Giám định Lão Pháp Sư Tịnh Không
Chủ giảng thầy Thái Lễ Húc
Giảng từ ngày 6/3/2005 đến ngày 13/03/2005 tại Tịnh Tông Học Hội Australia
TẬP 5
Sư phụ thượng nhân tôn kính, các vị pháp sư, các vị đồng tu tôn kính, xin chào mọi người!
A Di Đà Phật!
Chúng ta vừa nhắc đến phải trưởng dưỡng tâm thiện của trẻ, mà quan trọng nhất là phải trưởng dưỡng tâm hiếu, gọi là “trăm thiện hiếu đứng đầu”. Câu nói này có 2 tầng ý nghĩa. Ý nghĩa thứ nhất là hiếu đứng đầu trong trăm điều thiện. Ý nghĩa thứ hai là tâm hiếu khai mở thì trăm điều thiện cũng khai mở. Nếu tâm hiếu không mở thì sẽ có kết quả gì? Chúng ta phải suy nghĩ đến việc: nếu tâm hiếu của một đứa trẻ không khai mở thì cuộc đời nó sẽ không cách nào hình thành một thái độ. Thái độ gì vậy? Thái độ tình nghĩa, ân nghĩa sẽ không cách nào hình thành. Bởi vì không có ân đức nào lớn hơn ân cha mẹ. Nếu không có chút cảm niệm nào đối với ân đức của cha mẹ thì làm sao có thể cảm ơn người khác được chứ? Khi ân nghĩa, tình nghĩa không được trưởng dưỡng thì sẽ trưởng dưỡng điều gì? Bởi vì “học như bơi thuyền ngược dòng, không tiến ắt sẽ lùi”. Điều đúng đắn không dạy thì trẻ nhất định sẽ học cái gì? Học cái sai trái. Do vậy rất nhiều người nói “hôm nay tôi không tiến bộ nhưng cũng không thoái lui”, có khả năng này không? Không tiến ắt lùi. Bởi vì trẻ hiện nay tiếp xúc với rất nhiều thứ, nếu bạn không dạy những điều đúng đắn thì chúng nhất định sẽ tiếp nhận những điều sai trái.
Cho nên thái độ tình nghĩa, ân nghĩa này không hình thành mà hình thành lợi và hại. Cho nên có lợi cho chúng thì chúng sẽ rất tích cực. Không có lợi cho chúng thì có thể chúng sẽ trở mặt không nhận người quen. Hôm qua chúng tôi cũng nhắc đến việc tìm đối tượng, phải tìm người có tâm hiếu. Bởi vì nếu họ không có tâm hiếu, họ theo đuổi một người phụ nữ, trên thực tế đó là dùng tâm lợi hại. Bởi vì có thể đối phương trẻ đẹp, có thể công việc ổn định nên họ sẽ dốc hết sức để đạt được mục đích này. Đến khi họ đạt được mục đích rồi, sau 3 năm lại giúp họ sanh một đứa con, rất là mập mạp bụ bẫm, nhưng do sau khi làm mẹ tương đối vất vả, khổ cực nên có vài nếp nhăn, không trẻ đẹp như trước đây nữa. Khi chồng cô ấy ra bên ngoài lại gặp một người xinh đẹp hơn, trẻ trung hơn thì họ có thể từ lợi sẽ biến thành cái gì? Từ lợi biến thành hại. Bởi vì khi một người có tâm lợi hại, chỉ cần họ muốn đạt được thứ gì đó, thì bất kể giá nào họ cũng đi làm. Do vậy người vợ có thể từ lợi biến thành hại. Hại thì phải làm sao? Phải làm sao? Rất nhiều người sẽ loại bỏ những chướng ngại vật ở phía trước. Động tác loại bỏ này rất là đáng sợ, vấn đề sẽ xảy ra là gì? Tỷ lệ ly hôn sẽ xảy ra, một khi tỷ lệ ly hôn xảy ra sẽ ảnh hưởng liên đới đến toàn xã hội, cho nên tỷ lệ phạm tội cũng tăng cao.
Các vị đồng học, hai điều này có quan hệ liên đới hay không? Có. Ở Hải Khẩu chúng tôi từng tiếp xúc với những người lãnh đạo trong nhà tù. Chúng tôi hỏi họ về tình hình gia đình của những phạm nhân bị giam trong tù như thế nào? Họ nói trên 60-70% tình hình gia đình đều không toàn vẹn. Bởi vì không có giáo dục gia đình tốt nên đức hạnh của họ không có gốc. Ngày nay xã hội bên ngoài lại ô nhiễm như vậy nên vừa gặp những nhân duyên không tốt thì lập tức bật gốc trốc rễ rồi. Do vậy tỷ lệ ly hôn sẽ kéo theo tỷ lệ phạm tội. Khi tỷ lệ phạm tội của toàn xã hội càng cao thì cho dù chúng ta có nhiều tiền hơn, có địa vị cao hơn nhưng chúng ta có cảm giác an toàn không? Không có. Nếu hôm nay phạm nhân muốn cướp túi da của bạn liệu họ có quan tâm bạn có phải là thị trưởng, bạn có phải là lãnh đạo cấp cao hay không? Tất cả đều không cần biết, cướp hết. Do vậy tỷ lệ phạm tội đã khiến tâm chúng ta không yên. Chúng ta phải tìm ra căn nguyên tỷ lệ ly hôn và tỷ lệ phạm tội cao như vậy là do đâu? Do đâu? Là do không trưởng dưỡng được thái độ ân nghĩa, tình nghĩa mà thái độ ân nghĩa, tình nghĩa nhất định phải bắt tay làm từ đâu? Bắt tay làm từ hiếu đạo, hiếu đạo lại nhất định phải bắt tay làm từ “Đệ Tử Quy”.
