Giám định Lão Pháp Sư Tịnh Không
Chủ giảng thầy Thái Lễ Húc
Giảng từ ngày 6/3/2005 đến ngày 13/03/2005 tại Tịnh Tông Học Hội Australia
TẬP 10
Các vị pháp sư, các vị đồng tu, xin chào mọi người! Khi nãy chúng ta có nhắc đến:
“Cha mẹ ghét – cẩn thận bỏ”
Thói quen xấu phải trừ bỏ ngay lập tức, cũng không được là để cho con trẻ hình thành thói quen xấu, nếu không thì rất khó sửa. Có ba phạm nhân cùng vào tù một ngày, giám ngục rất nhân từ nên nói với ba người: Ba năm này ba người phải sống ở đây, ba người có nguyện vọng gì, nếu tôi có thể làm được thì tôi sẽ giúp đỡ. Người đầu tiên là người Mỹ, chưa kịp suy nghĩ thì anh đã nói: Cho tôi một bao thuốc lá. Người thứ hai là người Ý, người Ý mang lại cảm giác gì cho người khác? Rất lãng mạn, nói thì nghe hay như vậy, thực ra là rất háo sắc; chúng ta phải chú trọng vào thực chất, không nên bị những lời nói này mê mờ, không hiểu là ý gì. Người thứ ba là người Do Thái, anh đã phạm lỗi rồi, anh cúi người thật sâu chào giám ngục rồi nói: Tôi đã làm sai rồi, không thể làm sai thêm nữa, có thể cho tôi một chiếc điện thoại để nói chuyện với người bên ngoài? Giám ngục đồng ý với anh.
Ba năm sau, cửa nhà giam mở ra, người Mỹ xông ra ngoài, miệng hét lên: Diêm đâu? Diêm đâu? Bao diêm của tôi đâu? Ba năm nay anh đều nghĩ đến điều gì? Bởi vì chỉ đòi bao thuốc, không đòi bao diêm, cho nên ba năm nay đều ở đó buồn phiền, không có diêm làm sao hút thuốc chứ? Thời gian ba năm cứ thế trôi qua. Cho nên mọi người thấy đó, thói quen xấu của một người sẽ lãng phí biết bao tiền bạc, lãng phí biết bao thời gian, còn lãng phí sự kỳ vọng và yêu thương của cha mẹ và những người quan tâm chúng ta. Người thứ hai là người Ý, cửa vừa mở ra, người còn chưa bước ra đã nghe thấy âm thanh của mấy đứa trẻ. Tại vì sao lại như vậy? Bởi vì ba năm nay anh đã sinh ra một hay hai đứa con.
Tôi hỏi học sinh, người Mỹ thảm hơn, hay là người Ý thảm hơn? Mọi người cảm thấy ai thảm hơn đây? Là người Ý. Mặc dù các em mới học tiểu học nhưng cũng hiểu rõ, chúng nói người Ý thảm hơn, bởi vì sau khi ra ngoài, ngoài việc nuôi sống chính mình thì người Ý còn phải chăm sóc như thế nào? Cả lũ trẻ. Mà anh ấy có năng lực chăm sóc đúng không? Bởi vì trước khi làm bất kì chuyện gì anh ấy không có tâm trách nhiệm, không biết hậu quả sau khi làm. Cho nên tôi cũng nhân cơ hội này nói với học sinh, tìm người yêu nhất định là phải tìm người có trách nhiệm, không thể tìm người không có trách nhiệm. Tôi gọi một em học sinh nam đứng dậy, bình thường em này làm việc thường không có trách nhiệm, không làm bài tập, tôi nói với em: Em không được kết hôn! Em ấy ngây người ra. Tôi nói: Em không có trách nhiệm ngay cả với chính mình, không chăm sóc được chính mình, nếu như em kết hôn sẽ hại người khác, còn hại con cháu đời sau, cho nên khi nào em có trách nhiệm với chính mình thì mới được kết hôn, có nghe thầy nói không? Lời của tôi em ấy sẽ ghi nhớ bao lâu? Nhưng lời đó của tôi có dụng ý khác, mặc dù tôi nói cho em ấy nghe, trên thực tế là nói cho ai nghe? Cho cả lớp nghe, cho học sinh nữ nghe, điều kiện đầu tiên khi tìm người yêu là gì? Phải có trách nhiệm. Học sinh nam khác nghe được trong lòng nghĩ: Đúng rồi! Mình cũng phải có trách nhiệm. Chúng ta phải nắm bắt lấy những cơ hội này để giáo dục, dùng quan niệm thái độ này mà dẫn dắt học sinh.
Người thứ ba là người Do Thái bước ra, cung kính cúi người chào giám ngục, sau đó nói với giám ngục: Ba năm nay nhờ vào chiếc điện thoại mà tôi biết rất nhiều thông tin về thế giới bên ngoài, cũng có đầu tư làm ăn, bây giờ tôi đã có một số vốn, sau này sẽ làm người tốt, cảm ơn ân đức của anh dành cho tôi. Cho nên ba người chọn lựa khác nhau, cuộc đời của ba người cũng từ đó khác nhau một trời một vực rồi. Chúng ta xem thí dụ về người Mỹ, người Ý thì có thể hiểu được, chỉ cần nuôi dưỡng thói quen xấu thì sẽ có hại rất lớn cho cuộc đời chúng ta.
