đề gì lớn. Triều đại nhà Chu kéo dài 856 năm, tại sao nhà Chu có thể kéo dài hơn 800 năm, nguyên nhân là do đâu? Bởi vì chúng ta đọc lịch sử có thể xem xét việc quá khứ để đoán biết được tương lai, thực ra nhà Chu đã thực hành hiếu và đễ rất tốt. Cha của Chu Vũ Vương là Chu Văn Vương, cha của Chu Văn Vương là Vương Quý, Chu Văn Vương rất hiếu thuận với cha mình là Vương Quý. Thật sự đã làm được “sáng phải thăm, tối phải viếng”, mỗi ngày sáng trưa chiều ngài đều đến vấn an cha mình, xem xem cha ngủ có ngon không? Ăn có ngon miệng hay không? Nếu khẩu vị của cha không được tốt lắm, ngài vừa nhìn thì trong lòng sẽ rất lo lắng. Khi sức khỏe của cha tốt một chút, ăn uống bình thường, thì ngài mới cảm thấy yên tâm. Bởi vậy nên một ngày vấn an ba lần.

Vì tấm gương của Chu Văn Vương như vậy, nên Chu Vũ Vương cũng vô cùng hiếu thuận với Chu Văn Vương. Có một lần Chu Văn Vương bị bệnh, Chu Vũ Vương ở bên cạnh chăm sóc 12 ngày, không hề nới lỏng đai lưng, đến nón cũng không tháo xuống. Bất cứ lúc nào cũng luôn ở bên chăm sóc cha mình, nhờ tấm lòng hiếu thảo đó mà bệnh của Chu Văn Vương mau chóng chuyển biến tốt. Thế nên gọi là “tâm chí thành thì cảm thông”, tin rằng chén thuốc của Chu Vũ Vương có giống với chén thuốc của người bình thường không? Chắc chắn là không giống rồi, bởi vì có sự gia trì của tâm hiếu thuận thì kết tinh của nước sẽ vô cùng đẹp, uống xong vô cùng có hiệu quả. Cho nên Nhà Chu dùng hiếu để trị thiên hạ, chúng ta không cần phức tạp hóa nhiều sự việc.

Tiếp đó, Nhà Chu dùng Đễ để trị thiên hạ, cha của Chu Văn Vương là Vương Quý, Vương Quý có hai người anh trai, một vị là Thái Bá, một vị là Trọng Ung. Ba anh em họ đều do Thái Vương sinh ra, Thái Vương là ông nội của Chu Văn Vương. Khi ông nhìn thấy Chu Văn Vương chào đời, ông cảm thấy vô cùng hoan hỷ, cảm thấy đứa cháu trai này có tướng làm Thánh Chủ, mà bác cả, bác hai của ngài chính là Thái Bá và Trọng Ung nhìn thấy cha mình yêu thương cháu như vậy, nên hai người đã hẹn nhau lấy danh nghĩa lên núi hái thuốc chữa bệnh cho cha, lên núi lần đó thì không bao giờ quay trở về nữa. Đem thiên hạ nhường cho em trai Vương Quý của mình, kế đó thì truyền ngôi cho Chu Văn Vương. Các vị đồng tu, các ngài nhường như vậy, đã tận được tâm hiếu, bởi vì làm như vậy để tiện cho cha quyết định, không hi vọng cha mình vì hai anh em họ mà phải suy nghĩ, không thể truyền ngôi cho em trai Vương Quý.

Cho nên việc nhường ngôi như vậy đã thành toàn tâm ý của cha mình, thành toàn cho tình nghĩa huynh đệ, đến thiên hạ còn có thể nhường được, thì còn có chuyện gì có thể khiến huynh đệ bất hòa chứ, như vậy nhường là hiếu, nhường là đễ, còn cả nhường là trung, trung với toàn dân thiên hạ. Bởi vì việc nhường vương vị này có thể khiến Chu Văn Vương lãnh đạo nhân dân toàn quốc. Cho nên đây là tận hiếu, tận đễ, tận trung, trên làm thì dưới noi theo, người dân thời nhà Chu đều xem những người lãnh đạo này làm tấm gương, nên thời đại của nhà Chu mới có thể kéo dài hơn 800 năm. Các vị đồng tu, căn bản giải quyết vấn đề trong gia đình cũng là hiếu và đễ, nên chúng ta phải có lòng tin với Đệ Tử Quy, chắc chắn có thể giải quyết vấn đề của thế giới, có thể giải quyết vấn đề suy bại của Phật giáo, giải quyết vấn đề của xã hội, của gia đình.

