Giám định Lão Pháp Sư Tịnh Không
Chủ giảng thầy Thái Lễ Húc
Giảng từ ngày 6/3/2005 đến ngày 13/03/2005 tại Tịnh Tông Học Hội Australia
TẬP 13
Kính thưa sư phụ, kính thưa các vị pháp sư, các vị đồng tu, xin chào mọi người!
Chúng ta bắt đầu học phần thứ hai của Đệ Tử Quy, đó là “Xuất tắc đễ”. Câu đầu tiên nói rằng “Anh thương em – em kính anh”, chúng ta cùng nhau đọc:
“Anh thương em – em kính anh – anh em thuận – hiếu trong đó; Tiền của nhẹ – oán nào sanh – lời nhường nhịn – tức giận mất”
Chúng tôi hay hỏi học sinh, đời này người sống cùng chúng em lâu nhất là ai? Là anh chị em. Bởi vì cha mẹ lớn hơn chúng ta mấy mươi tuổi, mà tuổi tác của anh chị em xuýt xoát nhau, cho nên trong số người thân thì chúng ta sống chung với anh chị em lâu nhất, tình nghĩa giữa anh chị em cũng rất đáng quý. Cho nên Thiền sư Pháp Chiêu từng viết một bài thơ tự thuật về tình anh em, trong đó có câu “cùng cây liền cành tự tươi tốt, lời nói thốt ra chớ tổn thương, mỗi lần gặp nhau mỗi lần già, anh em với nhau được mấy hồi; sống chung nhường nhịn ắt an ổn, chớ vì chút lợi mà sanh sự, con cái sanh ra là anh em, để lại tấm gương cho chúng xem”. Chúng ta xem câu đầu tiên, “cùng cây liền cành tự tươi tốt”, cha mẹ giống như thân cây, anh chị em con cháu giống như cành lá mọc từ thân mà ra, cho nên đều là cùng một gốc rễ. Cho nên khi giữa anh chị em có xung đột, cha mẹ chắc chắn sẽ rất đau lòng, cho nên “lời nói thốt ra chớ tổn thương”.
Đến tuổi trung niên thì “mỗi lần gặp nhau mỗi lần già”. Tôi tin là mọi người khi tới tuổi trung niên, có thể là mấy tuần, thậm chí là mấy tháng mới gặp anh chị em của mình, vừa gặp liền nói: sao anh lại nhiều nếp nhăn vậy? Em lại có thêm không ít tóc bạc, “anh em với nhau được mấy hồi”. Lúc anh chị em sống cùng nhau chỉ cần luôn nhường nhịn, nhẫn nhịn thì sẽ “ắt an ổn”, không được vì chút lợi ích nhỏ, chút xung đột nhỏ mà làm lớn chuyện, “chớ vì chút lợi mà sanh chuyện”. “Con cái sanh ra là anh em”, chúng ta cũng có con cái, chúng cũng có anh chị em, cho nên chúng ta phải làm tấm gương tốt cho con cái noi theo, “để lại tấm gương cho chúng xem”. Nếu như anh chị em trong nhà kiện cáo ra tòa, vậy thì con cháu đời sau có thể hưng thịnh hay không? Chắc chắn là “Trong nhà chớ nên tranh kiện, kiện ắt kết cục chẳng lành”, cho nên gia hòa thì vạn sự hưng.
Người thời xưa rất trân trọng, xem trọng tình cảm giữa anh chị em. Vào thời nhà Tấn, có đứa trẻ tên là Dữu Cổn. Đúng lúc nơi Dữu Cổn sinh sống có một trận dịch bệnh, người anh cả qua đời do dịch bệnh, còn một người anh khác đang bị bệnh. Mọi người trong làng đều bỏ đi lánh nạn, cha mẹ em cùng với chú bác cũng định bỏ đi và còn muốn mang em theo. Dữu Cổn liền nói: “Không được! Anh con vẫn đang bị bệnh, con không thể rời bỏ anh được. Em ấy còn nói thêm: “Con không dễ mắc bệnh nên mọi người đừng lo, con muốn ở lại”. Chúng ta thấy rằng các vị Thánh Nhân thời xưa, tấm lòng của họ thực sự đã làm được “Dù có hy sinh bản thân, cũng phải giữ trọn đạo nghĩa”. Thực ra, thái độ như vậy tương ứng với chân tướng của vũ trụ nhân sanh. Khi em dùng thái độ như vậy để đối mặt với cuộc đời, cho dù là phải mất mạng, em cũng sẽ đi đến nơi tốt đẹp hơn. Nhưng nếu làm trái đạo nghĩa, cho dù là sống sót được, kiếp sau liệu có được nơi tốt đẹp để đi không? Không thể nào! Mà càng quan trọng hơn đó là đời này em sẽ cảm thấy dễ chịu không? Mặc dù sống thêm được mấy mươi năm nhưng cũng thấy có lỗi với lương tâm. Mà chỉ có các vị Thánh Nhân có tấm lòng hi sinh bản thân giữ trọn đạo nghĩa mới có thể biểu diễn vở kịch hay của cuộc đời, mới có thể biến chiến tranh thành hòa bình, mới có thể gặp hung mà hóa kiết.