Vậy theo mọi người thói quen xấu nào không được có? Chúng ta cùng nhau suy nghĩ xem. Mọi người đều có thói quen tốt nên nhất thời không nghĩ ra à. Đúng rồi, “cờ bạc”, cái này rất nguy hiểm. Còn gì nữa không? Đúng rồi, “nát rượu”. Tiếp theo, “háo sắc”. Sao lại là phụ nữ nói ra? Đàn ông chúng ta cũng phải cảnh giác chứ. Còn gì nữa không? “Hút sách”, hiện nay điều này rất nghiêm trọng, nguy hại rất lớn. Cờ bạc không chỉ hủy hoại chính mình, còn hủy hoại gia đình, cho nên từ nhỏ không được nuôi dưỡng thói quen cờ bạc. Đương nhiên cha mẹ cũng không được làm cho con cái xem, có được phép đánh mạt chược không? Không được, nếu không từ nhỏ con bạn có thể đã học được rồi, vậy thì nguy hiểm rồi! Cho nên phải hết sức thận trọng với “cờ bạc”. Tiếp đó là rượu, không được uống rượu, “uống say rồi – rất là xấu”, thường uống rượu say, rất nguy hiểm cho chính mình, bạn xem rất nhiều tai nạn xe đều có liên quan đến rượu. Không chỉ chính mình gặp nguy hiểm, còn gây hại cho an toàn của người khác, rất nhiều người uống rượu rồi lái xe, còn đâm vào gia đình người khác, tổn hại tánh mạng và tài sản của người khác, chuyện này không chấp nhận được. Ngoài việc thêm điều luật trừng phạt nghiêm khắc người say rượu ra, quan trọng hơn nữa là phải giáo dục từ gia đình, nếu không để họ nhiễm phải, cho dù là phạt nặng hơn đi nữa, họ cũng đã nghiện không thể nhịn nổi rồi. Cho nên phải thận trọng lúc ban đầu, từ nhỏ không được nuôi dưỡng thói quen này.
Tiếp theo đó là háo sắc, “lúc trẻ phải kiêng giữ sắc dục”. Mà làm thế nào để con trẻ giữ giới sắc? Trong Đệ Tử Quy có câu “Nơi ồn náo – không đến gần”; Không sách Thánh – bỏ không xem”. Rất nhiều người lo sợ con cái đến độ tuổi thiếu niên sẽ xem những báo chí không hay, thực ra chỉ cần từ nhỏ bạn cắm rễ đức hạnh cho chúng, trên người chúng có chánh khí, khi chúng tiếp xúc những thứ không tốt, ngay lập tức cảm thấy không thoải mái, chúng sẽ có khả năng miễn dịch. Thay vì lo lắng sau này chúng ra sao, chi bằng bây giờ đặt nền tảng cho tốt. Tôi từng đi diễn giảng ở trường trung học, tôi hỏi học sinh: Tại sao vì sắc lại không tốt? Chúng nói: “Trên đầu chữ sắc có một con dao”. Con dao này sẽ tổn thương ai? Tổn thương thân thể của chúng ta, tổn hại sự an lạc của gia đình, còn làm hại đến sự tồn vong của một đất nước.
Kinh doanh một doanh nghiệp, nếu như không buông bỏ được chữ sắc này, sự nghiệp của bạn sớm muộn gì cũng sẽ sụp đổ, trong lịch sử có rất nhiều triều đại bị diệt vong đều có liên quan đến háo sắc. Chúng ta xem thời nhà Đường, trước khi Đường Huyền Tông gặp được Dương Quý Phi thì sáng tạo ra “Thịnh Trị Khai Nguyên”, thành tích chính trị vô cùng tốt; sau khi gặp được Dương Quý Phi, từ đó trở đi hoàng đế không thượng triều buổi sáng, khiến cho đất nước rơi vào nguy hiểm, tạo thành “loạn An Sử”. Từ thịnh trị Khai Nguyên trở thành loạn An Sử, khác biệt xa như vậy. Các vị đồng học mọi người cảm thấy loạn An Sử ai phải chịu trách nhiệm lớn nhất? Các bạn nam chỗ chúng ta nói là Đường Huyền Tông, mọi người vỗ tay cổ vũ một chút; chúng ta học Phật sẽ có lí trí, không đùn đẩy trách nhiệm cho người khác. Tôi từng diễn giảng ở một nơi khá xa, có một bạn nam nói là: “Dương Quý Phi”. “Sắc không mê người, là do người tự mê”, cho nên nguyên nhân gây ra loạn An Sử là gì? Duyên là gì? Quả là gì? Bởi vì Đường Huyền Tông không đoạn trừ được sắc, duyên là cái gì? Dương Quý Phi, mới tạo ra ác quả này. Cho nên nếu là Vua Nghiêu, vua Thuấn gặp được Dương Quý Phi thì sẽ không xảy ra chuyện, bởi vì không có nhân, nên ác duyên không cách nào biến thành ác quả. Chúng ta phải rất thận trọng đối đãi, tuyệt đối không thể bởi vì sắc mà hủy hoại gia đình, thậm chí là hủy hoại đoàn thể, hủy hoại đất nước.
Sau cùng chúng ta cùng xem chữ “độc”, việc hút ma túy hiện nay rất là nghiêm trọng, nếu bị nhiễm phải thì rất là khó cai. Thực ra tại sao con người lại hút thuốc phiện vậy? Tìm sự kích thích. Vì sao lại đi tìm sự kích thích? Nội tâm trống rỗng. Cho nên con người rất đáng thương, từ nhỏ đến lớn, nội tâm trống rỗng, thiếu sự dạy bảo của gia đình, thiếu sự quan tâm yêu thương. Cho nên vấn đề của xã hội hiện nay muốn giải quyết từ căn bản thì nhất định phải quay trở về giáo dục gia đình, sự trưởng thành trong gia đình, như vậy mới có thể giải quyết được căn bản. Đương nhiên đồng thời cũng phải dạy con trẻ hiểu được đúng sai, tốt xấu, thiện ác, nhất định phải nhanh chóng học Đệ Tử Quy, nếu không trong cuộc đời nhiều mê hoặc như vậy, không biết khi nào sẽ sa ngã. Cho nên cần phải “cha mẹ ghét – cẩn thận bỏ”.
“Cha mẹ thích – dốc lòng làm”
Cha mẹ hy vọng chúng ta khỏe mạnh, hy vọng gia đình của chúng ta hòa thuận, có nhiều kì vọng như vậy, chúng ta nên tận lực làm tốt. Muốn làm tốt những gì mà cha mẹ kì vọng, còn cần một yếu tố căn bản nhất định phải đặt ở vị trí đầu tiên khi quy hoạch cuộc đời, đó là tự mình phải trưởng thành, phải khai mở trí huệ. Bởi vì chỉ có khai mở trí huệ, chúng ta mới có thể khiến cho kỳ vọng của cha mẹ được viên mãn. Nếu như bạn không có trí huệ, không có nhận thức đúng đắn, có thể chăm sóc tốt cho thân thể hay không? Rất khó; nếu như bạn không có trí huệ, có thể dạy dỗ con cái không? Cũng rất khó; không có trí huệ, cũng khó mà duy trì sự nghiệp được ổn định dài lâu và hưng thịnh.
