Giám định Lão Pháp Sư Tịnh Không
Chủ giảng thầy Thái Lễ Húc
Giảng từ ngày 6/3/2005 đến ngày 13/03/2005 tại Tịnh Tông Học Hội Australia
TẬP 15
Các vị pháp sư tôn kính, các vị đồng tu, xin chào mọi người!
A Di Đà Phật!
Chúng ta vừa nhắc đến: “Tiền của nhẹ, oán nào sanh. Lời nhường nhịn, tức giận mất”
Hôm qua từ trên văn tự chúng ta cũng đã hiểu được làm thế nào để hóa giải sân hận, oán giận. Dùng phương pháp gì? Dùng phương pháp khoan dung. Trong “Cách Ngôn Liên Bích” có câu nói rằng “Quẻ khiêm sáu hào đều cát tường”. Khiêm tốn đi đến đâu cũng đều đạt được lợi ích rất lớn, mọi việc đều thuận lợi, cho nên sáu hào đều cát tường mà “chữ THỨ là phẩm đức nên hành trì suốt đời”. Từng có học trò hỏi Khổng Tử rằng có chữ nào có thể phụng hành cả đời không? Chính là chữ “THỨ” này. Bạn có thể đứng ở góc độ của đối phương để thấu hiểu chỗ khó của họ, thậm chí thể hội được nguyên nhân tại sao họ lại gây ra những hành vi không tốt đó. Đừng tức giận trên quả mà chúng ta phải tìm hiểu trên nhân. Thường khi bạn hiểu được nguyên nhân của họ thì cơn giận của bạn đã giảm hơn một nửa rồi, gọi là “người đáng ghét nhất định có chỗ đáng thương”.
Hôm qua cũng có nhắc đến chuyện một em học trò của tôi thường đánh người, mắng người, cho nên quan hệ với mọi người không tốt, rất nhiều thầy cô nhìn thấy cũng cảm thấy em rất khó quản giáo. Chúng tôi hiểu được hoàn cảnh gia đình của em nên cơn giận liền tiêu tan hết. Cha em căn bản là không trở về nhà, mẹ em cũng không biết đã đi đâu, sau đó cha em lại lấy vợ người Thái Lan. Cô ấy căn bản không cách nào dạy dỗ con trẻ. Quả thực chúng ta phải dùng một tấm lòng khoan thứ, bao dung, thậm chí là dùng tâm giúp đỡ, tâm thành tựu thì liền có thể chuyển tức giận thành tha thứ. Đương nhiên, trong quá trình này trước tiên phải từ giới được định, từ định khai huệ thì tâm từ bi của chúng ta sẽ không khó hiển lộ, nhưng trong quá trình này trước tiên cũng phải điều phục được cảm xúc, tức giận.
Hôm qua, chúng ta cũng đã hiểu, một câu vạn đức hồng danh là phương pháp hay nhất, nhưng tuyệt đối không phải lúc xảy ra xung đột lời nói với người thì mới lấy câu vạn đức hồng danh này ra niệm. Phải niệm khi nào? Chúng ta nên nghe theo lời dạy bảo của Đại Sư Ấn Quang là đi đứng nằm ngồi, mặc áo ăn cơm, từ sáng đến tối, từ tối đến sáng một câu Phật hiệu không cho gián đoạn. Đây là phương pháp rất tuyệt diệu, rất quan trọng. Rất nhiều bạn nói rằng “thầy Thái à! tại sao thầy giảng bài không căng thẳng vậy?”. Tôi nói là do niệm Phật, khi căng thẳng thì như thế nào? Nhanh chóng niệm A Di Đà Phật giúp cảm xúc của mình ổn định lại.
Tháng một năm kia, lần đầu tiên tôi diễn giảng ở Hải Khẩu. Kết quả là đối diện với hơn ba trăm thầy cô giáo, tôi cũng rất căng thẳng, lại sợ đến không ngủ được. Bởi vì tôi thi đại học đã uống hai viên thuốc an thần cũng không ngủ được, kết quả hôm sau thuốc phát huy tác dụng nên thi một cách mơ mơ hồ hồ, “một miếng ăn, một ngụm nước…”. Tôi sợ tình huống này sẽ tái diễn nên tôi đến trước Khổng Lão Phu Tử lễ ngài ba lạy: “Không Phu Tử à, xin ngài phù hộ cho con hôm nay ngủ thật ngon”. Kết quả thực sự là ngủ một mạch đến sáng. Ngồi ở phía dưới bục giảng thì niệm Phật suốt, lên bục giảng có hơn 300 gương mặt xa lạ tôi cũng luôn nghĩ đây đều là cha mẹ quá khứ, chư Phật vị lai nên vô cùng thân thiết, cho nên cũng rất tự nhiên mới có thể diễn giảng thoải mái. Do vậy trì câu Phật hiệu có lợi ích rất lớn. Trong buổi diễn giảng lần đầu tiên đó cũng là nhân duyên rất quan trọng, sau này các thầy cô trong trung tâm của chúng tôi phần lớn đều là những người bạn kết giao trong buổi diễn giảng đó.
Cho nên giảng bài có thể dùng cách niệm Phật. Khi cơn tức giận sắp bộc phát cũng có thể dùng cách niệm Phật để chế phục nó, nhưng công phu này nhất định phải rèn luyện trong những lúc bình thường. Rất nhiều bạn bè đều hỏi tôi rằng “thầy niệm Phật vào lúc nào vậy?”. Chúng tôi thường phải đi diễn giảng, một ngày phải dành một, hai giờ cố định để niệm Phật là điều rất khó, đều tranh thủ lúc nào vậy? Lúc nấu cơm thì A Di Đà Phật, A Di Đà Phật, lúc giặt quần áo thì A Di Đà Phật, A Di Đà Phật, đều có thể có nhịp điệu. Lúc đi bộ thông thường là hai tiếng một bước, A Di Đà Phật, A Di Đà Phật, chia thành những phần nhỏ như vậy. Cho nên đã là công việc thì phải tìm mọi cách để thành công chứ không phải tìm lý do để thất bại. Có người thường nói việc này tôi không có thời gian, việc kia tôi không có thời gian, kỳ thực thời gian là do con người tìm ra. Khi chúng ta ngồi xuống, người khác nói chuyện thị phi nhân ngã mà không quấy rầy đến bạn thì bạn hãy nhanh chóng tu hành, niệm Phật. Khi đi đứng nằm ngồi thường niệm Phật thì tâm của chúng ta sẽ rất bình tĩnh, cũng giống như một hồ nước vậy, khi bạn có tâm được mất, có tâm sân giận, ý niệm vừa khởi lên thì cũng giống như mặt hồ nổi sóng vậy. Bạn vừa nhìn liền biết được, đột nhiên vọng tâm của mình vừa khởi lên thì lập tức phải cảnh giác, lúc này không sợ niệm khởi chỉ sợ giác chậm, hãy nhanh chóng đè phục nó xuống. Năng lực giác chiếu này có được là nhờ công phu dụng công lúc bình thường, cho nên một câu Phật hiệu cũng có thể làm được “lời nhường nhịn, tức giận mất”.
