Giám định Lão Pháp Sư Tịnh Không
Chủ giảng thầy Thái Lễ Húc
Giảng từ ngày 6/3/2005 đến ngày 13/03/2005 tại Tịnh Tông Học Hội Australia
TẬP 16
Kính thưa sư trưởng, kính thưa các vị pháp sư, các vị đồng tu, A Di Đà Phật!
Chúng ta mới nhắc tới, hiện nay người biết cúi đầu chào người khác khi gặp mặt lại là người Hàn Quốc, người Nhật Bản, họ làm rất tốt. Chúng ta xem bộ phim “Thương gia Im Sang Ok” của Hàn Quốc, mặc dù quan hệ với người khác không tốt nhưng nếu đã gặp mặt thì vẫn sẽ cung kính cúi đầu chào nhau, không được thất lễ. Trong lịch sử thì người Hàn Quốc và Nhật Bản đều rất tích cực học tập văn hóa truyền thống, mà dân tộc chúng ta trong hơn một trăm năm nay lại đánh mất sự tự tin dân tộc. Chúng ta học tập lại, thâm nhập lại, khẳng định lại, đề khởi lại cảm giác sứ mệnh, nếu không thì tôi sẽ rất lo lắng, nếu như chúng ta không học, năm mươi năm nữa tòa án quốc tế sẽ xảy ra một vụ kiện, đó là Khổng Lão Phu Tử là tổ tiên của người Hàn Quốc hay là của người Trung Quốc? Thẩm phán của tòa án quốc tế có thể là người học Phật, ông nói chúng ta phải chú trọng thực chất chứ không trọng hình thức, xem bây giờ ai thực sự làm được lời dạy bảo của Khổng Lão Phu Tử thì người đó thắng kiện. Lúc đó nếu như người Hàn Quốc thắng kiện thì chúng ta sẽ khóc không ra nước mắt. Cho nên “biết hổ thẹn là gần với dũng vậy”, chúng ta phải nhanh chóng phấn chấn thẳng tiến, tu sửa lỗi lầm của chính mình, để văn hóa của tổ tiên đơm hoa kết trái trong tay chúng ta.
Đương nhiên văn hóa muốn đơm hoa kết trái, trước tiên chính chúng ta phải bắt đầu có lễ nghĩa, có tâm hiếu thảo, có đức hạnh, thể hiện ra cho tất cả mọi người xem. Lễ xưa là phải cúi đầu chào, hiện nay gặp nhau thì dùng lễ như thế nào? Đa phần là bắt tay. Bây giờ chúng ta thử bắt tay xem, mời một vị sư huynh lên trên này. Đời người có rất nhiều biến hóa, bữa khác mọi người đứng lên trên này cũng phải thật tự nhiên đó. Trước tiên khi gặp bạn bè, cúi đầu chào họ trước: “xin chào”, sau đó bước tới bắt tay, lúc bắt tay phải chú ý đến những chuyện gì? Thứ nhất, mắt phải nhìn vào đối phương. Có một số người bắt tay như thế này, “xin chào, xin chào”, mắt vẫn nhìn người bên cạnh rồi bước tới nắm tay , “xin chào, xin chào”, không để tâm tới, chỉ muốn nhanh chóng làm xong. Có tình huống như vậy không? Không nhìn đối phương nên đối phương cảm thấy không được tôn trọng, ấn tượng đối với chúng ta không tốt. Cho nên nhất định phải nhìn thẳng vào đối phương: “xin chào, sư huynh!”
Bắt tay rất quan trọng, có khi bạn được bầu làm lãnh đạo. Bạn không thấy hiện nay bầu cử họ luôn miệng nói “xin chào, xin chào”, nếu như ánh mắt của chúng ta rất chân thành thì số người bầu cử sẽ dần dần tăng lên. Trong lúc bắt tay cũng phải chú ý đến dùng sức, ví dụ như “xin chào anh!”, có một số người bắt tay như thế này, “xin chào”, hình như chỉ chạm người khác một chút. Mọi người có từng thấy qua? Như vậy người khác bắt tay rất không thoải mái, rốt cuộc là có muốn bắt tay hay không? Cho nên phải dùng sức vừa phải, chỗ nắm cũng không được quá cao, vừa phải là được, nếu như nắm quá mạnh có khi người ta trở về lại phải băng bó bàn tay thì không tốt, cho nên dùng sức vừa phải. Tiếp đó thời gian cũng phải phù hợp, bạn không thể bắt quá lâu mà không thả ra, đối phương cũng không biết khi nào bạn thả tay ra. Đặc biệt là khi gặp phải phụ nữ xinh đẹp, không thể quên thời gian, cứ đứng ở đó nói “xin chào”, người khác không rút về được. Nắm tay phải chú ý ánh mắt, chú ý dùng sức, chú ý thời gian, nếu như đều phù hợp thì sẽ để lại ấn tượng tốt cho nhau. Chúng ta vỗ tay cảm ơn vị sư huynh này.
Đây là cách thức bắt tay, tôi vẫn thích cúi đầu chào hơn, bởi vì nếu như tay bị dơ thì thật ngại. Hoặc là chúng ta gặp bạn bè hay trưởng bối đang cầm đồ trên tay thì có thể bước tới bắt tay không? Phải tùy cơ ứng biến, lúc này cúi đầu chào hỏi là được. Nhưng mà chúng ta cũng phải tùy thuận theo tình hình xã hội, hiện nay xem trọng việc bắt tay, chúng ta cũng nên thuận theo. Bắt tay còn phải chú ý đến thứ tự, đó là ai đưa tay ra trước, việc này cũng có quy tắc. Là lãnh đạo đưa tay ra trước hay là nhân viên đưa tay ra trước? Là trưởng bối đưa tay ra trước hay là vãn bối đưa tay ra trước? Là người nam đưa tay ra trước hay là người nữ đưa tay ra trước? Thực ra đạo lý này bạn không cần nói học thì mới biết, bạn nghĩ mà xem, cảm nhận một chút liền biết. Người nam đưa tay ra trước, nếu như người nữ không muốn bắt tay, vậy thì sẽ khá ngượng ngùng, đúng không? Đúng vậy! Cho nên người nữ chủ động đưa tay ra trước, người nam chúng ta mới tùy thuận theo lễ nghi mà bắt tay lại. Lãnh đạo tiếp xúc với rất nhiều người, mỗi ngày nếu như gặp ai cũng bắt tay thì sẽ rất mệt. Lúc bạn đưa tay ra, họ cũng không biết bạn là ai, bạn đưa tay ra mà họ không bắt thì khá ngượng ngùng. Cho nên phải đợi lãnh đạo đưa tay ra trước rồi chúng ta hãy bắt. Trưởng bối cũng như vậy, trưởng bối đưa tay ra trước rồi chúng ta mới đưa tay, nếu không thì cung kính đứng ở bên cạnh là được, cũng không thất lễ.
