Đệ Tử Quy và Tu Học Phật pháp (Tập 03)

De tu quy va tu hoc phat phap

Giám định Lão Pháp Sư Tịnh Không

Chủ giảng thầy Thái Lễ Húc

Giảng từ ngày 6/3/2005 đến ngày 13/03/2005 tại Tịnh Tông Học Hội Australia

TẬP 3

Kính thưa sư phụ, các vị pháp sư, các vị đồng tu, xin chào mọi người!

A Di Đà Phật!

Tiết học trước chúng ta có nhắc tới “học quý ở chỗ lập chí, học quý ở chỗ thực hành”, học tập quý ở chỗ có thể nắm vững cương lĩnh. Kinh điển mà Phật Thích Ca Mâu Ni giảng trong bốn mươi chín năm đều hội tập trong Đại Tạng Kinh, nếu như chúng ta trực tiếp xem Đại Tạng Kinh thì rất khó mà nắm vững được cương lĩnh, kinh Phật mênh mông rộng lớn. Đại sư Thiện Đạo cũng từng nói một người có thành tựu hay không, “ở chỗ nhân duyên khác biệt”, chúng ta vô cùng may mắn gặp được sự dạy bảo của sư phụ. Còn nhớ khi tôi mở cuốn Nhận Thức Phật Giáo ra, trang đầu tiên có một đoạn nói về sự thể hội của sư phụ trong quá trình tu học Phật pháp, đem sự thể hội đó đúc kết thành một đoạn khai thị ngắn, các bạn chắc là đều có chút ấn tượng. Câu đầu tiên nói rằng: Phật giáo là giáo dục chí thiện viên mãn của đức Phật dành cho chúng sanh trong chín pháp giới. Câu đầu tiên đã chỉ ra rằng: bản chất của Phật giáo là giáo dục chứ không phải là tôn giáo. Tất cả kinh điển mà Phật Thích Ca Mâu Ni giảng trong bốn mươi chín năm đều nói rõ chân tướng vũ trụ nhân sanh; vũ trụ là hoàn cảnh nơi chúng ta sinh sống, nhân sanh chính là bản thân chúng ta. Trong đoạn khai thị này cũng chỉ ra cương lĩnh tu học cho chúng ta. Cương lĩnh tu hành là Giác, Chánh, Tịnh: giác mà không mê, chánh mà không tà, thanh tịnh mà không ô nhiễm, đồng thời dựa vào Giới Định Huệ mà đạt được mục đích này. Sau cùng, nền tảng tu học là “Tam Phước”, đối nhân thì dựa vào “Lục Hòa”, xử thế dựa vào “Lục Độ”, “tuân theo hạnh nguyện của đức Phổ Hiền thì giáo hóa của đức Phật ắt viên mãn”.

Sư phụ trong Đại Tạng Kinh chọn ra năm cương lĩnh tu học quan trọng nhất, Tam Phước, Lục Hòa, Tam Học, Lục Độ, Phổ Hiền thập nguyện, để chúng ta nắm vững được cương lĩnh ngay lập tức, tìm ra chỗ bắt đầu hạ thủ. Tục ngữ có câu “đứng trên vai người khổng lồ thì tầm nhìn càng xa”. Các bạn làm cha mẹ, bạn hi vọng thành tựu đời này của con cái mình thua kém bạn hay là vượt xa bạn? Chư vị đồng tu, bạn làm trưởng bối, làm cha mẹ, nhất định toàn tâm toàn ý đem kinh nghiệm cả đời mình truyền thụ cho con cái, hi vọng con cái bạn đỡ phải đi đường vòng, có thể đạt được thành tựu tốt hơn. Tôi tin rằng bậc làm cha mẹ, trưởng bối đều có cái tâm như vậy. Sư phụ dốc hết kinh nghiệm mấy chục năm của người ra dạy bảo chúng ta, cho nên “một ngày làm thầy, suốt đời làm cha”. Sư phụ chắc chắn không muốn chúng ta học tập theo người mà lại có suy nghĩ chúng ta nhất định không thể giỏi hơn người. Chúng ta nên trân trọng duyên phận này, trân trọng kinh nghiệm mấy mươi năm quý báu của sư phụ, phải dũng mãnh tinh tấn, thì mới có thể báo đáp ân đức của sư phụ dành cho chúng ta. Hành cũng phải có căn bản, chúng ta tìm thấy năm cương lĩnh. Tâm có căn bản, sư phụ nói với chúng ta, căn bản của tâm là tâm Bồ Đề. Sư phụ dùng năm cái tâm để chúng ta có thể khế nhập vào cảnh giới của tâm Bồ Đề, chúng ta khá dễ dàng lãnh hội được năm cái tâm này. Đó là “chân thành, thanh tịnh, bình đẳng, chánh giác, từ bi”. “Tâm hành nhất như”, tâm của chúng ta nhất định thể hiện ra ở trên hành vi.

Chúng ta xem thế nào là chân thành? Khi chúng ta nghe cha mẹ nói chuyện, “Cha mẹ gọi – trả lời ngay – cha mẹ bảo – chớ làm biếng”, phải dùng tâm chí thành để phụng dưỡng cha mẹ. Trong Đệ Tử Quy có câu “cha mẹ ghét – hiếu mới tốt”, khi cha mẹ đối xử vô lý với chúng ta, có thể là do cảm xúc lúc đó không tốt, chúng ta cũng không được phép quên tâm hiếu thảo chân thành này. Bởi vì ân đức của cha mẹ không thể nào báo đáp, ân đức này chúng ta lúc nào cũng phải để ở trong lòng. Mà thái độ làm người là không quan tâm người khác đúng hay không, chúng ta phải làm đúng trước. Nếu như thái độ của cha mẹ không tốt, chúng ta cũng hành động theo cảm tính thì đó không phải là thái độ nên có của phận làm con.