Các vị đồng học, dạy hiếu như thế nào? Chúng ta đã biết tầm quan trọng của hiếu, tiếp theo là phải thực hành, phải dạy hiếu thì tâm hiếu mới có thể cắm gốc được. Dạy hiếu quan trọng bậc nhất là “lấy mình làm gương”, tiếp theo là “cha mẹ và thầy cô phải hợp tác”, ở nhà thì “vợ chồng phải phối hợp”. Có một cô giáo, vào dịp tháng 3 năm ngoái cô ấy đến nghe chúng tôi giảng bài. Cô tu học Phật Pháp cũng được một thời gian rồi. Trong quá trình tu học Phật Pháp cô cảm thấy mình có thiện căn rất sâu dày. Bởi vì trên kinh nói “nếu xa xưa không tu phước huệ thì chánh pháp này không thể nghe, đã từng cúng dường các Như Lai nên hay vui mừng tin pháp này”. Do vậy cô cảm thấy mình có thiện căn sâu dày. Vốn dĩ muốn mời thầy có thể đến giảng “Luận Ngữ”, “Mạnh Tử”, “Đại Học”, “Trung Dung”, kết quả vừa nghe thấy muốn giảng “Đệ Tử Quy” nên họ nói thôi thì cũng được. Kết quả sau khi chúng tôi lên giảng mấy tiết thì cô ấy đến nói với chúng tôi là “trước đây vốn cho rằng mình thiện căn sâu dày, kết quả sau khi học “Đệ Tử Quy” tôi cảm thấy mình chưa làm được việc gì tốt.”
Các vị đồng học cảm thấy mình có thiện căn sâu dày tốt hơn hay là cảm thấy mình chưa làm được việc gì tốt tốt hơn? Trạng thái nào tốt hơn? Sư trưởng dạy chúng ta, thế nào là khai ngộ? Phát hiện ra lỗi lầm của mình thì gọi là khai ngộ, sửa đổi lỗi lầm của mình thì gọi là chân tu hành. Khi chúng ta mỗi ngày ở đó cảm thấy thiện căn của mình sâu dày. Kết quả bổn phận của mình thì không làm, đó là đang tiêu phước báo, bỏ lỡ cơ duyên nghe pháp, “con nay nghe thấy chuyên trì tụng, nguyện tỏ Như Lai nghĩa nhiệm mầu”, quan trọng nhất là “đôn luân tận phận” mới đúng. Do vậy cô ấy học “Đệ Tử Quy” cảm thấy trên phương diện hiếu đạo mình vẫn chưa làm tốt lắm. Đúng lúc vào ngày nghỉ lễ mùng một tháng năm năm ngoái cô ấy trở về nhà, đúng vào thời gian nghỉ lễ lại gặp đúng ngày sinh nhật của cô ấy. Buổi tối hôm đó cô lấy ra ba chiếc ghế để bà ngoại của cô, cha mẹ của cô ngồi trên ghế. Nguời mẹ tương đối mẫn cảm liền hỏi cô là “rốt cuộc con muốn làm gì đây?”. Cô nói “mẹ à, mẹ ngồi trước đi”.
Cô giáo này nói với ba vị trưởng bối là, cô nói “hơn ba mươi năm nay con đã khiến cha mẹ, trưởng bối lo lắng rất nhiều. Hơn ba mươi năm nay có rất nhiều chỗ con làm không tốt, nhưng hiện nay con đã bắt đầu học tập giáo huấn Thánh Hiền. Từ nay về sau con nhất định làm một người con gái hiếu thảo. Hôm nay đúng vào ngày sinh nhật con, cũng là ngày chịu nạn của mẹ. Hôm nay con xin làm lễ ba quỳ chín khấu đầu với mẹ, cũng cảm tạ công ơn dưỡng dục của cha mẹ hơn 30 năm qua”. Cô nói xong thì lạy xuống lễ thứ nhất, ngay lúc đó nước mắt mẹ cô đã lã chã rơi xuống. Cô giáo này tiếp tục lạy xuống lễ thứ hai thì đột nhiên con trai của cô liền đi đến bên cạnh chồng cô, bắt đầu xoa bóp cho ba của nó. Nhìn thấy mẹ mình đang quỳ ở đó hành lễ cậu cảm thấy mình không làm gì thì rất khó chịu. Các vị đồng học, một người đem đức hạnh biểu diễn ra, chính là bài học không lời cho những người xung quanh, có sức ảnh hưởng trực tiếp lan tỏa rộng ra. Hôm sau vợ chồng họ và con trai trở về nhà. Vừa vào cửa con trai cô nói với họ là “năm sau con cũng muốn bái lạy cha mẹ”. Cho nên hiệu ứng của việc lấy thân làm gương vô cùng mạnh.
Trong ký ức của chúng tôi chưa bao giờ cha mẹ bảo chúng tôi phải hiếu thuận với họ. Các vị đồng học, cha mẹ bạn có bao giờ bảo bạn phải hiếu thuận với họ chưa? Chưa từng nghe qua nhưng vì sao chúng ta có tâm hiếu này? Bởi vì cha mẹ thường biểu diễn cho chúng ta xem. Tôi nhớ mẹ tôi cứ hai, ba tuần thì nhất định sẽ trở về nhà ngoại một lần. Mỗi lần trở về nhất định sẽ mang rất nhiều đồ ăn, đồ mặc để mà về hiếu thuận cha mẹ. Sau này khi tôi 18 tuổi có bằng lái xe rồi thì sau đó trở thành tài xế đưa mẹ tôi về nhà thăm ông bà ngoại. Trong quá trình về thăm đó thật sự là niềm vui gia đình đoàn tụ. Mỗi lần tôi trở về nhà ngoại thì ông ngoại tôi nhất định sẽ nhanh chóng đi mở đồ uống, mở nước ngọt “nào, uống đi con”. Mỗi lần vừa uống hết một lon thì ông lại đi lấy tiếp lon thứ hai. Trưởng bối mở thì chúng ta không thể không uống, nhưng bạn vừa uống xong thì ông lại làm gì? Nhưng trong lúc đó có thể cảm nhận được tình thương yêu của ông bà ngoại dành cho đứa cháu ngoại này. Chúng ta có thể thường dẫn con cái về thăm người già, trong vô hình sẽ khiến con trẻ ngày càng thân thiết với những trưởng bối này hơn. Do vậy mà lấy thân làm gương rất quan trọng.
Tiếp theo cha mẹ và thầy cô phải hợp tác. Thầy cô dạy dỗ con trẻ, phụ huynh chúng ta cũng phải cùng phối hợp với thầy cô. Có một đứa trẻ mới hơn ba tuổi vừa đúng lúc đến tham gia khóa học “Đệ Tử Quy” mỗi tuần một buổi của chúng tôi. Bởi vì trẻ nhỏ sẽ học tập lẫn nhau, gọi là quan sát điều thiện của nhau để cùng tiến bộ. Gọi là pháp quan sát. Mỗi lần chúng tôi lên lớp sẽ cho một vài học trò lên bục giảng kể cho bạn học nghe việc hành hiếu trong tuần này của bạn đó. Đúng lúc bạn nhỏ hơn ba tuổi này cũng nghe được một vài anh lớn kể một số thí dụ trong cuộc sống như giúp cha mẹ bưng cơm, xới cơm, giúp cha mẹ bưng nước rửa chân. Kết quả đứa trẻ này trở về nhà rất hăng hái liền chạy vào trong nhà vệ sinh. Có thể là mẹ con liền tâm, người mẹ lập tức ý thức được con mình muốn làm gì. Đứa trẻ này muốn lấy một cái chậu đựng nước nóng để mẹ mình ngâm chân. Kết quả người mẹ này cảm nhận được liền chạy đến trước mặt cậu thu chiếc chậu đó lại, không cho cậu lấy.
