BÁO CÁO TÂM ĐẮC TU HỌC TỪ LỚP HỌC ONLINE.
…Kính người thường được người kính, thương người thường được người thương, giúp người thường được người giúp lại. Từ trong đây, sẽ nảy sinh ra tình cảm tốt đẹp giữa người với người. Đối với thế gian, đây là việc tốt, nhưng mà đối với người học Phật, cầu giải thoát thì đến một lúc nào đó đây chính là chướng ngại, mà cần phải buông bỏ. Do xung quanh mình có nhiều người thương mình, nhiều người tốt với mình quá, đâm ra mình không nỡ rời xa, không muốn về với Phật A Mi Đà.
Một mặt mình niệm Phật, một mặt mình cũng nhớ con, nhớ cháu, nhớ chồng, nhớ ba, nhớ mẹ, nhớ anh, nhớ chị, nhớ bạn, nhớ đủ thứ người, thậm chí có thể còn nhớ đến con chó, con mèo. Và khi không gặp thì lại buồn, cái buồn man mác đó không giải thích được, và đến lúc gặp họ thì vui, và cũng không niệm Phật được, buồn cũng không niệm được, vui cũng không niệm được, nhớ cũng không niệm được, thì đây chính là tái phạm lỗi cũ, cái lỗi này chính là do dính vô chữ Ái.
Đây là cái lỗi lầm rất là cũ, cũ không phải là nói trong đời này, mà từ vô lượng kiếp cho tới nay, và thường tái phạm lỗi này. Cho nên “ái bất trọng bất sanh ta bà”, cái ái mình mà không nặng thì mình đâu sanh ở đây. Mình sanh ở đây là do cái ái mình nặng, cho nên ái chính là cái lỗi cũ, mà mình chưa thể buông được, dù cũng nhiều đời nhiều kiếp học Phật, niệm Phật, cầu sanh Cực Lạc.
Nhưng mà vẫn vì cái này, mà mình chưa thể vãng sanh. Những cách nói như thế này, chỉ là dành cho người học Phật, niệm Phật cầu giải thoát thì mới đề cập, còn như cách nói này mà nói ra thế gian thông thường thì mọi người không thể tiếp nhận được. Cho nên chỗ này, chính là chỗ mình phải phản tỉnh ra chính mình, rốt cuộc mình có muốn về với Đức Phật A Mi Đà hay không, hay là mình vẫn muốn dây dưa dính mắc, ân tình thế thái với thế gian này.
Mà người ta có thương mình cách mấy, người ta cũng đâu thể đi theo mình, muôn đời muôn kiếp được, tiễn mình được tới lúc nào, tới lúc vào hỏa táng rồi thôi họ cũng về, họ cũng lo chuyện của họ, họ cũng phải lo con đường sinh sống của họ, lo cho cuộc đời của họ, 2 năm sau, 3 năm sau, họ nhớ đến mình cũng thở dài một phát, ngày giỗ qua cắm cây nhang. Đến 10 năm sau, 20 năm sau, 30 năm sau thì có thể quên hẳn rồi. Cho đến khi họ nhắm mắt xuôi tay thì họ cũng đi đường của họ , mình thì cũng đã đi đường của mình, biết bao giờ mới gặp nhau, mà gặp lại cũng chả có thể nhớ tới nhau được, thân phận khác rồi, thế thì cái ái này chính là vô minh.
Cho nên, đời này làm cha, thì đời sau làm chồng, đời này làm bà, đời sau thì đi làm vợ. Trong Phật giáo, chúng ta cũng được nghe về sự dính mắt này, đầu thai chuyển kiếp. Người bà thương đứa cháu trai mình quá, thương nó còn nhỏ, cứ nghĩ là không có ai chăm sóc. Các bà hay vậy lắm, thương cháu còn nhỏ không có ai chăm sóc, trong khi nó còn bố mẹ, ngay đó mà kêu là không ai chăm sóc, bà tham, tham chăm sóc, tham chơi với con, thích chơi với cháu.