Chúng ta học tập Thánh giáo cũng phải thông qua những quá trình khảo nghiệm và nâng cao. Sư trưởng cũng thường nói học Phật quan trọng nhất là phải nâng cao cảnh giới của bản thân. Chúng ta học “Đệ Tử Quy” cũng phải không ngừng nâng cao cảnh giới thực tiễn của bản thân. Trong “Luận Ngữ” Khổng Lão Phu Tử có nhắc đến “người có thể cùng nhau học tập nhưng chưa chắc thực hành giống nhau, có thể thực hành giống nhau nhưng chưa chắc có sức định giống nhau, có sức định giống nhau nhưng chưa chắc có thể tùy cơ ứng biến như nhau”. Câu này đã nói rõ học vấn có bốn cảnh giới. Cảnh giới thứ nhất là học tập; cảnh giới thứ hai, chữ “thích đạo” nghĩa là thực hành, đi làm; cảnh giới thứ ba chính là trong khi làm lúc nào cũng đều có thể đứng vững kiên định, như như bất động, đây là định công. Đây vẫn chưa phải là cảnh giới cao nhất, cảnh giới cao nhất là gì? Hiểu được tùy cơ ứng biến, khai trí huệ rồi, không phải học thành chết cứng, học thành con mọt sách, như vậy cũng không tốt.
Nhân duyên lần này của chúng ta là có thể cùng nhau học tập, mọi người cùng nhau học tập. Chúng tôi cũng phát hiện thấy mỗi vị đồng tu đều rất dụng công, học xong liền làm ngay, đây gọi là thực hành. Chúng ta có rất nhiều bạn học cùng cấp hai, cấp ba, đại học. Sau khi tốt nghiệp, mặc dù nhận nền giáo dục giống nhau nhưng tốt nghiệp xong ra ngoài xã hội liệu có đi cùng đường không? Tất cả đều khác nhau, cho nên đó chỉ là trạng thái học cùng, không cùng cảnh giới thực hành. Thời xưa có hai nhà binh pháp là Bàng Quyên và Tôn Tẫn, hai người họ đều cùng theo học một vị thầy, học xong kết quả có giống nhau không? Hoàn toàn khác nhau, cho nên học tập quan trọng nhất là giữ tâm đúng đắn mới được, nếu không sẽ không học được. Hai người cùng một thầy dạy nhưng kết quả hai người ra ngoài phong cách hoàn toàn khác nhau, đến cuối cùng còn tàn sát lẫn nhau.
“Có thể thực hành giống nhau nhưng chưa chắc có sức định giống nhau”. Mặc dù người đọc sách nhiều như vậy, niệm niệm đều nói mình phải làm học trò tốt của Khổng Phu Tử, phải làm học trò tốt của Thánh Hiền. Xem ra đều là đi trên đại đạo của Thánh Hiền, nhưng chỉ cần xuất hiện những việc liên quan đến lợi ích của họ, liên quan đến sự tồn vong sinh mạng của họ thì chưa chắc họ có thể giữ vững được chánh đạo. Cho nên trong “Đạo Đức Kinh” Lão Tử có một đoạn giáo huấn như vầy: “quốc gia hỗn loạn” mới biết ai là trung thần. Khi đất nước không có vấn đề gì thì mọi người dường như đều là trung thần, nhưng khi thật sự xảy ra vấn đề thì sẽ biết được ai có thể đứng vững. “Lục thân bất hòa thì sẽ có con hiếu từ”, kỳ thực mặc dù xã hội hiện nay của chúng ta đang loạn nhưng bạn có thể thật sự nhìn ra được ai là con hiếu thật sự. Trong phong khí như vậy họ vẫn có thể đứng vững vàng, giữ được bổn phận làm người thì cảnh giới của họ đã đạt đến trạng thái “định” này rồi.
Thời nhà Đường xuất hiện một tai họa rất lớn chính là loạn An Sử. Lúc đó, do Đường Huyền Tông sủng ái Dương Quý Phi nên xao nhãng việc triều chính. Kết quả An Lộc Sơn bắt đầu làm loạn, chiếm giữ toàn bộ đất nước một cách nhanh chóng, nội trong mấy tháng đã đánh chiếm một nửa giang sơn. Tất cả những người xuất thân khoa cử, những người đọc sách Thánh Hiền đều đi đâu? Tất cả đều giơ cờ trắng đầu hàng, may mắn có hai vị trung thần là Trương Tuần, Từ Viễn sống chết giữ lấy thành Tuy Dương, chết cũng cố sức chống lại nên đội quân của An Lộc Sơn không đánh lại được, nhờ vậy mới giúp quân đội của nhà Đường được tạm nghỉ, được điều chỉnh lại, chuẩn bị cho cuộc chiến khác. Nếu như không có Trương Tuần, Từ Viễn thì nhà Đường có thể đã bị đánh bại rồi. Cho nên các vị đồng tu, cuộc đời của bạn nếu có thể có những người bạn tri kỷ như vậy thì khi bạn gặp tai nạn họ có thể thật sự giúp bạn hóa giải. Sau đó An Lộc Sơn bắt được Trương Tuần, Từ Viễn và tra tấn họ rất dã man bắt họ đầu hàng, kết quả họ không chịu còn chửi mắng An Lộc Sơn. An Lộc Sơn đã nhổ răng của họ nhưng họ vẫn ngậm máu chửi mắng. Chúng tôi nghĩ lúc đó hai chân của An Lộc Sơn cũng đều phát run, đối trước một tinh thần bất khuất như vậy thì ông ta cũng cảm thấy rất hổ thẹn. Vâng, đây là có sức định giống nhau.