Sau đó người mẹ này đã kể chuyện này cho tôi nghe. Tôi nói với cô là “chị làm như vậy không hay rồi. Chị nên để cho nó lấy chậu đi bưng nước cho chị rửa chân chứ”. Người mẹ này liền nói “không được, nếu nó làm đổ thì sao?”. Tôi liền nói với cô là “làm đổ thì càng tốt”. Cô ấy mơ hồ không hiểu. Tôi nói làm đổ rồi, ngoài việc chị để nó làm việc này là thành toàn tâm hiếu của nó ra thì đồng thời nhân cơ hội làm đổ này chị có thể dạy con phương pháp làm việc, lần sau phải cầm như thế nào mới không bị đổ, nước mới không tràn ra ngoài. Do vậy cha mẹ nên thành toàn tâm hiếu của con cái, phải phối hợp với sự dạy bảo của thầy cô giáo.
Ở Thâm Quyến có một người mẹ, kể rằng con trai cô nghe xong bài giảng quả thực đã trở về bưng nước rửa chân cho cô để cô ngâm chân. Cô nói cô ngâm chân một tuần bằng nước lạnh. Bởi vì cô thấy con trai sau khi trở về muốn thực hành, cô liền rất khéo léo điều chỉnh nhiệt độ nước xuống rất thấp, đợi khi con trai bưng được một tuần lễ, kỹ thuật tương đối thành thục rồi cô ấy mới dần dần điều chỉnh nhiệt độ lên cao một chút. Cho nên đây là thành toàn tâm hiếu của con cái. Khi con của bạn học xong muốn giúp bạn xới cơm thì bạn phải vô cùng thoải mái để con làm những việc này. Đây là cha mẹ phối hợp với thầy cô.
Nếu thầy cô ở trường vẫn chưa bắt đầu dạy vậy có thể đợi hay không? Không thể đợi được rồi. Lúc này vợ chồng có thể phối hợp. Thí dụ cha nói với con, nếu bạn là cha, bạn nói với con trai là “Con trai à, con phải hiếu thuận với cha của con đấy, cha con làm việc rất vất vả con có biết không?”. Bạn có thể thốt ra lời này được không? Có thể mới nói được hai, ba câu thì khắp người đã sởn gai ốc rồi. Lúc này phải hoán đổi, cha phải dạy con hiếu thuận mẹ, mẹ phải dạy con hiếu thuận cha. Cho nên cha phải nói với con trai là “Con trai à, mẹ con mang thai mười tháng vô cùng vất vả. Từ nhỏ con đã mắc rất nhiều bệnh, nửa đêm mẹ còn phải thường đưa con đi khám bệnh”. Kể cho con nghe từng chút những nỗi vất vả của mẹ nó. Khi nghe cha kể vô cùng chân thành có thể đứa trẻ sau khi nghe xong đều sẽ như thế nào? Cảm động đến rơi nước mắt. Nếu người cha nói “Giai đoạn này tôi đều không biết”, vậy thì người cha này không tận trách nhiệm rồi.
Việc này cha có thể làm như vậy, mẹ cũng nên kể cho con nghe những sự vất vả của chồng khiến con sanh tâm cảm ơn đối với cha của nó. Bởi vì có khi chúng ta không nói thì con cái cũng không biết cha mẹ vất vả như thế nào. Hiện nay có một số người mẹ chẳng những không kể cho con nghe sự vất vả của chồng mà rất có thể còn ở trước mặt con cái trách mắng chồng của mình “cha con thế này, như thế nọ… Làm như vậy có tốt không? Điều này đã phạm vào điều đại kị của nhà binh rồi. Trong tâm con cái đều vô cùng tôn kính cha mẹ, lúc này bạn nói những điều không tốt của chồng thì dần dần con cái sẽ mất đi tâm cung kính đối với cha mình. Cho nên vợ đã coi thường anh ấy, con trai cũng coi thường anh ấy, sẽ tạo thành kết quả gì? Người chồng đó nhất định sẽ nói “Được mọi người đều cảm thấy tôi không tốt vậy tôi sẽ xấu cho mọi người xem”. Cho nên rất nhiều người chồng có hành vi sai trái, có khi người nhà ngược lại còn thêm dầu vào lửa. Mặc dù người chồng có một số điểm không tốt nhưng chúng ta hãy chọn những điểm tốt của chồng, khẳng định anh ấy, kể cho con cái nghe. Người chồng sẽ cảm thấy con trai tôi vô cùng tín nhiệm tôi, con trai tôi tin tưởng tôi rất tốt. Trong vô hình con cái tôn kính họ chính là động lực cho cuộc đời của họ. Họ sẽ càng cố gắng nâng cao năng lực của mình hơn. Cho nên vợ chồng phối hợp dạy con cái hiếu đạo cũng rất là quan trọng.
Muốn dạy con cái hiếu thuận thì phải dạy con cái báo ân. Đương nhiên trước tiên phải hiểu được biết ân. Biết ân thì mới báo ân. Trong quá trình chúng tôi dạy bảo trẻ nhỏ đều có nhắc đến một chuyện: một lần Đức Phật và đệ tử cùng đi ra ngoài, đúng lúc Đức Phật nhìn thấy trên đất có một đống xương trắng. Trước tiên Phật lễ bái đống xương trắng này, các đệ tử liền hỏi “Vì sao Ngài phải lễ bái đống xương trắng này?”. Phật nói với đệ tử rằng “đống xương này có thể là cha mẹ, còn có tổ tiên đời trước của chúng ta nên chúng ta phải lễ kính”. Sau đó Phật lại đem đống xương phân thành hai loại, một loại xương tương đối trắng, một loại thì xương tương đối đen. Đệ tử tiếp tục hỏi: “Vì sao đống xương này lại có sự khác biệt như vậy?”. Phật nói với đệ tử là “xương tương đối đen này là xương của người nữ, xương tương đối trắng là xương của người nam.”. Vì sao xương của người nữ lại tương đối đen như vậy? Bởi vì người mẹ mang thai mười tháng, mà trong mười tháng này chất dinh dưỡng đều từ máu huyết trong người mẹ cung cấp sang cho con. Chất dinh dưỡng trong máu huyết không đủ nên bắt buộc phải tiết từ trong xương của mẹ ra để mà cung cấp cho con.