Cho nên lúc bây giờ phải ra đi, cho nên người bà này, mới phát ra một cái suy nghĩ là bây giờ làm sao phải tiếp tục chăm sóc cho đứa cháu này, thì cái suy nghĩ đó kéo bà đi đầu thai vào ngôi nhà trong cái làng đó, thành một cô gái. Sau này cô gái đó lớn lên, kết duyên với đứa cháu này, làm vợ của đứa cháu này, để chăm sóc cho nó. Đúng như cái nguyện của bà, có nghĩa từ bà chuyển xuống thành vợ, cái này chính là sự thật luân hồi.
Cho nên nếu mà nhìn ở góc độ thế gian và Phật pháp kết hợp lại, thì thấy là chuyện này không thể nào. Nếu mình là một người có thiên nhãn, đứa cháu này cũng có thiên nhãn, thì đâu dám kết hợp với người con gái kia, vì tiền kiếp đó chính là bà của mình, làm sao mà có thể ăn nằm được với bà mình. Nhưng mà chuyển thế thì thôi, không còn nhớ gì hết, lại đi theo cái ái dục, mà lại có sự kết hợp.
Và như vậy mình cứ lẩn quẩn, lẩn quẩn hết đời này gặp người kia sanh khởi niệm ái lại kết hợp, cứ từng đời, từng đời như vậy, rồi khổ, chưa từng gián đoạn, trong ái là có khổ, vợ chồng cãi nhau, đánh nhau mình thấy rất nhiều, đối xử với nhau rất tệ bạc mà vẫn yêu, vẫn đẻ, thấy hoài, vẫn không rời xa được, là do cái ái dục, thế mà mình vẫn chưa giác ngộ à.? Mình vẫn ham muốn, vẫn muốn khống chế người khác, để mà mình thỏa mãn cái cảm xúc của mình, đó là thương và được thương và được sở hữu.
Cho nên chỗ này Ân Sư nói, nói bóng nói gió thì sẽ không hiểu, phải nói thẳng nói thật, cho dù lời nói khó nghe, nghe có vẻ cạn tình. Nhưng mà mình muốn cầu giải thoát, muốn về với Đức Phật A Mi Đà thì phải nói thẳng như vậy, nói thẳng vô đúng cái chỗ mà mình đang bị dính mắc, thì mình mới may ra mình giác ngộ mình mới chịu buông. Còn nói mé mé, nói gợi ý, mình không thấy mình ở trong đó, mình không chịu sửa, mình không chịu buông.
Cho nên chỗ này, tái phạm lỗi cũ, ý nghĩa rất là sâu sắc, mỗi người đều có những lỗi cũ, mà trong đó con thấy chữ ái là cái lối mòn mà con người của mình, học Phật rồi mà vẫn bị dính mắc, vẫn không buông xuống được. Ái không được thì sân, cũng từ đó mà ra. Mình thương con, thương cháu, bây giờ mình muốn điều tốt cho nó. Nói điều tốt lẽ phải cho nó nghe, muốn nó phải thế này thế kia, mà đi ngược lại ý của nó, nó lại muốn điều khác, thì mình lại buồn lại bực, thì đó chính là biểu lộ của sân. Sân vì không thể nào điều khiển được người khác theo ý của mình. Mình còn điều khiển người khác theo ý của mình thì mình vui, thì mình lại bị lệ thuộc, lại bị dính mắc vô cái cảm xúc đó, thì trong tâm mình niệm Phật sẽ rất hời hợt, cái chí nguyện mà cầu vãng sanh của mình đó, sẽ rất là mờ nhạt, không có chân thật, vì mình chưa muốn đi, vì ở đây vẫn còn nhiều thứ rất tốt đẹp.