Cao hơn nữa chính là hiểu được tùy cơ ứng biến. Thời xưa có một người con hiếu tên là Mao Nghĩa. Bởi vì lúc đó là thời loạn thế nên phần lớn người đọc sách đều không muốn ra làm quan, tự mình lo tu dưỡng bản thân, cố gắng dạy học, không ham muốn công danh lợi lộc, nhưng Mao Nghĩa đã tiếp nhận một chức quan, muốn ra làm quan. Một số người bạn học tốt của ông cảm thấy tại sao ông lại làm như vậy nên xem thường ông. Bởi vì khi Mao Nghĩa tiếp nhận chức vị còn nở một nụ cười, cho nên những người bạn này dần dần đã rời xa ông. Sau đó làm quan được một thời gian thì mẹ của Mao Nghĩa vãng sanh, Mao Nghĩa liền từ quan, từ đó không ra làm quan nữa. Kết quả trong số những người bạn tốt của ông cũng có một người đọc sách rất nổi tiếng tên là Trương Phụng. Ông thấy Mao Nghĩa sau khi từ quan trở về trong lòng rất hổ thẹn. Ông nói nụ cười lúc đầu của Mao Nghĩa là cười vì ai? Ta bị đói không sao cả nhưng làm sao có thể để mẹ ta bị đói được. Ông vì phụng dưỡng mẹ nên tâm sanh hoan hỷ, đến khi mẹ ông vãng sanh thì ông muốn giữ khí tiết nên không muốn ra làm quan nữa, cho nên đây là tùy cơ ứng biến.
Chúng ta học “Đệ Tử Quy” cũng phải từ chỗ định mà đi đến chỗ tùy cơ ứng biến, ví dụ “tiền của nhẹ, oán nào sanh”. Đối với anh em chúng ta có nên “em trai à, anh cho em tất cả tài sản đấy”? Chúng ta cũng phải xem tình hình. Khi em trai vẫn chưa trưởng thành, rất nhiều đức hạnh còn chưa hình thành, bạn cho họ tiền thì họ sẽ tiêu hết. Do vậy chúng ta học học vấn Thánh Hiền vẫn phải có một tư tưởng cốt lõi là niệm niệm suy nghĩ cho người thì lúc này bạn sẽ biết tùy cơ ứng biến. Bạn nên nói rõ với họ “em lo cho cuộc sống và gia đình ổn thỏa rồi thì anh nhất định sẽ cho em những tài sản này”. Bạn phải hướng dẫn họ, phải giúp đỡ họ, nếu không họ sẽ sa ngã.
Tiếp theo là “lời nhường nhịn, tức giận mất”. Lời nói khi nào phải nhẫn nhịn? Khi có oán thù thì chúng ta phải nhẫn, sau đó lùi lại để cảm hóa đối phương. Phải nhẫn nhịn, nhưng khi đối diện với việc chung, quy tắc đạo đức chung, lúc nên nói thì bạn cũng phải nói, nếu không toàn bộ quần chúng đều không có quy tắc đạo đức chung. Chúng ta “lời nhường nhịn” lại biến thành nể quá hóa hỏng. Khi tôi ngồi trên xe buýt thường nhìn thấy có người hút thuốc. Bạn xem trên xe đều viết gì vậy? “Cấm hút thuốc”, nhưng họ vẫn hút, cho nên toàn bộ xã hội không có đạo lý công bằng chánh nghĩa nữa. Lúc này chúng ta nên chủ động khuyên can, nhưng khi khuyên can chúng ta phải nhớ “cha mẹ lỗi, khuyên thay đổi”, sau đó khuyên như thế nào? “Mặt ta vui, lời ta dịu”. Nếu bạn đối với họ rất hung dữ thì có thể hôm sau trên báo sẽ có một bài là “hôm qua trên xe buýt đã xảy ra đánh nhau”, vậy thì không tốt.
Có một lần đúng lúc nhìn thấy một người nam đang hút thuốc, tôi liền đi đến nói rằng “xin lỗi, anh à, tôi bị bệnh suyễn, anh có thể đừng hút thuốc được không?”. Tôi có bị bệnh suyễn không? Đây gọi là phương tiện nói dối giúp người khác có lối thoát, đúng không? Cho nên có đạo lý nhưng vẫn phải khoan thứ cho người. Tôi nói tôi bị bệnh suyễn anh có thể đừng hút thuốc không? Tôi còn mỉm cười nói với anh ấy. Kết quả có thể là chưa có ai từng khuyên anh ấy nên sự khuyên can bất ngờ này khiến anh ấy lúng túng không biết làm sao, vừa muốn mắng tôi lại không biết mắng như thế nào, cho nên lẩm bẩm không rõ như vậy, sắc mặt cũng không tốt. Lúc này chúng ta phải có định công, tiếp tục nhìn anh ấy mỉm cười sau đó dần dần quay đi tiếp tục bám vào móc treo. Khi bám vào móc treo chúng tôi nghĩ tất cả chúng sanh đều có trí huệ đức tướng của Như Lai, chúng tôi phải nhanh chóng niệm Phật hồi hướng cho anh ấy, đánh thức thiện căn của anh ấy. Tôi liền ở đó nhắm mắt lại niệm Phật, A Di Đà Phật, cứ niệm như vậy, một lát sau tôi ngửi một chút thì không còn mùi thuốc nữa. Sau đó tôi xuống xe, sau khi xuống xe, hai vị thầy cùng đi nói với tôi rằng “người đàn ông đó nhìn thầy hai lần”. Anh ấy đứng đó nhìn tôi một cái, rồi lại nhìn tôi một cái. Lúc này chúng tôi rất điềm tĩnh nên anh ấy sanh tâm hổ thẹn, chúng tôi lại không phải cố tình gây xung đột với anh ấy để anh ấy có không gian phản tỉnh. Cho nên đối với việc đạo nghĩa chung chúng ta vẫn phải bênh vực lẽ phải, chú ý thái độ là được.
Sau này các thầy cô của chúng tôi nghe xong, họ ngồi xe buýt thường hay nghe thấy một câu là “Anh à, xin lỗi tôi bị bệnh suyễn”. Đúng lúc có một cô giáo, cô ấy khuyên người đầu tiên, người này liền dập thuốc đi. Kết quả có một người nữa lên xe lại hút thuốc, cô ấy lại đi đến nói với họ rằng “tôi bị bệnh suyễn anh có thể đừng hút thuốc được không ạ?”. Kết quả lại có một người nữa lên xe đang hút thuốc. Cô ấy đột nhiên cảm thấy có phải Phật Bồ Tát muốn thử xem cô ấy có thật tâm hay không? Kết quả đã khuyên đến người thứ năm. Khi cô ấy đang khuyên người thứ năm thì đột nhiên người thứ nhất liền nói “đừng hút thuốc nữa”. Cho nên chúng ta muốn tạo dựng đạo lý công bằng chánh nghĩa thì tự nhiên sẽ có một sức mạnh đoàn thể. Đây chính là giáo dục xã hội, dần dần con người sẽ sống có quy củ. Cho nên lúc này chúng ta cũng phải tùy cơ ứng biến. Phía sau mỗi câu của “Đệ Tử Quy” chúng ta cũng phải học tùy cơ ứng biến.