Sau khi chúng ta tốt nghiệp đại học, bạn nào cố định mỗi ngày học tập một tiếng đồng hồ xin mời giơ tay? Có hay không? Cố định học tập một tiếng đồng hồ? Trí huệ là hàng đầu, nhưng có lẽ chúng ta lại đặt nó ở vị trí phía sau, cho nên phải biết thứ tự trước sau mới có thể quy hoạch tốt cho cuộc đời. Mọi người đều không giơ tay, tôi rất hiểu, bởi vì mọi người đều có đức hạnh, đều rất khiêm tốn, có làm nhưng cũng không giơ tay. Cho nên công việc quan trọng nhất đó là phải nhanh chóng khai mở trí huệ, lợi mình lợi người.
“Thân bị thương – cha mẹ lo – đức tổn thương – cha mẹ tủi”.
Thân thể bị tổn thương sẽ khiến cha mẹ lo lắng. Có một đứa trẻ viết nhật ký là: Hôm nay mình bị cảm, mình rất buồn, không phải khó chịu vì bị cảm, mà bởi vì bị cảm là bất hiếu nên mình mới buồn. Bạn xem đứa trẻ có học kinh điển, suy nghĩ cũng khác những đứa trẻ khác, bởi vì em không làm được “Thân thể tóc da nhận từ cha mẹ, không dám làm tổn thương mới là khởi đầu của việc hành Hiếu đạo”. Câu này tôi cũng làm không tốt, tôi xin lỗi mọi người đang ngồi đây, bởi vì có rất nhiều bạn quan tâm đến tôi, mỗi lần thấy tôi đều chau mày nói: Thầy Thái, thầy ăn nhiều một chút! Tôi cũng phải làm được “Cha mẹ thích – dốc lòng làm”, như vậy mới xứng đáng với sự quan tâm của mọi người. Mà trong quá trình dạy học hơn một năm nay của tôi, tôi nhớ tháng bảy năm ngoái có giảng khóa học năm ngày lần thứ hai, giảng tới ngày thứ ba thì không chịu được nữa, ngày thứ tư tôi ngủ nguyên ngày, ngày thứ năm tiếp tục giảng, đó là tình huống xảy ra hồi tháng bảy. Sau đó càng giảng càng như thế nào? Trở nên khỏe mạnh, năm ngày này đại khái sẽ giảng khoảng hơn mười giờ đồng hồ, sau đó tới Hồng Kông quay video giảng bốn mươi giờ đồng hồ. Cho nên chúng ta phải có lòng tin vào Phật pháp, bố thí tài được giàu có, bố thí pháp được trí huệ, bố thí vô úy được khỏe mạnh sống lâu, là chân thật không hư dối.
Tôi nhớ vào tháng bảy khi tôi thuyết giảng lần thứ nhất có một số giáo viên đã từng tiếp xúc với tôi vào tháng 10 năm trước đó, chỉ nghe qua tôi giảng một lần. Sau đó không gặp nhau cũng mười tháng rồi, tôi tổ chức khóa học năm ngày ở Hải Khẩu, tôi hỏi các bạn giáo viên, tôi nói năm ngoái tôi giảng và bây giờ tôi giảng có gì giống nhau không? Mọi người không hề nghĩ ngợi liền nói: Khác rất xa! Tôi nghĩ trong lòng, không biết là năm ngoái giảng tệ đến mức nào? Đích thực là bố thí pháp có thể nâng cao trí huệ của chúng ta, càng bố thí thì càng được nhiều. Lúc đầu tôi đi Hải Khẩu, cô Dương nới với tôi: có hai ba người tới thì cũng phải giảng, chỉ có bàn ghế bảng đen cũng phải giảng. Cô Dương sắp xếp một nhiệm vụ cho tôi, đó là phải giảng ba trăm lần trước, những việc khác không cần quan tâm. Tôi đi tới miền quê, có cơ hội là tôi đi giảng ngay. Sau này có rất nhiều giáo viên nói với tôi: Thầy Thái à, tôi sợ tôi giảng không hay, phải làm sao? Tôi nói rất đơn giản, cứ giảng ba trăm lần trước, trong vô hình tự nhiên năng lực sẽ không ngừng nâng lên. Cho nên đối với thân thể của chính mình, “Thân bị thương – cha mẹ lo”, lúc nào cũng phải chăm sóc tốt cho thân thể.
“Đức tổn thương – cha mẹ tủi”. Đạo đức của chúng ta bị tổn hại, cha mẹ cũng sẽ rất đau lòng, cảm thấy hổ thẹn. Lúc nhỏ tôi sợ nhất là phải nghe câu: “Con cái nhà ai mà mất dạy vậy?”, nếu nghe câu này tôi sẽ đứng thẳng ngay lập tức, không dám làm càn, bởi vì rất sợ hành vi của mình làm cha mẹ hổ thẹn. Khi chúng ta có cái tâm hiếu thảo này, đức hạnh sẽ không bị lệch lạc. Luôn phải nghĩ là, cha mẹ không dễ gì mới nuôi chúng ta trưởng thành, chúng ta phải biết định vị: “Dùng đức hạnh lập thân, thực hành đại đạo, để lại tiếng thơm cho đời sau, khiến cha mẹ được vinh hiển”. Việc đại hiếu vinh hiển cha mẹ này, tuyệt đối không phải là đợi sau khi cha mẹ qua đời mới được vinh hiển, chỉ cần bạn tận tâm tận lực làm, người thân bạn bè tiếp xúc với bạn cũng sẽ rất cảm kích bạn. Mà khi những âm thanh cảm ân này truyền đến tai cha mẹ bạn, thì cha mẹ cũng cảm thấy rất là an ủi rồi. Hành vi của chúng ta ngoài việc không được để cho cha mẹ hổ thẹn, cũng không được để cho đất nước của chúng ta phải hổ thẹn, cho nên “cha mẹ tủi”, chữ cha mẹ này chúng ta phải mở rộng ra, không được để cho đất nước phải hổ thẹn.