Thời Xuân Thu có một người con hiếu thảo tên là Mẫn Tử Khiên, mẹ của ông mất sớm, cha ông lấy vợ khác, mẹ kế đối xử với ông không tốt, thường ngược đãi ông. Vào một năm mùa đông, mẹ kế làm quần áo cho ông, mẹ kế cũng sanh được hai người em trai, dùng bông gòn để làm áo khoác cho hai đứa con trai, nhưng lại lấy cỏ lau để làm áo khoác cho ông. Áo khoác nhồi bằng cỏ lau nhìn rất dày nhưng lại không giữ ấm. Đúng lúc người cha kêu ông đánh xe ngựa đưa cha ra ngoài, thời tiết quá lạnh mà áo khoác lại không đủ ấm nên chỉ chốc lát người ông bắt đầu run cầm cập. Người cha thấy vậy thì vô cùng tức giận, áo khoác dày như vậy mà còn rét run, có phải cố ý bôi nhọ mẹ kế hay không? Trong lúc tức giận liền lấy roi quất Mẫn Tử Khiên. Roi vừa đánh xuống thì áo khoác bị rách, cỏ lau bay ra, người cha lúc này mới biết hóa ra mẹ kế ngược đãi con mình. Cha ông rất tức giận, trở về nhà dự định bỏ người vợ này.

Trong đầu Mẫn Tử Khiên lúc này chỉ có một suy nghĩ, vẫn đối xử chân thành với mẹ kế. Ông quỳ xuống nói với cha mình: cha ơi, cha không thể đuổi mẹ đi, bởi vì “mẫu tại nhất tử hàn, mẫu khứ tam tử đơn”; có mẹ ở đây chỉ mình con lạnh, nếu như mẹ đi rồi thì cả ba anh em con đều phải chịu đói chịu lạnh. Trong tình huống khẩn cấp như vậy, tâm hiếu thảo chí thành của Mẫn Tử Khiên không giảm bớt chút nào, mà còn nghĩ tới hai người em, nghĩ đến sự hòa thuận của gia đình. Tâm chân thành của ông đã khiến cha ông nguôi giận, tâm chân thành của ông cũng khiến mẹ kế sanh tâm hổ thẹn, vì một đứa trẻ mà lại suy nghĩ cho bà như vậy. Tâm hiếu thảo chân thành của Mẫn Tử Khiên đã chuyển hóa ác duyên trong gia đình, khiến cho gia đình ông từ đó trở đi hạnh phúc an lạc. “Cha mẹ ghét – hiếu mới tốt”. Chúng ta lúc nào cũng nghĩ rằng “đức hạnh chưa tu”, cho nên “chưa cảm động người”, tâm chân thành này không thể đánh mất, lúc nào cũng phải nhớ nghĩ tới.

Tâm thanh tịnh, thanh tịnh tức là không ô nhiễm, không bị ô nhiễm bởi thất tình ngũ dục. Ngũ dục bao gồm tài, sắc, danh, thực, thùy. Trong Đệ Tử Quy có dạy, “Tiền của nhẹ – oán nào sanh”, chúng ta không tham lam tiền tài. Còn có “Nghe khen sợ – nghe lỗi vui”, không tham danh lợi; “Với ăn uống – chớ kén chọn – ăn vừa đủ – chớ quá no”, không tham ăn uống. Sau cùng là không tham ngủ, “Sáng dậy sớm – tối ngủ trễ – lúc chưa già – quý thời gian”. Tâm thanh tịnh của chúng ta đều phải duy trì từ những chuyện nhỏ nhặt trong cuộc sống hàng ngày. Ô nhiễm nặng nề nhất chính là tự tư tự lợi. Khi một người có tâm hiếu đễ, có tâm nhân từ thì họ mới có thể từng chút một buông bỏ tự tư tự lợi, “Phàm là người – đều yêu thương – che cùng trời – ở cùng đất”.

Tâm bình đẳng, “Việc chú bác – như việc cha – việc anh họ – như anh ruột”. Chúng ta dùng tâm đồng cảm để đối xử với mọi người, hiểu được ân đức của cha mẹ rất lớn, cha mẹ vô cùng vất vả, cống hiến rất nhiều cho gia đình, cho xã hội. Cũng như vậy, cha mẹ của người khác cũng tận tâm tận lực cống hiến cho xã hội, cho gia đình của họ, cho nên chúng ta phải tôn trọng. Tâm bình đẳng cũng phải thực hành theo những điều dạy bảo trong Đệ Tử Quy. “Không nịnh giàu – chớ khinh nghèo”, đây là tâm bình đẳng. “Đối người ở – thân đoan chánh – tuy đoan chánh – lòng độ lượng”. Thực ra tâm bình đẳng phải xây dựng trên thật tướng của các pháp. Chúng ta hiểu được “vốn có giác ngộ, vốn không mê hoặc”(bổn giác bổn hữu, bất giác bổn vô), mỗi một người đều có bổn tánh chân như. Chúng ta kì vọng chính mình, “Chớ tự chê – đừng tự bỏ – Thánh và Hiền – dần làm được”. Đối xử với tất cả mọi người đều dùng thái độ như vậy, tin tưởng họ “Thánh và Hiền – dần làm được”.

