Đệ Tử Quy và Tu Học Phật pháp (Tập 12)

De tu quy va tu hoc phat phap

Giám định Lão Pháp Sư Tịnh Không

Chủ giảng thầy Thái Lễ Húc

Giảng từ ngày 6/3/2005 đến ngày 13/03/2005 tại Tịnh Tông Học Hội Australia

TẬP 12

Kính thưa sư phụ, các vị pháp sư, các vị đồng học, xin chào mọi người!

A Di Đà Phật!

Năm đầu tiên tôi dạy học cũng để cho học sinh đọc Đệ Tử Quy, khi tôi nghe được âm thanh đọc sách lanh lảnh của chúng, trong lòng vô cùng cảm động, bởi vì học sinh có thể tiếp nhận giáo dục Thánh Hiền sớm hơn tôi mười mấy năm. Tôi còn nhớ khi tôi hiểu được tầm quan trọng của Đệ Tử Quy, tôi cầm theo sách rồi lái xe mấy giờ đồng hồ đến nhà anh trai kết nghĩa của tôi, bởi vì hai đứa con gái của anh ấy, một đứa học lớp hai, một đứa học lớp bốn. Đi đến Đài Trung, tôi hẹn anh ở một quán cơm, còn chưa kịp ăn tôi đã bắt đầu đọc từng câu cho anh nghe, giảng cho anh nghe. Ví dụ như “Cha mẹ gọi – trả lời ngay”, việc nuôi dưỡng tâm cung kính cho con trẻ vô cùng quan trọng đối với một đời của chúng, nếu như không nuôi dưỡng tâm cung kính thì hậu hoạn vô cùng. Cứ như vậy tôi giải thích tầm quan trọng, tầm ảnh hưởng của từng câu một cho anh kết nghĩa của tôi nghe.

Mới nói được một nửa, đột nhiên trong lòng tôi cảm thấy thương cảm nên bật khóc. Anh trai tôi bị dọa sợ, anh cũng không nói gì, đợi tôi bình tĩnh lại anh mới nói: anh nghe giáo sư đại học giảng bài, cũng không ai giảng thành bộ dáng giống như em. Tôi giải thích cho anh nghe, mới được một nửa thì cảm thấy đời này của tôi, tại sao lúc học tiểu học không có thầy cô nào dạy tôi điều này? Nếu như từ nhỏ có thầy cô dạy đạo lý làm người làm việc cho tôi, cuộc đời của tôi sẽ bớt phải đi đường vòng một cách oan uổng. Thực ra một người đi đường vòng, chỉ lãng phí thời gian và sức lực của chính mình, nhưng mà trong quá trình đi đường vòng, không biết là lời nói, hành vi lại phạm biết bao nhiêu lỗi lầm, lại làm tổn thương biết bao người yêu thương quan tâm mình. Mà làm tổn thương trái tim của những người yêu thương mình thì có thể lấy lại lại được không? Rất khó! Cho nên cảm thấy vô cùng đáng tiếc. Bởi vì cuộc đời có sự nuối tiếc như vậy, nên tuyệt đối không muốn đời sau của chúng ta, học sinh của chúng ta lại phải nuối tiếc như vậy nữa. Mỗi khi tôi nghe học sinh đang đọc tụng đều cảm thấy rất cảm động. Mọi người hãy để cho sự nuối tiếc chỉ dừng lại ở chúng ta, đừng để cho đời sau cũng tiếc nuối như vậy nữa.

“Cha mẹ lỗi – khuyên thay đổi”, chúng ta vừa nói tới quan hệ cha con phải khuyên can như thế nào, quân thần, còn có vợ chồng, tiếp theo là quan hệ thứ tư, khuyên can giữa anh chị em. Anh chị em cũng khá thân thiết, thân mật, cho nên khi anh chị em có lỗi lầm, chúng ta cũng phải tận lực mà khuyên can, đương nhiên thái độ và phương pháp khuyên can cũng rất quan trọng. Lúc nãy chúng ta có nói tới ví dụ thời xưa thời nay, quan trọng nhất là từ những gì họ thể hiện mà học được bản lãnh trong đó.

Thời nhà Minh có một người đọc sách tên là Trần Thế Ân, em trai của ông ngày ngày chơi bời lêu lổng, rất muộn mới trở về nhà. Anh trai cả của ông mỗi khi nhìn thấy em trai về nhà muộn đều nghiêm khắc trách mắng. Mọi người cảm thấy có hiệu quả không? Đã lớn như vậy rồi mà mắng như vậy thì khó mà tiếp nhận được. Cho nên Trần Thế Ân nói với anh trai của mình, để em khuyên thử xem! Hôm đó Trần Thế Ân đợi ở ngoài cửa, em trai rất trễ mới trở về, vừa nhìn thấy em trai lập tức bước đến nắm tay nói với em là: Thời tiết lạnh như vậy, em mặc có đủ ấm không? Sau đó đưa em vào nhà, tự mình đóng cửa rồi nói tiếp với em: chắc em đói lắm rồi phải không, để anh nói chị dâu nấu cho em một bát mì. Một ngày trôi qua như vậy, những ngày sau đó Trần Thế Ân đều đứng ở cửa đợi em trai về, vừa nhìn thấy em trai trở về liền quan tâm yêu thương một cách rất chân thành. Khoảng một tuần sau, em trai của ông không ra ngoài trễ như vậy nữa mà về nhà rất sớm. Đương nhiên nếu em trai không còn chơi bời lêu lổng, nhất định phải mau chóng dạy em kinh điển Thánh Hiền, như vậy mới là kế sách lâu dài. Trong Chu Tử Trị Gia Cách Ngôn có câu “con cháu tuy ngu dốt, kinh điển không thể không đọc”, con người không có chí hướng là bởi vì không được học giáo dục Thánh Hiền. Cho nên dùng tâm yêu thương chân thành mà xoay chuyển em trai, cho nên làm anh trai phải từ ái.