Cho nên Ngài Hải Hiền, cho dù là Ngài không biết chữ, nhưng mà những gì mà Ngài nói ra đều rất là lợi lạc cho chúng ta. Các con ở đây, ăn sung mặc sướng, mọi thứ hưởng thụ , đều được như ý thì đâu còn muốn về Tây Phương nữa. Mọi thứ đều được như ý, thì đâu còn muốn về Tây Phương, đây là sự thật. Đều được việc như ý, đều gặp người như ý, thì đây là muốn những gì, đây là quyến thuộc của mình, đây là người thân thiết của mình, thôi mình ở đây với họ chứ mình đi đâu.
Chăm sóc lẫn nhau, hỗ trợ lẫn nhau, đời đời kiếp kiếp ở bên nhau, thế thì cơ hội vãng sanh của mình sẽ không còn. Mà thật ra như vậy là mình hại nhau, chứ mình không có thương nhau. Vì cùng nhau tăng trưởng cái niệm ái này, thì đối với cái đạo giải thoát của Như Lai cũng chẳng thế nào mình tiếp nhận, cho dù kinh sách trong nhà có rất là nhiều. Máy niệm Phật cũng ra rả bên tai, mà nghe như không nghe. Cho nên Ân Sư mới nói là: “cái thuận cảnh đào thải người niệm Phật còn ghê gớm hơn không biết bao nhiêu lần so với nghịch cảnh”.
Vì vậy, con mới nói các sư muội ở ngoài Bắc đó, cũng may khi mà có một người chồng đối xử với mình, gọi là nhạt nhẽo, bội bạc, chứ mà chồng mình cưng mình như cưng trứng, phút phút giây giây không rời thì mình khỏi niệm Phật, khỏi tu luôn. Con cái cũng vậy, cứ phút phút giây giây không rời, thì mình cũng khỏi niệm Phật, khỏi tu luôn. Đối với cháu cũng vậy, thì xung quanh mình thấy có rất nhiều các thế lực. Con dùng từ có thế lực vậy cho vui, đó lúc chồng, lúc vợ, lúc con, lúc cháu, lúc ba, lúc mẹ, cứ tác động xung quanh mình.
Và làm đủ trò cho mình vui, cái gì cũng vui hết, thì mình còn thời gian đâu mà mình nhớ đến Phật A Mi Đà. Đang vui thế này, con xin lỗi A Mi Đà Phật con vui một tí, khi nào con hết vui rồi con niệm Phật. Vì vậy Ân Sư mới nói là, nếu bạn mà cứ nhớ Phật tùy tiện, thì bạn chả thế nào vãng sanh. Tùy tiện có nghĩa là khi nào thích thì nhớ, không thích thì thôi. Tại vì mình đang có một cái thích khác, thì mình sẽ không nhớ tới A Mi Đà Phật. Khi nào cái thích của mình đó, nó được thỏa mãn xong xuôi hết rồi, sướng rồi, đã đời rồi, thì bây giờ bắt đầu niệm Phật đây, tinh tấn đây. Cái đó chính là tùy tiện niệm Phật, thì mình làm sao mà mình phát ra cái tâm chân thành nguyện vãng sanh Cực Lạc được?
Cho nên mình cứ nói thiệt với nhau như vậy, để mình nhìn vô cái cơ hội vãng sanh mình nắm được bao nhiêu phần. Mình thấy mình mà tùy tiện niệm Phật như vậy, mình khó vãng sanh lắm. Một người vãng sanh được, là phải chân thật buông xả vạn duyên. Trong tâm không hề có một hình ảnh của bất kì ai, ngoài A Mi Đà Phật. Còn bên ngoài người nào có đến người nào có gặp cũng đều là A Mi Đà Phật, lịch sự tiếp đãi đúng theo bổn phận, thân phận của mình. Nhưng mà trong tâm không hề dính mắc, đây là cái người có chí hướng muốn vãng sanh Cực Lạc, mà vẫn không làm cho người khác phiền muộn.
Vì họ tiếp đãi người khác cũng đúng theo bổn phận, đây chính là cái chỗ hòa hợp, hòa hợp nhưng mà không hòa tan. Làm sao mà mình tu ra được cái này, là mình thành công, tâm mình chưa từng rời khỏi thế giới Cực Lạc, tới A Mi Đà Phật, bên ngoài thì vẫn hòa hợp với mọi người, vui vẻ, không khác gì với mọi người, người ta khóc mình cũng khóc, người ta cười mình cũng cười, nhưng mà trong tâm mình A Mi Đà Phật.