Lời dạy bảo trong kinh Hoa Nghiêm của đức Phật, “tất cả chúng sanh đều có đức tướng trí huệ của Như Lai”, nên chúng ta phải có niềm tin với chính mình. Đệ Tử Quy cũng nói rằng “Chớ tự chê, đừng tự bỏ, Thánh và Hiền, dần làm được”. Tại sao vốn có đức tướng trí huệ của Như Lai nhưng bây giờ lại không thọ dụng được, chỉ vì vọng tưởng chấp trước mà không lĩnh hội được. Thế nên chúng ta đích thực cần buông bỏ vọng tưởng, phân biệt, chấp trước. Kinh Vô Lượng Thọ cũng dạy chúng ta rằng “tất cả đều tu tập tuân theo đức hạnh của Phổ Hiền đại sĩ”, cho nên Tây Phương Cực Lạc Thế Giới là pháp giới của Phổ Hiền Bồ Tát. Các vị đồng tu, thập đại nguyện vương của Phổ Hiền bồ tát, khi nào thì bắt đầu tu vậy? Giả dụ chúng ta muốn nói rằng sau khi vãng sanh mới tu. Vậy đó chính là phân biệt, chấp trước. Nếu như ngay vào lúc này chúng ta có thể thực hành thập nguyện của Phổ Hiền bồ tát trong cuộc sống, trong công việc, có thể thực hành trong đối nhân xử thế tiếp vật, vậy thì bạn có thể nắm chắc là mình sẽ được vãng sanh. Bởi vì các vị bồ tát ở Tây Phương chắc chắn mỗi ngày đều nói với Phật A Di Đà: thế giới Ta Bà đã có một vị Phổ Hiền bồ tát, chúng ta phải nhanh chóng đón người đó qua đây.

Nguyện thứ nhất của Phổ Hiền bồ tát là “lễ kính chư Phật”. Các vị đồng tu, lễ kính chư Phật, vậy thì phải bắt đầu lễ kính từ vị Phật nào? Đúng rồi, có ai không kính cha mẹ mà lại đi kính người khác. Cho nên trong “Hiếu Kinh” dạy rằng, không yêu thương cha mẹ của mình mà yêu thương người khác là trái với đạo đức, không yêu cha mẹ mình mà đi yêu người ngoài chính là trái ngược với đức hạnh, như vậy là không bình thường. Khi anh ta không hiếu kính với cha mẹ nhưng lại đối tốt với bạn, bạn phải làm sao? Phải rất cẩn thận, bạn đừng có đắc ý vui mừng, vì nghiệp chướng hiện tiền, oan gia trái chủ đều có pháp thuật, sẽ có mê chướng xuất hiện. Bởi vậy trong lúc tôi giảng bài thường nhắc đến, việc chọn lựa trong cuộc sống vô cùng quan trọng. Một khi bạn chọn lựa sai rồi, có thể là cuộc sống sẽ có những ảnh hưởng rất không tốt. Cho nên mới nói “nam sợ chọn nhầm nghề, nữ sợ lấy nhầm chồng”.Các vị đồng tu, tôi nghĩ đa số mọi người đều có con gái, mọi người có dạy con gái của mình làm thế nào để chọn bạn đời không? Giả dụ chúng ta không dạy, vậy con gái lấy không được chồng tốt, cũng không thể trách chúng được. Đúng rồi, quý vị phải dạy thì chúng mới biết phán đoán chứ. Cho nên pháp bảo tốt nhất chính là hiếu, khi đối phương là người có tâm hiếu thảo, tình yêu đối với bạn, sự quan tâm đối với bạn mới là thật.