Mà trong quá trình nuôi dạy lại vô cùng vất vả, cho nên sự vất vả của mẹ là trong cả quá trình từ mang thai, sanh nở đến nuôi dạy. Chúng tôi dạy trẻ là trong quá trình mang thai người mẹ sẽ nôn mửa bởi vì cơ thể phải điều tiết lại. Nhưng khi nôn mửa mẹ vẫn phải miễn cưỡng ăn một chút thức ăn. Vì sao? Vì sao mẹ đã khó chịu như vậy nhưng vẫn gắng gượng ăn chút đồ ăn? Vì sao vậy? Bởi vì nếu không ăn thì thân thể của mẹ sẽ không có dinh dưỡng cung cấp cho con, cho nên vì con dù có khó chịu như thế nào đi nữa cũng vẫn phải ăn một chút. Cho nên chúng tôi đã nói với trẻ rằng “Mẹ vì các con nên dù có khó chịu hơn nữa cũng phải ăn một chút. Thân thể này của các con là nhận từ cha mẹ nên cũng phải cố gắng giữ gìn, không được kén ăn. Những thứ cần ăn thì cũng phải ăn, như vậy mới xứng đáng với công sức của mẹ đối với chúng ta”.
Chúng tôi cũng cho trẻ làm mẹ một ngày, phát cho chúng mỗi đứa một quả trứng gà, đeo lên người, mỗi người bảo vệ một ngày. Kết quả khi mới bắt đầu thì chúng đều hết sức cẩn thận nhưng qua khoảng một giờ, hai giờ sau thì chúng hầu như quên mất như thế nào?. Cho nên ngày hôm đó thường nghe thấy tiếng “A”. Một ngày trôi qua dường như chẳng còn mấy quả trứng được nguyên vẹn. Chúng tôi liền nói với học trò rằng “các con bảo vệ một ngày cũng không bảo vệ được, mẹ phải bảo vệ các con bao lâu? Mười tháng. Nếu mẹ cũng chạy nhảy giống như các con thì con sanh ra sẽ thành hình dáng gì? Bên này đỏ một mảng, bên kia tím một mảng. Cho nên các con xem trong khi mang thai từng giờ từng phút mẹ đều nghĩ đến sự an nguy, an toàn của các con”.
Hôm đó vào ngày của mẹ, chúng tôi cũng cho chúng mang một quả bóng rổ để chúng cảm nhận một chút mang như vậy đi bộ sẽ có mùi vị gì? Bởi vì bạn phải để chúng thể hội thì chúng mới sanh khởi tâm cảm ân. Ngoài mang thai vất vả ra thì khi sanh nở mẹ cũng vô cùng cực khổ. Thời xưa chúng ta nói lúc sanh nở là qua quỷ môn quan một lần. Khi sanh nở sự đau đớn đó còn đau hơn cả bệnh ung thư. Hơn nữa nỗi đau đó không phải chỉ đau một chút rồi kết thúc, rất có thể phải đau mấy giờ đồng hồ, thậm chí mấy chục giờ đồng hồ. Chúng tôi nói với học trò sự đau đớn đó giống như 15 phút cắt một nhát dao lên người của con, 15 phút sau lại cắt một nhát dao lên người của con. Học trò sau khi nghe xong đều chau mày nhăn mặt, vậy thì nhất định sẽ thế nào? Rất đau.
Trên giường sanh có hai cột thép, đều là to như vậy. Kết quả cột thép này đã bị cong đi. Chúng tôi liền hỏi học trò: sức mạnh gì đã khiến cột thép này bị cong đi? Sức mạnh gì vậy? Sức mạnh đau đớn khi mẹ sanh, nhưng sau khi mẹ sanh xong, mẹ vừa tỉnh lại thì ý niệm đầu tiên là gì? Ý niệm đầu tiên là gì? Các con có từng nghe thấy mẹ nói: Ôi đau chết tôi rồi không? Các con xem ý niệm đầu tiên đều là niệm niệm lo nghĩ cho con, lập tức gạt nỗi đau như vậy sang một bên. Mọi nơi mẹ đều lo lắng cho con như vậy. Chỉ với một tấm lòng như vậy thôi mà kẻ làm con như chúng ta có báo đáp như thế nào cũng không hết được?
Chúng ta hồi tưởng lại một chút, trong suốt thời thơ ấu mẹ đã dành cho chúng ta bao nhiêu sự quan tâm? Bao nhiêu sự chăm sóc? Lúc một tuổi mẹ cho chúng ta bú sữa, chúng ta đã báo đáp mẹ như thế nào rồi? Có thể là cắn mẹ một cái. Ba tuổi mẹ xem trong tài liệu nấu ăn, có thể nấu ra rất nhiều món dinh dưỡng cho chúng ta ăn. Có thể mẹ phải nấu mất mấy giờ đồng hồ, rồi bưng món ăn nóng hổi đó đến trước mặt chúng ta. Chúng ta có thể không cẩn thận làm đổ hết món ăn đó. Khi lên tiểu học vì chúng ta muốn có một cây đàn điện tử nên mẹ có thể phải dùng cả một tháng lương để mua cây đàn đó. Kết quả chúng ta có lẽ là đàn được vài lần, sau vài ngày thì sao? Không chơi nữa. Lên trung học cùng cha mẹ đi xem phim, còn có bạn bè nữa. Chúng ta có thể nói “cha mẹ ngồi bên kia, chúng con ngồi bên này nhé”, không muốn ngồi với cha mẹ. Khi tốt nghiệp cấp ba, có thể cha mẹ ở nhà nấu 1 bữa rất là thịnh soạn rồi đợi chúng ta về ăn cơm tối, kết quả chúng ta ngay đến điện thoại cũng không gọi về mà cùng các bạn học ở bên ngoài chơi đến nửa đêm mới về. Khi lên đại học, cha mẹ gắng hết sức xoay sở khoản tiền ghi danh và phí sinh hoạt mà chúng ta cần, vui vẻ đưa chúng ta đến cổng trường muốn vào để đăng ký, chúng ta có thể nói “cha mẹ ở đây là được rồi, đừng vào trong”. Còn sợ sau khi cha mẹ vào trường gặp các bạn học, mình sẽ cảm thấy có chút mất mặt. Sau khi chúng ta kết hôn, vợ chồng chung sống có thể lại xảy ra rất nhiều vấn đề, người lo lắng nhất là ai? Vẫn là cha mẹ của chúng ta.