Tiếp nữa, giới thiệu phải làm như thế nào? Gặp mặt chào hỏi xong phải làm quen, là giới thiệu trưởng bối cho vãn bối trước, hay là giới thiệu vãn bối cho trưởng bối trước? Giới thiệu người nam cho người nữ trước hay là giới thiệu người nữ cho người nam trước? Thứ tự lúc này khá thú vị, ngược lại với thứ tự lúc bắt tay. Tại sao lại ngược lại? Đạo lý rất đơn giản, chúng ta phải tôn trọng trưởng bối, xem trưởng bối có muốn bắt tay hay không. Cũng giống vậy, lúc giới thiệu nhất định là vãn bối chủ động đến trước mặt trưởng bối giới thiệu, nhân viên giới thiệu nhân viên với sếp, giới thiệu người nam với người nữ. Nếu như bạn lâu năm và bạn mới quen gặp nhau, vì khá quen thân với bạn lâu năm, bạn mới quen chưa thân thiết lắm thì nên giới thiệu bạn lâu năm với bạn mới quen. Đây là thứ tự giới thiệu.
Khi gặp mặt bây giờ thường đưa danh thiếp, danh thiếp phải đưa như thế nào? Chúng ta thường gặp rất nhiều người cầm danh thiếp, cầm lên nói: đây, cho anh một tấm. Bạn đi phân phát khắp nơi như vậy, mọi người cầm được có tôn trọng hay không? Cảm thấy hình như đang ban phát cho. Nên dùng hai tay cầm danh thiếp đưa tới, mà phải đưa sao để khi đối phương cầm danh thiếp của bạn liền có thể nhìn thấy tên bạn. Chứ không phải đưa tới mà họ còn phải lật tới lật lui, như vậy có chút ngượng ngùng. Sau khi đưa cho họ cầm, họ nói “Chào giám đốc Trần”, cảm giác như vậy rất hài hòa. Sau khi nhận danh thiếp, nhất định phải nhớ kĩ tên họ, không nên cầm xong bỏ xuống rồi đứng đó nghĩ họ tên gì, sau đó lại cầm danh thiếp lên xem. Công phu định phải luyện như thế nào? Tâm phải định mọi lúc mọi nơi, phải làm tốt những chi tiết, những lễ nghi này. Nếu như tâm đang dao động, thường xuyên gấp gáp, có thể sẽ thường làm ra chuyện như vậy, gấp gáp thì phải dùng niệm Phật để định tâm, để đối trị.
Bạn cầm danh thiếp rồi có nên đặt ở trên bàn không? Vừa gắp món ăn có thể làm rơi nước lên tấm danh thiếp. Còn có người cầm xong không để ý đặt ở dưới ghế rồi ngồi lên, đều có trường hợp như vậy, hoặc là làm rớt dưới đất. Nếu như hôm đó bạn đi đàm phán chuyện làm ăn, vậy thì chuyện làm ăn của bạn sẽ có kết quả như thế nào? “không tôn trọng danh thiếp của tôi như vậy”, quan hệ đôi bên sẽ không được tốt. Cho nên cầm danh thiếp của người khác, cung kính cất giữ cho đàng hoàng, bỏ vào trong ví, như vậy sẽ không thất lễ. Tốt nhất là giữ gìn những tấm danh thiếp này, hôm khác lại gặp những người này, có lúc sẽ quên mất tên họ, mau chóng lấy danh thiếp ra coi lại, như vậy vừa gặp liền có thể gọi tên đối phương, đối phương sẽ càng cảm thấy được tôn trọng. Chúng ta nói không coi trọng chuyện nhỏ nhặt, đó là thái độ đối với người khác, đối với chính mình phải lấy nghiêm khắc làm kỉ luật, phải luôn suy nghĩ cho người khác. Những chi tiết nhỏ nhặt này nếu như bạn không thất lễ thì sẽ mang lại cảm nhận rất tốt cho người khác, tin rằng sẽ có lợi ích lớn cho mối quan hệ của bạn với người khác. Câu tiếp theo:
“Người không nói – kính lui đứng”
Chúng ta chào trưởng bối xong, nếu như trưởng bối không có chuyện gì dặn dò chúng ta, chúng ta có thể xin phép rời đi, phải nói với trưởng bối: thưa ba, con xin phép về phòng trước, con xin phép tới thư phòng. “người không nói – kính lui đứng”, tôi nhớ lúc còn học đại học, không dễ gì mới có thời gian về thăm nhà, vừa về tới nhà bỏ hành lý xuống thì thế nào? Chạy ra ngoài gặp gỡ bạn bè. Người trẻ tuổi thời chúng tôi không hiểu được quy tắc làm con cái, cũng không hiểu cho tâm tình của cha mẹ, không dễ gì một hai tháng con cái mới trở về nhà, cha mẹ chắc là rất mong được biết về tình hình học tập cũng như cuộc sống của con mình.
