Đệ Tử Quy và Tu Học Phật pháp (Tập 08)

De tu quy va tu hoc phat phap

Giám định Lão Pháp Sư Tịnh Không

Chủ giảng thầy Thái Lễ Húc

Giảng từ ngày 6/3/2005 đến ngày 13/03/2005 tại Tịnh Tông Học Hội Australia

TẬP 8

Các vị pháp sư tôn kính, các vị đồng học, xin chúc mọi người buổi sáng tốt lành! A Di Đà Phật!

Hôm qua chúng ta nói đến:

 “Ở ổn định, nghề không đổi”.

Chữ nghề này gồm có học nghiệp, đạo nghiệp và gia nghiệp. Muốn duy trì tốt gia đình thì vợ chồng có nhận thức chung, vợ chồng cùng biết vun đắp là điều vô cùng quan trọng. Trong gia đình có hai trách nhiệm quan trọng nhất, một là trách nhiệm kinh tế, hai là trách nhiệm giáo dục. Hôm qua chúng tôi cũng nhắc đến thời xưa “nam lo việc bên ngoài, nữ quản việc gia đình”. Do vậy công việc giáo dục này là của người mẹ ở nhà giúp chồng dạy con, nhưng xã hội hiện nay rất nhiều vợ chồng đều ra ngoài làm việc cho nên xuất hiện một danh từ mới gọi là người thay thế cha mẹ.

Hiện nay người thay thế cha mẹ do ai làm vậy? Người giúp việc làm. Người giúp việc sẽ làm thành hình dáng như thế nào? Đưa trẻ đi mua rau à? Vậy rất tốt, đó cũng là một sự học tập. Người giúp việc đối với trẻ có thái độ như thế nào? Xem trẻ là ai? Xem trẻ là tiểu hoàng đế còn họ là người giúp việc. Cho nên đứa trẻ do người giúp việc nuôi dạy thì năng lực sinh hoạt vô cùng kém. Có thể khi chúng muốn ra ngoài thì ngồi trên một chiếc ghế nhỏ hai chân duỗi ra đợi người ta mang vớ, mang giầy cho chúng. Ở nhà có lẽ việc gì cũng không biết làm, đến trường thầy cô giao cho chúng công việc quét dọn nói là “em hãy quét dọn sạch sẽ khu vực này nhé”. Chúng có thể nói với thầy cô là “thưa thầy, em cho thầy tiền thầy làm giúp em nhé”. Đây là thật không phải là giả. Do vậy năng lực sinh hoạt của chúng rất kém. Khi năng lực sinh hoạt của chúng kém như vậy thì sau này ra xã hội liệu có thể thuận buồm xuôi gió được không? Sẽ rất khó khăn đây, có thể còn trở thành gánh nặng cho đoàn thể, bởi vì thói quen sinh hoạt không tốt. Đây là trên phương diện làm việc của chúng.

Tiếp theo, như rất nhiều khu vực còn mời người lao động nước ngoài. Năng lực ngôn ngữ của lao động nước ngoài không tốt. Họ nói ngôn ngữ của nước mình cũng không rõ ràng. Nên sau khi được lao động nước ngoài nuôi dạy thì năng lực ngôn ngữ của những đứa trẻ đó bị giảm sút nhanh chóng. Cho nên đời sau không bằng đời trước. Mà năng lực ngôn ngữ là nền tảng của tất cả các môn học, điều này rất quan trọng. Bởi vì trong quá trình tôi dạy học rất nhiều trẻ học môn xã hội, môn tự nhiên, môn toán học rất kém, là do ngay đến đề thi chúng cũng xem không hiểu, nên toàn bộ sự học tập bị kéo xuống. Cho nên chúng ta nhìn thấy nếu muốn dạy ra đứa trẻ tốt mà giao con cho người giúp việc thì rất khó. Khi đời sau dạy không tốt, dù chúng ta có nhiều tiền của, địa vị có cao hơn, thì thực tế mỗi ngày bạn vẫn vô cùng lo lắng, không biết con mình có gây ra chuyện gì nữa không? Thứ nhất là người giúp việc.

Thứ hai là ông bà nội, giáo dục cách thời đại. Bởi vì có sự giúp đỡ của ông bà nội nên người trẻ chúng ta hiện nay sau khi sanh con thì lập tức bỏ cho ông bà. Kỳ thực làm như vậy đối với người làm cha mẹ có tốt không? Đó là không có lòng trách nhiệm. Sanh con rồi thì nên cố gắng nuôi dạy chứ không phải đẩy cho cha mẹ, như vậy thì cha mẹ sẽ vô cùng mệt mỏi. Rất nhiều cặp vợ chồng trẻ vào ngày nghỉ thứ bảy, chủ nhật cũng dẫn con về nhà ông bà nội. Vừa vào nhà thì hai vợ chồng ngồi trên ghế sô pha mà đọc báo, con cái thì để chúng ở đó chạy tới chạy lui, ông bà nội thì vô cùng bận rộn ở trong bếp. Có thể sáng sớm đã phải đi mua đồ ăn, mua về rồi lại nhanh chóng đi nấu, kết quả đến trưa thì gọi họ ra ăn cơm. hai vợ chồng liền nói “Ồ! ăn cơm thôi”. Sau khi cùng nhau ăn cơm, ăn xong lại nói “cha mẹ à, chúng con phải đi rồi”, liền phủi mông đứng dậy. Cho nên Cha mẹ đợi họ đi xong ngồi trên ghế sô pha cảm thấy rất mệt, sau đó lại nghĩ thà không về còn hơn, về nhà cũng không giúp được việc gì, chỉ về để bàn giao công việc. Như vậy có xem là “sáng phải thăm, tối phải viếng” không? Đó là “sáng phải thăm, tối phải viếng” trên hình thức, làm tăng thêm gánh nặng cho cha mẹ. Khi về nhà hai vợ chồng nên chủ động giúp đỡ, cùng nhau nấu bữa cơm đó, chứ không phải để ông bà bận rộn như vậy. Vậy nên cha mẹ đã qua tuổi trung niên, bước vào những năm cuối đời rồi, thì chúng ta đừng tăng thêm gánh nặng cho họ nữa.