Cho nên lễ là gốc của nhà Nho, giới là gốc của nhà Phật. Giới cũng có khai, giá, trì, phạm. “Đệ Tử Quy” cũng có khai, giá, trì, phạm, nhưng trong câu giáo huấn này chúng ta nhìn thấy chữ “chưa chắc, chưa chắc, chưa chắc”, nhưng phía trước lại có chữ “có thể, có thể, có thể”. Làm sao khiến những cảnh giới này không ngừng nâng cao? Nó có một chữ mấu chốt chính là chữ “học” ở phía trước. “Hiếu học gần với trí”, chỉ cần chịu học thì nhất định có thể không ngừng nâng cao cảnh giới, mà sự hiếu học này còn phải khéo học. Khéo ở chỗ quan sát người khác rốt cuộc làm việc viên mãn như thế nào? Việc này chúng ta cũng phải khéo quan sát mới được, cho nên lúc nào chúng ta cũng đều đang làm “Thiện Tài Đồng Tử năm mươi ba lần tham vấn”. Chúng ta nắm vững một nguyên tắc là “Thấy người tốt, nên sửa mình. Dù còn xa, cũng dần kịp. Thấy người xấu, tự kiểm điểm. Có thì sửa, không cảnh giác”, hơn nữa đối mặt với người xấu chúng ta không những không học hành vi của họ mà phải tìm ra nguyên nhân xấu ác của họ, chúng ta tùy duyên tùy sức hướng dẫn họ, giúp đỡ họ, khiến họ chuyển biến, sửa đổi từ nhân ác. Chúng ta xem câu kinh văn tiếp theo, mời cùng đọc:
“Hoặc ăn uống, hoặc đi đứng. Người lớn trước, người nhỏ sau. Lớn gọi người, liền gọi thay. Người không có, mình làm thay”
Ăn uống, ngồi đi đều là những việc thường xảy ra trong cuộc sống của chúng ta. Khi chúng ta có đồ ăn ngon thì nhất định phải để người lớn ăn trước. Mấy chục năm về trước, khi ăn cơm nhất định phải đợi ông bà nội, phải đợi cha trở về, vì sao vậy? Bởi vì kế sinh nhai của gia đình đều là thành quả lao động vất vả của cha. Phận làm con phải tôn kính, phải cảm ơn công sức của cha, đương nhiên phải mời cha ăn trước. Do vậy trong nghi lễ này mọi lúc đều là nâng cao tâm hiếu và tâm cung kính của con người. Hiện nay lấy đồ ăn ra để ai ăn trước? Trẻ nhỏ ngồi đó còn chưa cầm đũa đã lấy tay bốc ăn rồi, cho nên đã không nắm bắt tốt cơ hội giáo dục này.
Chúng ta dùng kinh điển giáo dục trẻ nhỏ thì chúng sẽ hiểu được đồ ăn phải dâng cho người lớn trước. Sau đó khi ngồi vào vị trí, chữ ngồi đi này cũng phải dạy trẻ vị trí khi ăn cơm nên ngồi như thế nào. Vị trí chủ tọa nhất định là hướng đối diện với cửa ra vào. Bởi vì vị trí chủ tọa ngồi ở đó thì họ có thể nắm bắt toàn bộ tình hình phòng ăn hoặc là không gian nơi đó, cho nên phải để vị trí chủ tọa cho người lớn ngồi, hậu bối chúng ta cố gắng nên ngồi ở đâu? Ngồi ở bên cửa, thường khi có việc gì cần xử lý hoặc cần bưng đồ ăn. Chúng ta có thể ngồi ở đó. Trẻ nhỏ học rồi thì nên làm ngay, thầy cô còn nói với chúng nếu chiếc bàn này có đường vân, từng đường vân đó không được chỉ thẳng vào người chủ tọa, như vậy là không lễ phép. Đúng lúc có một lần tôi cùng ăn cơm với các em học sinh. Tôi vừa ngồi xuống thì chúng lập tức liền xoay bàn. Chúng nói không thể để những đường vân này chỉ thẳng vào thầy Thái được, chúng còn chuyển nó đi. Ở những chỗ vi tế như vậy mà trẻ đều đề khởi được sự cung kính thì chúng có thể bình tĩnh khi làm những việc lớn. Tăng trưởng thiện căn của trẻ từ những chỗ nhỏ này là điều rất quan trọng.
Có một cô giáo sau khi học xong trở về đều vấn an mẹ chồng cô. Khi vấn an cô đều cúi người, lúc ăn cơm cô cũng chủ động gắp thức ăn cho mẹ chồng ăn. Có một lần đúng lúc mẹ chồng muốn phàn nàn một chút thì vừa hay cô gắp thức ăn qua cho bà, lời của mẹ chồng cô đột nhiên dừng lại ở trong miệng, sau đó bà nói tiếp một câu “con học rất tốt”. Do vậy cung kính có thể hóa giải được rất nhiều những xung đột nhỏ giữa người với người.
“Hoặc ăn uống”, chúng ta cũng phải học tùy cơ ứng biến. Bởi vì mấy hôm nay chúng ta đều sống một cuộc sống như trên thiên đường, mọi người đều gắp đồ ăn cho nhau, còn có đồng tu gắp cho người đối diện, như vậy sẽ như thế nào? Phải tùy cơ ứng biến. Bạn gắp qua như vậy thì tất cả mọi người sẽ rất căng thẳng, còn phải giúp bạn xem quần áo có bị đồ ăn làm bẩn không? Chúng ta có tâm ý là được rồi, xa quá thì không tiện. Còn nữa bạn ra sức gắp món này cho người bên cạnh, kết quả họ lại không thích ăn món này lắm, bạn gắp rồi thì họ bắt buộc phải ăn. Tùy cơ ứng biến chính là chúng ta có tâm ý này, chúng ta gắp một ít, sau đó mỗi người muốn ăn gì thì tự mình gắp, như vậy sẽ không xảy ra những tình huống khó xử. Đúng lúc bạn ngồi cùng sư trưởng hoặc ngồi cùng một số vị trưởng bối mà những vị trưởng bối này đang bận, có thể là trong quá trình ăn cơm còn phải giao tiếp với rất nhiều bạn bè. Đương nhiên những lúc này chúng ta có thể chủ động phục vụ giúp trưởng bối gắp đồ ăn. Bởi vì có thể ngay đến thời gian gắp đồ ăn họ cũng có rất ít. Do vậy bất cứ lúc nào cũng phải chờ thời cơ mà hành động, quan sát thời cơ một chút, cho nên “hoặc ăn uống”.