Những câu chuyện mà chúng ta nghe trước đây, còn có những câu chuyện sau này đều đang ấn chứng một điều, chân thành có thể cảm thông, bậc chí thành giống như thần linh. Sau đó Dữu Cổn ở lại chăm sóc anh trai, buổi tối còn đi cúng bái trước mộ của người anh đã mất, vừa cúng bái vừa khóc lóc một mình. Qua mấy mươi ngày thì bệnh của anh trai liền khỏi. Mọi người cảm thấy vì sao lại khỏi? Khi anh em có tình nghĩa như vậy, mỗi bát thuốc bưng đến đều được gia trì, sự gia trì của đạo nghĩa, ân nghĩa trong đó nên uống vào rất hiệu quả. Cho nên anh trai mới khỏi bệnh, mà Dữu Cổn cũng không bị bệnh. Cha mẹ trở về nhìn thấy hai đứa con vẫn còn sống, vui mừng khôn xiết. Dữu Cổn đã thể hiện tình anh em vào thời nhà Tấn.
Thời nhà Đường có một vị đại thần tên là Lý Tích, ông là đại thần đã lập rất nhiều công lao vào thời vua Đường Thái Tông. Có một lần Lý Tích bị bệnh, ngự y đến khám, trong đơn thuốc của Lý Tích cần râu người để làm thuốc dẫn, Đường Thái Tông vừa nghe không nói lời nào liền cầm dao cắt râu của mình để đưa cho ngự y. Lý Tích biết được tin này rất là cảm động, đến gặp hoàng thượng khấu tạ long ân. Thực sự là khi một người làm lãnh đạo luôn biết suy nghĩ đến thuộc hạ, tin rằng nhất định sẽ được mọi người yêu mến. Mà Lý Tích rất hiếu kính chị gái của mình, lúc đó ông đã làm đến chức quan lớn, nhưng mà khi về nhà đi thăm chị của mình, vẫn tự mình nấu cháo cho chị ăn. Trong lúc nấu cháo, lửa cháy quá lớn làm cháy sém bộ râu của ông. Chị ông nhìn thấy liền nói: sao lại để cháy râu như vậy? Người hầu trong nhà rất nhiều, em để cho họ làm được rồi, cần chi phải cực khổ vậy? Lý Tích nói với chị của mình: từ nhỏ chị đã chăm sóc em nhiều như vậy, em luôn nghĩ làm sao để báo đáp cho chị, bây giờ chúng ta đã lớn tuổi rồi, em còn được mấy lần tự mình nấu cháo cho chị nữa chứ? Trong lòng của Lý Tích lúc nào cũng không quên tình nghĩa của anh chị em, đây là vở kịch hay mà người xưa đã biểu diễn cho chúng ta xem.
Trong khoảng thời gian tôi tiếp xúc với cô Dương, cũng biết được cô có rất nhiều anh chị em. Từ khi còn trẻ cô Dương đã suy nghĩ, cô nói cha cô có nhiều con cái như vậy, anh chị em lại sanh rất nhiều con cái, phải để cho những đứa cháu có thành tựu tốt thì cha của cô mới vui vẻ được. Khi cô suy nghĩ như vậy liền chủ động dạy bảo con cái của anh chị em mình, tổng cộng cô có 18 đứa cháu. Cô Dương mặc dù chưa có con nhưng khi còn trẻ đã bắt đầu dạy dỗ những đứa cháu này. Nhờ vào công sức của cô, ban ngày cô phải đi làm, tối về dạy chúng làm việc, dạy chúng đọc kinh điển, kết quả là cháu cô đều rất có thành tựu, có người làm bác sĩ, có người làm giáo viên. Mỗi khi đến ngày lễ của mẹ, ngày lễ của cha, không chỉ có một hai đứa trẻ đến chúc cô Dương, mà là một bầy cháu đến chúc mừng cô, rất hiếu thuận cô. Cô có tâm tận hiếu đối với cha mình nên mới có thể thành tựu sự hưng thịnh của gia tộc. Cho nên chúng ta phải dìu dắt họ hàng người thân của mình nhiều hơn, như vậy mới khiến cho cha mẹ vui mừng.
Hiện nay chúng ta đi theo sư phụ học tập, chúng ta cũng là một đại gia đình, trong gia đình quan trọng nhất là phải có đời sau kế nghiệp. Sư phụ dạy chúng ta kinh điển hay như vậy, nếu như đến tay chúng ta mà không truyền lại cho đời sau, vậy thì chúng ta có lỗi với lời dạy bảo của sư trưởng, càng có lỗi với con cháu ở đời sau. Nếu như trong số các bạn có người bằng lòng đứng ra giảng kinh thuyết pháp, chúng ta nhất định phải tận lực hộ trì cho người đó. Cho nên nếu có pháp sư còn trẻ tuổi, có cư sĩ còn trẻ tuổi lên bục giảng kinh, chúng ta phải hẹn nhau tới nghe họ giảng. Sau khi nghe xong thì góp ý với họ, như vậy thì họ mới không ngừng tiến bộ, mới có thể tiếp tục truyền thừa đạo pháp, tiếp tục phổ biến, để cho càng nhiều người có được lợi ích thực sự.
Lần này đến học viện, trong lòng tràn đầy sự biết ơn, gặp rất nhiều bạn học cùng từ hai năm về trước. Nhân duyên khiến tôi đến học viện cũng rất đặc biệt, lúc đi đến cũng ngồi phía dưới nghe giảng. Đúng lúc đó sư phụ có giao phó một việc, đó là phiên dịch những câu chuyện luân hồi chuyển thế của phương Tây, để cho đồng tu nào có tiếng Anh tốt lên bục giảng cho mọi người nghe. Đương nhiên tiếng Anh của tôi không tốt, cho nên không đến lượt tôi. Một hôm có một đồng tu cầm bản thảo đến đưa cho tôi, anh nói: bạn rất thích hợp, bạn lên giảng đi. Lúc anh đưa bản thảo cho tôi, chỉ còn lại sáu ngày là phải lên giảng, chiều hôm đó tôi trở về ký túc xá liền bị tiêu chảy, nhìn thân hình của tôi là biết tôi rất hay lo lắng rồi. Lúc này chúng ta phải gặp chuyện thì rèn luyện mình, là tiếp tục tiêu chảy hay là niệm Phật? Lúc này phải mau chóng niệm Phật, không được loạn, không được loạn, thời gian không còn kịp nữa, bởi vì người bạn đồng tu đưa cho tôi xong liền rời đi, tôi không kịp có cơ hội từ chối. Chiều hôm đó phải bình tĩnh lại trước, nhanh chóng đi nghe ngóng xem đồng tu nào có tiếng Anh tốt, đi nhờ họ giúp đỡ.