Cho nên mấy mươi năm cha mẹ quan tâm chăm sóc rốt cuộc chúng ta đã báo đáp họ cái gì rồi? Thời xưa có một hiếu tử tên là Hàn Bá Du. Khi ông phạm lỗi mẹ ông thường dạy bảo ông, đánh mắng ông. Sau đó ông trưởng thành, khi ông phạm lỗi mẹ ông vẫn dạy dỗ ông. Có một lần mẹ đánh ông, ông đột nhiên bật khóc rất to. Mẹ ông rất ngạc nhiên, vì sao mấy mươi năm mẹ đánh ông, ông chưa bao giờ khóc, tại sao hôm nay đột nhiên lại bật khóc? Mẹ ông hỏi “vì sao con lại khóc?”. Ông trả lời mẹ là “từ nhỏ đến lớn, mẹ đánh con, con đều cảm thấy rất đau, cũng có thể cảm nhận được mẹ vì dạy dỗ con nên mới làm như vậy, nhưng hôm nay mẹ đánh con, con không cảm thấy đau nữa”. Điều này chứng tỏ là thân thể của mẹ đã ngày càng yếu hơn, cho nên thời gian con phụng dưỡng mẹ càng ngày càng ngắn rồi, nghĩ đến đây con đau xót vô cùng.” Do vậy cha mẹ dùng tuổi thanh xuân của họ để giúp chúng ta khôn lớn, cũng vì giúp chúng ta khôn lớn nên họ cũng ngày càng già yếu, ngày càng gầy ốm hơn.
Tôi nhớ ngày chị tôi khi kết hôn, anh rể tôi đến đón dâu. Trong tất cả nghi lễ rước dâu thì nghi lễ cuối cùng là bái biệt cha mẹ. Khi anh rể tôi dẫn chị tôi lạy xuống cái lễ thứ nhất, khi vừa lạy xuống thì đột nhiên nước mắt trào ra trong khóe mắt của cha tôi. Trong giây phút đó cảm xúc của cha giống như một luồng ánh sáng chiếu vào đầu óc tôi. Ngay lúc đó tôi hoàn toàn cảm nhận được sự gian khổ và trách nhiệm mà một người Cha phải chịu đựng. Cha nhìn thấy con gái cuối cùng nuôi đến lớn hơn 20 tuổi, học nghiệp, sự nghiệp cũng đều có nền tảng rồi, hôm nay lại giúp con tìm được một nơi gửi gắm tốt, trong lòng có một chút an ủi như vậy. Kỳ thực con gái lấy chồng rồi có phải là không cần lo lắng nữa không? Cha mẹ lo lắng cho con là cả cuộc đời, cho nên “mẹ già trăm tuổi vẫn lo cho con 80”. Dù mẹ đã trăm tuổi nhưng vẫn nghĩ đến đứa con 80 tuổi của mình, vẫn luôn quan tâm lo lắng như vậy. Trong lúc tôi thể hội được tâm trạng của cha, trong tâm tôi tự nói với chính mình “Ân đức của cha mẹ lớn như vậy nên từ nay về sau mình tuyệt đối không được nói bất cứ lời nào khiến cha mẹ tức giận, khiến cha mẹ lo lắng nữa, thậm chí là hành vi đều không được làm”.
Cho nên khi chúng tôi hướng dẫn trẻ cảm niệm ân đức của cha mẹ, bởi vì tâm của các em rất trong sáng nên nhiều em sau khi nghe xong đều cảm động đến rơi nước mắt. Tiếp theo thầy cô sẽ hướng dẫn “Các bạn nhỏ, các con khóc có tác dụng không? Khóc không thể thật sự khiến cha mẹ vui được, mà chúng ta phải chắc thật làm được từng câu trong “Đệ Tử Quy” khiến cho cha mẹ không lo lắng, khiến cha mẹ lấy đó làm vinh dự, đây mới thật sự là làm tròn hiếu đạo. Tiếp theo thầy cô sẽ giảng giải từng câu trong “Đệ Tử Quy” cho các em nhỏ nghe để chúng bắt đầu thực hành từng câu, từng câu một.
Một lần khi chúng tôi mở khóa học, có một cô khoảng 40 tuổi. Cô ấy có thể chưa hiểu rõ tình hình, đúng lúc cô ấy bước vào lớp học của chúng tôi, vừa thấy trong lớp có cuốn sách nhỏ của chúng tôi viết là “Sổ tay giáo viên giảng dạy cho nhi đồng đọc kinh”. Người mẹ này vừa xem xong liền nói “Ồ sách này là để trẻ nhỏ xem à”. Cô ấy liền đi ra, cho nên nhận thức của cô ấy cảm thấy những điều này là để trẻ nhỏ học, người lớn như thế nào? Không cần học. Thời nhà Đường có một nhà thơ tên là Bạch Cư Dị. Ông cũng rất tôn sùng Phật Pháp, cũng rất tích cực học Phật. Có một lần ông lên núi thỉnh giáo với Ô Sào Thiền Sư. Khi ông gặp Ô Sào Thiền Sư, ông liền hỏi đại sư là “Xin hỏi làm thế nào để học Phật?”. Ô Sào Thiền Sư trả lời “Không làm các điều ác, vâng làm các điều lành”. Bạch Cư Dị nghe xong liền nói “Đứa trẻ 3 tuổi cũng biết”. Ô Sào Thiền Sư trả lời “Ông lão tám mươi làm chẳng được”. Đứa trẻ 3 tuổi đều biết những đạo lý này nhưng rất có thể người tám mươi tuổi cũng chưa chắc làm được, chưa thực hành tốt. Do vậy cuốn sách này là khóa trình của trẻ nhỏ, thế nhưng chúng ta cũng phải cả đời phụng hành những giáo huấn trong sách này. Hơn nữa nói thật ra, trước đây trẻ trước năm, sáu tuổi gia đình đã phải dạy cuốn kinh điển này rồi.