“Hoặc đi đứng” là nói đi đứng nằm ngồi, lúc ngồi “Người lớn đứng, nhỏ chớ ngồi. Người lớn ngồi, cho phép ngồi”. Có một bạn nhỏ sau khi cậu học xong đúng lúc cùng mẹ đến nhà một người bạn. Mẹ cậu đang gọi điện thoại, gọi điện thoại di động. Cậu liền nói với mẹ rằng “mẹ ơi, mẹ ngồi đi”. Mẹ cậu nói “con mau ngồi đi”. Cậu lại nói “mẹ à, mẹ ngồi đi”. Mẹ cậu nói “bảo con ngồi thì con ngồi đi, sao nói con không nghe vậy?”. Cậu nói “mẹ không ngồi thì con không được ngồi”. Học học vấn Thánh Hiền trước tiên phải thực thà, cho nên trẻ nhỏ thành thực như vậy rất dễ có thành tựu. Chúng ta là bậc bề trên nên thành tựu tâm học tập như vậy của trẻ. Cho nên khi con trẻ bảo bạn ngồi, con trẻ gắp đồ ăn cho bạn thì bạn nên vui vẻ tiếp nhận.
Có một cô giáo đúng lúc họ ra ngoài đi du lịch, kết quả có rất nhiều thầy cô lên xe đều dồn lên phía trước. Bởi vì chưa học “Đệ Tử Quy” nên họ đều ngồi ở hàng ghế đầu. Do cô giáo này đã học “Đệ Tử Quy” nên cô vừa lên xe liền muốn khuyên những thầy cô giáo trẻ này ngồi xuống phía sau, nên nhường lại vị trí ở phía trước cho các bậc trưởng bối. Lúc này phải làm thế nào? Cô cũng “mặt ta vui, lời ta dịu”, cô liền nói “ưu tiên phụ nữ, sao các thầy không nhường cho chúng tôi ngồi vậy?”. Cô dùng ngữ khí rất hòa nhã nói với họ. Cô giáo này liền lập tức ngồi xuống, ngồi ở phía trước một chút, sau đó có một vị thầy lớn tuổi lên, cô lập tức đứng dậy “thưa thầy, mời thầy ngồi đây”. Cô liền dẫn vị thầy này ngồi xuống. Cô không dùng lời nói để khuyên mà dùng gì? Dùng hành động để khuyên. Cho nên mọi nơi chúng ta nên dùng phương tiện khéo léo.
Kết quả đến khách sạn, những đồng nghiệp của cô lập tức bật hết điện trong phòng lên, vì sao họ làm như vậy? Con người cảm thấy tôi bỏ tiền ra thì tôi là ông lớn, tất cả điện, nước tôi sẽ mặc sức sử dụng. Kỳ thực không phải như vậy, điện có phải của chúng ta không? Nguồn năng lượng của trái đất có phải của chúng ta không? Không phải, nguồn năng lượng của trái đất nên thuộc về người của tất cả các thế hệ đều có thể sử dụng. Nếu thế hệ này của chúng ta lãng phí như vậy, sử dụng hết rồi thì có thể con cháu đời sau không biết sẽ nhìn chúng ta như thế nào? Cho nên làm người phải xứng đáng với người đời trước và xứng đáng với người đời sau. Nước cũng phải tiết kiệm không được lãng phí. Nếu con người không quý trọng những nguồn năng lượng này mà tiếp tục lãng phí nguồn nước thì sau này giọt nước cuối cùng sẽ là gì? Sẽ là giọt nước mắt của con người, bởi vì đến cuối cùng nói không chừng có thể sẽ vì nước mà đánh nhau. Đối với tất cả sự vật nên dùng thái độ trân quý, thái độ tiết kiệm, nhất định phải dạy bảo thông qua những việc nhỏ nhặt trong cuộc sống.
Rất nhiều trẻ sau khi học xong đi cầu thang máy chúng cũng nhường cho trưởng bối đi trước, nhưng trẻ mới ba tuổi, bốn tuổi, tuổi còn rất nhỏ, lúc này chúng ta có thể đi trước không? Không được, đến lúc đó cửa cầu thang máy đóng lại thì sẽ nguy hiểm, cho nên khi trẻ tương đối lớn rồi thì có thể phục vụ người lớn. Trẻ tuổi còn hơi nhỏ khi đi cầu thang máy thì vẫn nên để trẻ đi trước sẽ tương đối an toàn.
Chúng ta xem câu tiếp theo: “Lớn gọi người, liền gọi thay. Người không có, mình làm thay”.
Thời xưa khi khách đến nhà, hậu bối chúng ta vừa thấy liền nói “Bác muốn tìm cha cháu ạ?”, họ liền lập tức đi gọi cha. Nếu cha không có nhà thì họ nhất định sẽ cung kính quay lại nói với vị trưởng bối đó, thậm chí sẽ hỏi vị trưởng bối đó là “Xin hỏi bác có việc gì không ạ? Cháu có thể thông báo với cha cháu rồi nói lại với bác ạ”. Trong quá trình tiếp khách nên huấn luyện trẻ khi xử lý mọi việc phải có tâm cung kính, xử lý mọi việc phải có trước có sau. Có lúc chúng tôi dặn học sinh đi tìm người nào đó, kết quả đi tìm rồi thì không quay lại nữa, sau đó tôi gọi chúng đến “Con tìm thế nào rồi?”, “Con không tìm được ạ!” Chúng không quen nói “con không tìm được”, chúng cảm thấy mình đã làm xong việc rồi. Kỳ thực phải trở lại báo cáo, có trước có sau, phải có trách nhiệm với công việc của mình.
Chúng ta phải mở rộng câu giáo huấn này thành lễ nghi tiếp đón, thành lễ nghi tiếp khách. Các vị đồng tu, bạn có dạy con của mình lễ nghi tiếp khách xin giơ tay? Việc này rất quan trọng, lễ là cự ly rất đẹp giữa người với người. Khi chúng ta không hiểu lễ sẽ để lại ấn tượng không tốt cho mọi người. Giữa người với người có thể sẽ có một số hiểu lầm, một số xung đột. Chúng ta xem tình hình hiện nay trẻ ở nhà, người lớn đến, dì đến nhà, chú đến nhà, trẻ đang xem truyền hình, chúng sẽ tiếp đón như thế nào? Nhìn dì sau đó quay vào phòng hét lớn “Mẹ ơi, dì đến tìm mẹ”, rồi tiếp tục xem truyền hình của chúng. Sau đó người lớn đi ra “Đứa trẻ này… nào nào, chúng ta ngồi đây”. Có dạy trẻ không? Không dạy, bạn dạy càng chậm trễ thì càng khó dạy, cho nên lễ nghi tiếp khách nhất định phải thực hành.