Tâm chánh giác, giác ngộ là không mê hoặc, là có thể dùng lí trí để đối đãi với tất cả người vật việc. Mà Đệ Tử Quy là kinh điển xây dựng thái độ đối nhân xử thế tiếp vật đúng đắn cho chúng ta. Sau cùng là tâm từ bi, chúng ta cũng thấy trong phần Phiếm Ái Chúng, có thể lãnh hội được nhất định phải thực hành tâm từ bi từng chút một trong cuộc sống. Chung sống với người khác, “Mình có tài – chớ dùng riêng – người có tài – không chỉ trích”, khi người khác có năng lực giỏi, kinh nghiệm hay, chúng ta ghen tị, chướng ngại họ thì sẽ khiến rất nhiều người đánh mất cơ hội và sự giúp đỡ, như vậy là không từ bi. “Người không rảnh – chớ não phiền”, từ bi là lúc nào cũng suy nghĩ cho người khác. Khi chúng ta muốn nói chuyện với người khác, phải quan sát xem họ có đang nói chuyện với ai không, hay là đang làm việc. Nếu như gặp tình huống như vậy thì chúng ta nên đợi họ làm xong, nói chuyện xong, kế đó mới tìm họ nói chuyện, như vậy là suy nghĩ cho người khác.

“Người có lỗi – chớ vạch trần – việc riêng người – chớ nói truyền”. Chúng ta nói chuyện thị phi của người khác, khi đối phương nghe được thì không biết họ sẽ đau buồn thế nào! Cho nên tục ngữ có câu “nói xấu sau lưng”, nói khuyết điểm, chỗ yếu kém của người khác sau lưng họ. “Thụ hám giả thường nhược khắc cốt”, khi họ biết được chúng ta nói xấu sau lưng họ, họ biết được chuyện này thì cảm giác như có một con dao cứa vào tim họ. Nên tục ngữ mới có câu “dao sắc cắt vào da thịt dễ lành, lời nói ác tổn thương người thì nỗi hận khó quên”. Thế nên, đối với lời nói chúng ta cũng phải từ bi, không nên nói khuyết điểm, nhược điểm của người khác. “Sắp cho người – trước hỏi mình – mình không thích – phải mau ngưng”, những lời dạy bảo này đang dạy chúng ta thực hành tâm từ bi.

Tâm có căn bản, hành có căn bản, chúng ta thực hành trong hành vi. Đó là Tam Phước, Lục Hòa, Tam Học, Lục Độ. Phước thứ nhất trong Tam Phước. Câu đầu tiên là “hiếu dưỡng cha mẹ, phụng sự sư trưởng”, chúng ta phải hiếu thuận phụng dưỡng cha mẹ, nhất định phải bắt đầu từ hiếu đạo trước tiên. Tục ngữ có câu “trong ba điều bất hiếu, không có đời sau là tội nặng nhất”, chúng ta có trách nhiệm dạy dỗ đời sau cho tốt, như vậy mới không có lỗi với cha mẹ của mình, không có lỗi với tổ tiên nhiều đời. Làm thế nào để dạy dỗ đời sau cho tốt? Việc này rất quan trọng. Ấn Quang đại sư cũng dạy chúng ta một câu rất quan trọng, phải “đôn luân tận phận”. Đôn luân, luân là luân thường đại đạo, cha con có tình thân, quân thần có nghĩa, vợ chồng có phân biệt, lớn nhỏ có trật tự, bàn bè có thành tín. Làm trọn “cha con có tình thân” là vô cùng quan trọng.

Thật sự làm tốt giáo dục, làm tốt gia giáo thì con trẻ mới có được nhân cách lành mạnh. Các bạn cảm thấy cái gì là giáo dục. Nếu như hôm nay chúng ta đi trên con đường giữa bờ ruộng, gặp một bác nông dân đang trồng lúa, chúng ta tới hỏi bác ấy: Xin hỏi bác làm sao để trồng lúa? Bác nông dân này liệu có nói với chúng ta rằng: anh đợi một chút, tôi suy nghĩ nửa tiếng rồi nói cho anh biết nhé. Liệu có như vậy không? Không! Tại sao lại không? Bởi vì đó là việc mỗi ngày bác đều làm, thuộc nằm lòng, nói một mạch không cần ngừng nghỉ, bạn muốn nghe ba tiếng đồng hồ thì bác cũng có thể nói ba tiếng cho bạn nghe. Có thể nói ngắn gọn mà cũng có thể nói dài dòng, bởi vì đã quá quen thuộc rồi. Chúng ta làm cha mẹ, làm trưởng bối, mỗi ngày đều đang dạy con trẻ, mỗi ngày đều đang giáo dục, nếu như chúng ta không hiểu rõ về giáo dục, vậy thì không biết mỗi ngày đang gieo hạt giống gì? Cho nên trước tiên chúng ta phải hiểu rõ ý nghĩa thực sự của giáo dục.

Trong cuốn Thuyết Văn Giải Tự của tác giả Hứa Thận có một câu “giáo là trên làm dưới noi theo”, như vậy mới gọi là “giáo”. Người làm cha mẹ hiện nay đa phần đều không có nhận thức đúng đắn về chữ “Giáo”? Suy nghĩ đầu tiên sẽ nghĩ giáo dục là việc của ai? Thầy cô giáo. Họ đã không để ý rằng, trên làm dưới noi theo bắt đầu từ lúc nào? Có thể là từ thai giáo đã bắt đầu học tập. “dùng thân giáo dạy người thì họ mới phục tùng, dùng lời nói dạy người thì họ sẽ tranh luận thị phi”, thật sự làm được. Có thân giáo thì con cái tự nhiên sẽ làm theo. Nếu như dạy bảo con cái mà chỉ nói suông, chính mình lại không làm được, “dùng lời nói dạy người thì họ sẽ tranh luận thị phi”, nói một đằng làm một nẻo, sau cùng nhất định sẽ khiến gia đình tranh tụng. Không nghiêm trọng thì chỉ là nói qua nói lại, nếu nghiêm trọng thì cha con anh em kiện nhau ra tòa.