Các vị đồng tu, vị nào trước năm, sáu tuổi đã từng học “Đệ Tử Quy” xin giơ tay? Kỳ thực là có, có một số phụ huynh đều dạy con từng chút việc nhỏ nhặt trong cuộc sống, ví dụ ngồi có tướng ngồi, đứng có tướng đứng. Tôi có một số người bạn, cử chỉ của họ đều rất đoan trang, tôi liền hỏi họ nguyên nhân do đâu? Họ nói từ nhỏ lúc ăn cơm nếu ngồi nghiêng vẹo thì cha lập tức uốn nắn ngay. Đũa không cầm hẳn hoi thì sẽ như thế nào? Cha liền gõ cho một cái, lập tức phải nhanh chóng cầm đũa cho đàng hoàng. Khi mọi việc nhỏ nhặt trong cuộc sống bạn được Cha hướng dẫn như vậy thì bạn là người có phước báo, bạn phải chân thành cảm ơn Cha. Hơn nữa, từ nhỏ được cha mẹ dạy, khi bạn ra xã hội, thực sự so với những người khác thì biểu hiện trong lời nói, cử chỉ của bạn rất là khác họ.
Cũng do hầu hết mọi người chưa từng học “Đệ Tử Quy”, cho nên hiện nay chúng ta cũng nên nhanh chóng học bù lại, học tốt “Đệ Tử Quy”. Bởi vì “Dạy con dạy cái trước phải dạy mình”, muốn dạy con cái tốt thì phải dạy ai tốt trước? Dạy bản thân chúng ta tốt trước. Thái độ học tập của chúng ta nhất định là chính mình phải học trước. “Từ thiên tử cho đến thứ dân, việc đầu tiên là phải lấy tu thân làm gốc”. Khi chúng ta tu thân tốt rồi tự nhiên trong vô thức con trẻ sẽ bị ảnh hưởng. Rất nhiều người nghe xong một tiết học thì lên nói với Thầy Cô giáo chúng tôi là: Chồng tôi nên đến nghe, người bạn nào đó của tôi nên đến nghe. Họ nghe giảng trong đầu đều nghĩ đến ai thiếu cái này, ai thiếu cái kia, chỉ có ai không thiếu? Do vậy thái độ này rất quan trọng. Chúng ta phải tập trung vào bản thân mình phải học tốt trước, không nên đi yêu cầu người khác trước.
Sau khi trở về bạn đừng nói với chồng là “Từ nay trở đi việc dạy con cái anh đều phải nghe em, bởi vì em đã nghe thầy Thái giảng bài rồi”. Nếu bạn nói như vậy thì sau này tôi nhất định không dám đến chỗ bạn giảng bài nữa. Bởi vì nếu ở trên đường đột nhiên có một người đàn ông chạy đến nói “Anh có phải là thầy Thái không?”. Có thể là do vợ anh ấy sau khi nghe giảng xong đã yêu cầu nghiêm khắc đối với Anh nên oán khí của Anh bốc lên rồi. Lúc đó tôi nhất định sẽ nói tôi không phải thầy Thái, hảo hán không chịu thiệt trước mắt. Do vậy chúng ta muốn có thể dùng giáo huấn Thánh Hiền để tề gia, có thể giúp nhiều người hơn nữa được lợi ích thì bước đầu tiên nhất định phải bước cho đúng. Bản thân mình nhất định phải làm người tốt trước, sau đó ảnh hưởng cả nhà, ảnh hưởng công ty của bạn, những người thân bạn bè nơi bạn sống. Tiếp theo chúng ta trực tiếp xem Kinh văn phần “Ở nhà phải hiếu”. Chúng ta cùng đọc câu Kinh văn này một lần:
“Cha mẹ gọi, trả lời ngay. Cha mẹ bảo, chớ làm biếng. Cha mẹ dạy, phải kính nghe. Cha mẹ trách, phải thừa nhận”
“Cha mẹ gọi, trả lời ngay”. Trẻ hiện nay cha mẹ gọi chúng “Tiểu Minh ơi”, chúng đều trả lời như thế nào? Đáp án chắc chắn nhất sẽ là “Gì vậy? Con đang xem truyền hình, đừng ồn nữa.”. Kỳ thực chúng ta nghĩ xem hiện nay người 30-40 tuổi khi cha mẹ gọi chúng ta trả lời như thế nào? Bạn đã từng thấy bạn của bạn à, khi cha mẹ gọi họ, họ lập tức kính cẩn lễ phép đi đến nói “cha à, có chuyện gì vậy ạ?”. Ai có người bạn như vậy xin giơ tay? Người bạn như vậy phải cố gắng kết giao, rất có đức hạnh.
Tôi nhớ có một lần đúng lúc tôi đến nhà một người bạn. Người bạn này hiện nay cũng đang giảng dạy trong trường đại học. Khi tôi đi tìm anh, đúng lúc anh đang nói chuyện với cha. Anh giúp tôi mở cửa rồi nói “cậu ngồi đây trước, tôi còn đang báo cáo toàn bộ tình hình công việc hiện nay của tôi cho cha tôi nghe”. Tôi ngồi đó xem được một bức họa “cha con thân tình”, trong lòng rất cảm động. Người bạn này của tôi nhỏ nhẹ từ tốn nói rõ ràng rất nhiều tình hình của anh cho cha nghe. Vì sao phải nói rõ ràng? Mọi việc làm của chúng ta cha đều hiểu rõ thì ông mới yên tâm, không bị lo lắng. Do vậy chân thật làm được “cha mẹ gọi, trả lời ngay”, chúng ta nhìn thấy đều rất cảm động. Cho nên phải dạy con trẻ khi cha mẹ gọi nhất định phải đến hỏi cha mẹ “cha mẹ có chuyện gì vậy ạ?”. Trẻ còn rất nhỏ bạn dạy chúng như vậy thì chúng đều có thể làm được. Đương nhiên những thái độ chính xác đối với cha mẹ này cũng nhất định phải cắm chắc gốc từ nhỏ. Khi bạn phát hiện con trẻ có thái độ nói chuyện không cung kính với người lớn thì nhất định phải ngăn cấm ngay lập tức. Nếu thái độ bất kính này của chúng đã thành thói rồi thì rất khó sửa trở lại. Khi chúng không khởi được tâm cung kính thì đạo nghiệp đời này có thể được thành tựu không? Không thể nào. Thiện căn, đức hạnh của 1 người căn bản chính là ở hiếu và kính, cung kính.