Tiếp theo, bởi vì ông bà nội tuổi tác tương đối cao rồi, chúng ta hay nói là ngậm kẹo đùa cháu. Ngậm kẹo đùa cháu không thể mỗi ngày đều như vậy nếu không nhất định sẽ nuông chiều hư cháu. Trong giáo dục có một điều rất quan trọng là phải có ân đức và uy nghiêm. Tôi vô cùng nghiêm khắc với đứa cháu trai của tôi. Bởi vì nghiệp không nặng không sanh Ta Bà. Đứa cháu trai đó của tôi vừa sanh xong thì hôm sau đã đến nhà tôi rồi. Kết quả lần đầu tiên tôi nhìn thấy nó thì mắt của nó đảo qua đảo lại, không hề giống một đứa trẻ mới sanh, ánh mắt rất lanh lợi, dáng vẻ rất thông minh. Cho nên đối với nó tôi rất nghiêm khắc, vô cùng nghiêm túc, bởi vì nhất định phải có người áp chế được nó. Cha mẹ tôi thì rất yêu thương nó, thường nói với tôi “đừng nghiêm khắc với trẻ nhỏ như vậy”. Kết quả mấy tháng sau, có một lần mẹ tôi tức giận nói với tôi là “Ây dà! Con nghiêm khắc là đúng, nó đã trèo lên đầu mẹ rồi”. Do vậy ông bà nội nuôi dưỡng thì rất nhiều tình huống sẽ dung túng cho trẻ. Một khi trẻ dưỡng thành thói quen hỗn láo thì rất khó uốn nắn.

Tiếp theo, rất nhiều trẻ khi vừa tan học liền giao cho thầy cô lớp học thêm. Người hiện nay có một nhận thức dường như cảm thấy tiền có thể giải quyết được rất nhiều vấn đề. Chỉ cần tôi có tiền thì tôi có thể giáo dục con cái được tốt. Kỳ thực cách nghĩ này bạn hãy tỉ mỉ suy nghĩ. Bản thân tôi khi học trung học, vì tiểu học chưa từng học thêm, tiểu học có bạn đi học thêm nhưng sau khi lên trung học thì thành tích so với chúng tôi càng ngày càng kém xa. Hiện tượng này tôi vẫn chưa suy nghĩ qua mà chỉ có ấn tượng này. Sau này tôi đứng lớp, trong 10 học trò đứng đầu dường như gần một nửa đi học thêm, một nửa không học thêm. Tôi bắt đầu tỉ mỉ quan sát, những học trò đi học thêm ngồi ở phía dưới, thí dụ bài học hôm nay chúng đã học ở lớp học thêm rồi thì chúng ngồi ở phía dưới sẽ nói với bạn học “bài này mình biết rồi, bài kia mình cũng biết rồi”. Chúng có chuyên tâm nữa không? Không chuyên tâm. Nếu bài hôm nay chúng vẫn chưa học qua thì trong tâm chúng sẽ nghĩ như thế nào? Không sao, buổi chiều đến lớp học thêm vẫn dạy mà, cho nên chúng không chuyên chú. Nếu một đứa trẻ không chuyên chú thì có thể học tốt được không? Không thể nào!

Tiếp theo, đêm trước ngày đi thi chúng nhất định sẽ ngồi ôm một tờ giấy lớn, gọi là đề cương ôn tập tổng hợp trước kỳ thi. Ai giúp chúng tổng hợp vậy? Thầy cô lớp học thêm giúp chúng tổng hợp, cho nên chúng ra sức học thuộc trang đề cương ôn tập tổng hợp trước kỳ thi này. Còn những bạn không học thêm thì đều tự mình vẽ từng hàng từng cột các điểm quan trọng, còn nói với nhau là “nào, bạn hỏi mình các vấn đề rồi mình hỏi lại bạn xem chúng mình có nhớ sót các trọng điểm không”. Cho nên những đứa trẻ không đi học thêm khi chúng viết từng hàng trọng điểm là chúng đang học cách làm sao chỉnh lý tư liệu rồi, làm thế nào để nắm được trọng điểm. Phương pháp đọc sách đều được hình thành trong quá trình tự học này, còn những đứa trẻ đi học thêm thì hình thành thái độ không chuyên tâm, thêm nữa là đọc sách đều phải dựa vào thầy cô lớp học thêm. Do vậy thường sau khi lên trung học thì khoảng cách càng ngày càng xa. Do vậy tiền chưa chắc có thể giải quyết được vấn đề.

Tôi từng hỏi học trò “bạn nào đã ăn cơm sáng mời giơ tay?”, dường như một nửa đều không giơ tay. Tôi liền hỏi “các em buổi sáng thức dậy mẹ không nấu bữa sáng sao?”. Chúng trả lời rằng “mẹ em còn đang ngủ”, “vậy mẹ không giúp các em chuẩn bị bữa sáng sao?”. Chúng nói có, đều là để vài đồng tiền lẻ trên bàn. Đây gọi là bữa sáng, nhưng số tiền lẻ này có gọi là bữa sáng được không? Cha mẹ bỏ tiền ra có đi tìm hiểu hiệu quả không? Kỳ thực số tiền lẻ này có thể đã biến thành cái gì? Thành đồ chơi điện tử, thành đồ ăn vặt, cho nên thường đến hơn 9 giờ, hoặc 10 giờ thì sắc mặt rất nhiều học sinh đều tái mét đi, vì sao vậy? Vì quá đói. Cho nên làm cha mẹ phải dụng tâm nhiều hơn một chút tìm hiểu tình hình thực tế của con, nếu không, thường khi con xảy ra vấn đề thì bạn sẽ vô cùng kinh ngạc.

Tôi cũng từng trao đổi với phụ huynh, bởi vì con của họ thường vào những quán Cafe Internet. Hễ vào là hầu như mấy giờ đồng hồ. Cha mẹ nó căn bản là không biết. Chúng tôi khuyên họ quan tâm con cái nhiều một chút, họ trả lời là “thầy à, sáng sớm tôi phải đi làm rồi, khi tôi trở về thì con nó đã đi ngủ rồi. Mỗi ngày tôi đều bận rộn kiếm tiền nên không có cách nào hết”. Dù kiếm được tiền thì chúng ta cũng phải hiểu là tiền là của năm nhà hưởng chung. Hỏa hoạn muốn tiền của chúng ta, lũ lụt muốn tiền của chúng ta, còn có tham quan ô lại muốn tiền của chúng ta, còn có trộm cắp, cường đạo muốn tiền của chúng ta, nhưng 4 loại này vẫn chưa phải lợi hại nhất. Loại nào lợi hại nhất vậy? Con cháu bất hiếu, chúng tiêu tiền rất đáng sợ. Tiền bạn tích cóp 30-40 năm chúng có thể tiêu hết trong bao lâu? Có thể không đến vài năm thì đã tiêu hết rồi. Do vậy phải đề phòng ngăn chặn ngay từ đầu, phải cân nhắc việc nặng nhẹ nhanh chậm, giáo dục con cái không được xem nhẹ.