Rất nhiều phụ huynh hiện nay trong quá trình giáo dục con cái đều có một quan niệm, đó là con trẻ nhất định có hiện tượng phản kháng, có thời kỳ nổi loạn. Các bạn cảm thấy câu này đúng không? Trong thời đại này, tri thức bùng phát, cách vài năm là lượng tri thức lại tăng lên gấp đôi, có quá nhiều quan niệm sai lầm hỗn tạp ở trong đó. Sau cùng, điều sai lặp đi lặp lại, lâu dần thành đúng. Có trường trung học cơ sở họp phụ huynh, gặp phụ huynh nói rằng, con cái của các vị 12, 13 tuổi là đang trong giai đoạn nổi loạn, cho nên con cái nhất định sẽ ngỗ nghịch. Cha mẹ vốn cũng không lo lắng, sau khi nghe xong, mỗi ngày đều chú ý xem con mình có ngỗ nghịch hay không? Đột nhiên có một ngày như thế nào? Tâm tưởng sự thành. Chúng ta suy ngẫm một chút, bây giờ phương Tây tiến về phương Đông, không phải cái gì cũng tiếp nhận được, lịch sử mấy ngàn năm qua có xuất hiện hiện tượng ngỗ nghịch không? Trong sách sử không tìm thấy. Tại sao mấy ngàn năm qua lại không có, mấy chục năm gần đây lại xuất hiện? Rốt cuộc nguyên nhân là gì? Bởi vì mấy ngàn năm trước đều có giáo dục hiếu đễ, không chỉ trong gia đình dạy hiếu thuận, mà làng xóm xung quanh cũng đều là phong khí hiếu thuận. Con cái nhà ai không cung kính với cha mẹ, không chỉ là cha mẹ dạy bảo, mà hàng xóm cũng sẽ tới dạy dỗ giúp. Cho nên phong khí xã hội đều truyền thừa hiếu đạo.

Mà mấy chục năm gần đây, văn hóa truyền thống bị đứt đoạn, không còn dạy hiếu đạo nữa. Con cái không trưởng dưỡng hiếu đạo thì sẽ nuôi lớn điều gì? Tự tư tự lợi, đối với cha mẹ không có tâm cung kính. Chúng ta suy nghĩ một chút mà xem, hiện nay lời nói của phụ huynh có đi đôi với hành động không? Nếu như lời nói của phụ huynh không đi đôi với hành động, vậy thì còn cái sẽ không có tâm cung kính với cha mẹ. Khi chúng ta nói với chúng, con nói chuyện với người lớn phải lễ phép, kết quả là chúng ta nói chuyện với ông bà cũng rất lớn tiếng, điều này sẽ khiến nhận thức của con trẻ có sự mâu thuẫn, không chỉ là không có tâm cung kính, mà còn không đồng tình với cha mẹ. Từ từ sự không đồng tình này tích lũy lâu ngày, đến một ngày khi chúng cao bằng bạn, nắm đấm của chúng lớn hơn bạn thì chúng còn nghe bạn nói không? Chúng sẽ không nghe bạn nói nữa. Cho nên sự ngỗ nghịch của chúng nằm ở chỗ lời nói và hành động của người lớn không đồng nhất, chúng không sanh tâm kính sợ trưởng bối. Cộng thêm xã hội hiện nay không dạy bảo hiếu đễ mới tạo nên sự phản nghịch của thanh thiếu niên trong mấy chục năm gần đây.

Bản thân chúng ta suy ngẫm lại, tôi cũng từng hỏi mẹ tôi vấn đề này : mẹ ơi, con có từng ngỗ nghịch không? Mẹ tôi nghĩ một chút rồi nói không có. Bởi vì từ nhỏ trong lòng tôi tôn kính nhất là cha mẹ, rất kính sợ cha tôi, cha mẹ tôi đều thực hành hiếu đạo, cách làm người cho chúng tôi xem, cho nên trong lòng chúng tôi rất kính trọng cha mẹ. Trên làm dưới noi theo mới gọi là “Giáo”. Mà điều này đích thực đâu đâu cũng có, lời nói, hành vi của chúng ta đều ngấm ngầm ảnh hưởng đến con trẻ. Tôi có được lãnh hội này là trong quá trình mấy năm làm giáo dục, cảm nhận này càng ngày càng mãnh liệt, lời nói hành vi của cha mẹ đích thực là ảnh hưởng sâu sắc đến con cái.

Tôi nhớ khi còn nhỏ có một lần về nhà bà ngoại, trong quá trình đi taxi về nhà, tay lái của bác tài không tốt nên lái xe xuống luôn rãnh nước. Rãnh nước đó đều là bùn nên khiến cho ống bô xe bị rung lắc, quãng đường còn lại về nhà ngoại nó cứ kêu lộc cộc lộc cộc. Vừa xuống xe, mẹ tôi trả tiền xe cho bác tài, ngoài ra còn đưa thêm cho bác ấy năm trăm đồng. Hành động của mẹ tôi rất chân thành, nên hành động ấy đã lưu lại trong tâm tôi. Mà tôi còn tự thêm phụ đề cho cảnh đó, phụ đề ghi rằng “bởi vì mẹ cảm thấy giai cấp lao động kiếm tiền không dễ dàng, đối với gia đình tôi thì 500 đồng không nhiều, đối với họ có thể là một tháng sinh hoạt phí sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng, cho nên nếu chúng ta có năng lực thì nên giúp người nhiều hơn”. Hành vi chân thành của mẹ đã cảm động tôi, tâm nhân từ cũng được gieo trồng trong tim tôi. Cho nên ba chị em tôi không biết cãi nhau với người khác, thực sự là cha mẹ tôi chưa từng phê bình ai ở trước mắt chúng tôi. Trên làm dưới noi theo, đích thực là mọi lúc mọi nơi, ngấm ngầm ảnh hưởng.