Trước hôm lên giảng hai ngày, chúng tôi thử giảng ở trong phòng họp nhỏ, có hơn 10 bạn đồng tu ngồi nghe. Tôi vừa giảng xong, mỗi một người đưa cho tôi một tờ giấy góp ý, trong quá trình giảng có những khuyết điểm gì, ai cũng viết rất nhiều, chứng tỏ là rất nhiều vấn đề. Lúc cầm được những tờ góp ý này tôi rất vui mừng, bởi vì câu nào cũng thực sự đã giúp đỡ tôi. Sau khi xem xong, có một bạn đến từ Melbourne còn tới tìm tôi, nói một số vấn đề nhất định phải chú ý không được phạm phải khi giảng kinh, nhắc nhở tôi rất nhiều. Sự trưởng thành trong cuộc đời của chúng ta đích thực đều là nhờ vào mọi người dìu dắt thành tựu. Hôm đó tôi lên giảng, sau khi giảng xong mọi người đều rất hoan hỉ, họ nói tôi đã phạm rất ít lỗi. Mọi người nhìn thấy tôi trưởng thành, mọi người cũng rất vui.
Mà cũng khá trùng hợp, hôm đó tôi lên bục giảng, bình thường cô Dương Thục Phương dạy buổi sáng, buổi chiều thường trở về đọc sách. Mà đúng hôm tôi lên giảng, tôi mới giảng được khoảng mười phút thì lần đầu tiên buổi chiều cô Dương đến Tịnh Tông học viện, vừa bước vào cô liền ngồi ở đằng sau nghe cho tới khi tôi giảng xong. Cũng nhờ vào buổi giảng bài này mà tạo nên nhân duyên giữa tôi và cô Dương. Sau đó cô rất chăm sóc tôi, tôi trở về Đài Loan, theo học với thầy Từ Tỉnh Dân, thầy Chu Gia Lân, cũng theo cô Dương học tập. Từ những kinh nghiệm này mà tôi tin là “Người có nguyện vọng thiện, ông trời ắt sẽ thành toàn”, chỉ cần chúng ta thật tâm phát nguyện, không cần phải nghĩ tới nghĩ lui, Phật – Bồ Tát sẽ sắp xếp cho bạn. Nhiều bạn đồng tu khích lệ, giúp đỡ tôi như vậy. Chúng ta cũng cảm nhận sâu sắc rằng, mỗi một vị cư sĩ hay pháp sư trẻ tuổi phát nguyện giảng kinh đều cần sự hỗ trợ của mọi người, để cho đại gia đình của chúng ta càng ngày càng hưng thịnh.
Anh trai kết nghĩa của tôi, quan hệ giữa anh em của anh rất tốt, rất hiếu thuận với mẹ, thật sự là gia đình hiếu đễ. Lúc mẹ anh qua đời, tôi đến phúng viếng, vừa nhìn thấy con cháu trong nhà của anh, tôi đột nhiên hiểu ra. Khi anh em trong nhà hiếu thuận, yêu thương lẫn nhau, phẩm chất của con cháu đời sau sẽ như thế nào? Vô cùng tốt, người nào cũng mặt mũi thanh tú. Lúc mẹ anh qua đời, trước cửa nhà anh có rất nhiều người lang thang đi tới đi lui, sau đó anh em anh mời họ vào. Những người lang thang này tới quỳ trước linh cữu mẹ anh, bởi vì mẹ anh thường lấy cơm cho họ ăn. Cho nên trên làm dưới noi theo, người trên luôn giữ tấm lòng nhân đức thì đời sau nhất định sẽ học theo. Cho nên trị gia không phức tạp như vậy, quan trọng nhất là phải làm được hiếu, làm được đễ.
Trước đây chúng ta cũng từng nhắc tới, nhà Chu vì sao có thể kéo dài hơn 800 năm? Bởi vì tổ tiên của họ thực hành Hiếu Đễ rất triệt để. Có một lần tôi đến Hạ Môn giảng bài, sau khi giảng xong có thu xếp cho giáo viên nghe giảng lên chia sẻ. Có một thầy giáo đi lên, anh dạy cấp hai, lần đầu tiên anh nói: tôi đến đây học thì mới biết nền tảng của đức hạnh là hiếu. Tiếp đó anh nói, anh tự mình trải nghiệm qua sức mạnh của hiếu, bởi vì thôn của anh có mấy mươi hộ gia đình sinh sống, tổng cộng có 109 người con. Trong 109 người thì có 108 người tốt nghiệp đại học, có một người không học, là do người này học đại học được hai năm, đã thi đậu đại học nhưng chỉ học hai năm, sau đó vì một số lý do nên nghỉ học. Như vậy thì đời sau của cả thôn này đều có trình độ đại học trở lên, nguyên nhân là gì? Chúng ta không thể chỉ nhìn vào kết quả, phải nhìn từ nguyên nhân.