Cho dù là còn đang đi học, hay là hiện nay đã ra ngoài xã hội làm việc, chỉ cần có cơ hội trở về nhà thăm cha mẹ, nhất định phải ngồi lại với cha mẹ. Bởi vì ngồi xuống như vậy, tâm của con người từ từ sẽ bình ổn lại, có thể bạn chỉ ngồi khoảng mười phút thì cha bạn sẽ rất tự nhiên mà kể cho bạn nghe cảm xúc của ông. Khi chúng ta ngồi nói chuyện với cha mẹ, bạn không nên chỉ ngồi hai phút đã nói: “được rồi, con đi đây ba”. Như vậy cha mẹ bạn có rất nhiều lời muốn nói nhưng không có cơ hội để nói. Cho nên nhất định phải ngồi xuống, pha một ấm trà nóng, để tâm tình của cha mẹ được ổn định, tự nhiên cha mẹ sẽ nói ra những gì muốn nói. Nếu như thật sự ngồi mười mấy hai chục phút mà không còn gì để nói thì chúng ta hãy rời đi, “người không nói – kính lui đứng”.
Hiện nay giới trẻ thực sự ngồi lại với cha mẹ, chắc chỉ khoảng năm mười phút là không chịu được. Tại sao? Thanh niên hiện nay khá ngạo mạn, không nghe lọt tai lời trưởng bối nói, có thể cuộc đời sẽ rất vất vả, “không nghe lời người xưa, chịu thiệt ngay trước mắt”. Hình như rất sợ trưởng bối nói tới lỗi lầm của chúng ta, thật không thoải mái, loại ngạo mạn này gọi là gì? Ti mạn. Trong lòng trống rỗng, không có năng lực, nhưng lại kiêu ngạo, cho nên không chịu tiếp nhận lời dạy bảo của trưởng bối. Nếu là thanh niên bốn năm mươi năm trước, có người nào giống như chúng ta không? Không có, gặp trưởng bối có thể thỉnh giáo, có thể học hỏi thì họ sẽ chủ động thân cận. Trước đây sống trong làng xóm thường có các cụ cao tuổi ngồi ngoài cửa kể chuyện, kể các câu chuyện trung nghĩa, nhiều đứa trẻ rất thích tới nghe. Chúng ta thực sự nên dùng tâm khiêm tốn để đối xử với cha mẹ, với trưởng bối, cuộc đời ắt phải trải qua rất nhiều sự rèn luyện thì bạn mới thực sự có trí tuệ.
“Phải xuống ngựa – phải xuống xe – đợi người đi – hơn trăm bước.”
Xã hội ngày xưa phương tiện giao thông là ngựa, khi ngồi trên ngựa mà gặp cha mình thì có thể nào vẫn ngồi yên rồi nói: con chào cha không? Như vậy thì thật không lễ phép, phải mau chóng xuống ngựa, sau đó chào hỏi trưởng bối: đợi trưởng bối rời đi mới lên ngựa, “Phải xuống ngựa – phải xuống xe”. Trước đây dùng xe ngựa, cho nên bạn gặp trưởng bối có thể dừng lại, mau chóng xuống xe; hiện nay lái xe nếu gặp trưởng bối có thể phanh gấp hay không? Không làm như vậy được, phải linh hoạt. Đi trên đường lớn gặp xe của trưởng bối, có thể kéo cửa kính xuống rồi nói chào chú không? Như vậy thì học vẹt rồi. Trong tình huống như vậy thì không cần, bởi vì không chừng sẽ gây ra nguy hiểm.
“Đợi người đi – hơn trăm bước”, ý câu này là tận mắt tiễn trưởng bối rời đi, chúng ta mở rộng thành lễ nghĩa tiễn khách. Trong câu này, chúng tôi để cho các em nhỏ tự mình nhập vai, một người làm khách, một người làm chủ nhà, đợi khách bước ra khỏi cửa, chủ nhân ngay lập tức đóng sầm cửa. Sau đó lại mở cửa ra, tìm vị khách vừa rồi tới hỏi: khi nãy em có cảm nhận như thế nào. Em nhỏ nói “bạn ấy chỉ muốn con mau chóng rời đi”, khiến cho tâm lý người khách không thoải mái. Trong quá trình biểu diễn, có thể để cho mỗi một em nhỏ tự mình trải nghiệm xem người khác sẽ có tâm tình như thế nào. Tiếp đó dùng phương pháp đối đáp để chúng thảo luận. Mọi người cảm thấy tiễn khách như thế nào mới có thể khiến khách cảm thấy thoải mái? Con trẻ sẽ đi tìm thông tin từ cuộc sống của chúng, ví dụ như nếu nhà chúng ở chung cư, có thang máy thì sẽ tiễn khách tới thang máy, đợi cửa thang máy đóng rồi mới trở về nhà; nếu như không có thang máy thì tiễn khách tới cửa cầu thang bộ, đợi khách đi khuất khỏi tầm mắt của mình thì mới trở về nhà.
Mà hành động này có cần phải cố ý làm không? Thực ra không phải. Chúng ta xem thời xưa, tình nghĩa giữa bạn bè rất sâu đậm, có khi rời đi cũng không biết bao nhiêu năm sau mới gặp mặt. Trong thơ của Lý Bạch, có một bài thơ “Lầu Hoàng Hạc tiễn Mạnh Hạo Nhiên đi Quảng Lăng”, trong đó có câu:
“Bạn từ lầu Hạc lên đường;
Giữa mùa hoa khói châu Dương xuôi dòng;
Bóng buồm đã khuất bầu không;
Trông theo chỉ thấy dòng sông bên trời”.
Tiễn bạn đến khi nào mới trở về? Tiễn tới khi hoàn toàn không nhìn thấy thuyền chở bạn nữa mới rời đi. Chúng ta cùng nhau suy ngẫm một chút, tình nghĩa giữa bạn bè của người thời xưa, lúc đứng đó dõi theo bạn trong lòng luôn nghĩ tới sự chăm sóc từng chút một của bạn đối với mình. Cho nên người thời xưa không quên ân, không quên tình.