Con biết hết, người đến người đi không luyến tiếc, không bao giờ có ý muốn là chủ động là phải đến với ai, vui với người này, vui với người kia, đều ở trong tình thế bị động, làm cái bổn phận của mình thôi. Thì như vậy, mình mới có thể thay đổi được cái cách suy nghĩ, tư tưởng của mình, mình sẽ không dính vào cái chứ ái nữa, thì mình mới có thể nắm chắc được phần vãng sanh.
Nên đây là cái chỗ phải hiểu cho thấu triệt, thì khi cảnh giới có hiện tiền thì mình mới xoay chuyển được. Còn không, khi cảnh giới hiện tiền, chồng đến, vợ đến, con đến, cháu đến, bạn bè đến, con chó nó đến nó ngoắc đuôi, mình đều không xoay chuyển được, mình đều bị cảnh xoay chuyển, đều mủi lòng, đều khóc, đều thương, đều động tâm hết, thì người này muốn vãng sanh vô cùng khó . Ngài nói là tạo nghiệp trùng trùng, khởi tâm động niệm, lời nói việc làm đều bị tạo nghiệp, đều dựa trên cái thích và không thích, thương và không thương. Như vậy làm sao được?
Cho nên đối với những người thân của mình, có cái duyên đối với Phật pháp thì mình cũng không sợ đắc tội, để mà chia sẽ giải bày những cái điểm như vậy. Mặc dù hơi khó nghe, nhưng lại rất hữu ích đối với họ. Đặc biệt là đối với những người thân mà có chữ ái nặng, mà đang niệm Phật cầu sanh Cực Lạc, mình phải làm sao ôn hòa, nhắn nhủ, khuyên nhủ, để khi tới lúc lâm chung họ có thể toàn tâm toàn ý, họ niệm câu A Mi Đà Phật, mà muốn lúc lâm chung toàn tâm toàn ý niệm câu A Mi Đà Phật, thì phải xem cái thời khắc hiện tại là lúc lâm chung.
Phải toàn tâm toàn ý niệm câu A Mi Đà Phật. Chứ không phải đợi tới lúc lâm chung mình mới chịu buông, thì con sợ là buông không kịp, buông không được luôn chứ. Tại vì mình chư từng buông thì làm sao mình dám buông. Cái gì mình nắm quá chặt quá sâu, mình chưa từng buông, mà mình cứ nghĩ là để tới lúc lâm chung mình buông. Thì con nói thiệt, mình buông không được, mình phải thực hành chuyện buông này trước, ngay trong giây phút hiện tại, để mình đặt trọn vẹn câu A Mi Đà Phật cầu sanh Cực Lạc, thì mình buông 100%, ngày hôm nay mình buông nè.
Bây giờ mình học Phật xong tiếp xúc với người này người kia, y như ngày hôm qua thôi không khác, chồng đến, con đến, vợ, cháu đến, bạn bè đến thăm, là mình buông, buông không phải là “.. thôi thôi, tôi không tiếp khách đâu nha, để tôi quay vô vách tôi niệm Phật..” Dạ không, vẫn tiếp, vẫn cười, vẫn vui nhưng mà trong tâm mình, cái cảm xúc đó, mình nắm được cho chắc, cảm xúc mà nó đang dâng trào, hay như thế nào là mình biết liền, là A Mi Đà Phật liền, A Mi Đà Phật liền, thì đó là mình chịu buông, là mình đang thực hành chuyện buông chữ ái đó ngay trong tâm mình. Nên mình phải thực hành, chớ mình đừng đợi tới lúc lâm chung mình mới chịu buông, thì con nghĩ cái đó là cái sai lầm lớn nhất của mình. Phải xem thời khắc hiện tại là lúc lâm chung.
NAM MÔ A MI ĐÀ PHẬT.