Có một đứa trẻ đúng lúc gõ cửa gọi mẹ thì bà nội đi đến muốn bảo nó đi ăn. Đứa trẻ này hơn sáu tuổi, lập tức nói với bà nội là “bà đừng ồn nữa”. Mẹ cậu ở trong phòng nghe thấy, rất cảnh giác về cách nói chuyện của nó. “Bà nội gọi”, nhưng nó không làm được “trả lời ngay”. Cho nên vừa bước ra cô liền nói với con là “xin lỗi bà ngay”. Kết quả đứa trẻ hơn sáu tuổi này rất cứng đầu, chết cũng không xin lỗi. Bà nội ở bên cạnh nói “trời nóng thế này, xin lỗi cái gì chứ?’’ Không cần xin lỗi. Nếu bạn là con dâu lúc này bạn sẽ làm thế nào? Cơ hội giáo dục con trẻ tốt như vậy nhưng bà nội lại nói không cần xin lỗi, xin lỗi cái gì chứ. Lúc này chúng ta phải rất nhẫn nại, hơn nữa cũng phải tự phản tỉnh mình. Lúc này cô cúi đầu nói với mẹ chồng là “con không dạy tốt cháu, con xin lỗi mẹ”. Kết quả cô vừa cúi xuống, mẹ chồng cô rất cảm động, lúc đó con của cô liền rơi nước mắt. Đương nhiên đứa trẻ có thể rơi nước mắt chứng tỏ nó đã sanh tâm hổ thẹn rồi. Tiếp theo cô nói với con là “con phạm lỗi, bà nội không những không mắng con, còn luôn luôn nghĩ đến con, còn sợ con đứng ở đây quá nóng, Con có thấy bà lúc nào cũng nghĩ cho con không?”. Lời này vừa nói xong, mẹ chồng nghe rồi rất cảm động “con dâu có thể hiểu được tâm mình”, cho nên bà liền đi ra.
Các vị đồng học, quan hệ mẹ chồng nàng dâu như vậy sau này nói chuyện có tiện không? Tiện. Bởi vì bà có thể thấu hiểu được con dâu đang dạy dỗ con của mình. Sau này cô cũng yêu cầu con mình rửa bát, quét dọn, mẹ chồng cũng không có ý kiến gì. Do vậy đích thực vẫn cần phải dùng một tấm lòng chân thành mới có thể khiến gia đình càng ngày càng viên mãn. Hôm đó đứa trẻ này viết nhật ký nói là “mình có hai cái tôi, một cái tôi tốt, một cái tôi xấu, hai cái tôi đó thường giằng co với nhau”. Bạn xem đứa trẻ tuổi còn nhỏ như vậy, nếu chúng ta không nghiêm khắc dạy dỗ thì chắc chắn suốt đời của chúng đều biến thành nô lệ cho thói xấu của mình, chắc chắn sẽ sống những ngày nhận giặc làm cha, đều bị giặc phiền não khống chế. Cho nên “cha mẹ gọi, trả lời ngay”, thái độ này cũng phải giúp trẻ cắm chắc nền tảng từ nhỏ.
“Cha mẹ bảo, chớ làm biếng”, việc cha mẹ giao phó chúng ta cũng phải nhanh chóng mà đi làm, không được kéo dài dây dưa. Khi chúng ta cũng học “Đệ Tử Quy”, vậy thì bạn và con cái sẽ có ngôn ngữ chung. Khi bạn gọi con đi tắm mà chúng còn lề mề, lúc này bạn có thể nói “cha mẹ bảo”, chúng sẽ nói tiếp như thế nào? “Chớ làm biếng”, hơn nữa chúng biết mình học học vấn Thánh Hiền, muốn làm học trò tốt của Khổng Phu Tử thì chúng sẽ tích cực mà đi làm. Khi chúng làm được, lúc đó bạn nên nói với thầy cô, lúc lên lớp thầy cô lại biểu dương “bạn học nào đó ở nhà làm rất tốt”, vậy thì chúng sẽ càng ngày càng nỗ lực, càng tích cực hơn.
“Cha mẹ bảo, chớ làm biếng”, việc chúng ta đã nhận lời với cha mẹ thì cũng nên tận tâm tận lực đi làm. Các vị đồng học, chúng ta dễ thất tín với ai nhất? Đúng vậy, cha mẹ có ân lớn nhất với chúng ta nhưng đối với việc cha mẹ dặn dò chúng ta lại ít nhạy cảm nhất, vô trách nhiệm nhất. Chúng ta có trách nhiệm nhất với việc của ai giao phó? Có trách nhiệm nhất với việc khách hàng giao phó, đều rất sợ sơ xuất, việc làm ăn sẽ không thành công. Do vậy người hiện nay đặt cái gì ở vị trí đầu tiên vậy? Lợi. Đúng vậy! Nếu tâm hiếu xếp ở vị trí đầu tiên thì đối với việc cha mẹ giao phó chắc chắn sẽ tận tâm tận lực đi làm. Mọi người chúng ta đừng làm ngược lại mà phải tận tâm tận lực đặt việc cha mẹ dặn dò lên vị trí đầu tiên thì mới đúng.
Khi chúng tôi giảng đến câu này, thì đột nhiên có một vị thầy nhớ ra mấy ngày trước về nhà nhìn thấy cha mình đang cạo râu bằng một con dao cạo râu đã cũ rồi. Thầy liền nói với cha là “cha à, đừng dùng cây dao này nữa, chiều nay con giúp cha mua một cây dao cạo râu khác”. Cha thầy nghe vậy thì rất vui liền vứt con dao cạo râu đó vào thùng rác. Kết quả thầy bận nên đã quên mất, đã quên mất hai, ba ngày rồi. Trở lại nghe giảng thầy mới nghĩ ra “ồ, quên mất rồi”. Hôm đó trở về trước tiên thầy nhanh chóng gọi một cuộc điện thoại, làm gì? Xin lỗi cha, kết quả cha thầy đã giận mấy ngày rồi. Thầy nhanh chóng đi mua rồi dùng chuyển phát nhanh gửi về cho cha, cho nên “cha mẹ bảo, chớ làm biếng”.