Còn câu chuyện khuyên em trai, thời nhà Hán có một người đọc sách tên là Trịnh Quân. Ông thấy anh trai mình làm quan nhận hối lộ của người khác, trong lòng ông rất buồn, nhưng mà ông là em trai thì có thể mắng anh trai không? Anh trai sẽ không thể tiếp nhận. Ông dùng thời gian một năm đi làm công việc quét dọn cho người khác, đi làm nô bộc cho người khác, số tiền kiếm được trong một năm đưa cho anh trai. Ông nói: chúng ta không có tiền thì có thể kiếm, nhưng mà danh dự của một người nếu mất đi thì cả đời này sẽ bị hủy hoại. Anh trai thấy ông kiếm tiền vì mình, lại chấp nhận hạ mình làm nô bộc cho người khác, có thể kiếm tiền hợp pháp như vậy, không lười biếng, cái tâm khuyên anh trai của ông đã khiến anh ông cảm động, từ đó anh trai ông trở nên vô cùng liêm khiết. Cho nên giữa anh em với nhau chúng ta cũng phải phương tiện thiện xảo mà khuyên can, mà quan trọng nhất là đức hạnh của chúng ta, tâm yêu thương của chúng ta. Cho nên trong Liễu Phàm Tứ Huấn có câu, nếu như chúng ta không cách nào làm người khác cảm động, thì phải nhớ đến “Đức hạnh chưa tu”, nên “Cảm động chưa tới”.

Sau khi một người bước ra xã hội, người có ảnh hưởng lớn nhất đến họ là bạn bè, bởi vì “ra ngoài nhờ bạn bè”, cho nên giữa bạn bè với nhau phải biết khuyên can. Tôi nhớ khi tôi đến Tịnh Tông học viện được nửa năm, mấy tháng trước đó thật may mắn, lúc tôi đến thì chú Lư ngồi bên cạnh tôi, chúng tôi ở chung với nhau mấy tháng. Tám chín người đàn ông ở cùng nhau, phòng ốc khó mà tránh được lộn xộn một chút, chỉ một chút thôi, mọi người đừng hiểu lầm. Chú Lư không nói câu nào, mỗi lần mọi người bày bừa ra, chú đều âm thầm mà dọn dẹp sạch sẽ, đến bồn rửa chén cũng lau khô sạch sẽ, một giọt nước cũng không có. Chú Lư lau dọn mấy ngày cũng không than vãn câu nào. Sau khi làm được một tuần thì có một vị sư huynh nói với mọi người: mỗi ngày đều có người lau dọn sạch sẽ như vậy, mọi người còn bày bừa ra sao! Kết quả từ hôm đó trở đi, căn phòng lúc nào cũng trở nên sạch sẽ. Từ chuyện này tôi cũng lãnh hội được, khuyên người khác nhất định phải dùng lời nói mới được sao? Chưa chắc. Dùng đức hạnh, âm thầm tự mình làm, tự nhiên sẽ đánh thức tâm hổ thẹn của mọi người.

Trong gia đình cũng như vậy, khi chúng ta luôn làm tốt bổn phận của mình, mà phong phạm đức hạnh của bạn vừa thể hiện ra, người trong nhà nhất định sẽ bị cảm hóa, bởi vì họ ở gần chúng ta nhất. Cho nên mọi người phải có lòng tin vào đức hạnh, Khổng phu tử nói “Đức hạnh của quân tử giống như gió, đức hạnh của tiểu nhân giống như cỏ”, chỉ cần cơn gió đức hạnh thổi qua thì cỏ nhất định cúi rạp xuống. Đức hạnh của tiểu nhân giống như cỏ, tiểu nhân ở đây là chỉ bá tánh bình dân, mọi người đừng hiểu lầm, không phải ý là mắng người khác.

Chỉ cần chú Lư có thời gian là tôi sẽ tới tìm chú. Có một lần chú tới Cao Hùng, tôi đi cùng chú đến gặp một người bạn. Người bạn này chú đã quen biết 17 năm, lúc mới quen thì bạn chú đang ở thời kỳ đỉnh cao sự nghiệp, vô cùng giàu có. Nhưng mà chú Lư nhìn ra được, sau khi giàu có bạn chú trở nên vô cùng ngạo mạn, không quý tiếc tiền bạc nữa, sớm muộn gì cũng lụn bại thôi. Nhưng mà lúc này khuyên can có dễ dàng không? Không dễ gì khuyên được. Quả nhiên là sau đó bạn chú từ một người giàu có trở nên nợ nần, còn nợ không ít tiền. Trong khoảng thời gian này, cứ một hai tuần chú Lư lại ngồi xe đến chỗ bạn mình, giúp bạn giải quyết vấn đề tài chính. Khi bạn chú làm ăn thất bại thì mọi người cảm thấy còn có bạn bè không? Rất khó. Cho nên thật sự muốn kết giao được với bạn tri kỉ, không phải tiền có thể giải quyết được, mà là đạo nghĩa, tình nghĩa.

Cũng may mắn là hôm đó tôi chở chú Lư đi gặp bạn của chú, chú Lư nói với tôi: chú đã xây dựng lòng tin với bạn 17 năm, hôm nay mới chính thức giới thiệu Phật pháp, giới thiệu chánh pháp cho bạn chú. Mà con của bạn chú hiện nay đang học tiểu học, chú Lư cũng mang theo quyển Đệ Tử Quy để đưa cho vợ bạn và đứa nhỏ bắt đầu học tập. Từ chuyện này mà lãnh hội được nếu một người thật lòng muốn giúp bạn bè, thời gian dài hơn đi chăng nữa cũng không thay đổi. Cho nên khi tôi giúp đỡ người khác, trong lòng cảm thấy mất kiên nhẫn thì đột nhiên có một con số xuất hiện, đó là số “mười bảy năm”. Ngay lập tức cảm thấy hổ thẹn vì không bằng chú, phải tu dưỡng cho tốt, nghĩ đến tình nghĩa, ân nghĩa của bạn bè.