Chữ “dục” có nghĩa “dạy con làm việc thiện”, điều quan trọng nhất trong giáo dục là dạy con thành người tốt, thành người thiện. Mà chúng ta làm trưởng bối, trong đầu mình phải hiểu vô cùng rõ ràng, cái gì là thiện thực sự. Trong cuốn “Lễ Ký, phần Học Ký” cũng có một định nghĩa rất hay về giáo dục, “giáo dục là nuôi dưỡng điều thiện, sửa đổi lỗi lầm”. Nên giáo dục gồm hai phần chính, một câu này đã chỉ ra rõ ràng. “Nhân chi sơ, tánh bổn thiện”, phải nuôi dưỡng điều thiện; nhưng “Nếu không dạy thì cái tánh ấy thay đổi”, nên cần phải sửa lỗi, phải nắm được hai cương lĩnh là: nuôi dưỡng điều thiện và sửa đổi lỗi lầm. “Chưa nói tới hành thiện, phải sửa đổi lỗi lầm trước”, bởi vì không sửa đổi sai lầm, trừ bỏ thói quen xấu, cũng giống như một bình nước bị thủng đáy, mặc dù chúng ta cố gắng đổ thêm nước vào thì sau cùng nước cũng bị chảy đi hết.

Chúng ta muốn sửa đổi lỗi lầm, phải suy nghĩ xem vấn đề của con trẻ hiện nay, thói quen xấu của chúng là gì? Chúng ta phải hiểu rõ thì mới có thể hốt thuốc đúng bệnh. Các bạn cảm thấy vấn đề của con trẻ hiện nay là gì? Ích kỉ. Còn gì nữa không? Lười biếng. Tiếp theo là cạnh tranh, ích kỉ đương nhiên sẽ cạnh tranh. Còn nữa không? Không có gia giáo, đáp án này quá lớn rồi. Lãng phí. Không lễ phép. Còn hay không? Tùy hứng, tức là dễ nổi giận! Còn nữa không? Mọi người không cần ngại, có gì cứ nói ra. Không có chí hướng. Còn gì nữa không? Dễ thay đổi. Không có chí hướng đương nhiên dễ thay đổi. Còn gì nữa? Không kiên nhẫn. Tôi ở Hải Khẩu thành lập trung tâm Quốc Học, rất nhiều phụ huynh có con cái gặp những vấn đề này, đến trung tâm tìm chúng tôi để thảo luận. Bởi vì trung tâm rất rộng, phòng làm việc nằm ở trong đó, từ cửa đi tới phòng làm việc cũng mất mấy chục giây. Vừa đi mà các phụ huynh này đã nhịn không nổi, bắt đầu phàn nàn về con cái, “con cái ích kỉ, lại lười biếng, không có tính kiên nhẫn, lại hay thay đổi, tùy hứng”, một mạch vừa đi vừa kể mà không cần bản nháp.

Đến phòng làm việc, tôi nói chắc anh khát nước lắm, tôi rót cho anh một ly nước. Tôi rót nước cho anh ấy, sau khi uống xong, chúng tôi mới dẫn dắt anh: “vậy con cái ích kỉ là kết quả, nguyên nhân là gì? Con cái lười biếng là kết quả, nguyên nhân là gì? Con cái tùy hứng là kết quả, nguyên nhân là gì? Chúng tôi hỏi ngược lại anh ấy từng vấn đề một mà anh ấy vừa than phiền về con cái, hỏi xem rốt cuộc nguyên nhân là gì? Mặc dù anh không nói, nhưng nhìn vẻ mặt của anh chúng tôi cũng hiểu, ý của anh muốn nói rằng: “tôi lớn như vậy rồi mà chưa từng có ai hỏi tôi vấn đề này”. Khi phụ huynh suy ngẫm lại xem vấn đề ở đâu, thì họ mới có thể bắt đầu dẫn dắt hành vi con cái đúng đắn từ căn bản. “Băng đóng ba thước không phải do một ngày trời lạnh”, không thể hạ thủ từ kết quả, nhất định phải hạ thủ từ nguyên nhân, gieo trồng lại nhân đúng đắn.

Ích kỉ là vấn đề căn bản, tôi sẽ hỏi phụ huynh, cha mẹ và con cái, còn có ông bà cùng nhau ăn cơm, mọi người ngồi quanh mâm cơm, vậy tôi hỏi họ khi gắp thức ăn, đầu tiên là gắp cho ai ăn? Tôi cho họ mượn một món đồ, đó là cỗ máy thời gian của Đô rê mon, để họ có thể quay về trước đây mà suy nghĩ một chút, trở về lúc con cái mới hai ba tuổi. Rất nhiều phụ huynh khi nghe tôi nói như vậy thì nở một nụ cười gượng gạo. Tôi thấy có thể là trong lòng nghĩ rằng: gắp nhầm rồi! Gắp thức ăn cũng cần có học vấn. Trong sách Đại Học có dạy rằng “biết được có trước có sau thì đã gần với đạo rồi”. Thứ tự gắp thức ăn của bạn đúng thì bạn sẽ dạy con đạo làm con; nếu như thứ tự sai thì con cái sẽ không học được đạo làm con.