Lần này tôi đến Đài Nam diễn giảng, anh trai kết nghĩa của tôi còn từ Đài Trung tới Đài Nam để nghe tôi giảng. Hôm đó anh ấy rời đi, tôi ra tiễn anh. Anh nói muốn đi bộ tới ga xe lửa, bởi vì anh cảm thấy tới một nơi khác, muốn quan sát nhiều hơn, muốn học hỏi nhiều hơn, cho nên tôi tiễn anh một đoạn đường, đi hết đoạn đường, tôi đứng lại nhìn anh rời đi. Ngay lúc đó, tôi nhớ đến khoảng thời gian mười năm, người anh trai này luôn luôn khích lệ tinh thần cho tôi. Trong lúc tiễn anh trong lòng tôi cũng cảm thấy rất biết ơn, rất cảm ơn anh.
Năm kia tôi ở học viện, mỗi lần nghe xong sư trưởng giảng bài, chúng tôi cũng đứng ở cửa tiễn sư trưởng đi, trong quá trình đưa tiễn, chúng tôi cũng đang thực hành “đợi người đi – hơn trăm bước”. Trong lúc đó sâu sắc cảm nhận được rằng “Thầy dạy kinh điển dễ gặp; thầy dạy làm người khó tìm”, một đời này có thể gặp được minh sư thì cuộc đời sẽ thay đổi long trời lở đất. Tôi thường nghĩ rằng, nếu như đời này không gặp được lời dạy bảo của sư trưởng thì thật sự không thể tưởng tượng được, không biết sẽ tạo nghiệp như thế nào. Cho nên trong quá trình đưa tiễn cũng để chúng ta nhớ nghĩ đến ân đức của sư trưởng, nhớ tới tri ân báo ân, nhớ tới lấy chí của thầy làm chí mình. Đây là lễ nghi đưa tiễn, “đợi người đi – hơn trăm bước”.
Có một lần tôi tiễn giáo viên của trung tâm rời đi, trong lúc tiễn họ, tôi nhìn theo xe của họ thì phát hiện có một cô giáo không kéo váy của mình nên bị kẹt ở cửa xe. Tôi liền gọi điện báo cho cô ấy, nói váy của cô bị kẹt ngoài cửa, mau kéo vào trong. Cô ấy nghe xong rất cảm động, biết được chúng tôi tiễn họ rời đi nên mới phát hiện ra váy của cô ấy bị kẹt ngoài cửa xe. Có một phụ huynh, mỗi ngày tới trường mầm non đón con, giáo viên trong trường đều tiễn phụ huynh và học sinh ra cửa, tận mắt nhìn người rời đi. Mỗi lần mấy vị phụ huynh tới trường đều rất cảm động, được tôn trọng, cho nên “kính người thì người kính lại”. Khi chúng ta lễ phép, luôn suy nghĩ cho người khác, tôi tin rằng giữa người với người sẽ không có va chạm, chỉ có kính trọng yêu thương lẫn nhau. Chúng ta xem câu kinh tiếp theo, mọi người cùng nhau đọc một lần:
“Người lớn đứng, nhỏ chớ ngồi. Người lớn ngồi, cho phép ngồi. Trước người lớn, phải nói nhỏ. Nhỏ không nghe, không đúng phép. Đến phải nhanh, lui phải chậm. Khi hỏi đáp – mắt nhìn thẳng”.
“Người lớn đứng – nhỏ chớ ngồi – người lớn ngồi – cho phép ngồi”, trưởng bối cho phép chúng ta ngồi, có thể sẽ suy xét đến vấn đề chỗ ngồi, khi trưởng bối cảm thấy chúng ta thích hợp ngồi chỗ nào, kêu chúng ta ngồi thì chúng ta mới được ngồi. Nếu không tới đó ngồi đúng vị trí không thích hợp, lại kêu chúng ta đứng dậy, như vậy cảm thấy khá ngại ngùng. Có một đứa trẻ hơn ba tuổi, em đi học ở trường mầm non, cũng học được câu này. Có một lần, ba mẹ và bà ngoại đưa em đi công viên chơi, em ngồi trên ghế cao, ba em ngồi đọc báo. Đột nhiên bà ngoại đi tới, bé gái này liền nhảy xuống, bởi vì ghế khá cao nên khi nhảy xuống đứng không vững bị té. Ba em và bà ngoại mau chóng đi tới đỡ em dậy, ba em hỏi: sao con lại nhảy xuống? Bé gái này nói “Người lớn đứng – nhỏ chớ ngồi”, bà ngoại tới rồi nên con phải nhường chỗ nên em mới nhảy xuống. Ba em nghe xong cảm thấy rất ngại, đứa trẻ hơn ba tuổi còn biết nhường chỗ, mình lại ngồi đó đọc báo, vốn là không để ý tới. Cho nên trẻ con rất đơn thuần, rất dễ dạy, trong quá trình học tập với các em nhỏ, cũng là động lực, khích lệ rất tốt cho chúng ta, bởi vì không thể làm không tốt bằng con trẻ được.
“Người lớn đứng – nhỏ chớ ngồi”, trưởng bối kêu chúng ta ngồi, chúng ta mới ngồi. Nhưng cũng phải quan sát tình hình, không thể chỉ khư khư làm theo. Có một lần thầy Lý ở Thẩm Quyến cùng tôi đi tới Hồng Kông diễn giảng. Cư sĩ Hồ nói chuyện với thầy Lý, hai người đứng khá lâu, sau đó cư sĩ Hồ ngồi xuống. Bởi vì “Người lớn đứng – nhỏ chớ ngồi” , mà cư sĩ Hồ là trưởng bối, lại không kêu thầy Lý ngồi cho nên thầy cứ đứng nói. Mà thầy Lý quá cao, cư sĩ Hồ cứ phải ngẩng đầu lên rất mỏi cổ, sau cùng cư sĩ Hồ nói: con mau ngồi xuống đi, đầu của chú rất mỏi. Lúc này phải biết linh hoạt, khi trưởng bối mỏi cổ như vậy, chúng ta phải nhanh chóng ngồi xuống. Học kinh điển phải biết sử dụng sao cho linh hoạt.
