BÁO CÁO TÂM ĐẮC TU HỌC TỪ LỚP HỌC ONLINE.
…Cho nên mình phải là một tấm gương tốt, biểu diễn cho mọi người thấy mình tu Đệ Tử Quy ra làm sao, mình niệm Phật là người Phật Tử tốt như thế nào, nhưng trên thực tế, nếu mà danh không đúng với thực chất, thì đây là nguồn gốc của tất cả những chướng nạn. Thí dụ, người ta nói mình là một người tốt, là một người thiện, thì có mấy khi mình giật mình nghĩ trở lại, mình có xứng đáng với lời khen đó hay không, mình có nghĩ mình là người tốt hay không…Con thấy 90% là mình đồng ý mình là người tốt, nhưng thật chất mình so sánh với tiêu chuẩn của Đức Phật dạy trong Kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo, không tham, không sân, không si, mới gọi là tốt. Nếu mình vẫn còn tham, sân, si, mạn, nghi, tà kiến…thì mình không phải là người tốt, mình vẫn còn cái bản ngã của mình, thì mình không phải là một người tốt. Mình chưa chứng Thánh quả, mình chưa phải là một người tốt, vì trong cái tốt của mình nó có phân biệt, có chấp trước, có phiền não, nó có nhùng nhằng ái dục trong đó, nó kéo người khác đi vào trong tam ác đạo, nó đẩy bản thân mình vào trong tham luyến ở lục đạo luân hồi…thì mình tốt để làm cái gì để rồi mình đọa lạc vào trong chính cái phước báo mình tạo ra.
Khi mình có một cuộc sống viên mãn như ý trong cuộc đời này, mình thấy mình là người tốt nhưng mà mình làm ác, mình đâu biết ác trong lúc mà mình đang hưởng phước…thí dụ cụ thể nhất là ăn thịt chúng sanh, tâm sợ được sợ mất khi có tài sản lớn, địa vị lớn…Cho nên đối với chữ “danh” khi mà mình chưa phải là một người tu tập có một công phu sâu dày tiệm cận với Thánh quả, chưa có nhìn thấu được sâu sắc, thì mình sẽ dính vào chữ ” danh”. Tu hành lúc nào cũng muốn có thân phận. Trong cuộc sống này của mình cũng vậy, mong cầu một cái thân phận trong gia đình, trong xã hội, trong một tập thể, trong một công ty và đặc biệt nếu mình đã có thân phận rồi…mình sẽ không dám từ bỏ thân phận đó, địa vị đó, chức vụ đó, vị trí đó để mình làm những chuyện ở vị trí, thân phận thấp hơn. Đó chính là nói mình đang dính vô chữ “danh lợi” rồi…
Cũng là từ sự báo cáo của Sư Huynh Cương, thì chúng ta thấy được Sư Huynh Cương buông bỏ được sự dính mắc vào chữ “danh” là làm chủ tiệm mười mấy năm gì đó, con cũng không biết Sư Huynh cắt tóc bao nhiêu năm, làm chủ được mười mấy hai chục năm gì đó. Cho nên cái tinh thần làm chủ nó có một cái mặt trái của nó, đó là mình không chịu khuất phục làm lính trước bất kỳ ai, có nghĩa cái tâm ngạo mạn của mình rất cao, làm chủ quen rồi, bây giờ đi làm lính, bị sai bảo thì không chịu đâu, đó là mình nói rõ, nhìn thẳng vô trong cái bản chất của mình: Đã làm chủ rồi, thì bây giờ đi làm thuê cho người ta, phải chịu sự sai bảo của người khác, theo quy định của người khác đặt ra áp đặt cho công việc của mình, phải làm cái này, phải làm cái kia, phải đạt được, phải chịu mắng, phải chịu chửi, phải bị la, phải bị rầy khi mà trái ý chủ……mình có làm được không? Hay là mình làm chủ, mình sai bảo người khác quen rồi?