Trên mạng có ba bài báo, bài thứ nhất là nói về nhà thờ Đức Bà ở Paris, ở trước cửa nhà thờ Đức Bà Paris có để một hàng chữ, dùng chữ Trung Quốc để viết, đó là câu “Vui lòng không nói lớn tiếng”. Tại vì sao lại viết bằng chữ Trung Quốc? Viết cho người Trung Quốc xem. Tôi từng giảng bài ở một khách sạn, thính giả bên dưới có một vị tổng giám đốc nói: Đúng vậy, khi chúng tôi đi du lịch, gặp người nước ngoài đang đứng xem những bức tranh nổi tiếng, chúng tôi sẽ chen tới phía trước ngay lập tức, người nước ngoài chỉ đành thở dài rồi bỏ đi. Cho nên từng lời nói cử chỉ của chúng ta đều có thể mang đến sự hổ thẹn cho quốc gia, phải thận trọng! Bài báo thứ hai là nói về Trân Châu cảng ở nước Mỹ, bên ngoài thùng rác có ghi một hàng chữ: “Vui lòng bỏ rác vào đây”, cũng viết bằng chữ Trung Quốc, cho chúng ta biết là người Trung Quốc đi đến đâu liền vứt rác đến đó. Có một lần tôi tới Vạn Lý Trường Thành, mấy giáo viên chúng tôi vừa đi vừa nhặt rác, đột nhiên có một người nước ngoài cầm máy ảnh chụp hình cái cảnh mà chúng tôi đi nhặt rác. Tại vì sao anh ấy lại làm như vậy? Anh này cảm thấy thật hiếm gặp, người Trung Quốc lại nhặt rác. Chúng ta làm tốt thì mới có thể khiến danh tiếng của đất nước càng ngày càng trở nên tốt, cho nên không được xem nhẹ từng lời nói cử chỉ của mỗi một người. Bài báo thứ ba là nói đến hoàng cung Thái Lan, trong nhà vệ sinh cũng có ghi một hàng chữ Trung Quốc: “Sử dụng xong vui lòng xối nước”. Ba thói quen này phải bắt đầu dạy từ lúc nào? Từ khi còn nhỏ.
Mọi người đã từng đến nhà thờ Đức Bà Paris chưa? Đã từng đến hoàng cung Thái Lan chưa? Đã từng đến Trân Châu cảng ở Mỹ chưa? Người có thể đi đến đó không nhiều, người có thể tới đó đều là những người như thế nào? Đa phần là du học sinh. Liệu có người nông dân nào, mỗi ngày lo cày ruộng đủ ăn ba bữa, có khả năng đến những nơi đó hay không? Không có, toàn là du học sinh, người có tiền, có địa vị, nhưng đến lễ nghĩa căn bản họ cũng không hiểu, không hiểu quy tắc, là do giáo dục xuất hiện vấn đề, thiếu sót nghiêm trọng cách làm người làm việc. Con trẻ nghe xong liền nói, chúng ta hãy xóa những dòng đó đi. Thầy cô tiếp tục dẫn dắt, xóa như thế nào? Em làm chuyện xấu, người khác nói ra, em có thể bịt miệng họ sao? Có thể bịt miệng họ được bao lâu? Cho nên chúng ta phải dùng đức hạnh để xóa những dòng chữ đó. Khi em đang ở nơi công cộng, ở sân bay, ở những nơi này đều rất ngoan ngoãn, không lớn tiếng nói chuyện, người nước ngoài nhìn thấy sẽ nói, sao mấy em nhỏ Trung Quốc lại ngoan ngoãn như vậy, từng chút một em sẽ xóa dần dòng chữ đó. Cho nên chúng ta phải dùng hành động thực tế để xóa đi sự hổ thẹn này.
Chúng ta đi công tác là thay mặt cho đoàn thể, thậm chí là thay mặt cho đạo tràng, nếu hành vi của chúng ta không thỏa đáng, có thể sẽ khiến công ty, khiến cho đạo tràng của chúng ta mất mặt. Cho nên chúng ta có thái độ như vậy, lúc nào cũng hiểu được phải thận trọng cử chỉ lời nói. Bởi vì người bình thường lần đầu đến một đoàn thể, còn chưa hiểu rõ về đoàn thể này, từ chỗ nào mà họ hiểu được đoàn thể này vậy? Đương nhiên là từ từng lời nói cử chỉ của những người trong đoàn thể này. Cho nên hôm nay chúng ta thay mặt đoàn thể nghe điện thoại cũng cần phải cung kính, nếu như sơ suất khi nghe điện thoại, có thể sẽ làm xấu hình ảnh của đoàn thể, không chỉ là phá hoại hình ảnh của đoàn thể, mà nghiêm trọng hơn là có thể làm đứt đoạn cơ hội đến tiếp xúc thiện tri thức, đến nghe Phật pháp của mọi người, vậy thì sẽ rất nghiêm trọng rồi. Cho nên sống trong đoàn thể, trong đạo tràng, mỗi một phần tử đều là bộ mặt quan trọng. Khi lời nói hành vi của chúng ta thỏa đáng, là học trò ngoan của Phật, tôi tin là nhờ vào bầu không khí của chỗ chúng ta sẽ khiến cho càng nhiều người hoan hỉ mà đến nghe Phật pháp, đến tu tập Phật pháp. Cho nên “đức tổn thương – cha mẹ tủi”.
“Cha mẹ thương – hiếu đâu khó – cha mẹ ghét – hiếu mới tốt”.
Khi cha mẹ vui vẻ với chúng ta, lúc này thực hành Hiếu đạo không phải quá khó. Nhưng khi cha mẹ có thái độ không tốt với chúng ta, bạn lúc nào cũng phải nhớ nghĩ ân đức, không được oán hận, như vậy mới là tu dưỡng, tu dưỡng hành vi thật sự, mới là đức hạnh chân thật, “Ân phải báo – oán phải quên”. Nếu như thái độ của cha mẹ đối với chúng ta hôm nay không tốt, thái độ của chúng ta cũng đối với cha mẹ không tốt, thực ra là coi ân tình, thân tình thành sự giao dịch, đối với tôi tốt, thì tôi mới đối tốt lại; nếu như đối với tôi không tốt, vậy thì tôi cũng đối xử lại không tốt. Đó là sự đối đãi lợi hại của thế gian, không phải là đối đãi đức hạnh, cho nên chỉ có đức hạnh mới có thể chuyển hóa bầu không khí của gia đình.