Ngoài ra, một cái thay thế cha mẹ nữa chính là truyền hình và máy tính. Rất nhiều trẻ vừa tan học thì người giúp việc liền giao chúng cho truyền hình và máy tính. Chúng vừa xem thì như như bất động, đều là bất động mấy tiếng đồng hồ. Vì sao trẻ xem truyền hình có hiệu quả như vậy? Các vị đồng học có kinh nghiệm không? Khi bạn ngồi xem truyền hình người bên cạnh gọi bạn cũng không biết. Bạn có biết nguyên nhân không? Bởi vì tia bức xạ sẽ khiến não của người dường như ở cảnh giới cách thế giới này 96 giờ đồng hồ, là một mảng trống rỗng chỉ có những hình ảnh đó. Cho nên tại sao có nhiều quảng cáo như vậy? Quảng cáo trên truyền hình rất đắt nhưng những công ty thương mại này đều tình nguyện bỏ ra một số tiền lớn như vậy để làm quảng cáo trên truyền hình? Bởi vì khi người đang xem truyền hình thì đều không biết suy nghĩ, cho nên thấy sản phẩm dưỡng da này thoa lên có thể căng mịn như vậy thì liền tin tưởng, sau đó nhanh chóng đi mua. Mà tia bức xạ truyền hình sẽ trở ngại rất lớn đối với thân tâm của trẻ.

Có một bài viết là “truyền hình nuôi lớn trẻ thơ”. Bài viết này có đăng trên trang mạng Đại Phương Quảng Văn Hóa Công Ích của chúng tôi. Các vị đồng học, ở Bắc Kinh chúng tôi có thiết lập một trang mạng là Văn Hóa Trung Hoa, trên đó có giáo huấn của ba nền giáo dục Nho, Thích, Đạo. Các vị đồng học có thể lên mạng xem. Một năm nay những bài ghi chép diễn giảng của chúng tôi cũng đều đăng lên mạng. Đường link là www.dfg.cn, dfg là Đại Phương Quảng, cn là Trung Quốc. Cho nên chúng ta làm cha mẹ nên vào đó tìm hiểu những tư liệu này, tìm hiểu tính sát thương của truyền hình đối với trẻ như thế nào. Hơn nữa chúng ta phải suy nghĩ đến việc trẻ xem truyền hình đều hết sức chăm chú, chúng nghe thầy cô giảng bài 40 phút, có thể tập trung 20 phút thì không tệ rồi. Cho nên hiện nay chúng tôi làm thầy cô cũng không biết phải làm sao. Bởi vì công phu dạy học của chúng tôi đều không bằng ai? Không bằng truyền hình, không bằng máy tính. Những ô nhiễm mà truyền hình tạo ra chúng ta làm cha mẹ phải cẩn thận, phải bảo vệ con của mình. Dù muốn xem truyền hình thì cũng phải chọn những kênh truyền hình tốt cho thân tâm của chúng.

Cho nên giáo dục con trẻ thì vợ chồng nên đích thân dạy dỗ sẽ rất tốt. Rất nhiều bạn lại nói: vậy không kiếm đủ tiền thì phải làm sao? Chúng ta suy nghĩ một chút, đời trước đều là cha ra ngoài kiếm tiền, kết quả còn sanh năm, sáu người con thậm chí nhiều hơn nữa. năm, sáu người con này hiện nay chẳng phải đều sống rất tốt hay sao? Hơn nữa những trưởng bối đời trước của chúng ta không những thân thể cường tráng mà thái độ đối với gia đình, đối với cha mẹ đều vô cùng tốt, đều rất hiếu thuận. Vì sao vậy? Bởi vì đời trước rất khổ. Con cái từ nhỏ nhìn thấy cha mẹ rất vất vả nên trong lòng luôn nghĩ, mình lớn lên sẽ làm gì? Sẽ kiếm tiền để hiếu thuận cha mẹ. Cho nên cuộc sống càng khổ thì ngược lại khiến con trẻ càng hiểu được cảm ân, càng có chí hướng. Mặc dù nuôi rất nhiều con, khổ một chút nhưng không khí gia đình rất vui vẻ, anh em cũng biết giúp đỡ lẫn nhau, không muốn tăng thêm gánh nặng cho cha mẹ. Do vậy “Chu Tử Trị Gia Cách Ngôn” có nhắc đến “gia đình hòa thuận dù bữa no bữa đói cũng rất vui vẻ”. Mặc dù không có tiền bạc gì nhưng gia đình rất vui vẻ, trong tâm thường có rất nhiều niềm vui. Cho nên những người đã 4-50 tuổi rồi có thể hồi tưởng lại, tuổi thơ là một ký ức rất đẹp.

Thế nhưng hiện nay sanh rất ít con, từ nhỏ cuộc sống rất dư giả, cho nên chúng không biết cảm ân, xem sự hy sinh của cha mẹ là điều đương nhiên. Bởi vì từ nhỏ trẻ muốn gì thì cho chúng cái đó, cho nên thói quen sống của chúng rất xa xỉ. Chúng ta vì muốn thỏa mãn thói quen của trẻ lại muốn cho chúng cuộc sống tốt nhất nên bạn nhất định phải kiếm nhiều tiền hơn, cho chúng đời sống vật chất. Kỳ thực chúng ta phải suy nghĩ kỹ điều này, có cần để lại rất nhiều tiền cho con không? Cần không? Điều này rất quan trọng. Ở Sán Đầu có một cặp vợ chồng sanh được sáu người con, sau đó họ rất chăm chỉ kiếm tiền mua sáu căn nhà cho con ở, cũng giúp chúng lấy sáu người vợ, đều giúp mỗi người thành gia lập nghiệp. Kết quả cặp vợ chồng này rơi vào hoàn cảnh thế nào? Không có nhà ở, cho nên nuông chiều hư con rồi. Từ nhỏ trẻ cảm thấy cha mẹ cho con những thứ này đều là lẽ đương nhiên.