Cho nên cái tâm lý làm chủ, muốn làm chủ, nó có cái mặt trái trên bước đường tu hành, đặc biệt khi làm chủ rồi lại còn có lính lác ở phía dưới, mỗi ngày mình được tung hô “Dạ thưa Giám đốc, dạ thưa Sếp, dạ thưa Thầy, dạ thưa Cô”, ai ai cũng nói những lời nói kính trọng đối với mình thì mình tổn phước mất rồi mà đâu có biết. Mình đã đổi cái phước đức của mình thành cái danh tiếng, là vị trí Giám đốc, vị trí lãnh đạo, vị trí làm Thầy, vị trí làm Cô được mọi người cung kính. Còn bây giờ nếu người ta sai bảo mình, người ta bắt: “Ê thằng kia, giờ làm cái này dùm tao coi”…giờ họ xưng hô với mình vậy đó, mình chịu nổi không. Hôm qua hôm kia còn được kêu Thầy, kêu Cô, kêu ông, kêu bà, kêu giám đốc, kêu Sếp, hôm nay kêu thằng này thằng nọ, con này con kia, phục vụ bàn hay chạy tới chạy lui, bưng bê cái này bưng bê cái kia, ánh mắt mọi người nhìn mình khác, thì mình sống sao nổi trời…
Mình niệm Phật kiểu gì, khi mình sống trong cái ánh mắt mà người ta coi thường mình. Đó là thực tế mà nếu mình không có trải nghiệm thì công phu niệm Phật của mình chỉ trên lý thuyết, vì mình vẫn bị bám chặt vào cái danh suốt bao nhiêu năm nay không tháo gỡ ra được, nô lệ vào nó mà mình không có cách chi mình thoát ra được, mà mình cứ nghĩ là mình không dính mắc, con nói dính đầy hết. Sư Huynh Cương phải chiến đấu mấy năm trời mới buông bỏ được ý niệm, tại vì thuận tiện quá, làm chủ quá thuận tiện, cho nên một phần mình không khiêm tốn, không cung kính đối với người khác được, là do mình có cái danh. Mình mới thấy là mình tu đức khiêm tốn mà không ai cảm nhận được, hoặc là mình cảm thấy cái khiêm tốn của mình nó chỉ là hời hợt bên ngoài, nó chỉ là biểu diễn thôi. Vì thực chất mình đang dính vô cái danh thì làm sao mình thật sự khiêm tốn được chứ…
Chứ còn tu hành mà cứ thích ngồi ghế trên không à, ngồi mát ăn bát vàng, thì tới bao giờ mới vãng sanh về Cực Lạc Thế Giới, không thể được, mình không có cửa vãng sanh Cực Lạc Thế Giới, vì thật ra mình ngồi ở đây vẫn thích hơn, dạ có danh có phận đang thích thú như thế này thì làm sao muốn đi, làm sao niệm Phật được đắc lực. Cho nên, dù Ngài nói ở đây hãy suy nghĩ thật kỹ đạo lý ẩn sâu trong đó, con thì con cứ nói huỵch toẹt ra như vậy, chứ bây giờ ẩn ẩn sâu sâu rồi suy nghĩ kỹ không biết chừng nào mới ra được. Tại vì Ân Sư không muốn nói thẳng là: “Mấy quý vị học Phật, quý vị đang dính vô danh hết trơn, mang tiếng là Phật tử học Phật, vậy chứ đối với cái “danh” có buông được đâu mà muốn cầu vãng sanh Cực Lạc Thế Giới?”
Không có công phu thực chất, không thể vãng sanh. Đó chính là nhìn thấu, buông bỏ mà Ân Sư nhắc rất nhiều ở trong bài giảng thập thiện mà chúng ta đang học, là thuộc về ba môn căn bản của căn bản, “Tứ Niệm Xứ, Tứ Chánh Cần, Tứ Như Ý Túc”. Cho nên nếu mà tu hành không bị mắng chửi thì không thể thành tựu, tại vì tu hành mà suốt ngày cứ được khen không là chết rồi, con nói thiệt là chết chắc, phàm phu không thể nào vượt lên được cái bản ngã của mình nếu không bị mắng chửi. Cho nên mỗi lần mà mình bị mắng chửi mình phải mừng lớn, vì đây chính là cái cơ hội để cho mình tiêu trừ đi cái bản ngã của mình, mà mình phải nhìn cho đúng, cho thật về cái đạo lý nhân quả trong cái chuyện mắng chửi này, thấy rõ cái lỗi lầm của mình để mà mình tiếp thu, chứ không phải chỉ đơn giản là người ta mắng mình vậy là mình tiêu được nghiệp, mình mừng quá, nhưng mà mình không thấy cái sai của mình trong đó thì cũng như không.
Dạ vâng, A Mi Đà Phật…thì con cũng xin phép được báo cáo một số ý kiến cá nhân của con đối với bài học ngày hôm nay, để cho các Huynh Đệ Tỷ Muội mình tham khảo. Dạ nếu con có chỗ nào báo cáo không có được đúng đắn, hay là chưa rõ, mong các Huynh Đệ Tỷ Muội góp ý thêm giúp cho con ạ.
NAM MÔ A MI ĐÀ PHẬT.