Trong mấy năm học Phật, đa phần đều quen biết bạn đạo có tu tập. Có một người giao hảo với tôi khá tốt, bởi vì cuộc đời anh gặp khá nhiều trắc trở, cho nên có một buổi tối anh tới nhà tôi, kể hết ấm ức trong lòng cho tôi nghe. Đợi anh nói xong, tôi cũng không khách khí mà phê bình lại, trong lúc tôi phê bình anh, anh không nói lời nào. Mọi người cần phải xác định là khi chúng ta nghiêm khắc phê bình người khác sẽ không tạo thành ác duyên: nếu như nói ra tạo thành ác duyên thì phải biết dừng lại đúng lúc. Cho nên duyên phận phải xem tình hình, nếu như bạn phê bình họ năm ba câu, sắc mặt của họ trở nên khó coi thì phải làm sao? Phải nhanh chóng dừng lại. Nếu như bạn góp ý với họ, họ lại khiêm tốn mà lắng nghe, vậy thì chúng ta có thể chỉ bảo nhiều hơn. Hôm đó tôi nói với bạn tôi nửa giờ đồng hồ, sau khi nói xong thì anh ấy trở về.

Sáng sớm hôm sau chuông điện thoại vang lên, tôi bấm nghe thì vang lên giọng anh nói: mình sống hơn ba mươi năm rồi mới nhận được món quà sinh nhật tốt nhất trong cuộc đời. Anh vừa nói vậy tôi liền cảm nhận được, hôm qua là sinh nhật của ai? Sinh nhật của anh ấy. Tôi cảm thấy rất ngại, sinh nhật anh mà lại phê bình anh như vậy. Nhưng mà khi nghe anh nói vậy, tôi cũng rất cảm động, cũng rất khâm phục anh, bởi vì anh có tấm lòng tiếp nhận góp ý của người khác, đích thực là làm được câu “Nghe khen sợ – nghe lỗi vui”. Tổ tiên có câu “biết đủ là giàu, biết lùi là sang”, phước ở chỗ nào? Ở chỗ có thể tiếp nhận lời khuyên, có thể tiếp nhận lời khuyên can của người khác thì phước báo sau này vô cùng vô tận. Khi chúng ta có thể tiếp nhận lời khuyên của người khác, cũng giống như trong cuộc đời có thêm rất nhiều đôi mắt giúp chúng ta nhìn đường, vậy thì chúng ta không dễ gì va đụng, không bị té ngã. Người bạn này của tôi mặc dù lúc đó gặp nhiều trắc trở, nhưng bởi vì anh có tấm lòng tiếp nhận góp ý của người khác, sau đó cuộc đời cũng có thay đổi rất lớn, hiện tại anh ấy là giáo viên có thành tích dạy học rất tốt trong trường.

Đối diện với người thân bạn bè bên cạnh, chúng ta cũng phải tùy theo khả năng mà khuyên bảo. Thực ra có rất nhiều bạn trẻ quen biết với chú Lư, tôi cũng biết được chú ấy lúc nào cũng nghĩ làm sao đề bạt đám người trẻ tuổi chúng tôi, nhưng mà tại sao mức độ nhận được lợi ích của mỗi người lại có giới hạn? Nguyên nhân có phải là do chú ấy không? Không phải, mà là do trình độ tiếp nhận của những người vãn bối chúng tôi không giống nhau, vì thế dù trước mặt có quý nhân cũng để lỡ mất cơ hội.

Năm đầu tiên tôi đi dạy từng quen một người bạn, mọi người đều cảm thấy người bạn này không được thông minh cho lắm, rất nhiều người xem thường, xem nhẹ anh ấy. Thực ra tôi cảm thấy anh ấy vẫn tốt hơn tôi, vì sao vậy? Vì anh không ưu phiền gì, không vướng bận gì cả, cũng không dễ tạo tội, chúng ta còn dễ tạo tội. Anh ấy ở bên cạnh trường, tôi thường chơi cầu lông với anh, mỗi lần nhìn thấy tôi đều chào hỏi, có điều anh ấy hay dùng mấy câu nói tục để chào tôi, bởi vì anh không biết “Lời gian xảo – từ bẩn thỉu” thì không được nói. Nhưng mà từ lời nói của anh mà biết được, anh ấy cũng có ý tốt đối với tôi. Cho nên mỗi lần anh chào tôi, tôi đều chắp tay nói “A Di Đà Phật”, cứ như vậy lần nào anh ấy chào hỏi tôi cũng nói A Di Đà Phật. Khoảng một hai tuần sau, cũng quen thân hơn, có một hôm sau khi nói A Di Đà Phật với anh, tôi nói tiếp, tôi nói A Di Đà Phật với anh, lần sau anh cũng phải nói A Di Đà Phật với tôi đó. Anh nói cho tôi nghe thử xem nào, anh nói “A Di Đà Phật”, có nói là tốt rồi.

Từ đó trở đi từ xa nhìn thấy tôi liền nói A Di Đà Phật. Có lúc khát nước, bởi vì tôi sống trong ký túc xá trường, anh ấy đứng ngoài ký túc xá đã lớn tiếng nói “A Di Đà Phật”. Trong lòng tôi cảm thấy rất hoan hỉ, bởi vì từng câu từng câu của anh sẽ trồng vào đâu? Trồng vào trong A Lại Da Thức, chúng ta lại kết thiện duyên với anh ấy. Nếu như đời này tôi có thể khai ngộ, tôi nhất định có thể độ anh ấy rồi, bởi vì có thiện duyên; nếu như đời này tu trì không đủ, vậy thì tôi nhất định phải vãng sanh thế giới Tây Phương cực lạc, sau khi vãng sanh sẽ có tha tâm thông, thiện duyên này cũng có thể khai hoa kết quả ngay lập tức. Cho nên khi chúng ta đến một nơi, phải luôn giúp đỡ người khác, để mọi người rộng kết thiện duyên với chúng ta.