Anh nói mùng một đầu năm, tất cả bạn trẻ cùng lứa đều không ra ngoài chơi mà đưa cha mẹ đi chùa lễ bái, đi lễ bái Phật Di Lặc, lễ bái Phật, chư Thần linh, thói quen này là đã thực hành được hiếu. Sau khi đưa cha mẹ đi chùa, trở về nhà sẽ đi đến nhà hàng xóm, đi đến nhà trưởng bối chúc Tết. Mọi người thấy như vậy đã làm được điều gì? Kính trọng người lớn tuổi, quý trọng người hiền tài, thực hành được đễ. Sau khi chúc tết nhà hàng xóm, nhà trưởng bối xong, mọi người sẽ tụ tập ở trường học ở trong thôn, cùng nhau thảo luận tình hình học tập, tình hình công việc trong một năm của mỗi người, chia sẻ kinh nghiệm cho nhau, phong khí hiếu đễ đã thành tựu quả báo thù thắng như vậy. Cho nên bất kì chuyện gì cũng không có ngẫu nhiên, gia phong muốn hưng vượng đều phải nhờ vào trên làm dưới noi theo, tuyệt đối không được mang tâm lý cầu may để dạy bảo con cái.
Cho nên tục ngữ có câu “bốn bể đều là anh em”, tôi giảng bài ở Đại lục, ở đại lục đa phần là con một, nên họ sẽ nghĩ, mình đâu có anh chị em. Chúng ta phải tiếp tục dẫn dắt, anh chị em họ cũng là anh chị em của chúng ta. Nào, chúng ta vẽ một bức tranh cho họ xem, giống như một cây đại thụ sẽ có rất nhiều cành, có thể là bạn ở đây, một bạn học khác lại ở kia, nhưng nhìn kỹ lại phía trên cũng có thể là cùng một tổ tiên, cùng một gốc rễ mà ra. Chúng ta đều là con cháu Viêm Hoàng, vì vậy tất cả mọi người đều nên yêu thương lẫn nhau, tôn trọng lẫn nhau, như vậy thì tổ tiên của chúng ta mới hoan hỉ, mới khiến cho con cái không sanh tâm phân biệt.
Còn nhớ lúc chúng ta xem video về cư sĩ Hứa Triết, phóng viên đã hỏi bà: bà giúp nhiều người như vậy, bà có cảm nhận thế nào? Cư sĩ Hứa Triết đã trả lời là: tôi đâu có giúp người ngoài? Tôi đang giúp anh chị em của mình. Cho nên chúng ta phải học theo tấm lòng rộng lượng của bà. Tôi cùng từng bật video này cho học sinh của tôi xem, thực ra trẻ em rất đơn thuần, chỉ cần bạn cho chúng xem cái đúng trước thì chúng sẽ có lãnh hội. Lúc tôi đi giảng ở đại lục, giảng cho học sinh trung học, khi chúng biết được tôi giảng miễn phí, chúng cầm micro nói xã hội bây giờ vẫn còn có người giúp đỡ người khác miễn phí, khi chúng nói câu này có chút nghẹn ngào, có thể đánh thức được sự thiện lương của chúng. Trong lúc giảng bài chúng ta phải kể nhiều hơn cho chúng nghe về câu chuyện của Thánh Hiền, các tấm gương tốt, vậy thì chúng mới có thể sanh ra thái độ tốt.
Thực ra chúng ta đều chung một mẹ, bởi vì trời là cha, đất là mẹ, tất cả sinh linh, vạn vật đều nhờ vào sự nuôi dưỡng của đất mẹ mới có thể sinh trưởng được; cho nên chúng ta có chung đất mẹ, chung một người mẹ. Đối với nhân loại, thậm chí là đối với hết thảy chúng sanh phải nên yêu thương bảo hộ, như vậy mới làm tròn hiếu đễ, anh thương, em kính. Cho nên “Anh thương em – em kính anh – anh em thuận – hiếu trong đó”.
Làm sao để gia đình hòa thuận? Hòa thuận là kết quả, phải xây dựng trên sự đối xử bình đẳng thì mới hòa thuận được. Bởi vì nếu như đối xử không bình đẳng thì lòng người bất bình, bất bình rồi sẽ sanh ra đối lập, sanh ra xung đột. Gia đình nhỏ hiện nay, gia đình hai người, ba người có xảy ra xung đột không? Mới có hai hay ba người đã xảy ra xung đột, thời xưa mấy trăm người sống chung với nhau lại có thể truyền đến hơn mười đời mà vẫn bình yên vô sự. Từ điểm này chúng ta phải học tập theo tổ tiên, rốt cuộc là tổ tiên đã dùng tâm cảnh như thế nào để cho mấy trăm người trong gia tộc chung sống hòa thuận?
Thời nhà Minh có một vị đại thần tên là Trịnh Liêm, gia tộc của ông có bảy đời chung sống với nhau, hơn một ngàn người. Hoàng đế rất hoan hỉ, cũng rất khâm phục, không ngờ lại có thể duy trì được một gia tộc hơn một ngàn người chung sống với nhau, cho nên hoàng đế ban cho ông một tấm biển, gọi là “Thiên hạ đệ nhất gia”. Ngoài ra còn tặng cho ông hai trái lê, phái Cẩm Y Vệ đi theo ông về nhà, xem ông làm sao chia hai trái lê này cho hơn một ngàn người ăn. Các vị đồng học cảm thấy nên chia như thế nào? Thời đó vẫn chưa có máy ép trái cây, nếu không thì nhanh gọn rồi. Trịnh Liêm trở về, không hề lo lắng, dặn thuộc hạ mang tới hai vại nước lớn, mỗi vại bỏ vào một trái lê, sau đó nghiền nát trái lê, để nước lê chảy vào trong vại nước, sau đó nói “nào, mỗi người tới uống một chén”, mọi người đều cảm thấy rất công bằng. Con cháu thân thiết với bạn, nếu như bạn có thể đối xử công bằng như vậy, chúng sẽ rất kính trọng bạn; con cháu không quá thân thiết với bạn, bạn có thể đối xử công bằng với chúng, chúng rất bội phục bạn, cũng vô cùng kính trọng bạn. Cho nên bình đẳng, công bằng là điều kiện quan trọng đầu tiên để trị gia.