“Trước người lớn – phải nói nhỏ – nhỏ không nghe – không đúng phép”. Khi nói chuyện với trưởng bối, phải chú ý âm thanh vừa phải, nếu như nói nhỏ quá thì trưởng bối nghe không rõ, tăng thêm gánh nặng cho trưởng bối. Con trẻ hiện nay nói chuyện với người lớn, đa phần đều nói lớn tiếng, thậm chí là một đám trẻ ngồi bên cạnh chơi, người lớn đang nói chuyện, âm thanh chúng chơi rất lớn. Cha mẹ nhắc nhở: nói nhỏ một chút, chúng thực sự nói nhỏ lại, nhưng mà duy trì được bao lâu? Không được bao lâu lại nhắc chúng nói nhỏ một chút, một lát là lại quên mất, sau cùng người lớn nói: thôi bỏ đi, cứ kệ chúng! Lúc mới đầu không quản lý chúng, sau cùng trở thành thói quen thì rất khó sửa lại. Cho nên những chi tiết nhỏ nhặt này, chúng ta phải giữ vững nguyên tắc, nhẫn nại dẫn dắt chúng sửa đổi. Thực ra đạo Trung Dung cũng là thể hiện từng chút một trong quan hệ giữa người với người, nói chuyện không được quá lớn tiếng, cũng không được nói quá nhỏ; lễ phép không thể không đủ, cũng không được quá mức, nếu bạn quá mức thì có thể tạo thành áp lực cho đối phương.
Thực sự rất cần rèn luyện cách nói chuyện cho trẻ, cho nên mỗi tuần chúng tôi dạy học cho các em nhỏ đều gọi chúng lên bục giảng, kể xem tuần rồi chúng đã làm những hành vi hiếu thảo nào, đứng lên báo cáo. Mấy đứa trẻ lên trên đây đứng với đủ loại tư thế. Có đứa thì nhất định phải vịn bàn thì mới có cảm giác an toàn; có đứa thì nghiêng nghiêng ngả ngả, miệng nói tay thì lắc tới lắc lui. Phải để chúng thường xuyên thực hành thì mới nâng cao được sự điềm đạm của chúng. Khi chúng nói quá nhanh thì chúng ta phải kiên nhẫn: nào, từ từ thôi, nói rõ từng chữ một. Năng lực tuyệt đối không phải là sinh ra đã có, đều phải dựa vào sự rèn luyện.
Ở Hải Khẩu có một bé gái tính tình hướng nội, chúng tôi cũng thường giúp em rèn luyện, trải qua thời gian mấy tháng, mẹ em gọi điện thoại tới cho giáo viên, nói con gái bà tham gia cuộc thi đọc diễn cảm đã dành được giải. Bởi vì xã hội hiện nay nhất định sẽ có cơ hội thể hiện, trong công ty có thể sẽ phải lên báo cáo, gặp người sẽ có cơ hội giao lưu, cho nên không thể coi nhẹ việc rèn luyện kỹ năng giao tiếp được. Giáo dục của thầy Khổng Tử, đức hạnh đặt ở vị trí đầu tiên, vị trí thứ hai chính là thái độ của lời nói, phương thức nói chuyện, đều rất quan trọng. Chúng ta đọc từ đầu đến cuối cuốn Đệ Tử Quy, dạy cách nói chuyện, thái độ khi nói chuyện chiếm bao nhiêu phần? Chiếm gần một phần ba cuốn sách.
Câu kinh tiếp theo, “Đến phải nhanh – lui phải chậm – khi hỏi đáp – mắt nhìn thẳng”. Khi trưởng bối gọi chúng ta, chúng ta phải nhanh chóng bước tới, chứ không phải là trưởng bối gọi mà từ từ bước tới, như vậy sẽ thất lễ, phải nhanh chóng bước tới mới đúng, “đến phải nhanh”, không được để trưởng bối đợi. Lúc rời đi, bạn không thể nói “thưa ba con đi đây”, sau đó liền xoay người rời đi, như vậy cũng có chút thất lễ. Sau khi nói “thưa ba con đi đây” thì nhìn ba một chút, sau đó từ từ lùi xuống vài bước rồi mới rời đi. Những chi tiết nhỏ nhặt này đều là thể hiện tâm cung kính ở trong lòng.
“Khi hỏi đáp – mắt nhìn thẳng”, lúc trưởng bối nói chuyện với chúng ta, ánh mắt của chúng ta không được đảo tới đảo lui, phải chăm chú nhìn đối phương, nghe đối phương nói. Thái độ này nhất định phải rèn luyện, chúng ta thấy đa phần con trẻ hiện nay tâm rất khó định được, bạn chưa nói với chúng được mấy câu, sự chú ý của chúng cũng đảo tới đảo lui. Lúc đó bạn phải rất kiên nhẫn, để chúng nghe hết lời bạn nói, sau khi chúng nghe xong thì bạn hỏi, khi nãy ba nói gì với con? Khi nãy thầy nói gì với con? Nói lại cho thầy nghe xem. Như vậy sẽ rèn luyện chúng, thứ nhất là phải chú tâm nghe người khác nói, thứ hai là phải có tâm cung kính. Chúng ta cùng nhau đọc câu kinh tiếp theo.
“Việc chú bác, như việc cha. Việc anh họ, như anh ruột”
Thời xưa chú bác là trưởng bối cùng vai vế với cha của chúng ta, gọi là “chú bác”. Anh họ là anh chị em họ hàng bên nội bên ngoại. Chúng ta phải cảm nhận trong quá trình trưởng thành những vị trưởng bối này đã từng ẵm bồng chúng ta, trong lòng trưởng bối luôn chúc phúc cho chúng ta, mong chúng ta sau này có thành tựu tốt, có cuộc đời tươi đẹp. Đối với sự yêu thương bảo hộ, sự chúc phúc của trưởng bối, chúng ta phải để ở trong lòng, sau này chính mình có thành tựu, lúc trưởng bối cần đến sự giúp đỡ, chúng ta nhất định phải chủ động giúp đỡ, quan tâm, như vậy thì bầu không khí gia đình sẽ vô cùng hài hòa vui vẻ.