Chúng tôi ở trường học cũng gặp trường hợp như vậy, thầy giáo lớp bên đến tìm, học sinh nhìn thấy cũng lớn tiếng gọi thầy, như vậy đều không cung kính. Một lần có mấy em nhỏ, chúng tôi cùng dạy chúng tiếp khách. Câu giáo huấn này không chỉ dùng để nói mà nhất định phải để chúng thực hành, làm mẫu thực tế, bạn làm khách, tôi làm chủ nhà, cho nên trẻ học chẳng phải rất vui hay sao, trẻ còn thay nhau đổi vai. Kết quả học xong đúng lúc ăn cơm trưa, cũng rất khéo có một cô đến nhà. Khi chúng nghe thấy có chuông cửa thì sáu người không ăn cơm nữa, muốn làm gì? Tiếp khách, sáu người tranh nhau xếp thành một hàng, chuẩn bị đón khách, cửa vừa mở, sáu em nhỏ liền cúi rất sâu “Chào cô ạ!”. Kết quả người cô này không dám vào nhà, cô nói được chào đón mà sợ. Nếu con cháu đời sau của chúng ta đều như vậy thì nhất định sẽ rất có hy vọng.
Bước vào cửa thì dạy trẻ phải để dép như thế nào? Nhất định là thuận theo hướng khách bước vào liền có thể mang vào được. Cho nên tâm nhân từ thực hiện từ đâu? Là mọi lúc mọi nơi suy nghĩ thay cho người khác. Bạn nói như vậy thì trẻ càng ngày càng tinh tế tỉ mỉ hơn. Vừa bước vào cửa “Cô à, mời cô ngồi trước, cháu đi rót cho cô một ly nước”. Sau đó trẻ cung kính rót một ly nước và nói “cô chờ một lát nhé, cháu đi gọi mẹ”. Đây chính là nghi lễ tiếp khách. Có một người mẹ, khi tiếp khách cô thường gọt một đĩa trái cây. Có một hôm đúng lúc cô không ở nhà thì có khách đến, kết quả cô vừa bước vào nhà thì thấy trên bàn cũng có một đĩa trái cây. Con của cô mới học tiểu học. Cho nên trên làm dưới noi theo, chúng ta cố gắng biểu diễn thì trong vô hình con trẻ đều sẽ học tập.
Trong công ty chúng ta cũng nên thực hành lời giáo huấn này. Ví dụ bạn của đồng nghiệp đến, có thể công ty cũng rất lớn, đúng lúc bạn gặp họ, bạn có thể nói với họ là “anh ấy ở kia” được không? Như vậy thì lộ ra có chút thất lễ. Bạn có thể nói “mời anh ngồi” rồi rót cho họ một ly nước “tôi đi gọi giúp anh”. Vị khách này sẽ cảm thấy không khí của công ty rất tốt, chung sống rất tốt, sẽ để lại ấn tượng rất tốt cho mọi người. Đợi đồng nghiệp của bạn đến thấy bạn còn giúp bạn của họ rót một ly nước thì trong tâm họ sẽ rất vui vẻ. Cho nên từng chút cống hiến này đều đang kéo khoảng cách giữa các đồng nghiệp gần lại với nhau. Còn nữa, nếu có khách hàng đến tìm, đúng lúc muốn tìm giám đốc, bạn có thể nói “giám đốc đang họp, ở phòng kia, anh đi đi”? Nếu khách hàng đi đến văn phòng của giám đốc vừa mở cửa ra, đúng lúc ở đó đang họp vậy thì sẽ rất khó xử, họ sẽ tiếp khách hay là tiếp tục họp? Cho nên những chỗ vi tế này chúng ta phải thận trọng, phải cẩn thận, nếu không ngay đến khách cũng không tiếp đón tốt thì liệu có thể được trọng dụng, được đề bạt không? Không thể. Chuyện nhỏ làm không tốt thì làm sao có thể làm được chuyện lớn chứ?
Cho nên tiếp đãi khách tốt nhất cũng phải luyện tập để mỗi người đều rõ ràng, khi những tình huống này phát sanh thì chúng ta nên xử lý như thế nào? Đương nhiên huấn luyện trong thời gian ngắn có thể đạt được hiệu quả, nhưng quan trọng hơn là về lâu dài phải giáo dục khiến những người khi làm những hành động này tâm họ sanh hoan hỷ, gọi là bên trong chân thành thì tự nhiên sẽ biểu hiện ra bên ngoài. Rất nhiều đồng tu nói có một số quy củ tôi không hiểu. Đừng lo lắng chỉ cần chúng ta dùng tâm cung kính để làm thì đối phương cũng cảm thấy rất tốt, tự nhiên trong quá trình làm chúng ta sẽ dần dần tích lũy được rất nhiều kinh nghiệm.
Tiếp khách trong các cơ quan chính phủ còn quan trọng hơn, nếu chúng ta thất lễ thì sẽ làm mất mặt ai? Mất mặt toàn bộ đơn vị, toàn bộ đất nước. Có một vị lãnh đạo chính phủ gọi một cuộc điện thoại đến một bộ phận khác, có một nghiên cứu sinh trẻ tuổi nhận điện thoại với thái độ không tốt, ông nói “tôi tìm người nào đó”, “không ở đây”, “anh ấy đi đâu vậy?”, “không biết”, rồi gác điện thoại. Kết quả vị lãnh đạo này rất tức giận, bắt đầu điều tra rốt cuộc là ai nhận điện thoại? Cuối cùng vận mệnh của vị nghiên cứu sinh này như thế nào? Bị sa thải, đuổi việc. Sau đó toàn bộ đơn vị này nhận điện thoại đều nói “xin chào, xin hỏi anh tìm ai ạ?”, phong khí thay đổi rất lớn. Đương nhiên ngoài việc sợ mất bát cơm ra, quan trọng hơn vẫn là phải nâng cao sự tôn kính đối với mọi người.