Không học được hiếu đạo mà học được cái gì? Bạn xem, người mẹ còn nhấn mạnh với con, món này mẹ làm riêng cho con ăn đó, còn gắp thức ăn cho chúng. Ông bà cũng không chịu thua kém: “cháu ngoan à, mấy món này cũng rất ngon”, Mọi người đều gắp thức ăn vào chén của chúng. Xin hỏi mọi người trong nhà này ai lớn nhất? Nhìn thấy rất rõ ràng, con trẻ là lớn nhất, cho nên bạn thấy xuất hiện tiểu hoàng đế, tiểu công chúa. Tục ngữ có câu “Làm bạn với vua như chơi với hổ”, thế nên tính tình của chúng không tốt là chuyện rất đương nhiên. Rất nhiều ông bà, khi cháu nói: bà nội ơi con khát. Bà nội ngay lập tức vui vẻ nói: cháu của nội rốt cuộc cũng nhớ tới nội rồi. Cung kính bưng nước tới cho chúng: mau uống đi, đừng để nghẹn đó, hầu hạ chúng. Mặc dù thời đại này không còn nô tỳ nữa, nhưng mà nô tỳ thời đại mới lại xuất hiện. Người thời xưa hiếu thuận cha mẹ gọi là hiếu tử, bây giờ hiếu thuận ai? Thứ tự bị đảo ngược, cho nên hành vi của đời sau đương nhiên cũng đảo ngược. Không thể trách chúng, không thể tức giận chúng, là do sự nhạy bén khi dạy dỗ của phụ huynh thiếu sót quá lớn.

Thầy giáo ở trường đại học sư phạm tôi học, có một lần đứng ở cổng trường đại học, bên cạnh là trường tiểu học trực thuộc đại học, học sinh của trường tiểu học này đều là con cái của giảng viên, giáo sư trường đại học sư phạm. Đúng lúc ấy có một chiếc xe hơi đắt tiền chạy tới, hôm đó trời mưa, thầy tôi đang đi bộ ngang qua đó. Đột nhiên cửa xe mở ra, một người mẹ cầm dù bước ra, con gái của cô ấy đứng ở cổng trường nói với cô: “sao mẹ ngớ ngẩn vậy, bây giờ mới tới! Thầy tôi vốn đang đi ngang qua, nghe xong thì kinh ngạc, đứng ở đó không đi tiếp nữa, kết quả là chuyện càng khó tin hơn xảy ra. Người mẹ đó nói: xin lỗi con, là mẹ tới trễ. Chúng ta làm cha mẹ phải rất thận trọng, không được chiều con tới mức độ như vậy.

Cho nên sau này mọi người gắp thức ăn cũng phải có trí tuệ, thứ tự trước sau phải gắp đúng. Trong kí ức của tôi, cha mẹ lấy trái cây ra thì sẽ mời ai ăn trước? Mời ông bà ăn trước. Lúc đó tôi còn nhỏ, khi hành vi của cha mẹ là hiếu thuận, là đức hạnh, trong lòng đứa trẻ sẽ như thế nào? Rất hoan hỉ, sau đó học theo. Khi tôi được phép mở tủ lạnh, tự nhiên lấy trái cây ra cũng mời ai ăn đầu tiên? Mời ông bà ăn. Tôi rất cảm ơn cha mẹ mình, mời trái cây mời đúng rồi, nếu không thì tôi không có cách nào làm ngành giáo dục, nhất định là một đứa con phá của. Mọi người không nhìn ra sao? Bởi vì tôi là con trai độc nhất, lại là cháu đích tôn, ông nội tôi cũng là con trưởng, nên tôi là cháu trưởng, tất cả mọi yêu thương đều dồn vào tôi! Cũng may mắn là cha mẹ và ông bà rất biết cách dạy dỗ. Tôi nhớ khi còn nhỏ phạm lỗi, ba tôi muốn phạt tôi, ông nội sẽ đưa bà nội tôi đi nơi khác ngay lập tức, sau đó nói với tôi: làm sai phải chịu phạt là đúng, đi thôi! Đưa bà nội tôi lên lầu. Khi đó tôi còn nhỏ, chỉ cảm thấy ông bà thật tuyệt tình. Nhưng khi làm ngành giáo dục tôi mới biết, ông nội tôi thật có trí tuệ. Nếu như ông bà nội không rời đi, tâm tình của đứa trẻ sẽ là tìm cứu binh! Bản thân làm sai điều gì cũng không nhớ nữa, chỉ nghĩ xem trốn sau lưng của ai mới có thể thoát được kiếp nạn này, chứ không muốn thừa nhận sai lầm.

Chúng ta suy nghĩ mà xem, con trẻ hiện nay phạm lỗi, suy nghĩ đầu tiên là gì? Có phải là ngay lập tức nói con làm sai rồi, có không? Mà toàn là quan sát sắc mặt. Ở trong nhà nếu như nguyên tắc dạy dỗ của cha mẹ không đồng nhất, đứa trẻ này có dễ dạy không? Không dễ dàng. Cha mẹ và ông bà dạy dỗ con cháu không đồng nhất cũng rất khó dạy. Tôi từng có buổi hội thảo trong trường, có một cô giáo rất thông minh, cô ấy đưa mẹ chồng mình cùng tới. Sau khi nghe xong thì mẹ chồng cô ấy nói với tôi: con dâu tôi dạy đúng rồi, tôi dạy sai. Bà ấy cũng cảm thấy quá chiều chuộng chúng, để chúng leo lên đầu mình. Cho nên dạy dỗ con cái phải “đổi con cho nhau để dạy dỗ”, có một số lời có thể nhờ người thân bạn bè nói, có thể nhờ thầy cô giáo giúp bạn truyền đạt những quan niệm này, như vậy có thể tiết kiệm sức lực.