Năm đó dạy học xong, trong lễ tốt nghiệp, học sinh trong trường cũng khá thú vị, chúng biểu diễn tiết mục bắt chước, bắt chước mỗi một giáo viên. Có một học sinh bắt chước tôi, lúc đó có mấy trăm em học sinh, em học sinh này bước lên, câu đầu tiên nói gì? A Di Đà Phật! Mọi người sao lại biết hay vậy? Tôi ở bên dưới vô cùng vui vẻ, “vừa nghe qua tai vĩnh viễn trở thành hạt giống đạo”. Từ kinh nghiệm với người bạn này, tôi hiểu được “bổn giác vốn có, bất giác vốn không”, khi chúng ta khuyên can người khác, tuyệt đối không được nghĩ rằng họ không thể tiếp nhận, bởi vì vọng tâm không tồn tại, chân tâm mới luôn tồn tại, chúng ta phải dùng tâm bình đẳng, tâm chân thành để khuyên họ, hiệu quả nhất định sẽ rất tốt. Câu này chúng ta nói đến đây thôi, chúng ta cùng xem câu tiếp theo:

“Cha mẹ bệnh – nếm thuốc trước – ngày đêm hầu – không rời giường; Tang ba năm – thường thương nhớ – chỗ ở đỗi – không rượu thịt; Tang đủ lễ – cúng hết lòng – việc người chết – như người sống”.

“Cha mẹ bệnh – nếm thuốc trước”. Câu này là một câu chuyện về người con hiếu thảo, Hán Văn Đế thời nhà Hán, ông chăm sóc thuốc thang cho mẹ tròn ba năm. Bởi vì hành vi hiếu thảo như vậy, khiến cho người dân cả nước cảm động, tạo nên thời thái bình gọi là Văn Cảnh tri trị, Văn Đế và Cảnh Đế đều là người con hiếu thảo. Câu này có nhắc tới “nếm thuốc trước”, thời xưa uống thuốc sắc, nếm thuốc trước xem có quá nóng hay không, không để cho cha mẹ bị phỏng. Bây giờ đa phần uống thuốc Tây, có thể nếm thuốc trước không? Không cẩn thận nuốt phải thì không tốt rồi. Chúng ta dạy bất kì câu nào cũng phải áp dụng vào tình hình thực tế. Chúng ta nói với học sinh, nếu mẹ em uống thuốc tây, em phải bưng một li nước ấm tới, không được quá nóng, tự mình có thể sờ một chút, nếu nước ấm vừa thì đưa cho mẹ dùng.

Câu này chúng ta mở rộng ra dẫn dắt con trẻ, khi cha mẹ bị bệnh phải chăm sóc như thế nào. Con trẻ từ nhỏ đã hiểu được xử lý tình huống khẩn cấp, có những kinh nghiệm này thì gặp chuyện chúng sẽ không luống cuống. Thuốc trong nhà phải để gọn gàng, thậm chí tốt nhất là mỗi loại thuốc phải ghi rõ dùng vào bệnh gì, không chừng ba bị bệnh tim, nếu bị bệnh tim mà hai ba phút thuốc không đưa tới kịp thì không xong. Trong tình huống khẩn cấp, thuốc đặt ở chỗ nào, chúng ta phải nói cho con trẻ biết rõ, gặp khi nguy cấp chúng biết chỗ mà lấy nhanh. Tiếp đó, nếu như người trong nhà thật sự gặp chuyện, làm thế nào để gọi xe cứu thương? Làm thế nào nhanh chóng gọi cho người thân? Những số điện thoại này chúng cũng phải biết, khi có chuyện thì nhanh chóng nhấc điện thoại lên, những điều này đều phải dạy kỹ.

Chăm sóc người bệnh cũng phải để cho con trẻ học tập, khi chúng có những kinh nghiệm này, chúng biết được lúc nào cũng phải quan tâm đến nhu cầu của người bệnh. Lần thứ hai tôi đến Tịnh Tông học viện, có chú Trần đột nhiên bị xuất huyết dạ dày, cũng khá nghiêm trọng, ho ra máu. Ý chí của chú cũng rất là mạnh, ho ra máu mà vẫn từ ký túc xá đi bộ đến học viện, khi tôi gặp chú thì sắc mặt chú trắng bệch, tôi liên hệ với người phụ trách trong học viện ngay lập tức để mà đưa chú đến bệnh viện. Cũng nhờ có chư Phật – Bồ Tát bảo hộ, không có gì nghiêm trọng, hôm sau có thể quay về tịnh dưỡng. Trong thời gian tịnh dưỡng cần có người chăm sóc, mà chú không thể ăn thức ăn thông thường, phải bắt đầu ăn từ bột ăn dặm dành cho em bé sơ sinh. Bởi vì từ nhỏ tôi quá may mắn nên chưa từng chăm sóc người khác, Đệ Tử Quy nói “Cha mẹ bệnh – nếm thuốc trước – ngày đêm hầu – không rời giường”, còn phải “Việc chú bác – như việc cha – việc anh họ – như anh ruột”, học rồi phải lấy ra mà thực hành. Có cơ hội như vậy thì tôi mới có kinh nghiệm chăm sóc người bệnh, cứ hai ba tiếng thì tôi phải đi nấu bột cho chú ăn. Mặc dù lúc đó đến học viện, chủ yếu là vẫn mong muốn được nghe các vị pháp sư giảng pháp nhiều hơn, nhưng mà tri thức phải đi đôi với thực hành, giải hành phải tương ưng, cơ hội tốt như vậy, chúng ta cũng phải vui vẻ tiếp nhận. Trong khoảng thời gian đó, chúng ta sẽ trở nên vô cùng nhanh nhạy, vô cùng tỉ mỉ, rất nhiều năng lực nhờ vào trải nghiệm này mà từ từ được hình thành.