Vào thời nhà Tấn có một người con hiếu thảo tên là Vương Tường, chúng ta đều nghe qua câu chuyện “Vương Tường nằm trên băng”. Bởi vì mẹ ông mất sớm, cha ông cưới vợ khác, mẹ kế coi ông như cái gai trong mắt, mẹ kế cũng sanh được một bé trai, là em trai Vương Lãm của ông, cho nên mẹ kế thường tìm cách gây khó dễ. Đối với một đứa trẻ mà nói, gặp phải cảnh ngộ như vậy tương đối là gian khổ, nhưng trong lòng ông không hề oán hận, ngược lại luôn nghĩ xem làm thế nào mới có thể khiến cho mẹ kế hoan hỉ. Có một ngày mùa đông, mẹ kế nói muốn ăn cá, nước sông đều đóng băng rồi, làm sao có cá để phụng dưỡng bà? Cho nên Vương Tường chạy ra sông, cũng không biết làm cách nào, ông cất tiếng gọi mẹ, mong rằng kì tích sẽ xuất hiện. Nhờ vào tâm hiếu thảo chí thành của ông mà băng cũng nứt ra, sau đó có hai con cá đã nhảy lên để mà cúng dường, cho nên tâm chân thành sẽ có cảm ứng. Mẹ kế không chỉ gây khó dễ cho ông lần này, bình thường còn giao việc cho ông, không được phép để cho trái trên cây rụng xuống, nếu rụng xuống sẽ phạt ông. Cho nên mỗi khi trời mưa lớn, Vương Tường đều chạy ra ôm lấy cây mà khóc, mong rằng trái trên cây không bị rụng xuống, tâm chí thành thực sự cảm thông, trái trên cây ít bị rụng xuống.
Mẹ kế không chỉ ngược đãi Vương Tường lúc ông còn nhỏ, khi trưởng thành kết hôn, mẹ kế vẫn vô cùng nghiêm khắc với vợ chồng ông. Nhưng mà em trai ông lại rất kính trọng huynh trưởng, mỗi lần mẹ xử phạt anh trai, em trai liền đi tới, cũng mang theo vợ của mình đến mà giúp đỡ, hóa giải rất nhiều nguy cơ. Đạo đức, học vấn của Vương Tường ngày một nâng lên, danh tiếng cũng càng ngày càng tốt, mẹ kế liền sanh ra ý nghĩ không tốt, bởi vì danh tiếng của ông càng tốt thì sau này có thể tiếng ác của bà sẽ càng rõ ràng hơn, cho nên bà đã bỏ độc vào trong rượu rồi đưa cho Vương Tường uống. Người em trai phát hiện ra, trong lúc nguy cấp liền xông đến đoạt lấy ly rượu, đang định uống để chết thay cho anh trai. Mẹ kế nhìn thấy cảnh này, liền đánh đổ ly rượu, lúc đó bà cũng rất hối hận. Mình luôn tìm cách hại chết Vương Tường, vậy mà em trai lại nguyện chết thay cho anh, cho nên tình cảm anh em đã cảm hóa người mẹ kế, ba người liền ôm nhau mà khóc. Cho nên chỉ có đức hạnh, chỉ có chân thành mới có thể xoay chuyển ác duyên trong cuộc đời.
Sau đó Vương Tường và Vương Lãm đều làm quan trong triều, có một vị quan lớn đem tặng thanh bảo kiếm gia truyền ở trong nhà cho Vương Tường, còn dặn ông là người có thanh kiếm này, con cháu nhất định sẽ vô cùng vinh hiển. Kết quả Vương Tường nhận được thanh kiếm này, sau khi trở về liền đem tặng cho người em trai. Lịch sử có ghi chép lại, đời sau của Vương Tường, Vương Lãm, có chín đời đều làm đến chức Công Khanh, làm quan lớn, cho nên trên làm dưới noi theo, “nhà tích chứa điều thiện ắt có thừa niềm vui”. Cho nên “cha mẹ ghét – hiếu mới tốt”, chỉ cần mỗi suy nghĩ của chúng ta đều trân trọng duyên phận, niệm niệm đều nghĩ đến sự cống hiến của người khác đã dành cho chúng ta, tin rằng đức hạnh như vậy, chân thành như vậy, nhất định có thể sanh ra.
“Cha mẹ ghét”, không chỉ là cha mẹ, chúng ta cũng có thể mở rộng thành tất cả chúng sanh, “tất cả người nam là cha ta, tất cả người nữ là mẹ ta”, hơn nữa “oan gia nên giải không nên kết”, khi chúng ta dùng thái độ như vậy để đối mặt với hết thảy ác duyên, tin là sẽ rất nhanh chóng có thể hóa giải. Mà định lực khi đối mặt với ác duyên hiện tiền, bình thường chúng ta có thể rèn luyện, chứ không phải đến lúc gặp được mới ra sức niệm A Di Đà Phật. Như vậy có thể sẽ không khống chế được rồi. Ác duyên trong gia đình, hay những người bạn không được hòa hợp với chúng ta, lấy ảnh của họ ra mà cung kính, mỗi ngày chí thành chúc phúc cho họ, chí thành cảm tạ họ đã mang lại sự rèn luyện và khảo nghiệm cho chúng ta. Tâm chí thành này đã được hình thành lúc bình thường, khi gặp phải họ, bạn sẽ vô cùng thân thiết, vô cùng nhã nhặn. Thái độ của bạn như vậy, trải qua một hai tháng, họ sẽ cảm thấy ngại với bạn rồi. Thậm chí có thể sẽ xin lỗi bạn, “trước đây là do tôi không tốt, có chút thất lễ với bạn”, cho nên chúng ta phải tận lực hóa giải duyên. Chúng ta cùng xem câu tiếp theo:
“Cha mẹ lỗi – khuyên thay đổi – mặt ta vui – lời ta dịu. Khuyên không nghe – vui can tiếp – dùng khóc khuyên – đánh không giận”.