Nguyên nhân của ích kỉ là do chúng ta không làm ra hiếu đạo cho con trẻ xem. Có một bà mẹ mua trái cây rất ngon, mang về nhà còn cẩn thận giấu đi, đợi ba mẹ chồng đi ngủ mới lấy ra. Lấy ra cho con ăn rồi còn nói với con trai mình: trái cây này mẹ chỉ mua cho con ăn thôi. Con trẻ nhất định là học theo rất triệt để, sau này chúng mua trái cây cho ai ăn? Chúng ta dùng tâm yêu ghét dạy chúng thì chúng sẽ nuôi dưỡng tâm yêu ghét, sau này chúng mua trái cây nhất định sẽ cho ai ăn? Cho con cái của chúng ăn là chuyện sau này, trước tiên là sẽ mua cho bạn gái ăn, cho vợ chúng ăn. Người tính không bằng trời tính, trời tính là phải làm theo đạo, làm theo chánh đạo, như vậy mới là sự dạy bảo đúng đắn nhất, tiết kiệm sức lực nhất.

Con trẻ không ích kỉ, tự nhiên sẽ biết suy nghĩ cho người khác; nếu như con trẻ ích kỉ thì chúng chỉ muốn mọi người phải theo chúng. Nếu như bạn không thuận theo chúng, ngay lập tức chúng liền tức giận, nên bạn nghĩ chúng tùy hứng. Khi chúng tức giận thì chúng ta nên làm thế nào? Khi con trẻ đòi hỏi vô lý, chúng ta phải làm thế nào? Mấu chốt vô cùng quan trọng trong giáo dục đó là “thận trọng lúc ban đầu”. Khi con trẻ bắt đầu làm sai, bạn ngay lập tức sửa đổi giúp chúng, lần sau chúng sẽ không dám. Có một người mẹ, con của cô ấy đi ngoài đường nhìn thấy đồ chơi đòi mua, không mua thì bé liền đứng đó ăn vạ. Bởi vì người đi đường lúc đó rất đông, cho nên người mẹ này cũng biết quan sát, ở đây dạy con không tiện nên đã mua món đồ chơi đó. Vừa về tới nhà, đóng cửa lại lấy roi ra đánh cho con một trận nhừ tử. Như vậy để nhắc nhở con tuyệt đối không được uy hiếp cha mẹ, uy hiếp người lớn, dùng thủ đoạn như vậy sẽ không đạt được mục đích. Đánh xong trận này, đứa trẻ này lần sau đi siêu thị, nhìn thấy đồ chơi thì lùi lại ba bước, “thận trọng lúc ban đầu”.

Con trẻ lãng phí, kén ăn cũng là do lần đầu tiên không sửa chúng. Nếu như con trẻ ở đó la hét: con không muốn ăn cái này. Bạn nói với chúng: mẹ xin con đó! Ăn thêm một miếng nữa, ăn miếng này rồi cuối tuần mẹ đưa con đi ăn McDonald. Chúng liền ăn ngay lập tức. Từ nhỏ chúng đã học được cách đàm phán, có hay không? Cha mẹ từng bước nhượng bộ, chúng liền tấn công vào trong thành, vì chúng biết rõ giới hạn sau cùng của cha mẹ. Chú Lư từng kể với tôi, lần đầu tiên con trai chú không ăn cơm, ở đó la hét, vợ của chú tính tới khuyên con. Chú Lư dùng ánh mắt ra hiệu cho vợ: em cứ để đó cho anh. Hai vợ chồng chú cũng rất hiểu ý nhau, người vợ liền đứng qua một bên, không nhẹ nhàng bước tới khuyên con nữa. Sau đó mọi người ăn cơm xong, con chú vẫn bĩu môi không chịu ăn, chú Lư nói: dọn hết đi. Nửa đêm hôm đó, con chú đói quá không chịu được, đi lục đồ trong tủ lạnh ăn. Lần sau còn dám không? Không dám ngang bướng nữa. Cho nên lần đầu tiên rất quan trọng.

Con cái lười biếng là kết quả, nguyên nhân là gì? Các bạn đồng tu, các bạn có từng thấy đứa trẻ nào 2 hay 3 tuổi đã lười biếng không? Nằm ở đó không muốn cử động, có gặp qua đứa trẻ nào như vậy không? Nếu như có thì phải đi khám, vì chắc chắn chúng có bệnh. Trẻ con đều rất hoạt bát, tại sao sau này chúng lại lười biếng? Rất nhiều phụ huynh nói với con mình: chỉ cần học cho giỏi, những chuyện khác con không cần phải lo. Đứa trẻ được dạy bằng câu này sẽ chăm chỉ sao? Không hề. Rất nhiều người vợ than thở là chồng mình lười biếng, không chịu giúp đỡ: anh cũng giống tôi, cũng đi làm cả ngày, tại sao việc nhà lại một mình tôi làm? Cũng than phiền chồng rất nhiều. Nhưng mà người mẹ ấy lại tiếp tục xây nên sự đau khổ cho người phụ nữ khác, bởi vì khi dạy con của mình, cô cũng nói với con rằng: con không phải làm gì hết, học giỏi là được rồi. Cho nên sau này con cô cũng rất lười biếng, cũng khiến cho người phụ nữ khác đau khổ? Cho nên mọi người phải ghi nhớ “chính mình không muốn thì đừng làm cho người”.