Cho nên tôi mới hỏi một số bạn bè chưa kết hôn. Tôi nói giả dụ có một người nam, anh ta theo đuổi bạn đã 3 năm rồi, đối với bạn hữu cầu tất ứng, giống như là Quan Thế Âm Bồ Tát, có cầu tất ứng. Nửa đêm bạn thấy đói bụng chỉ cần gọi điện thoại cho anh ấy, anh không nói tới lời thứ hai ngay lập tức lao ra ngoài, đem chè mè đen, chè hạnh nhân đến trước mặt bạn, không nề hà gian khổ. Chỉ cần anh ta được nghỉ thì nhất định dẫn bạn đi uống cà phê, cùng bạn leo núi, du sơn ngoạn thủy. Nhưng mà trước giờ chưa từng cùng cha mẹ đi uống cà phê, đi leo núi. May mà tổ tiên của bạn tích đức, mà gia đình nào thường làm việc thiện thì nhất định có nhiều may mắn. Vừa may một vị trưởng bối của bạn biết anh ấy, bèn đến nhắc nhở bạn: cậu ấy bất hiếu với cha mẹ, con tự mình suy nghĩ có nên lấy cậu ấy hay không. Kết quả là có rất nhiều cô gái ở đó vẫn còn do dự một lúc lâu. Tôi nói: đến lúc này mà bạn còn do dự, vậy thì thật sự mà gặp phải thì e là lành ít dữ nhiều. Bởi vì người trong cuộc thường mê, người ngoài cuộc mới nhìn thấy rõ, bây giờ người ngoài cuộc còn nhìn không rõ thì khi vào cuộc liền phiền phức rồi.

Có một số cô gái nói rằng: anh ấy sẽ thay đổi. Anh ấy có thể sẽ nói: chỉ cần em lấy anh, anh nhất định sẽ sửa hết những thói hư tật xấu. Tôi bèn nói với những cô gái đó. Tôi nói “Say khướt sa trường anh chớ mỉa. Xưa nay chinh chiến mấy ai về?”. Có rất nhiều người đều nói rằng “tôi sẽ thay đổi đối phương”. Cho nên gả cho anh ấy, sau khi gả xong thì mới biết “giang sơn dễ đổi, bản tính khó dời”. Vì quen rồi thì thành tự nhiên, cho nên một người thật sự muốn thay đổi thì chỉ có bản thân anh ấy mới có thể quyết định, những người bên cạnh như chúng ta chỉ là trợ duyên thôi. Mà khi bạn là trợ duyên, lại cưỡng ép bắt anh sửa đổi, anh ấy lại càng không sửa, thì bạn sẽ rất mệt mỏi. Chúng ta phải tìm nơi môn đăng hộ đối, phải tìm người có tư tưởng quan niệm khá tương đồng thì mới có thể kết pháp duyên, kết nhân duyên này. Cho nên hiếu có thể giúp bạn phán đoán bạn đời, đương nhiêu hiếu cũng có thể giúp bạn phán đoán tất cả bạn bè mà bạn đang giao du. Nếu bạn bè có tấm lòng hiếu thảo, thì tình nghĩa mà họ đối với bạn mới là thật sự.

Lễ kính chư Phật, nhất định phải bắt đầu từ việc lễ kính cha mẹ mình. Lễ kính phải thực hành trong cuộc sống hàng ngày, thực hành trong từng điều nhỏ nhặt trong cuộc sống. Cho nên câu đầu tiên dạy trong Đệ Tử Quy, “cha mẹ gọi, trả lời ngay, cha mẹ bảo, chớ làm biếng”. Lễ kính của chúng ta, nhất định phải thực hành trong tất cả hành động và lời nói, khi chúng ta hiếu kính cha mẹ thì cũng cần quán chiếu bản thân, tâm chúng ta có phải đang cung kính không? Hay là khi trả lời cha mẹ, cảm thấy trong lòng có chút khó chịu, chúng ta phải quán chiều từ khởi tâm động niệm. Bắt đầu làm từ căn bản, ngoài việc cung kính trong ngôn từ lời nói, thì trong cuộc sống cũng phải quan tâm cả những việc nhỏ nhặt, “đông phải ấm, hạ phải mát, sáng phải thăm, tối phải viếng”. Chúng ta học đông ấm hạ mát này, Đệ Tử Quy chỉ lấy câu chuyện này làm ví dụ, mùa đông trời lạnh chúng ta phải giúp cha mẹ làm ấm chăn, để cho cha mẹ khi đi ngủ cảm thấy ấm áp. Mùa hè trời nóng, chúng ta phải quạt mát giường cho cha mẹ trước khi ngủ, có phải là quan tâm đến cha mẹ chỉ có hai việc này không thôi? Vậy là chúng ta học một cách máy móc rồi, chúng ta phải dưỡng thân của cha mẹ, dưỡng tâm của cha mẹ, dưỡng chí của cha mẹ. Từ những phương diện này mà tận tâm tận lực, cái này chính là thực hành lễ kính chư Phật.