“Khuyên” là khuyên giải, khi cha mẹ có lỗi lầm, chúng ta phải biết khuyên giải. Quan hệ cha con cũng có thể mở rộng ra là quan hệ ngũ luân, ngoài quan hệ cha con ra, còn có quan hệ quân thần, khi lãnh đạo có lỗi lầm, chúng ta cũng có bổn phận khuyên nhủ; vợ chồng, anh em, bạn bè cũng là như vậy, đây là bổn phận làm người. Trong Hiếu Kinh có câu “thiên tử hữu tranh thần thất nhân”, một vị thiên tử trị vì thiên hạ, chỉ cần có bảy đại thần khuyên gián, thì “tuy vô đạo, bất thất kì thiên hạ”. Mặc dù thiên tử trị vì thiên hạ không thể lấy mình mà làm gương, không hẳn có đức hạnh, nhưng ít ra thiên tử chịu tiếp nhận lời khuyên của người khác, vậy thì sẽ không làm loạn đất nước.
“Chư hầu có năm vị đại thần khuyên gián, mặc dù không có đức hạnh nhưng chịu tiếp nhận lời khuyên mà không bị mất nước”; “sĩ hữu tranh hữu”, người đọc sách nếu bên cạnh có bạn bè chịu khuyên bảo họ, “tắc thân bất li ư lệnh danh”, thì họ mới không làm sai, không hủy hoại danh tiếng một đời. Cho nên nếu như bên cạnh mọi người có bạn bè chịu khuyên bảo, bạn phải xem họ như là bảo bối, phải thường xuyên cảm ân ý kiến mà họ đóng góp. Nhưng có dễ dàng làm được không? “Nghe lỗi giận – nghe khen vui” thì dẫn đến “bạn xấu đến”, bạn bè nịnh bợ sẽ kéo tới. Cho nên chúng ta phải huấn luyện mình làm được: “Nghe khen sợ – nghe lỗi vui – người hiền lương – dần gần gũi”, trước tiên chúng ta phải có thái độ chịu nghe dạy bảo, có độ lượng mới khiến bạn hiền đến mà giúp đỡ chúng ta. Cho nên: “Phụ hữu tranh tử, tắc thân bất hãm ư bất nghĩa”, người làm cha mà có con cái khuyên can thì mới không làm chuyện phạm pháp, làm ra chuyện sai lệch. Cho nên thân làm con luôn phải biết khuyên can cha mẹ, cũng hiểu được vai trò khuyên can trong ngũ luân.
Các vị đồng học kinh nghiệm khuyên bảo người khác của các bạn, tỉ lệ thành công như thế nào? Có cao không? Không cao à! Đương nhiên rồi, nếu như bạn khuyên một lần mà họ đã nghe, vậy thì người đó không phải là người bình thường, mà là ai? Có thể là Nhan Uyên chuyển thế. Cho nên khuyên người cũng phải có phương pháp hay, thái độ tốt. Chúng ta khuyên họ không nghe, không thể tức giận, trở về còn nói với người khác: Người kia thật không có thiện căn, đúng là Nhất Xiển Đề! Như vậy thì không tốt, bởi vì làm mà không được thì phải như thế nào? Quay lại xét mình, Phật còn khuyên được người không việc ác nào không làm, chúng ta cũng nên noi theo mà học tập theo Ngài.
Trong Trung Dung có một câu khá hay, Khổng Tử nói: “Xạ hữu tự hồ quân tử”, bắn cung rất giống với đạo của người quân tử, “thất chư chánh cốc”, chánh cốc là chỉ mục tiêu để bắn tên, “phản cầu chư kì thân”. Ý là hôm nay chúng ta bắn cung, bắn không trúng mục tiêu liền nói mũi tên này làm ở đâu vậy? Sao mà tệ như vậy! Sau đó lại nói: Cây cung này làm ở đâu? Sao chất lượng lại kém như vậy! Đều đẩy trách nhiệm cho ai? Cho cung tên. Khi chúng ta gặp rất nhiều chuyện không có cách nào thành công, trước tiên phải phản tỉnh thái độ của chính mình, phản tỉnh phương pháp của chính mình, có phải là có chỗ không thích đáng hay không! Lúc nào chúng ta cũng có thể phản tỉnh như vậy, nhất định sẽ nghĩ ra phương pháp hay, mà đối phương cũng sẽ bị cảm động bởi tâm chân thành của bạn. Cho nên khuyên và gián, giống như chúng tôi dạy bảo học sinh, trước tiên phải xây dựng trên nền tảng tin tưởng mới được.
Trong Luận Ngữ có câu: “Quân tử tín nhi hậu gián”, sau khi bạn bè tin tưởng rồi thì bạn mới có thể khuyên can họ; nếu vẫn chưa tin tưởng, “bất tín tắc dĩ vi báng kỉ dã”. Nếu như chưa đủ tin tưởng, bạn lại chỉ ra khuyết điểm của họ ngay lập tức, trong lòng họ sẽ không thoải mái, họ cảm thấy là có phải bạn cố ý hủy báng họ, cố ý gây phiền phức cho họ không? Cho nên nhất định phải xây dựng trên nền tảng tín nhiệm. Chúng ta tới một công ty mới làm việc, tuần đầu tiên liệu có thể tới văn phòng giám đốc rồi nói: “Giám đốc à, tôi thấy ông có mười vấn đề, mười tội danh lớn đó”, sau đó liệt kê từng cái cho giám đốc nghe rồi giải thích là: Tính của tôi rất thẳng thắn, ông phải biết tán thưởng tôi. Giám đốc nghe xong mặt liền biến sắc rồi nói như thế nào? Rất cảm ơn anh, tuần sau anh không cần đến nữa. Cho nên đến một môi trường mới, trước hết tuyệt đối không nên nói, mà nên quan sát nhiều, nghe nhiều, học hỏi nhiều, nói ít đi. Đến công ty mới cũng vậy, gả đến nhà chồng cũng vậy. Nếu như tuần đầu tiên con dâu đã đưa ra một đống ý kiến, mẹ chồng sẽ nói: “Con giỏi lắm, vậy thì con đi làm đi”, vậy thì quan hệ sẽ không tốt rồi. Nên quan sát nhiều hơn, nghe nhiều hơn, tìm hiểu thói quen của gia đình, điều tốt thì khen ngợi, không tốt thì từ từ dùng phương tiện thiện xảo để chuyển hóa, như vậy thì tất cả mọi người đều hoan hỉ.