Sau đó hàng xóm nhìn chướng mắt liền nói với họ “anh chị phải kiện sáu đứa con này”. Các vị đồng học có cần kiện không? Có cần không? sáu đứa con bất hiếu như vậy, “gia đình cấm tranh tụng”. Người trong gia đình chỉ cần đến tòa án thì phần lớn đều sẽ không có chuyện tốt, “tranh tụng cuối cùng đều không may”. Bởi vì gia đình vẫn phải dĩ hòa vi quý. Nếu họ thật sự đi kiện sau đó họ thắng kiện, sáu đứa con này nhất định mỗi người sẽ chăm sóc họ hai tháng, họ sẽ ở từ nhà người con trai thứ nhất đến người con trai thứ sáu. Vợ chồng vốn dĩ có thể sống được mười, hai mươi năm nữa, kết quả sau khi thắng kiện thì có thể chỉ sống được hai, ba năm, vì sao vậy? Khi con dâu nấu cơm cho họ ăn nhất định sẽ vứt đó rồi nói “lấy mà ăn đi”. Mỗi ngày họ sống trong không khí như vậy thì tinh thần rất ức chế. Tinh thần vừa ức chế thì các tế bào sẽ biến thành bệnh rồi. Cho nên đáng lẽ có thể sống được mười, hai mươi năm nữa nhưng ở nhà con thì chỉ sống được hai, ba năm có thể đã bị ung thư rồi, nhưng biết trước có ngày hôm nay thì lúc đầu sao lại làm như vậy?

Cho nên phụ huynh sáng suốt thì dù có tiền cũng không để con cái biết, nếu không trong tâm chúng sẽ luôn nghĩ “cha mình rất nhiều tiền”. Hiện nay cha mẹ của chúng mua rất nhiều nhà, trong tâm chúng đều nghĩ “cái này là của con, cái kia cũng là của con”. Có hiện tượng này không? Có. Bạn đừng thấy chúng nói “cái này là của con, cái kia cũng là của con” mà bạn còn ở đó cảm thấy chúng rất đáng yêu. Bạn phải cảnh giác điều này.

Cho nên chú Lư nói với con chú rằng “tất cả tiền của cha là lấy của xã hội nên phải dùng cho xã hội, một đồng cha cũng không để lại cho các con đâu. Các con muốn đi học thì cha sẽ toàn tâm toàn ý đào tạo các con, nhưng tuyệt đối không cho các con tiền”. Cho nên từ nhỏ thái độ của trẻ là gì? Là không dựa dẫm, phải dựa vào chí hướng của mình. Ngay đến việc con ra nước ngoài du học, tiền cho con chú cũng tính toán vừa đủ tiền học phí và sinh hoạt, không cho nhiều hơn. Cho nhiều hơn sẽ như thế nào? Tiền càng nhiều thì sẽ làm ra nhiều chuyện xấu, không có tiền thì không có nhiều việc để làm, cho nên tiền bạc đều tính toán rất kỹ. Sau đó chú có ba điều quy ước với các con chú là “con tiêu nhiều thì cha nhất định sẽ không gửi tiền cho con, con tự mình giải quyết”. Lúc này những lời cảnh cáo phải nói trước. Chú lại nói với con mình “nếu con sanh một đứa con da đen, sanh một đứa con da trắng trở về thì cha đoạn tuyệt quan hệ cha con với con, cha tuyệt đối không nhận”. Con trai chú hiểu cha mình nói được là làm được. Cho nên trước tiên phải nói rõ quy củ với chúng.

Sau khi học xong chuẩn bị trở về, con của chú gọi một cuộc điện thoại cho mẹ nói là “mẹ ơi, bây giờ con không có tiền ngồi máy bay trở về”. Mẹ cậu nghe xong rất lo lắng. Kỳ thực mẹ là người dễ gạt nhất. Con trai nói một câu thì thấp thỏm không yên rồi, hôm sau lập tức muốn đi gửi tiền cho con của cô. Chú Lư liền nói “nào, em qua đây. Anh tính cho em xem. Hiện nay tiền trong tay nó có thể vừa đủ mua vé máy bay”. Cậu hiểu cha của mình, chỉ cần cậu vừa trở về nước thì chắc chắn sẽ bắt cậu tự lực cánh sinh, sẽ không cho cậu tiền nữa. Cho nên cậu muốn giữ lại một ít thì sẽ tương đối dư dả một chút. Chú nói “đừng gửi nữa, nó chắc chắn đủ tiền trở về”. Kết quả con trai chú lại gọi hai, ba cuộc điện thoại nhưng không ai trả lời cậu. Quả không sai nó đã ngoan ngoãn bay trở về. Kết quả vừa trở về chú Lư liền nói với con là “tốt rồi, con đã học xong, phải tự lập thôi”, liền bảo con mình chuyển ra ngoài sống, lúc đó vật giá rất cao.

Kết quả con của chú đi xin việc, xin vào tổ chức giáo dục. Con chú mới hơn 20 tuổi muốn ứng tuyển làm thư ký tổng giám đốc. Kết quả có rất nhiều người đi ứng tuyển. Vị tổng giám đốc này khi phỏng vấn cậu, phỏng vấn hai, ba giờ đồng hồ, những người sau đều không vào được. Tổng giám đốc hỏi cậu “bản kế hoạch này thật sự là do cậu viết hay sao?”. Ông không tin được người 20 mấy tuổi có thể viết ra một bản kế hoạch như vậy. Các vị đồng học vì sao con của chú có thể viết ra được như vậy? Được ai rèn luyện vậy? Cho nên cha mẹ chân thật yêu thương con cái thì nên cố gắng cho chúng trải nghiệm, thành tựu nhân cách và năng lực làm việc cả đời cho chúng. Sau khi phỏng vấn xong thì tổng giám đốc không phỏng vấn những người phía sau nữa. Ông nói với cậu là “cậu nói xem cậu muốn bao nhiêu tiền”. Mức lương để cậu tự quyết định. Các vị đồng học có muốn con của mình khi đi phỏng vấn tự định mức lương cho mình không? Đương nhiên con của chú có ra giá quá cao không? Không thể nào. Cho nên sau này cậu làm rất tốt, làm chưa được mấy tháng khi trả lương lại tăng lương cho cậu. Kết quả tăng thêm 3000 Đài tệ. Cậu liền chia cho hai đồng nghiệp khác trong bộ phận của mình, mỗi người 1000 tệ, bản thân mình cũng 1000 tệ. Đây là nơi nơi đều lo nghĩ thay cho đồng nghiệp của mình.

Một đứa trẻ có thái độ như vậy căn nguyên đều là vấn đề giáo dục gia đình của chúng. Bạn xem đứa trẻ có thái độ độc lập như vậy hoàn toàn là do cha mẹ dạy dỗ chúng. Cho nên chúng ta dù có tiền cũng không để con mình biết, cũng đừng để lại cho đời sau. Tục ngữ nói “Con tài đức mà để lại nhiều tiền cho con”, tức là một đứa con có tài năng đức hạnh nhưng bạn để lại cho chúng quá nhiều tiền của “ắt sẽ làm nhụt chí hướng của chúng”, tức là vốn dĩ chúng rất có chí hướng nhưng càng ngày càng ăn chơi mất cả ý chí. “Con si khờ mà để lại nhiều tiền cho con”, tức là con cái tương đối ngu muội bạn lại cho chúng rất nhiều tiền thì “càng tăng thêm lỗi lầm cho chúng”, sẽ tăng thêm rất nhiều thói quen xấu, tập tánh xấu của chúng, rất nhiều lỗi lầm.