Lễ kính chư Phật, ngoài cha mẹ ra chúng ta còn phải lễ kính ai? Lễ kính huynh đệ, lễ kính trưởng bối. Cho nên “ra ngoài phải kính”, anh thương em, em kính anh, anh em thuận, hiếu trong đó. Người thật sự có tấm lòng hiếu thảo với cha mẹ, tuyệt đối là không có chuyện cãi nhau với anh em, bởi vì anh em cãi nhau thì ai là người đau lòng nhất? Cha mẹ, một khi tâm hiếu thảo của một người mở ra rồi thì trăm điều thiện đều mở ra, anh em tuyệt đối sẽ không cãi nhau. Bởi vì “đức tổn thương, cha mẹ tủi”, khi ra ngoài giao du với người khác nhất định đối đãi thành tín, không thì danh tiếng của mình ngoài xã hội không tốt, khi truyền đến tai cha mẹ, cha mẹ nhất định sẽ rất đau lòng. Cho nên tâm hiếu vừa mở ra thì trăm điều thiện đều mở ra.

Lễ kính chư Phật, kế đến phải lễ kính tất cả trưởng bối, tôn kính người lớn tuổi và các bậc Thánh Hiền. Tôn kính người lớn tuổi và các bậc Thánh Hiền cũng không thể nào chỉ nói trên cửa miệng, nên Đệ Tử Quy dạy rằng, “hoặc ăn uống, hoặc đi đứng, người lớn trước, người nhỏ sau”. Chúng ta muốn ăn thức ăn ngon, lúc đó là lòng tham hay là tâm cung kính, cách biệt rất xa. Sự khác biệt giữa thánh và phàm là ở đâu? Chỉ trong một niệm. Chúng ta trong cuộc sống này, trong nhu cầu ăn uống, điều đầu tiên là phải nghĩ đến cha mẹ, trưởng bối. Vậy thì lễ kính của chúng ta mới thực sự làm được.

Ngoài cha mẹ, trưởng bối phải lễ kính ra thì vẫn còn phải lễ kính ở phương diện nào nữa? Chúng ta xem chương Cẩn trong Đệ Tử Quy, sáng dậy sớm, tối ngủ trễ, đối với thời gian có cần phải cung kính hay không? Thời gian là vàng bạc, có tiền khó mà mua được thời gian. Kỳ thực con người có thể lễ kính với thời gian của bản thân, cũng chính là lễ kính đối với cha mẹ, với sư trưởng. Bởi vì thân này của chúng ta là của cha mẹ, hi vọng chúng ta có thể dùng thân này lập thân hành đạo, có thể thành tựu bản thân. Tiến thêm một bước nữa là làm rạng danh tổ tiên. Những thái độ này mới làm cho chúng ta không dám lãng phí thời gian, lãng phí sinh mệnh. Cho nên cũng cần lễ kính thời gian, “sáng rửa mặt, phải đánh răng, tiểu tiện xong, rửa tay sạch”, đối với thân thể này cũng phải làm sao, cũng phải lễ kính. Bởi vì thân thể da tóc nhận từ cha mẹ, không dám làm tổn hại chính là khởi đầu của hiếu. Đệ Tử Quy cũng có nhắc đến “nón quần áo, để cố định, chớ để bừa, tránh dơ bẩn”, thái độ này là lễ kính đối với điều gì? Đối với tất cả khoáng vật, vật chất đều phải lễ kính. Chúng ta dùng khăn lau bàn sạch sẽ, xếp sách vở một cách ngay ngắn chỉnh tề, như vậy cũng là đang thực hành lễ kính chư Phật. Gọi là “tình dữ vô tình, đồng viên chủng trí”, thế nên chương Cẩn này cũng chính là đang thực hành lễ kính chư Phật.