Mấy tháng sau tôi phải rời đi trước, mấy người đàn ông trong phòng tôi đều lưu luyến không muốn rời xa, tình cảm rất tốt. Cũng kết thiện duyên. Mà chú Trần đối với tôi mà nói là nhưchư Phật – Bồ Tát thị hiện, bởi vì chú thuộc giai cấp lao động, mặc dù là giai cấp lao động nhưng học vấn của chú rất giỏi, còn viết chữ tiểu Triện rất đẹp. Chú nói với tôi, khi chú mang theo những người có quốc tịch khác cùng đi làm, khi gặp phải công việc nguy hiểm, chú sẽ không để cho nhân viên của mình xuống trước, mà tự mình đi xuống trước, đợi sau khi xác định không có nguy hiểm, mới để cho những công nhân của mình đi xuống. Cho nên trong Kinh Phật có nói “Thiện Tài Đồng Tử năm mươi ba lần tham vấn”, chư Phật – Bồ Tát thật sự là thị hiện trong các ngành các nghề. Khi những người khác quốc tịch này thiếu tiền, chú cũng rất hào phóng giúp đỡ họ. Cho nên khi chúng ta thật sự có tâm tu học, chư Phật – Bồ Tát sẽ giúp chúng ta sắp xếp rất nhiều nhân duyên thù thắng.

Khi chúng ta chăm sóc cha mẹ, chúng ta cũng cảm nhận được sự phong phú của nội tâm, bởi vì báo ân sẽ tương ưng với tự tánh. Chúng ta phải trân trọng cơ hội có thể làm việc gì đó cho cha mẹ, nếu không có thể sẽ hối hận về sau, có câu “cây muốn lặng mà gió chẳng ngừng, con muốn phụng dưỡng mà cha mẹ chẳng còn nữa”. Khi cha mẹ còn khỏe mạnh, chúng ta cũng phải dùng thái độ đúng đắn để chăm sóc cha mẹ, con người chỉ cần quyết tâm thì sẽ có thể học rất nhiều bản lĩnh một cách nhanh chóng. Chúng ta cùng xem câu tiếp theo:

“Tang ba năm – thường thương nhớ – chỗ ở đổi – không rượu thịt”. Cha mẹ qua đời, theo lễ nghĩa phải thọ tang ba năm. Có người nói: cha mẹ mất rồi, tại sao lại phải khóc ba năm? Họ cảm thấy “Tang ba năm – thường thương nhớ” tức là phải khóc lóc ba năm. Thực ra chúng ta phải hiểu được, tại vì sao những người con hiếu thảo thời xưa thường hay thổn thức? Bởi vì họ luôn để ân đức của cha mẹ ở trong lòng, lúc nào trong lòng cũng nghĩ đến nhờ có cha mẹ mới thành tựu nhân cách của mình, cho nên khi nhớ đến cha mẹ liền vô cùng đau xót. Đây là biểu hiện rất tự nhiên, tuyệt đối không phải là quy định cha mẹ mất thì trong ba năm phải khóc, không phải như vậy. Chúng ta phải hiểu được những người con hiếu thảo thời xưa, thực sự là bất kì lúc nào họ cũng nhớ nghĩ đến ân đức của cha mẹ. Bởi vì thương nhớ cha mẹ cho nên “chỗ ở đổi – không rượu thịt”. Trong lòng đau buồn nên không muốn ăn thịt, không muốn ăn món ngon, không hề nghĩ đến, cũng không muốn đi chơi, chỉ muốn âm thầm mà tưởng nhớ ân đức của cha mẹ. Cho nên thời xưa có rất nhiều lễ nghi, tuyệt đối không phải là quy định bề ngoài để giới hạn bạn, mà là biểu hiện rất tự nhiên từ trong nội tâm mà ra.

Các vị đồng học khi trong lòng chúng ta có tâm cung kính, có tâm thanh tịnh, khi trưởng bối đứng, chúng ta ngồi ở đó sẽ cảm thấy như thế nào? Cảm thấy không thoải mái, bởi vì trái với tự tánh, tự nhiên bạn sẽ đứng dậy. Cho nên Lễ của nhà Nho và Giới của nhà Phật không phải là sự đóng khung ràng buộc mà là hành vi thể hiện từ tự tánh. Bởi vì nội tâm hiện nay không có cảnh giới như vậy, cho nên bắt buộc phải từ từ nội hóa từ hành vi bên ngoài. Tại sao thời xưa nói đọc sách có thể thay đổi khí chất? Bởi vì trong sách dạy chúng ta phải thường có tâm cung kính, tâm hiếu kính, nếu chúng ta thường làm những hành vi này, tự nhiên sẽ nội hóa. Cho nên khi mọi người gặp người khác cúi đầu chào, đừng xem nhẹ hành vi cúi đầu, động tác này làm nhiều lần sẽ điều phục được cống cao ngã mạn của chúng ta. Đối mặt với Lễ của nhà Nho và Giới của nhà Phật, chúng ta phải hoan hỉ thọ trì, tự tánh của bạn sẽ biểu hiện ra từng chút một.