Khi triều nhà Hán khai quốc, Lưu Bang phân đất phong hầu cho hơn một trăm công thần, những người đã giúp ông thống nhất thiên hạ. Phong hầu xong họ đều có đất, đều có nhà cửa. Trải qua sau hơn một trăm năm nhà sử học đi điều tra xem hiện nay tình hình gia đình của hơn một trăm vị công thần này như thế nào? Kết quả nhà sử học này vô cùng kinh ngạc, hơn một trăm người này dường như đã hoàn toàn tiêu hao kiệt quệ hết, con cháu còn phải lưu lạc ra đầu đường để xin ăn, chỉ còn lại chưa đến mười người là gia tộc vẫn còn hưng vượng. Trong đó có một gia tộc là gia tộc của Tiêu Hà vẫn rất hưng vượng. Lúc đầu khi phân đất phong hầu thì Tiêu Hà không đi tranh những mảnh đất ở trung tâm thành thị mà ngược lại ông muốn một mảnh đất rất khô cằn. Tiêu Hà nói đất đai khô cằn không có người cướp, đất đai khô cằn nếu con cháu không canh tác thì như thế nào? Không có cơm ăn, cho nên chúng phải rất cần cù, rất tiết kiệm. Cho nên cần kiệm vun vén gia đình thì có thể được dài lâu. Sau một trăm năm gia phong của ông vẫn không suy.

Cho nên dù vợ chồng chúng ta chỉ có một người đi kiếm tiền nhưng ăn tiêu tiết kiệm thì vẫn có thể duy trì được. Quan trọng hơn là khi chúng ta sống đạm bạc tiết kiệm thì thái độ cần kiệm của con cái sẽ được cắm gốc. Lợi ích này rất lớn. Các vị đồng học có phải một người đi kiếm tiền thì tiền sẽ ít không? Hôm qua chúng ta cũng nhắc đến tiền của phải cầu như lý như pháp, mà nguyên nhân chân thật của tài phú là gì? Là tài bố thí. Lúc đầu chị gái tôi cũng làm việc ở cơ quan nhà nước, sau đó mang thai nên chị đã nghỉ việc còn ở nhà chúng tôi để đợi sanh. Vừa đúng lúc trong quãng thời gian đó tôi có rất nhiều cơ hội để trao đổi với chị về quan niệm giáo dục, tôi nói với chị rất nhiều. Cho nên đứa cháu ngoại của tôi vừa sanh ra chỉ cần nghe thấy âm thanh của tôi là mắt liếc qua. Bởi vì âm thanh này quá quen thuộc, âm thanh này rất lảm nhảm thường hay ở đó nói mãi không thôi. Cho nên chị tôi đã từ bỏ công việc rất tốt của mình, nhân sanh có xả thì sẽ có đắc, kết quả ngược lại sau khi chị nghỉ việc thì anh rể tôi càng kiếm càng nhiều tiền, một mình anh kiếm tiền. Chị tôi thường có một số tiền không dùng đến, bởi vì kỳ thực chị ở nhà nuôi con không dùng gì đến tiền nên chị đã đưa tiền cho tôi. Chị nói “em giúp chị đi bố thí, giúp chị đi in sách, giúp chị mang sang nước ngoài cứu trợ thiên tai, đều không vấn đề gì. Chị rất tín nhiệm tôi, bảo tôi toàn quyền xử lý.

Có một lần họ đến một siêu thị lớn để mua đồ, đúng lúc siêu thị vừa mới khai trương nên có hoạt động rút thăm trúng thưởng, có thể điền thông tin. Chị tôi liền điền thông tin rồi bỏ vào trong. Giải đặc biệt của họ là một chiếc ô tô. Kết quả không bao lâu có điện thoại gọi đến họ nói “cô Thái à, cô đã rút được giải đặc biệt rồi là một chiếc ô tô”. Họ lại lái ô tô trở về, cho nên một miếng ăn một ngụm nước đã định sẵn rồi. Đã trồng nhân bố thí thì sớm muộn sẽ được tài phúChúng ta hiểu rõ đạo lý này thì lý đắc tâm an. Khi chúng ta giúp chồng dạy con cũng có thể giúp sự nghiệp của chồng không có quá nhiều rắc rối. Bởi vì con cái từ nhỏ do mình nuôi dạy, trong phương diện ăn uống cũng đặc biệt chú ý cho chúng ăn những thứ có dinh dưỡng, nên từ nhỏ sức đề kháng của chúng rất tốt. Các vị đồng học, một đứa trẻ từ nhỏ có sức đề kháng tốt cả đời có thể tiết kiệm được bao nhiêu tiền? Bạn xem hiện nay bao nhiêu phụ huynh con thường bị cảm mạo phải đưa con đi khám bệnh vừa mất tiền, mất thời gian, lại mất sức khỏe. Khi trẻ từ nhỏ thân thể không tốt thì cả đời chúng chịu rất nhiều thiệt thòi.

Cho nên chúng ta dạy con cái thì vợ chồng vẫn nên san sẻ công việc. Khi tôi giảng bài ở Thượng Hải có một cô gái trẻ chắc chắn vẫn là chưa kết hôn. Cô đến nói với tôi “Thầy Thái à, nếu năng lực làm việc của người vợ cao hơn chồng rất nhiều thì người vợ có cần ở nhà chăm sóc con cái không? Các vị đồng học cảm thấy thế nào? Nếu năng lực làm việc của người vợ rất cao, người chồng cũng có tâm này, rất thích chăm sóc con cái, rất thích dạy dỗ con cái thì vợ chồng phối hợp cũng rất tốt. Dù sao quan trọng nhất là phải nắm được trọng điểm, nhất định phải dạy tốt thế hệ sau, cho đến việc phối hợp như thế nào thì vợ chồng cũng phải phối hợp cho hài hòa.