Cho nên tiếp đãi ngoài trường hợp giữa người với người ra còn có nghi lễ nói chuyện điện thoại cũng rất quan trọng. Chúng ta cũng phải dạy trẻ cách nhận điện thoại. Khi nhận điện thoại nhất định phải hỏi người lớn, hỏi đối phương “A lô, chào bác, cháu là ai đó, xin hỏi bác tìm ai ạ?”. Nếu trưởng bối nói xin hỏi cha cháu có nhà không?”. Nếu cha có ở nhà thì chúng liền nói “Xin bác đợi một chút, cháu đi gọi cha cháu”. Nếu cha không có ở nhà thì phải thỉnh giáo đối phương “Xin lỗi, bây giờ cha cháu không có nhà, xin hỏi bác là ai ạ? Nếu có việc gì quan trọng thì bác cứ dặn cháu, khi cha về cháu sẽ nói lại với cha ạ. Nếu bây giờ bác có việc gấp thì cũng có thể gọi vào điện thoại di động của cha cháu để liên lạc với cha cháu ạ”. Năng lực làm việc, xử lý công việc của trẻ dần dần sẽ được nâng cao từ việc nhận điện thoại này, từ những chi tiết nhỏ trong cuộc sống này. Các vị đồng tu hiện nay nhận điện thoại của con trẻ đều nói như thế nào vậy? Cho nên từ đó chúng ta cũng phải nhìn thấy một số thiếu sót để nhanh chóng bổ sung. Chúng ta xem câu kinh văn tiếp theo, mời cùng đọc một lượt:
“Gọi người lớn, chớ gọi tên. Với người lớn, chớ khoe tài. Gặp trên đường, nhanh đến chào. Người không nói, kính lui đứng. Phải xuống ngựa, phải xuống xe. Đợi người đi, hơn trăm bước”
“Gọi người lớn, chớ gọi tên”, mặc dù là một cách xưng hô với người trên nhưng quan trọng hơn là sự cung kính trong tâm. Hiện nay bởi vì phương Tây du nhập sang phương Đông, người phương Tây xưng hô với cha mẹ, xưng hô với trưởng bối như thế nào? Trực tiếp gọi tên, đây gọi là bình đẳng. Đây có phải thật sự bình đẳng không? Bình đẳng không phải nói như vậy. Bình đẳng là tâm cung kính đối với người, tôn trọng mỗi một người đều là một cá thể độc lập. Cho dù chúng ta là cha mẹ thì cũng không thể xem con cái là vật sở hữu, bởi vì sau này trẻ sẽ thuộc về xã hội này, thế giới này, nhưng kinh nghiệm và sự từng trải trong đời có bình đẳng không? Trí huệ nhân sanh có bình đẳng không? Không thể bình đẳng được, cho nên trưởng bối phải có nghĩa vụ dạy bảo thế hệ sau. Làm sao để thế hệ sau có thể thật sự học được những kinh nghiệm quý báu này? Nhất định phải từ tâm cung kính của chúng thì mới có thể học được. Nếu khi chúng không có tâm cung kính thì chúng không thể nghe cha mẹ, nghe trưởng bối nói những gì được. Bởi vì một phần cung kính được một phần lợi ích, một phần cung kính được một phần lợi ích, không phải người lớn hy vọng thế hệ sau tôn kính mà quan trọng nhất là phải thành tựu nhân cách của chúng, thành tựu học vấn của chúng.
Chúng tôi cũng có một số người bạn học theo phương Tây, con gái trực tiếp gọi tên của anh ấy. Gọi không bao lâu thì anh ấy cảm thấy con gái nói chuyện với anh rất không có chừng mực. Chúng tôi tự nghĩ lại, từ nhỏ gọi chị gái tôi đều gọi là chị cả, chị hai, gọi hơn một năm, có lúc người ta hỏi tôi “chị của bạn tên là gì?”. Khi chúng tôi nói tên của chị ra thì toàn thân không thoải mái, cho nên từng tiếng từng tiếng xưng hô tôn kính thì tâm cung kính sẽ nâng cao lên từng chút một. Cho nên lễ nghi này rất quan trọng, mà từng tiếng gọi chị gái, chị hai, càng gọi càng cảm thấy như thế nào? Cảm tình càng thân thiết, cho nên xưng hô tuyệt đối phải tôn kính. Các vị đồng tu, nếu không bạn đi quan sát thử xem, anh chị em đều gọi nhau là anh chị thì cảm tình tốt hơn hay là trực tiếp gọi tên thì cảm tình tốt hơn? Bạn tự mình đi quan sát thử xem, kết quả nhất định sẽ vô cùng rõ ràng.
Trẻ nhỏ hiện nay cũng thường lấy biệt danh, biệt hiệu, như vậy có tốt không? Bạn đừng thấy trẻ ở đó chọn biệt danh mà bạn còn cười cùng chúng, vậy thì sai rồi. Khi trẻ tùy tiện đặt biệt danh cho bạn học, thậm chí còn đặt biệt danh cho thầy cô thì chúng không có tâm cung kính, cho nên lúc này phải kịp thời uốn nắn lại, “sắp cho người, trước hỏi mình”. Bạn có muốn mọi người lấy biệt danh này để cười bạn không? Nếu bạn không muốn thì tuyệt đối cũng đừng đặt biệt danh cho người khác.
“Với người lớn, chớ khoe tài”, khi con trẻ có một số năng lực liền bắt đầu đi khắp nơi biểu diễn, như vậy chắc chắn sẽ tăng trưởng tâm ngạo mạn của chúng. Nếu người phía dưới còn nói “cháu thật giỏi, thật cừ khôi”, những lời này nghe nhiều rồi thì sau này không nghe lọt tai những lời phê bình nữa. Hơn nữa học được tài hoa rồi, nhưng mục đích thật sự là để làm gì? Là thể hiện ra tôi cao hơn người khác một bậc phải không? Vậy thì sai rồi. Học được tài hoa quan trọng nhất là phải phục vụ người khác, phải phụng hiến cho xã hội. Cho nên học vấn của chúng ta càng cao thì chứng tỏ chúng ta tiếp nhận sự giúp đỡ và đóng góp của xã hội càng nhiều nên chúng ta càng phải báo đáp nhiều hơn. Quan niệm này nhất định phải cắm gốc từ khi còn nhỏ, nếu không trẻ đều cảm thấy mình có học vấn cao, là để bản thân mình có thể kiếm được nhiều tiền, như vậy thì thiên lệch rồi. Khi trẻ biết mục đích của việc học năng lực và đọc sách là để phụng hiến thì toàn bộ thái độ học tập của trẻ sẽ hoàn toàn khác.