Tôi nhớ lại khi cháu tôi khoảng hai tuổi, có một lần chị tôi lau bàn. Năng lực mạnh nhất của trẻ nhỏ là gì? Bắt chước. Bạn nhỏ đi tới, đúng lúc chị tôi rời đi, bé liền lấy khăn lau bàn. Chị tôi quay lại nói với con rằng: Tuấn Vỹ, nhỏ như vậy mà đã biết giúp mẹ lau bàn rồi, đúng là một đứa con hiếu thảo! Vừa nói xong thì cháu tôi ngẩng đầu ưỡn ngực, càng ra sức lau. Tiếp đó chị tôi nói: chúng ta lau bàn, nếu như lau sạch sẽ cả bốn góc bàn nữa, vậy thì con sẽ lau sạch hết cả bàn. Thứ nhất là thành tựu tâm hiếu thảo của trẻ, tiếp đó là nhân cơ hội này dạy trẻ phải làm việc như thế nào. Lúc nào bắt đầu dạy, một tuổi, hai tuổi đều có thể dạy. Khi chúng đã nuôi dưỡng thành thói quen, từ nhỏ sẽ rất chăm chỉ, thực ra chúng ta đã giúp trẻ xây dựng nền tảng làm người làm việc. Trong quá trình tôi dạy học, nhiều bạn nhỏ rất thông minh, giao việc cho chúng, chúng làm vô cùng nhanh nhẹn, em nhỏ như vậy đều là nhờ ở nhà chăm chỉ giúp đỡ cha mẹ làm việc nhà; bởi vì kinh nghiệm làm việc càng phong phú thì đầu óc của chúng cũng nhận được sự rèn luyện.

Tôi thường nói với phụ huynh, làm việc nhà sẽ nuôi dưỡng thiện căn của trẻ. Thứ nhất là từ nhỏ chăm chỉ làm việc thì chúng mới biết cảm ân cha mẹ, cảm ân người khác, “lao động mới biết cảm ân”. Tôi có cơ hội đến Hải Khẩu, trong khoảng thời gian ở Hải Khẩu, bởi vì không có người thân nên phải tự mình nấu ăn, lau nhà, giặt giũ. Lúc đang giặt đồ tự nhiên nghĩ tới một bài hát, là bài hát nào? “trên đời chỉ có mẹ là tốt nhất”. Đột nhiên nhớ lại cha mẹ đã làm rất nhiều chuyện cho tôi, tâm cảm ân tự nhiên mà sanh ra.

Trẻ em hiện nay vào ngày sinh nhật, đầu tiên sẽ nghĩ đến điều gì? Mở tiệc ở đâu, sẽ nhận được bao nhiêu quà. Các thầy cô được học tập văn hóa truyền thống như chúng tôi sẽ nhân cơ hội này mà dạy bảo các em, sinh nhật là ngày mà mẹ gặp nạn, phải giúp cha mẹ làm chút việc. Có một em nhỏ, khi về nhà không đòi quà mà nói với mẹ mình: con muốn tự mình làm một món ăn cho mẹ. Người mẹ đương nhiên rất vui. Bé gái này đi vào bếp, chiều cao không đủ, em ấy mới học lớp 4, nên em đứng lên một cái ghế. Bạn để cho con mình làm việc thì đầu óc chúng sẽ linh hoạt, lúc nào cũng sẽ tìm cách để giải quyết vấn đề, sẽ tự mình nghĩ cách. Sau khi đứng lên ghế, đổ dầu vô chảo, dầu bắn quá cao nên em ngay lập tức đi lấy găng tay lớn đeo vào, tiếp tục nấu. Khi bỏ dưa leo vào thì dầu bắn càng cao, em ấy cảm thấy nguy hiểm nên lại chạy lại xe máy của ba, lấy nón bảo hiểm đội lên đầu, đúng là vũ trang đầy đủ, cuối cùng cũng làm xong món ăn đó. Khi em ấy mồ hôi ướt lưng bê món ăn ra khỏi bếp, tôi tin rằng trong khoảnh khắc đó tâm cảnh của em đã thay đổi. Từ đó trở về sau, khi ăn món mẹ nấu liệu còn kén cá chọn canh không? Sẽ không! Em ấy sẽ cảm ơn những gì mẹ đã làm ra, thế nên lao động mới biết cảm ân.

Làm việc nhà khiến chúng biết cảm ân, kế đó là tạo thành thói quen, vô cùng chăm chỉ. Các bạn thích làm chung với người chăm chỉ hay là người lười biếng? Cho nên người chăm chỉ luôn có mối quan hệ giao tiếp tốt. Rất nhiều trường đại học, bởi vì quan hệ với mọi người không tốt mà sinh viên bỏ học rất nhiều. Chúng ta có thể suy ngẫm xem, khi một đứa trẻ nhìn thấy người khác quét dọn nơi công cộng mà mình lại ngồi xem ti vi, không giúp đỡ, người khác sẽ có cảm nhận thế nào về chúng? Nhất định là không thoải mái. Nếu như lối sống của chúng lại không tốt, để vật dụng chung lung tung, khiến người khác tìm không thấy, quan hệ với người khác cứ từng chút một mà càng ngày càng kém. Cho nên chăm chỉ làm việc nhà có ảnh hưởng rất sâu xa.

Tiết học hôm nay giảng tới đây thôi, cảm ơn mọi người.