Đương nhiên người làm cha có thể chỉ kiếm tiền được không? Không được, cha con phải có tình thân. Chúng ta phải trao đổi trò chuyện, quan tâm con cái nhiều hơn. Rất nhiều người cha nói “tôi bận chết được, nhân tại giang hồ thì như thế nào? Thân bất do kỷ”. Kỳ thực người không muốn làm thì có thể tìm một trăm, một nghìn lý do, nhưng nếu muốn làm thì có thể vượt qua mọi khó khăn. Kỳ thực sống cùng con cái không cần bạn mỗi ngày phải mất mấy giờ đồng hồ, quan trọng nhất là bạn có tâm hay không? Ngày nay chúng ta làm cha, nếu thật sự có tâm thì mỗi ngày chỉ cần bỏ ra mười, hai mươi phút ở cùng với con, hơn nữa phải làm lâu dài không gián đoạn. Sau đó trong mười phút này, điện thoại nhất định phải tắt đi, những việc phiền nhiễu khác cũng phải gác sáng một bên, nếu không bạn ngồi đó với con mười mấy phút mà nhận hai, ba cuộc điện thoại thì trong tâm con cái sẽ cảm thấy thế nào? Chúng nói “cha à, thôi cha đi nghe điện thoại đi, đừng ở đây ồn nữa”. Chúng cảm nhận được mặc dù thân cha ở đây nhưng tâm có ở đây không? Không ở đây.

Cho nên trong hơn mười phút này chúng ta có thể kể những câu chuyện “hiếu đễ trung tín, lễ nghĩa liêm sỉ” của Thánh Hiền cho con nghe. Mỗi ngày kể hai câu chuyện. Chỉ cần bạn kiên trì làm thì chúng trẻ sẽ cảm nhận được cha vô cùng quan tâm mình, vô cùng yêu thương mình. Chúng đến trường học, chúng rất tự tin nói với bạn học là cha tôi mỗi ngày đều giảng hai câu chuyện giáo dục đức hạnh cho tôi nghe. Bạn học sẽ dùng ánh mắt rất hâm mộ mà nhìn chúng, chúng sẽ nói tiếp “nào, mình kể cho các bạn nghe nhé”. Cho nên nếu một người cha mỗi ngày bỏ ra hơn mười phút thì có thể sau này sẽ đào tạo ra một nhân tài giảng kinh. Bởi vì chúng mỗi ngày đều giảng cho người khác nghe. Trong quá trình kể chúng lại một lần nữa được huân tập những tấm gương của Thánh Hiền, cho nên quan trọng nhất là chúng ta vẫn phải có tâm giành thời gian cho con.

Đời người có một môn học nhất định phải biết, đó là học cách từ chốiBởi vì gia đình cần phải vun bồi, nếu chúng ta mất quá nhiều thời gian vào việc xã giao, vào những việc không quan trọng thì thời gian sẽ rất dễ trôi mất. Các vị đồng học làm sao để từ chối một số cuộc hẹn không quan trọng? Có thể dùng hai con át chủ bài, con át chủ bài đầu tiên là cha mẹ. Thí dụ bạn bè muốn lôi kéo bạn đi ăn uống vui chơi, lúc này bạn hãy nói với họ “Ồ, xin lỗi nhé, thật không may là tuần trước tôi đã hẹn với mẹ tôi hôm nay nhất định phải về ăn cơm tối với mẹ rồi. Đã hơn một tháng tôi không về nhà, thật là ngại quá”. Bạn nói chân thành như vậy đối phương đột nhiên sẽ nghĩ “ồ, hai tháng nay mình cũng không về nhà rồi”. Nói không chừng tấm lòng của bạn sẽ thức tỉnh hiếu tâm của anh ấy. Cho nên con át chủ bài đầu tiên là dùng cha mẹ để cự tuyệt, hầu hết mọi người sẽ không miễn cưỡng mà làm khó bạn.

Con át chủ bài thứ hai là vợ con. Nếu bạn bè muốn tìm bạn đi ăn uống. Lúc này bạn nói với họ “thật ngại quá, gần đây tôi và con trai đang học “Đệ Tử Quy”, đã hẹn rồi hôm nay phải giảng cho nó nghe câu chuyện giáo dục đức hạnh. “Đệ Tử Quy” lại nói “phàm nói ra, tín trước tiên”, cho nên tôi không thể thất hứa với con mình được, nếu không tôi không cách nào dạy nó được”. Thông thường người ta nghe xong cũng không miễn cưỡng làm khó bạn. Hai con át chủ bài này phải luôn nắm ở trong tay, tùy thời có thể đưa ra. Nếu hai con át chủ bài này đều đánh rồi nhưng người bạn đó vẫn muốn kéo bạn đi ăn uống thì phải làm sao? Đời người phải hiểu được lấy bỏ. Bạn bè như vậy tôi thấy thôi bỏ đi, phải kính trọng nhưng nên tránh xa.

Sau khi vợ chồng có được nhận thức chung này, chúng ta muốn vun bồi tốt gia đình thì trước tiên phải có đức hạnh. Cho nên người chồng phải hiểu được có ân nghĩa, tình nghĩa, đạo nghĩa. Làm vợ chúng ta nói tam tòng tức đức. Tứ đức này gọi là “phụ đức, phụ ngôn, phụ công, phụ dung”. Người chồng phải có ân nghĩa với cha mẹ của mình. Bởi vì giáo dục là trên làm dưới noi theo. Chúng ta nhất định phải biểu hiện thật tốt để con cái học tập. Phải có ân nghĩa với cha mẹ, phải có tình nghĩa với vợ mình. Đối với con cái, bởi vì chúng ta sanh con ra thì phải có trách nhiệm cố gắng dạy bảo chúng, cho nên phải có đạo nghĩa với con cái. Phải đem chữ nghĩa này biểu diễn ra. Vợ phải có phụ đức, phụ ngôn, phụ công, phụ dung. Tục ngữ nói “con trai hiếu không bằng con dâu hiếu”. Nếu con dâu hiếu thảo thì cả gia đình sẽ vô cùng hòa vui nhưng nếu con dâu không có đức hạnh thì có thể khiến cả nhà chó gà cũng không yên, cho nên phụ đức vô cùng quan trọng.

Từ khi người mẹ bắt đầu mang thai đã có ảnh hưởng thầm lặng đối với con rồi, cho nên giáo dục của chúng ta là bắt đầu từ thai giáo. Chúng tôi có một người bạn, con của anh đã hơn mười tuổi rồi. Đúng lúc chúng tôi đến Hải Khẩu, sau khi bắt đầu phát triển phổ biến “Đệ Tử Quy” thì anh cảm thấy mình không dạy tốt con cái, cũng thấy rất đáng tiếc. Nhưng do sự đáng tiếc này nên không muốn những người làm cha mẹ sau này dạy con sai lầm, cho nên anh luôn mang theo cuốn “Đệ Tử Quy” bên người. Có một lần đi cắt tóc, vừa hay cô cắt tóc đang mang thai, anh lập tức nói với cô về quan niệm giáo dục gia đình, tiện thể tặng cô một quyển “Đệ Tử Quy” và một đĩa “Đệ Tử Quy”. Sau đó cô cắt tóc này đã sanh con rồi, đúng lúc anh lại đến chỗ cô cắt tóc. Cô cắt tóc này nói với anh là “con của tôi chỉ cần đang khóc tôi liền mở “Đệ Tử Quy” cho nó nghe thì nó liền không ồn nữa.” Cho nên thai giáo thật sự tồn tại, mà sau khi đứa con sanh ra chúng đều nhìn từng lời nói cử chỉ của mẹ chúng. Sự ảnh hưởng vô hình đó vô cùng sâu xa. Khi người mẹ nhấc tay cất bước đều vô cùng đoan trang thì con cái sẽ noi theo, học theo. Cho nên phụ đức vô cùng quan trọng.