“Cha mẹ dạy, phải kính nghe”, khi cha mẹ dạy dỗ chúng ta thì chúng ta phải cung kính để tiếp nhận. Nghe nói trẻ hiện nay đều là nói một câu là cãi lại chín câu, đỉnh là cãi lại, cho nên không có tâm cung kính đối với cha mẹ. Con cái nói một cãi chín, vậy hiện nay chúng ta có phải nói chuyện với cha mẹ cũng rất cung kính hay không? Cho nên trên làm dưới noi theo. Nếu chúng ta nói chuyện với cha mẹ mà không kiên nhẫn trong vô hình chung đã ảnh hưởng xấu đến con cái rồi. Thí dụ khi cha mẹ dạy dỗ chúng ta chúng ta cũng thường cãi lời thì con trẻ sẽ học tấm gương xấu này. Cho nên “cha mẹ dạy, phải kính nghe”. Rất nhiều bạn nói là cha mẹ nói tôi rất nhiều việc đều không phải là sự thật, cho nên tôi phải giải thích một chút, tôi phải trả lời lại họ như vậy mới được. Khi cha mẹ dạy dỗ chúng ta thì tâm trạng đều như thế nào? Tâm trạng bực bội của họ tương đối cao, bạn lại cãi lời thì chỉ làm tình hình thế nào? Càng tệ hơn mà thôi, đến lúc đó có thể cha con sẽ cãi nhau, cho nên lúc này nên im lặng lắng nghe.
Thí dụ cha mẹ nói chúng ta mười vấn đề, trong đó chỉ có ba việc là đúng, vậy chúng ta nên nghiêm túc phản tỉnh ba lỗi này, thậm chí bảy lỗi kia chúng ta cũng không cần thanh minh. Đợi khi cha mắng xong rồi đến khi cha bình tĩnh lại rồi, ông sẽ tự cảm thấy vừa rồi như thế nào? mình trách con có thể hơi quá đáng. Mình trách nó quá đáng như vậy mà nó không phản bác lời nào, ngược lại cha mẹ sẽ càng ngày càng tôn trọng chúng ta hơn “đứa con này của tôi thật có tu dưỡng”. Khi cha mẹ cảm thấy mình mắng hơi quá lời, rất có thể họ sẽ quay lại ngồi xuống hoặc gọt ít trái cây “nào ăn trái cây đi”, muốn làm dịu bầu không khí một chút. Lúc này bạn đừng nói “cha à, vừa rồi cha mắng con quá lời rồi đó”. Vậy cha sẽ như thế nào? Mặt rất là khó chịu. Lúc này chúng ta cũng nên hiểu cha mẹ đã cảm thấy vừa rồi mình mắng hơi quá lời rồi. Lúc này bạn nên nói “cha à, gần đây cha phải đi kiểm tra sức khỏe phải không”? Hôm nào con xin nghỉ làm đưa cha đi nhé”. Cha bạn vốn cảm thấy có chút áy náy, bạn lại cung kính ông như vậy thì cảm giác áy náy của cha sẽ không còn nữa, thậm chí là vô cùng vui vẻ “con trai mình thật ngoan, thật hiếu thảo”. Khi cha mẹ tín nhiệm chúng ta càng cao mà chúng ta cho họ lời kiến nghị thì họ sẽ càng có thể tiếp nhận.
Khổng lão phu tử có nhắc đến “người già nên dứt trừ lòng tham”. Người già rồi đều tương đối tham, tương đối không có cảm giác an toàn, đều lo được lo mất. Cho nên lúc này chúng ta là phận con cái phải thường khuyên bảo cha mẹ buông bỏ những chấp trước của thế gian, khi cha mẹ càng tín nhiệm bạn thì lời bạn nói họ càng có thể tiếp nhận. Khi cha mẹ đều có thể buông bỏ những chấp trước này, tiếp theo bạn hãy khuyên họ niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ, họ đương nhiên cũng có thể vui vẻ mà tiếp nhận. “Cha mẹ lìa trần cấu thì đạo làm con mới viên thành”, đời này chúng ta có thể gặp cơ hội tốt như vậy, nghe được pháp môn niệm Phật, chúng ta hy vọng cha mẹ đời này cũng có thể liễu thoát sanh tử, có thể lìa khổ được vui. Muốn giúp cha mẹ có thể tin sâu, mà tu học thì trước tiên cũng phải đặt nền móng trên sự tín nhiệm của cha mẹ đối với chúng ta.
Rất nhiều người sau khi học Phật Pháp cảm thấy rất tốt, liền lập tức muốn cha mẹ tiếp nhận, kết quả ngược lại cha mẹ không thể tiếp nhận. Rất nhiều người cảm thấy cha mẹ như thế nào? Không có thiện căn nên không thể tiếp nhận. Kỳ thực vấn đề không phải ở cha mẹ mà ở đâu? Ở bản thân chúng ta. Bởi vì sau khi học chúng ta không y theo lời Phật nói, trước tiên phải từ “Tịnh nghiệp tam phước”, phải bắt đầu từ đâu trước? Bắt đầu làm từ “hiếu dưỡng cha mẹ”. Chúng ta đều tặng phong bì cho sư phụ trong chùa nhưng có tặng phong bì cho cha mẹ không? Khả năng cũng không có rồi. Chúng ta gặp sư phụ thì cúi lạy sư phụ, gặp cha mẹ có cúi lạy không? Không cúi lạy. Cho nên cha mẹ nói sau khi con học Phật thì rất thân thiết với người ngoài, không thân thiết với người trong nhà nữa. Nhìn thấy sư phụ đồng tu thì tươi cười rạng rỡ, khiêm nhường lễ độ, về đến nhà lập tức biến đổi, mỗi ngày đều nói vì sao mọi người không học Phật? Vì sao mọi người nhiều khuyết điểm như vậy? Thường nhìn lỗi lầm của người trong nhà, vậy người trong nhà sẽ cảm nhận thế nào đối với người học Phật chứ? Lảng tránh còn sợ không kịp nữa, nếu học rồi mà thành như vậy thì tôi cũng không muốn học. Do đó thái độ của người nhà đối với Phật Pháp có liên quan chặt chẽ với chúng ta.
Cho nên sau khi chúng ta học rồi thì càng phải hiếu kính cha mẹ hơn nữa, càng phải tận trách nhiệm với gia đình của mình. Không thể sau khi học Phật rồi thì việc trong nhà bạn cũng không làm nữa, mỗi ngày chạy đến đạo tràng nấu cơm, chồng con của bạn thì không có cơm ăn, vậy thì gốc ngọn đảo ngược rồi. Lúc đó chúng ta chẳng những không tuyên truyền Phật Pháp mà rất có khả năng là gì? Lấy chính mình để hủy báng Phật pháp. Bởi vì đều khiến người trong nhà cảm thấy đừng học Phật Pháp nữa, học Phật không tốt, vậy thì chúng ta đã chướng ngại nhân duyên người nhà học Phật rồi. Vâng, cho nên “cha mẹ dạy, phải kính nghe”.
Tiết học này chúng ta học đến thôi, xin cảm ơn mọi người.