Ngoài việc cung kính đối với trưởng bối, khi con cái của trưởng bối cần giúp đỡ, chúng ta cũng phải tận tâm tận lực, yêu ai yêu cả đường đi lối về. Thời nhà Minh có một cô gái tên là Chương Giai Anh, bởi vì từ nhỏ mất cha mẹ, cô cũng cảm nhận được làm trẻ mồ côi rất khổ cực. Sau đó không may là ba người anh trai của cô liên tiếp qua đời, ba người chị dâu cũng bỏ đi để lại mấy đứa cháu. Cô không kết hôn, toàn tâm toàn ý chăm sóc cháu mình, tinh thần như vậy cũng khiến chúng ta rất cảm động, có thể buông bỏ chính mình để nhớ tới tình nghĩa của anh em. Lúc tôi dạy học cũng từng gặp một phụ huynh là cô của học sinh. Bởi vì anh trai cô qua đời, chị dâu cũng không biết đã bỏ đi đâu, cho nên cô tìm đối tượng đều kèm theo một điều kiện, đó là nhất định phải mang theo hai đứa cháu thì cô mới đồng ý lấy. Sau đó cô không lấy chồng, tự mình nuôi dạy hai đứa cháu. Khi tôi nói chuyện với phụ huynh này, cô ấy kể lại mọi chuyện, tôi cũng rất cảm động, ngay lúc đó còn rơi nước mắt. Thực sự là con người dùng tình nghĩa, ân nghĩa để biểu diễn cuộc đời của mình sẽ khiến người khác vô cùng tôn kính.
Chúng ta mở rộng ý nghĩa câu này, dùng tâm bình đẳng để đối đãi với tất cả các bậc cha mẹ cũng cung kính như đối với cha mẹ của chính mình; đối với anh chị em, trưởng bối của người khác cũng cung kính như đối với anh chị em, trưởng bối của chính mình. Thực ra học Phật, dẫn nghiệp quan trọng nhất để thành Phật là gì? Là tâm bình đẳng, chúng ta phải rèn luyện trong cảnh giới. Trong Hiếu Kinh có câu “tôn kính cha mẹ người, con cái họ vui vẻ; cung kính huynh trưởng người, em họ cũng vui vẻ; tôn kính quân vương người, thần tử người vui vẻ”. Bạn tôn kính cha mẹ của người khác, ai vui vẻ nhất? Con cái của họ vui vẻ nhất; bạn tôn kính anh em của họ thì người làm em sẽ rất vui vẻ; tôn kính lãnh đạo của họ, thì cấp dưới của người đó cũng rất vui. “Kính trọng một người mà ngàn vạn người vui”, khi chúng ta cung kính với cha mẹ người khác thì mối quan hệ giữa con cái, họ hàng bạn bè của họ với chúng ta sẽ hòa hợp. Cho nên quan hệ giữa người với người không hề phức tạp, khi chúng ta hiểu được tôn kính mỗi một người ở bên cạnh họ, tự nhiên sẽ có được sự tôn trọng của người khác dành cho chúng ta.
Cư sĩ Hứa Triết, bà đối xử với tất cả mọi người trên thế giới này giống như anh chị em của mình vậy. Bà cũng từng nói rằng cuộc sống của bà rất đơn giản, mỗi ngày chỉ ăn một hoặc hai bữa. Mà bà nấu nướng cũng đơn giản, có xào rau không? Không xào, chỉ luộc sơ qua là ăn, có khi còn ăn sống. Ăn như vậy mới thực sự giữ nguyên dinh dưỡng của thực phẩm, khi chúng ta dùng lửa lớn để xào rau, mọi người có nghe thấy khi chúng ta thả rau vào, vitamin C nói với chúng ta “chủ nhân, tôi đi đây”; vitamin B cũng nói tạm biệt với bạn, đều do nhiệt độ cao làm mất chất dinh dưỡng. Bởi vì vitamin sợ nóng, sợ nước, nếu bạn ngâm rau quá lâu thì dinh dưỡng của chúng cũng tan ra trong nước, sợ nước, sợ ánh sáng, sợ nóng.
Bà ăn uống rất đơn giản, quần áo mặc cũng đơn giản, bà nói bà chưa từng mua quần áo, toàn mặc quần áo nhặt từ thùng rác. Đương nhiên ở Singapore, quần áo nhặt từ thùng rác liệu có bị rách không? Chắc là không, rất nhiều người quần áo lỗi mốt liền đem bỏ. Ngoài việc tiết kiệm chi phí mua sắm quần áo, bà làm như vậy cũng là vì suy nghĩ cho người khác. Thứ nhất là làm tấm gương tốt, thứ hai là những người già, những gia đình mà bà ghé thăm, tình trạng của họ có tốt hay không? Không quá tốt, nếu như lúc bà đi thăm họ mà mặc áo dài sườn xám thì có được không? Lúc tới đó người khác sẽ rất áp lực, không dám lại gần, sợ làm dơ quần áo của bạn. Nếu như chúng ta làm quan lớn, mỗi lần đi tới khu người nghèo đều mặc khá trịnh trọng thì họ sẽ có cảm giác như thế nào? Cảm thấy có khoảng cách. Bà Hứa Triết ăn mặc đơn giản như vậy thì khá tương đồng với họ, cảm thấy rất thân thiết. Khi chúng tôi xem video của bà, chỉ cần thấy bà đi vào gia đình nào, nụ cười của họ như muốn nói rằng họ nhìn thấy người thân của mình. “Việc chú bác – như việc cha”, phải có thái độ như vậy.