Câu tiếp theo, “Tang đủ lễ – cúng hết lòng”. Chúng ta rất may mắn gặp được Phật pháp, cho nên khi làm hậu sự cho cha mẹ, phải hiểu được tuyệt đối không sát sinh. Thậm chí là khi cha mẹ lâm chung cũng phải nhanh chóng mà trợ niệm, để cha mẹ niệm Phật, nắm chắc cơ duyên đời này thành tựu. Đương nhiên tuyệt đối không thể đợi đến lúc lâm chung mới khuyên cha mẹ, đợi đến lúc lâm chung mới tìm người đến niệm Phật, như vậy thì rất hối hả rồi. Sống chết đích thực chỉ trong chớp mắt, chúng ta trước đây thường nghe câu tục ngữ “Diêm Vương muốn canh ba người chết, không thể lưu lại đến canh năm”.

Bà ngoại của tôi, từ lúc phát bệnh cho đến khi qua đời không đến năm giờ đồng hồ, mà cũng không biết là ngoại sắp đi. Bởi vì khi đó ngoại chỉ cảm nhẹ, chúng tôi đưa ngoại tới bệnh viên, vừa vô viện thì ngoại rất lạ, ngoại ngồi dậy nói, “ngoại không muốn nằm ở đây, ngoại muốn về nhà”, luôn miệng nói muốn về nhà. Thực ra ngoại biết mình sắp đi. Nhưng mà chúng tôi không chuẩn bị chút nào? Định nói vừa mới vô viện, người cũng không sao, cảm thấy có phải là ngoại đang gây phiền phức không? Cho nên người lớn trong nhà đều nói với ngoại rằng: ngoại mau nằm xuống đi. Tôi và mẹ tôi đều học Phật, cho nên bà ngoại luôn miệng nói: bảo Lễ Húc đưa bà về nhà. Nhưng mà dù sao tôi cũng là cháu ngoại, không có quyền quyết định để ngoại nằm viện hay đưa về nhà. Không đến mấy giờ đồng hồ sau, ngoại tôi bị nhiễm virus nên bị nhiễm trùng máu, bất tỉnh nhân sự. Vừa bất tỉnh nhân sự thì nghiệp chướng hiện tiền, rất nhiều cảnh tượng xuất hiện nên ngoại nằm đó mà nói lung tung. Cho nên chúng ta nhất định phải chuẩn bị cho tốt, nếu không sẽ đánh mất cơ hội khi lâm chung.

Trong Trung Dung có câu “Việc có chuẩn bị trước ắt thành, không có chuẩn bị trước ắt dở dang”, nhất định phải chuẩn bị trước thì tới đó mới không luống cuống. Mẹ tôi không có chút tâm lý chuẩn bị nào, bắt đầu luống cuống, khi người thân của chúng ta luống cuống thì chúng ta có thể luống cuống không? Không thể luống cuống, tôi lập tức nói với mẹ, con đi gọi cho mấy người bạn đồng tu cùng nhau tới trợ niệm. Sau đó vẫn là quyết định cấp cứu, cấp cứu có đáng sợ không? Tôi tận mắt nhìn thấy, mẹ tôi đau lòng không chịu được liền xông đến quỳ trước mặt bà ngoại, lúc đó bác sĩ y tá đều yêu cầu chúng tôi ra ngoài, khi đang cấp cứu không được cho người khác xem. Mẹ tôi xông vào như vậy, tôi cũng đi vào, nhìn thấy cảnh tượng cấp cứu như vậy rất thê thảm. Mổ, cắt, còn có những như vậy. Cho nên mấy năm nay đang phổ biến việc viết di nguyện rằng “khi tôi đang ở ranh giới sống chết, tuyệt đối không được cấp cứu”, nếu không thì giống như giết heo vậy, thật quá tàn nhẫn.

Khi cấp cứu xong không cứu được, ngay lập tức đưa ngoại tôi về nhà. Nửa đêm hơn một giờ, tôi và mẹ tìm mấy người bạn đồng tu tới cùng nhau trợ niệm. Người thân, người nhà bên ngoại tôi vốn không tin Phật, khi mới đưa ngoại về thì sắc mặt rất khó coi, bởi vì cấp cứu đau đớn như vậy, mặt nhăn lại. Sau đó chúng tôi tận lực niệm Phật, niệm hơn tám giờ đồng hồ, buổi sáng lại có mấy người bạn đồng tu khác đến giúp đỡ. Mọi người vừa bước vào, đọc kệ Tán Phật “A Di Đà Phật thân kim sắc, tướng hảo quang minh vô đẳng luân”. Hơn tám giờ đồng hồ đó, tôi không rơi một giọt nước mắt nào, rất bình tĩnh, nhưng mà khi nghe câu “A Di Đà Phật thân kim sắc”, đột nhiên tôi khóc, trong lòng cảm nhận sâu sắc ân đức của Phật không thể nghĩ bàn, lúc nào cũng chiếu hào quang đến hết thảy chúng sanh. Buổi sáng hôm đó sắc mặt của ngoại tôi đã hồng nhuận hơn, rất đẹp. Cho nên người nhà tôi nhìn thấy sắc mặt ngoại đẹp như vậy, sau đó cũng phối hợp làm theo những gì chúng tôi sắp xếp. Qua mấy ngày, bà ngoại báo mộng cho mẹ tôi, cười rất tươi, nắm tay mẹ tôi nói cảm ơn, cảm ơn. Hôm nay chúng ta nghe được Phật pháp, nhất định phải để cho người thân bạn bè của chúng ta có thể tiếp nhận được phước báo tốt như vậy.