Hoàng đế hỏi ông, khanh có bí quyết gì để trị gia? Kết quả là Trịnh Liêm nói “không nghe lời phụ nữ”. Có bạn nữ nào sau khi nghe xong liền cảm thấy giảm hẳn ấn tượng đối với thầy Thái hay không? Chúng ta phải căn cứ theo thời gian và địa điểm để hiểu lời dạy bảo của Thánh Hiền, đừng hiểu sai lời dạy bảo của các ngài. Chúng ta phải hiểu được, phụ nữ thời xưa ít có cơ hội được học tập lời dạy bảo của Thánh Hiền, không được nghe lời dạy bảo trí tuệ, khó tránh được sẽ thuận theo tập khí. Phụ nữ trong nhà, nếu như quá yêu thương thiên vị con cái của mình thì khi nói chuyện thường mang theo thị phi trong đó, nếu thị phi này truyền ra ngoài thì sẽ sinh ra ích kỉ, oán hận cũng theo đó mà sanh ra. Cho nên người lãnh đạo của gia tộc tuyệt đối không thể nghe những ý kiến tự tư tự lợi mà sanh ra tâm bất bình. Câu này ý muốn nói không thể nghe những ý kiến tư lợi mà khiến cho gia đình trở nên không công bằng.
Chúng ta cũng thấy được rất nhiều vị Thánh Hiền là nhờ vào mẹ hiền mới thành tựu đạo nghiệp của họ. Mẹ của họ có đọc sách hay không? Có đọc hay không? Cũng chưa chắc là đọc rất nhiều sách, nhưng mà tại sao lại hiểu được cách làm người? Là nhờ truyền thừa gia phong. Rất nhiều học vấn không hẳn là đọc được trong kinh điển mà là học theo lời nói, hành động của cha mẹ. Tôi gặp rất nhiều trưởng bối hơn năm mươi tuổi, họ đều nói chưa từng học Đệ Tử Quy; thực ra nhìn tướng mạo của họ thì cũng hiểu được, họ còn học giỏi hơn chúng ta rất nhiều. Từ thái độ cung kính khiêm tốn, từ khí chất thật thà phúc hậu của họ, chắc chắn là có truyền thừa gia phong. Sự cung kính của họ đối với cha mẹ, chắc chắn là hơn những người trẻ tuổi như chúng ta rất nhiều, thế nên người trẻ tuổi chúng ta học kinh điển thì phải càng cung kính những vị trưởng bối đã làm được này.
Chúng ta phải mở rộng câu “không nghe lời phụ nữ” ra, đó là đối với lời của người hẹp hòi, người ích kỉ thì có nên nghe không? Không nên nghe; nếu như đàn ông chúng ta mà tâm lượng hẹp hòi thì cũng xem như là lời phụ nữ, cũng không thể nghe. Chúng ta lãnh hội lời dạy bảo của kinh điển, phải lãnh hội từ bản chất, không thể chỉ dừng lại ở bề ngoài. Cho nên câu “anh em thuận – hiếu trong đó”, hòa thuận nhất định phải xây dựng trên sự đối đãi bình đẳng.
Câu kinh tiếp theo, “Tiền của nhẹ – oán nào sanh – lời nhường nhịn – tức giận mất”. Con người xung đột với nhau là do nguyên nhân gì? Xung đột về tiền tài và lời nói. Chỉ cần có chừng mực trong lời nói, chừng mực về mặt tiền tài thì xung đột giữa người với người sẽ giảm đi. Đương nhiên muốn con cái “tiền của nhẹ” thì từ nhỏ không được tham, trong chương “Nhập Tắc Hiếu” cũng có câu, “Vật tuy nhỏ – chớ cất riêng”, từ nhỏ dạy con trẻ không tham lam, không keo kiệt rất quan trọng. Chúng ta nói với con trẻ, thời xưa có một người đọc sách rất nổi tiếng, đó là Khổng Dung trong câu chuyện Khổng Dung nhường lê. Mặc dù tuổi còn nhỏ nhưng đem trái lê lớn nhường cho anh trai ăn, trong tâm hồn bé nhỏ của em, em cảm thấy anh trai mình thường chăm sóc mình, nên đưa trái lớn cho anh ăn trước. Con trẻ học xong, khi trở về nhà cũng yêu thương anh chị em của mình.
Có một em gái về nhà nhường trái đào cho em trai mình ăn, em trai em rất vui vẻ cầm lấy cắn từng miếng một, cắn được hơn một nửa thì bé gái này không chịu nổi nữa liền giựt lại trái đào. Mẹ của bé cũng khá thú vị, cũng không trách mắng em ngay lúc đó mà gọi điện thoại cho thầy giáo, kể câu chuyện em giựt lại trái đào cho thầy nghe. Sau khi học xong thì bé gái này trở về nhà thực sự đã nhường đào cho em trai mình ăn, nhưng mà nhường được một nửa thì không chịu được nữa. Hôm sau em đi học, thầy giáo cũng không nói em câu nào, chỉ kể một câu chuyện cho học sinh nghe.