Thời nhà Tấn tương đối hỗn loạn, lúc đó là thời ngũ hồ thập lục quốc, thường phải dọn nhà đi nơi khác. Tổ Địch thời nhà Tấn dẫn theo mấy trăm người thân và láng giềng, cùng nhau dọn tới Hoài Tứ sinh sống. Trong quá trình di chuyển, bởi vì gia đình ông tương đối khá giả, nên ông đem toàn bộ xe của mình nhường cho người già ngồi, thực phẩm thuốc men của mình cũng đều đem tặng cho mọi người, ông tự mình đi bộ, rất có đạo nghĩa. Sau khi cuộc sống ổn định, hoàng đế rất coi trọng ông, phong cho ông làm chức Thích Sử. Sau khi làm quan, ông bắt đầu nỗ lực cải thiện cuộc sống của người dân, đối với việc đồng áng, còn có hài cốt phơi ngoài đường do chiến tranh, ông đều chủ động mai táng, còn giúp họ làm nghi lễ tế bái, cho nên người dân rất biết ơn ông.
Bởi vì ông rất có chí hướng, hi vọng có thể lấy lại đất đai đã mất vào tay địch, do ông có chí hướng như vậy mà sau này cũng thuận lợi giành lại đất đai đã mất của nhà Tấn. Chúng ta cũng phải có chí hướng, văn hóa truyền thống suy bại, Phật pháp suy bại, chúng ta là đệ tử Phật, là con cháu Viêm Hoàng cũng phải lập chí hướng, phải thực sự phát dương quang đại văn hóa truyền thống và Phật pháp. Làm thế nào để hoằng dương? Phải giống như Tổ Địch, luôn nghĩ cho người khác, thực hành theo kinh điển, làm chuyện nhân nghĩa. Có một lần ông dùng bữa với trưởng bối hàng xóm, mọi người đứng lên nói với ông: chúng tôi lớn tuổi như vậy rồi, có thể gặp được ông thì giống như cha mẹ tái sanh cho chúng tôi vậy, đời này có chết cũng không hối hận. Cho nên sự chân thành của một người có thể làm người khác cảm động sâu sắc. Sau đó Tổ Địch qua đời, hàng xóm đều đau buồn giống như mất đi cha mẹ, vô cùng đau đớn. Mọi người thấy rằng giá trị một đời của một người lúc nào mới nhìn ra được? Đó là khi chúng ta qua đời, rất nhiều người vỗ tay, rất nhiều người đốt pháo, vậy thì đời này của chúng ta có thành tựu không, có giá trị không? Không hề có. Nhưng mà khi chúng ta qua đời, có rất nhiều người nhớ tới, rất nhiều người đau lòng, nhiều người nhớ tới sự giúp đỡ của chúng ta dành cho họ, vậy thì một đời này sống khá có giá trị. Cho nên phải dùng chân tâm để thực hành “Việc chú bác – như việc cha – việc anh họ – như anh ruột”.
Tiếp theo chúng ta học chương thứ ba “Cẩn” trong Đệ Tử Quy. Cẩn, trước tiên phải nói rõ, cẩn là thái độ, thái độ cẩn phải thực hành trong lời nói, hành vi, phải cẩn trọng lời nói hành vi. Nếu như không cẩn thận trong lời nói, một lời nói có thể chấn hưng một nước, một lời nói cũng có thể làm cho suy bại một nước; nếu như lời nói ra không cẩn trọng, ở trong đoàn thể gây chuyện thị phi, có thể sẽ gây mất đoàn kết, cho nên chúng ta phải cẩn thận trong lời nói. Có một người tiếp đãi ba người bạn thân của mình, trong đó có một người vẫn chưa tới, mới tới hai người, anh đợi một lúc rồi nói: “sao người cần đến vẫn chưa đến?”. Một người bạn nghe được câu này, có thể là lúc trước hai người mới tranh cãi, cảm thấy không thoải mái, có phải là nói mình không nên đến không? Không chịu được liền rời đi. Vừa rời đi thì chủ nhân lại nói: “sao người không nên đi lại rời đi?”. Người cuối cùng nói, vậy là ảnh nói mình sao, vậy mình nên đi thôi. Sau cùng bữa cơm đó ai ăn? Tự mình ăn. Cho nên lời nói phải cẩn thận.
Còn phải cẩn thận trong hành vi, ví dụ như công việc của chúng ta, thời gian trước có tin máy bay trực thăng bị nổ trên trời, bởi vì lúc kiểm tra linh kiện máy có vết nứt nhưng không kiểm tra ra được, sau đó xảy ra chuyện ngoài ý muốn. Công việc mà chúng ta phụ trách có liên quan trực tiếp đến an toàn của người khác thì không thể lơ là một chút nào. Một lần phóng tàu vũ trụ, chi phí có thể lên tới hàng tỷ đô la, vốn là sẽ đáp xuống mặt trăng nhưng sau đó lại vòng trở về, chỉ bởi vì thiếu một cục pin trị giá mấy chục đô la nên không có cách nào đáp xuống mặt trăng được. Không cẩn thận một chút thôi có thể sẽ tạo thành tổn thất vô cùng lớn, cho nên không thể không cẩn thận. Một người muốn đời này có thành tựu viên mãn trong sự nghiệp, gia đình thì thái độ này không thể không học.
Cẩn thận trong lời nói, trong hành vi, quan trọng hơn nữa là cẩn thận trong suy nghĩ. Phải cẩn thận từ trong suy nghĩ, khi chúng ta có tâm không kiên nhẫn, tâm tùy tiện, tâm không biết suy nghĩ cho người khác thì phải nhanh chóng điều chỉnh, xoay chuyển thành tâm cung kính, luôn biết suy nghĩ cho người khác. Chương Cẩn là chương dài nhất trong Đệ Tử Quy, chương này cũng bao gồm một số năng lực quan trọng. Thứ nhất, năng lực tự kiểm soát của một người phải cắm rễ từ những câu dạy bảo này; thứ hai, năng lực tự sinh sống; thứ ba, năng lực làm việc. Không thể phóng túng dục vọng, tập tánh của con người không thể phóng túng, phải nuôi dưỡng năng lực tự kiểm soát, câu đầu tiên là “Sáng dậy sớm – tối ngủ trễ – lúc chưa già – quý thời gian”, không được ham ngủ, không được lãng phí thời gian, đây thuộc về năng lực tự kiểm soát. “Với ăn uống – chớ kén chọn – ăn vừa đủ – chớ quá no”, đối với thực phẩm chúng ta phải biết trân trọng, không được lãng phí. Cho nên rất nhiều thứ phải từ nhỏ giúp con trẻ hình thành năng lực tự kiểm soát. Tiếp đó là năng lực tự sinh sống, phải có thói quen vệ sinh tốt, bởi vì sạch sẽ là cái gốc của khỏe mạnh, từ nhỏ đã ở dơ thì sức khỏe nhất định không thể nào tốt được, cho nên phải “Sáng rửa mặt – phải đánh răng – tiểu tiện xong – rửa tay sạch”.