Tôi ở Đài Trung có cơ hội đến tham quan một khu dân cư, nơi này là bạn đồng tu của tôi cùng nhau sinh sống, đúng là láng giếng hòa thuận, bạn đạo sống cùng một khu, tổng cộng có 36 hộ gia đình. Mọi người có thể cộng tu cho nên rất nhiều người đếu muốn đến khu này sinh sống, nhưng mà số lượng có hạn. Sau đó cũng khá may mắn, bên cạnh xây một tòa nhà lớn, cho nên có một bạn đồng tu phát tâm, ngay lập tức mua luôn tòa nhà này. Nhân duyên trong đời người vô cùng thú vị, người bạn đồng tu này lúc đầu định đi Canada định cư, sau khi đến Canada, cha cô đã sắp xếp nhà cửa và trường học cho đám trẻ. Nhưng đúng lúc đó cô gặp được sư trưởng, liền hỏi sư trưởng, sống ở Đài Loan hay là ở Canada tốt hơn? Sư phụ nói với cô rằng, trở về Đài Loan. Cô ấy nghe xong thực sự trở về, đúng lúc gặp phải nhân duyên này, mua luôn tòa nhà này. Sau đó sắp xếp cho bạn đồng tu tới mua căn hộ, trong phút chốc đã bán hết, tổng cộng có 72 căn hộ, mọi người tính xem tổng cộng là bao nhiêu? 108 căn hộ.

Khu dân cư này có một cách làm rất hay, họ thường đến nhà nào có trưởng bối lớn tuổi hỏi thăm, hỏi thăm xong thì cùng niệm Phật ở đó, để các cụ già quen với việc cùng nhau mà niệm Phật. Niệm Phật lâu ngày trong lòng các cụ sanh tâm hoan hỉ, không còn cảm thấy sợ hãi đối với cái chết, cho nên người niệm Phật vãng sanh ở khu dân cư này khá nhiều. Các vị đồng học chúng ta cũng có thể học theo phương pháp này, bạn đồng tu thường ghé hỏi thăm nhau. Cha mẹ của người bạn đồng tu mua tòa nhà này tuổi tác cũng đã lớn, chúng tôi cũng thường tới thăm, thuận tiện đến nhà cô cộng tu, cùng nhau niệm Phật, chuẩn bị tốt mọi thứ. Các vị đồng học nếu như có thể thành công thì sẽ thành tựu một vị Phật. Cho nên khi chúng ta tới giúp người khác trợ niệm, phải tận lực mà niệm, bởi vì nói không chừng sẽ thành tựu một vị Phật. Nếu như đời này chúng ta có thể thành tựu cho hai vị Phật, thì việc vãng sanh của chúng ta sẽ có khả năng cao, bởi vì một vị sẽ cầm tay phải, một vị sẽ nắm tay trái của chúng ta đi. Cho nên, chúng ta phải rộng kết thiện duyên, khi lâm chung nhân duyên sẽ thù thắng. Cho nên có thể thành tựu đại sự vãng sanh, nhất định là cùng nhau hoan hỉ, hậu sự sau đó cũng có thể làm vô cùng là trang nghiêm.

“Tang đủ lễ – cúng hết lòng”. Cúng tế phải vô cùng thành khẩn, trong Chu Tử Trị Gia Cách Ngôn có câu “tổ tiên tuy đã xa nhưng cúng tế không thể không chân thành”. Khi một người luôn nhớ nghĩ, nếu như không có cha mẹ, không có tổ tiên thì không có chúng ta, lúc nào cũng uống nước nhớ nguồn, thì lòng người sẽ vô cùng đôn hậu. Khổng Lão Phu Tử có nói “Cẩn thận lo tang lễ cha mẹ, thường tưởng nhớ tổ tiên xưa, lòng dân sẽ trở nên thuần hậu”, khi chúng ta cúng tế cha mẹ, cúng tế tổ tiên phải tận tâm tận lực, cũng làm tấm gương cho con cái noi theo.

Thời xưa cúng tế rất hay, trong sách xưa có nói là, “phụ vi đại phu, tử vi sĩ”, cha làm đại phu, con cái chỉ là trí thức bình thường. Lúc lo liệu tang lễ của cha dùng lễ của đại phu, bởi vì cha làm đại phu nên tang sự dùng lễ của đại phu, lúc cúng tế thì dùng lễ của kẻ sĩ. Bởi vì cống hiến lớn nhất của một đời người, có ích cho xã hội nhất đó là có đời sau tốt, đời sau của người cha chỉ là thành tựu của kẻ sĩ có học, cho nên cúng tế dùng lễ của kẻ sĩ. Nếu như “cha là trí thức bình thường, con làm đại phu”, lúc an táng cha dùng lễ của kẻ sĩ, nhưng cúng tế sau này dùng lễ của đại phu, bởi vì người cha đã bồi dưỡng ra một vị đại phu cho xã hội, đây là công lao của người cha. Lễ nghĩa của người xưa đều là biểu pháp, thể hiện thái độ “Cẩn thận lo tang lễ cha mẹ, thường tưởng nhớ tổ tiên xưa”. Cho nên chúng ta tìm hiểu lễ nghi cúng bái mà tổ tiên lưu lại, trong lòng sẽ vô cùng khâm phục, vô cùng là cảm động.

Sau cùng, “việc người chết – như người sống”. Cho dù là tổ tiên của chúng ta, hay cha mẹ của chúng ta đã rời xa nhưng chúng ta lúc nào cũng phải nhớ tới lời dạy bảo của cha mẹ dành cho chúng ta, tuyệt đối không được lãng quên, không được phạm sai lầm, như vậy thì cha mẹ ở trên trời có linh thiêng mới cảm thấy được yên lòng. “Việc người chết – như người sống”, đối với cha mẹ có thái độ như vậy, thực ra là đối với Tổ Sư Đại Đức cũng phải có thái độ như vậy. Chúng ta đọc lời dạy bảo của Tổ Sư Đại Đức có thể cảm nhận sâu sắc là mỗi câu mỗi chữ đều thể hiện tâm từ bi, mỗi câu mỗi chữ đều tận tình khuyên bảo, đều là tấm lòng Bồ Tát. Tôi nhớ cuốn sách đầu tiên của Tổ Sư Đại Đức mà tôi đọc là “Ấn Quang Đại Sư Văn Sao Tinh Hoa Lục”, đọc được lời dạy bảo của Ấn Tổ giống như bị người cầm gậy đánh cho rất nhiều lần, nhưng mà mỗi lần bị đánh đều cảm thấy rất thoải mái, bởi vì Ấn Tổ đang chỉ ra con đường sáng cho chúng ta. Lúc nào chúng ta cũng nhớ nghĩ đến những lời dạy bảo quan trọng mà Ấn Tổ dành cho chúng ta, chúng ta mới có thể xứng đáng với Tổ Sư Đại Đức, cũng có thể thành tựu chính mình. Mà lời dạy bảo quan trọng của Ấn Tổ, phải “đôn luân tận phận, nhàn tà tồn thành, tín nguyện niệm Phật, cầu sanh Tịnh Độ”. Thực ra nếu một người luôn làm được đôn luân tận phận, đều nhớ đến bổn phận, là đã luôn làm theo lí trí. Mà trong quá trình này, tự tư tự lợi, vọng tưởng chấp trước của chúng ta cũng được buông bỏ từng chút một, từ từ có thể dứt lòng tà giữ lòng thành, chỉ nhìn thấy nhu cầu của người khác, tuyệt đối không nghĩ tới chính mình.