Tiếp theo là phụ ngôn, con người giao tiếp với nhau dùng ngôn ngữ là nhiều nhất. Nếu người mẹ nói chuyện chua ngoa khắc nghiệt thì con của họ nói chuyện có thể cũng không khách sáo. Chúng tôi thường đến nhà một số đồng học thấy người trong nhà họ nói chuyện giống như là đang cãi nhau vậy, nói chuyện rất lớn tiếng. Chúng tôi nói với họ là “anh nhỏ tiếng một chút”. Họ sẽ trả lời như thế nào? Chúng tôi đã quen rồi, đều lớn tiếng như vậy. Thói quen này ở nhà thì còn được, nếu đến công ty mới, đến hoàn cảnh mới người khác có hiểu không? Không hiểu được. Bạn nói chuyện lớn tiếng như vậy rất có thể sẽ khiến người khác hiểu lầm, trong vô hình tăng thêm trở ngại cho chính mình rồi. Cho nên từ nhỏ nói chuyện không những phải phúc hậu mà âm điệu nói chuyện cũng không được quá lớn, không được quá gấp gáp. Điều này “Đệ Tử Quy” cũng đều có nói là: “phàm nói chuyện, nói trọng điểm, chớ nói nhanh, chớ mơ hồ”. Cho nên nói chuyện phụ huynh cũng phải dạy. Khi con cái nói chuyện rất nhanh thì bạn phải nhẫn nại học tập cùng trẻ. Bạn nói “nào, con từ từ nói chứ, mẹ ngồi đây nghe”. Nếu chúng lại nói quá nhanh hoặc nói sai thì bạn vẫn phải tiếp tục rất nhẫn nại nói với chúng “con nói rõ ràng lại từ đầu đi”. Khi chúng dưỡng thành thói quen này rồi thì sau này chúng nói chuyện sẽ không gấp gáp nữa.

Có một người bạn đúng lúc nhận điện thoại, nhận điện thoại xong, con trai của cô ở bên cạnh nói với cô là “mẹ ơi, vừa rồi nhất định là ba gọi về”. Vì sao con trai vừa nghe liền biết là cha gọi điện vậy? Bởi vì từ ngữ khí, thái độ khi mẹ nó nói chuyện liền biết nhất định là cha. Người mẹ này cũng rất cảnh giác vì thái độ cô nói chuyện với chồng tương đối không tốt, tương đối nóng vội “gì đấy”. Nhưng Cô cũng rất nhạy bén, lúc đó liền cảm thấy nhất định phải sửa đổi lại. Hôm đó chồng cô lại gọi về. Cô thấy trên điện thoại hiển thị là số của chồng, cô lập tức nhấc máy nói “alô! Chào anh”. Chồng cô nói “xin lỗi, tôi gọi nhầm số rồi”. Không lâu sau anh ấy gọi lại rồi nói “ấy, là em sao?”. Cho nên phụ ngôn, đừng xem thường ngôn ngữ, con trẻ đều đang quan sát, đều đang học tập, phải để cho chúng có tâm bình đẳng.

Tiếp theo là phụ công. Bởi vì phụ nữ thời xưa phải học may vá, làm một số công việc của phụ nữ. Hiện nay đương nhiên nghề dệt may phát triển nên không cần học may vá nữa. Muốn xây đắp tốt một gia đình quả thực cũng phải có bản lãnh. Như mẹ tôi nghỉ hưu rồi nhưng mỗi ngày cũng phải mất mấy giờ đồng hồ để quét dọn nhà cửa sạch sẽ, cho nên cũng không dễ dàng. Nhưng sự hy sinh này rất xứng đáng bởi vì con cái vừa vào nhà, cả nhà chính là một sự giáo dục. Nếu nhà cửa đều lộn xộn, mắt nhìn thấy sẽ dần dần bị nội hóa, cho nên khi nhà cửa lộn xộn, chúng cũng rất thờ ơ. Nhưng nếu nhà cửa gọn gàng, chúng rất quen với trạng thái này rồi thì chỉ cần vừa lộn xộn lên chúng liền chủ động đi dọn dẹp.

Ngoài việc dọn dẹp nhà cửa ra nếu ở nhà không có ai nấu cơm thường ăn ở bên ngoài, thứ nhất thân thể có tốt không? Chắc chắn không tốt. Thân thể vừa không tốt thì gia đình không biết lại phải mất bao nhiêu tiền nữa. Tiếp theo ngoài thân thể không khỏe ra thì không khí gia đình có dễ gắn kết không? Tất cả đều tự lấy tiền đi ăn cơm thì toàn bộ lực gắn kết sẽ càng ngày càng lỏng lẻo. Tôi nhớ lúc nhỏ có một câu khẩu hiệu là “người cha hãy về nhà ăn cơm tối”. Điều này rất quan trọng. Cha tôi rất ít khi ăn uống ở bên ngoài cho nên không khí gia đình rất tốt. Do vậy chúng ta vẫn phải học năng lực nấu ăn. Đương nhiên không thể nói hoàn toàn là do vợ nấu, người chồng cũng phải học năng lực này. Đến khi người vợ có việc bận thì người chồng đều có thể giúp đỡ được. một người làm việc với hai người làm việc cảm nhận có giống nhau không? Hoàn toàn không giống. Khi có người giúp đỡ trong lòng cũng rất vui vẻ. Cho nên phụ công cũng rất quan trọng.