Tiếp đó là năng lực làm việc phải tỉ mỉ, khi bạn làm tốt mọi việc, trên thực tế cũng là tôn trọng chính mình, cũng là tôn trọng người khác. “Mũ phải ngay – nút phải gài – vớ và giày – mang chỉnh tề”, làm việc phải bắt đầu từ những chi tiết nhỏ nhặt, nếu bạn ăn mặc tùy tiện, khi người khác giao lưu với bạn sẽ có cảm giác như thế nào? Hình như anh không tôn trọng tôi. Cho nên không tự tôn trọng mình là chuốc lấy hổ thẹn, một người không tôn trọng chính mình có thể sẽ chiêu cảm người khác hủy báng bạn, coi thường bạn, cho nên phải “tôn trọng mình sau đó mới được người tôn trọng, kính trọng mình sau đó mới được người kính trọng”. Phải cẩn trọng đối với dáng vẻ của mình. Có một lần tôi đi giảng, thời gian khá gấp gáp, tôi ở Hải Khẩu liền gọi “taxi ôm”, chắc mọi người chưa từng nghe qua từ này? Taxi ôm là cái gì? Chính là taxi xe máy, hay là xe ôm. Vừa ngồi lên liền mau chóng chạy tới trung tâm. Lúc tới nơi vẫn chưa trễ giờ, tôi còn khá vui vẻ, mau chóng bước vào phòng giảng. Sau khi giảng xong, tan học tôi bước vào nhà vệ sinh, vừa soi gương thì thấy tóc tôi đều dựng ngược lên, bởi vì ngồi xe máy bị gió thổi. Tôi nói với giáo viên trong trung tâm: sao không ai nhắc nhở tôi, tóc của tôi như thế này, hại tôi xấu mặt với mọi người hai tiếng đồng hồ. Có điều mọi người tới nghe giảng cũng rất tôn trọng tôi, ngại không nhắc tôi. Có điều mọi người nếu như nhìn thấy trên mặt người khác có gì đó thì nên nói với họ, bạn ngại không nói sẽ khiến họ sau này trở thành trò cười của người khác.
“Nón quần áo – để cố định – chớ để bừa – tránh dơ bẩn”, đây là năng lực tự sinh sống của con trẻ, không được khiến cuộc sống bừa bộn, điều này cũng khá quan trọng. Chúng ta thấy con trẻ hiện nay đừng nói là chăm sóc người khác, chính bản thân chúng còn rất bừa bộn. Có một số sinh viên, mỗi lần trở về nhà còn mang theo một bao đồ, một bao đồ gì? Quần áo, vừa bước vào cửa gặp cha mẹ đã tặng cho cha mẹ một đồng đồ dơ để giặt, còn có chuyện như này, vừa nghỉ hè xong, học sinh đem quần áo dơ vứt vào thùng rác, drap gường cũng vất đi, có lãng phí không? Đúng vậy, con trẻ nếu như có thói quen lãng phí như vậy, vậy thì dấu hiệu lụn bại trong đời này của chúng đã xuất hiện. Bởi vì bạn có thể kiếm nhiều tiền như vậy cho chúng, chính bản thân chúng có thể kiếm được nhiều tiền như vậy không? Có thể khá khó khăn. Cho nên chúng ta dạy bảo con trẻ, từ nhỏ phải để chúng tự mình giặt quần áo, rửa chén. Thực ra chúng vừa làm vừa cảm thấy rất vui vẻ, bởi vì chúng cảm thấy chúng biết làm, năng lực được nâng lên, có cảm giác thành tựu.
Có một em nhỏ đến lượt rửa chén, ở nhà chưa từng làm qua, sau khi nhìn thấy bồn chén thì em bỏ đi, không rửa. Thầy giáo làm thế nào? Thầy giáo cũng án binh bất động. Sau đó tới giờ ăn cơm, cơm nấu xong rồi, chén chưa rửa, thầy ngồi ở đó đợi rửa chén, em nhỏ này không còn cách nào khác, đành phải mau chóng đi rửa chén. Tiếp đó thầy nói với em; chúng ta sống trong đoàn thể, mỗi người đều có chuyện phải làm, nếu như em không rửa chén thì sẽ không có chén để dùng; nếu như thầy không nấu cơm thì em cũng sẽ không có cơm ăn. Cho nên phải tận tâm tận lực làm tốt chuyện mình nên làm. Từ nhỏ để chúng làm nhiều việc hơn, năng lực sinh sống cũng được nâng lên. Mà khi cuộc sống của một người không cần nhờ vào người khác, thì cuộc sống của họ rất tự tại, thoải mái. Nếu như chuyện nhỏ cũng không làm được, phải tìm người giúp đỡ, phải chi tiền, vậy thì cuộc sống sau này thường phải dựa dẫm vào người khác.
Sau cùng là năng lực làm việc, chúng ta xem trong chương Cẩn này có nhắc tới “Vén rèm cửa – chớ ra tiếng – rẽ quẹo rộng – chớ đụng góc”, làm việc không được gấp gáp. “Cầm vật rỗng – như vật đầy – vào phòng trống – như có người; Chớ làm vội – vội sai nhiều – không sợ khó – chớ qua loa”, đây là năng lực làm việc, chia thành ba phần để chúng ta thâm nhập nghiên cứu. Buổi học hôm nay của chúng ta tới đây thôi, cảm ơn mọi người.