Thầy nói thời nhà Hán có hai anh em trai, tên là Triệu Hiếu và Triệu Lễ, anh em họ vô cùng thương yêu nhau. Không may là Triệu Lễ bị cướp bắt đi, bọn cướp định nấu Triệu Lễ lên ăn. Anh trai ông nghe được tin này liền chạy tới sơn trại, nhìn thấy em mình gặp nguy hiểm liền xông đến, ông nói: không được ăn thịt em trai ta, em trai ta vừa ốm lại có bệnh, ta tương đối mập mạp, các người ăn thịt ta sẽ ngon hơn, mọi người hãy ăn ta đi. Em trai ông lại xông lên phía trước anh trai, nói với kẻ cướp: ta bị các người bắt đi là mệnh của ta, không liên quan tới anh trai ta, cứ ăn ta là được rồi. Hai anh em ở đó tranh nhau cái chết, sau cùng thì ôm nhau khóc to, bọn cướp đứng bên cạnh xem cũng bị cảm động. Thực ra kẻ cướp có phải là sanh ra đã làm cướp hay không? Có thể là do tình trạng xã hội khi đó không tốt, khiến họ lầm đường lạc lối, mà kẻ cướp có khi cũng rất có nghĩa khí, sau đó liền thả hai anh em họ Triệu đi. Hoàng đế biết được chuyện này liền phong cho hai anh em làm quan. Hoàng đế làm như vậy có sáng suốt không? Rất là sáng suốt, thứ nhất là tạo thành phong khí anh thương em, em kính anh, thứ hai là người có hiếu đễ thì nhất định sẽ yêu thương bảo vệ nhân dân, sẽ là vị quan tốt.
Tiếp đó thầy nói với học sinh là Triệu Hiếu, Triệu Lễ đến tính mạng cũng có thể hi sinh cho anh em, chúng ta liệu có thể chỉ vì trái cây mà xảy ra xung đột với anh em của mình không? Không nên thẳng thừng trách mắng bé gái, mà chỉ nói tới đây thôi, trong lòng em ấy sẽ cảm thấy hổ thẹn. Cho nên “Tiền của nhẹ – oán nào sanh”.
Có một lớp học, buổi trưa ăn cơm, trường đã chuẩn bị sẵn trái cây tráng miệng, hôm đó ăn dưa hấu. Lúc ăn cơm, rất nhiều em nhìn chằm chằm vào dưa hấu, nhìn chằm chằm vào miếng lớn nhất, ăn cơm vội vội vàng vàng, đợi ăn cơm xong thì nhanh chóng chạy đến lấy miếng dưa hấu to nhất ăn. Thầy giáo đứng bên cạnh nhìn thấy toàn bộ sự việc, nhưng mà thầy cũng yên lặng án binh bất động. Buổi học ngày hôm sau thầy hỏi học sinh: này các em, nếu như hôm nay chúng ta lấy miếng dưa hấu to nhất thì các em nghĩ xem sẽ tạo ra kết quả gì? Em học sinh này ăn cơm có ăn đàng hoàng không? Ăn vội vội vàng vàng, không tốt cho dạ dày, đây là “Thân bị thương – cha mẹ lo”. Khi chúng ta chạy đến lấy miếng dưa hấu to nhất, vậy thì các bạn học sinh khác sẽ có ấn tượng thế nào với người này? Học sinh trả lời: không nên làm bạn với người này, tham lam như vậy. Cho nên chúng ta phải phân tích tình hình, để học sinh hiểu được hóa ra từng hành động đều đang ảnh hưởng đến danh tiếng của chúng, đều đang ảnh hưởng tới cách nhìn của người khác dành cho chúng.
Kế đó thầy giáo lại tiếp tục phân tích, bạn học sinh lấy miếng dưa hấu to nhất sẽ vui vẻ trong bao lâu? Lúc ăn vô miệng rất vui vẻ, nhưng mà đã nuôi dưỡng thói quen tham lam. Nếu như lần sau miếng to nhất bị người khác lấy đi thì sẽ cảm thấy thế nào? Rất tức giận; mình không lấy được rồi! Một khi cái gì cũng muốn to nhất, muốn tốt nhất thì tâm tham lam đã hình thành, có thể là sau này không có được thứ mình muốn thì sẽ như thế nào? Tìm cách ăn trộm, dùng thủ đoạn không được hay để có được. Thầy giáo phân tích như vậy, hôm sau lúc ăn trái cây tráng miệng đã xảy ra sự thay đổi kỳ diệu, học sinh đều chọn miếng nhỏ nhất để ăn. Đối với giáo viên thì thời điểm giáo dục rất quan trọng, không phải là nhìn thấy như vậy liền nói: thầy dạy em như thế nào? Tại sao lại làm như vậy chứ? Nếu mắng chúng như vậy thì hiệu quả sẽ không tốt, nếu bạn dùng phương pháp phân tích khéo léo thì học sinh mới tự mình lãnh hội được.
Có một em nhỏ, dép của bạn học bị hỏng, thầy giáo nói với em, em đi lấy đôi dép cũ mà bị hư một chút của em cho bạn mượn đi, dép của bạn ấy không đi được nữa rồi. Chiều hôm đó thầy giáo phát hiện ra, đôi dép mới của em lại mang trên chân bạn học mình, còn mình lại mang đôi dép cũ bị hư rồi. Cho nên trong quá trình dạy học sinh, nhiều khi là học sinh làm chúng ta rất cảm động, chúng nghe một câu làm một câu, còn chúng ta nghe mười câu thì chọn ra vài câu đơn giản để làm trước. Thực sự là người dạy và người học cùng trưởng thành.