Tiếp đến “Tín”, “phàm nói ra, tín trước tiên”, vì vậy đối với lời nói của mình cũng phải cung kính. Kỳ thực cung kính đối với lời nói của mình, cũng chính là cung kính đối với người khác. Vì lời nói này nếu như làm tổn thương người khác, thì bạn đối với người khác không có tâm cung kính. “Thấy chưa thật, chớ nói bừa”, khi chúng ta vẫn chưa nhìn thấy chân tướng sự vật mà đã đi kể khắp nơi, trên thực tế chính là bất kính đối với người khác. Càng quan trọng hơn nữa là cũng không cung kính đối với tự tánh của chính mình, vì đã mê mất rồi. Tiếp đến “yêu bình đẳng” chính là bình đẳng thương yêu tất cả chúng sanh, lễ kính tất cả chúng sanh. Tiếp đến “gần người nhân”, đối diện với sư trưởng, đối diện với thiện tri thức, nhất định phải cung kính, y giáo phụng hành. Cái này cũng là lễ kính. Cuối cùng “có dư sức thì học văn”, đối với tất cả học vấn mà chúng ta đã học cũng cần phải có tâm cung kính. Giả dụ chúng ta không cung kính đối với học vấn, đối với tu học Phật Pháp không cung kính, thì có thể sẽ giống như thầy Lý Bỉnh Nam từng nói: bỡn cợt Phật Pháp, dùng Phật Pháp tiêu khiển. Cho nên Đệ Tử Quy cũng thực hành lễ kính chư Phật.

Đệ Tử Quy cũng thực hành “xưng tán Như Lai”. Chư Phật và Như Lai không giống nhau, chư Phật là nói về tướng, Như Lai là nói về tâm, nói về tánh. Xưng tán Như Lai nhất định phải tùy thuận tánh đức mà xưng tán. Nên chúng ta xưng tán người khác cũng phải có một tiêu chuẩn, một nguyên tắc, không thì có lúc sự xưng tán của chúng ta không những không giúp đỡ được đối phương mà còn có thể hại cho đối phương. Có một bé gái rất xinh, mới 4-5 tuổi. Tất cả người lớn nhìn thấy em thì mắt đều mở rất to, sau đó mới nói: ồ, sao lại có đứa trẻ có đôi mắt như vậy, có cái mũi như vậy, có cái miệng như vậy nhỉ? Tại sao lại hài hòa như thế, xinh xắn đáng yêu như thế? Có một thầy giáo của chúng tôi nói rằng, nhìn thấy bé gái này thì không dám nhìn đến lần thứ hai, xinh xắn quá. Tất cả người lớn đều khen ngợi em điều gì? Đều khen ngợi tướng mạo của em. Như vậy có phải là xưng tán Như Lai không? Không phải. Khen ngợi tài năng, tướng mạo của em, thì chỉ làm tăng trưởng cái tâm ngạo mạn của em, lòng tham của em, tâm ưa thích hư vinh của em. Cho nên em bé này khi đi học cứ chốc chốc lại lấy gương ra soi một lần, học không chuyên tâm. Tất cả mọi người nhìn thấy em nhất định sẽ coi trọng điều gì đầu tiên, vẻ bên ngoài.

Cho nên chúng ta xưng tán Như Lai thì cần phải tùy thuận tánh đức. Đệ Tử Quy chính là một tiêu chuẩn rất tốt mà chúng ta có thể đọc thuộc, thọ trì. Bất cứ lúc nào cũng có thể nhớ đến thì sẽ biết dựa trên những đức hạnh này mà khen ngợi người khác. Nếu không thì sẽ dùng tâm thiện làm chuyện ác, như vậy thì không tốt.

Buổi giảng hôm nay chúng ta tạm thời đến đây thôi. Cảm ơn mọi người!