Tiếp theo là phụ dung, tức là dung nhan của phụ nữ cũng phải rất chú ý. Rất nhiều người chồng có thể vừa bước vào cửa nhìn thấy vợ thì giật mình “Ây da! Vì sao dáng vẻ lại như vậy?”. Bởi vì rất nhiều phụ nữ sau khi sanh con xong cảm thấy sanh con và chưa sanh con là một ranh giới. Sau khi sanh con rồi thì gọi là một bà mẹ nên có thể sẽ bắt đầu cam tâm đọa lạc, lôi thôi lếch thếch thường khiến người chồng giật mình bỏ đi. Dung mạo của phụ nữ quan trọng là cử chỉ đoan trang, phải gọn gàng chỉnh tề khiến người khác nhìn thấy tâm tình vui vẻ, tuyệt đối không phải bảo bạn trang điểm lòe loẹt sau đó vỗ một cái thì rơi ra một đống phấn son, như vậy thì thái quá rồi. Khi bạn rất đoan trang, bạn đừng mặc đồ ngủ mà chạy khắp nhà, chồng bạn nhìn không quen, con cái cũng thấy rất lôi thôi. Cho nên chúng ta vẫn phải tự thương mình, vẫn phải đoan trang. Điều này đối với không khí gia đình và việc vợ chồng bạn chung sống có lợi ích rất lớn.

Bốn đức của phụ nữ người nam có cần tuân thủ không? Cần. Nam nữ bình đẳng mà. Cho nên khi người chồng có đức hạnh thì bạn mới là tấm gương tốt của con cái, bạn mới được vợ tôn trọng. Tiếp theo là cách ăn nói. Nếu người chồng nói chuyện rất thô lỗ “lời gian xảo, từ bẩn thỉu” thì con của bạn đều sẽ học được. Tiếp theo người chồng phải có năng lực làm việc mới có thể kinh doanh tốt sự nghiệp. Trong nhà bạn cũng biết làm một số công việc, một số sự việc vậy thì có thể giúp đỡ lẫn nhau. Cuối cùng người chồng cũng phải có dáng vẻ. Nếu khi bạn ăn cơm mà chân gác lên ghế thì con cái có học theo không? Nếu chồng bạn ở nhà đều mặc rất lôi thôi thì con cái cũng sẽ rất lôi thôi. Cho nên việc này người nam cũng phải làm được. Phụ nữ chúng ta có cần có ân nghĩa, tình nghĩa, đạo nghĩa không? Đều phải có. Những đức hạnh này đều thông với tự tánh. Khi chúng ta làm một tấm gương tốt như vậy thì con cái nhất định sẽ dạy được rất tốt.

Chúng ta thấy tình trạng hiện nay tỷ lệ ly hôn như thế nào? Không ngừng tăng cao. Tôi nhớ khi tôi ở Hải Khẩu, lần đầu tiên đúng lúc cùng ngồi ăn cơm với một số bạn nữ. Ngồi cùng bàn có bốn phụ nữ thì ba người đã ly hôn còn một người đang chuẩn bị ly hôn, con của cô ấy mới một tuổi. Chúng tôi thấy vậy rất lo lắng, bởi vì khi hướng dẫn lớp học 1/3 đều là gia đình có tình trạng ly hôn và tình trạng giáo dục cách thế hệ. Chúng tôi không muốn cuộc đời nhiều đứa trẻ sẽ xảy ra những sự hối tiếc lớn cho nên nắm lấy cơ hội này phải ra sức cứu vãn tình thế, không thể uổng công ăn cơm được. Mượn cơ hội ăn cơm này tôi liền nắm bắt thời gian có thể trao đổi một chút. Thấy thời cơ đã chín muồi tôi liền chuyển đề tài câu chuyện, tôi nói “vợ chồng chung sống chỉ cần có thể nắm vững một câu châm ngôn bảo đảm có thể sống đến đầu bạc răng long.” Người bạn chuẩn bị ly hôn này lập tức mắt liền mở lớn, tập trung chăm chú chuẩn bị nghe. Tôi nói tiếp chỉ cần từ khi bắt đầu kết hôn đến cuối đời chỉ nhìn ưu điểm của đối phương không nhìn khuyết điểm của đối phương thì có thể sống đến đầu bạc răng long. Kết quả cô gái này nghe xong liền nhíu mày nhăn mặt. Các vị đồng học đều không nhíu mày nhăn mặt, mọi người đều tu dưỡng rất tốt. Cô ấy nhíu mày nhăn mặt nói “Thầy Thái à, khó, quá khó!”.

Tôi nhớ khi tôi diễn giảng ở Châu Hải, khi tôi nói xong câu châm ngôn này phía dưới có một cô gái lập tức nói lớn là “không có ưu điểm gì cả”. Tôi nói với cô gái này là “tôi thật khâm phục cô, chồng cô không có ưu điểm gì mà cô còn dám kết hôn với anh ấy à?”. Con người thật sự đều hay quên, tôi liền cho cô mượn cỗ máy thời gian của Đô rê mon. Tôi nói “chúng ta trở về trước lúc chưa kết hôn nhé, khi nam nữ vừa bắt đầu hẹn hò, khi yêu nhau tha thiết, mỗi ngày vẫn chưa tan ca đều ngồi đó nhìn đồng hồ, thời gian sao mà trôi chậm như vậy? Tại sao vẫn chưa đến 5 giờ rưỡi? Tôi muốn nhanh chóng tan ca đi đón bạn gái mời cô ấy đi ăn cơm, uống cafe ở nhà hàng mới mở đó. Sau khi ăn xong còn muốn mở báo ra xem để xem hôm nay bộ phim nào đặc biệt hay không? Vì sao tục ngữ nói: “chỉ muốn làm uyên ương chẳng mong làm thần tiên?” Bởi vì lúc đó đôi bên chỉ có một ý niệm là mình có thể làm gì cho đối phương. Khi đối phương từng giờ từng phút đều nghĩ cho bạn thì nội tâm của bạn sẽ cảm nhận thế nào? Cảm thấy rất vui, rất ấm áp. Cho nên hôm qua chúng tôi giảng đến cảm giác của yêu là ấm áp.

Vâng, khi yêu xong thì cùng bước lên thảm đỏ. Khi giấy kết hôn đóng dấu xong thì từ tôi có thể làm gì cho đối phương đột nhiên sẽ biến thành anh ấy nên làm gì cho tôi. Ý niệm này vừa chuyển thì từ thiên đường đi đến đâu? Bạn xem nếu đối phương mỗi ngày đều nói cái này anh làm không tốt, cái kia anh làm không tốt thì mỗi ngày bạn sống cảm giác sẽ như thế nào? Rất áp lực. Sau khi áp lực tích lũy lâu rồi thì sẽ càng ngày càng khó chịu. Cho nên thiên đường cùng địa ngục chỉ ở trong một ý niệm, chúng ta có thể biến thiên đường thành địa ngục mà chúng ta cũng có thể biến địa ngục thành thiên đường. Cách biến như thế nào?

Tiết học tiếp theo chúng ta sẽ cùng nghiên cứu, xin cảm ơn mọi người!