Có một đứa trẻ mới hơn ba tuổi, mẹ của em dẫn em đến cửa hàng mua đồ, đúng lúc gặp một người bạn đã nói với em nhỏ đó là “tại sao con vẫn chưa đi học?”. Cô muốn nói đứa trẻ này có thể gửi đến trường mầm non rồi. Em nhỏ này liền hỏi mẹ mình “mẹ ơi, tại sao phải đi học ạ?”. Kết quả vị trưởng bối đối diện này liền trả lời “đi học có thể kiếm được nhiều tiền”. Cho nên chúng ta phải cẩn trọng trong lời nói việc làm. Có lúc nếu tư tưởng, quan niệm của chúng ta sai lầm thì có thể hướng dẫn sai người khác. Mẹ của em rất có độ nhạy cảm trong giáo dục, rất cảnh giác, lập tức ra hiệu cho bạn của cô, sau đó cô ngồi xuống nói “Chúng ta đi học là muốn học được bản lãnh, sau khi học được bản lãnh rồi mới có thể phục vụ người khác. Giống như con vừa mới mua chiếc bánh bao đó, chính là do chú làm bánh bao có năng lực này nên chúng ta mới có thể được ăn bánh bao. Toàn bộ xã hội chính là giúp đỡ lẫn nhau, cho nên con đi học học tốt năng lực thì có thể phục vụ người khác. Bởi vì chúng ta phải cảm ơn chú đã làm bánh bao cho chúng ta, nếu tặng đồ chơi của con cho chú liệu có được không? Có thể chú không cần, cho nên chúng ta lấy tiền để cảm ơn chú, để chú cũng có thể lấy tiền đi mua đồ mà chú cần”. Cho nên trong vô hình đều đang hướng dẫn cho trẻ về nhân sinh quan đúng đắn. Khi đứa trẻ biết nâng cao năng lực bản thân là để phục vụ đại chúng thì trẻ sẽ không khoe tài, sẽ không ngạo mạn.
Chúng ta xem câu tiếp theo: “Gặp trên đường, nhanh đến chào. Người không nói, kính lui đứng”.
Gặp trưởng bối phải chủ động chào hỏi, hành lễ. Kỳ thực chúng tôi tiếp xúc với rất nhiều bạn, họ đều nói cúi người thật không dễ cúi, có thể vì người hiện nay đều bị gai xương. Có một em nhỏ không thể cúi chào, đứa trẻ này mới ba, bốn tuổi, vì sao không cúi chào được vậy? Nguyên nhân do đâu? Bởi vì mẹ của em có bốn anh chị em, cha em có ba người anh chị em, kết quả chỉ có mình em là con trai, sau đó những anh chị em của cha mẹ em đều không sanh con, cho nên mọi tình yêu thương đều dành cho đứa trẻ này, còn có bốn người già yêu thương em, ông bà nội, ông bà ngoại. Trong một lần ăn cơm ông nội của em đã nói với tất cả con cháu rằng “đứa cháu nội này là đại diện của tôi. Lời nó nói chính là lời tôi nói, đánh nó chính là đánh tôi”. Cho nên bạn xem quyền lực của đứa trẻ này rất lớn.
Cha mẹ của em có học Phật, cũng cảnh giác được đứa trẻ này cứ để như vậy thì sẽ không thể tưởng tượng nổi, nên họ đã dùng cách để đưa con về tự mình dạy. Có một hôm ăn cơm, lúc bảy giờ mẹ em mang ra một bát cháo ngũ cốc cho em ăn, đứa trẻ này nói “Con không muốn ăn món này, con muốn ăn mì”. Người mẹ cũng không đáp ứng cho em. Lúc chín giờ lại đến hỏi em “Con có muốn ăn không?”, “con không, con muốn ăn mì”. Người mẹ vẫn rất có tâm nhẫn nại, không để ý đến em. Chín rưỡi cô đến nói “con ăn một miếng thử xem”. Kết quả đứa trẻ này đã đói không chịu được nữa rồi nên cầm lên ăn. Kết quả vừa ăn, vì rất đói nên ăn cái gì cũng rất ngon, em đã nhanh chóng ăn hết bát cháo đó. Cha mẹ của em đưa em đến một trường mầm non dùng kinh điển để giáo dục, đến đó phải học cúi chào. Mẹ em hướng dẫn em “Nào, con cúi chào thầy cô đi”. Mẹ của em còn đích thân cúi chào cho em xem, cúi năm lần nhưng đứa trẻ này vẫn như như bất động. Mẹ của em phải đi làm nên đi trước, kết quả đi đến cửa khu phố, cô nghĩ nếu bỏ lỡ cơ hội này thì sau này càng khó dạy, cho nên đã gọi điện cho chồng cô. Người chồng vội vã đến đó, hai vợ chồng lại đến “Nào, cúi chào thầy cô đi. Cha làm cho con xem”. Người cha liền bắt đầu cúi chào, không biết đã cúi bao nhiêu lần, cứ cúi, cứ cúi, cúi đến khi đứa trẻ bật khóc. Cặp vợ chồng này cũng rất không đơn giản, dùng thân giáo để ảnh hưởng con trẻ. Đứa trẻ bật khóc là có tâm hổ thẹn, sau đó đã cúi chào được. Thầy cô của em nói với chúng tôi, tình hình học tập của đứa trẻ này tỷ lệ thuận với đức hạnh và sự lễ phép của em, hiệu quả càng ngày càng tốt.
Đúng lúc cũng vào ngày sinh nhật của đứa trẻ này. Đến ngày sinh nhật thông thường trẻ đều muốn gì? Nghĩ đến quà, nhưng đúng lúc thầy cô bắt đầu hướng dẫn đó là ngày chịu nạn của mẹ nên chúng ta phải thường nghĩ làm sao để báo đáp ân đức của cha mẹ. Sau đó đứa trẻ này đã nói “Sinh nhật năm nay con không cần bánh ga tô mà con muốn tặng cha mẹ một niềm hy vọng, con muốn tặng cha mẹ một ước nguyện là năm nay con phải cố gắng học làm người tốt. một đứa trẻ nhỏ như vậy mà chúng đã hiểu được làm người rất quan trọng thì tin rằng chúng sẽ nắm bắt được chính xác phương hướng sống trong đời này rồi.
“Gặp trên đường, nhanh đến chào”. Chúng ta xem đây là một nghi lễ chào hỏi. Thời xưa khi người gặp nhau đều cung kính cúi chào. Các vị đồng tu hiện nay bạn thấy ở đâu thường cúi chào? Nhìn thấy quốc gia nào? Nhật Bản, Hàn Quốc. Nhật Bản, Hàn Quốc học ai vậy? Học chúng ta, cho nên bạn xem hiện nay đồ trong nhà mình đều bán cho nhà khác rồi, cũng sắp không cần chính mình nữa rồi. Vâng, tiết học sau chúng ta sẽ thảo luận tiếp “gặp trên đường, nhanh đến chào” như thế nào? Cảm ơn mọi người!