Tôi có cơ hội đến Đài Trung tham quan nhà kỉ niệm của thầy Lý Bỉnh Nam, lão sư Lý có viết một bài thơ, viết rất khẩn thiết, thầy viết là “Ân cần nhắc nhở người, thời gian đừng lãng phí, vài người tỉnh được mộng, không phụ lòng Chuyển Luân”. Chúng ta xem video kỉ niệm về Thầy, giảng kinh tới 97 tuổi vẫn chưa ngừng, học trò thầy nhiều như vậy, học trò nói với thầy: thưa thầy, thầy để chúng con giảng được rồi, thầy đừng vất vả như vậy nữa. Lý Lão sư nói: chỉ cần chúng sanh còn muốn thầy giảng một ngày, thầy sống ngày nào sẽ giảng ngày đó. Lão sư Lý đã trở thành tấm gương tốt cho chúng ta, chúng ta phải ghi nhớ lời dạy bảo của thầy.

Chúng ta cùng xem bài thơ, “Ân cần nhắc nhở người”, thầy giảng kinh 38 năm, mà thầy cũng dạy chúng ta, đời này của chúng ta phải quỳ mà đón lấy Phật Pháp, vậy sau này chúng ta phải làm thế nào để truyền bá Phật Pháp? Phải quỳ mà truyền bá, cho nên thầy rất khẩn thiết. “Ân cần nhắc nhở người, thời gian đừng lãng phí”, chỉ nguyện chúng sanh được lìa khổ, không vì chính mình cầu an lạc, dạy bảo không ngừng nghỉ, không mệt mỏi, “vài người tỉnh được mộng”, thầy khẩn thiết dạy bảo chúng ta như vậy, chúng ta rốt cuộc có nghiêm túc lãnh hội hay không? “Vài người tỉnh được mộng”, không được cô phụ sự dạy bảo Của Tổ Sư Đại Đức, tuyệt đối không được bỡn cợt Phật Pháp, dùng Phật Pháp để tiêu khiển; “không phụ lòng Chuyển Luân”, không được cô phụ sự thị hiện của thầy, đây cũng là thầy khẩn thiết thức tỉnh chúng ta, không được cô phụ nhân duyên vô lượng kiếp hy hữu khó gặp này, không được để lỡ qua trước mặt. Lúc nào chúng ta cũng có thể nhớ nghĩ đến lời dạy bảo của Tổ Sư Đại Đức thì mới có thể làm được “việc người chết – như người sống”.

Có một học sinh lớp bốn, bà ngoại của em qua đời, em tới tham dự tang lễ, cậu của em ôm lấy hài cốt của ngoại, đang định đưa đến đạo tràng. Trên đường đi tài xế lái xe khá nhanh, có chút lắc lư, cậu đã nói với tài xế: mẹ tôi không quen ngồi xe chạy quá nhanh, anh hãy chạy chậm một chút. Đứa trẻ này sau khi trở về nói với thầy giáo: thưa thầy, cậu của con có phải là đã làm được “việc người chết – như người sống” hay không? Chúng ta có tâm cung kính đối với cha mẹ, tuyệt đối không bởi vì cha mẹ qua đời mà giảm bớt tâm cung kính; đối với ân đức của Tổ Sư Đại Đức cũng không thể bởi vì các Ngài đã qua đời mà có chút lơ là.

Nội dung giảng phía trước đều là “Nhập tắc hiếu”, thực ra nguyên quyển Đệ Tử Quy đều đang dạy điều gì? Dạy Hiếu! “Anh thương em – em kính anh – anh em thuận – hiếu trong đó”, từ anh em hòa thuận cho đến cung kính với tất cả trưởng bối, cha mẹ nhìn thấy sẽ rất hoan hỉ. Tiếp theo là “Cẩn”, chúng ta sinh hoạt có chừng mực, có quy luật, lời nói thành tín, có chữ tín cũng khiến cho cha mẹ vô cùng yên tâm. Các phần sau như “Phiếm Ái Chúng, Thân Nhân, Dư Lực Học Văn”, chúng ta chung sống hài hòa với người khác, học vấn không ngừng tăng trưởng, cha mẹ cũng rất vừa lòng, rất yên tâm về chúng ta. Khi chúng ta làm được toàn bộ Đệ Tử Quy thì đã thực hành Hiếu đạo rất là vững chắc. Mà một người luôn đặt hiếu đạo ở trong tâm thì họ sẽ càng ngày càng nhạy bén, càng ngày càng thận trọng với lời nói hành vi của mình, thường xuyên quán chiếu, bởi vì “đức tổn thương – cha mẹ tủi”.

Được rồi, tiết học hôm nay giao lưu tới đây thôi, cảm ơn mọi người.!