Chúng ta xem câu tiếp theo, “lời nhường nhịn – tức giận mất”. Mọi người cảm thấy tại sao con người phải tức giận? Con người tại sao lại bực mình? Chúng ta tìm hiểu nguyên nhân mới có thể uống thuốc đúng bệnh. Mọi người cảm thấy tình huống nào sẽ khiến con người tức giận vậy? “Nhập tắc hiếu”, “Cha mẹ gọi – trả lời ngay”, nếu như tâm cung kính không được sanh ra, mà sanh ra tâm ngạo mạn, lười biếng thì có dễ dàng tức giận không? Không có tâm cung kính với người khác, nhìn không vừa mắt thì dễ tức giận. Thế nên muốn con trẻ không sân si, không tức giận, từ nhỏ phải nuôi dưỡng tâm cung kính. Chúng ta xem các vị Thánh Hiền thời xưa vô cùng cung kính với trưởng bối nên làm gì có chuyện tức giận chứ.
Còn những nguyên nhân nào khiến cho con người tức giận, phẫn nộ? Rất có thể là đố kị, thấy người khác tốt hơn trong lòng khó chịu, những vấn đề này từ nhỏ phải mở rộng tấm lòng cho con trẻ, lúc nào cũng phải “Thấy người tốt – nên sửa mình – dù còn xa – cũng dần kịp”. Còn gì nữa không? Bởi vì tìm được nguyên nhân thì mới có thể để con trẻ từ nhỏ không hình thành thái độ như vậy, vậy thì cả đời tính cách của chúng sẽ rất tốt.
Tiếp theo là không tham lam; chúng hiểu được nhường nhịn thì sẽ không dễ gì tức giận, những đứa trẻ từ nhỏ đã biết nhường nhịn thì luôn được yêu thương. Giống như chúng ta làm giáo viên, nếu như đứa trẻ nào không tranh giành với người khác thì chúng ta cũng sẽ âm thầm quan tâm chúng hơn, bởi vì những đứa trẻ này rất hiểu chuyện. Cho nên con trẻ không tham thì sẽ không tức giận khi “người khác có, mình không có”.
Con trẻ hiện nay tại sao lại dễ dàng nổi giận? Bởi vì chúng ta giúp chúng làm quá nhiều việc, mà chúng lại cho rằng chúng ta nên làm cho chúng, chuyện gì cũng làm giúp chúng. Khi người thân làm không tốt, chúng sẽ cáu giận ngay lập tức: tại sao mẹ không làm giúp con chứ! Có một đứa trẻ hơn 10 tuổi, con trai của thầy giáo, mỗi ngày thầy đều giúp con chuẩn bị chai nước để con mang đi học, ngày nào cũng làm như vậy. Đột nhiên có một hôm thầy chuẩn bị chai nước trễ một chút, con thầy nhận lấy chai nước, thái độ rất hung hãn nói với thầy: con bị muộn đều là do ba, chậm chạp như vậy. Bạn xem, chuyện chúng nên làm chúng không làm, người khác làm giúp thì chúng cho là đương nhiên. Cho nên làm cha mẹ phải cẩn thận, bạn cho chúng quá nhiều tiền tài, chúng từ nhỏ đã quen xa xỉ, chúng sẽ cảm thấy người lớn cho chúng tiền là chuyện đương nhiên, đến lúc đó bạn phải thỏa mãn những dục vọng vô tận của chúng thì phiền phức rồi.
Ở Trung Quốc có một đứa trẻ, bởi vì cha mẹ có tiền cho nên tiêu xài rất hoang phí, một tháng phải tiêu đến mười ngàn nhân dân tệ. Cha mẹ không còn cách nào bèn cho con đi bộ đội, hi vọng đi bộ đội sẽ được rèn luyện, xem có khá hơn chút nào không? Đi bộ đội hai năm trở về, tính tình vẫn không thay đổi, vẫn tiêu xài hoang phí. Sau đó người cha nói với nó: “từ nay về sau ba không cho con tiền nữa, con tự nghĩ cách kiếm tiền đi”, cắt đứt tài trợ tiền bạc cho đứa con. Đứa con sanh ra tâm sân hận, tìm sát thủ giết cha mẹ mình, cho nên tâm sân hận thật đáng sợ. Đứa con đứng trước cửa nhà nói với sát thủ, đợi chút nữa có người đi ra, đi đến chỗ nào, nói rất chi tiết cho sát thủ nghe. Sát thủ nghe xong rất kinh ngạc liền hỏi? Người này là ai? Đứa con nói đó là cha tôi. Sau khi người cha qua đời, đứa con dự định giết chết cả người mẹ, bởi vì người mẹ giữ chìa khóa tủ tiền. Bởi vậy cho nên không được nuôi dưỡng dục vọng, khi chúng ta giúp con cái quá nhiều, chúng lại càng không biết cảm ân, còn cho rằng đó là chuyện chúng ta nên làm, lúc đó chúng ta chỉ biết kêu khổ thấu trời xanh.
Mọi người cho rằng sân hận là do nguyên nhân gì? Nếu như có đáp án hay hi vọng mọi người cung cấp cho tôi, bởi vì sẽ giúp chiều sâu, chiều rộng bài giảng của chúng tôi sau này càng ngày càng tốt hơn. Sau khi chúng ta tìm ra nguyên nhân sẽ chặt đứt nó từ đó. Chúng ta là người trưởng thành, rất khó mà cắm lại gốc rễ từ nhỏ được, thế nên chúng ta phải suy ngẫm xem, khi chúng ta tức giận sẽ có kết quả gì? Trong Phật pháp có dạy “Một niệm sân hận thiêu đốt cả rừng công đức”. Một khi tức giận thì toàn bộ công đức tu hành đều bị thiêu đốt hết, phải mất mấy ngày mới khôi phục được? Mất ba ngày. “Khởi một niệm sân hận mở ra trăm cánh cửa chướng ngại”, không chỉ chính mình bị ảnh hưởng không tốt, mà người khác cũng bị ảnh hưởng không tốt.