Đối với bạn bè cũng như vậy, nhất định phải xây dựng cái niềm tin trước. Làm thế nào để xây dựng niềm tin? Đương nhiên chúng ta phải biết cống hiến nhiều hơn, họ sẽ hoan hỉ. Rất nhiều người khá nhiệt tình, vui vẻ giúp đỡ người khác, cống hiến cho người khác, nhưng mà bạn bè khi nhìn thấy họ thì mau chóng chạy mất, còn nói với họ là đừng giúp tôi nữa, đừng chăm lo cho tôi nữa, cảm thấy chịu không nổi. Có chuyện như vậy không? Có, làm mệt muốn chết, nhưng có thể lại bị người khác ghét chê, có chuyện như vậy không? Bởi vì làm quá nhiều, có thể làm tạo áp lực cho người khác, phải để cho họ có chút không gian, nếu không họ sẽ cảm thấy không thoải mái. Cho nên chúng ta cống hiến phải nhắm vào nhu cầu của người khác, như vậy họ sẽ rất vui. Làm thế nào để mà biết được nhu cầu của người khác? Phải biết quan sát, tiếp xúc nhiều hơn tự nhiên sẽ hiểu được người khác cần cái gì.
Gia đình hiện nay, dạy dỗ con cái là chuyện vô cùng quan trọng, cho nên bạn đi thăm bạn bè thì nhớ mang theo một quyển Đệ Tử Quy, bảo đảm họ sẽ rất cần đến đó! Trong quan hệ ngũ luân cũng có thể nhắm vào nhu cầu, chúng ta hiếu thuận cha mẹ thì cha mẹ rất hoan hỉ, niềm tin vào bạn cũng không ngừng tăng lên. Tiếp đó là quan hệ quân thần, mỗi một công việc bạn đều tận tâm tận lực làm tốt, cấp trên rất yên tâm về bạn, vậy là bạn cũng đã đáp ứng được sự yêu cầu của cấp trên, cấp trên cũng rất tin tưởng bạn. Vợ chồng cũng như vậy, anh em bạn bè cũng như vậy, thậm chí là như tôi dạy học, quan hệ thầy trò cũng phải như vậy. Bởi vì học sinh nếu như không tin tưởng tôi, tôi có giảng nhiều đạo lý hơn nữa liệu có tác dụng không? Hiệu quả không lớn rồi.
Còn nhớ năm đầu tiên tôi chủ nhiệm lớp phụ đạo, bởi vì giáo viên năm ngoái bị điều chuyển đi rồi, quan hệ giữa giáo viên năm ngoái và học sinh không được tốt lắm, cho nên khi tôi đứng trên bục giảng, ngày đầu tiên gặp chúng, ánh mắt chúng nhìn tôi là lạ. Có một em học sinh nữ giơ tay, em nói: Thưa thầy, thầy có đánh học sinh không? Từ câu nói này mà biết được, học sinh có tâm dè chừng với giáo viên. Cho nên chúng ta quan sát được chuyện như vậy thì phải chuyển hóa nó, để cho học sinh tin tưởng chúng ta, cho nên cần phải đáp ứng được nhu cầu của chúng. Tôi quan sát được, khoảng tầm hơn mười giờ là các em thường đói bụng, đang ở thời kỳ phát triển mà. Trong ngăn kéo của tôi luôn để một ít bánh, mà bánh của tôi không phải là mười loại thực phẩm rác, là bánh quy nướng hữu cơ. Khoảng hơn mười giờ, học sinh nhất định sẽ chạy đến bàn giáo viên của tôi, sau đó nói: Thưa thầy! Tôi đã hiểu chúng muốn gì, ngay lập tức lấy bánh cho chúng, lúc này không được cười, phải nghiêm túc nói: “Chỉ được ăn hai miếng, ăn nhiều thì trưa không ăn nổi cơm”. Học sinh từng chút một càng ngày càng gần gũi với tôi, cái này gọi là mua chuộc lòng người, chỉ cần động cơ của chúng ta muốn tốt cho đối phương là được.
Tôi cũng định quan tâm chúng nhiều hơn một chút, cho nên tôi quyết định mỗi tuần sẽ làm một món ăn nhẹ cho chúng ăn, tôi mua một cái nồi điện để ở trên trường, thứ sáu hàng tuần bắt đầu làm điểm tâm. Lần đầu tiên tôi nhớ là làm món chè trôi nước đậu đỏ mè, nói tới đói bụng rồi, lần đầu nấu xong mở nắp ra, mùi thơm ngào ngạt, có một hiện tượng khá thú vị xuất hiện. Rất nhiều em học sinh có khí khái, không bị mua chuộc, còn rất nhiều em vừa ngửi đã không chịu nổi liền chạy tới, có khoảng một nửa học sinh đến ăn. Muốn có được sự tin tưởng của mọi người cũng cần phải nhẫn nại, bởi vì sống lâu mới biết lòng người. Nhưng mà mấy em học sinh chạy đến trước còn đòi ăn chén thứ hai, chén thứ ba, những em học sinh này rất quan trọng, bởi vì khi bạn tìm những em nhỏ này, bạn hỏi chúng điều gì chúng sẽ nói điều đó. Thu thập xong thông tin thì cũng tương đối hiểu được tình hình gia đình cũng như học tập của học sinh, bạn càng biết nhiều thì mới có thể tùy theo năng lực mà dạy bảo chúng. Cho nên phải nhìn vào tâm ban đầu.
Tôi nấu được ba tuần, tôi nghĩ nếu tiếp tục nấu như vậy chắc chắc sẽ rất mệt, đột nhiên tôi nghĩ ra một cách, liền nói với học trò: Mấy tuần vừa rồi thầy đang thể hiện một thái độ quan trọng trong cuộc đời, gọi là: “Mình vì mọi người, mọi người vì mình”, làm người phải biết phục vụ người khác, bây giờ thầy đem cơ hội tốt này nhường cho các con. Trong số học sinh nhất định có em rất nhiệt tình, ngay lập tức giơ tay, dẫn dắt những em khác cùng tham gia. Tôi nhanh chóng kêu một em học sinh tới: Nào, em mau ghi lại tên của bạn này, tuần sau là bạn này phụ trách, tuần sau nữa là bạn kia phụ trách. Tôi giao công việc này ra, vô tình cắm liễu liễu xanh rờn, tôi làm việc này cũng là cơ hội tốt để con trẻ rèn luyện năng lực làm việc tốt. Em học sinh đầu tiên đến tìm tôi, bởi vì cần lấy tiền từ chỗ tôi, tôi nói với em: Em đi mua bất kì món gì cũng phải ghi chép lại, như vậy thì thầy mới biết em đã tiêu bao nhiêu tiền, chuyện này do em toàn quyền mà phụ trách, em cần ai giúp đỡ cũng tự mình sắp xếp nhé, nếu em cần thầy giúp chuyện gì thì nói với thầy, coi như chuyện này thầy không quản nữa.
Đương nhiên tôi cũng nói với học sinh cách làm, nói em muốn tổ chức hoạt động, nhất định phải suy nghĩ từ nhiều góc độ thì em mới biết được cần có những điều kiện nào? Nói cho em ấy phương pháp năm chữ W và hai chữ H, đây là cách quản lý của người phương Tây, chúng ta cần phải tham khảo sở trường của người khác, cái nào của họ tốt thì chúng ta học theo. Năm chữ W là chỉ, who – con người, where – địa điểm, when – khi nào, why – tại sao, what – cái gì. Tôi nói với em, em làm việc này cần những ai giúp đỡ, em phải liệt kê ra; tiếp đó, làm những món ăn này cần những nguyên liệu gì, cũng phải liệt kê ra, sau khi liệt kê rõ ràng thì em sẽ hiểu được từng bước làm như thế nào. Đương nhiên trước khi làm bất kì chuyện gì, mục đích rất quan trọng, “why”, tại sao phải làm? Hôm nay tại sao lại làm điểm tâm? Để cho các bạn học ăn một cách vui vẻ, cho nên nhất định phải nấu món mà các bạn thích, chứ không phải là nấu món mình thích. Cũng giống như chúng ta thúc đẩy việc giáo dục đọc kinh điển, cũng phải hiểu được tại vì sao phải phổ biến đọc kinh điển? Mục đích là gì nhất định phải hiểu rõ; nếu như không hiểu rõ mục đích, có thể là đi được nửa đường lại rẽ sang một hướng khác mà chính mình không biết.
Vậy mọi người có biết mục đích chúng ta phổ biến đọc kinh điển là gì không? Là gì? Điều này rất quan trọng! Rất nhiều người làm được một nửa, đều cho rằng học sinh có thể đọc thuộc nhiều kinh điển như vậy, thật không đơn giản. Thuộc nhiều không phải là mục đích, mục đích thực sự là thực hành theo kinh điển, học cách làm người làm việc. Cho nên tăng trưởng đức hạnh mới là mục đích thực sự của việc phổ biến đọc kinh điển. Khi một người càng rõ ràng về mục đích của mình thì họ mới không lầm đường. Cũng như vậy, chúng ta xây dựng gia đình, chăm chỉ nỗ lực phát triển sự nghiệp, kiếm tiền, mục đích là gì? Là để cho vợ con, cha mẹ có một cuộc sống đầy đủ hơn. Nhưng đa phần khi đi được nửa đường thì lại trở thành truy cầu điều gì? Tiền bạc, hưởng lạc. Cho nên chữ “Why” vô cùng quan trọng.
Tiếp đó, em định nấu món ăn ở chỗ nào? Hay là định mua nguyên liệu ở đâu? “When” tức là thời gian, lúc nào bắt đầu để làm. Lần đầu tiên học sinh gọi điện thoại đến nhà tôi, ba mẹ nghe máy, học sinh nói: Nhờ ông nhắn với thầy con mang đến một cái bếp gas, bếp gas mini. Tôi liền mang đến một cái bếp gas, bởi vì tôi đã giao toàn quyền cho em xử lý, cho nên em ấy yêu cầu mang cái gì thì phải làm theo, mang đến một cái bếp gas. Kết quả là học sinh bận rộn rất vui vẻ, tất cả mọi người đều đến tham gia, người không biết làm cũng tới học tập.
Có một lần làm bánh trứng mang đến cho tôi: Thưa thầy, con mời thầy ăn. Học sinh mang đến mời bạn ăn thì phải làm sao? Bạn nói: Ồ, thầy vui lắm, em còn nhớ tới thầy! Không chỉ như vậy, đây cũng là cơ hội tốt, tôi liền nói với em, ngoài nhớ đến thầy, còn nhớ đến ai nữa không? Nó liền suy nghĩ một chút liền chạy ra ngoài, thực ra tôi cũng không biết em ấy chạy đi đâu. Sau đó thì học sinh của tôi chạy tới chạy lui khắp trường, hóa ra là chúng đi mời lớp bên cạnh, còn có thầy cô giáo cùng cấp, có em thì đi mời thầy cô trước đây đã dạy mình. Mặc dù chúng tôi không quảng cáo nhưng cả trường đều biết lớp tôi đang làm gì. Sau đó một cô giáo lớp bên cạnh đi tới, cô nói: Bánh trứng này do ai làm vậy? Làm rất ngon, mau gọi em ấy tới đây, cô muốn hỏi một chút. Có một em trai mập mạp ngẩng đầu ưỡn ngực bước đến: Thưa cô là em làm! Bạn thấy đó, trong lúc làm việc, sự tin tưởng của em ấy cũng dần dần sanh ra.
Lúc đầu tôi để cho các em làm việc này, cũng không nghĩ là con trẻ nhờ đó mà rèn luyện năng lực làm việc, cũng rèn luyện thái độ làm người. Bởi vì thường tặng đồ ăn cho thầy cô nên các em khá thân thiết với lớp bên cạnh và thầy cô giáo khác ở trong trường. Lúc đầu học sinh lớp tôi khá lạnh nhạt với giáo viên, sau khi tổ chức hoạt động này, học sinh từ xa nhìn thấy thầy cô đều giơ tay lên chào: Em xin chào thầy ạ! Khiến cho chúng trở nên lễ phép với thầy cô, lễ phép với người lớn, hiểu được cung kính. Quên là phải bổ sung thêm, hai chữ H này là “How to do” – làm thế nào, phải có kế hoạch; chữ còn lại rất quan trọng, “How much” – cần bao nhiêu tiền, từ nhỏ rèn luyện chuyện chi tiêu có kế hoạch, làm thế nào để tính toán chi tiêu.
Được rồi, hôm nay chúng ta chỉ nói đến đây thôi, xin cảm ơn mọi người.