Có một người cha, bởi vì tính tình đứa con trai không tốt, cho nên người cha nói với con, mỗi lần con tức giận thì đóng một cây đinh vào cọc gỗ ở sau vườn. Mỗi lần đứa trẻ tức giận liền đóng một cây đinh, đóng khoảng một tuần, nó ra nhìn thì thấy chi chít đinh nằm trên cọc gỗ, đột nhiên phát hiện ra, tính tình của mình không tốt như vậy sao? Dần dần đứa trẻ hiểu được phải quan sát tâm mình, lúc nào cũng quan sát xem tâm mình có đang sân hận hay không. Nhờ vào sự nhạy bén này mà từ từ cũng giảm bớt tức giận, sau cùng thì không tức giận nữa. Người cha lại nói với đứa trẻ, chỉ cần một hôm không tức giận thì con có thể nhổ một cây đinh ra. Mỗi ngày nó lại nhổ bớt đinh ra, ngày nhổ chiếc đinh cuối cùng em rất vui vẻ nói với cha mình, con nhổ hết đinh ra rồi. Người cha dắt nó ra sau vườn rồi nói với con, mặc dù con nhổ hết đinh ra, nhưng cọc gỗ này có thể khôi phục lại hình dạng ban đầu hay không? Không thể nào, cọc gỗ đã trở nên nham nhở những lỗ chỗ đinh rồi.
Tục ngữ có câu “dao bén cắt thân còn dễ lành”, chúng ta dùng dao cắt lên da thịt, chỉ khoảng một đến hai tuần là vết thương có thể lành lại; nhưng mà “lời ác tổn người hận khó tiêu”, khi chúng ta dùng lời nói ác ý với người khác, nỗi đau của họ cả một đời khó mà nguôi ngoai. Mọi người từng nghe qua chuyện bị người khác mắng mà tự sát chưa? Có chuyện như vậy! Cho nên lời nói còn sắc bén hơn dao kiếm. Người cha lại nói với con, mặc dù bây giờ con không tức giận nữa, nhưng mà trước đây sự tức giận của con đã làm tổn thương rất nhiều người, tạo thành rất nhiều chướng ngại giữa mối quan hệ của con và người khác. Chúng ta hiểu được sân hận, tức giận không tốt với chính mình và người khác, chuyện mà chính mình và người khác đều không được lợi thì có nên tiếp tục làm hay không? Đương nhiên là không nên làm nữa. Biết rằng không thể làm thì phải nghĩ cách để đối trị.
Mọi người thấy là phải đối trị với sân hận, với tức giận như thế nào? Mọi người dùng phương pháp gì? Tôi thấy là chỉ có một đáp án tiêu chuẩn, đáp án tiêu chuẩn nào? Xin mọi người cho một tràng pháo tay khích lệ, đáp án tiêu chuẩn là, “A Di Đà Phật”. Tôi đi giảng ở một số nơi, bởi vì đa số không phải là Phật tử, cho nên có người nói đi mua sắm, mua sắm thật nhiều thì tâm tình sẽ thoải mái; hoặc là ăn thật nhiều, còn có người nói gọi điện thoại kể lể cho người khác. Tôi nói với họ, bạn đổ rác cho người khác, người khác nghe xong sẽ cảm thấy cuộc đời thật là khổ, có thể là càng ngày càng sa sút, bạn thì thoải mái rồi; không thể vui vẻ trên nỗi đau của người khác được rồi. Còn có một người nói, anh mua rất nhiều đồ ăn về ăn. Tôi nói với anh, có phải anh mua thực phẩm rác về ăn không? Bởi vì mặt của anh toàn là mụn. Mà đi mua sắm thì càng khổ, tại sao vậy? Phải tiêu tiền. Cho nên phương pháp tốt nhất là niệm Phật; khi sanh tâm tức giận thì mau chóng niệm A Di Đà Phật, quán tưởng Phật quang chiếu rọi, không thể tức giận nữa.
Phương pháp đối trị này, trong chữ Hán có chỉ ra phương pháp này, chúng ta thực sự thâm nhập vào chữ Hán thì không thể không khâm phục trí tuệ của tổ tiên. Chúng ta xem chữ “nộ” là chữ hội ý, gồm có chữ “tâm” và chữ “nô”, khi chúng ta tức giận thì tâm sẽ thế nào? Làm nô lệ cho tập khí! Làm sao có thể làm nô lệ cho tập khí được, không phải là đang chà đạp chính mình sao? Cho nên phải xoay chuyển “nộ” thành “thứ”, hai chữ này nhìn có giống nhau không? Chỉ cần gọt bớt đi một chút thì biến thành chữ “thứ”, bên trên là chữ “như”, bên dưới là chữ “tâm”, giống như tâm này. Chuyện hợp tình hợp lý thì cách nghĩ sẽ tương đồng, “người xưa bất thiện, không biết đạo đức, do không ai dạy, không nên trách họ”, bạn có thể bao dung họ, vì họ không gặp được sư trưởng của chúng ta, họ không gặp được thiện tri thức, chúng ta liền có thể xoay chuyển phẫn nộ thành từ bi. Được rồi, hôm nay học đến đây thôi, xin cảm ơn mọi người.!